sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Mùa đom đóm mở hội - Chương 14

Chương 14. Không chỉ là ký ức

Hàng xóm đều biết rõ sự trở về của dì và người ta cảm thông với hoàn cảnh éo le nhà tôi.

Dì là em mẹ tôi, kém mẹ tôi hai tuổi. Ngày trẻ, dì đẹp nhất nhà. Tính cách của dì mạnh mẽ hơn mẹ tôi. Điều đáng nói là dì yêu cha tôi. Mối tình của hai người chớm nở khi cha là sinh viên khoa Toán năm cuối còn dì là sinh viên năm đầu khoa Văn trường đại học Tổng hợp. Chiến tranh ác liệt, cha tôi vào chiến trường Quảng Trị, còn dì đi thanh niên xung phong. Mẹ tôi ở lại làm công tác dân vận ở địa phương.

Cha và dì bặt tin nhau từ đó. Mùa xuân năm 75 cha trở về, còn dì thì không. Chờ đợi mỏi mắt, lại nghe phong thanh dì đã hy sinh, cha tôi như quỵ xuống bởi nỗi đau quá sức.

Rồi cha về ở chung với mẹ tôi. Lúc đầu không hẳn vì tình yêu, mà giống như là nghĩa cử ân tình thường có sau chiến tranh. Vả lại, với cha tôi, trong mẹ tôi có hình bóng của dì.

Nhưng tôi chào đời bốn năm sau lại là kết quả của tình yêu thực sự. Năm tháng nhen nhóm những ngọn lửa nồng nàn hơn. Mẹ tôi dịu dàng và thành thật như dì. Mẹ tôi yêu cha tôi, thậm chí bà còn gắng sống bằng hai cuộc đời (cho cả dì) để cha tôi được sống những năm tháng yên ổn và thanh thản. Xóa một vết thương lòng không bao giờ là chuyện dễ, nhưng người ta có thể xoa dịu nó.

Tôi đã lớn lên trong tình thương của cả cha lẫn mẹ. Cha thường bảo tôi nhìn chung là giống mẹ, nhưng đôi mắt ướt lại là phiên bản của dì. Mẹ tôi rất hiểu và tôn trọng những khoảng trời riêng của cha. Thỉnh thoảng, mẹ lại ngồi lặng lẽ hàng giờ trước tấm ảnh phóng to của dì treo trên tường. Dường như tâm linh bà đang nói một điều gì đó sâu xa lắm. Mẹ hài lòng với cuộc sống và bà cho rằng bà có bổn phận phải sống tốt với chồng.

Năm tháng ngỡ cứ như vậy mà trôi đi. Tôi là chiếc cầu nối giữa cha và mẹ. Tôi yêu, kính trọng hai người và dặn mình phải cố gắng là một đứa con ngoan. Cha mẹ nhìn tôi lớn lên mà yêu nhau hơn. Cha thường bảo: “Chiến tranh đã là quá khứ. Dù sao thì vẫn phải sống vì ngày mai con ạ.”

Tôi không đi qua chiến tranh và cũng không hiểu nhiều về chiến tranh, nhưng qua những câu chuyện của cha và mẹ, tôi có thể cảm nhận được những mất mát dai dẳng của nó.

Mười năm đã qua đi, tưởng mọi điều đã được an bài thì dì trở về. Mười năm ấy, dì ở lại bên một cánh rừng với một người bạn gái để chờ đợi người đàn ông của mình đi qua. Hai người đàn bà tội nghiệp đã trở thành những người gác rừng vô danh và chứng kiến sự hồi sinh của cỏ cây trên mặt đất. Họ không muốn quay trở lại cuộc sống đời thường với guồng quay tất bật, mệt mỏi của việc mưu sinh đến nỗi không còn một phút mà nghĩ về quá khứ.

Dì sống như đã từng sống trong chiến tranh, bộ quân phục bạc phếch, củ rừng thay cơm với những chiếc huy chương và cuốn nhật ký đầy ắp những kỷ niệm bằng máu và nước mắt.

Sẽ không có sự trở về nào cả nếu không có một nhà báo lần ra tung tích của dì và in ảnh dì trên báo. Rồi hình ảnh của dì xuất hiện trên truyền hình. Cha mẹ tôi bàng hoàng, không tin vào sự kỳ diệu này. Họ đón dì trở về. Khi đó dì đã có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Trong ba lô của dì vẫn còn tấm ảnh cha tôi đã ố vàng cùng những trang thư viết không gửi từ hàng chục năm về trước. Dì già hơn cả mẹ tôi và năm tháng hằn vết lên gương mặt dì cũng rõ ràng hơn.

Cha tôi hoàn toàn bất ổn trước điều bất ngờ này. Dì trở về, không tỏ thái độ buồn vui, chỉ một mực đòi ra ở riêng. Chính quyền địa phương sẽ xây cho dì một căn nhà tình nghĩa. Nhưng mẹ tôi kiên quyết không đồng ý. Bà điềm tĩnh nói trước cả nhà: “Chúng ta không có lỗi. Điều quan trọng là chúng ta đã sống. Giờ đây chúng ta cần biết sống cho những điều cao hơn cả tình yêu.”

Rồi ôm lấy dì, mẹ tôi khóc như mưa. Mặt dì trắng bệch. Cha tôi gục xuống bàn, trong chốc lát gương mặt ông trở nên già nua một cách lạ lùng. Mẹ tôi nhắc cha tôi và tôi hãy ôm hôn dì, hãy nói với dì điều gì đó.

Nhưng rõ ràng trong ngôi nhà bé nhỏ của chúng tôi đã có sự xáo trộn một cách lặng thầm. Mọi điều có vẻ không thay đổi, nhưng chắc chắn nó không còn như cũ nữa. Dì đã trở thành một người gần như mất trí. Mẹ tôi xếp dì ở phòng riêng. Thời gian đầu, cả ngày dì im lặng, chỉ ngồi bất động bên cửa sổ căn phòng mình, mở to đôi mắt ướt đã mệt mỏi nhìn mãi vào một điểm vô định nào đó trong không trung. Rồi bệnh của dì mỗi ngày một phức tạp. Dì không ngồi yên nữa mà bắt đầu hò hét. Có những khi bất chợt dì hát ầm ĩ những giai điệu không đầu chẳng cuối. Lại có những khi dì cười rũ rượi một mình trong căn phòng vắng vẻ. Tiếng cười nghe man dại và lan xa như vang vọng lại từ một cánh rừng âm u nào đó. Có những đêm tôi trở dậy nhìn dì. Trong bóng tối, dì xõa tóc, đôi mắt như mắt mèo hoang ánh lên những tia nhìn lạ lùng khiến tôi sợ hãi.

Mẹ tôi đi chùa từ dạo ấy. Bà cũng chăm chút cho cha con tôi và dì nhiều hơn. Bà vui vẻ và không làm mếch lòng ai bao giờ.

Cha tôi vào ra hằng ngày như chiếc bóng. Ông thức hằng đêm và hút thuốc lá rất nhiều. Sự bất ổn đang hành hạ cha tôi làm cho ông già đi nhanh chóng. Có hôm mẹ tôi ở lại chùa không về nhà, tôi phải thay mẹ trở dậy nhắc cha đi ngủ. Chưa kịp chợp mắt, cha con tôi lại bị đánh thức bởi tiếng la hét từ phòng dì. Cha bật dậy đi ra hành lang. Ông cứ ngồi như hóa đá đến khi trời sáng. Tôi thấu hiểu những dông bão trong lòng cha, và đau lòng biết rằng sự chừng mực của ông là hệ quả của những gì đã ràng buộc quá sâu vào cuộc đời ông.

Mẹ tôi mời bác sĩ riêng chữa bệnh cho dì. Ông bác sĩ yêu cầu đưa dì vào bệnh viện tâm thần. Mẹ tôi không đồng ý. Mẹ muốn có dì ở nhà để hằng ngày chăm sóc cho dì. Nỗi sợ hãi khiến tôi ít khi dám gần gũi dì. Nhất là từ hôm tôi chứng kiến dì ôm cái ba lô sờn rỗng tuếch trước ngực và đung đưa hát ru như đang ru một đứa trẻ. Thấy tôi đi vào phòng, dì nổi giận và ném thẳng chiếc ba lô vào người tôi.

Cha tôi hầu như phó mặc mọi chuyện cho mẹ. Ông không biết phải làm gì. Nỗi đau khổ làm ông kiệt quệ. Mỗi sáng, mẹ tôi nấu ăn và thường nhờ cha đem vào phòng cho dì.

Không khí gia đình lúc chùng xuống, lúc lại căng như sợi dây đàn. Tôi cũng không biết làm những gì để thay đổi cuộc sống gia đình mình, khi mà tôi đã đủ trưởng thành để nhận ra có một sợi dây vô hình đang nối giữa chúng tôi. Những bữa ăn cũng dần trở nên buồn tẻ dù bàn tay mẹ cực kỳ khéo léo. Chẳng bao giờ dì ăn cùng chúng tôi, bởi dì luôn có những cử chỉ không bình thường. Dì sẽ chọc phá lung tung. Có ngày mẹ tôi phải khóa trái cửa phòng dì, vì nếu không dì sẽ đi lang thang ra đường và nhặt nhạnh đủ thứ vớ vẩn mang về nhà.

Tôi cảm thông với cha mẹ và dì. Sự cảm thông ấy đi liền với cảm giác giống như sự chia lìa, rạn vỡ. Trong một bữa ăn, không khí nặng nề của gia đình đã làm tôi ngột ngạt. Tôi bỏ bát xuống, hỏi mẹ trong tiếng khóc vừa bật ra nức nở: “Chúng ta sẽ sống thế nào hả mẹ?”

“Tự chúng ta đã biết sống thế nào thôi.” Mẹ nói mạch lạc và nhìn vào không trung: “Con hãy yêu cha con, yêu dì con. Rồi dì sẽ khỏi và chúng ta tiếp tục sống đầm ấm ở căn nhà này. Dì đã mất mát quá nhiều rồi, con ạ.” Rồi quay sang cha, mẹ trầm giọng: “Em sẽ cầu nguyện cho anh. Lúc nào em cũng chia sẻ cùng anh mọi điều, anh ạ.”

Tôi không tả được cái nhìn của cha dành cho mẹ lúc ấy. Chỉ biết nó vừa thiết tha, bao dung, vừa hàm ơn, trân trọng. Cha ôm tôi vào lòng, và trước lúc đứng dậy, ông nói: “Cuộc sống luôn phức tạp hơn chúng ta nghĩ con ạ. Con hãy yêu mẹ con và mọi người, bởi lòng nhân ái còn cần hơn cả bản thân chúng ta...”

Thời gian trôi đi vùn vụt. Dù cha mẹ tôi đã hết lòng thuốc thang, nhưng dì không thể nào trở lại làm một người bình thường được. Mẹ tôi đề xuất ý định đưa cả nhà đi chơi xa. Cha bảo hãy đi về quê ngoại, nơi ngày xưa dì đi học và lớn lên. Chúng tôi có một chuyến đi khá thú vị nhưng tình trạng của dì không khá hơn chút nào. Hằng đêm, dì hát ầm ĩ trong căn phòng nhỏ. Rồi dì múa may, bắn súng, hô hào như đang duyệt binh. Có đêm dì mở cửa đi ra khỏi nhà, đi qua dãy phố dài, đến bờ đê có con sông nhỏ rồi ào xuống sông tắm. Chúng tôi phải vất vả lắm mới đưa được dì về.

Sức khỏe của cha tôi suy sụp rõ rệt. Tóc cha bạc đi hằng đêm.

Mẹ tôi ngày nào cũng đeo tràng hạt lên chùa tụng kinh cứu khổ cứu nạn và dặn tôi ở nhà chăm sóc cha và dì. Tôi thương mẹ đến quặn lòng.

Tôi nói với cha rằng ông nên cùng tôi vào phòng của dì. Ở đó, cha hãy gợi lại tình yêu của hai người ngày xưa, có thể trí nhớ của dì sẽ hồi phục. Cần phải làm cách nào cho dì khỏi bệnh? Cha hãy bày tỏ tình cảm của cha dành cho dì. Cha còn yêu dì thì tại sao lại cần phải giấu? Cha con tôi đi vào phòng của dì. Tôi cầm tay dì đặt vào tay cha, xin cha hãy nói điều gì từ sâu thẳm cõi lòng ông. Xin cha hãy nhìn vào mắt dì. Nhưng cha không nói được, ông bất thần đổ gục vào ngực dì mà khóc như một đứa trẻ.

Lo ngại tình trạng bệnh của dì tồi tệ hơn, một ngày cha mẹ tôi quyết định chuyển dì vào bệnh viện. Ở đó, người ta để dì ở chung với rất nhiều bệnh nhân tâm thần khác. Tình trạng càng trầm trọng. Cứ lơ là một tí là dì bỏ đi, lại phải đi tìm dì khắp nơi. Rồi bác sĩ lại khuyên đưa dì về nhà để dì nghỉ ngơi. Nên để dì ở nơi càng ít người càng tốt.

Trước ngày tôi vào đại học, trong bữa cơm tiễn tôi, cha bảo: “Con là con gái của cha. Cha mẹ đã yêu nhau và sinh ra con, đó là sự thật. Dì con đã trở về, điều đó muộn màng và bất ngờ. Có những điều song song tồn tại trong cha, mà cha thì không đủ bất nhẫn để hành động. Cha đã yêu dì và mang hình bóng dì trong tim suốt những năm tuổi trẻ. Thật xót xa là trong cuộc đời này dì đã mất mát quá nhiều. Còn mẹ con lại là người cha hàm ơn và kính trọng. Mà bản thân tình yêu thì không có lỗi. Cha chỉ buồn là tại sao cuộc sống lại trái ngang thế này…”

Mẹ tôi đứng phía cửa phòng, tôi nhìn thấy mẹ đang gạt nước mắt.

Bây giờ thì dì đã đi xa quá rồi. Gia đình tôi đi từ nỗi đau này sang cơn bàng hoàng khác. Những cơn co giật đã đưa dì đi. Không một ai yên ổn trong chuyến đi đột ngột này của dì. Mẹ tôi gọi cho tôi, đau đớn nói rằng dì chính là một phần thân thể của mẹ. Giá mà đã xảy ra điều gì đó kỳ diệu hơn.

“Giá mà dì khỏi bệnh, con ạ. Bởi mẹ luôn ở trong tư thế sẵn sàng ra đi vì mẹ hiểu cha con, và dì là em gái mẹ.”

Tôi trở về để đưa tiễn dì. Đám tang của dì không ồn ào. Nó cũng giống như cuộc đời của dì vậy. Rất nhiều những người bạn cùng chiến trường xưa của dì đến tiễn đưa. Cha mẹ tôi hóa đá. Nỗi đau làm cho họ kiệt sức.

Gần bốn mươi tuổi nhưng những vòng hoa trên mộ cho dì vẫn trắng.

Cha tôi ngồi tựa bàn hằng đêm dài lê thê và thuốc lá làm đôi tay ông ám khói.

Chúng tôi đã không thể nói với dì điều mà chúng tôi hằng nghĩ. Nhưng trên mộ của dì, chúng tôi đã trồng một loài hoa nở những bông trắng ngần và thơm ngát, như tuổi hai mươi đã mất của dì.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx