sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Mùa đom đóm mở hội - Chương 05

Chương 5. Những giấc mơ bằng giấy

Đã quen thói ngủ nướng trên giường nên sáng bảnh mắt ra rồi mà vẫn thèm được ngủ. Thầy giật dây màn xuống, bảo:

- Người Hà Nội, cô dậy treo cho tôi cái biển lên cái móc trước cửa kia.

Phiền quá đi thôi, cao quý gì cái nghề hàng mã mà thầy cũng trưng biển hiệu tóe loe ra. Tối hôm trước từ ga tàu về nhà đã thấy lùng bùng những giấy má, keo hồ với đủ thứ hình hài kỳ dị trong căn nhà tồi tàn này rồi. Mình mới hỏi:

- Thầy làm cái nghề này từ bao giờ thế?

Và ông già hơn năm mươi tuổi, được gọi là cha của mình, nhưng trông khắc khổ hơn một cụ ông tuổi bảy mươi được dịp trút nguồn cơn:

- Ôi giời, không thì chết cả nút hả cô? Cả vùng đang rất thịnh nghề hàng mã đây. Cuối thế kỷ âm thịnh dương suy hay sao mà người ta sinh ra tế lễ ghê quá. Trong làng Bố Hạ có một bà đồng nổi tiếng về xem tay. Một buổi bà ta đứng giữa bàn dân thiên hạ mà phán rằng thế kỷ sắp tới sẽ gạt bỏ sự xấu xa, giả dối. Ngọc Hoàng đã phái bà ta xuống đây bảo rằng người nào từ trước đến nay quen làm điều thất nhân thất đức thì phải lo mà lập đàn sám hối trước thánh thần thì mới mong qua khỏi. Cô tính, ở đời này mấy ai mà tốt tuyệt đối được. Mà với cái chết thì bố đứa nào dám đứng ra đường vỗ ngực khoe: “Tớ đếch sợ.”?

- Vậy là thầy nghĩ ra nghề hàng mã này sao?

- Người ta đổ xô vào cúng bái cho người chết để được phù hộ độ trì. Bởi thế hàng mã bỗng thành nghề hái ra tiền. Với lại, tôi cũng khéo tay trong cái nghề này. Mẹ cô không còn, cô ăn học, tôi ngồi lê ngoài đường mà ăn mày nuôi các cô sao?

- Thầy có lý, thầy ạ!

Mình bắc ghế kiễng chân, treo tấm biển ghi chữ “Hàng mã” to đùng đoàng trước cửa. Mấy thằng cu choai choai phố huyện đạp xe qua cười hô hố:

- Xem kìa, con gái ông hàng mã mặc quần một ống lại đứng trên cao.

- Mấy thằng ngu, bị trùm váy lên đầu mà còn toang toác cái mồm ra không biết ngượng! - Mình chửi lại ngay, nanh nọc chả khác gì mấy con mẹ hàng tôm hàng cá.

Thầy quệt hồ dán lên mớ tua rua bằng giấy làm bờm cho con ngựa. Kể ra ông họa sĩ ngày xưa giờ đây vẫn còn khéo léo và giàu trí tưởng tượng lắm. Chỉ có điều làm ra thì kỳ công và đẹp thế này rồi người ta lại mang đốt đi thì tiếc quá. Gian nhà đã hẹp càng trở nên bề bộn bởi đủ các vật thể được tạo ra từ giấy. Đủ thứ trên đời này: ti vi, tủ lạnh, giường đệm, xe máy, ngựa, chó, mèo, bát đĩa. Gớm, thầy làm ra tất cả những thứ ấy đấy, vậy mà buổi tối cả nhà cứ phải chạy sang hàng xóm xem nhờ ti vi nhà người ta. Lại còn có cả hình nhân nam, nữ rất mỹ miều với áo xống thời vua chúa, rồi nón trắng cho bà chúa Bạch, nón xanh cho bà chúa Thượng ngàn, áo đỏ, giày đỏ cho ông mãnh bà cô, thôi thì đủ cả. Thầy bảo trần sao âm vậy, người sống cần cái gì người chết cũng cần cái nấy.

Mặt trời lên đến nóc nhà thì có khách đến lấy hàng. Đấy là một bà chủ quán bia ôm trông rất phì nhiêu, mông và má ngọ nguậy trong bộ đồ màu hoàng yến. Hàng bà ta lấy là một con chó và những chai bia giả hệt như thật. Trả tiền xong, quý bà còn hào phóng biếu thầy tiền hút thuốc lào.

- Cúng bái gì mà lạ thế hả thầy?

- Là vì bà ấy muốn tạ lỗi thần linh cho cái tội bán bia giả và thâm niên giết chó. Sát sinh là một tội rất nặng.

- Bày vẽ quá, thần thánh nào lại đi ăn thịt chó?

Lát sau, một chiếc xe máy đời mới phanh trước cửa nhà. Chủ nhân của nó là một mệnh phụ nhà quê có đôi mắt u sầu:

- Thưa bác, chồng em mới mất vì tai nạn ô tô. Trước đây ông ấy làm ở tòa án. Ông ấy rất thanh liêm, chính trực, tội nghiệp chồng em, hu hu...

Khổ lắm, có ai nói xấu về người chết bao giờ.

- Thế chị cần làm những gì cho chồng thì chị cứ bảo tôi?

- Lúc còn sống, ông ấy chẳng thiếu thứ gì. Vậy đấy, những kẻ giàu có lại chẳng sống được mà ăn. Em không muốn ở dưới kia ông ấy phải sống cảnh thiếu thốn, em cần làm một chiếc ô tô du lịch nhãn hiệu của Nhật, một giường đệm, một ti vi, một tủ lạnh đều nhãn hiệu của Nhật hết. Ông ấy thích xài đồ của Nhật. Bác làm cho em thật đẹp vào nhé, vì chồng em là người chuộng hình thức lắm.

Nếu có thể chắc chị ta bê luôn cả thế giới này xuống âm phủ cho chồng chứ chả chơi. Ông chồng chắc sẽ hả lòng hả dạ mà yên trí phù hộ cho bà vợ rất tình nghĩa của mình.

Thầy khoát tay ra điều rất cảm thông với mệnh phụ, đon đả bảo:

- Thôi được, chị thế là vẹn nghĩa vẹn tình, chiều mùng Mười chị đến lấy đồ nhé.

Mình đau đầu quá. Hệ thống dây thần kinh có lẽ đang chơi trò gảy đàn. Nghĩ mà thương cho thầy cứ lụi cụi vót, đan, dán, dính như một nghệ nhân tài ba trong môn nghệ thuật dành cho những người thuộc về một cõi khác. Trong khi đó, trí thức như mình lương bổng ba cọc ba đồng, vác cái thân chưa nổi, giúp gì được cho thầy.

Thầy bảo rằng thảm lắm, cái kiếp con người ấy. Sống thì chẳng chịu làm điều thiện, lúc chết đi, người sống lại phải thắt ruột lo cho các chuyến lên thiên đàng của họ. Sống tốt với nhau thì có khó gì, thế nhưng người ta lại cứ thích sống đểu một tí cơ. Đấy, chẳng hạn như hôm qua, một ông già sáu mươi tuổi đến đặt một hình nhân thế mạng. Trước đây lão ta là một tay có chức có quyền, lại có ô dù. Dựa vào quyền thế, lão ta đã đánh chết một anh nông dân vô tội. Lão cứ sống nhởn nhơ đến năm sáu mươi tuổi thì một đêm nằm mơ thấy anh nông dân ấy về khoét mất hai con mắt của lão và bắt lão đi.

Kinh hoàng quá, lão ta tìm đến cô đồng làng Bố Hạ thì được phán rằng muốn sống phải thế ngay một hình người bằng giấy đốt gửi cho anh nông dân kia và lập đàn giải oan cho anh ta. Kể ra, cái giá phải trả cho tội giết người của lão cũng rẻ mạt thật.

Có trường hợp còn buồn hơn nhiều. Một bà lão đến đặt cho cậu con trai út hai mươi sáu tuổi đã qua đời của mình một chiếc xe đạp và một áo jacket. Anh con trai của bà đã chết vì sập hầm trong chuyến đi đào vàng ở Thái Nguyên. Mơ ước của anh ta chỉ giản dị là cố kiếm chút đỉnh vàng bạc ở cái chốn giời ơi đất hỡi ấy để sắm một chiếc xe đạp mới toanh, một chiếc áo khoác xịn và cưới vợ. Khốn khổ thay, sống ở trên đời chẳng có được nó. Đến lúc ra ma rồi mẹ mới rứt lòng mà sắm cho.

Thầy bảo:

- Nếu cô còn muốn nghe, tôi sẽ kể cho cô nghe vô khối những trường hợp tương tự như vậy. Công việc tôi đang làm, đen trắng đều rõ như ban ngày. Cuộc sống nó đáng buồn như thế đấy.

- Thôi thôi, con xin thầy, con sắp vỡ đầu đây này. Cái nghề này bạc quá thầy ơi. Hàng nghìn người đói khát nhan nhản ra đấy mà sao thiên hạ cứ đổ tiền đổ của cho những người đã vắng mặt trong danh sách cuộc đời. Muốn được sống lương thiện có khó gì đâu, ghé vai mà cứu những kẻ đói khát ngoài đường ngoài chợ kia đi.

- Tôi xin cô mới phải. Cô định làm bát nháo cái nhà này lên đấy à? Cô cứ lắm giọng thế rồi chẳng biết lúc tôi chết đi cô có thắp nổi cho tôi mấy nén nhang không, chưa nói đến việc đối nhân xử thế khác.

- Thầy mỉa mai làm gì cái chuyện đó. Sống tử tế trên đời mới khó, chứ lúc chết đi rồi ai nghe, ai cần. Thế con hỏi thầy, mẹ con nằm xuống từ bấy đến nay, thầy gửi những gì xuống đó cho mẹ con rồi?

- Tôi gửi cho mẹ cô cái linh hồn của tôi. Tôi chỉ có cái xác ngồi đây để làm tròn cái nghĩa vụ đã sinh ra cô. Cô bảo lúc sống phải tử tế à, ngày mẹ cô còn sống, mọi người đã tốt với bà ấy như thế nào. Cô lo cho chuyến lên thiên đàng của tôi ư? Tôi có làm gì xấu đâu, không buôn gian, không trộm cướp. Thân tôi khổ thế này mà chẳng còn biết đặt niềm tin vào đâu nữa.

Khốn nạn, mình chỉ là đồ vô dụng. Thứ hàng mã thầy làm ra còn giá trị hơn bản thân mình. Mới đây thôi thầy còn là người của “đoàn thể”. Người ta mời thầy ra ngoài đội ngũ cũng chính vì cái nghề hàng mã này. Thầy mỉa mai, bất mãn suốt ngày, rằng người ta chỉ nhăm nhăm mà lôi những kẻ có chút dị tật ra ngoài vòng của họ mà không bao giờ thèm ngó ngàng xem kẻ đó đang sống khốn khổ thế nào. Vì sao kẻ đó phải xoay thân tứ bề để đánh mất dần đi mọi thứ đạo đức sách vở?

Rồi hôm sau thầy trưng cái biển to tổ bố lên như mình đã thấy. Tức là không có gì để mất nữa. Thầy làm hàng mã, thứ nhất, để tồn tại, thứ hai để chứng kiến sự lương thiện của con người ở từng cấp độ. Trước thánh thần, chẳng ai là không thành thực. Dập đầu trước đấng siêu nhiên để giải thoát chẳng phải là cách làm ít xấu hổ nhất hay sao? Cứ đà cúng bái tào lao trong thiên hạ này, sắp tới thầy còn kiêm luôn cả nghề thầy cúng nữa. Con người dù thế nào vẫn phải đứng dưới uy lực của thánh thần mà thôi.

Kết thúc một ngày, trong bữa cơm mình bảo:

- Thầy ạ, con sẽ đi làm nuôi thầy. Rồi thầy bỏ cái nghề này đi để mà nghỉ ngơi.

Thầy ngước đôi mắt đục lờ đờ như mất hồn, gắt nhẹ:

- Xưa nay mấy đứa học hành tử tế như cô nuôi nấng chu đáo được cha mẹ của mình? Tôi chẳng trông chờ vào cô đâu. Bởi lúc cô nuôi được tôi, có lẽ tôi đã kề miệng hố, rồi cô lại sắm đồ đạc bằng giấy cho tôi chứ hơn gì!

Thầy bi quan quá!

Mình rót nước cho thầy rồi đứng dậy ra ngoài. Bỗng dưng sợ nhìn thấy những thứ giấy má lộn xộn với mấy cái hình nhân đang giương mắt. Phố huyện về đêm nhạt thếch. Bóng người lụi cụi đi về trong ánh đèn vàng vọt như những bóng ma.

Nửa đêm nghe con cú rúc ngoài cánh đồng, tỉnh giấc thấy thầy vẫn ngồi trước bàn thờ mẹ, bất động, chỉ đôi mắt là nhòe nhoẹt nước trong những nếp gấp lồi lõm hằn sâu trên gương mặt già nua.

Không có những giờ khắc thế này làm sao mình hiểu được vì đâu mà một người đã từng coi hội họa là tất cả lại sinh ra cực đoan như vậy. Mình băn khoăn tự hỏi, rồi tất cả những lồi lõm ấy sẽ đi vào thế kỷ mới như thế nào?

Thầy cứ ngồi như vậy mà đợi trời sáng. Ba nén nhang trên bàn thờ nghi ngút cứ gặp gió lại bùng lên như một đám cháy nhỏ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx