sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

19. It-Yu-Nii-An [Disneyland]

“It-yu-nii-an [Disneyland]”

“Shizuko Akashi” (31)

Tôi nói chuyện với Tatsuo, anh của Shizuko Akashi ngày 2 tháng Chạp năm 1996 và lên kế hoạch đi thăm cô ở một bệnh viện ngoại ô Tokyo tối hôm sau.

Đến tận phút chót tôi vẫn không chắc liệu Tatsuo có cho phép tôi đi thăm cô không. Cuối cùng anh cũng bằng lòng nhưng chắc là phải sau một hồi suy nghĩ đau buồn lắm – dù anh không hề nhận như thế. Dễ dàng hình dung thấy rằng với anh, có vẻ thật bất nhã khi cho phép một người xa lạ nhìn thấy tình trạng tật nguyền nghiệt ngã của cô em gái. Hay cho dù tôi, với tư cách cá nhân, có được phép gặp cô gái đi nữa thì riêng ý tưởng rằng tôi sẽ kể lại tình trạng của cô trong một quyển sách cho toàn thế giới đọc chắc cũng sẽ chẳng khiến những người còn lại trong gia đình anh dễ dàng thuận lòng. Ở ý nghĩ này, với tư cách nhà văn, tôi cảm thấy có trách nhiệm to lớn, không chỉ với gia đình Shizuko mà với cả bản thân cô.

Nhưng bất kể kết quả thế nào, tôi cũng biết mình phải gặp Shizuko để ghi lại câu chuyện của cô. Cho dù đã lấy được phần lớn chi tiết từ anh trai cô, tôi vẫn cảm thấy phải gặp được riêng cô thì mới hợp lẽ. Rồi cho dù cô có trả lời các câu hỏi của tôi bằng sự im lặng hoàn toàn đi chăng nữa thì ít nhất tôi cũng đã cố phỏng vấn cô.

Nhưng thành thật mà nói, tôi không hề yên tâm rằng mình có thể viết về cô mà không làm ai đó bị thương tổn về mặt tình cảm.

Ngay cả khi ngồi đây, viết trên bàn làm việc này, buổi chiều sau khi gặp cô, tôi vẫn thiếu tự tin. Tôi chỉ có thể viết những gì tôi thấy, cầu mong không làm ai khó chịu. Nếu tôi có thể kể lại bằng lời toàn bộ câu chuyện này một cách thật tâm thì có lẽ sẽ được như vậy.

Tháng Chạp lạnh lẽo. Mùa thu thong thả trôi qua khuất tầm mắt ta. Tháng Chạp năm ngoái, tôi bắt đầu chuẩn bị cho quyển sách này, vậy là đã một năm rồi. Và Shizuko Akashi là người thứ sáu mươi tôi phỏng vấn – nhưng không như những người khác, cô không thể nói ra cảm nghĩ của mình.

Hoàn toàn ngẫu nhiên, đúng hôm tôi đến thăm Shizuko thì cảnh sát bắt được Yasuo Hayashi ở tận đảo Ishigaki hẻo lánh. Hayashi, còn được gọi là Máy Giết, kẻ gây ác cuối cùng bị bắt, đã thả ba gói sarin ở ga Akihabara trên tuyến Hibiya, làm thiệt mạng 8 người và bị thương 250 người. Tôi thấy tin này trên tờ tin tức chiều tối rồi bắt chuyến tàu 5 rưỡi đi đến bệnh viện của Shizuko. Bài báo dẫn lời một sĩ quan cảnh sát, nói: “Hayashi đã chán ngán cuộc sống lẩn trổn quá lâu.”

Dĩ nhiên bắt Hayashi cũng chẳng giúp lật ngược lại được những tổn hại hắn đã gây nên, những cuộc đời hắn đã làm cho biến dạng triệt để đến như thế. Những gì đã mất đi vào ngày 20 tháng Ba năm 1995 sẽ chẳng bao giờ khôi phục lại được. Dù thế, vẫn cần phải có một ai đó kết thúc câu chuyện và tóm cổ hắn.

Tôi không thể lộ ra tên hay địa điểm của bệnh viện Shizuko nằm. Shizuko và Tatsuo Akashi là những cái tên giả, theo mong muốn của gia đình. Thật ra các phóng viên đã từng một lần cố mở đường vào bệnh viện để gặp Shizuko. Một chấn động như vậy hẳn sẽ đẩy lùi mọi tiến bộ Shizuko đạt được trong chương trình điều trị, chưa kể còn khiến bệnh viện rơi vào cảnh rối loạn. Tatsuo đặc biệt quan tâm đến chuyện này.

Shizuko đã được chuyển đến tầng Điều trị Hồi sức của bệnh viện hồi tháng Tám năm 1995. Cho tới lúc đó (trong vòng năm tháng sau vụ thả hơi độc) cô ở Trung tâm Cấp cứu của một bệnh viện khác, nơi mà nhiệm vụ chính là “duy trì sự sống của người bệnh” – một khoảng cách xa so với hồi phục. Bác sĩ ở đấy tuyên bố “gần như việc tự lăn xe lên gác là không thể có được đối với Shizuko.” Cô nằm liệt giường, đầu óc cô là một mớ hỗn mang. Mắt cô không chịu mở, cơ bắp hầu như không động đậy. Nhưng khi được đưa đến phòng Hồi sức thì cô đã hồi phục vượt quá mọi mong đợi. Nay cô ngồi trên xe lăn và di chuyển quanh phòng bệnh nhân, được các cô y tá thân mật đẩy giúp; cô còn có thể chuyện trò được vài câu đơn giản. “Kỳ diệu” là câu nói của mọi người.

Nhưng trí nhớ của cô hầu như đã ra đi hẳn. Buồn thay, cô không nhớ chút gì về những chuyện đã xảy ra trước vụ hơi độc. Bác sĩ trực tiếp điều trị cho cô nói rằng về mặt tâm trí, cô ở “trình độ tiểu học”, song điều này có nghĩa là gì thì thực tình Tatsuo không biết. Tôi cũng vậy. Đó có phải là trình độ các quá trình tư duy của cô nói chung không? Phải chăng đó là để nói về các khớp thần kinh của cô, “phần cứng” thật sự của mạch điện tư duy của cô? Hay đây là vấn đề của “phần mềm”, những kiến thức và thông tin cô đã bị mất? Đến lúc đó chỉ có thể nói chắc được một chút về vài điều:

(1) Một vài trí năng đã mất.

(2) Vẫn không biết liệu có khôi phục được chúng không.

Cô nhớ phần lớn những chuyện xảy ra với cô từ sau vụ hơi độc, nhưng không nhớ hết. Tatsuo không thể biết trước những gì cô sẽ nhớ và những gì cô sẽ quên.

Tay trái và chân trái của cô gần như liệt hẳn, đặc biệt là chân. Những phần cơ thể bất động làm phát sinh ra nhiều vấn đề: mùa hè vừa rồi cô phải trải qua một cuộc phẫu thuật đau đớn cắt gân khoeo chân để có thể duỗi thẳng cái chân trái bị co lại.

Cô không ăn uống đằng miệng được. Cô chưa thể động đậy lưỡi hay quai hàm. Bình thường chúng ta không nhận thấy mỗi khi chúng ta ăn hay uống, lưỡi và quai hàm chúng ta đã thực hiện những vận động phức tạp như thế nào, một cách hoàn toàn vô thức. Chỉ khi mất các chức năng ấy chúng ta mới nhận thức được sâu sắc tầm quan trọng của chúng. Đây là tình trạng của Shizuko hiện nay.

Cô có thể nuốt các loại thức ăn mềm như sữa chua và kem. Phải mất nhiều tháng ròng kiên nhẫn tập luyện mới đạt tới giai đoạn ấy được. Shizuko thích sữa chua vị dâu tây, chua chua ngọt ngọt nhưng bất hạnh là phần lớn dinh dưỡng vẫn phải bóp thẳng từ ống qua mũi cô. Vẫn còn van hô hấp cấy vào họng cô khi cô được nối với máy thở nhân tạo. Nay thì một cái đĩa kim loại tròn che nó đi – một kỷ niệm trơ trụi về cuộc đấu tranh của cô với cái chết.

Anh trai Shizuko thong thả đẩy xe lăn đưa cô vào khu vực đại sảnh. Cô bé tí teo, tóc cắt ngắn ngang trán. Cô giống anh. Sắc da cô tốt, mắt cô hơi lơ mơ tựa như vừa thức giấc. Nếu không có ống nhựa ở mũi, chắc cô nom không ra là người bị tật nguyền.

Hai mắt cô không mở to hẳn nhưng tỏa ra một ánh lấp lánh – sâu bên trong con ngươi; một tia sáng dẫn tôi vượt qua khỏi vẻ ngoại hình của cô để nhìn thấy một cái gì đó không bị đau đớn trong nội tâm cô.

“Xin chào,” tôi nói.

“Xin chào,” Shizuko đáp, tuy nghe giống in ào hơn.

Tôi tự giới thiệu ngắn gọn, anh trai cô giúp cho đôi chút, Shizuko gật đầu. Cô đã được báo trước là tôi đến.

“Muốn gì ông cứ hỏi cô ấy,” Tatsuo nói.

Tôi hơi ngẩn ra. Tôi nói cái gì bây giờ đây?

“Ai cắt tóc cho cô thế?” Tôi hỏi câu đầu tiên.

“Cô y tá,” câu trả lời đến tiếp, hay chính xác hơn, ô y á, nhưng chữ này khá dễ dàng đoán ra trong bối cảnh. Cô trả lời nhanh, không ngập ngừng. Trí lực cô vẫn ở đó, chuyển động với tốc độ cao trong đầu, có điều lưỡi và quai hàm cô không bắt kịp được.

Thoạt đầu Shizuko có căng thẳng một lúc, hơi ngượng nghịu trước mắt tôi. Tôi thì không nhận ra được nhưng Tatsuo thì thấy rõ sự khác biệt.

“Hôm nay em làm sao vậy? Sao lại ngượng thế?” anh đùa em gái, nhưng thực tế, khi tôi nghĩ về chuyện này, thì người phụ nữ trẻ nào mà chẳng ngượng với ai đó gặp mình lần đầu tiên mà lại trông thấy mình trong lúc sức khỏe tồi tệ nhất? Và nếu phải nói thật thì tôi cũng có đôi chút căng thẳng.

Trước cuộc phỏng vấn, Tatsuo đã nói với Shizuko về tôi, “Ông Murakami, nhà viết tiểu thuyết, nói là ông ấy muốn viết về em trong một cuốn sách, Shizuko ạ. Em nghĩ sao về chuyện ấy? Với em thế có được không? Nếu anh nói với ông ấy về em thì có được không? Ông ấy có thể đến đây gặp em không?”

Shizuko đáp ngay tắp lự, “Được.”

Nói chuyện với cô, điều đầu tiên tôi nhận thấy là câu “vâng” và “không” dứt khoát của cô, cái tốc độ cô dùng để phán xét sự việc. Cô sẵn sàng đưa ra quyết định về phần lớn các chuyện, ít khi ngập ngừng.

Tôi đem hoa vàng cắm trong một lọ màu vàng nho nhỏ đến cho cô. Một màu sắc đầy sức sống. Nhưng buồn thay, Shizuko không nhìn thấy được. Cô chỉ nhận ra các thứ trong ánh nắng rất chói. Cô khẽ lắc đầu rồi nói, “ông ói [Không nói được].” Tôi chỉ hy vọng những bông hoa sẽ phần nào sưởi ấm được gian phòng – ít nhất là trong mắt tôi – mang lại cho cô một bầu không khí dễ chịu.

Cô mặc một chiếc áo choàng sợi bong màu hồng cài khuy đến tận cổ, đeo một chiếc khăn quàng nhẹ buông phủ trên đùi, và bàn tay phải cứng queo thò ra dưới lớp khăn. Ở cạnh em gái, Tatsuo thỉnh thoảng lại cầm bàn tay lên âu yếm vỗ. Khi lời nói không toại ý, đã có bàn tay ở đó.

“Shizuko, cho tới nay em chỉ nói mấy chữ ngăn ngắn,” anh cô mỉm cười nói, “theo ý bọn anh, như thế dễ hiểu hơn. Nhưng, gần đây có vẻ như em muốn nói những câu dài hơn, bọn anh cảm thấy nghe được em có khó hơn đôi chút. Anh cho rằng em đã tiến bộ nhưng miệng em vẫn chưa theo kịp được.”

Tôi khó lòng hiểu nổi một nửa những gì cô nói. Dĩ nhiên Tatsuo có thể hiểu được nhiều hơn nhiều. Các cô y tá lại nhiều hơn nữa. “Các y tá ở đây đều trẻ, nghiêm túc và chân thành. Chúng tôi nợ ơn họ.” Tatsuo nói. “Họ đều là những người tốt, đúng thế không?”

“Ừi ốt [người tốt],” Shizuko tán thành.

“Nhưng có khi,” Tatsuo nói tiếp, “Shizuko nói mà tôi không hiểu thì nó sẽ rất cáu. Em không muốn anh bỏ đi trước khi anh hiểu ra những gì em nói, đúng không nhỉ? Như lần trước ấy, phải không Shizuko?”

Im lặng. Im lặng bối rối.

“Ôi, em ngượng cái gì thế?” Tatsuo chòng cô. “Chính em đã nói thế mà, đúng không? Em đâu có để anh đi khi anh chưa hiểu em nói gì.”

Đến đây thì Shizuko toét miệng cười. Khi cười, mặt cô bừng sáng. Cô cười nhiều hơn phần lớn mọi người, có lẽ cô chỉ kiểm soát các cơ mặt kém hơn mà thôi. Tôi thích hình dung là Shizuko luôn cười như thế này, nó hợp tự nhiên với khuôn mặt của cô. Nó làm cho tôi có ấn tượng rằng cô và anh cô lúc bé chắc đã cư xử với nhau như thế.

“Trước đây không lâu, cứ mỗi lần tôi sắp phải về nhà,” Tatsuo nói, “Shizuko thường khóc và than vãn ‘Không, đừng đi!’ Lần nào tôi cũng nhắc lại câu này cho tới khi nó dần dần thôi phản ứng như thế: ‘Anh phải về nhà kẻo các cháu cứ bơ vơ chờ chực. Không phải chỉ có em, em biết đấy… và… cũng cảm thấy cô đơn.’ Cuối cùng Shizuko hiểu điều tôi nói, và đó là tiến bộ lớn, đúng không? Dù vậy, tôi cũng phải thừa nhận rằng bị bỏ ở đây thì quả là cô đơn đáng sợ.”

Im lặng.

“Đó là vì sao tôi muốn đến bệnh viện nhiều hơn, nói chuyện với em gái tôi lâu hơn,” Tatsuo nói. Nhưng thật tình, với Tatsuo, cách nhật đi thăm em gái là khá vất vả. Mỗi lần từ công ty đi đi về về bệnh viện cũng phải mất đến năm mươi phút.

Đi làm về, Tatsuo tới ngồi nói chuyện với em gái một giờ. Anh cầm tay cô, bón cho cô từng thìa sữa chua dâu tây, hướng dẫn cô đối thoại, từng chút một lấp đầy những khoảng trống trong ký ức cô. “Chúng ta đều đã đến chỗ này và chúng ta đã làm thế này…”

“Thật khó mà chấp nhận thực tế rằng các ký ức chung của chúng tôi, hai anh em ruột bị đứt quãng đột ngột và mất đi như thế,” anh nói, “tựa như ai đó đã dùng dao mà cắt bỏ nó vậy. Thỉnh thoảng khi tôi quay trở lại quá khứ cùng với nó thì giọng tôi run lên và Shizuko hỏi tôi, ‘Anh, anh ổn chứ?’”

Giờ thăm chính thức của bệnh viện kết thúc lúc 8 giờ tối nhưng với Tatsuo thì bớt ngặt hơn. Sau giờ thăm, anh thu gom đồ giặt giũ của Shizuko, lái xe về sở, đi bộ năm phút đến bến tàu điện ngầm và ngồi tàu một giờ nữa, đổi tàu ba lần trước khi về tới nhà. Lúc anh về thì bọn trẻ đã ngủ. Hiện anh đã giữ chế độ sinh hoạt này được một năm tám tháng. Sẽ là nói dối nếu bảo anh không mệt mỏi đến kiệt sức; nhưng không ai có thể trung thực mà nói rằng anh sẽ còn phải tiếp tục như thế bao nhiêu lâu nữa.

Trên đường về, tay đặt trên vô lăng, Tatsuo nói, “Nếu chuyện này do tai nạn hay cái gì đó gây nên, thì đại khái tôi còn có thể chấp nhận được. Nếu thế thì đã đi một nhẽ. Nhưng với hành vi tội ác hoàn toàn vô nghĩa và ngu xuẩn này… thì quá sức chịu đựng của tôi. Tôi không chịu được nó!” Anh khe khẽ lắc đầu, thấy thế tôi chỉ im lặng, không biết bình luận thêm gì nữa.

“Cô có thể động đậy tay phải một chút cho tôi xem không?” tôi hỏi Shizuko. Và cô nhấc các ngón của bàn tay phải lên. Tôi chắc là cô phải cố, các ngón tay cử động rất chậm, kiên nhẫn co lại, kiên nhẫn duỗi ra. “Nếu không ngại, cô thử nắm tay tôi có được không?”

“Ô êh [ô kê],” cô nói.

Tôi để bốn ngón tay vào lòng bàn tay nhỏ nhắn của cô – thực tế chỉ bằng bàn tay một đứa bé – và các ngón tay cô từ từ nắm lấy chúng, nhè nhẹ như những cánh một bông hoa sắp ngủ. Những ngón tay mềm, êm của con gái, nhưng khỏe hơn tôi tưởng. Không lâu sau, chúng quặp chặt lấy hết bàn tay tôi, giống cách một đứa bé bị sai đi đưa đồ nắm chặt “món đồ quan trọng” không được đánh mất. Ở đây có một ý chí mạnh mẽ đang hoạt động, rõ ràng là đang kiếm tìm một mục tiêu nào đó. Tập trung, nhưng rất có khả năng không phải là vào tôi; cô đang tìm một cái “khác” ngoài tôi. Nhưng cái “khác” đó đang đi một hành trình dài và hình như đang tìm đường trở về với tôi. Xin tha lỗi cho giải thích thiếu rõ ràng này, nó chỉ là một ấn tượng chớp nhoáng thoáng qua.

Hẳn phải có điều gì đó trong đầu cô cố bục phá ra. Tôi cảm nhận được nó. Một cái gì quý lắm. Nhưng nó không tìm được đường ra. Dù chỉ là tạm thời, nhưng cô đã đánh mất sức mạnh và phương tiện để làm cho nó bộc lộ ra bề mặt. Nhưng điều gì đó đang tồn tại không thương tổn và nguyên vẹn bên trong các bức tường của không gian nội tâm cô. Khi cô nắm tay một người, đó là tất cả những gì cô có thể làm để truyền đi thông điệp rằng “điều đó đang ở đây.”

Cô cứ nắm lấy tay tôi một lúc rất lâu, cho đến lúc tôi nói “Cảm ơn” thì mới từ từ, từng chút một, gỡ các ngón tay ra.

“Shizuko không bao giờ nói ‘đau’ hay ‘mệt’,” Tatsuo bảo tôi trên đường lái xe về nhà sau đó. “Ngày nào nó cũng phải điều trị: tập chân tay, tập nói, nhiều chương trình đa dạng với các chuyên gia – chả có món nào dễ cả, đều khó – nhưng hễ bác sĩ hay y tá hỏi nó có mệt không thì nó chỉ nói ‘Có’ ba lần. Ba lần.

“Đó là lý do vì sao – như mọi người xung quanh đều tán thành – Shizuko đã bình phục được nhiều như em bây giờ. Từ mê man bất tỉnh phải thở máy đến thật sự chuyện trò nói năng, điều này giống như chuyện trong mơ vậy.”

“Cô muốn làm gì khi khỏe lại?” tôi hỏi cô.

“U ic,” cô nói. Tôi không hiểu.

“‘Du lịch,’ chăng?” sau khi nghĩ một lúc, Tatsuo gợi ý.

“Ânn [Vâng]”, Shizuko gật đầu tỏ ý đồng tình.

“Thế cô muốn đi đâu?” tôi hỏi.

“It-yu-nii-an.” Không ai hiểu, nhưng khi thử cố đoán đi đoán lại mà vẫn sai, câu này đã trở thành có nghĩa rõ ràng là “Disneyland”.

Hội hai chữ “di lịch” và “Disneyland” lại với nhau là không dễ. Nói chung chẳng ai ở Tokyo coi việc đến Disneyland Tokyo chơi là du lịch cả. Nhưng trong đầu cô, vốn thiếu hụt nhận thức về khoảng cách, thì đến Disneyland chắc cũng giống như lần làm một chuyến phiêu lưu lớn vậy. Về khái niệm, việc đó chắc cũng không khác gì hơn việc ta lên đường đến Greenland. Với cô, trên thực tế, đi Disneyland còn khó khăn hơn việc chúng ta đi đến tận cùng trái đất nhiều.

Hai đứa con của Tatsuo – tám và bốn tuổi – nhớ chuyện đi Disneyland với cô chúng và lần nào tới thăm cô ở bệnh viện chúng cũng nhắc đến. “Thật là vui,” chúng nói. Cho nên Disneyland, với tư cách một địa điểm, đã trở nên cố định trong đầu cô như một biểu tượng cho tự do và sức khỏe. Không ai biết liệu Shizuko có thật sự nhớ cô đã từng ở đó hay không. Nó có thể chỉ là một ký ức sau này mới cấy vào. Xét cho cùng, cô thậm chí còn không nhớ cả căn phòng nơi mình đã sống rất lâu.

Nhưng Disneyland, dù là thật hay tưởng tượng, vẫn là một nơi nổi bật trong đầu óc cô. Chúng ta có thể đến gần hình ảnh đó, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy cảnh mà cô nhìn thấy.

“Cô muốn đi Disneyland với cả nhà chứ?” tôi hỏi cô.

“Ânn,” Shizuko vui vẻ nói.

“Với anh, chị dâu, và các cháu?”

Cô gật đầu.

Tatsuo nhìn tôi và nói, “Khi nào nó có thể ăn uống bình thường bằng miệng, thay vì qua ống ở mũi, cả nhà chúng tôi lại có thể cùng đi Disneyland.” Anh khe khẽ siết chặt tay Shizuko.

“Tôi hy vọng sẽ rất rất sớm thôi,” tôi bảo Shizuko.

Shizuko lại gật đầu. Mắt cô hướng về phía tôi, nhưng cô đang nhìn “một cái gì khác” ngoài tôi.

“Này, khi đến Disneyland, em sẽ đi thứ gì?”, Tatsuo gợi ý.

“Tàu lượn siêu tốc chăng?” tôi diễn giải.

“Trò Space Mountain[10]!” Tatsuo xen vào. “Đúng rồi, em luôn thích cái đó mà.”

Tối hôm đến bệnh viện thăm, tôi đã muốn động viên cô bằng cách nào đó – nhưng bằng cách nào? Tôi nghĩ cái đó còn tùy thuộc vào tôi nhưng hoàn toàn không phải vậy; thậm chí không cần phải nghĩ đến việc động viên cô nữa. Cuối cùng, chính cô lại là người khích lệ tôi.

Trong quá trình viết quyển sách này, tôi đã đầu tư nhiều suy nghĩ nghiêm túc vào Câu hỏi Lớn: sống có nghĩa là gì? Nếu tôi ở vào địa vị Shizuko, liệu tôi có sức mạnh ý chí để sống tròn đầy như cô không? Liệu tôi có dũng cảm hay ngoan cường và quyết tâm như cô không? Tôi có thể nắm bàn tay một ai với hơi ấm và sức mạnh như thế không? Tình yêu của những người khác liệu có cứu được tôi không? Tôi không biết. Thật thà mà nói, tôi không chắc chắn lắm.

Con người trên khắp thế giới tìm đến tôn giáo để được cứu rỗi. Nhưng khi tôn giáo gây tổn thương và tàn phá thì họ đi đến đâu để tìm cứu rỗi? Khi nói chuyện với Shizuko, thỉnh thoảng tôi cố nhìn vào mắt cô. Cô đã nhìn thấy gì? Cái gì thắp sáng đôi mắt ấy? Nếu có một ngày cô khỏe mạnh, và có thể nói chuyện thoải mái thì đấy là điều tôi muốn hỏi cô: “Cái hôm tôi đến thăm cô ấy, cô đã nhìn thấy gì?”

Nhưng ngày ấy vẫn còn xa vời. Trước đó còn phải đến Disneyland đã.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx