sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Mùa đom đóm mở hội - Chương 17 (HẾT)

Chương 17. Cái ấm nhôm

Nghe bà ngoại kể thì cái ấm nhôm được cha mẹ tôi sắm hồi mới về ở chung. Nó không đẹp nhưng bền. Nó gần giống như cái siêu đất để sắc thuốc bắc.

Hồi đầu cái ấm rất được cưng chiều. Hằng ngày, nó được mẹ lau rửa sạch sẽ, trắng tinh. Cha mẹ tôi ở riêng trong một căn nhà lá ba gian nhỏ phía cuối làng. Ở đấy, con sông cái bốn mùa nước trong vắt. Mùa hè đến, mẹ tôi thường hái quả vối phơi khô rồi để dành trong một cái lọ sành nhỏ. Mỗi lần mẹ vốc một nắm bỏ vào cái ấm nhôm, đổ nước nóng vào là cả nhà có một thứ trà đặc biệt, vừa thơm vừa mát.

Mẹ mang thai chị Lúa, cái ấm càng có ích. Nó đảm nhiệm công việc đựng nước nôi. Mẹ chỉ thích uống nước vối, mà nước vối phải pha bằng cái ấm nhôm này mới ngon, mẹ bảo thế. Chẳng phải cái ấm có phép màu gì đâu, mà có lẽ nó có vị ngọt ngào riêng, từ một điều sâu xa thầm kín hơn, như kỷ vật tình yêu của cha và mẹ vậy.

Sau chị Lúa, chị Mai, chị Thảo, anh Đông, tôi và cu Út lần lượt được hoài thai trong căn nhà ba gian bên bờ sông nhỏ. Cái ấm nhôm lặng lẽ hoàn thành công việc của mình. Chúng tôi lớn lên bằng sữa mẹ. Mẹ uống nước hằng ngày bằng cái ấm nhôm. Điều đó nghĩa là, chị em chúng tôi đều uống nước chung từ một cái ấm. Thời gian trôi qua, cái ấm không còn bóng bẩy như xưa nữa. Thời gian và sự lam lũ cũng đã kéo lưng mẹ còng xuống. Mẹ bận bịu tối ngày, chúng tôi ham chơi, thành thử cái ấm nhôm không mấy khi được kỳ cọ, lau chùi, màu xỉn đi. Bây giờ cái ấm nhôm đã chuyển thành màu vàng quạch.

Lần đầu tiên cái ấm nhôm không được lành lặn như xưa là hồi tháng Tám năm ngoái. Một cơn tức giận của cha là nguyên nhân làm cho cái ấm đáng thương bay vèo từ bàn nước ra ngoài sân gạch. Nhà tôi nghèo quá, càng ngày càng nghèo vì sáu đứa con ăn học hết lượt. Cha cặm cụi suốt ngày không đủ tiền trang trải cuộc sống. Tiền làm cha mẹ quay như những cái chong chóng ngày gió lớn. Tiền khiến những cuộc cãi vã giữa cha và mẹ nổ ra thường xuyên hơn. Chúng tôi xanh mắt nhìn cha mặt đỏ phừng phừng. Còn mẹ thì rưng rức khóc.

Sau mấy ngày thì cha mẹ làm lành. Nhà tôi lại rộ tiếng cười. Chỉ cái ấm nhôm là vẫn méo mó như gương mặt của một kẻ ăn mày. Khách tới chơi, mang nước ra mời, người ta cứ nhìn vào cái ấm bị méo mó. Nghĩ thấy ngại, cha mang gò lại suốt buổi sáng. Cái ấm tròn hơn, nhưng vẫn để lại di ấn của sự méo mó. Thầy giáo bảo, làm biến dạng một thực thể dễ hơn là sửa lại nó tròn trịa. Tôi nghĩ thầm, thầy nói thật đúng.

Năm ngoái, đến gần Tết cái ấm lại có dịp bay ra ngoài. Cha ném nó ra sân gạch, sau một hồi cãi vã với mẹ. Cha ném cái ấm đi, cứ như thể là sau hành động ấy thì cuộc sống của gia đình sẽ trở nên giàu có hơn. Nó nằm chỏng chơ một cách thảm hại ngoài sân. Khi cha ném nó đi, cha không nghĩ đến cái ngày cha mua nó về, rồi cái lần cha hì hụi gõ tròn lại nó gần một buổi sáng. Vậy ai bảo người lớn không vô tâm?

Từ dạo anh Đông gây gổ đánh nhau với thằng con trai ông chủ tịch xã làm nó vỡ đầu và nhà phải bán đi cái tủ, vật phẩm có giá trị lớn nhất trong nhà để đền vạ thì cái ấm nhôm được bay ra ngoài nhiều hơn. Chị Lúa xin tiền đóng học, cha cáu. Anh Đông đòi mua cái mũ lưỡi trai, cha cáu. Hết gạo, cha cáu. Chúng tôi mải chơi một tí, cha cáu. Có những lần chẳng biết vì lý do gì cha cũng cáu. Cha cáu giận suốt ngày. Nhưng cha không đánh chúng tôi, mà cái ấm thành kẻ chịu đòn. Nó cứ tới tấp bay ra ngoài sân mỗi lần cha buồn bực không biết trút vào đâu.

Chúng tôi sợ hãi chạy dạt hết. Nhưng tôi thương cái ấm. Giá cha cứ tát cho mỗi đứa tôi một cái thì có lẽ tôi bằng lòng hơn là cha đối xử với cái ấm nhôm như vậy. Mẹ tôi tiếc của nên cứ mỗi lần thấy cha tức giận thì mang bộ khay chén cất biến. Và bà nói với bọn tôi:

- Cái ấm nhôm, lão ấy có đập cũng không vỡ. Nó chỉ méo thôi. Méo thì gò lại, méo vẫn đựng nước được. Chứ cốc chén bằng sành, lão ấy đập đi thì tiền đâu mà sắm. Kệ lão, tao mệt mỏi lắm rồi. Đẻ lũ chúng mày ra tao khổ quá.

Điều gì làm cho cha mẹ chuyển cách xưng hô, chúng tôi đã đủ lớn để biết. Mà mẹ lại đổ lên đầu chúng tôi cái tội làm cho mẹ khổ, đáng không? Làng tôi nhà nào có từ bốn đứa con trở lên đều khổ cả. Vậy ra toàn lũ chúng tôi làm người lớn khổ?

Tình hình gia đình ngày một bi đát. Cha mẹ cãi cọ và giận nhau thâm niên. Tựa như trời thì mưa nhiều quá, mà con người như những con dao mỗi ngày một cùn quằn, han gỉ bởi axit trong nước mưa thấm xuống mỗi ngày. Không có việc làm thêm, nhà rời mùa ra là nhẵn thóc. Hai chị em tôi bỏ học, lần lượt đi kéo lưới ngoài sông kiếm con tôm, con cua. Tôi muốn đi học. Tôi muốn cu Út được học. Chị Lúa bảo sẽ dành dụm tiền bán tép cho hai đứa tôi đi học. Học phí bốn mươi nghìn mà chị ấy bán tép một nghìn hai lạng.

Tối qua cha lại đi uống rượu ở đâu về, say xỉn và cãi nhau với mẹ. Những bài ca họ nói với nhau tôi đã thuộc. Cái ấm nhôm tội nghiệp lại được vù ra sân, nắp của nó văng ra để lộ cái miệng méo mó, trông như con mắt trống hoác trơ tráo nhìn tôi.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Ồn ào rồi cũng im ắng. Chẳng ai hơi đâu mà bận tâm nhiều đến cái ấm. Cha ngủ trên võng, tiếng kẽo kẹt trong đêm nghe như tiếng hờn khóc. Mẹ nằm trên giường, tay gác lên trán. Các anh chị đã ngáy khò khò. Ai cũng mệt vì phải làm lụng cả ngày. Giấc ngủ cần thiết hơn đối với họ. Còn việc cha ném cái ấm nhôm là một thói quen. Có gì đâu, chỉ là một thói quen của người bất lực trước cuộc sống mà thôi. Hơn nữa, cái ấm lại là vật vô tri vô giác mà.

Tôi không ngủ được, dậy mở cửa, đi ra sân hóng mát, trăng sáng như ban ngày. Cái ấm nhôm sáng lên dưới ánh trăng dịu dàng.

Tôi nhặt cái ấm lên. Miệng nó méo mó như vừa cười vùa khóc. Tôi áp cái ấm vào má mình, sương đêm từ cái ấm lạnh toát thấm vào má tôi. Vẫn còn mùi nước vối thoang thoảng từ lòng cái ấm nhôm tỏa ra êm dịu. Mùi thơm quen thuộc ấy đánh thức trong tôi một điều gì vừa xôn xao, vừa thầm lặng. Mắt tôi cay quá. Tôi ôm lấy cái ấm đi ra ngõ, giống như hình ảnh cô bé xấu xí nào đó ôm con mèo đáng yêu của mình vừa chết đi trên thảo nguyên trong câu chuyện cô được cha kể cho nghe hồi nhỏ.

Tôi giấu cái ấm nhôm ngoài đống rơm. Tôi cần phải yêu thương cái ấm, vì chị em tôi cùng uống chung nước từ cái ấm này mà lớn lên, suốt thời thơ bé.

Để xem, ngày mai cha lấy cái gì mà ném?

Thực hiện bởi

Nhóm Biên tập viên

Ktmb - Nhocmuavn

(Duyệt – Đăng)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx