sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 1 - Người Pháp Thật Là Đường Đột

Nói đi, chàng trai, tôi đang nghe.

“Thưa ngài, tôi xin hân hạnh được cầu hôn tiểu thư Watkins, con gái ngài.”

“Cầu hôn Alice ư?...”

“Vâng, thưa ngài. Lời cầu hôn của tôi có vẻ làm ngài sửng sốt. Tuy vậy, xin ngài thứ lỗi nếu tôi thấy hơi chút khó hiểu vì sao nó làm ngài thấy kỳ lạ. Tôi đã hai sáu tuổi. Tôi tên Cyprien Méré. Tôi là kỹ sư Mỏ, tốt nghiệp hạng nhì trường Bách Khoa. Gia đình tôi danh giá và được kính nể, dù không giàu có. Ngài lãnh sự Pháp ở tỉnh Cap sẽ chứng thực điều đó giúp tôi nếu ngài muốn, và bạn tôi, Pharamond Barthès, chàng thợ săn dũng cảm mà ngài quen thân, cũng như mọi người ở Griqualand, cũng có thể xác nhận điều đó. Tôi đến đây để công tác khoa học đại diện cho Viện hàn lâm Khoa học và cả Chính phủ Pháp. Năm ngoái, tôi đã đạt giải houdard ở Viện, cho công trình nghiên cứu về cấu tạo hóa học của đá núi lửa vùng Auvergne. Luận án của tôi với đề tài mỏ kim cương ở Vaal, sắp được hoàn thành, chỉ có thể được giới bác học nồng nhiệt đón nhận mà thôi. Khi trở về sau chuyến công tác này, tôi sẽ được bổ nhiệm làm trợ giảng tại trường Mỏ Địa chất Paris, và tôi đã nhờ thuê được căn hộ ở phố Đại học, số 104 trên tầng tư. Lương của tôi vào tháng Giêng tới đây sẽ đạt bốn nghìn tám trăm franc. Thế chẳng phải giàu có lắm, tôi biết, nhưng với những nghiên cứu cá nhân, công việc kiểm định, giải thưởng hàn lâm, và việc cộng tác với các tạp chí khoa học, mức thu nhập đó sẽ tăng thêm gần gấp đôi. Mặt khác, tôi có lối sống giản dị nên không cần nhiều tiền hơn để sống hạnh phúc. Thưa ngài, tôi xin hân hạnh được cầu hôn tiểu thư Watkins, con gái ngài.”

Chỉ nghe cái giọng rắn rỏi và quả quyết trong đoạn diễn thuyết ngắn trên cũng dễ thấy Cyprien Méré, trong mọi tình huống, đã quen đi thẳng vào vấn đề và ăn nói thẳng thắn.

Diện mạo của chàng không đối nghịch với ấn tượng do ngôn từ của chàng tạo ra. Đó là diện mạo của một chàng trai trẻ luôn bận tâm với những quan niệm khoa học cao siêu nhất, và chỉ thốt ra những lời kiêu căng hào nhoáng vào đúng thời điểm thực sự cần thiết.

Mái tóc màu hạt dẻ của chàng, húi cua, bộ ria vàng cạo sát da mặt, nét giản dị trong bộ y phục có áo choàng hình nón[1] bằng vải cutin xám, chiếc mũ rơm đáng giá mười xu mà chàng lịch thiệp đặt trên ghế khi đi vào - mặc cho người đang đối thoại với chàng vẫn điềm tĩnh đội mũ với vẻ phớt tỉnh Ăng lê thường thấy - mọi thứ từ Cyprien Méré chứng tỏ một tư cách đứng đắn, cũng như ánh mắt trong sáng của chàng cho thấy một tấm lòng trong sạch và lương tâm ngay thẳng.

Ngoài ra, phải nói rằng chàng trai Pháp nói tiếng Anh thật hoàn hảo, như thể chàng đã sống lâu năm ở những hạt bản xứ nhất của Vương Quốc Anh.

Ông Watkins ngồi trên ghế bành gỗ, chân trái gác lên một ghế đẩu bằng rơm, cùi chỏ tựa trên một góc bàn thô kệch, trước mặt có hũ rượu gin và một ly rượu rót lưng, vừa lắng nghe chàng vừa hút một tẩu thuốc dài.

Ông vận chiếc quần tây trắng, áo vest vải thô màu xanh, áo sơ mi flanen vàng nhạt, không áo gi lê cũng chẳng đeo cà vạt. Ẩn dưới chiếc mũ phớt rộng như thể gắn chặt vào mái tóc xám của ông, là khuôn mặt phị tròn ửng đỏ tưởng chừng như có đắp lớp thạch màu hồng sẫm. Khuôn mặt ấy chẳng mấy hấp dẫn, điểm đây đó một lớp râu cụt ngủn màu cỏ gà, kết hợp với đôi mắt nhỏ xám, không gợi lên vẻ nhẫn nại và lòng nhân từ.

Phải nói ngay, để bào chữa cho ông Watkins, rằng ông mắc chứng bệnh thống phong nặng khiến ông phải bó chân trái bằng vải, và - ở nam Phi cũng chẳng hơn gì các nước khác - bệnh thống phong gặm nhấm khớp xương không phải là thứ bệnh làm người ta thuần tính hơn.

Cảnh tượng ấy diễn ra nơi tầng trệt ở trang trại ngài Watkins, vào khoảng vĩ độ 29 về phía nam xích đạo và kinh độ 22 về phía Đông của kinh tuyến Paris, trên đường biên giới Tây của Tiểu bang độc lập orange, phía Bắc của tỉnh Cap thuộc địa Anh Quốc, ở trung tâm vùng nam Phi hay vùng châu Phi thuộc địa của Anh-hà Lan. Xứ sở này, với hữu ngạn sông orange tạo mốc biên giới phía nam của sa mạc Kalakari rộng lớn, có tên là Griquas trên những bản đồ xưa, khoảng chục năm nay được gọi bằng cái tên phù hợp hơn, “Diamond-Field”, Cánh đồng Kim cương.

Phòng tiếp khách, nơi diễn ra cuộc hội kiến xã giao ấy, đáng chú ý bởi cả vẻ xa hoa không thích đáng của một vài đồ vật trong nhà cũng như sự nghèo nàn của một số chi tiết nội thất khác. Chẳng hạn như, nền nhà chỉ đơn giản bằng đất nện nhưng một số chỗ lại được trải thảm dày và da lông thú quý. Trên tường, tuyệt nhiên không hề dán giấy phủ tường, lại treo một đồng hồ quả lắc bằng đồng khắc chạm tuyệt đẹp, các loại vũ khí quý giá khác nhau, những bìa sách cổ Anh được đóng trong khung lộng lẫy. Một chiếc ghế sofa bọc nhung đặt cạnh cái bàn gỗ trắng, loại bàn chỉ thích hợp nhất cho việc bếp núc. Mấy cái ghế bành, chuyển thẳng từ châu Âu, đang mời gọi ông Watkins ngồi lên, nhưng ngài thì thích ngồi cái ghế cũ do chính tay ngài đẽo gọt trước đây hơn. Tuy vậy, nhìn tổng thể, việc các đồ vật giá trị chồng chất lên nhau, nhất là mớ hỗn độn mấy thứ da báo, beo, hươu cao cổ và mèo rừng phủ trên các loại đồ đạc, tạo cho căn phòng một vẻ giàu sang kệch cỡm.

Vả lại, nhìn cấu tạo của trần, hẳn nhiên căn nhà này không có lầu và chỉ gồm một tầng trệt. Cũng giống như các ngôi nhà khác ở xứ này, nó được xây dựng bằng ván, đất sét, lợp bằng những tấm kẽm xẻ rãnh, đặt lên bộ khung nhẹ.

Ngoài ra, ta còn nhận thấy ngôi nhà này vừa được hoàn thành. Thật thế, chỉ cần nghiêng người nhìn qua một trong các cửa sổ của ngôi nhà là có thể thấy, bên phải cũng như bên trái, có năm hay sáu công trình bị bỏ hoang, tất cả đều cùng một kiểu nhưng tuổi đời khác nhau, và tình trạng mục nát tăng dần. Đó là những căn nhà ông Watkins đã lần lượt xây, ở rồi bỏ hoang, cùng với sự giàu lên về của cải của ông ta, nói cách khác chúng thể hiện các nấc thang thăng tiến.

Căn nhà ở xa nhất chỉ được dựng đơn giản từ các mảng cỏ, và chỉ đáng được xem như túp lều. Căn tiếp theo làm từ đất sét - căn thứ ba làm từ đất và ván ghép - căn thứ tư làm từ đất sét lợp kẽm. Ta có thể thấy ông Watkins đã thăng tiến thế nào nhờ các vận may trong công việc của ông.

Những ngôi nhà ấy, bị hư hỏng ít nhiều, được xây dựng trên một gò đất gần hợp lưu sông Vaal và sông Modder, hai nhánh chính của dòng orange ở vùng nam Phi này. Ở các khu phụ cận, trong tầm nhìn xa nhất có thể, ta chỉ nhìn thấy, về phía Tây nam và mạn Bắc, đồng bằng buồn hiu và trơ trọi. Le Veld - theo người xứ này bảo - được hình thành từ nền đất đỏ nhạt, khô cằn, bụi bặm, hiếm hoi lắm mới thấy rải rác đó đây một nhành cỏ thưa và một vài bụi cây gai. Sự vắng bóng hoàn toàn của cây xanh là đặc điểm nhận diện xứ sở u buồn này. Từ đó, vì nơi này không hề có than đá, giao thông đường biển lại chậm chạp và khó khăn, nên ta không lạ gì chuyện thiếu chất đốt, và dân ở đây, để phục vụ cho các sinh hoạt gia đình, buộc phải đốt phân gia súc.

Trong khung cảnh đơn điệu ấy, với dáng vẻ gần như thê lương, hai nhánh sông trải dài thật phẳng lặng, ít bị kẹp giữa hai bờ dốc đứng, ta gần như không hiểu sao hai sông kia không chảy ngang qua đồng bằng.

Chỉ về đằng Đông, chân trời như bị khứa hình răng cưa bởi hai rặng núi xa xa, rặng Platberg và Paardeberg, đứng ở chân núi, nếu nhìn tinh có thể thấy khói, bụi, những chấm trắng li ti vốn là những túp lều hay lán trại, và quanh đấy, cơ man những sinh vật sống.

Chính ở đằng kia, là xứ Veld ấy, tập trung các mỏ kim cương đang khai thác, mỏ Du Toit’s Pan, mỏ New-Rush, và Vandergaart-Kopje, có lẽ là mỏ giàu nhất trong các mỏ. Những mỏ lộ thiên và gần như ngang mặt đất khác nhau ấy, được gọi với tên chung “dry-digging,” tức là mỏ khô, từng cung cấp, từ năm 1870, lượng kim cương và đá quý trị giá khoảng bốn trăm triệu. Chúng nằm tập trung trong một đường tròn có bán kính lớn hơn hai, ba cây số. Ta nhìn thấy chúng rất rõ bằng ống nhòm từ cửa sổ trang trại Watkins, chỉ cách đó bốn dặm Anh[2].

Vả chăng, từ “trang trại” không thích hợp lắm để gọi tên cơ sở này, bởi chẳng hề thấy có bất cứ sự trồng trọt nào quanh đấy. Cũng giống những người tự xưng chủ trang trại ở vùng đất nam Phi này, ông Watkins là một chủ chăn nuôi, người sở hữu nhiều đàn bò, đàn dê và cừu thì đúng hơn là người quản lý một cơ sở sản xuất nông nghiệp thực thụ.

Tuy vậy, ông Watkins vẫn còn chưa đáp lại lời cầu hôn vô cùng lịch lãm được Cyprien Méré diễn đạt vô cùng rành mạch. Sau khi dành ít nhất ba phút để suy nghĩ, cuối cùng ông ta cũng quyết định rút tẩu thuốc ra khỏi khóe môi rồi đưa ra ý kiến như sau, nó hẳn nhiên quá xa rời với câu chuyện:

“Tôi nghĩ thời tiết sắp thay đổi, anh bạn trẻ thân mến! Chưa bao giờ chứng bệnh thống phong làm tôi đau đớn như buổi sáng nay!”

Chàng kỹ sư trẻ nhíu mày, ngoảnh mặt đi trong chốc lát, cố gắng không lộ rõ sự thất vọng của mình.

“Có lẽ ngài nên bỏ rượu gin, thưa ngài Watkins!” chàng vừa đáp khá sẵng giọng vừa chỉ cái hũ sành đã cạn trong chốc lát vì ông ta cứ liên tục rót.

“Bỏ rượu gin à! Lạy Chúa tôi[3]! Anh giễu tôi đấy hả! ông chủ trang trại hét lên. Đã bao giờ rượu gin làm hại người lương thiện chưa?... phải, tôi biết anh muốn nói gì rồi!... Anh lại sắp thao thao cái phương pháp mà bác sĩ khuyên vị đô trưởng bị bệnh thống phong chứ gì! - Này vị bác sĩ đó tên gì nhỉ? Tôi nhớ là Abernethy thì phải! ‘Ông muốn duy trì sức khỏe không? hắn ta vẫn nói thế với bệnh nhân. Vậy mỗi ngày hãy tiêu tốn một bảng Anh và hãy kiếm số tiền đó bằng công việc cá nhân!’ Chuyện này nghe hay và tốt quá! nhưng vì nước Anh cổ kính của chúng ta, nếu để giữ gìn sức khỏe, chỉ sống qua ngày với một bảng Anh, vậy thì làm giàu để làm gì?... Đó là những điều ngốc nghếch không xứng với một người tài trí như anh, anh Méré thân mến!... Thế nên đừng nhắc chuyện đó với tôi nữa, xin anh đấy!... Với tôi, anh thấy đấy, tôi sẽ muốn chui xuống đất ngay tức thì biết chừng nào!... Ăn ngon, uống đầy, hút tẩu mỗi khi thèm, tôi chẳng còn niềm vui sống nào hơn thế trên thế gian, còn anh thì muốn tôi phải thôi những thứ đó?”

“Ồ! Tôi chẳng hề muốn thế!” Cyprien thẳng thắn trả lời. Tôi chỉ nhắc ngài nhớ lời châm ngôn về sức khỏe mà tôi cho là đúng đắn! nhưng thôi, nếu ngài muốn, ta bỏ qua chủ đề này, thưa ngài Watkins, và ta hãy trở lại mục đích chính của cuộc gặp gỡ của tôi.”

Ông Watkins, lúc nãy thao thao bất tuyệt là thế, giờ ngồi câm nín và lặng lẽ phả từng bụm khói thuốc.

Đúng lúc này, cánh cửa bật mở. Một cô gái trẻ bước vào, tay bưng khay trên đó có một cái ly.

Cô nàng xinh đẹp ấy, thật quyến rũ trong chiếc mũ vải lớn hợp mốt của những phụ nữ chủ trang trại xứ Veld, vận chiếc đầm vải in hoa nhỏ giản dị. Nàng trạc mười chín đôi mươi, da trắng nõn, với mái tóc đẹp vàng óng mượt mà, đôi mắt to xanh, dáng hình thùy mị và tươi tắn. Nàng là hiện thân sự khỏe khoắn, duyên dáng và tinh thần tươi vui.

“Chào anh Méré!” nàng nói bằng tiếng Pháp, pha chút âm sắc Anh.

“Chào tiểu thư Alice!” Cyprien Méré đứng dậy khi thấy cô gái trẻ bước vào và nghiêng người đáp lại.

“Tôi thấy anh đến, anh Méré ạ,” tiểu thư Watkins trả lời, nàng cười duyên dáng để lộ hàm răng đẹp tuyệt, “và vì biết anh không thích dùng thứ rượu gin khó nuốt của cha tôi nên tôi mang nước cam cho anh, hy vọng anh thấy thức uống này tươi mát!”

“Tiểu thư thật vô vàn tốt bụng!”

“À! Có chuyện này, anh không tin nổi chú đà điểu của tôi, Dada ấy, sáng nay, đã nuốt phải thứ gì đâu!” nàng bắt chuyện không chút kiểu cách. “Là viên bi bằng ngà của tôi dùng để mạng bít tất!... Vâng!... Chính là viên bi bằng ngà!... Nó cũng lớn chứ, anh cũng biết đấy, anh Méré, tôi mua được nó trực tiếp từ hiệu bi-da New-Rush đấy!... Thế đấy! Con Dada háu ăn kia đã nuốt chửng nó như uống một viên thuốc vậy! Kỳ thực, không sớm thì muộn, con vật láu lỉnh ấy sẽ làm tôi chết khổ mất.”

Khi kể lại câu chuyện, ánh mắt xanh biếc của tiểu thư Watkins thoáng lộ nét tươi vui, một nét tươi vui dường như không biểu lộ cái ham muốn lạ lùng rằng lời tiên đoán bi ai kia sẽ thành sự thực, ngay cả về sau này. Nhưng rồi, bỗng nhiên, bằng trực giác sắc bén của phụ nữ, nàng kinh ngạc vì sự câm lặng của cha nàng và chàng kỹ sư trẻ, cũng như vẻ bối rối của hai người khi có mặt nàng.

“Thưa các quý ông, có lẽ con đang quấy rầy mọi người!” Nàng nói. “Các vị biết đấy, nếu có chuyện bí mật mà con không nên nghe thì con xin phép ạ!... Vả lại, con không có nhiều thì giờ! Con phải tập luyện bản xô nát trước, sau đó lo bữa ăn tối!...”

“Nào!... rõ là hôm nay các vị không thích chuyện trò! Vậy các vị cứ toan tính mưu đồ đen tối đi ạ!”

Nàng đã đi rồi, nhưng chợt quay lại, và nói thật duyên dáng, cho dù chủ đề có vẻ rất nghiêm túc:

“Anh Méré này,” nàng nói, “khi nào anh muốn hỏi tôi về khí ôxy, tôi sẽ rất sẵn lòng. Tôi đã đọc đi đọc lại ba lần chương mục hóa học mà anh giao cho tôi học, và cái ‘chất ở thể khí, không màu, không mùi và không vị’ chẳng còn gì bí ẩn đối với tôi nữa!”

Nói xong, tiểu thư Watkins cúi người chào lịch lãm rồi biến mất nhanh như sao băng.

Một lát sau, những hợp âm dương cầm hay tuyệt, vọng lại từ một trong những căn phòng cách xa phòng tiếp khách nhất, báo hiệu rằng cô gái đang hoàn toàn thả mình vào bài tập âm nhạc.

“Vâng, thưa ngài Watkins, ngài có thể trả lời cho lời cầu hôn mà tôi vinh hạnh thỉnh cầu ngài lúc nãy?” Cyprien lên tiếng, sự xuất hiện duyên dáng này có lẽ đã nhắc chàng nhớ lời thỉnh cầu của mình, như thể chàng đã quên nó rồi.

Ông Watkins rút cái tẩu ra khỏi khóe môi, phun khói xuống nền đầy vẻ oai nghiêm, rồi chợt hất đầu lên, và nhìn soi mói chàng trai trẻ:

“Này anh Méré, anh đã tình cờ nói hết chuyện này với nó chưa?” ông ta hỏi.

“Nói chuyện gì!... Nói với ai ạ?”

“Chuyện anh vừa nói?... Đã nói với con gái tôi chưa?”

“Ngài nghĩ tôi là ai, thưa ngài Watkins!” chàng kỹ sư trẻ đáp lại với vẻ sốt sắng khiến ta không thể nghi ngờ sự chân thành của chàng. “Tôi là người Pháp, thưa ngài!... Xin ngài đừng quên điều đó!... Ngài nên biết rằng tôi không bao giờ cho phép mình nói chuyện hôn nhân với tiểu thư con gái ngài khi chưa được sự đồng tình của ngài!”

Ánh mắt ông Watkins dịu lại, và, bỗng chốc, ông ta như được mở lời.

“Vậy thì tốt!... Chàng trai can đảm!... Tôi chẳng mong gì hơn sự thận trọng của anh với Alice!” ông ta trả lời bằng giọng gần như thân tình. “Vậy thì, cũng bởi tôi có lòng tin ở anh, anh sẽ hứa sau này không nói chuyện đó với con gái tôi nhé!”

“Tại sao lại như vậy, thưa ngài?”

“Bởi vì đám cưới này không thể, và tốt nhất là anh đừng tính đến chuyện đó nữa!” ông Watkins đáp. “Anh Méré này, anh là chàng thanh niên trung thực, người thực sự hào hoa, nhà hóa học tài giỏi, vị giáo sư đáng kính và đầy triển vọng - tôi chẳng nghi ngờ gì - Nhưng anh sẽ chẳng cưới được con gái tôi, bởi lẽ tôi đã chuẩn bị cho con gái những kế hoạch hoàn toàn khác!”

“Tuy vậy, thưa ngài Watkins...”

“Đừng cố nài nỉ!... Chỉ vô ích thôi!...” ông chủ trang trại đáp lời. “Dù anh có trở thành Công tước hay Thượng nghị sĩ nước Anh, anh cũng không phù hợp với tôi! Mà thực ra anh còn chẳng phải công dân Anh, hơn nữa anh cũng đã tuyên bố cực kỳ thẳng thắn rằng anh chẳng có tí gia sản nào! hãy xem, với lòng thiện chí nhất, anh thực tâm nghĩ tôi nuôi dưỡng Alice bấy lâu nay, tìm cho con những thầy giỏi nhất xứ Victoria và Bloëmfontein, chỉ để khi nó hai mươi tuổi, gửi nó sang Paris, trên phố Đại học, ở tầng bốn, sống với một anh chàng mà thậm chí tôi chẳng hiểu được ngôn ngữ của anh ta?... Hãy suy nghĩ xem, anh Méré, và hãy đặt mình vào vị trí của tôi!... Giả sử anh là chủ trang trại John Watkins, chủ sở hữu mỏ Vandergaart-Kopje, còn tôi, tôi là quý anh Cyprien Méré, nhà bác học trẻ người Pháp đang công tác tại tỉnh Cap!... Giả sử ngay tại đây, giữa căn phòng khách này, ngồi nơi ghế bành này, nhấm nháp ly rượu gin và hút tẩu thuốc hambourg: có giây phút nào anh chấp nhận... chỉ một giây phút thôi!... ý định gả con gái anh cho tôi?”

“Chắc chắn là có, thưa ngài Watkins,” Cyprien trả lời, và không chút do dự, “nếu tôi tìm thấy nơi ngài những phẩm chất tốt có thể khiến con tôi hạnh phúc!”

“Vậy đấy! Anh nhầm rồi, anh chàng đáng mến, nhầm to rồi!” ông Watkins đáp. “Anh đang hành xử như một người chẳng xứng đáng sở hữu mỏ Vandergaart-Kopje, mà đúng hơn anh sẽ chẳng bao giờ làm chủ khu mỏ đó được! Rốt cuộc chắc anh nghĩ rằng nó rơi vào tay tôi một cách dễ dàng? Anh tưởng tôi chẳng cần thông minh cũng chẳng phải lanh lợi để tìm ra nó và nhất là để đảm bảo quyền sở hữu nó sao?... Vậy đấy anh Méré ạ, trí thông minh tôi từng chứng tỏ trong hoàn cảnh đáng nhớ và quyết định ấy, tôi vẫn vận dụng trong tất cả mọi hành vi đời tôi và đặc biệt trong những quyết định liên quan đến con gái tôi!... Chính vì vậy tôi nhắc lại với anh: đừng tính đến chuyện đó nữa!... Alice không dành cho anh!”

Đến câu kết đắc chí này, ông Watkins cầm ly rồi uống cạn một hơi.

Chàng kỹ sư trẻ, bối rối, chẳng biết đáp lại ra sao. Thấy vậy, ông ta càng được thể lấn tới.

“Người Pháp các anh thật lạ lùng!” ông ta nói tiếp. “Anh chẳng mảy may nghi ngờ lời tôi nói! Anh như thể rơi từ trên cung trăng xuống chỗ cùng kiệt ở nơi Griqualand này, làm sao anh dám đến nhà một người trung hậu chẳng hề nghe nói đến anh ba tháng trước đây, và gặp anh chưa được mười lần trong vòng chín mươi ngày qua! Anh đến gặp và nói với ông ta: thưa ngài John Stapleton Watkins, ngài có một cô con gái quyến rũ, được nuôi dạy hoàn hảo, được mọi người xem là viên ngọc trai của vùng này, và thêm một lợi thế nữa, đó là người con gái duy nhất thừa kế quyền sở hữu mỏ kim cương giàu có nhất Kopje des Deux-Mondes! Còn tôi, tôi là quý anh Cyprien Méré, đến từ Paris, kỹ sư, và tôi có bốn nghìn tám trăm franc thu nhập mỗi tháng!... Vậy nên, xin ngài vui lòng gả cô nàng trẻ trung ấy cho tôi, để tôi đưa nàng về nước tôi và rồi ngài chẳng nghe nhắc đến nàng nữa, chỉ thi thoảng nhận tin qua thư từ hay điện tín mà thôi!... Và anh xem đó là điều hoàn toàn tự nhiên?... Tôi thì tôi thấy chuyện thật động trời!”

Cyprien đứng dậy, mặt tái xanh. Chàng cầm mũ và chuẩn bị đi ra.

“Đúng đấy!... Động trời quá,” ông chủ trang trại nhắc lại. “Chao ôi! Tôi chẳng phỉnh phờ làm gì!... Tôi là người Anh thế hệ xưa, anh ạ!... Nhìn tôi thế thôi, trước đây tôi còn nghèo hơn anh, thật đấy, nghèo hơn rất nhiều!... Tôi đã làm qua rất nhiều nghề!... Tôi từng là thủy thủ tàu hàng, thợ săn trâu ở Dakota, thợ mỏ vùng Arizona, chăn cừu xứ Transvaal!... Tôi đã kinh qua cái nóng, cái lạnh, cái đói, cái mệt!... Trong vòng hai mươi năm, bằng chính mồ hôi công sức mình, tôi kiếm ăn từ vụn bánh bích quy chỉ đủ cho bữa tối!... Lúc tôi cưới bà Watkins quá cố, mẹ của Alice, một cô gái gốc Pháp người Boër[4] - Nhân thể tôi muốn nói, cũng như anh vậy - cả hai chúng tôi, chúng tôi không có đủ thức ăn để nuôi một con dê! nhưng tôi đã làm việc!... Tôi đã không nhụt chí!... Giờ đây tôi giàu có và tôi muốn hưởng thụ những thành quả lao động vất vả của tôi!... Tôi muốn giữ con gái tôi, nhất là - để chăm sóc căn bệnh thống phong của tôi và chơi nhạc cho tôi nghe buổi tối, lúc tôi buồn chán!... Nếu lúc nào nó kết hôn, nó sẽ thành thân ngay tại xứ này, với một chàng trai bản xứ cũng giàu có như nó, chủ trang trại hoặc thợ mỏ như chúng tôi đây, và anh chàng đó không nói đến chuyện đi sống đói khổ trong căn hộ tầng bốn ở đất nước mà chẳng đời nào tôi muốn đặt chân đến: chẳng hạn, nó sẽ cưới James Hilton, hay một chàng trai nào khác hoạt bát cương nghị như thế!... Người cầu hôn thì không thiếu đâu, tôi chắc với anh đấy!... Tóm lại, một chàng người Anh tử tế không ngại rượu gin và song hành cùng với tôi khi tôi hút tẩu!”

Cyprien đã đặt tay lên nắm xoay cửa để rời khỏi căn phòng làm chàng thấy ngột ngạt này.

“Ít nhất thì cũng đừng để bụng nhé!” ông Watkins hét với theo chàng. “Tôi chẳng trách giận anh chút nào, anh Méré ạ, và tôi luôn thoải mái gặp anh, như khách trọ hoặc như bạn bè!... Mà này, tối nay chúng tôi đón tiếp vài người bạn đến ăn tối!... Anh có muốn tham dự cùng chúng tôi không?...”

“Thưa không, cám ơn ngài!” Cyprien lạnh lùng trả lời. “Tôi còn thư từ phải viết xong để kịp giờ gửi bưu điện.”

Rồi chàng bước đi.

“Đường đột, người Pháp... quả là đường đột!” ông Watkins vừa nhắc đi nhắc lại vừa châm lại tẩu thuốc bằng một đầu dây phết hắc ín để mồi lửa, vốn luôn ở ngay tầm tay của ông.

Rồi ông rót một ly rượu gin lớn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx