Mười Tội Ác: Bóng Ma Đêm MưaChương 43 - Bộ Ruột Trên Không Trung
Hai mẹ con họ sống trong khu nhà phía sau. Từ cửa sổ nhà họ có thể nhìn sang khu nhà cũ nơi xảy ra vụ án. Chị gái của cậu bé nửa đêm đi vệ sinh, thường có thói quen nhìn ra ngoài cửa sổ. Có vài lần, từng nhìn thấy một người đi lại trong hành lang khu nhà này, nhưng do khoảng cách tương đối xa, trời lại tối, nên không rõ mặt người kia, chỉ nhìn thấy bóng người rất mờ ảo.
Tổ chuyên án đến hỏi chuyện lấy thêm thông tin từ chị gái cậu bé. Cô gái cho biết từng ba lần thấy bóng người đi lại ở hành lang đó, và mỗi lần đều thấy dựng tóc gáy. Trong đó có một lần, người đó hình như đi chân đất, rồi đi thẳng vào trong hành lang tối mịt.
Bao Triển để lại cho cô gái một số điện thoại, và dặn cô lập tức gọi điện khi phát hiện có bất cứ điều gì bất thường xảy ra.
Cô gái nói: "Cháu có một chiếc kính viễn vọng, cháu sẽ giúp các chú làm hoa tiêu!"
Cậu em trai nhảy lên vui sướng, giành lấy chiếc kính viễn vọng, hào hứng nói: "Chị! Em cũng muống xem cơ!"
Những tên ác quỷ giết người thực ra chỉ là những con người bình thường. Họ đôi khi đi lướt ngang qua, có khi lại ngồi ăn cùng một bàn với chúng ta cũng nên.
Kẻ giết người mổ ruột đang ẩn nấp trong chính thành phố hoang này, nơi hắn sống rất gần hiện trường vụ án. Do lực lượng có hạn, cảnh sát không thể mở rộng quy mô tìm kiếm. Tổ chuyên án và cảnh sát địa phương đành lấy hiện trường làm điểm trung tâm, rồi lần lượt điều tra mở rộng ra các hộ xung quanh, đặc biệt là những người ngồi đánh bài gần đó khi xảy ra vụ việc. Tất cả đều phải lấy mẫu vân tay và dấu bàn tay, sau đó so sánh dấu tay của từng người với vết máu tìm thấy tại hiện trường gây án.
Tổ chuyên án phân tích cho rằng, động cơ gây án của cả hai vụ án biến thái này có thể xác định là giết người vì mục đích báo thù, và mục tiêu cuối cùng của hung thủ chính là cụ ông Trương Hồng Kì. Sự thù hận của một con người luôn gây tai ương cho nhiều người vô tội khác, do đó Trần Lạc Mạt và bà ngoại cô bé mới liên tiếp bị hại.
Cụ ông Trương Hồng Kì không nghe thấy tiếng bước chân xuống cầu thang, là do hung thủ đi chân đất, không hề xỏ giày dép.
"Kĩ năng" gây án của hung thủ đang ngày một cách thành thục. Hắn tiến lại khu nhà, rồi đi chân đất lên cầu thang. Trong tay hắn cầm một chiếc móc cân lớn, và hắn có thể đứng đó, im lặng mấy tiếng đồng hồ chỉ để chờ thời cơ. Trước đây, hắn đã đợi như thế, cho đến khi cô công nhân Trần Lạc Mạt xuất hiện, và gần đây, hắn cũng đợi bà ngoại cô gái trở về và gây án.
Hung thủ là một kẻ vô cùng tàn nhẫn mất hết nhân tính, trong cả hai vụ án đều cố ý lấy ruột nạn nhân.
Đặc biệt trong vụ án thứ hai, cảnh tượng vô cùng ghê rợn. Hung thủ nấp phía sau thi thể bà cụ, vừa giữ cho cái xác đứng thẳng, vừa gõ cửa. Nếu lúc đó cụ ông Trương Hồng Kì mắc mưu mà mở cửa, thì rất có thể ông cụ đã trở thành nạn nhân thứ ba.
Tin cụ bà gặp nạn nhanh chóng lan đi khắp nơi. Một số họ hàng thân thích đến viếng và chia buồn, ai nấy đều cảm thấy vô cùng thương tiếc. Để đảm bao an toàn, một người họ hàng đề nghị đón cụ ông Trương Hồng Kì về khu thành phố mới, nhưng cụ ông từ chối chuyển đi. Cụ đã sống ở nơi này biết bao nhiêu năm nay, nơi đây đã trở thành một thói quen không thể thay đổi, và cụ cũng không muốn phải nhờ vả đến người khác nên vô cùng cố chấp: "Bất kể kẻ đó là ai, hắn muốn hại tôi, tôi sẽ chờ hắn!"
Cụ ông mài chiếc dao lớn sắc ngọt, còn chuẩn bị một đoạn thép xoắn đặt đầu giường.
Tổ chuyên án quyết định tìm kiếm manh mối vụ án từ những người họ hàng của cụ ông Trương Hồng Kì, hỏi kĩ về việc cụ ông từng có mâu thuẫn với ai? Và có kẻ thù nào hiện còn sống ở Vũ Môn hay không? Một người anh em họ của cụ ông cho biết: "Khi còn trẻ, anh Hồng Kì từng là Hồng Vệ Binh[15]. Hồi đó, đội Hồng Vệ Binh của anh Hồng Kì có cái tên rất nên thơ, là Tùng Trung Tiếu."
Những người Hồng Vệ Binh năm ấy giờ đây đều đã già. Cả một tập thể lớn nhường ấy bỗng nhiên biến mất như chưa từng có. Không một ai muốn nhắc lại những sự việc từng xảy ra. Họ chọn sự quên lãng.
Thế nhưng, lịch sử sao có thể bị lãng quên như vậy!
Cụ ông Trương Hồng Kì quyết định im lặng, không muốn nhắc lại những tháng ngày xưa cũ. Tổ chuyên án từng nhiều lần hỏi về việc này, hi vọng cụ có thể cung cấp đầu mối gì đó, nhưng cụ ông lại cố tình nói dối, tìm mọi cách chống chế, phủ nhận việc mình từng là Hồng Vệ Binh.
Có đôi lúc, chúng ta không thể nào đánh thức một người đang giả vờ ngủ. "Nếu là người bị hại trong những năm đó quay trở về báo thù, thì hung thủ có thể cũng là một người cao tuổi." Bao Triển phân tích.
"Một người cao tuổi làm sao có thể giết chết một người và làm trọng thương một người dễ dàng như thế được? Hơn thế nữa, Trần Lạc Mạt nói hung thủ là môt người đàn ông trung niên còn gì."
"Lúc đó, Trần Lạc Mạt quá sợ hãi, trong hành lang lại tối om không một ánh đèn, khả năng phán đoán nhầm độ tuổi của hung thủ là điều dễ hiểu.". Họa Long nói.
"Các cô cậu đừng xem thường đám già chúng tôi. Tôi mà còn đứng lên được, thì Bao Triển cũng chưa chắc đã là đối thủ đâu nhé!" Giáo sư Lương vừa nói vừa nửa đùa.
"Giáo sư, làm sao cháu dám động thủ với bác chứ!" Bao Triển cũng đùa lại.
"Cháu quen một bác cũng đã nhiều tuổi, mỗi ngày đều làm nhiệm vụ tuần tra, suốt hai mươi năm sương gió dạn dày, một mình bác ấy đã bắt gần mấy chục tên trộm xe đạp, năm nào đến dịp lễ tết các lãnh đạo cục cảnh sát cũng đến chúc mừng." Họa Long kể.
"Nhưng cũng có thể đó là con cháu đời sau của người bị hại thì sao?" Tô My tiếp tục phân tích.
Sự thù hận của con người có thể kéo dài rất nhiều năm. Mối hận nhỏ có thể dẫn đến gây án, mối thù lớn có thể gây cả chiến tranh.
Tên sát nhân Tôn Vệ, khi nhỏ bị bắt quả tang ăn trộm dưa, đến lúc lớn lên, vì thù hận mà hạ sát nhiều người trong số những ai đã đánh hắn lần đó. Cậu sinh viên Trâu Mỗ bị nhà trường đuổi học vì tội đánh nhau. Mười năm sau, cậu ta quay lại trả thù, dùng dao gọt hoa quả đâm chết lãnh đạo trường. Một đôi tình nhân sau nhiều năm chia tay, cô gái vẫn không thể thoát khỏi sự ám ảnh của mối tình vụng trộm, thuê người giết chết người tình cũ.
Tố chuyên án quyết định bắt tay điều tra từ bên ngoài.
Khu trung tâm mua sắm của thành phố Vũ Môn đã đóng cửa từ lâu. Trên khu đất trống trước cửa trung tâm, ngày nào cũng có một số người già tập trung tại đó. Họ ngồi trên những chiếc ghế gấp nhỏ sưởi nắng, trong đó có một người hay cầm trong tay cuốn "Tam Quốc diễn nghĩa", rồi ngồi ngay ngắn đọc một đoạn trong cuốn sách kinh điển: "Miếu đường chi thượng, hủ mộc vi quan, điện bệ chi gian, cầm thú thực lộc, lang tâm cẩu hành chi bối, cổn cổn đương đạo, nô nhan tì tất chi đồ, phân phân bỉnh chánh..." Với ý mắng những người làm quan chỉ toàn kẻ bất tài vô dụng, ăn tiền bổng lộc của Triều Đình mà chẳng được tích sự gì. Kẻ làm quan mà nhân phẩm đâu khác nào loài lang sói, còn bao kẻ ti tiện đê hèn thì làm mưa gió lộng hành quyền chính.
Tô My tiến lại gần, hỏi: "Bọn cháu là người của Cục cảnh sát, muốn hỏi thăm một chút thông tin, cụ có từng nghe về đội Tùng Trung Tiếu không?"
Trên gương mặt phúc hậu của cụ hiện lên nụ cười phúc hậu, rồi cụ hỏi vặn lại: "Xã hội đen hả?"
Tô My trả lời: "Đây không phải là băng nhóm xã hội đen ạ!"
Bao Triển nói xen vào: "Là Hồng Vệ Binh ạ!"
Họa Long đi thẳng vào vấn đề, hỏi: "Trong các cụ có ai từng là Hồng Vệ Binh không?"
Tô My nói: "Chúng cháu chỉ muốn tìm hiểu một chút thôi, mọi người đừng hiểu lầm."
Cả nhóm các cụ già đều bật cười, chẳng ai thừa nhận, có lẽ họ không lấy gì làm thích thú lắm với chủ đề này. Từng người từng người một đứng dậy, gập chiếc ghế của mình lại rồi bỏ đi, cuối cùng chỉ còn lại ông cụ đang ngồi đọc sách. Giáo sư Lương tự mình lăn xe lăn lại bắt chuyện. Lúc đầu chỉ là vài ba câu về cuốn "Tam quốc", rồi sau đó giáo sư gợi chuyện để cụ ông kể về mười năm "hào kiệt" của mình.
"Thời đó, tôi còn ở nước ngoài. Anh kể cho chúng tôi nghe về thời ấy đi, cũng coi như cho lớp trẻ có hội tìm hiểu." Giáo sư Lương gợi mở.
Cụ ông đọc sách mơ màng nhớ lại những kí ức xưa cũ, thở dài cảm khải, kể: "Năm 1957, tôi bị đánh sang cánh tả, rồi bị tống về lao động ở dưới nông trường. Tôi móc bùn đắp tường nhà, từ năm 1957 đến năm 1978, tôi đi làm suốt 21 năm công việc này. Những bức tường tôi đắp lên đi đâu cả rồi? Cứ đắp lên rồi lại đập đổ, cứ đắp lên rồi lại đập đổ, liên tục như thế, không bao giờ ngừng nghỉ. Họ chỉ có một mục đích duy nhất, đó là bắt chúng tôi làm việc, làm việc đến khi mệt nhọc, hết sức mà tự chết đi."
"Sao lại có kiểu hành hạ đó cơ chứ?" Tô My bức xúc nói.
"Những người trẻ tuổi như các cô các cậu làm sao biết được cái khổ cực của thời đó. Chỉ vì lỡ dẫm phải một tờ báo, cũng có thể bị đem ra đấu tố, đánh đập. Chỉ vì trong lúc đọc thơ chẳng may vô tình đánh một quả bĩnh, thì coi như đã mắc phải trọng tội rồi. Chỉ vì treo một bức tranh ở đầu giường, cũng sẽ bị coi là phản cách mạng, cha mẹ của người đó sẽ phải thay nhau tát vào mặt vợ hoặc chồng mình. Mông cậu to, thì sẽ được quy kết là xuất thân con nhà địa chủ, và thế là lại một phen đấu tố và đòn roi."
"Những điều đó đều là thật sao?" Tô My có vẻ không dám tin vào những gì mình vừa nghe thấy.
"Rất nhiều người đều biết những việc thế này, chỉ có điều họ không muốn nói. Trong sân lễ đường của thành phố Vũ Môn có một gian nhà nhỏ màu đen, là nơi cất các đạo cụ biểu diễn. Đó chính là nơi mà Hồng Vệ Binh trước đây dùng làm địa điểm đánh đập người khác, trên tường đến giờ vẫn còn nhiều vết máu khô, đến mùa hè là lại mốc meo lên. Cảnh sát các cô cậu đã nhìn thấy vết máu mọc rêu mốc bao giờ chưa?"- Cụ ông đọc sách nói.
Những tòa kiến trúc tại thành phố Vũ Môn chủ yếu giữ nguyên phong cách của những năm sáu mươi, bảy mươi thế kỉ trước, vô cùng cũ kĩ. Mấy chục năm qua đi, những gian nhà mái bằng cũ vẫn còn rất nhiều, tổ chuyên án tìm thấy khu lễ đường mà ông cụ nói.
Lễ đường năm ấy, giờ đã bị bỏ hoang, trở thành một xưởng cưa xẻ gỗ. Trong căn nhà cũ trống hơ trống hoắc, dường như đang chờ ai đó đến đây. Dưới mặt đất vương vãi một ít mạt cưa đã ẩm ướt, trên tường vẫn còn loang lổ những vết bẩn treo biểu ngữ thời trước, những vết máu mọc nấm mốc từ lâu không còn thấy nữa.
Tổ chuyên án cùng cảnh sát địa phương mở rộng phạm vi điều tra, trọng điểm nhằm vào những người già trong thành phố. Hung thủ rất có thể là một người cao tuổi, từng bị cụ ông Trương Hồng Kì bức hại trong thời kì "cải cách văn hóa". Những mối thâm thù mà lịch sử để lại chẳng khác nào một trái bom nổ chậm dù đã qua mấy chục năm, nhưng đến nay nó mới từ từ phát nổ. Công tác đối chứng đầu tay được thực hiện rất nhanh chóng, nhưng kết quả khiến mọi người đều không khỏi thất vọng. Không một dấu tay nào mà cảnh sát thu được phù hợp với dấu tay máu tìm thấy tại hiện trường.
Vụ án rơi vào bế tắc, không còn một tia hi vọng nào, tất cả những gì phía cảnh sát có thế làm bây giờ chỉ là... Chờ đợi!
Mấy hôm sau, cậu bé nọ đi vệ sinh lúc nửa đêm.
Cậu dụi mắt mấy lần, nhìn thật kĩ lại vì hình như vừa phát hiện rèm cửa sổ của nhà nào đó bên dãy nhà đối điện động đậy. Câu chạy về gọi chị gái. Cô chị cũng cảm thấy vô cùng kì lạ. Nửa đêm canh ba, ai còn thức mà đụng vào rèm cửa làm gì? Vốn cho rằng đó là do gió thổi, nhưng nhà đó chẳng phải đóng cửa sổ rồi sao? Lớp kính kín như bưng, chứng tỏ chỉ có thể do có người dụng vào, trông giống như đang dùng tay đập đập vào tấm rèm, cứ một hồi lại đập một lần, có lẽ như đang lặp đi lặp lại một động tác nào đó.
Khung cửa số đó không phải của nhà ai khác, mà chính là nhà cụ ông Trương Hồng Kì.
Cô chị lập tức nhấc điện thoại báo cảnh sát. Tố chuyên án và sáu cảnh sát tức tốc chạy đến hiện trường. Khi họ lên đến nơi, cảnh tượng hiện ra trước mắt man rợ không thể diễn tả bằng lời.
Cửa nhà đã mở, chiếc quạt trần trong phòng ngủ đang quay chầm chậm. Một cụ già gục giữa vũng máu, vết máu vung vãi khắp phòng, bắn cả lên tường, xuống mặt đất, bắn vào bộ ghế gỗ thời cũ trong phòng.
Tô My không nhìn nổi, vội chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo.
Cụ ông Trương Hồng Kì bị hại, thân dưới bị hung thủ móc rách, rồi lôi một đoạn một ra ngoài.
Hiện trường vụ sát hại quá đỗi man rợ, Bao Triển phát hiện lớp lưới trên cửa chống trộm đã bị thiêu rụi, trên kẽ sắt vẫn còn mắc lại một số vảy xốp tròn. Đây có lẽ là mưu kế của hung thủ. Hắn cố tình đốt lửa phía ngoài, để khói đặc bay vào trong phòng. Cụ ông Trương Hồng Kì chạy ra sẽ phải mở cửa và tìm cách dập lửa. Nhân cơ hội đó, hắn sẽ đột nhập vào trong nhà, và sát hại nạn nhân.
Tại hiện trường gây án có dấu vết ẩu đá rất rõ ràng hung khí rơi lại tại hiện trường, đó là một chiếc móc sắt dùng để treo thịt lợn. Thứ này ở quán thịt nào dưới quê cũng có.
Đoạn thép xoắn mà cụ ông Trương Hồng Kì dùng để tự vệ cũng rơi trên nền nhà, trên con dao có vết máu, chứng tỏ trong lúc ẩu đả, hung thủ đã bị thương.
Giáo sư Lương nhặt chiếc dao lên, nhìn kĩ một lượt, rồi nói: "Mọi người lập tức truy đuổi, hung thủ đã bị thương, chắc chắn không thể chạy xa được!"
Giáo sư Lương và Cảnh sát trưởng ở lại hiện trường, những người còn lại cầm đèn pin chia nhau đi tìm. Họa Long phát hiện vài vết máu tại hành lang xem ra hung thủ bị thương không hề nhẹ. Bao Triển cũng tìm thấy mấy vết máu tại góc tường dưới tầng một. Cảnh sát cho rằng đoạn đường phía trước mặt chính là hướng tẩu thoát của hung thủ, tất cả cầm đèn pin chạy đuổi theo.
Bao Triển đưa ngón tay chấm một ít máu, đưa lên ngửi, rồi vội ngẩng lên gọi gấp: "Mọi người quay lại, dùng đuổi sang hướng đó nữa."
Nhóm cảnh sát lại vội và chạy về, tất cả đều thắc mắc. Bao Triển thì thào: "Đây không phải vết máu, mà là... nước."
Giữa bóng tối, vết máu và vết nước thực sự có phần khó phân biệt. Một cảnh sát ghé xuống nói thầm: "Quái lạ nhỉ! Mấy hôm nay làm gì có mưa."
Bao Triển đưa mắt ngầm nhắc nhở mọi người đừng lên tiếng. Anh đưa tay bí mật chỉ lên phía trên. Cửa số tầng bốn có treo một chậu hoa. Cụ ông Trương Hồng Kì thường ngày mỗi khi đi đạo về đều phải nhìn lên khung cửa sổ đó một lần, trên đó có treo một giờ hoa lan. Rõ ràng những giọt nước này nhỏ xuống từ giò lan đó.
Ngoài cụ ông Trương Hồng Kì ra, những hộ gia đình khác của khu nhà này đều đã chuyển đi từ lâu. Những người chuyển đi đều phải giao lại chìa khóa cho Hội quản lí cư dân bảo quản. Sau khi vụ án xảy ra, cảnh sát địa phương từng lục soát tất cả các phòng trong khu nhà này, nhưng không phát hiện điều gì đáng nghi ngờ. Thế nhưng giờ đây, trong căn nhà lẽ ra phải trống rỗng, bỗng nhiên có người đến tưới hoa, đó là điều vô cùng kì lạ. Chỉ có một khả năng duy nhất, sau khi gây án, hung thủ đã ở ngay trong khu nhà này. Và không đâu khác, hắn đang ẩn nấp chính tại căn phòng không người ở tầng bốn.
Hung thủ đang trốn ngay trong khu nhà!
Toàn bộ nhóm cảnh sát vội xông lên tầng bốn, Họa Long, Bao Triển, Tô My đều rút súng, tất cả đứng sẵn ngoài của, chuẩn bị xông vào.
Cửa không đóng, một cơn gió thổi qua khiến cánh cửa từ từ hé mở.
@by txiuqw4