sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Mùa đom đóm mở hội - Chương 08

Chương 8. Hội diễn văn nghệ

Hoài bảo: “Này chị, tối nay đi tặng hoa cho em nhé!”

“Vớ vẩn, tối thứ Bảy đấy. Tao cũng phải yêu đương nữa chứ, mày cứ rách việc. Nhưng mà mày làm cái gì?”

“Em hát. Hôm nay bên Đoàn người ta tổ chức hội diễn văn nghệ.”

“Giời ơi, mày ngồi xuống đây và nghe tao nói. Đó không phải là chỗ của mày. Hàng trăm con mắt sẽ “mục sở thị” đôi chân cà nhắc của mày. Mày phải hiểu là ở trên sân khấu, người ta luôn cần, luôn thích những người đẹp chân dài. Đó không phải là chỗ dành cho mày. Người ta sẽ cười đấy, tao thề là như vậy.”

“Chị lấy mớ lý thuyết ấy ở đâu ra đấy? Khiếm khuyết về tâm hồn, về giọng hát còn đáng sợ hơn ấy chứ. Em hát hay, giọng hát của em sẽ quyến rũ họ.”

“Tùy đấy. Tao thì thấy chán mấy cái chỗ nhảy nhót hát hò lắm.”

Gọi cho Tùng, giọng tôi ngọt ngào: “Anh yêu, tối nay stop đi xem phim nhé. Em phải đi tặng hoa cho con bé Hoài để động viên nó. Nó tham gia hội diễn văn nghệ anh ạ.”

Bên kia đầu dây, tiếng cười rất đáng phỉ báng: “Hoài lên sân khấu ư? Hay nhỉ? Anh cần nói với em rằng anh không đần lắm đâu. Nếu chán, em cứ nói thẳng một câu với anh, thì chúng mình bye nhau. Thời buổi hiện đại mà.”

Tôi dập máy. Khốn nạn, thế là có nguy cơ tan nát mối tình với anh kỹ sư điện tử rồi.

Tôi bảo Hoài: “Đánh phấn đi, đánh thật đậm vào, cho cái mặt mày nó đỡ quắt queo.”

Hoài cự lại tôi: “Em muốn người ta nghe em hát chứ không phải xem em hát.”

Thở dài, tôi nghĩ: “Gớm, cứ như là một nghệ sĩ lớn ấy. Mày tự tin quá đấy! Rồi mày sẽ thấy mọi thứ không như mày nghĩ đâu.”

Rồi hai đứa tôi đưa nhau đi. Hoài mặc váy trắng. Trông nó bé nhỏ như một cành cây khô. Đôi chân tật nguyền làm cho dáng đi của nó lệch hẳn về một bên, rất khổ sở. Tôi nhớ, ngày nó còn nhỏ, hằng ngày tôi toàn phải cõng nó đi học, vì nó bé tẹo như hạt cơm, lại cứ ốm đau liên miên, nay bệnh viện này, mai bệnh viện khác, làm bố mẹ kiệt sức. Nó thông minh và gàn dở. Vào đại học rồi, nó vẫn không có bạn. Nó giống hệt tôi ở cái thói chua chát và ác khẩu. Cuộc sống của nó nhàm tẻ với sách vở và những ô cửa sổ nhỏ. Trong căn phòng nhiều cửa sổ mà cha tôi cố gắng thiết kế cho nó, hằng ngày nó ngâm nga những bài ca thê lương, kiểu như nhạc sến. Công bằng mà nói, nó hát cũng chẳng đến nỗi nào.

Tôi gàn nó lúc đầu là vì hơi e ngại cho sự tự tin của nó, nhưng trong thâm tâm tôi hoàn toàn mong muốn nó tham gia nhiệt tình các hoạt động xã hội. Việc nó nổi hứng lên sân khấu hát làm cho tôi hơi ngạc nhiên. Xưa nay nó vốn là một con bé trầm uất và ngại đám đông. Nó đã thay đổi. Nó lớn thật rồi. Con tằm nhỏ đã biết tìm cách tập chui ra ngoài cái kén. Cha mẹ tôi sẽ nhẹ lòng biết bao nếu nó biết tự tìm cách mang lại niềm vui cho cuộc sống của chính mình.

Bảy giờ ba mươi phút tối. Hội trường chật như nêm. Ngột ngạt. Oi bức. Sân khấu tự trang trí lộn tùng phèo với giấy màu và hoa. Tôi chán, tự nhủ mấy cái chỗ lòe loẹt này thật chả ra thể thống gì. Nhưng mà có sao đâu. Đời phải có sân khấu mới vui mà.

Dàn nhạc đã nổi lên. Tiếng trống và tiếng đàn ghi ta với độ hay vừa phải ngân lên run rẩy và hoan hỉ chào khán giả. Từ sau cánh gà một cô mặt non choẹt đỏ ra đỏ, xanh ra xanh, trắng ra trắng bước ra chào rất cung kính. Chiếc váy ngắn quá tiêu chuẩn cứ ngất ngưởng trên đùi cô gái làm tức mắt mọi người. Người ta vỗ tay ầm ĩ để tán thưởng cô gái trong vai “sờ-pic-cơ.”

Dàn đồng ca mở đầu buổi hội diễn đã lên sân khấu. Tiếng hát cũng khập khiễng như đội hình của họ. Trong khi dàn đồng ca đang hát, ở dưới vẫn đang nhộn nhạo chen huých bởi chỗ ngồi chưa ổn định. Người ta đang cãi nhau về những cái ghế. Lô xô đứng hai bên cửa sát nách sân khấu, người ta làm chật kín cả lối đi lên xuống. Thành ra, ai đã ở đâu là coi như nêm tại đấy ngay, không tiến, cũng không lùi được.

Dàn đồng ca đã hát khai mạc xong. Đội hình khập khiễng này vui vẻ chia hai nhánh đi ra hai bên cánh gà. Vẫn chưa thể nào yên ổn cho vị trí của những khán giả nhiệt tình trong đêm hội diễn văn nghệ này. Đến khi cô gái đỏ ra đỏ, xanh ra xanh bước ra sân khấu giới thiệu tiếp chương trình thì hai đứa con gái mặt đầm đìa mồ hôi vì chen chúc mới quay sang hỏi tôi: “Đồng ca bài gì vừa xong nhỉ?”

“Ừ, Cuộc đời vẫn đẹp sao.” Tôi nhạt nhẽo đáp, mặt không mảy may biểu lộ cảm xúc.

Tôi đứng khá gần sân khấu, tay lăm lăm bó hoa hồng to tướng, chống trả quyết liệt với làn sóng mạnh mẽ đang đùn đẩy sau lưng. Bộ mặt của tôi khi ấy chắc cũng trở nên hình sự. Gớm quá, thế mới biết dân mình đói văn nghệ như thế nào. Toàn tự biên tự diễn thôi mà đông đúc khí thế như vậy đấy.

Người ta thở phì phò vào tai tôi đến khiếp. Nhưng mà dù sao thì tốp đồng ca đã hát xong. Một chương trình hội diễn bao giờ chả thiết kế khai mạc một tiết mục đồng ca và bế mạc cũng chốt lại một tiết mục đồng ca. Tôi không thích đồng ca. Ai giỏi thì cứ đơn ca xem. Để người ta còn biết lối mà đánh giá tài năng từng người chứ. Văn nghệ không thể cá mè một lứa được.

Trở lại sân khấu, một cô gái bầu bĩnh đang hát bài Em đi chùa Hương trong điệu bộ rực lên của một ngôi sao nhạc rock. Em đi chùa Hương đã thành rock. Xung quanh tôi các bạn trẻ rậm rịch hát theo cổ vũ. Hoa được ném lên sân khấu. Mấy thanh niên đang đua nhau bình luận về cô bé đang hát:

“Body chuẩn đấy!”

“Cặp giò miễn chê, ngon mắt thế không biết.”

“Chao, nàng nhảy mới cuốn hút làm sao!”

Cô bé vẫn hát, vừa hát vừa chìa tay nhận hoa từ hằng hà sa số bè bạn đang nhoay nhoáy trèo lên sân khấu. Mệt quá, chẳng ở đâu con người lại có thói quen tặng hoa cho người khác như ở đây. Người hát đang say sưa thì bỗng dưng có người chạy ù ra sân khấu nhét vào tay cô bé một bó hoa rồi lại ù chạy vào trong, chẳng kịp nhận ra ai.

Cô bé hát Em đi chùa Hương đã vào. Buổi hội diễn tiếp tục. Giờ thì đang có tiết mục đọc thơ của nhà thơ X. Nhà thơ này nhiều năm nay đã được lớp trẻ biết đến. Anh rất giản dị, đi dép lê, áo ngoài quần, đầu bồng bềnh nghệ sĩ, cuốn sổ thơ nhét túi quần phía sau, thỉnh thoảng quên một vài câu anh lại rút sổ ra xem, rồi đọc lại từ đầu cho liền mạch để “câu giờ”. Bài thơ của anh dài như một bản trường ca. Cả hội trường lặng dần rồi im lìm đi như say ngủ. Cho đến khi nhà thơ hổn hển cáo hết một cách nhiệt thành thì tiếng vỗ tay (sau phút ngỡ ngàng) mới nổi lên như sấm. Và hoa, úi chao, thi sĩ nọ ngập lút trong hoa. Vài cô gái táo bạo còn vít cổ hôn chụt vào má thi sĩ nữa.

Sau tiết mục đọc thơ thì tôi hầu như không nhớ được gì. Hay nói đúng hơn là tôi có nhìn nhưng không thấy. Chỉ biết, hễ có cô gái đỏ ra đỏ, xanh ra xanh xuất hiện trên sân khấu là tôi hiểu được rằng một tiết mục vừa khép lại, một tiết mục sắp bắt đầu. Con Hoài em tôi ở đâu? Tôi hoàn toàn không biết. Có thể nó đang lấp ló sau cánh gà hồi hộp đợi đến lượt mình biểu diễn. Xung quanh tôi, người ta đang chen lấn và la ó. Họ bàn luận không ngớt về chiếc váy của cô gái này, đôi chân của cô gái kia. Tôi thấy rõ ràng một thực tế là họ đang nhìn chứ không phải đang nghe. Mà con Hoài thì có gì để nhìn nhỉ? Trời ơi, tôi tuyệt vọng quá! Làm sao tôi chen lên trên kia được, rồi cứ chạy tắt qua sân khấu mà vào trong cánh gà, mà van vỉ con bé rằng: “Em ơi, em nghe chị, về đi, để ngày mai vẫn còn thú vui hát véo von từ ô cửa sổ cho cả nhà nghe chứ?”

Nhưng giờ hành quyết đã đến.

Lời giới thiệu của cô gái đỏ ra đỏ, xanh ra xanh cũng lòe loẹt như chính cô ta vậy: “Kính thưa quý vị, tiếp theo đây là giọng hát trữ tình mượt mà đằm thắm như nhung của cô ca sĩ khả ái Thu Hoài...”

Có những khán giả chồm đứng dậy sau lời giới thiệu mỹ miều đó. Giới thiệu thế là hỏng rồi, tôi nghĩ, thật tàn nhẫn quá. Tôi cố căng mắt để theo dõi đứa em gái bé bỏng đơn độc của mình xuất hiện như thế nào. Nó đang đi ra sân khấu với gương mặt gầy choắt nhưng không giấu giếm một niềm vui, mặc dù vẫn trong dáng vẻ khổ sở với đôi chân cà nhắc. Người nó lệch đi một cách tội nghiệp, vẹo vọ, mong manh và ngập lút trong ánh đèn màu rực rỡ với tiếng trống đánh ầm ĩ. Tôi vỗ tay, chỉ mong xung quanh những người đang sống theo trào lưu sẽ bắt chước tôi mà cổ vũ cho tâm hồn nhiệt thành khốn khổ kia. Song, đúng như dự đoán của tôi, người ta không vỗ tay. Có một đám thanh niên ngồi phía trên la ó và cười vì dáng điệu khổ sở của con Hoài. Họ cười như thể ma làm. Mà con ma có lẽ đang hiện diện trên sân khấu kia.

Tôi choáng váng như thể có một tôi đang gục xuống, bên cạnh một tôi duy nhất đang đơn độc vỗ tay.

Con Hoài, đứa em gái tội nghiệp của tôi đang cố gắng tới được giữa sân khấu mênh mông như hoang mạc kia và cầm lấy míc. Tâm hồn nhạy cảm của nó như bị đánh gục sau chuỗi cười khả ố của đám thanh niên phía trên sân khấu. Dưới ánh đèn màu mè tôi cảm nhận khuôn mặt nó tái nhợt như xác chết. Có lẽ nó vừa đau đớn nhận ra hậu quả của sự quá tự tin của nó. Ngay cả khi nó đứng, cơ thể nó vẫn lệch hẳn sang một bên.

Nó bắt đầu hát. Không được. Giọng nó lạc đi một cách thảm hại. Nó cố gắng đến kiệt sức để lấy lại giọng hát thực của nó. Giọng hát càng lạc mãi đi thì người nó càng run. Nó chỉ là chiếc lá mỏng manh thế kia. Tôi cảm nhận khuôn mặt và giọng hát của nó biến dạng hẳn. Khán giả mỗi lúc cười một to, theo tiếng hát mỗi lúc một mất hình hài của Hoài. Buồn cười quá đi, vì cái cảnh họ đang gặp trên sân khấu này. Người ta càng cười thì sinh linh trên sân khấu kia càng suy sụp. Tội nghiệp cho con tằm vừa anh dũng lột xác lại gặp phải một cái nong độc địa. Tôi bỗng căm thù cô gái đỏ ra đỏ, xanh ra xanh. Giá như cô ta biết nói đôi điều thật chân thành, ưu ái về con Hoài, thay vì những lời giới thiệu hoa mỹ, sáo rỗng lúc nãy thì có lẽ khán giả đã không quá buồn cười. Và hậu quả đã không khủng khiếp thế này.

Con Hoài em tôi vẫn hát, đau rát và khó khăn như một kẻ đang vật lộn với cái chết. Nó kiệt sức rồi, mà bài hát vẫn chưa hết. Lời không khớp nhạc. Các thượng đế ngồi dưới phản đối như chợ vỡ. Dường như trong tiếng hát của con Hoài có lời kêu cứu, vì giọng nó đang khản đặc dần đi.

Có điều gì vừa bật dậy quyết liệt trong tôi. Tôi rẽ đám đông bằng sức mạnh không phải của mình. Tôi xô đẩy, chen lấn. Các nam thanh nữ tú văng tục chửi rủa hành vi bất nhã của tôi. Cô nàng nào đó còn lớn tiếng bảo tôi là đồ vô văn hóa. Mặc kệ, chỗ này lại bàn về văn hóa là điều xa xỉ. Bó hoa hồng tơi tả trên tay tôi. Tôi phải cứu em tôi!

Chẳng biết bao lâu thì tôi trèo lên được sân khấu, chỉ biết khi tôi lao ra được khỏi đám đông hỗn loạn và khi nhìn thấy tôi thì Hoài quỵ hẳn xuống.

Tôi đưa Hoài về khi đêm hội diễn văn nghệ vẫn đang tiếp tục. Nó bảo: “Cho em vào hiệu thuốc mua Seduxen.”

“Con điên!” Tôi quát: “Xử lý các thảm họa như mày thật là hèn nhát. Phải biết đón nhận mọi điều, cho dù nó khốn nạn đến đâu. Rồi mở mắt ra mà nhìn cuộc đời. Mày sống vì những buổi vô nghĩa như hôm nay à? Ngay cả một giọt nước mắt nhỏ xuống cũng không đáng chứ đừng nói đến cái chết.”

Hoài không nói gì nữa, nó im lặng đi bên tôi, nước mắt ròng ròng trên hai gò má.

Thực ra, người tôi đang uất ức như lên cơn sốt. Tôi chỉ muốn quay lại cái đêm hội diễn văn nghệ vui vẻ kia mà bạt tai cho con bé xanh ra xanh, đỏ ra đỏ mấy cái. Vì khi đó rất mụ mẫm, tôi hoàn toàn cho rằng chính nó là kẻ gây ra nỗi tuyệt vọng này cho con Hoài.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx