sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Mẹ Ơi! - Phần 03 - End

Chuyện cổ tích của mẹ

Hồi nhỏ ở quê, nhà tôi nhìn ra con sông và cánh đồng nên tôi thấy cả bầu trời trưa hè xanh trong, về đêm nhìn được hàng tỷ ngôi sao nhấp nháy.

Tôi được tận hưởng những nét đẹp đơn sơ nhưng ngộ nghĩnh của thiên nhiên, lớn lên được hiểu thêm về những hiện tượng xảy ra trên bầu trời không giống như chuyện cổ tích của Mẹ.

Ngày xửa ngày xưa...

Mẹ thường kể chuyện cổ tích cho tôi nghe ở khoảng sân trước nhà, lúc xế chiều hay đêm trăng sáng. Kể xong, Mẹ thường nói:

- Chỉ là chuyện cổ tích thôi nghen con. Không giống ngoài đời...

Tôi nhớ mãi chuyện chiếc cầu vồng trên bầu trời và chuyện cổ tích sao Hôm - sao Mai.

Trong chuyện cổ tích, chiếc cầu vồng rực rỡ trên bầu trời là nơi gặp gỡ của các nàng Tiên vui đùa, tắm mát rồi bay về trời lúc hoàng hôn, trước khi chiếc cầu ánh sáng biến mất.

Sao Hôm và sao Mai là đôi vợ chồng người Tiên - kẻ Tục sống xa nhau không thể nào gặp mặt. Một người hiện ra lúc chiều tà, người kia có mặt lúc ban mai. Lại có đứa con trai hóa thân làm chiếc đòn gánh giữa trời (Cầu vồng chăng?) trông Cha, ngóng Mẹ.

Hiện tượng thiên nhiên mà tôi quan sát được là sau cơn mưa, nắng ửng lên và trên bầu trời xuất hiện một dãy ánh sáng nhiều màu sặc sỡ, cong cong như chiếc cầu bắc ngang những đám mây còn sũng ướt.

Thầy giáo tôi dạy môn Vật lý giải thích: “Cầu vồng là hiện tượng ánh sáng mặt trời khuếch tán lên bầu trời và chỉ xảy ra ban ngày, sau một cơn mưa”.

Xế chiều, lúc mặt trời lặn, tôi thường thấy ở phía Tây một ngôi sao tỏa sáng trên nền trời. Ðó là sao Hôm. Lúc hừng đông, ở phía Ðông có một ngôi sao giống như vậy rực sáng cho đến lúc mặt trời lên. Ðó là sao Mai. Trông hai vì sao ấy giống như hai vợ chồng xa cách không bao giờ gặp lại.

Trong thực tế, hai ngôi sao đó chỉ là một. Sao Hôm, tức là sao Mai. Thầy tôi dạy: “Tên khoa học của sao Hôm - sao Mai là sao Kim, ngôi sao gần mặt trời nhứt so với những hành tinh khác trong hệ mặt trời.”

Sau này học nhiều hơn, đi đâu, ở đâu, hễ thấy sao Mai ló dạng phía trời Ðông, thấy chiếc cầu vồng hiện ra sau cơn mưa là tôi nhớ Mẹ, nhớ quê và không bao giờ quên lời thầy giải thích về các hiện tượng thiên nhiên này.

Trời mưa từ đâu?

Thì mưa từ trên trời mưa xuống. Có cơn mưa nào không theo quy luật thiên nhiên đó? Bạn có cười tôi vì câu hỏi ngớ ngẩn nầy không?

Trời mưa làm cây cối xanh tươi, làm mọi người thấy khỏe khoắn ra. Bọn trẻ tắm mưa, nghịch nước. Người lớn hứng nước đầy lu khạp trong nhà rồi mặc cho nước mưa chảy tràn ra sân, ra rạch.

Nhưng câu nói mà ta thường nghe “Mưa từ trên cao mưa xuống” lại bao hàm ý nghĩa khác. Ðó là tình thương của ông bà, cha mẹ dành cho con, cho cháu như quy luật tự nhiên bất di bất dịch, đời nầy sang đời khác.

Cha mẹ sinh ra ta, dành hết tình thương cho ta, lo từng miếng ăn giấc ngủ, lo cho đến lúc nên người...

Rồi thì ta lập gia đình, có con, mưa vẫn từ trên cao mưa xuống! Cha mẹ ta lại lo cho các cháu hơn cả ta lo cho con...

Bạn là đứa con hiếu thảo. Bạn hết lòng thương yêu cha mẹ. Nhưng sự yêu thương, quan tâm chăm sóc, cha mẹ không thể nào bằng cha mẹ từng yêu thương, chăm sóc ta, lo lắng cho ta.

Tôi đọc được trong sách câu nầy, thấy rất đúng:

Cha mẹ yêu con là vô hạn.

Con yêu cha mẹ là có hạn.

Con ốm cha mẹ buồn lo, cha mẹ ốm con đến hỏi vài câu, mua thuốc hay đưa đi khám bệnh là cảm thấy đủ rồi.

Bạn ơi! Ðừng nghĩ như vậy nhé, đừng làm như vậy nhé! Ngay ngày hôm nay, hãy thương yêu cha mẹ nhiều hơn, hãy quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn ngày hôm qua, ngày hôm kia bạn nhé.

Ngoài trời vẫn còn mưa. Dù cơn mưa lớn hay trận mưa rào thì nước mưa vẫn rơi từ trên trời xanh xuống đất.

Cha mẹ còn đó thì mãi mãi ta vẫn là đứa trẻ trong mắt cha mẹ. Họ luôn thương yêu ta, chăm sóc ta từng miếng ăn, giấc ngủ.

Còn ta, bổn phận là con thì sao? Làm gì để báo đáp tình thương yêu đó?

Mong được về ngủ bên chân mẹ

Còn tôi, mỗi lần Tết đến Xuân về; lòng tôi nhớ Mẹ vô cùng. Tôi nhớ Mẹ và những ngày thơ ấu của tôi được bình yên sống vui bên tình thương của Mẹ

Mẹ ở quê, tôi ở thành thị.

Mẹ về quê sống vì Mẹ nhớ quê? Mẹ thích cảnh vật yên tĩnh, không khí trong lành?

Tôi cũng nhớ quê, nhớ con sông, cánh đồng; nhớ những hàng cây sao, cây dầu trong thị xã; nhớ con đường hàng me có lá me non xanh những ngày đầu mùa mưa đến.

Nhưng tôi không về quê được, không sống gần Mẹ được! Cuộc sống, công việc giữ ch tôi ở thành thị với bao lo toan, cực nhọc, mệt người, mệt cả trí óc.

Tôi không có được cuộc sống thảnh thơi và cũng không nặng niềm nhớ thương như Mẹ.

Ở quê Mẹ nhớ tôi, mong thư tôi, mong tôi về. Ở thành thị, tôi ít khi nhớ Mẹ vì công việc chen ngang nỗi nhớ, lâu lâu tôi thu xếp thời gian về thăm Mẹ đôi ngày, rồi lại hối hả trở về thành thị...

Có lẽ bạn sẽ nói là tôi đang tự biện hộ cho mình về cái “tội” ít về thăm Mẹ? Ðúng, mà không đúng. Ðúng vì tôi bận rộn, và không đúng vì tôi là con mà không thường xuyên ở gần bên Mẹ, tôi bỏ Mẹ sống một mình!

Ngày Tết, dù rất muốn về với Mẹ để đón Giao thừa, để cùng Mẹ rước ông Bà, để được đón trong đêm trừ tịch làn gió nhẹ, hương hoa mới nở... nhưng tôi cũng không về được!

Giáp Tết tôi về thăm Mẹ, chỉ ở với Mẹ một ngày, rồi lại lên xe về thành phố. Bánh mứt, sữa, đường và cả báo Xuân tôi mang về biếu Mẹ liệu có làm Mẹ vui?

Trước nhà, Mẹ có trồng hai nhánh mai, trong vài năm đã thành cây mai nhỏ với nhiều nhánh lá trổ bông vàng rực.

Ngày Tết, Mẹ chăm sóc cành lá, tưới một ít nước vào gốc mai và thường đứng một mình ở đó nhớ con, thương cháu!

Nhớ Mẹ, tôi làm thơ về Mẹ:

Mẹ ở quê nhà xa lắc

Vàm sông mây nước lao xao

Sóng bạc nhuộm màu tóc bạc

Tóc bạc nhuộm màu thời gian

Con ở phố phường to toan

Quẩn quanh bao chuyện cơm áo

Giao thừa nhà ai đốt pháo

Khói nồng con mắt cay cay!

Hai câu trong bài hát của một nhạc sĩ - có lẽ cũng còn Mẹ như tôi và Mẹ anh cũng đã già - làm tôi lo lắng xa xôi:

Mỗi mùa Xuân sang, Mẹ tôi già thêm một tuổi - Mỗi mùa Xuân sang, ngày tôi xa Mẹ càng gần..

Nhìn Mẹ già đi theo năm tháng, tôi thấy lo. Có lần nằm mơ thấy Mẹ. Thức dậy tôi nuối tiếc vô cùng. Rồi tự hỏi: Sao Mẹ không la rầy mình lâu không về thăm Mẹ

Trong mơ, Mẹ cười hiền từ rồi ôm tôi vào lòng. Tôi sung sướng nhắm mắt lại mà quên hôn Mẹ!

Tôi mong một lúc nào đó được về với Mẹ, len lén đi vào nhà, bật nhẹ nhàng chiếc ghế bố xếp, rồi nằm ngủ dưới chân Mẹ bên chiếc giường xưa.

Tôi sẽ là thằng trẻ nít vô tư, rũ bỏ mọi lo nghĩ trong đời, ngủ một giấc ngon lành bên chân Mẹ!

Nhưng...

Tôi không còn cơ hội đó nữa!

Mẹ già như trái chín cây

Gió đưa Mẹ rụng...

... CON THÌ MỒ CÔI!!

Cho đến lúc đó tôi vẫn chưa cảm nhận được tâm trạng của một đứa trẻ mồ côi, bởi vì tôi vẫn còn Mẹ! Nhưng cảm nghĩ về một ngày nào đó Mẹ sẽ đi xa, đã bắt đầu hiện ra trong lòng tôi:

Ngày tôi xa Mẹ càng gần...

Mẹ trở bệnh hơn tháng nay, sức khỏe héo mòn, tuổi già bóng xế. Mẹ nằm đó, im lìm, hơi thở nhẹ, mắt nhắm nghiền...

Con cháu có mặt quanh Mẹ mà sao Mẹ không vui, không cười; không vuốt ve, không la rầy ai hết? Gương mặt Mẹ không hồng hào như trước, sự sống đang dần chuyển khỏi thân xác Mẹ.

Mùa Vu Lan đã đến.

Tiếng chuông chùa công phu buổi sáng ngân nga.

Làn gió ban mai lành lạnh đã rước Mẹ tôi đi rồi...

Giọt nước mắt chảy tràn qua khóe. Tôi khóc Mẹ lặng thầm!

Từ giây phút này, tôi biết thế nào là đứa trẻ mồ côi!

Không còn bông hồng đỏ

Mẹ tôi mất đã ba năm...

Ngày Mẹ mất, cơn gió hiền hòa không còn thổi nữa.

Mẹ ra đi, cánh đồng xanh mênh mông bỗng ngả màu vàng.

Mẹ không còn, bầu trời hiu hắt, con đường quê sũng ướt trong mưa...

Ðưa Mẹ ra gò đất cao bên cánh đồng làng, chiếc bình hương tro tàn, đốm lửa đỏ, đôi mắt tôi cay sè.

Thắp thêm mấy nén hương như muốn giữ Mẹ lại lâu hơn, nhưng tôi biết không thể nào giữ được.

Mẹ nằm đây rồi trở về cát bụi. Linh hồn Mẹ từ đây theo mây,

theo gió...

Hàng năm, đến mùa Vu Lan, tôi không còn cài bông hồng đỏ.

Bông hồng và niềm tự hào còn Mẹ... đã xa tôi.

Tôi thắp hương rồi mủi lòng.

Trong tay bông hồng trắng.

Viết nhân ngày giỗ Mẹ

Diệp Hồng Phương

Nghĩ về mẹ

Công Cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ Mẹ, kính Cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

(Ca dao)

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi

Khó đi, Mẹ dắt con đi

Con đi trường học, Mẹ đi trường đời

(Ca dao)

Mẹ già thì vẫn như xưa

Vẫn là bến đỗ, trời mưa, sông dài

(Thơ của Thang Hođi Oanh)

Mẹ già như chuối Ba Hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau

(Ca dao)

Công cha - Nghĩa mẹ

Đi khắp thế gian

Không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời

Không ai khổ bằng cha

Nước biển mênh mông

Không đong đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng

Không phủ kín công cha

Tần tảo sớm hôm

Mẹ nuôi con khôn lớn

Mang cả tấm thân gầy

Cha che chở cho con

Ai còn mẹ

Xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn

Lên mắt mẹ nghe không!

(Lời dạy của Đức Phật)

Từ lúc sinh ra cho đến bây giờ, có bao giờ bạn thắc mắc về Mẹ không? Bạn có biết được định nghĩa về người Mẹ như thế nào không? Có một định nghĩa rất hay, như sau:

MẸ là từ viết tắt của 6 từ

M.O.T.H.E.R có nghĩa là:

M: Million là hàng triệu điều mẹ trao cho con

O: Old nghĩa là mẹ sẽ vì thế mà ngày càng già đi

T: Tears là những giọt nuớc mắt mẹ đã đổ vì con

H: Heart là trái tim của mẹ

E: Eyes là đôi mắt mẹ luôn dõi theo con

R: Right là những gì đúng đắn mẹ hay khuyên bảo.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx