sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

30. Trong Những Tình Huống Như Thế Này Thì Dịch Vụ Cấp Cứu Chả Giúp Được Gì Nhiều Cả.

“Trong những tình huống như thế này thì dịch vụ cấp cứu chả giúp được gì nhiều cả.”

Masanori Okuyama (42)

Tôi có ấn tượng với ông Okuyama rằng ông là một người trầm lặng. Nhưng phải công nhận rằng đây là lần gặp đầu tiên và chúng tôi mới chuyện trò chỉ chừng hai giờ đồng hồ cho nên tôi thật sự không thể khẳng định.

Sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ thuộc vùng Đông Bắc, ông học ở một trường cao đẳng địa phương. Là anh cả trong ba anh em, ông là, như ông thừa nhận, “một đứa con ngoan ngoãn, bảo gì làm nấy.”

Là một người cha nhân hậu, ông ít khi mắng hai đứa con. Khi tôi hỏi liệu ông có lo cho việc chúng sẽ sống như thế nào trong thế giới này không thì ông trả lời: “Tôi không bận tâm đến lắm.”

Ông làm việc tại một hãng sản xuất thiết kế nội thất, bán buôn cho các cửa hàng bách hóa và chuỗi siêu thị lớn. Không như hầu hết những người làm nghề kinh doanh khác, ông không cần phải chiêu đãi hay biếu xén quà cáp nhiều. Thời này khách hàng tuyệt đối không chấp nhận quà biếu. “điều này giúp mình dễ tách bạch chuyện đời sống cá nhân và công việc hơn.” Ông thường đáp xe điện ngầm qua tuyến Hibiya đến Kayabacho để đi làm.

Những ngày nghỉ, ông xem tivi hay thỉnh thoảng chơi trò chơi trên máy tính. Ông không ra ngoài uống rượu với đồng nghiệp và nhiều lắm chỉ uống một chai bia một ngày. Ông biết giới hạn của mình.

Ngày 20 tháng Ba, công việc của tôi không bận lắm, nhưng đó là thời điểm kết thúc năm tài khóa cho nên có nhiều thứ phải làm. Hôm sau là ngày lễ nên tôi rời nhà sớm hơn thường lệ một giờ. Tôi muốn để sở trước giờ để sắp xếp lại hồ sơ, đại khái như vậy. Tôi nhớ khá rõ là mình đã bắt chuyến tàu 7 giờ 50 từ Kita-senju. Tôi thường lên toa thứ hai tính từ đầu tàu.

Khi tàu đến Kodemmacho thì có thông báo bảo mọi người xuống tàu. Có một vụ nổ, một cái gì như thế, ở đoàn tàu đằng trước. Cho nên mọi người xuống. Tôi đứng chờ trên sân ga, nghĩ sớm muộn gì rồi tàu lại chạy hay đoàn tàu sau sẽ đến. Tôi ở đó chừng hai ba phút thì một người đàn ông ở gần tôi bất ngờ kêu rú lên. Ông ta ở cách tầm hai chục mét. Một tiếng kêu không thể hiểu nổi, kỳ lạ. Ông ta được mau chóng đưa ra chỗ khác.

Cùng lúc đó tôi nhận ra: “Hừ, mình thở thấy là lạ.” Không nghĩ sâu, chỉ là kiểu như: “Cái gì thế này nhỉ?” Rồi… đúng thế, một người phụ nữ quỳ thụp xuống gần bên, nhưng tôi lại chỉ nghĩ là bà ta ốm hay cảm thấy không khỏe. Nhưng ngay sau đó, lại có thông báo trên loa: “Xin mọi người di tản khỏi nhà ga.” Họ đưa ra vài lý do nhưng tôi không nhớ. Cửa ra ở ga Kodemmacho nằm ngay trung tâm sân ga nên những người ở phía đầu tàu phải bước ngược xuống tàu. Tôi không chắc chắn với việc định giờ giấc ở đây lắm, nhưng tôi quay lên tàu rồi đi qua các toa để xuống vì sân ga quá đông. Song, giữa chừng tôi trông thấy một người sụp xuống. Điều này thì tôi chắc.

Trên sân ga hình như tôi lại mang máng nhớ đến một vũng gì đó đằng sau cây cột. Cái vũng và cái mùi – giống như mùi các dung môi vẫn dùng ở công trường xây dựng… nó khiến tôi thấy ngột ngạt. Từ bé tôi đã bị hen cho nên tôi nghĩ chắc cảm giác này có liên quan đến nó. Dù sao thì cũng chả có hành khách nào có vẻ vội vàng; họ chỉ tà tà đi đến hàng rào soát vé.

Khi đã ra ngoài tôi nhìn xung quanh thì thấy một người nằm sõng soài, mồm sùi bọt và một người khác đang cố giúp đỡ. Nhiều người khác đang ngồi la liệt, mũi chảy nước, mắt giàn giụa. Một cảnh khác thường. Tôi không hiểu tí nào chuyện gì đang xảy ra. Tôi chỉ có trực giác đây là một mối nguy sờ sờ trước mắt. “Không có chuyện đi làm được đâu,” tôi nghĩ. “Vụ này nghiêm trọng đây, nên tốt nhất là mình cứ ngồi yên một lúc xem.”

Vậy là tôi ở đó. Thoạt tiên đứng, sau đó ngồi xuống. Chợt tầm nhìn của tôi bé tẹo lại, tối sầm đi. Trên hết, tôi cảm thấy mụ mị. Vụ nổ, người kêu thét và người ngã xuống, tất cả không đến cùng lúc vào đầu tôi. Nhưng tôi chẳng mảy may nghĩ những chuyện đó có gì liên quan đến mình. Tôi cứ ngồi đó nhìn khắp và nghĩ, “Không, tốt nhất là ta cứ ở lại.” Bản năng.

Ngược lại, phần lớn mọi người vẫn cố tìm cách đi làm, đi đến chỗ nào đó, dù sức khỏe không ổn. Điều đó xem ra là lạ quá với tôi. Họ gần như không thể đi – thật ra một tay ở gần tôi còn đang bò! – quá rõ ràng là họ đang trong tình trạng không đi làm được. Một người phụ nữ cố vật vã đứng lên nhưng tôi bảo bà ta, “Nếu bà thấy khó ở thì ngồi xuống tốt hơn.”

Ngoài ra tôi không nói gì với ai nữa. Tôi không hiểu những người khác thì sao, họ có nói chuyện với nhau không… Dĩ nhiên tôi cũng băn khoăn xem chuyện gì đang xảy ra, nhưng tôi không hỏi ai cả. Tôi không thấy đau đớn hay buồn nôn lắm.

Mãi lâu sau xe cứu thương mới tới. Cuối cùng cũng có một cái đến – tôi chỉ trông thấy cái đó. Cho nên sau rốt phần lớn người ta vẫy taxi và các tài xế nhận lời đưa họ đến bệnh viện. Rõ ràng là trong những tình huống như thế này thì dịch vụ cấp cứu chả giúp được gì nhiều cả.

Một lúc sau đó tôi mới bắt taxi đến bệnh viện. Bốn chúng tôi đi một xe. Chúng tôi không bị quá nặng cho nên không cần khẩn cấp lắm. Ba người kia là công viên chức. Chúng tôi chắc đã nói chuyện trên xe, nhưng tôi không thể nhớ được. Tôi không biết tại sao mình lại không thể nhớ.

Chúng tôi đi đến Bệnh viện Tưởng niệm Mitsui ở Akihabara. Tôi tuyệt đối không nhớ được chúng tôi đã đi đến đó như thế nào. Có lẽ ai đó đã chỉ lối cho chúng tôi. Khi đến bệnh viện, tôi gọi về sở và họ đã biết về vụ đánh hơi độc. Hai người cùng sở cũng bị thương. Không tệ lắm, các triệu chứng đại khái cũng giống như tôi.

Tôi ở lại bệnh viện hai đêm. Họ dùng thuốc làm giãn đồng tử đến nỗi cuối cùng chúng cứ giãn quá cỡ và mọi vật đều quá chói. Như một tác dụng phụ, thị lực của tôi cũng yếu đi. Chuyện này kéo dài chừng một tuần. Ngoài ra tôi không bị rắc rồi nhiều về thể chất. Chỉ có điều các cơn hen hành tôi nhiều hơn, rất khổ sở, hiển nhiên rồi, nhưng tôi đã quen.

Tôi không thể nói tình trạng mệt mỏi hiện tại của mình có phải là do sarin hay không. Chuyện đó rất khó nói. Nó có thể chỉ là do tuổi tác. Giờ tôi đãng trí khủng khiếp. Nhưng lại nữa, ai mà biết nguyên nhân ở đâu? Còn các cơn đau lưng – trước tôi cũng bị rồi – nhưng gần đây nó đến thật là dữ, chắc với những người trung niên thì chuyện này là đúng thôi.

Nhưng điều tôi thấy thật sự đáng sợ là báo đài. Đặc biệt là truyền hình, những cái nó chiếu lên đều quá ư hạn hẹp. Và khi đưa ra công chúng, nó đúng là đã khiến chính kiến của người ta bị thiên lệch, nó tạo ra một ảo tưởng rằng các chi tiết nhỏ mọn mà nó tập trung vào kinh chính là toàn bộ bức tranh. Khi tôi ra ngoài, ở đằng trước ga Kodemmacho, nhất định là cả một khối phố kia đang trong trạng thái không bình thường, nhưng xung quanh chúng tôi, thế giới vẫn tiếp diễn như xưa nay vậy. Xe cộ vẫn chạy qua bình thường. Bây giờ nghĩ lại thì thấy thật kỳ quặc. Trái nghịch này đúng là quá khó hiểu. Nhưng trên truyền hình họ chỉ chiếu lên những cái không bình thường, hoàn toàn khác với ấn tượng thật mà tôi đã có. Nó khiến tôi càng nhận ra truyền hình mới đáng sợ làm sao.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx