sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Mùa đom đóm mở hội - Chương 12

Chương 12. Mùa đom đóm mở hội

Từ khi bố mẹ tôi ra tòa và tôi về ở với bố, tôi quên bẵng mất ông bà ngoại. Một hôm bố tôi đột nhiên nhắc:

- Hà, lúc nào tranh thủ về thăm ông bà ngoại một chút con nhé!

Nghỉ hè, tôi về quê thăm ông bà. Nhà ông bà ngoại tôi ở cạnh con sông nhiều phù sa đến mức tôi từng nghĩ nếu mình xuống đó tắm, lên bờ rắc hạt cải lên người là một tuần sau mình sẽ trở thành một vườn rau di động. Ông ngoại tỏ ý trách móc:

- Cháu vẫn còn nhớ ngõ nhà ông hả? Giỏi quá!

Tôi cười chuộc lỗi, rồi chạy ra cái giếng cuối sân nhà ông, lui cui vục nước rửa mặt. Bỗng có ai đó bất ngờ đập bụp vào lưng tôi một cái đau điếng. Tôi hét toáng lên, quay lại, thì ra là dì Lê.

- Cháu về chơi à? Lớn nhỉ?

Dì Lê là dì út nhà bà ngoại tôi, kém mẹ tôi đến tám tuổi. Mặc dù gần một năm rồi tôi không được gặp mẹ nhưng tôi vẫn có cảm giác dì Lê già hơn mẹ tôi rất nhiều. Cũng phải, vì dì Lê chẳng học hành gì, lại vất vả ruộng đồng chứ không đi thoát ly như mẹ tôi. Dì Lê bị nặng tai từ nhỏ. Nguyên do là hồi đó nhà ông ngoại tôi quá nghèo, ngày chỉ có một bữa cơm độn khoai. Một hôm dì Lê đi chăn trâu về, đói quá, mới bốc trộm gạo nếp trong chum của ông nấu ăn một mình. Số gạo nếp ít ỏi ấy ông lại để dành đến Tết. Trong khi dì Lê đang cạo nồi thì ông ngoại đi cày về bắt gặp. Bực quá, lại vốn tính nóng nảy, ông liền bạt tai dì Lê một cái. Cái tát ấy mạnh đến mức làm dì Lê choáng váng ngã xuống đất, bất tỉnh. Cũng từ hôm đó dì Lê thấy tai mình ù ù, rồi đau, và cuối cùng là mất cảm giác về âm thanh. Dì Lê bị điếc từ dạo ấy.

Cả làng không ai biết dì Lê điếc vì bị ông ngoại tôi đánh. Dì Lê chẳng kể điều đó với ai. Thậm chí dì cũng chẳng buồn về chuyện đó. Dì bỏ học từ dạo ấy vì đến lớp không nghe được lời cô giáo giảng bài. Suốt ngày, dì Lê ở ngoài đồng với hai con trâu mộng và một gánh cỏ, chẳng ôm ấp một ước mơ, một hoài bão lớn lao nào. Trong khi mẹ tôi quần là áo lượt đi học trên huyện, trên tỉnh, rồi vào đại học thì dì Lê an phận với công việc của một người nông dân.

Chỉ có ông ngoại tôi là trầm lặng hẳn đi từ dạo ấy. Không bao giờ ông nhắc lại chuyện đánh dì Lê, và cũng không thô bạo với bất kỳ ai. Ông dường như cũng không dám đến gần dì Lê, những hành vi thân thiện thường có ở một người cha nơi ông dành cho con gái cũng không còn nữa. Ông như đã thành một người xa lạ với dì Lê vậy. Hồi gia đình tôi chưa tan đàn xẻ nghé, mẹ tôi thường bảo, cái tát làm điếc tai dì Lê chính là nỗi buồn lớn nhất, cũng là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ông ngoại.

Dì Lê mười tám tuổi mà vẫn cứ mê mải chăn trâu cắt cỏ ngoài cánh đồng, chứ không bắt chước các cô gái trong làng làm duyên làm dáng hay đàn đúm hội hè. Trai làng quên bẵng dì Lê. Thực ra cũng có vài đám dạm hỏi nhưng dì Lê không mặn mà chút nào. Ông ngoại tôi không bày tỏ ý kiến, để dì Lê tự quyết định. Đó là điều lạ lùng, bởi thực ra ông tôi là một người rất phong kiến, hơn nữa quê tôi vẫn còn tồn tại cái lề thói cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Bà ngoại tôi sợ dì Lê ế chồng mới tìm cách vun vào, lập tức dì nổi khùng lên:

- Mẹ thích thì đi mà lấy. Con lấy thằng đàn ông con không thích thì thà con lấy trâu còn hơn.

Thời gian trôi nhanh và tuổi hai mươi của dì Lê cũng trôi vèo như gió thoảng. Chính dì Lê cũng không nhớ tuổi của mình. Cùng lứa dì Lê, các cô gái trong làng đã con bồng con bế, mà dì Lê tôi vẫn ngày ngày chăn hai con trâu ngoài cánh đồng. Dì thường thả trâu ngoài bãi tha ma, rồi một mình vẩn vơ đi tìm những bông hoa ngái dại trồng trên các ngôi mộ cổ mà mút mật hoa từ cái cuống tí xíu của nó như mấy đứa con nít.

Mấy năm được mùa, nhà ông ngoại tôi khấm khá hơn. Ông ngoại quyết định bán hai con trâu đi cho dì Lê đỡ vất vả. Giờ đây dì chỉ phải chăm mấy sào lúa. Cái bóng của tuổi già dường như đã lướt qua gương mặt dì Lê, mặc dù dì mới chỉ hai mươi tám tuổi. Đột nhiên một dạo bà tôi thấy dì Lê kém ăn hẳn, người xanh xao khác lạ. Cây khế ngoài ngõ vừa trổ quả non đã bị dì Lê vặt trụi. Rồi cái bụng dì cứ lùm lùm hiện ra dưới những chiếc áo chít eo gọn gàng. Bà tôi cuống cuồng vặn hỏi dì xem ai là cha của đứa bé trong bụng. Dì Lê chẳng hé một lời nào. Dì lạnh lùng tuyên bố:

- Ai đồn đại gì về con, mẹ cứ bảo họ đến nhổ vào tai con đây này. Mẹ bận lòng làm gì.

Quay sang ông ngoại tôi, dì Lê bảo:

- Bố đừng buồn nữa bố ạ. Những lúc như thế này, con điếc lại có lợi đấy.

Ông ngoại tôi ngồi im như một pho tượng.

Cái thai trong bụng dì Lê cứ bất chấp dư luận mà lớn lên. Ông bà tôi mướn thợ đến xây một căn nhà nho nhỏ cạnh bờ sông, sát nhà ông ngoại để dì Lê ra đó ở riêng đợi ngày khai hoa nở nhụy. Dì Lê trở dạ trong một đêm mưa tầm tã, sinh hạ một bé gái. Nó đen như củ súng và ngay từ lúc bé tí nó đã lặn ngụp dưới sông như con rái cá. Chẳng ai nghĩ đến chuyện đặt tên cho nó nên cả làng cứ gọi nó là cái Gái. Gái ngang tàng và khỏe khoắn. Nó là một thứ cỏ dại. Tóc nó đỏ hoe như râu ngô vì nắng gió. Suốt ngày nó cởi trần và bơi giỏi không thua kém bất kỳ đứa con trai nào cùng tuổi trong làng. Ai cũng bảo cái Gái giống hệt chú Tảo cất vó bè ở cuối làng. Chẳng bao giờ dì Lê để tâm đến lời đồn đại đó. Dì dồn hết tình yêu vào cô con gái ngỗ ngược mà lẽ ra nó phải là một thằng con trai mới đúng. Hằng đêm dì ôm nó vào lòng, hít hà mái tóc đuôi ngựa khét mùi nắng, cả thân thể đen đúa, ngai ngái mùi phù sa của nó. Cái Gái chẳng đến trường và dì Lê thì cũng không thấy cần thiết phải cho nó đi học. Từ nhỏ nó đã biết mò cá ở sông nhanh thoăn thoắt. Ở làng không đứa trẻ nào bắt cá trê trong hang giỏi như nó. Dì Lê trồng mấy sào lúa, lúc rỗi thì ở nhà tuốt rơm buộc chổi mang đi bán lấy tiền. Dì bảo:

- Mấy năm nay dì không mất tiền mua mắm. Cái Gái giỏi lắm, biết nuôi mẹ rồi đấy.

Tôi hỏi như quát, vì dì nặng tai chẳng nghe rõ:

- Dì ơi, sao dì không cho cái Gái đi học?

- Dào ơi, dì không đi học thì có chết ai đâu nào?

Lý luận ấy khiến tôi không thể nói thêm điều gì về chuyện học hành nữa. Tôi bèn hỏi:

- Gái đi mò cá ngoài sông hả dì?

- Hôm nay nó theo thuyền thằng Toán đi hôi cá dưới cửa sông kia. Ở đấy, người ta đánh cá bằng thuốc nổ.

- Chết, nguy hiểm thế mà dì để cho nó đi à?

- Đã đứa nào chết đâu mà lo.

Câu chuyện đến đấy thì Gái về. Nó đeo một cái giỏ lớn bên hông, người đen đúa, lép kẹp như một thằng con trai chính cống. Đôi mắt nó hấp háy nhìn tôi rồi đặt bịch cái giỏ cá xuống cửa. Dì Lê vội vàng đi lấy chậu thau, đổ cá ra, chọn những con nhỏ nhất mang phơi khô, còn lại cho vào nồi xóc muối. Gái nhìn tôi một chặp, rồi ngô nghê hỏi một loạt câu:

- Tóc đen thế? Da trắng thế? Chị bôi cái gì mà môi chị đỏ thế?

Tôi hỏi:

- Sao Gái không đi học?

- Học làm gì?

- Học để biết nhiều thứ.

- Biết nhiều thứ để làm gì?

- À, ví dụ để lấy chồng chẳng hạn.

- Lấy chồng để làm gì?

- Để có con chẳng hạn. - Tôi cắt nghĩa.

- Có con á? Thế sao mẹ đẻ em mà có cần chồng đâu?

Tôi đuối lý, đành lảng sang chuyện khác:

- Có đứa nào mò cá giỏi như em không?

- Không. Em vô địch.

- Em đi theo thuyền mà không sợ hả? Họ đánh cá như thế nào?

- Chị biết không, họ đánh cá hay lắm. Đầu tiên họ cắm dây điện, rồi “ùm” một cái, nước tung tóe lên cao thành từng cột, rất đẹp, rồi họ kéo lưới lên, cá nổi bềnh bềnh nhiều vô kể. Em bơi ra, nhiều đứa cũng bơi ra. Tha hồ mà vớt cá.

Tôi rùng mình bởi lời kể ráo hoảnh của Gái. Có vẻ chán tôi, nó lao ra sông, và loáng một cái đã thấy cô ả đứng bên kia sông hét sang bên này. Nắng chiếu lấp lánh trên mặt nước, và trên nụ cười giòn giã từ hàm răng trắng của nó. Dì Lê chui từ trong bếp ra, gọi nó về ăn cơm.

Đêm. Tôi nằm buồng bên này với bà ngoại.

Buồng bên kia ông tôi không ngủ, cứ vào vào ra ra thở dài thở ngắn. Thỉnh thoảng tôi nhìn ra, thấy ông kéo thuốc lào sòng sọc. Đốm lửa từ que đóm trên tay ông, qua khe cửa, tôi thấy nó chờn vờn lên mặt ông như một bóng ma. Bà tôi thường trở dậy lúc ông ngồi ho khan ngoài bậc cửa, dưới ánh trăng vằng vặc, rót một chén rượu tắc kè từ cái bình đặt dưới chân tủ, lặng lẽ để bên cạnh ông. Đêm nào cũng vậy, sau khi uống hết chén rượu bà tôi rót rồi ông mới vào giường nằm. Thường là khi gà gáy hết canh ba.

Một buổi trưa nắng gắt, lúc tôi và dì Lê đang bện chổi trước cửa nhà thì nghe có tiếng lao xao ngoài bến sông. Linh tính điều chẳng lành, dì Lê vứt tung tóe rơm, chạy ào ra bờ sông. Tôi hớt hải chạy theo dì. Cái Gái nằm thẳng đờ trên chiếc thuyền gỗ, mặt trắng bệch, hai tay loang lổ máu. Cả đôi chân bơi thiện xạ của nó, mặc dù đã phủ một tấm áo của ai đó, vẫn thấy nhuộm đỏ máu. Dì Lê ôm chầm lấy cái Gái, gào thét điên dại. Bèo lục bình bơi vật vã ngoài sông. Nắng xối xả đổ xuống mặt nước dập dềnh. Người ta vất vả lắm mới đưa được dì Lê về nhà, sau khi dì ngất đi.

Cái Gái chết trẻ, và theo tục lệ ở đây thì nó không được đưa về nhà mà người ta đưa thẳng nó ra nghĩa địa làm đám ma và chôn cất. Mới sáng nay thôi, lúc đeo giỏ ra cửa sông, nó còn ngô nghê hỏi tôi:

- Chị ơi, Hà Nội có nhiều cá bằng ở đây không? Hôm nào chị cho em lên Hà Nội nhé!

Tôi không biết cái Gái chết như thế nào. Chỉ nghe bọn trẻ trong làng bảo cái Gái vấp phải dây điện người ta đang cài thuốc nổ để đánh cá dưới sông. Mạng người đôi khi cũng mong manh như một con cá bị đánh lưới vậy.

Sau cái chết của Gái, dì Lê dở điên dở dại. Dì không bện chổi nữa, người cứ tóp dần đi như que củi. Chiều chiều, dì Lê cầm cái giỏ không ra bến sông ngồi đợi. Mặt sông vàng vọt ánh sáng của ngày tàn. Dì chìa cái miệng giỏ ra phía cửa sông, đốt hương hú gọi hồn cái Gái về. Đêm xuống, dì Lê vẫn cứ ngồi bất động như bóng ma ở bờ sông. Ngôi nhà trống hoác của dì đom đóm rủ nhau về ở, trông xa như hội hoa đăng.

Ông ngoại tôi, từ đợt cái Gái mất cũng nằm liệt trên giường, bỏ cả rượu, bỏ cả thuốc lào. Nhà bà ngoại trở nên vắng vẻ, hoang lạnh. Tôi bắt đầu lo lắng, gọi điện lên thành phố nhờ bố tìm xem mẹ ở đâu để báo tin.

Mẹ tôi tất tưởi bỏ việc về thăm ông bà. Ông tôi mất ít ngày sau đó. Tối hôm trước ông còn ăn một vài thìa cháo mẹ tôi bón, vậy mà sáng hôm sau bà tôi vào thay quần áo cho ông đã thấy người ông lạnh ngắt. Đôi mắt ông mở trừng trừng, gương mặt co rúm lại như thể vừa qua một cơn đau vật vã. Ở tai ông rỉ ra một dòng máu đỏ đã khô lại. Bà và mẹ tôi vuốt mắt cho ông đều không được, đôi mắt ông cứ mở như thể đang day dứt. Chỉ đến khi người ta dìu dì Lê vào chỗ ông nằm, dì Lê chìa đôi tay xương xẩu ngang mặt ông, bấy giờ đôi mắt ông mới khép lại vĩnh viễn.

Ông ngoại tôi ra đi có thanh thản không? Tôi không biết. Tôi chỉ biết cầu mong cho ông thanh thản, bởi dì Lê đã tha thứ cho ông.

Bây giờ nhà ông ngoại chỉ còn lại bà tôi và dì Lê ở. Hai người phụ nữ với hai bát hương suốt ngày nghi ngút khói. Mẹ tôi về lại thành phố với công việc và cuộc đời riêng của mẹ. Còn tôi vẫn ở với bố, đi học cho nên người, theo cách mà bố vẫn nói, và mùa hè thì bố cho tôi về quê thăm bà, thăm dì Lê.

Riêng ngôi nhà sát bờ sông, dì Lê tôi để cho đom đóm về mở hội đêm đêm, bởi dì tin rằng trong muôn vàn đốm sáng nhỏ nhoi ấy, có Gái thân yêu của dì.

Hà Nội - 1999


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx