sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

20 Tuổi Mình Không Thể Chịu Thua Căn Bệnh Quái Ác Này

NGÃ TRONG NHÀ VỆ SINH

Mẹ mua cho mình bánh kẹo, nhưng mình chẳng còn sức để ăn. Mình đã nằm bẹp gí cả ngày trời. Nằm mãi chẳng tốt chút nào, mình thử tập cơ bụng, nhưng chỉ làm được có một cái.

Ngày mai là bắt đầu vào kỳ nghỉ hè. Mẹ nhắc nhở các em mình không nên đòi ra ngoài cùng một lúc, để đảm bảo rằng luôn có người ở nhà. Thực xin lỗi vì đã làm phiền mọi người. Aya sẽ cố khỏe hơn, mọi người đừng giận Aya nhé!

Mỗi khi mình vào nhà vệ sinh thì phải có mẹ hoặc Ako đi cùng. Họ giúp mình kéo quần rồi đỡ mình ngồi vào bồn cầu. Rồi sau đó họ chờ mình ở bên ngoài. Một hôm, mình vẹo người sang một bên và lảo đảo ngã, uỳnh một cái rõ to. Không để ý là bị thương ở đầu nữa, nhưng tay mình thấy chảy máu. Sau đó mình bất tỉnh. Một lúc sau, khi định thần tỉnh dậy, mình đã nằm trên giường. Vừa mở mắt ra thì thấy khuôn mặt mẹ và các em đang lo âu nhìn mình. Rồi mình lại ngủ thiếp đi.

“Con bị hạ huyết áp nên mới mất thăng bằng. Không có gì đáng lo đâu, con ngủ đi cho khỏe.” Mình nghe tiếng mẹ như vọng từ phía xa.

Sau lần dó, bố mẹ cho lắp một cái bệ xí bằng thép chắc chắn nặng đến hơn bảy cân. Họ mua nó từ cửa hàng chuyên bán các thiết bị y tế dành cho người tàn tật tại Nagoya. Họ còn mua thêm cho mình một cái thảm lót, để mình không bị lở loét do nằm đệm nhiều quá, cả một tấm ga trải để thảm không bị bẩn. Mẹ đặt trong tầm với của mình một cái bàn nhỏ có đầy đủ dụng cụ bút và giấy viết, gôm tẩy... chưa kể một chiếc chuông nhỏ có tiếng rất to được đặt sẵn trên bàn.

Một ngày trôi qua với hơn nửa ngày là mình ngủ li bì. Vì sợ thức ăn vô tình bị xộc lên đường hô hấp nên mỗi bữa mình chỉ ăn được một chút mà thôi. Mình ăn chậm đến mức bữa sáng vừa xong thì chỉ sau một tiếng đã đến giờ ăn trưa. Ăn rồi ngủ, sau đó đi vệ sinh, cứ như thế là hết một ngày. Đã thế, lúc nào mình cũng cần có sự giúp đỡ từ người khác. Có lẽ cuộc sống của mình chỉ thiếu một bước nữa thôi là chẳng thể ở nhà được nữa rồi. Mình phải cố không lan man đến những ý nghĩ tiêu cực về căn bệnh này.

TÌM KIẾM BỆNH VIỆN

Mẹ con mình đến bệnh viện Đại học Nagoya. Suốt đường đi, mình ngồi trong xe mà cứ gật gà gật gù trên ghế. Mẹ bảo: “Mẹ sẽ cố xin người ta cho con nhập viện, mẹ biết cái nóng khiến con khó chịu, chờ khi trời mát mọi chuyện sẽ đỡ hơn. Aya rất dồi dào năng lượng. Mẹ tin chắc chắn con sẽ ổn thôi.”

Nhưng lần này con e là không được rồi. Cơ thể con chẳng còn chút sức lực nào cả. Đến khả năng suy nghĩ cũng kiệt quệ rồi, làm sao có thể chiến đấu với bệnh tật được nữa. Con không muốn chịu thua căn bệnh này, nhưng căn bệnh quái ác này nó mạnh quá mẹ ơi.

“Chúng tôi không thể nào cứ ngồi chờ như mọi khi được, bởi tình trạng của Aya tệ lắm rồi, xin hãy coi cháu nó như trường hợp cần cấp cứu tức thời. Nếu các bệnh nhân khác không hài lòng thì hãy để tôi giải thích với từng người tình trạng của cháu để họ đồng ý, chị cố gắng giúp cháu nó.” Mẹ cố nói nhỏ với cô y tá để mình không nghe thấy lúc ngồi đợi.

“Để tôi đi hỏi bác sĩ Yamamoto.” Cô y tá nói vậy rồi bước vào phòng khám. Vài phút sau bác sĩ Yamamoto xuất hiện. Đỡ lấy tay mình, bác sĩ nói: “Aya, lâu quá không gặp, cô đang chờ Aya đó.”

Ôi... mình phải sống thế này mãi sao, cả thế này mà chết thì thật phí hoài. Mình phải viết hết mình, để chẳng phải hối tiếc điều gi.

Một lần nữa bác sĩ Yamamoto lại cứu mình. Nước mắt mình nghẹn ngào. Mắt mẹ cũng rưng rưng.

Sau khi trao đổi, bác sĩ Yamamoto cho hay cô sẽ giới thiệu mình đến Bệnh viện Akita ở Chiryu. Mỗi tháng hai lần, bác sĩ Yamamoto thường đến đó thu thập dữ liệu và chẩn bệnh.

“Gia đình hãy sắp xếp để Aya sớm nhập viện. Tôi muốn Aya nhập viện ở nơi tôi có thể tiếp tục theo dõi tình trạng của cô bé, bệnh viện đó cũng tiện cho việc chăm sóc.” Nghe những lời của bác sĩ Yamamoto, mình thấy nhẹ cả người.

Do bị ngã, môi trên của mình bị giập, rất khó bặm lại để phát âm. Mình đành phải đưa bác sĩ cuốn tập trong đó ghi sẵn: “Việc ăn uống đang trở nên khó khăn, cổ họng cháu lúc nào cũng bị khô. Xin bác sĩ hãy kê thuốc cho cháu.” Sau khi khám bệnh, mình lại mất đến hai tiếng run rẩy ngồi trên xe mới về đến nhà.

“Con muốn ăn những gì, món nào thì ăn được, con cứ viết hết ra. Không ăn uống gì thì không có sức đâu, không có sức thì chẳng làm được gì. Con có thích món gì không?”

Mẹ nói với mình như thế, mình đáp: “Con... thích... ăn... bánh... nướng...” Nghe vậy mẹ liền cười: “Bánh nướng à, món này thì Ako khéo hơn mẹ đây. Ako này, chị Aya muốn ăn bánh nướng, con làm cho chị nhé.”

Ako bật cười và nói: “Mai em sẽ làm cho chị, chị sẽ thấy ngon hết sảy cho mà xem.”

Tới đó mình thấy hơi mệt, bèn lên giường nghỉ.

“Để mẹ đến Bệnh viện Akita xem thử bệnh viện như thế nào. Sau khi trao đổi kỹ với bác sĩ, mẹ sẽ về kể cho Aya.” Mẹ nói trong khi mình đang mơ màng. Sau đó mẹ còn dặn Ako thu dọn những đồ cần thiết để mình nhập viện.

NẰM VIỆN, VỚI SỰ GIÚP ĐỠ CỦA BÀ ĐIỀU DƯỠNG

Mẹ đã quyết định chuyển mình vào Bệnh viện Akita. Mình thấy lo lắng vì không quen với bệnh viện mới. Mẹ thuê một bà điều dưỡng có dáng người thâm thấp để chăm lo cho mình.

“Cháu... chào... bà. Cháu… là... Aya. Mong... bà… tận... tình... giúp... đỡ.” Mình the thé giọng nói với bà.

Mẹ giải thích kỹ càng cho bà diều đưỡng về tình trạng bệnh cũng như những việc mình không thể làm. Mãi mà bà điều dưỡng vẫn chưa hoàn toàn hiểu được về căn bệnh của mình.

Tình trạng tổn thương ngôn ngữ ngày một trầm trọng, mình sắp không thể phát âm và nói như bình thường được nữa. Mình cần một tấm bảng chữ cái lớn để chỉ rõ từng từ. Mẹ đã mua cho mình một cái. Lưỡi của mình cũng dần tê cứng. Ăn uống khó khăn, cứ bị dây hết ra ngoài, rất bẩn. Sao thảm hại đến thế này cơ chứ?

Mình càng đau đớn hơn khi không thề truyền đạt được những ý muốn của mình cho người khác. Dẫu biết rằng phải tin vào bản thân nhưng làm sao mà mình không khỏi thấy hoang mang.

Mẹ ơi, con đang sống vì điều gì cơ chứ?

Chóng mặt quá. Mặt mình lem nhem nước mắt. Hai mắt mình nhắm nghiền lại, cứ như vậy một hồi lâu.

Bên ngoài cửa sổ, có một tổ chim bồ câu trên cành cây. Trong đó có một chú bồ câu non đang lớn dần. Hãy hạnh phúc nhé!

Bà điều dưỡng đỡ mình ngồi vào xe lăn, bà dẫn mình đến khu nhà só 1. Rồi thì... hi hi... mình được sử dụng loại bồn cầu xịn kiểu Mỹ.

Lúc luyện tập hồi phục chức năng, mình thường nhắm tịt mắt lại lúc giơ tay bắt lấy cây gậy, rồi mãi mà không mở mắt ra được. “Không được sợ hãi!” Mình tự nhủ, nhưng người mình cứ cứng đơ lại vì sợ ngã.

Những gì mình có thể làm được lúc này là gì? Mình cố suy nghĩ cho ra và gắng sức thực hiện những việc đó. Mình không muốn chịu đựng những đau đớn tinh thần khiến mình mất ngủ triền miên hàng đêm.

Vì hệ thần kinh không thể truyền đạt như ý muốn, nên đôi khi mình không kịp đi tiểu. Mẹ bèn khuyên mình dùng túi đi tiểu vào ban đêm. Bởi vì bà điều dưỡng sẽ rất mệt nếu ban đêm phải thức dậy nhiều lần để lo cho mình. “Khi nào con mắc tiểu thì con sẽ cố nói cho mọi người biết. Đừng dùng túi đi tiểu, con không thích.” Mình khóc.

“Thôi được rồi Aya, không sao đâu con, không dùng cũng được mà.” Bà điều dưỡng an ủi. Những lời đó lại càng khiến mình khóc to hơn.

Buổi sáng mình gặp viện trưởng ở hành lang. “Chào buổi sáng, bé Aya, con thấy khỏe không?” Mình cười, miệng mở tròn. “Chào... buổi... sáng!” Cho đến khi nói xong những lời đó thì bác sĩ đã ở tít đằng xa rồi. Chắc là bác ấy bận lắm.

Mình lại khóc nhè nữa rồi. Không ổn. Nửa đêm, tay chân mình bỗng tê cóng, cứng đờ lại. Bà điều dưỡng vực mình dậy, chà xát hai lòng bàn tay và mát xa cho mình.

Những lời mình nói ra dần dần chẳng ai hiểu nổi, thế là mình dễ nổi cáu và bật khóc. Mình hiểu đó là do bản thân mình tệ chứ chẳng bởi tại ai khác, đáng ra mình không được tức giận như thế. Bà điều dưỡng ơi, cháu xin lỗi!

Trời hôm nay rất đẹp, mình muốn đứng dậy vươn vai, mình muốn được nói.

“Cháu viết chữ đẹp lại rồi đấy. Ăn uống cũng đỡ vất vả hơn, đồ ăn không bị vãi ra ngoài nữa.” Bà điều dưỡng khen mình.

Mỗi lần tình trạng bệnh cải thiện được một chút, mình lại cảm thấy có gì đó đáng để sống hơn. Mình phải biết thông cảm và cân nhắc tới cảm giác của mọi người.

Mình đã hứa lần sau sẽ tự mình ngồi và điều khiển xe lăn cho bác sĩ Yamamoto xem. Mình ngước nhìn bầu trời xanh ngắt. Đã lâu quá rồi mới được thấy. Trời trong quá, mình tưởng như có thể hòa vào bầu không.

Mình không phát âm rõ được một số nguyên âm và phụ âm nữa rồi. Không biết còn bao nhiêu từ mà mình còn có thể phát âm nữa đây. Bằng cách nào cũng phải ra khỏi trạng thái này, mình phải trở lại là mình, không thể chịu thua căn bệnh này.

Giờ cơm trưa, bà điều dưỡng mua bánh xèo mang đến cho mình. Hai bà cháu chia nhau mỗi người một nửa. Mình còn được ăn cả bánh dẻo nhân đậu đỏ nữa.

Mình phát sốt, chẳng còn chút sức lực nào để nói chuyện. Người mình nặng trịch. Cả ngày mình chỉ ngủ và ngủ. Bà điều dưỡng lo lắng nhìn mình.

Một buổi sáng sương mù, dì Kasumi dẫn mình đến một quán giải khát trong bệnh viện. Dì gọi một ly nước chanh và cho mình uống từng chút một bằng muỗng. Mình những tưởng không bao giờ có thể đến quán giải khát được nữa, cho nên dịp này quả thực mình vui quá.

Bàn tay khô ráp của bà điều dưỡng in hằn bao nhiêu là vết nứt nẻ. Trông có vẻ rất đau. Đó là bởi ngày nào bà cũng phải giặt tã lót cho mình, chỉ vì mình không vào được nhà vệ sinh khi trời tối. Bà ơi, cháu xin lỗi.

Đội Chunichi đã vô địch giải bóng chày năm nay! Bữa trưa bỗng nhiên có thêm món cơm đỏ và trứng hấp, liệu có phải viện trưởng cũng hâm mộ đội Chunichi không nhỉ?

Mình muốn đứng dậy, nhưng vừa mới nhấc lưng lên thì cả thân người đã chao đảo như té ngã đến nơi, mình sợ lắm. Bà điều dưỡng đã đỡ mình. Ban sáng mình bị ngộ độc thực phẩm, ghê ơi là ghê. Dù là món ăn ngon đến đâu, nếu không cẩn thận thì đều có nguy cơ bị ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Lúc bà điều dưỡng dắt mình đi vệ sinh thì thấy ngoài hành lang có một lọ hoa đầy những bông hoa cúc đẹp tuyệt. Hai bà cháu trầm trồ và lén trộm lấy một bông mang vào cắm trong phòng.

Bác sĩ Yamamoto la mình: “Bé Aya quá nhõng nhẽo với bà điều dưỡng đấy. Những gì cháu tự làm được thì hãy tự làm đi nhé, không được phiền đến bà nghe chưa?”

Giá được dậy muộn chút xíu thì thích biết mấy, nhưng không thể được. Từ hôm nay mình bắt đầu bài tập nhấn nút.

Mình được bà điều dưỡng đưa ra ngoài, hai bà cháu ra đến tận công viên. Mình muốn được vọc đất. Mình muốn lòng bàn chân được tiếp xúc với mặt đất. Ngồi trên xe lăn, mình từ từ... từ từ… di chân xuống đất. Mặt đất ẩm ẩm mềm mềm, đã thật!

Mình rất chăm chỉ tập nhấn nút. Trong số các bài tập phục hồi chức năng, còn có bài tập xoay người và đứng bằng đầu gối. Bà điều dưỡng tỏ ra khâm phục khi thấy mình tập luyện và hỗ trợ mình hết mức. Bà còn mua cho mình một bộ đồ tập thể thao. Phải cố gắng hơn nữa thôi.

Dịp tết này mình muốn về nhà. Không rõ khi ấy mọi người có hiểu mình nói gì không nữa. Nếu mọi người không hiểu, mình phải làm sao để truyền đạt cho mọi người đây. Mình có nhiều lo lắng bất an; nhưng dẫu sau mình vẫn rất muốn trở về nhà. Vạt cúc vạn thọ đã nở rồi.

Bà điều dưỡng thấy mình luyện tập chăm chỉ quá liền bật khóc, bà khích lệ mình: “Cháu dũng cảm thật đấy Aya.”

Ngày nọ, bà bảo với mẹ: “Chị cũng thử xem con bé tập luyện một lần đi, Aya nỗ lực nhiều lắm đấy, chị có biết không?'’

Nhưng mẹ trả lời: “Thấy nó như vậy cháu càng đau lòng hơn bà ạ.” Nói rồi mẹ quay sang bảo mình: “Aya làm tốt lắm, tết này con về nhà nhé.”

Bất thình lình, mình ị đùn ra quần.

“Bà ơi cháu xin lỗi!”

“Không sao, bổn phận của bà là chăm sóc cháu, phải chấp nhận như vậy thôi Aya à.” Việc mỗi người đều được phân chia bổn phận một cách rạch ròi khiến mình thấy không được thoải mái.

Mình được ăn hamburger vào bữa trưa. Cái vị hamburger đã từ rất lâu mình mới được cảm nhận. Nó cho mình cảm giác như được trở về quá khứ.

Phải làm sao mới thể hiện được lòng biết ơn của mình với bà diều dưỡng đây. Mình không có tiền nên không thể mua thứ gì cho bà. Mình phải khỏe lại thật nhanh để sau này còn chăm sóc lại cho bà. Bà nhất định phải đợi cháu nhé!

PHẢI SỐNG THẬT TỐT TỪNG GIÂY TỪNG PHÚT HIỆN TẠI

Mười năm sau mình sẽ như thế nào... Chỉ nghĩ đến đó thôi cũng đủ sợ rồi.

Dù sao cũng phải sống cho thật tốt những giây phát hiện tại.

Tất cả mọi nỗ lực hiện giờ đều là vì cuộc sống của mình mà thôi.

Mặc dù còn trẻ nhưng cơ thể mình không cử động được như bình thường, dễ nổi cáu và thiếu kiên nhẫn. Nhưng như thế là bởi mình bị bệnh, chỉ còn cách cố mà hồi phục thôi.

Có một người khuyên mình đừng viết quá nhiều. Cảm ơn nhiều. Mình chụm tay lại tỏ vẻ hàm ơn. Trên giường bệnh, những suy nghĩ của mình... (Tới đoạn này chữ của Aya trở nên không thể đọc được nữa.)

Mình hiểu rằng kinh nguyệt - dấu hiệu cho thấy mình là một người phụ nữ - sẽ bị chậm khi cơ thể trở nên suy nhược. Cách đây sáu tháng khi có lại kinh, mình đã nghĩ đó là dấu hiệu phục hồi của cơ thể.

Bên ngoài bầu trời trong xanh, chỉ mỗi mình mình trong phòng bệnh, với chút hy vọng nhỏ nhoi.

CẢM... ƠN…

Nếu không có bà điều dưỡng bên cạnh, mình không biết phải trông cậy vào ai và không biết mình có sống được đến giờ hay không. Bà chăm cho mình từng miếng ăn giấc ngủ, cả những việc vặt như thay đồ, cởi đồ, ăn uống hay ngồi dậy... mọi chuyện mình đều trông cậy vào bà.

Mẹ thì đâu phải là mẹ của riêng mình, mẹ cũng cần chăm sóc cho mấy đứa em. Còn bà thì lúc nào cũng ở bên cạnh mình. Bà còn nấu mì và món bánh gạo mình thích ăn. Mình chỉ ăn được ít thôi, bà liền khích lệ mình ăn thật nhiều, chăm sóc mình tận tình để mình nhanh khỏe lại và mau chóng được về nhà. Thỉnh thoảng con dâu của bà cũng nướng bánh mang đến mời mình ăn. Các cháu bà cũng đến chơi rồi còn chụp hình cho mình nữa. Cả gia đình bà đều cùng quan tâm đến mình.

Mình chẳng thể trò chuyện được như bình thường. Ngoài những câu cảm ơn cụt lủn ra, thật sự là mình còn muốn nói mình biết ơn bà thật nhiều, với tất cả niềm hạnh phúc và niềm vui trong thời gian qua.

Con người ta ai cũng mang nặng những ưu phiền.

Hễ nhớ về quá khứ là nước mắt tuôn rơi.

Còn hiện thực quá phũ phàng và tàn nhẫn.

Mơ ước nhỏ nhoi không cách nào thành hiện thực.

Nghĩ đến tương lai là lại sụt sùi nước mắt.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx