Cô bé đương độ trăng rằm mặc chiếc váy đỏ lững thững thả bước trên con hẻm hoang liêu dài tít tắp, hoa tường vi nở rộ, trời chạng vạng tối, mưa như rây bột nhẹ nhàng vuốt ve từng góc phố, cô bé mang vẻ mặt âu sầu ngắt một đoá tường vi, lòng cô ngổn ngang trăm mối, cô bước vào khúc ngoặt, rồi biến mất…
Chẳng biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua, cô bé mới tỉnh dậy và phát hiện mình đang ngồi trong một chiếc thùng sắt. Cô bé vô cùng hoảng sợ, không thể lí giải nổi vì sao mình lại ở đây, chỉ loáng thoáng nhớ khi đi qua góc phố thì bị một bàn tay bịt chặt miệng và mũi, sau đó cô liền bất tỉnh nhân sự.
Cô bé muốn hét to kêu cứu nhưng phát hiện miệng mình bị nhét giẻ.
Cô bé muốn giãy giụa nhưng phát hiện tay mình bị trói chặt bằng dây thép, cả chân cũng bị trói gô lại.
Cô bé ngửi thấy mùi tanh hôi toả ta từ động vật, nắp thùng sắt đột ngột mở ra, liền sau đó rất nhiều chuột đổ ào ào vào thùng. Cô bé khiếp đảm kêu ú ớ, toàn thân run lẩy bẩy, càng lúc càng nhiều chuột hơn vây kín lấy cô, chỉ chừa mỗi phần đầu lộ ra ngoài.
Mỗi lần cô cố gắng giãy giụa trong vô vọng thì bầy chuột bu quanh người lại được phen huyên náo.
Nắp thùng đậy lại, tiếng khoá sắt vang lên xủng xoẻng, rõ ràng nó đã bị khoá.
Một người đàn ông ngồi trước thùng sắt, lẩm bẩm nói vọng vào trong bằng giọng rất nặng tình:
Anh ngắm ảnh của em suốt đêm, hôn qua tấm kính, nếu không để ảnh em vào khung kính, anh sợ nụ hôn của mình sẽ làm ảnh ướt mất, làm tà váy đỏ của em ướt mất. Anh nhớ em! Anh luôn yêu em! Anh lang thang khắp thành phố này đến thành phố khác, vượt trăm núi ngàn sông chỉ để tìm em, chỉ để được gấn bên em. Tim anh đập liên hồi trong lồng ngực, anh chẳng có cách nào khác chiếm hữu em và tìm thấy em ngoài cách dùng nỗi sợ áp chế em. Điều duy nhất anh có thể làm để em không thuộc về ai khác chính là – giết chết em!
Phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc ân cần hỏi thăm: “Tiểu My, vết thương của cô thế nào?”
Tô My đáp: “Tôi khỏi rồi! Chỉ cần sau này không mặc váy hai dây hở vai nữa là ổn!”
Phó cục trưởng khuyên nhủ: “Đã là cảnh sát thì cần chú ý ăn mặc đoan trang một chút! À! Đúng rồi! Lần này tổ chuyên án phải đến thị trấn Ô Đường, một vùng quê sông nước thuộc tỉnh Giang Nam. Tôi nhắc cô lưu ý khi tới đó cô tuyệt đối không được mặc váy đỏ đấy!”
Giáo sư Lương phản xạ rất nhanh, liền hỏi: “Mới xảy ra vụ án lớn nào ở thị trấn Ô Đường sao?”
Bao Triển cũng tò mò chen vào: “Mặc váy đỏ thì làm sao ạ?”
Phó cục trưởng trả lời: “Trong vòng một tháng mà ba cô bé trong thị trấn đã mất tích, cả ba cô đều mặc váy đỏ.”
Họa Long nhìn hồ sơ vụ án chửi thề: “Khỉ thật! Kẻ báo án vụ án mất tích xảy ra cuối cùng không ngờ lại là…”
Phó cục trưởng gật đầu thừa hận: “Đúng vậy! Nói ra thì chẳng ai tin nhưng kẻ báo án không phải là người mà lại là một con chuột cụ.”
Thị trấn nhỏ giữa sông nước mênh mang vùng Giang Nam là thị trấn có truyền thống làm tơ lụa, thường ngày nơi đây rất yên ắng tinh mịch, liễu rủ nghiêng nghiêng mặt hồ. Trong mỗi con ngõ nhỏ đều có một cô gái mặc áo dài cầm ô giấy dầu đứng bên phiến đá xanh. Từng kiến trúc, từng mái nhà ven đường đều phảng phất phong vị hoài cổ. Nhịp sống nơi thị trấn nhỏ ven sông rất nhàn tản, êm đềm, không có xe cơ giới, chỉ thỉnh thoảng thấy chiếc xe đạp nhẩn nha chạy thoáng qua. Phương tiện chủ yếu mà người dân ở đây sử dụng là thuyền.
Trong phòng an ninh chủ tịch thị trấn Ô Đường trình bày sơ qua tình hình vụ án với tổ chuyên án, sáng ngày l9 tháng 7 năm 2008, mấy đồng chí dân phòng đang nghe hát ở quán trà, cô ca sĩ đứng trên sân khấu mặc chiếc váy dài màu đỏ kiểu cổ trang, giọng hát trong vắt, uyển chuyển đến rung động lòng người, lại vừa mang đậm vẻ gợi cảm của miền sông nước Giang Nam. Cô đang say sưa hát thì bất chợt ngừng lại, âm thanh tắt lịm, ánh mắt khiếp đảm hướng ra cửa, mấy người dân phòng liền ngoái đầu lại theo hướng ánh nhìn của cô gái. Họ thấy một con chuột lắc lư thân mình đi vào quán trà một cách ngạo nghễ.
Đó là một con chuột rất to, bụng tròn vo như cái ấm trà, kéo theo cái đuôi dài ngoằng, nom nó phải to gấp đôi những con chuột bình thường.
Điều khiến người ta cảm thấy quái dị là toàn thân nó nhuốm màu đỏ, người ướt ròng như thể vừa bò từ thùng sơn ra vậy.
Một dân phòng bạo gan cầm mũ cói rón rén bước đến gần nó, chắc tại con chuột ăn quá no, bụng lùm lùm như cái trống nên chẳng còn hơi sức đâu mà tháo chạy, nó bị dân phòng nọ lấy mũ cói chụp gọn. Mọi người xúm đông xúm đỏ lại xem, một dân phòng dày dạn kinh nghiệm chỉ vào con chuột và nói: “Máu đấy! Khắp người nó toàn là máu!”
Rồi họ tìm thấy một chiếc váy đỏ ở ven bờ sông ngay trước cửa quán trà. Lấy gậy tre khều chiếc váy vào bờ, họ nhìn thấy trên thân váy thủng mấy lỗ, còn có rất nhiều vết tích bị gậm nhấm. Các nhân viên trong đội dân phòng lập tức triển khai lục soát khu vực ven bờ sông, họ phát hiện trong lòng sông có một vài tấm lưới đánh cá trong lưới là hai chiếc váy đỏ khác.
Ba chiếc váy đỏ đều dính máu, trong đó hai chiếc váy có cùng kiểu dáng.
Thông qua điều tra, chủ tịch thị trấn và ban an ninh xác nhận trong thị trấn quả đúng có ba cô bé vừa mất tích, khi mất tích họ đều mặc váy đỏ.
Tô My hỏi: “Đã cho xét nghiệm vết máu chưa? Máu dính trên người con chuột có cùng nhóm máu dính trên váy không?”
Bao Triển cũng hỏi: “Thức ăn trong dạ dày chuột gồm những gì? Đã có kết quả giải phẫu chưa?”
Chủ tịch thị trấn nói: “Đã gửi mẫu xét nghiệm lên thành phố rồi! Ở thị trấn nhỏ chúng tôi không có viện pháp y, phương tiện vận chuyển bằng thuyền nên nhanh nhất phải ngày mai mới có kết quả khám nghiệm.”
Giáo sư Lương nói: “Giờ anh hãy kể tường tận cho tôi nghe về vụ ba cô bé mất tích!”
Chủ tịch thị trấn nói ngày mồng một tháng bảy, một cô bé tên là Hoàn Ngọc rời khỏi cửa hàng thêu Chữ Thập trên thị trấn vào lúc khoảng tám giờ tối, sau đó không ai nhìn thấy cô bé nữa. Ngày mười lăm tháng bảy, hai nữ sinh rời khỏi trung tâm dạy vẽ, một cô tên là Mạc Phi, còn cô kia tên là Triệu Tiêm Tiêm, lúc ấy cũng khoảng tám giờ tối. Sau khi rời khỏi đó, cả hai cùng biến mất một cách thần bí. Sáng ngày mười sáu, Đội dân phòng phát hiện một con chuột lớn với thân mình bết máu, ngoài ra họ còn vớt được ba chiếc váy đỏ dưới lòng sông. Ba cô bé mất tích một cách khó hiểu, sống không thấy người, chết không thấy xác. Căn cứ vào kết quả điều tra, chúng tôi phát hiện cả ba cô bé đều có chung một điểm: đều mặc váy đỏ!”
Bao Triển nhìn bản đồ thị trấn Ô Đường, rồi bảo: “Cả ba cô bé đều mất tích trên cùng một con phố!”
Giáo sư Lương phán đoán: “Cuối tháng, có khả năng đến cuối tháng sẽ có thêm một cô bé mặc váy đỏ nữa bị mất tích và bị sát hại.”
Chủ tịch thị trấn giật bắn mình hỏi lại: “Sao ông biết?”
Giáo sư Lương giải thích: “Hoàn Ngọc mất tích vào ngày mồng một, Mạc Phi và Triệu Tiêm Tiêm mất tích vào ngày mười lăm, cứ cách nửa tháng lại xảy ra một vụ mất tích vào lúc tám giờ tối. Hung thủ có quy luật giết người nhất định, nên rất có khả năng sau mười lăm ngày, tức cuối tháng này, y sẽ ra tay hạ thủ thêm một cô bé mặc váy đỏ nữa!”
Lực lượng cảnh sát địa phương rất mỏng, không đủ triển khai vụ án, chỉ có viên trưởng công an xã và mấy cảnh sát viên, thêm một vài dân phòng nữa. Giáo sư Lương tập hợp họ lại, phân công công việc cụ thể.
Tô My và chủ tịch thị trấn việc lấy lời khai của thân quyến nạn nhân, trọng điểm điều tra là phải hỏi cho ra những nhân vật mà họ thấy khả nghi, đặc biệt hỏi xem họ có thấy biểu hiện hay tình hình gì khác thường trước khi vụ mất tích xảy ra mấy hôm không.
Bao Triển và đội trưởng đội dân phòng tiến hành điều tra lại cửa hàng thêu Chữ Thập và lớp dạy hội hoạ, đồng thời vẽ chi tiết bản đồ phân bố của con phố nơi ba cô bé mất tích, cũng như khu vực ven sông, ngõ hẻm xung quanh.
Họa Long và nhân viên đội dân phòng phụ trách bắt chuột, chú ý tìm kiếm kĩ lưỡng các góc chết như thùng rác gần quán trà và dưới cống, quan sát xem còn con chuột nào dính máu nữa không.
Chủ tịch thị trấn nói: “Chúng tôi đã làm hết những công việc giáo sư vừa giao, nhưng không phát hiện bất kì manh mối nào hữu dụng cho việc phá án.”
Giáo sư Lương nói: “Làm đi, không được thì phải làm lại, làm lại không được thì làm lại nữa, làm đến khi nào phát hiện ra manh mối mới thôi.”
Thế là Tô My và chủ tịch thị trấn bắt đầu tiến hành thẩm vấn bố mẹ của Hoàn Ngọc từ đầu. Hoàn Ngọc mới mười sáu tuổi, khi bước chân vào lớp sáu, cha mẹ cô bé li hôn, mẹ tái giá theo chồng mới về thị trấn Ô Đường sinh sống, cha dượng đối xử rất tệ bạc với cô bé, cô thường xuyên bị cha dượng đánh chửi, bạn học và láng giềng xung quah nhận xét Hoàn Ngọc là cô bé sống nội tâm, nhạy cảm và tự ti. Hôm sinh nhật, cô bé được mẹ tặng một chiếc váy đỏ cô vô cùng vui sướng nhưng vì chuyện đó mà cha dượng và mẹ cãi nhau một trận kịch liệt Hoàn Ngọc đau lòng chạy ra khỏi nhà. Cuộc sống gia đình khó khăn nên cô bé phải giúp mẹ nhận thêm công việc thêu thùa. Tối hôm sinh nhật, cô bé vừa khóc vừa mang sản phẩm mình mới thêu xong đến cửa hàng Chữ Thập, rồi mất tích từ đó.
Tô My và chủ tịch thị trấn đi tiếp đến nhà Mạc Phi. Mẹ Mạc Phi là một phụ nữ trí thức, lời ăn tiếng nói toát lên vẻ có học, có điều vì con gái mất tích nên bà rất lo lắng và đau đớn, nghẹn ngào khóc mãi. Lần trước chủ tịch thị trấn đã đến đây nhưng không hỏi ra được nguồn cơn, chỉ nắm được vài thông tin cơ bản. Từ nhỏ Mạc Phi đã tỏ ra đa tài, lại thêm nhờ mẹ có phương pháp giảng dạy nên cô bé tinh thông cầm kì thi hoạ. Nhân dịp nghỉ hè, mẹ cho cô bé đến lớp học vẽ ở trên thị trấn để nâng cao khả năng hội hoạ, nhưng không hiểu vì sao cuối tuần này mẹ Mạc Phi không thấy con về thăm nhà như thường lệ. Sau khi dân phòng phát hiện thấy chiếc váy bên bờ sông, họ liền mang chiếc váy đến lớp học vẽ cho các bạn cùng lớp Mạc Phi nhận diện, mọi người đều xác nhận đó chính là chiếc váy mà Mạc Phi mặc trước khi mất tích. Đội trưởng đội dân phòng cũng mang chiếc váy cho mẹ của Mạc Phi nhận diện, bà quan sát tỉ mẩn từng chi tiết, rồi ngã vật xuống ngất xỉu…
Tô My cố tình tách khỏi chủ tịch thị trấn, khẽ hỏi mẹ của Mạc Phi: “Hi vọng cô phối hợp hết sức với phía cảnh sát, cô hãy kể hết cho chúng tôi biết mọi chuyện, ngay cả những chuyện gì mang tính riêng tư.”
Mẹ của Mạc Phi gạt nước mắt gật đầu.
Tô My hỏi: “Mạc Phi – con gái của cô có bạn trai chưa?”
Mẹ Mạc Phi ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Con bé Phi nhà tôi trông thanh tú, xinh xắn nên có rất nhiều bạn nam theo đuổi, nhưng nó mới mười bảy tuổi, hơn nữa gia đình tôi lại giáo dục cháu rất nghiêm khắc nên phản đối chuyện yêu sớm. Chồng tôi đi làm ăn xa ở ngoại tỉnh nên thường ngày chỉ có hai mẹ con sống với nhau.”
Tô My khơi gợi: “Cô nghĩ kĩ lại xem! Cô có phát hiện thấy chuyện gì bất thường không?”
Mẹ Mạc Phi chợt vỗ đầu bảo: “Nói vậy khiến tôi nhớ ra một chuyện!”
Buổi đêm trước hôm xảy ra vụ án một ngày, mẹ Mạc Phi biết điều hoà trong phòng cô bé luôn trong trạng thái mở, sợ con bị lạnh, bà liền trở dậy vào phòng con định tắt điều hoà. Bà chợt nghe thấy tiếng nói chuyện thì thào vọng ra từ phòng con gái, lắng tai nghe một hồi, ngỡ con gái nói mê, bà liền gõ cửa, rồi mở cửa bước vào. Khi bước vào phòng, bà mới phát hiện con gái vẫn chưa ngủ, cô bé đột ngột ngồi bật dậy, mặt mày tái mét, chân tay luống cuống. Bà hỏi con gái có phải vừa gặp ác mộng không? Cô bé không trả lời, toàn thân run lẩy bẩy. Bà ngờ ngợ đoán ra chắc con gặp phải chuyện gì đó rất đáng sợ nhưng không dám nói. Bà âm thầm quan sát khắp phòng, thấy cửa sổ mở toang. Cô con gái giơ ngón tay trỏ đặt lên môi ra hiệu im lặng. Bà vô cùng ngạc nhiên, nhưng không nói gì, bà thấy con gái từ từ bỏ tay khỏi môi rồi chỉ vào tấm chăn trước bụng mình. Cô bé ngồi trên giường, đắp chăn kín nửa thân dưới, tấm chăn phồng lên một cách đáng ngờ, không rõ dưới chăn có gì.
Mẹ Mạc Phi định tiến lại gần, lật chăn ra, nhưng bất ngờ có một người từ trong chăn nhảy vọt ra, tung chăn trùm lên đầu mẹ Mạc Phi, rồi nhảy qua cửa sổ biến mất dạng. Đa số cửa sổ của các ngôi nhà trong thị trấn Ô Đường đều gần nước, mẹ Mạc Phi chỉ nghe “tõm!” một tiếng. Kẻ đó nhảy xuống nước, bơi đi mất.
Lúc bấy giờ Mạc Phi mới oà lên khóc và ôm chặt lấy mẹ.
Mạc Phi kể lúc đang ngủ say, cô bé chợt mơ hồ thấy cửa sổ phòng bị mở toang, cô lật người sang bên kia ngủ tiếp. Điều hoà trong phòng vẫn bật, Mạc Phi có thói quen bật điều hoà đắp chăn khi ngủ. Cô bé lơ mơ thấy trong chăn có thêm ai đó thì phải, kẻ đó nằm nghiêng ngay bên cạnh cô. Mạc Phi giật mình mở choàng mắt, cô bé thấy một đôi mắt đen như vực sâu cũng đang nhìn mình. Trong bóng tối, Mạc Phi không nhìn rõ khuôn mặt kẻ ấy, cô bé định hét lên nhưng kẻ đó đã nhanh tay bịt miệng cô lại, rồi gí tuốc nơ vít vào cô. Đúng lúc ấy mẹ Mạc Phi gõ cửa bước vào, cô bé giả vờ trấn tĩnh mặc dù dưới chăn, ngay phần thân dưới của cô bé có một tên côn đồ đang ẩn náu.
Chuyện xảy ra một lúc lâu, hai mẹ con mới hoàn hồn, họ cho rằng trộm xông vào nhà. Nhưng vì chưa mất mát tài sản gì nên không báo cho cảnh sát. Ngay ngày hôm sau, mẹ Mạc Phi đã gọi người đến làm tấm lưới bảo vệ lắp ngoài cửa sổ, còn chặt hết cây mọc cạnh tường. Tổ chuyên án tiến hành phân tích manh mối mà mẹ Mạc Phi mới cung cấp. Mọi người nhất trí cho rằng đó chỉ là vụ đột nhập trộm cắp hoặc nhất thời nảy ra ý định đột nhập cưỡng hiếp, có lẽ không liên quan gì đến vụ án ba cô gái đồng loạt mất tích. Hung thủ mang theo tuốc nơ vít với mục đích ăn trộm chứ không phải vì muốn hành hung.
Bao Triển điều tra rất kĩ lưỡng về lớp bồi dưỡng hội họa nọ. Lớp học này do một họa sĩ có chút tiếng tăm trong vùng mở ra, anh họa sĩ để tóc dài, trông đậm chất nghệ sĩ. Nghe họa sĩ tóc dài nọ kể thì lớp học này mới mở được một tuần kế từ dịp hè, học viên hầu hết đến từ các thành phố lân cận, cha mẹ Triệu Tiêm Tiêm đi công tác nước ngoài quanh năm nên một mình cô bé đến thành phố này ghi tên xin học vẽ, cô bé chơi khá thân với Mạc Phi, hai cô bé thường mặc trang phục giống nhau. Hôm hai cô bé mất tích, họ đều mặc một chiếc váy đỏ.
Họa Long và nhân viên đội dân phòng không bắt thêm được con chuột dính máu nào, có điều họ vớt được một chiếc hũ ở dòng sông mà trước đó cảnh sát tìm thấy chiếc váy đỏ dính máu.
Trong hũ đựng vật gì đó được bọc kín trong mấy lớp nilon, rồi dùng dây thép buộc chặt lại, chiếc hũ sành nặng trịch.
Một anh dân phòng đoán già đoán non: “Chắc đây là vò rượu, nên có lẽ thứ bên trong là rượu.”
Anh khác nói: “Bà ngoại tôi thường muối trứng vịt trong mấy chiếc hũ kiểu này, hay là trong đó là trứng vịt nhỉ?”
Chiếc hũ được niêm phong rất chặt, khi đội chuyên án mở ra thì ai cũng bàng hoàng không thể tin nổi cảnh tượng đang diễn ra trước mắt. Anh dân phòng không nén được tò mò liền hỏi nhỏ Họa Long xem trong đó đựng gì. Họa Long chậm rãi đáp: “Người anh em! Trong này không phải rượu, cũng chẳng phải trứng vịt đâu!”
Anh đân phòng lại càng hiếu kì hơn, hỏi dồn: “Thế rốt cuộc là gì?”
Họa Long đáp: “Trong hũ có người!”
Anh dân phòng tròn mắt kinh ngạc: “Không thể có chuyện đó! Chiếc hũ nhỏ thế kia, đừng nói một người mà chỉ riêng đầu người cũng không thể chui lọt.”
Họa Long thừa nhận: “Lúc mở hũ ra chính mắt tôi đã nhìn thấy xương sọ. Còn việc làm sao nhét được hộp sọ vào trong hũ thì tổ chuyên án chúng tôi đang nghiên cứu.”
Tổ chuyên án không thể lấy được hộp sọ ra khỏi chiếc hũ, cũng không thể hiểu nổi làm sao cho được xương sọ vào trong hũ. Họ giả định nhiều phương án, thậm chí còn nghĩ đến việc mang chiếc hũ đi chụp X-quang để tìm ra bí mật trong hũ.
Họa Long vò đầu bứt tai nói: “Lạ thật! Xương sọ to hơn miệng hũ rất nhiều, làm sao nhét vào trong hũ được nhỉ?”
Tô My cũng thắc mắc: “Đúng là ma quái thật! Ai có thể giải thích một cách khoa học cho tôi nghe không?”
Bao Triển ghé mũi gần chiếc hũ hít hít mấy hơi, anh nhăn mặt nói: “Dấm! Trong hũ có mùi dấm!”
Giáo sư Lương vỗ bồm bộp vào trán, rồi hưng phấn thốt lên: “Tôi hiểu rồi! Hắn đã dùng dấm để ngâm.”
Trong thực nghiệm sinh vật, khi ngâm xương cứng vào trong dấm hoặc các dịch lỏng mang tính axit cao khoảng mười ngày thì xương sẽ trở nên mềm. Khi xương sọ mềm ra, đương nhiên chẳng khó khăn gì đút nó vào trong hũ.
Tổ chuyên án chụp ảnh lại, sau đó cẩn thận lấy xương sọ trong hũ ra, không ngờ trong hũ là cả bộ xương người được xử lý mềm hóa bằng dấm.
Tổ chuyên án gấp gáp đưa bộ xương về thành phố khám nghiệm ngay trong đêm. Đối chiếu với vết máu dính trên chiếc váy đỏ và kết quả xét nghiệm ADN thì thấy bộ xương đó là của nạn nhân Hoàn Ngọc. Không ngoài dự đoán của Họa Long, thức ăn trong dạ dày chuột chính là vật thể mang tổ chức đặc trưng của cơ thể người.
Một cô gái đương độ tuổi đẹp như hoa bị chuột ăn, xương cốt vứt xuống sông phi tang. Thủ đoạn gây án của tên sát nhân hết sức tàn nhẫn và hiếm gặp. Vụ án này kinh động đến cả sở cảnh sát thành phố, lãnh đạo sở lập tức cử một nhóm chuyên gia đến thị trấn Ô Đường trợ giúp tổ chuyên án phá án.
Tổ chuyên án phân tích và cho rằng có lẽ hung thủ từng chịu một cú sốc đặc biệt nên vô cùng thù hận những cô gái mặc váy đỏ, từ đó nảy sinh ý định ám hại chứ không nhất thiết y quen biết các cô gái này. Hung thủ bám đuôi các cô gái mặc váy đỏ, rồi dùng phươg pháp nào đó giết chết họ. Sát hại các cô gái mặc váy đỏ chính là thú vui của y, y là kẻ có nhân cách méo mó và tâm lí lệch lạc. Thời điểm gây án tuân theo quy luật nhất định, có khả năng y sẽ tiếp tục gây án.
Con phố nơi ba cô bé mất tích trở thành khu vực giám sát trọng điểm, Tô My và dân phòng lắp camera giám sát con phố hai tư trên hai tư giờ.
Chủ tịch thị trấn và các cảnh sát viên chỉnh lí lại danh sách những kẻ có tiền án tiền sự trong thị trấn, rồi liệt kê thành một hàng dài.
Họa Long và Bao Triển mang ảnh chụp chiếc hũ sành đi hỏi thăm dân chúng quanh vùng. Loại hũ này rất phổ biến, giống như anh dân phòng nọ từng cho rằng đây là hũ rượu, chiếc hũ này thường được dân trong vùng dùng để muối trứng, muối dưa. Bao Triển và Họa Long đến lớp học vẽ của họa sĩ tóc dài, lúc ấy đang giờ phác họa cơ thể người. Trên bục giảng đặt chiếc hũ sành khiến mắt Bao Triển sáng rực, chiếc hũ đó giống hệt chiếc hũ mà tổ chuyên án vớt được dưới sông.
Cạnh chiếc hũ còn đặt mấy quả táo, một người mẫu nam lõa thể ngồi bất động cạnh bàn, đó là người đàn ông trung niên. Điều khiến người ta cảm thấy đáng hổ thẹn là cái đó của gã trung niên đang trong trạng thái bị kích thích. Đa số nữ sinh trong lớp học vẽ đều rất xinh đẹp, người đàn ông trung niên đối diện với họ trong tình trạng không mảnh vải che thân nên dục vọng trong lòng tất nhiên dâng trào không có điểm dừng.
Họa sĩ tóc dài đang đứng hướng dẫn cho một nữ sinh anh ta nhìn bức tranh, rồi nói: “Các đường nét phác họa cần mang tính gợi, bố cục giữa con người và tĩnh vật cần phân biệt bằng độ sáng tối của màu sắc, em cần quan sát tỉ mẩn tỉ lệ điều phối ánh sáng giữa hướng đón ánh sáng và hướng ngược sáng.”
Họa Long bước vào lớp học, trông thấy người đàn ông trung niên không mặc quần áo, anh liền quát tháo ầm ĩ: “Ngừng! Ngừng lại ngay! Các người đang làm trò gì vậy hả?”
Anh họa sĩ tóc dài rất phẫn nộ trước hành vi của Bao Triển và Họa Long tự tiện xông vào lớp học, hai bên đôi co kịch liệt.
Họa Long nói: “Những học sinh này đều đang ở độ tuổi vị thành niên, thử hỏi dạy chúng vẽ phác họa cơ thể người vào lúc này có phù hợp không hả?”
Họa sĩ tóc dài ngán ngẩm giải thích: “Phác họa cơ thể người là bộ môn nghệ thuật, đó là một kĩ thuật bắt buộc khi học vẽ, học phác họa cơ thể người sẽ giúp học sinh tìm tòi và hiểu ra quy luật tạo hình, bồi dưỡng thói quen chuyên nghiệp khi cầm bút vẽ. Đừng nên nhìn nó bằng con mắt dung tục.”
Họa Long mất kiên nhẫn liền cắt ngang bài thuyết trình: “Hôm nay chúng tôi có vài vấn đề cần hỏi anh. Đề nghị anh tạm dừng buổi học!”
Họa sĩ tóc dài đành bất lực tuyên bố tan lớp trước giờ quy định, học sinh thu xếp đồ nghề lục tục rời khỏi lớp. Gã đàn ông trung niên đứng làm mẫu nọ cũng chậm rãi mặc quần áo. Khi gã đi lướt qua vai Bao Triển, anh lập tức cảnh giác, tên này mắt la mày lém, mặt mũi toát lên vẻ keo kiệt bủn xỉn, ánh nhìn gian manh liếc ngang liếc dọc rồi dán vào một cô bé mặc váy đỏ đang đứng trước gã.
Họa sĩ tóc dài nói anh ta mua chiếc hũ sành này ở phố huyện, gã người mẫu trung niên cũng do anh ta tự thuê. Bao Triển đánh mắt ra hiệu cho Họa Long, hai người không lãng phí thời gian với tay họa sĩ tóc dài nữa, lập tức rời khỏi lớp học, lặng lẽ bám theo gã người mẫu biến thái.
Ông chú biến thái mặc trang phục công nhân lao động bình thường, bám theo cô bé cột tóc đuôi ngựa mặc váy đỏ đến góc phố tương đối hoang vắng rồi dừng lại. Ông chú biến thái về nhà, ăn cơm xong thì phố đã lên đèn, Họa Long và Bao Triển kiên nhẫn đứng đợi trong quán mì vằn thắn ven đường. Hơn tám giờ tối, ông chú biến thái vác ba lô vải buồm lên vai và rời khỏi nhà. Dân cư trong thị trấn có thói quen ngủ sớm nên lúc này đường phố chỉ còn thưa thớt vài bóng khách bộ hành, lác đác vài người khách du lịch ngồi tụ tập trong quán trà hoặc quán rượu.
Gió đêm hiu hiu thổi, mưa lất phất bay, ông chú biến thái ngồi trên ghế đá ven đường hút vài điếu thuốc, một cô gái mặc váy đỏ đi lướt qua trước mặt gã liền dụi điếu thuốc, âm thầm bám theo. Cô gái mặc váy đỏ chính là cô ca sĩ hát trong quán trà từng phát hiện ra con chuột nhuốm máu, giờ đây cô ta đã tẩy trang, tóc dài ngang vai, trên người vận bộ quần áo cổ trang, nom vô cùng yểu điệu thướt tha, chẳng khác nào một trang tuyệt sắc giai nhân thời xưa.
Mỹ nhân mặc váy đỏ rẽ sang con phố khác, đó chính là con phố nơi ba cô bé mất tích.
Dọc con phố treo mấy chiếc đèn lồng lớn, hai bên chi chít những con hẻm nhỏ chạy sâu vào bên trong, kênh rạch chằng chịt, nước róc rách vang bên tai. Lúc này hơi thở của đêm đã phả vào từng ngóc ngách phố xá, trên đường tịch vắng bóng người, con phố chẳng khác nào một mê hồn trận này thực sự là địa điểm lý tưởng cho những tên yêu râu xanh mai phục.
Người đẹp cổ trang điệu đà bước đi trên phố, ông chú biến thái nép sát vào tường đi theo sau. Họa Long và Bao Triển cũng nhẹ nhàng bám sát họ. Tô My và giáo sư Lương ngồi nhà cũng nhìn thấy cảnh tượng này nhờ giám sát camera. Ánh sáng tỏa ra từ đèn lồng mờ tỏ chỉ có thể chiếu tới một phạm vi hạn hẹp, ông chú biến thái lợi dụng góc tối để nấp mình. “Ê! Nhìn này!”
Người đẹp mặc váy đỏ quay lại, thấy cảnh tượng diễn ra trước mắt, cô ta tái mặt: Ông chú biến thái đang đứng hiên ngang giữa đường, nở nụ cười dâm đãng, một giây sau miệng gã nhệch ra như kẻ khờ. Thực ra toàn bộ quá trình diễn ra rất nhanh, mỹ nhân váy đỏ kêu lên thất thanh, ông chú biến thái cười hì hì đầy vẻ ngốc nghếch. Họa Long lập tức lao tới túm tóc ông chú biến thái, quật gã ngã ngửa xuống đất, rồi nhanh chóng bập còng số tám vào cổ tay.
Ông chú biến thái liền được nâng cấp thành kẻ tình nghi của ba vụ giết người. Mấy người dân phòng đấm gã như đấm bị để xả giận, nhưng người đàn ông trung niên nọ chỉ khai một vụ án gã từng phạm phải trước đây, đó là vụ đột nhập vào nhà dân vào ban đêm. Hôm ấy, gã nhìn thấy một cô bé rất xinh đẹp nên lẻn vào phòng và chui trong chăn nằm cạnh cô bé. Trước đây gã từng là thợ sửa điều hòa, thợ thổi thủy tinh trong xưởng gia công lọ thủy tinh, nhưng sau đó vì thần kinh có vấn đề nên bị chủ đuổi việc, giờ thành kẻ lang thang ai thuê thì chạy đến làm. Một hôm, gã đọc được tờ quảng cáo dán trên tường rằng họa sĩ muốn thuê người mẫu khỏa thân. Gã đàn ông mắc chứng biến thái này liền lập tức chạy đi ứng tuyển.
Cảnh sát tạm giam gã vài ngày chờ tiến triển của kết quả điều tra.
Trong quá trình thẩm vấn ông chú biến thái, gã cho biết bản thân không hề hay biết gì về vụ án ba cô bé mất tích, nhưng gã đã cung cấp cho cảnh sát một thông tin vô cùng có giá trị.
Thị trấn Ô Đường có một nơi cỏ mọc rậm rạp, ở đó có ông lão mù thích kéo đàn nhị nhận nuôi rất nhiều mèo lang thang. Đứa cháu trai của ông lão năm nay mười sáu tuổi, cậu ta thường xuyên ra đê bắt chuột về cho mèo, rất nhiều người dân tốt bụng trong thị trấn bắt được chuột đều mang đến cho ông lão.
Họa Long và Bao Triển liền dẫn theo mấy dân phòng lập tức xuất phát điều tra theo hướng manh mối mà gã biến thái vừa cung cấp.
Thời tiết ở thị trấn Ô Đường rất lạ lùng, tuy mưa rắc hạt lất phất nhưng trên trời vẫn vắt vẻo vầng trăng sáng trong. Sân vườn nhà ông lão rất rộng nhưng không có cổng, ông đeo kính đen đang ngồi kéo đàn nhị ở giữa sân, từ ngoài cổng đã nghe thấy tiếng nhị réo rắt khúc “Nhị tuyền ánh nguyệt” đầy thê thiết và buồn thảm, đứa cháu của ông lão mù đậu con thuyền gỗ nhỏ ở bờ kênh ngay dưới bậc thềm. Cậu ta xách theo một chiếc lồng lớn, trong lồng lúc nhúc toàn là chuột.
Cậu bé nom có vẻ cô độc và u uất nhưng thực tế rất gan lì, cậu ta dám thò tay vào lồng chuột, bắt từng con ném xuống đất, lũ mèo trong vườn hoang lập tức chạy túa ra, ào ào bủa vây con chuột đang tìm cách thoát thân.
Bao Triển thẩm vấn ông lão và cậu bé cháu ông lão còn Họa Long phụ trách ghi bút lục. Các dân phòng khác lục soát khắp nhà nhưng không phát hiện thấy điểm gì khác thường.
Bao Triển hỏi: “Ông ơi! Cháu muốn hỏi ông một chuyện, tám giờ tối ngày mùng một tháng bảy, đến tám giờ tối ngày mười lăm tháng bảy, ông đã làm gì?”
Ông lão mù đáp: “Kéo đàn nhị! Tối nào lão cũng ở nhà kéo đàn nhị cả.”
Bao Triển lại hỏi: “Ồ! Hàng xóm quanh đây chắc có thể làm chứng cho ông. Vậy cậu bé cháu ông cũng biết kéo nhị chứ?”
Lão mù gật đầu: “Biết! Nhưng nó kéo nghe không vào tai lắm!”
Bao Triển quay sang hỏi đứa cháu của ông lão: “Buổi tối hai hôm trước, cậu làm gì?”
Cậu bé có nét mặt đượm vẻ u uất và cô đơn đáp: “Tôi bắt chuột ở bờ sông để nuôi mèo.”
Bao Triển hỏi: “Ở đâu ra lắm mèo thế?”
Cậu bé đáp: “Mèo lang thang, mèo chẳng ai cần, mèo người ta vứt đi, mèo tàn phế, có cả mèo người ta mang đến tặng nữa.”
Chiếc lồng trong tay cậu bé thu hút sự chú ý của Bao Triển, anh hỏi: “Cậu tự làm chiếc lồng này à?”
Cậu bé đáp: “Đây là lồng của nhà bác sĩ thú y kế bên!”
Họa Long và Bao Triển nghe thấy vài tiếng rên rỉ đau đớn vọng đến từ nhà bác sĩ thú y láng giềng ở phía kia bờ tường, hai người lập tức chạy sang. Họ thấy trong sân nhà bác sĩ thú y có mấy người đang đứng túm tụm xem con lợn vừa béo vừa to nằm trên mặt đất, xem ra họ đến đây nhờ bác sĩ chữa bệnh cho lợn. Một vài chiếc lồng nằm lăn lóc ngay sát vách tường, to có, nhỏ có. Đầu tiên bác sĩ thú y nọ nhốt con lợn vào trong lồng, rồi tiến hành tiêm thuốc tê, sau đó rút máu chẩn trị. Anh ta cầm ống tiêm với chiếc kim to cắm vào cổ con lợn, có lẽ quá trình rút máu không được thuận lợi nên anh ta trực tiếp ghé miệng vào cổ con lợn. Điều lạ lùng là anh ta không hề nhổ ngụm máu đó ra ngoài mà nuốt luôn vào bụng. Mọi người kêu lên kinh ngạc, đúng lúc ấy Họa Long và Bao Triển ập vào.
Bác sĩ thú y vừa uống tiết lợn, ngẩng đầu lên, liếm môi nói: “Nhìn các anh tái mặt kìa! Tiết lợn bổ lắm!”
Họa Long giải tán hết đám người không liên quan, Bao Triển hỏi bác sĩ thú y: “Ngoài tiết lợn ra, anh còn thích uống tiết của những loài nào nữa?”
Bác sĩ thú y đáp: “Nhiều lắm! Tôi từng uống cả tiết rắn, tiết bồ câu, tiết chó…”
Bao Triển lại dò hỏi tiếp: “Tiết màu đỏ. Anh có vẻ thích màu đỏ nhỉ?”
Bác sĩ thú y thản nhiên trả lời: “Màu đỏ à? Thích chứ! Rất thích là đằng khác!”
Tổ chuyên án yêu cầu đội dân phòng bí mật giám sát nhà lão mù và tay bác sĩ thú y nọ. Đội dân phòng liền mượn một căn gác đối diện giám sát họ hai tư trên hai tư giờ. Họa Long và Bao Triển tiến hành điều tra trên diện rộng nhằm tìm những điểm đáng nghi xung quanh vị bác sĩ thú y và ông lão khiếm thị. Cùng lúc ấy, giáo sư Lương lại rẽ sang hướng điều tra khác, ông phát hiện một manh mối vô cùng quan trọng đến từ nước ngoài.
Giáo sư Lương bảo Tô My nối liên lạc với cha mẹ của Triệu Tiêm Tiêm ở ngoại quốc, sau mấy cú điện thoại lòng vòng, cuối cùng cũng gọi được cuộc điện thoại đường dài với cha Tiêm Tiêm.
Giáo sư Lương mở lời trước: “Xin lỗi vì đã làm phiền anh! Tuy biết anh chị ở nước ngoài nhưng chúng tôi vẫn không dám làm qua quýt công đoạn nhận diện vật chứng trong vụ con gái anh mất tích.”
Cha Tiêm Tiêm liền hỏi: “Tôi phải nhận diện như thế nào?”
Giáo sư Lương nói: “Khi mất tích, con gái anh mặc chiếc váy màu đỏ đúng không? Anh còn nhớ chiếc váy đó có kiểu dáng như thế nào không?”
Cha Tiêm Tiêm ngẫm nghĩ một lát rồi đáp: “Đúng là lúc mất tích, con bé mặc chiếc váy màu đỏ, nhưng thời gian quá lâu rồi nên tôi không nhớ rõ nữa!”
Giáo sư Lương ngạc nhiên hỏi lại: “Thời gian quá lâu rồi ư? Con gái anh mất tích ở đâu?”
Cha Tiêm Tiêm nói: “Ở thị trấn Ô Đường! Khi con bé đi học vẽ tại đó thì đột nhiên mất tích. Chuyện này khiến chúng tôi đau lòng suốt thời gian dài.”
Giáo sư Lương càng kinh ngạc hơn, liền hỏi tiếp: “Đau lòng suốt thời gian quá? Vậy cháu mất tích khi nào?”
Cha Tiêm Tiêm nói một câu khiến người nghe tròn mắt kinh ngạc, rồi liền sau đó một luồng khí lạnh chạy đọc theo sống lưng giáo sư Lương.
Ông ta bảo: “Con gái tôi đã mất tích ba năm rồi!”
Giáo sư Lương lập tức triệu tập cuộc họp khẩn cấp yêu cầu tất cả cảnh sát, dân phòng trong thị trấn đều phải có mặt đầy đủ. Giáo sư Lương nói: “Hiện trường vụ án chắc chắn xảy ra trong thị trấn chúng ta. Phán đoán này không có gì đáng phải nghi ngờ. Thị trấn Ô Đường không lớn lắm nên việc phá án chỉ là vấn đề sớm muộn mà thôi. Công việc tiếp theo tương đối vất vả, đầu tiên chủ tịch thị trấn cần thông báo với toàn thể dân chúng rằng trong thời gian tới mọi người không được phép mặc những trang phục có màu đỏ tuy chúng ta làm vậy thì chẳng khác nào rút dây động rừng, khiến hung thủ càng đề cao tinh thần cảnh giác nhưng chúng ta là cảnh sát, ngoài nhiệm vụ phải phá án ra thì việc chúng ta cần làm hơn cả là cố gắng để tránh xảy ra những vụ thảm sát tương tự thêm lần nữa.”
Bao Triển tiếp lời: “Vụ án này tồn tại rất nhiều điểm nghi vấn, đợi khám xét toàn diện xong xuôi, chúng tôi sẽ đi sâu điều tra.”
Giáo sư Lương gật đầu rồi bảo: “Tổ chuyên án chúng tôi đã chỉnh lí mười điểm đáng ngờ, chỉ cần giải quyết được mười nghi vấn đó thì chân tướng sự việc tức khắc lộ rõ.”
Họa Long lên tiếng: “Xin các đồng chí tuyệt đối giữ bí mật, nếu ai dám tiết lộ nội tình vụ án thì chúng tôi sẽ bắt giữ kẻ đó trước tiên.”
Tô My chốt lại: “Hung thu rốt cuộc là ai sẽ sớm lộ diện ngay thôi, chiến sĩ nào tóm được hung thủ sẽ được cấp trên trao huân chương biểu dương và giải thưởng.”
Tổ chuyên án đã nêu ra mười điểm nghi vấn của vụ án như sau:
Trong ba cô bé bị mất tích, hiện giờ mới chỉ xác định Hoàn Ngọc đã bị hại, vậy hai cô bé còn lại hiện giờ còn sống hay đã chết?
Ba chiếc váy đỏ phát hiện trên sông đều có vết máu, ngoại trừ váy của Hoàn Ngọc ra, thì vết máu dính trên hai chiếc váy còn lại có trùng khớp với nhóm máu của Mạc Phi và Triệu Tiêm Tiêm hay không?
Vụ án Triệu Tiêm Tiêm bị mất tích ba năm về trước được chứng thực vì tổ chuyên án đã tìm thấy bút lục ghi chép lại vụ án trong tập hồ sơ lưu trữ của cảnh sát địa phương, vụ án kì lạ này đến giờ vẫn còn là dấu hỏi chấm. Vậy Triệu Tiêm Tiêm xuất hiện ở thời điểm hiện tại liệu có phải do kẻ khác mạo danh hay đó chính là Triệu Tiêm Tiêm thực sự sau ba năm mất tích đã trở về nơi cũ?
Mạc Phi và Triệu Tiêm Tiêm mất tích cùng một thời điểm, nếu hung thủ là một người thì y đã khống chế hai cô bé đang đi trên phố bằng cách nào?
Hoàn Ngọc bị chuột gặm, muốn gặm hết một người thì cần rất nhiều chuột. Vậy chuột ở đâu ra mà nhiều đến thế?
Hiện trường vụ án đầu tiên xảy ra ở đâu?
Những kẻ tình nghi đã xuất hiện cho đến thời điểm hiện tại gồm có họa sĩ tóc dài, bác sĩ thú y, gã trung niên biến thái, ông lão mù và đứa cháu trai, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số kẻ tình nghi tiềm tàng cần phải điều tra thêm như cha dượng của Hoàn Ngọc, cha mẹ của Triệu Tiêm Tiêm, liệu kẻ tình nghi nào hàm chứa khả năng giết người lớn nhất?
Có thể hung thủ đã dùng một số loại dược phẩm, cũng có khả năng còn dùng cả lồng hoặc thùng gì đó. Vậy hung thủ dùng cách nào để khống chế người bị hại?
Triệu Tiêm Tiêm sống ở đâu? Ba năm trước, cô bé đến thị trấn học vẽ, cô bé đã sống ở đâu? Còn Triệu Tiêm Tiêm của thời điểm hiện tại sống ở đâu?
l0. Hung thủ nén xương cốt của Hoàn Ngọc vào trong hũ sành. Vậy đối với hung thủ chiếc hũ đó có ý nghĩa đặc biệt gì.
Sau khi giải thích rõ ràng từng điểm nghi vấn, giáo sư Lương bắt đầu phân công nhiệm vụ. Chủ tịch thị trấn và các dân phòng lập tức bắt tay hành động.
Chủ tịch thị trấn dẫn người đi tìm hiện trường vụ án thứ nhất. Thị trấn chỉ có bấy nhiêu dân cư, nên hiện trường vụ án chỉ có thể ẩn giấu trong một những ngôi nhà nằm trong thị trấn này. Giáo sư Lương đặc biệt dặn dò chủ tịch thị trấn rằng công tác khám xét cần làm hết sức cẩn trọng, không được bỏ sót một hộ nào, không được bỏ sót một người nào, trọng điểm điều tra là các nơi kín đáo như căn gác, tầng hầm, các hầm chứa, dưới nắp cống… Chủ tịch thị trấn xin được lệnh lục soát liền lập tức đến nhà bác sĩ thú y và lão mù lục soát theo hình thức cuốn chiếu.
Trong sân nhà bác sĩ thú y chôn rất nhiều xương cốt động vật, bác sĩ thú y giải thích những con vật này chết do bệnh, nếu vứt ra ngoài rất có thể bệnh dịch sẽ lây lan và gây ô nhiễm môi trường, nên anh ta đành chôn sâu xác động vật ngay dưới gốc cây trong vườn nhà mình.
Nhà lão mù nghèo rớt mùng tơi, ông lão chỉ sống nhờ vào khoản trợ cấp xã hội ít ỏi của chính phủ, đứa cháu trai đã phải nghỉ học từ lâu, thường ngày nó đi làm thuê cho một xưởng gốm trên thị trấn, nó phụ trách công việc đào bùn ở ven sông rồi mang đến xưởng chế ra thành các đồ gốm mĩ nghệ. Cửa hàng bán đồ gốm nằm cùng một tuyến phố với lớp học vẽ, đồng thời cách cửa hàng thêu Chữ Thập không bao xa. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng hai ông cháu vẫn nhận nuôi rất nhiều mèo lang thang từ nhiều năm nay. Trước hôm Triệu Tiêm Tiêm mất tích mấy ngày cô bé cùng Mạc Phi từng mang một chú mèo nhỏ bị thương đến nhà lão mù.
Giở sổ hộ khẩu nhà lão mù, chủ tịch thị trấn phát hiện năm nay đứa cháu của lão mù đã hai mươi tuổi, có lẽ vì nhiều năm thiếu ăn khiến cậu bé trông ốm o, còm nhom như trẻ vị thành niên.
Chủ tịch thị trấn và dân phòng sang những hộ xung quanh dò hỏi, trong số đó có một người hàng xóm ấp úng muốn nói gì đó lại thôi.
Chủ tịch thị trấn dọa: “Vụ án này rất nghiêm trọng, trung ương đã cử người xuống điều tra, nếu anh biết manh mối nào của vụ án mà không thành thật khai báo thì khắc biết hậu quả.”
Anh hàng xóm nọ hơi khiếp, liền kể một chuyện. Vào tối hôm Mạc Phi và Triệu Tiêm Tiêm mất tích, anh ta nghe thấy ông lão mù liên tục kéo nhị, ông kéo một ca khúc mà anh ta chưa nghe thấy bao giờ, khi ông lão kéo đến nửa chừng thì anh hàng xóm nghe thấy một tiếng thét thảm thiết, ông lão ngừng kéo một lát, rồi sau đó tiếng nhị lại réo rắt cất lên. Anh ta không thể phân biệt được tiếng kêu đó phát ra từ nhà bác sĩ thú y hay từ nhà lão mù.
Chủ tịch thị trấn liền báo cáo manh mối mới tìm được cho tổ chuyên án, tổ chuyên án nghiên cứu và quyết định cho điều tra toàn diện đối với hai đối tượng là lão mù và bác sĩ thú y, ngay cả người thân của họ cũng phải điều tra kĩ lưỡng.
Tổ chuyên án đã tìm ra nơi ở của Triệu Tiêm Tiêm trong tập hồ sơ lữu trữ ba năm trước, trong hồ sơ còn ghi rõ khi ấy Triệu Tiêm Tiêm còn làm tiểu phẫu vá màng trinh, đối chiếu nhóm máu ghi trong hồ sơ và nhóm máu từng thấy trên chiếc váy vớt ở ven sông thấy hoàn toàn trùng khớp, điều này khiến tổ chuyên án nghiêng về nhận định Triệu Tiêm Tiêm từng mất tích ba năm trước đã quay trở lại thị trấn Ô Đường, trở lại lớp học vẽ mà trước đây cô bé từng theo học.
Có điều tổ chuyên án không thể giải thích nổi vì sao cô bé lại làm vậy.
Hồ sơ còn ghi rằng ba năm trước Triệu Tiêm Tiêm sống trong căn gác nhỏ ở phía sau vườn gần lớp học vẽ. Đó là căn gác có chiếc giường lớn mang hơi hướm cổ xưa, có cả ô cửa sổ bằng gỗ, vườn phía dưới căn gác là nơi bọn trẻ học vẽ, học hát. Điều trùng hợp là tay họa sĩ tóc dài nọ hiện giờ lại đang ở trong chính căn gác mà Triệu Tiêm Tiêm từng ở khi xưa.
Họa sĩ tóc dài là kẻ ưa cuộc sống ẩn dật, ngoài vẽ tranh ra, anh ta chẳng có bất kì sở thích nào khác, những ngày không phải lên lớp, anh ta ngồi lì cả ngày trong phòng, đóng cửa tự nhốt mình, chẳng ai hay biết anh ta làm gì trong đó cả.
Bao Triển và Họa Long đột kích căn gác tiến hành kiểm tra lục soát, đa số đồ đạc trong phòng đều là đồ gỗ cũ kĩ, ngay cả vách tường cũng làm bằng gỗ, căn phòng mờ tối, góc tường chăng đầy mạng nhện. Họa Long phát hiện một ổ chuột phía sau tủ quần áo, rất nhiều trang phục biểu diễn bị cắn nát nằm trong góc tủ. Bao Triển còn phát hiện một dòng chữ được khắc trên vách gỗ. Rõ ràng người nào đó đã dùng vật sắc nhọn khắc nó lên tấm vách làm bằng gỗ.
Lần này em rời xa tôi là sẽ khiến em không bao giờ rời xa tôi thêm nữa!
Bao Triển chụp ảnh làm tang vật, cười lạnh lùng hỏi: “Ai viết dòng chữ này?”
Tay họa sĩ cũng trả lời lạnh tanh: “Sao tôi biết được?”
Bao Triển liền hỏi dồn: “Học sinh của anh có thích anh không? Có yêu thầm anh không? Anh có thích học sinh của mình không?”
Họa sĩ tóc dài đáp: “Nhiều cô bé thích tôi, sùng bái tôi, có điều chưa bao giờ tôi để xảy ra mối quan hệ tình cảm nam nữ giữa thầy với trò.”
Bao Triển lại hỏi: “Cô bé Triệu Tiêm Tiêm học sinh của anh sống ở đâu?”
Họa sĩ tóc dài đáp: “Kí túc xá của học sinh ở gác dưới, Triệu Tiêm Tiêm cũng ở dưới đó.”
Bao Triển đính chính: “Ý tôi muốn hỏi cô bé Triệu Tiêm Tiêm từng đến đây học ba năm về trước cơ! Anh có biết không?”
Họa sĩ tóc dài chối: “Làm sao tôi biết chuyện xảy ra ba năm về trước. Lẽ nào có đến hai Triệu Tiêm Tiêm sao? Năm ngoái tôi mới đến thị trấn này.”
Bao Triển phủ định bằng giọng chắc nịch: “Anh nói dối!”
Họa sĩ tóc dài đành thú thật: “Thôi được! Ba năm trước tôi đã ở đây rồi nhưng khi ấy tôi không sống ở đây mà ở chung phòng cùng một người khác.”
Bao Triển lập tức hỏi: “Anh sống với ai?”
Họa sĩ tóc dài thở dài đáp: “Với một ca sĩ!”
Họa sĩ tóc dài không hề có ấn tượng gì với cô bé Triệu Tiêm Tiêm của ba năm về trước, để phủi sạch tội tình nghi của mình, anh ta thú nhận một chuyện hết sức riêng tư của mình. Ba năm trước anh ta sống thử với một người, đó chính là cô ca sĩ hát trong quán trà mà lần trước từng bị ông chú biến thái quấy rối tình dục ngay trên phố. Điều mà mọi người đều không hay biết là thực ra “cô” ca sĩ đó là đàn ông, anh luôn cải trang thành nữ giới và sống trong thị trấn nhỏ này. “Cô” ca sĩ và họa sĩ tóc dài sống chung với nhau suốt ba năm, cuối cùng anh họa sĩ tóc dài muốn kết thúc mối quan hệ yêu đương chẳng lấy gì làm đẹp đẽ này nên giờ đây hai người họ đường ai nấy đi.
Bao Triển trầm ngâm suy nghĩ về dòng chữ khắc trên vách gỗ, sau đó thông qua việc kiểm định chữ viết, anh được biết dòng chữ đó do chính Triệu Tiêm Tiêm viết trước khi cô bé mất tích mấy ngày. Những bức tranh do Triệu Tiêm Tiêm vẽ cũng thu hút sự chú ý của tổ chuyên án, ngoại trừ những bức vẽ phong cảnh và tĩnh vật ra thì cô bé chỉ vẽ hai người, một là bản thân, cô bé ôm chiếc hũ sành đứng bên bờ sông, người còn lại chính là họa sĩ tóc dài, có những bức tranh vẽ anh đang hút thuốc, có cả những bức phác họa anh ta cúi đầu trầm ngâm suy tư.
Trong những bức tranh vẽ phong cảnh và tĩnh vật của Triệu Tiêm Tiêm có một số bức vẽ phác thảo, có một số lại vẽ kí họa vài công trình kiến trúc trong thị trấn bao gồm cả nhà lão mù và vườn nhà bác sĩ thú y.
Tổ chuyên án triệu tập “cô” ca sĩ đến văn phòng Giáo sư Lương và Tô My đích thân thẩm vấn.
“Cô” ca sĩ mặc quần áo phụ nữ, để lộ bờ vai gầy mảnh, trên người còn phảng phất mùi nước hoa thanh mát, cô ta bôi son, bờ môi đỏ thắm, hàm răng trắng bóng, bất kể nhìn ngoại hình hay nghe giọng nói thì đều thấy cô ta chẳng khác nào một phụ nữ thứ thiệt.
Tô My lên tiếng hỏi trước: “Xin hỏi mạo muội một chút chúng tôi nên coi cô là nam hay nữ?”
“Cô” ca sĩ đáp tỉnh queo: “Nữ!”
Giáo sư Lương nói: “Chúng tôi đã tiến hành điều tra và biết chứng minh thư mà cô đang sử dụng là giấy tờ giả. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu lai lịch trong quá khứ của cô.”
“Cô” ca sĩ nói: “Ồ! Tôi cho rằng đó là quyền tự do cá nhân.”
Tô My hỏi: “Cô thích làm phụ nữ sao? Tôi chú ý thấy cô có yết hầu.”
“Cô” ca sĩ thản nhiên trả lời: “Tôi chính là phụ nữ! Trong lòng tôi luôn nghĩ mình là phụ nữ.”
Giáo sư Lương không nén được tò mò hỏi: “Thế bình thường cô đi nhà vệ sinh dành cho nam hay nhà vệ sinh dành cho nữ?”
“Cô” ca sĩ đáp chỏng lỏn: “Nhà vệ sinh nữ!”
Giáo sư Lương nói: “Làm vậy là vi phạm đạo đức. Tuy bề ngoài nhìn cô có vẻ rất giống phụ nữ, hơn nữa lại khá xinh đẹp nhưng đặc trưng sinh lí của cô vẫn là nam giới.”
“Cô” ca sĩ không lấy làm bực tức, chỉ nói: “Tôi chưa hề làm tổn thương bất kì ai, ngoại trừ bản thân.”
Giáo sư Lương hỏi tiếp: “Cô rất yêu anh họa sĩ đó có phải không?”
“Cô” ca sĩ quả quyết: “Đúng vậy! Tôi sẵn sàng giết người vì anh ấy.”
Tô My hỏi: “Khoảng tám giờ tối ngày mùng một tháng bảy và cả ngày mười lăm tháng bảy, anh ở đâu?”
Cô ca sĩ đáp: “Tôi hát trong quán trà.”
Giáo sư Lương hỏi: “Cô quen Triệu Tiêm Tiêm không? Ý tôi là cả Triệu Tiêm Tiêm mất tích ba năm trước và Triệu Tiêm Tiêm mới mất tích mấy hôm trước.”
Cô ca sĩ đáp: “Có quen! Ba năm trước, cô ấy theo tôi học diễn kịch. Tôi rất thích diễn kịch. Có cần tôi hát một đoạn cho ông nghe không?”
Giáo sư Lương gật đầu: “Được thôi! Nếu cô có nhã hứng.”
Cô ca sĩ bắt đầu ngây dại nhìn ra ngoài ô cửa sổ phòng thẩm vấn và cất cao tiếng hát, giọng hát thánh thót mượt mà và uyển chuyển.
Ra hoa đã nở muôn hồng nghìn tía, diễm lệ nhường kia, kiều mị nhường kia mà mọc ngay nơi giếng đổ tường nghiêng. Cao xanh hỡi! Buổi sớm trong lành thế? Phong cảnh hữu tình thế! Ta biết phải làm sao? Chẳng rõ chốn tiên bồng tiêu hoang này là vườn nhà ai?
Sau khi buổi thẩm vấn kết thúc, giáo sư Lương liền triệu tập tất cả thành viên của tổ chuyên án vào văn phòng, ông nói: “Tôi đã biết hung thủ là ai!”
Chủ tịch thị trấn vội vàng chạy tới cho kịp cuộc họp, mọi người đều đợi giáo sư Lương đưa ra đáp án của câu đố kì bí này.
Nhưng giáo sư Lương lại cố tình vong vo, tung hỏa mù cho mọi người rối loạn: “Có một số vụ án người ta không chỉ suy đoán xem nào nhiều khả năng là hung thủ nhất mà đôi khi ngược lại người ta lại suy đoán kẻ nào ít bị tình nghi giết người nhất.”
Bao Triển gật đầu nói: “Theo tôi, trong vụ án này kẻ tình nghi ít khả năng giết người nhất chính là ba cô gái bị mất tích.”
Chủ tịch thị trấn nói: “Ba cô bé đó đều chết cả rồi! Ba chiếc váy đỏ vớt dưới sông đều vấy máu.”
Giáo sư Lương lập tức bác bỏ: “Hiện tại chỉ xác định được Hoàn Ngọc đã gặp nạn và tử vong, còn hai cô bé kia mới chỉ mất tích, chưa tìm thấy bóng dáng, cũng không phát hiện thấy tử thi, váy dính vết máu không hề biểu thị họ đã chết.”
Họa Long nói: “Lẽ nào Mạc Phi và Triệu Tiêm Tiêm vẫn còn sống và họ là hung thủ, hoặc chí ít một trong hai số họ là hung thủ chăng?”
Chủ tịch thị trấn ra sức lắc đầu vẻ không thể nào tin nổi: “Làm gì có chuyện đó! Họ đều là nạn nhân, nạn nhân sao có thể trở thành hung thủ được?”
Giáo sư Luơng nói: “Thực ra trong vụ án này có đến bốn Triệu Tiêm Tiêm.”
Lời giáo sư Lương vừa thốt ra khiến mọi người bàng hoàng, ông bắt đầu giải thích rõ mọi suy đoán và phân tích của mình. Triệu Tiêm Tiêm vốn biến mất từ ba năm trước, đến giờ tung tích bất minh, điều đó chứng tỏ hai khả năng, một là cô bé đã chết, hai là cô bé vẫn còn sống. Nếu cô bé đã chết thì Triệu Tiêm Tiêm xuất hiện ở thị trấn Ô Đường sau ba năm chắc chắn không phải cô bé mà chỉ là kẻ mạo danh. Vậy ai đã mạo danh Triệu Tiêm Tiêm? Có hai khả năng: kẻ đó là nam hoặc kẻ đó là nữ.
Cô ca sĩ vốn là đàn ông cải trang thành đàn bà kia khiến người ta tin chắc rằng một người đàn ông hoàn toàn có thể đóng giả đàn bà, bịt mắt tất cả mọi người và lừa họ một cách ngoạn mục.
Bốn Triệu Tiêm Tiêm lần lượt là: Triệu Tiêm Tiêm đã mất tích ba năm về trước, Triệu Tiêm Tiêm trở lại lớp học vẽ ở thị trấn Ô Đường sau ba năm mất tích để rồi lại mất tích một lần nữa, Triệu Tiêm Tiêm do một người nữ đóng giả và Triệu Tiêm Tiêm do một người nam đóng giả.
Giáo sư Lương xác định lại phương hướng phá án. Họa Long và chủ tịch thị trấn tiếp tục tìm kiếm hiện trường vụ hung án đầu tiên, các thành viên khác của tổ chuyên án cũng đã tìm ra lai lịch thực sự của Triệu Tiêm Tiêm. Đó chính là trọng điểm của quá trình phá án.
Tô My liên lạc với công an hộ tịch trên sở để tìm kiếm thông tin về hộ khẩu của Triệu Tiêm Tiêm. Luật hộ tịch quy định, nếu một người mất tích từ hai năm trở lên thì gia quyến có thể trình báo với cơ quan chức năng rằng người đó đã mất tích hoặc chết, nhưng kì lạ thay khi giở sổ hộ khẩu, Tô My phát hiện tên của Triệu Tiêm Tiêm vẫn chưa bị gạch đi. Mọi hiện tượng cho thấy Triệu Tiêm Tiêm vẫn còn sống. Tô My tiếp tục tiến hành tìm kiếm từ xa học bạ của Triệu Tiêm Tiêm. Theo phản ánh của phía nhà trường thì ngoài Triệu Tiêm Tiêm vẫn còn xuất hiện trong sân trường cấp ba, nơi cô bé từng theo học. Một thầy giáo quen mặt Triệu Tiêm Tiêm đã nhìn thấy cô bé trở về trường cũ, ngồi một mình trên ghế xích đu trong sân thể dục suốt hồi lâu.
Thầy giáo đó chính là thầy chủ nhiệm năm lớp mười hai của Triệu Tiêm Tiêm. Ông kể với tổ chuyên án qua điện thoại: “Thời đi học, Triệu Tiêm Tiêm là học sinh ưu tú kể cả về đạo đức và học lực, cô bé rất đa tài, điểm thi luôn đứng trong TOP đầu. Trong kì nghỉ hè trước khi thi đại học, cô bé đến thị trấn Ô Đường học vẽ, rồi mất tích từ đó. Cha mẹ cô bé đau đớn đến chết đi sống lại, phía cảnh sát và gia đình tìm kiếm khắp nơi nhưng không có kết quả, sau đó cha mẹ cô bé đành ra nước ngoài sinh sống để quên đau buồn, họ cũng không ôm hi vọng con mình sống sót nữa. Nhưng điều kì lạ là sau hai năm mất tích, thầy chủ nhiệm lại đột nhiên thấy Triệu Tiêm Tiêm xuất hiện lần nữa trong sân thể dục của nhà trường, thầy chủ nhiệm vội bước đến gần hỏi chuyện, nhưng Triệu Tiêm Tiêm cứ lẳng lặng ngồi xích đu ngây dại nhìn khoảng không trước mắt không đếm xỉa gì đến thầy chủ nhiệm, sau đó cô bé bỏ đi.
Giáo sư Lương hỏi: “Thầy có nhớ hôm đó cô bé mặc quần áo như thế nào không?”
Thầy chủ nhiệm đáp: “Hôm ấy cô bé mặc váy đỏ. Tôi còn nhớ rất rõ Tiêm Tiêm thích mặc váy đỏ.”
Giáo sư Lương lại hỏi: “Sao thầy biết cô bé mặc váy đỏ ấy chính là Triệu Tiêm Tiêm? Thầy có chắc chắn không? Biết đâu chỉ là hai người nhìn hao hao giống nhau?”
Thầy chủ nhiệm khẳng định: “Quần áo giống hệt nhau, kiểu tóc giống hệt nhau, ngay cả nốt ruồi đón lệ ở khóe mắt cũng y chang, vì thế dù hai năm không gặp nhưng tôi chắc chắn người mình gặp ở sân thể dục chính là em ấy.”
Giáo sư Lương quay sang, nói với Bao Triển: “Rất có thể kẻ thần bí đó bắt đầu đóng giả Triệu Tiêm Tiêm từ một năm trước. Thật đáng sợ!”
Bao Triển hỏi: “Thầy có nhớ khi còn học trong trường Triệu Tiêm Tiêm từng yêu ai không? Cô bé có nhiều bạn nam quý mến không?”
Thầy chủ nhiệm đáp: “Nhiều lắm! Em ấy luôn là người nhận được nhiều thư tình và thiệp chúc mừng nhất lớp. Tôi nhớ vào hôm Giáng Sinh một năm nào đó, thư tình và thiệp chúc mừng trên bàn Tiêm Tiêm chất cao như núi, nhưng cũng giống như đa số học sinh cấp ba, Tiêm Tiêm phải đối mặt với kì thi tốt nghiệp đầy cam go, nên em ấy luôn đặt việc học lên hàng đầu. Tôi chưa từng nghe nói em ấy yêu ai.”
Bao Triển lại hỏi: “Trong số những nam sinh thích Tiêm Tiêm, thầy có để ý thấy ai biểu hiện kì quặc không?”
Thầy chủ nhiệm gắng nhớ lại, lát sau bật thốt lên: “Nhớ ra rồi! Có một em tên là Mã Lưu, cậu ta ngồi cùng bàn với Tiêm Tiêm. Toàn thể giáo viên và học sinh trong trường đều biết Mã Lưu thầm yêu Tiêm Tiêm. Có năm, nhân dịp Giáng sinh, trong khi các bạn nam khác đều tặng thiệp chúc mừng thì Lưu tặng Tiêm Tiêm một hộp giấy to. Sau khi mở ra thì mấy con chuột trong hộp lúc nhúc bò ra làm Tiêm Tiêm khiếp đảm hét lên thất thanh. Bình thường em ấy rất sợ chuột mà! Một lần khác Mã Lưu lại tặng Tiêm Tiêm một chiếc lọ nhỏ. Cậu ta nói trong bình đựng nước mắt của chính mình. Tiêm Tiêm cảm thấy ghê tởm nên lỡ tay đánh rơi chiếc lọ. Mã Lưu rất tức giận liền nhặt mảnh vỡ cứa lòng bàn tay của Tiêm Tiêm làm chảy máu, sau đó tự cứa lòng bàn tay mình. Cậu ta ép Tiêm Tiêm phải áp lòng bàn tay của cô bé vào lòng bàn tay của cậu ta để máu của hai người hòa vào nhau. Sau vụ này, nhà trường đuổi học Mã Lưu. Sau đó tôi mới đến lớp Tiêm Tiêm làm chủ nhiệm, bởi vậy tôi không biết mặt Mã Lưu, ngay cả chuyện này cũng chỉ nghe mọi người kể lại.”
Cậu học sinh biến thái Mã Lưu đã lộ diện, những hành vi kì quặc của cậu ta khá trùng hợp với các nét tính cách của hung thủ trong vụ án. Tổ chuyên án quyết định chia hai hướng điều tra. Bao Triển và Tô My điều tra hộ tịch để tìm ra tung tích của Mã Lưu. Giáo sư Lương và Họa Long vẫn tìm hiện trường vụ giết người đầu tiên ở thị trấn Ô Đường.
Lực lượng cảnh sát của thị trấn có hạn, Họa Long và đội dân phòng chia nhau đi tìm, mỗi người phụ trách một khu vực, họ gõ cửa từng nhà và tiến hành lục soát.
Phạm vi khu vực Họa Long phụ trách lại chính là khu vực nhà lão mù và bác sĩ thú y. Cảnh sát từng lục soát hai hộ này rất nhiêu lần nhưng không phát hiện thấy điều gì bất thường. Họa Long không nản lòng, anh quyết tâm kiểm tra lại lần nữa, ông lão mù vẫn ngồi trong vườn, đàn mèo vẫn nô đùa trong bụi cỏ, trăng vẫn treo vắt vẻo trên bầu trời…
Cảm giác thấy Họa Long đến gần mình, ông lão bất chợt khóc nghẹn ngào, hố mắt khô khốc chảy ra dòng lệ đùng đục.
Họa Long hơi bất ngờ, anh chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ông lão nói một câu càng khiến anh không thể nào giải thích nổi: “Lão mù nhưng lòng sáng như trăng. Lão không nhìn thấy nhưng vẫn nghe thấy, không những thế còn nghe rất rõ.”
Họa Long ngờ vực hỏi: “Thế ông nghe thấy gì?”
Lão mù đáp: “Lão nghe thấy cháu lão bị người ta giết hại. Lão biết rõ như vậy!”
Họa Long tròn mắt, vô thức kêu nhỏ: “Hả? Cháu ông bị ai giết? Và bị giết ở đâu?”
Lão mù nói: “Lão nghe thấy nó hét gọi “Ông ơi…”“
Họa Long hỏi đi hỏi lại nhưng lão mù vẫn một mực nói ông lão nghe thấy đứa cháu hét lên thất thanh kêu cứu trước khi chết, nhưng ông không biết ai đã giết cháu mình, cũng như không biết nó bị giết ở đâu. Họa Long cảm thấy ông lão hơi lẩn thẩn, ông cụ chăng thể đưa ra bất cứ bằng chứng gì, chỉ nói tối qua khi kéo đàn nhị thì đứt mất một dây, ông cụ linh cảm cháu mình đã bị người ta sát hại.
Tuy Họa Long không tin lời ông lão nhưng nó lại khiến anh vô thức nâng cao cảnh giác.
Họa Long bắt đầu ngẫm nghĩ lại toàn bộ vụ án này, trong đầu anh loang loáng hiện ra từng hoạt cảnh giống như từng thước phim quay nhanh, trong đó có hai điểm rất khả nghi, thứ nhất là anh nghĩ đến việc Triệu Tiêm Tiêm từng thực hiện tiểu phẫu vá màng trinh, có khả năng cô bé từng bị ai đó cưỡng bức. Điểm khả nghi thứ hai là những bức tranh của Triệu Tiêm Tiêm. Trong số những bức vẽ phác họa các công trình kiến trúc trong thị trấn, anh thấy một vài bức tranh vẽ nhà lão mù và sân vườn nhà bác sĩ thú y.
Họa Long ngây người suy ngẫm, rồi đột nhiên anh nghĩ đến một chuyện – Khi vẽ những bức họa này, Triệu Tiêm Tiêm đã đứng ở vị trí nào?
Vẽ phác họa giống như chụp ảnh, nếu một người có thể chụp được cánh cổng lớn của công trình kiến trúc thì người đó ắt hẳn phải đứng ở phía đối diện với cổng.
Tranh của Triệu Tiêm Tiêm tạo cảm giác cô bé dùng thị giác bao quát toàn cảnh, điều đó chứng tỏ cô bé phải đứng ở vị trí rất cao ở phía đối diện nhà lão mù và bác sĩ thú y. Họa Long chợt nhìn thấy một căn gác ở chếch phía đối diện, đó là ngôi nhà bằng gỗ cũ nát, cửa sổ đóng chặt, một chiếc thuyền sơn đen đậu chênh vênh ngay dưới bậc thềm sát ngôi nhà.
Họa Long bước qua chiếc cầu đá và gõ cửa. Một thanh niên tầm ngoài hai mươi bước ra mở cổng. Họa Long nói rõ mình là cảnh sát, giờ muốn vào trong kiểm tra thiết bị phòng cháy một chút. Cậu thanh niên rất nhiệt tình mời anh vào. Sân vườn sâu hun hút, đi xuyên qua hai cánh cổng, Họa Long thấy trên cầu thang vắt vài tấm lưới đánh cá, xem ra chủ hộ là dân chài lưới. Trên gác không có đèn, cậu thanh niên bảo đi lấy đèn pin rồi quay lại sau. Họa Long bước vào căn gác, trong bóng tối anh lờ mờ nhìn thấy mấy chiếc thùng sắt đặt ở góc nhà, một mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, không những vậy anh còn ngửi thấy mùi dấm lan toả khắp căn phòng.
Tuy không có khứu giác thính nhạy như Bao Triển, nhưng Họa Long cũng dần dần ngửi thấy một mùi khác lạ giữa hỗn độn những mùi hôi thối ẩm mốc quấn quanh ngôi nhà. Đúng vậy! Đó chính là thứ mùi khủng khiếp mà anh vô cùng quen thuộc: Mùi phân huỷ của xác chết. Nó đang thoang thoảng đưa tới mũi anh từng đợt từng đợt…
Trong căn gác này từng có người chết và đến tận giờ mùi hôi thối của xác chết thối rữa vẫn chưa bay hết.
Họa Long định rút súng nhưng anh hốt hoảng phát hiện mình không mang súng theo, anh vội vàng quay ngoắt đầu lại, vừa hay nhìn thấy gã thanh niên với khuôn mặt trắng bệch đang đứng sừng sững chắn ngay trước cửa. Y không cầm đèn pin mà cầm tấm lưới đánh cá. Y sải mạnh tay quăng tấm lưới. Tấm lưới như bàn tay của tử thần chụp xuống người Họa Long.
Gã thanh niên lấy gậy giáng mạnh vào đầu Họa Long, vài giây sau anh đã choáng váng ngã xuống. Họa Long lấy hết sức giãy giụa, nhưng mãi vẫn không thể thoát khỏi tấm lưới. Gã thanh niên hơi hoảng loạn, y đổ dịch lỏng trong chiếc bình lớn lên người Họa Long rồi nhanh chóng rời khỏi phòng và đóng cửa lại. Dịch lỏng là ête ethyl, một chất rất dễ bay hơi, trong môi trường chật hẹp và khép kín thì chỉ cần một phút là có thể khiến người ta bất tỉnh nhân sự. Họa Long tức điên người, anh chửi rủa như tát nước, rồi liên tục giãy giụa mong thoát ra khỏi lưới nhưng chỉ vài phút sau anh bắt đầu cảm thấy ý thức của mình rơi vào trạng thái mơ hồ, chẳng bao lâu sau anh đã ngất lịm…
Khi tỉnh lại, Họa Long phát hiện mình đang nằm trong thùng sắt, hai tay bị bẻ quặt ra đằng sau, buộc chặt bằng dây thép, hai chân cũng bị trói, miệng nhét đầy giẻ, còn dán mấy vòng băng dính, chắc hung thủ muốn đề phòng trường hợp anh nhổ giẻ ra kêu cứu. Họa Long cố gắng giãy giụa, nhưng dây thép buộc cổ tay rất chắc chắn, thậm chí nó thít cả vào da thịt, đầu dây thép xoắn lại thành hình vặn thừng, không thể tháo ra được.
Xung quanh Họa Long lúc nhúc chuột. Khi một người bị chuột vây kín khắp người, trong lòng phải sợ hãi đến chừng nào?
Họa Long ý thức được mình đang rơi vào hoàn cảnh của Hoàn Ngọc – anh sắp bị chuột gặm chỉ còn trơ bộ khung xương.
Đây là chiếc thùng sắt hình chữ nhật, đặt nằm dọc ngay cạnh cửa sổ. Chắc chiếc thùng này dùng để nuôi cá giống, nó dài hai mét, rộng một mét, cao một mét kết cấu khép kín, vô cùng kiên cố, trên nắp chỉ có mấy lỗ thoát khí to bằng đồng tiền xu. Chiếc nắp đã được khóa chặt bằng khóa đồng.
Chiếc thùng sắt này thực chẳng khác nào chiếc quan tài. Rất có khả năng đây chính là mồ chôn Họa Long!
Họa Long ngồi dậy, lũ chuột xung quanh liền nhào lộn theo động tác lên xuống của anh. Không gian trong thùng rất chật chội, đầu anh chạm phải vách thùng. Từ lỗ thoát khí, anh nhìn thấy cửa sổ của căn gác.
Họa Long chỉ có hai lựa chọn, thứ nhất là ngồi chờ chết, đợi người khác đến cứu nhưng khi đội cứu hộ đến được đây và lôi anh ra ngoài thì rất có thể họ chỉ tìm thấy bộ xương của anh. Lựa chọn thứ hai là anh phải tự cứu mình. Trước khi bị chuột gặm trơ xương, anh phải thoát khỏi thùng sắt này, nhưng vấn đề là anh phải làm sao mới thoát được bây giờ?
Họa Long từng trải qua muôn vàn nguy hiểm trong đời, anh biết mình buộc phải bình tĩnh mới có thể hoá nguy thành an.
Họa Long nghiên cứu kĩ hoàn cảnh của mình, một vài con chuột bắt đầu mon men gặm nhấm chân anh. Anh ngồi im bất động, nghé mắt nhìn thấy cửa sổ qua lỗ thoát khí. Càng lúc càng nhiều chuột cả gan lao đến cắn anh. Họa Long lật người lại, đè chết mấy con liền một lúc. Ngón tay anh chợt chạm phải sợi dây thép trói cổ chân.
Đột nhiên Họa Long nảy ra một sáng kiến. Anh đã nghĩ ra cách thoát hiểm.
Trong tình trạng bị trói quặt cổ tay ra sau và trói cả cổ chân, thì người ta chỉ cần uốn cong người hoặc làm tư thế giống như quỳ là có thể dùng tay cởi được nút thắt ở cổ chân. Họa Long cố gắng nhịn cơn đau do bị chuột cắn, anh với tay nới lỏng đầu xoắn của đây thép. Dây thép giúp anh tìm lại hi vọng, bởi nó sẽ trở thành phương tiện cứu mạng duy nhất của anh.
Nếu hai tay được giải phóng thì anh có thể uốn dây thép thành hình móc, luồn qua lỗ thoát khí rồi móc vào thành cửa sổ, kéo chiếc thùng vào gần mép cửa sổ, sau đó lật người, chiếc thùng sẽ rơi từ cửa sổ xuống con kênh gần đó. Thế là anh sẽ có cơ hội được cứu thoát.
Ngặt nỗi hiện giờ hai tay Họa Long lại bị trói chặt, anh không thể tự cởi dây thép đang thít chặt nơi cổ tay.
Theo quán tính tư duy thì tay là bộ phận linh hoạt nhất, nhưng riêng với bộ đội đặc công và cảnh sát vũ trang thì đôi chân của họ lại vô cùng linh hoạt bởi họ thường xuyên phải trải qua các bài tập huấn luyện dùng chân bắn súng. Họa Long là sĩ quan cảnh sát vũ trang, nên đôi chân anh càng đặc biệt linh hoạt. Đôi chân vừa được giải phóng, anh liền đá chết mấy con chuột những mong mình có thêm thời gian sống sót. Không gian trong thùng sắt vô cùng chật chội, người Họa Long dính đầy máu chuột, tanh hôi đến lợm giọng.
Họa Long dùng chân uốn đầu móc thép thành hình móc câu, rồi luồn qua lỗ thoát khí, thận trọng ngoắc vào bậu cửa sổ, sau mấy lần điều chỉnh, Họa Long đã tìm ra tư thế thích hợp nhất, hai chân thay nhau kéo dây thép, nhờ sức khỏe phi thường cuối cùng anh cũng dựng được thùng sắt đứng lên.
Họa Long lại lấy chân đạp vào vách thùng, rồi rung lắc mấy cái, nhân lúc thùng sắt nghiêng ngả, anh đập mạnh thùng sắt vào cánh cửa sổ gá hờ, chiếc thùng rơi tõm xuống nước.
Cả quá trình diễn ra đúng là kinh thiên động địa!
Khi thùng sắt rơi xuống kênh, lão mù đang ngồi cứng đơ như pho tượng trong sân, ông không nhìn thấy nhưng bù lại thính giác vô cùng nhạy bén, nhất là khi chiếc thùng sắt rơi từ căn gác đối diện xuống nước nghe “Ùm!” một tiếng, bọt bắn tứ tung, ngay cả bác sĩ thú y cũng nghe thấy. Cuối cùng hai người họ xúm lại vớt chiếc thùng sắt lên bờ và cứu Họa Long thoát khỏi nấm mồ tăm tối.
Họa Long dẫn theo dân phòng trở lại căn nhà tội ác kia, nhưng gã thanh niên đã biến mất dạng.
Khi mở hai thùng sắt khác trong căn gác ra thì thấy mỗi thùng đều chứa một thi thể. Sau khi kiểm định, kết quả cho thấy hai cỗ thi thể đó lần lượt là của Mạc Phi và đứa cháu trai của lão mù.
Tô My đưa cho Họa Long nhận diện ảnh của Mã Lưu. Anh lập tức nhận ra. Tuy gã thanh niên đó đã chỉnh sửa khuôn mặt nhưng anh vẫn biết y chính là Mã Lưu.
Theo lời kể của chủ cho thuê phòng trọ, Mã Lưu mới thuê căn gác này được một thời gian ngắn, thường ngày rất ít khi ra khỏi phòng, cũng rất ít người đến đây thăm y.
Giáo sư Lương nói: “Y chỉ sử đụng căn gác này để gây án mà thôi, còn ngày thường y đóng giả thành Triệu Tiêm Tiêm, hoặc có thể nói y biến thành Triệu Tiêm Tiêm. Chỉ khi giết người y mới trở về đúng con người mình.”
Qua suy đoán và phân tích, giáo sư Lương cho rằng Triệu Tiêm Tiêm đã gặp nạn và tử vong. Ba năm trước Mã Lưu đã giết chết Triệu Tiêm Tiêm, đồng thời rất có khả năng y vô tình biết được Triệu Tiêm Tiêm từng bị cưỡng hiếp tại thị trấn Ô Đường. Vậy là ba năm sau Mã Lưu giả dạng Triệu Tiêm Tiêm đến thị trấn Ô Đường để truy tìm hung thủ đã bức hại cô bé. Vì căm thù những người mặc váy đỏ nên gã thanh niên biến thái đã lần lượt giết chết Hoàn Ngọc và Mạc Phi, sau đó y điều tra ra chính đứa cháu trai của lão mù đã cưỡng hiếp Triệu Tiêm Tiêm nên y đã ra tay giết chết cậu ta.
Chủ tịch thị trấn ngạc nhiên hỏi: “Trông đứa bé đó có vẻ rất thật thà, lý nào nó dám làm chuyện ấy?”
Giáo sư Lương nói: “Đây chỉ đơn thuần là phân tích và phỏng đoán của cá nhân tôi chứ chưa hẳn là sự thật, chỉ khi truy bắt đưọc Mã Lưu thì mới biết rõ chân tướng.”
Cảnh sát lập tức phát lệnh truy nã nhưng mãi vẫn chưa bắt được Mã Lưu. Gã thanh niên ấy như thể bốc hơi thành không khí vậy. Không một người nào nhìn thấy nữa! Theo như mô tả trên lệnh truy nã thì kẻ này thường ngụy trang thành phụ nữ nên rất khó nhận diện, có lẽ bởi thế nên chẳng ai nhận ra y.
Trong thành phố mà chúng ta đang sống, bất kì cô gái mặc váy đỏ nào cũng có khả năng là Mã Lưu!
Mấy ngày sau, tay họa sĩ tóc dài và “cô” ca sĩ cũng biến mất khỏi thị trấn. Có người phát hiện một bài thơ trong phòng thay y phục ở quán trà:
Hoàn Ngọc hồn cốt hóa trần ai
Ô Đường tàn mộng tình thế thái
Tiêm Tiêm khuất bóng hương thoáng bay
Phi Phi một đi không trở lại
Lầu xuân cưỡng bức nhành hoa nhài
Vườn lê văng vẳng kúc bi ai
Chuyện cũ khóa chặt quan tài sắt
Ai người hay biết thuở sơ khai.
Bài thơ này viết trên một trang giấy, nét chữ mềm mại, thanh thoát, trên tờ giấy còn đặt một con dao dính máu!
Tô My và Bao Triển đi lòng vòng mấy lượt cuối cùng cũng tìm thấy nhà của Mã Lưu. Hai bố mẹ y đã qua đời, một mình y sống trên tầng trên cùng của một khu tập thể cũ nát. Tô My, Bao Triển và cảnh sát địa phương cùng xô cửa xông vào. Phòng ngủ của Mã Lưu bám đầy bụi, nom như khuê phòng của con gái. Qua ảnh Bao Triển phán đoán Mã Lưu cố tình trang hoàng phòng của mình giống hệt với phòng của Triệu Tiêm Tiêm. Đôi lúc anh không thể không nể phục khả năng của con người. Bởi y cơ hồ đã sao chép căn phòng của mình giống phòng của Triệu Tiêm Tiêm như đúc. Từ giường ngủ, gối đầu, bàn học đến chiếc đèn bàn nhỏ nhắn đều không hề có điểm nào khác biệt. Chắc chắn y phải rất tốn công tốn sức mới tìm được đầy đủ vật dụng như vậy. Trong một bức thư, Mã Lưu viết rằng y từng trốn dưới gầm giường nhà Triệu Tiêm Tiêm, từng dùng cắt móng tay của cô bé, lén lấy trộm chìa khóa phòng của cô bé.
Trong ngăn kéo bàn học, Tô My tìm thấy một hộc đầy những lá thư không gửi. Từ màu mực và nét chữ có thể phán đoán số thư này được viết tại nhiều thời điểm khác nhau. Một vài chữ còn bị nhòe nước, chứng tỏ kẻ viết thư từng khóc khi lưu lại những dòng đầy tâm huyết này.
Tất cả đều là thư gửi cho Triệu Tiêm Tiêm.
Có thể trích ra một đoạn như sau:
Tiêm Tiêm! Mọi mật mã của anh đều là ngày sinh của em, từ trước đến nay luôn vậy và sau này sẽ mãi mãi là vậy. Vì em, anh đã giữ rất nhiều thói quen. Trước đây anh không thích ăn ô mai, lần đầu tiên nếm thử vị ô mai chính là lần em đưa cho anh, sau đó anh hình thành thói quen thích ăn ô mai. Thỉnh thoảng anh còn đi mua ô mai lúc nửa đêm. Những khi nhớ em, anh lại ăn ô mai.
Tóc em rất thơm. Để tìm được dầu gội đầu em dùng anh đã mua hết các nhãn hiệu và thử từng loại một, cuối cùng anh đã tìm thấy mùi hương của em. Vì mùi hương ấy khiến anh cảm nhận được sự tồn tại của em.
Anh bắt chước nét chữ của em, nét chữ của chúng ta dần dần hòa thành một.
Em đã bước vào cộc đời anh, đâu đâu quanh anh cũng có hình bóng em, em ẩn nấp trong từng ngóc ngách cuộc sống của anh. Khi anh làm những động tác tự nhiên nhất của thường nhật, trong từng cử chỉ, khi anh đi trên phố một mình, ăn cơm một mình xem tivi nột mình, khi anh ngồi một mình nhìn nước mưa thấm ướt lá cây ngoài cửa sổ, anh đều có cảm giác chúng ta đang ở bên nhau.
Tiêm Tiêm, em biết không? Mỗi lần đi cầu thang anh đều đi về phía bên tay vịn, vì lần cuối cùng em vai kề vai xuống cầu thang anh đúng phía tay vịn, còn em đứng cạnh anh.
Tiêm Tiêm, anh biết em có thói quen gấp chăn rất vuông vắn, bởi vậy ngày nào anh cũng học gấp chăn, bây giờ anh có thể gấp chăn vuông như miếng đậu phụ giống hệt anh lính gấp chăn trong doanh trại. Chỉ duy nhất một lần anh muốn từ bỏ, lần đó anh úp mặt xuống chăn khóc nức nở. Từ nhỏ đến lớn em đều kiên trì gấp chăn, vậy mà sao em không thể kiên trì yêu anh? Em đã từng yêu anh bao giờ chưa? Dẫu chỉ một phút một giây?
Anh dùng bao nhiêu cách để nhớ em, để nói chuyện với em, nhưng… chưa bao giờ em biết anh yêu em đến nhường nào!
Chắc em biết mỗi khi trời mưa, giữa không gian tĩnh lặng và u buồn đó, anh luôn nhớ em nhiều nhất.
Chắc em biết mỗi khi tuyết rơi, giữa không gian trầm mặc và cô đơn đó, anh luôn nhớ em nhiều nhất.
Chắc em biết anh lấy chìa khóa khắc rất nhiều chữ lên bức tường dưới tầng em ở, anh đợi ở đó cả đêm chỉ vì muốn thoáng nhìn thấy dáng em lúc đi học buổi sáng sớm. Em quàng khăn, mặc chiếc áo jacket nàu đỏ. Anh lặng lẽ đi theo em, chỉ vì muốn nhìn thấy em.
Anh đã từng đứng sau lưng em một cách chân thành như thế và nhìn theo bóng lưng yêu kiều của em. Mùa hè em thường mặc váy đỏ, khi tuyết rơi em mặc áo lông làu đỏ, em khép chặt vạt áo vào người cho ấm, rồi cứ thế cắm đầu bước một mạch về phía trước. Chỉ cần em quay đầu nhìn lại là sẽ thấy anh, nhưng chưa bao giờ em ngoái về phía sau. Anh muốn đuổi theo em biết bao nhiêu để ôm đôi tay lạnh giá của em vào lòng. Anh thích đứng trước cửa sổ lớp học ở tầng bốn, trong khi em ngây người ngắm cảnh thì anh ngây người ngắm em. Khi em rời đi, anh đứng vào chỗ em vừa đứng, nhìn về phía em đặt lòng bàn tay áp vào vị trí em vừa để tay lên đó. Anh luôn ở sau em, nhưng… em chưa bao giờ quay đầu lại.
Dẫu thời gian trôi như nước chảy nhưng màu của hoa hồng chưa bao giờ nhạt phai.
Mấy năm nay mưa đổ rào rào, chẳng khác gì bao nhiêu bể bơi trên thiên đình bị rơi vỡ xuống mặt đất, rồi biến mất không tăm tích, giống như nước mắt của anh rơi xuống vì em. em. Tiêm Tiêm, em có biết anh đã rơi bao nhiêu nước mắt vì em không?
Anh lấy lọ để đựng nước mắt của mình, lấy lồng ngực để đựng những lời thở than.
Tình yêu của anh còn sâu hơn cả đáy biển sâu nhất. Nếu em chịu nhìn anh dù chỉ một thoáng thôi em sẽ thấy vực thẳm, thấy cá bơi lội trong mắt anh. Thể xác của em nằm bên cạnh anh hết ngày này sang ngày khác, hết đêm này sang đêm khác, mộ địa của em và tang lễ của em đều ở trong vòng tay anh.
Anh đuổi theo con bướm em từng đuổi, cúi đầu ngửi bông hoa em từng ngửi.
Anh đi qua con phố em từng đi, quanh quẩn nơi ngã ba em từng tha thẩn, quẩn quanh.
Anh yêu em đến mức yêu luôn cả quần áo em mặc!
Anh yêu em đến mức yêu luôn cả chiếc váy em mặc!
Anh yêu em đến mức anh muốn biến thành em!
Em không biết anh thích cảm giác ngủ dưới gầm giường của em đến mức nào đâu! Khi mặc quần tất của em, anh thấy rất xấu hổ? Lần đầu tiên mặc quần tất đi trên phố là một ngày mùa đông, anh đã rất hồi hộp bên ngoài quần tất là quần đông xuân và quần len, bởi vậy chẳng ai nhận ra anh mặc quần tất. Anh thích cảm giác ấy. Cuối cùng anh cũng dám mặc váy ra đường vào một ngày hè. Anh đã biến thành em! Ngay cả anh cũng không thể nhận ra chính mình.
Mỗi sáng khi rửa mặt, anh lại ngây dại hôn bản thân mình đắm đuối qua gương.
Không phải anh đang hôn tấm gương mà là đang hôn em.
Em đã biết anh yêu em đến nhường nào chưa?
Bức thư cũ kĩ đã ố vàng. Mỗi lá thư đều nặng tình như thế! Mỗi lá thư đều biến thái như thế!
Trong phòng phủ lớp bụi dày, Tô My và Bao Triển phát hiện một thi thể nằm trên giường cạnh bàn học, thi thể đang trong tư thế nằm nghiêng, đầu gá trên gối, bên cạnh còn đặt một chiếc gối nữa, có thể thấy từng có người đã ôm thi thể này ngủ.
@by txiuqw4