sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Về Nguồn

Mở tivi định xem qua chương trình cải lương tối thứ bảy để quên nỗi bực dọc ở cơ quan, đồng chí thủ trưởng ban tuyển sinh đại học gặp ngay mục dự báo thời tiết. Khi hình bản đồ chữ S vừa hiện lên khung Tivi, xướng ngôn viên đã đọc bằng giọng đều đều ngái ngủ:

"Dự báo thời tiết cho đêm nay và ngày mai: Trời nhiều mây, buổi sáng có mưa lớn, trưa và chiều có thể có bão. Tin khí tượng cho tàu chạy ven biển: Khu vực thành phố Hồ Chí Minh và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo: Tầm nhìn xa không quá 1 cây số, biển động đến động mạnh. Gió cấp 6 cấp 7, có nơi cấp 8... "

Ông lặng người vì lo âu... Cô xướng ngôn viên đã dự báo đúng thời tiết của cơ quan ông. Nếu mỗi cơ quan có mùa xuân và mùa đông riêng cho mình, thì ban tuyển sinh đang ở mùa đông buồn. Làm việc tất bật, gần như vật lộn với đống hồ sơ mà không tìm được chút ánh sáng le lói ở cuối đường hầm. Kỳ họp tổng kết công tác nào cũng bị đem ra kiểm điểm, chỉ trích. Cán bộ nhân viên đem cả cơm chiều vào ăn tại cơ quan để làm thâu đêm, mắt người nào cũng thâm quầng, thế mà việc đâu vẫn ì ra đấy. Điện thoại từ các trường đại học giục. Điện thoại từ trường trung học chuyên nghiệp hối. Phải làm thế nào gởi gấp cho họ bản tổng kết về thành phần lý lịch để kịp niêm yết danh sách trúng tuyển. Đại học bách khoa trễ hạn ba ngày. Y khoa 7 ngày. Sư phạm 11 ngày. Đại học tổng hợp 6 ngày. Ban tổ chức thành ủy đích thân xuống kiểm tra. Trên hối, dưới thúc, chẳng khác nào đe búa cứ nhè vào cái thân gầy của đồng chí thủ trưởng mà đập cho dẹp. Ông có xin thêm bên công an Thành một số chuyên viên đến giúp đỡ. Nhưng họ chỉ làm công việc đổ thêm dầu vào lửa, thứ lửa đã đủ nóng để đốt cháy sự nghiệp toàn thể nhân viên cán bộ ban tuyển sinh. Bằng đôi mắt nhà nghề, sau khi đọc qua các bản lý lịch của học sinh nộp đơn thi vào các đại học, các chuyên viên đã lập bản báo cáo thật bi quan. Đại loại họ phân chia các lý lịch ấy làm hai hạng:

Hạng thứ nhất gồm những bản lý lịch mù mờ cần phải được xác minh trước khi thu nhận ứng viên đó vào đại học. Không phải những bản lý lịch giả hoặc có tẩy xóa. Cũng có khuôn dấu đỏ và chữ ký của ủy viên thường trực hoặc chủ tịch phường xã ký đàng hoàng. Nhưng vì người phụ trách không nắm hồ sơ chính trị của nhân dân ở trong địa phương mình, nên lý lịch có nhiều điểm đáng ngờ. Chẳng hạn trên bản lý lịch do chính đương sự viết, phường xã chỉ ghi: "Chứng thực theo lời khai của đương sự". Thử hỏi có đương sự nào dại dột đến nỗi khai tuột những điều xấu hoặc bất lợi của mình ra giấy trắng mực đen? Hoặc có nơi viết: "Đương sự hiện có hộ khẩu thường trú tại phường 19 chúng tôi". Thừa! Rất thừa đến nỗi hóa ra lẩm cẩm! Có ai dám cấp sơ yếu lý lịch cho người không có hộ khẩu thường trú? Đã thế, ủy viên thư ký phường xã, vì không có trình độ chuyên môn, nên bỏ qua một số chi tiết thật quan trọng, không đòi hỏi đương sự xác minh trước khi đóng dấu ký tên. Có cậu khai cha làm cán bộ ở cơ quan X. Loại cán bộ nào? Từ A (nghĩa là từ ngoài bắc ) vừa được chuyển công tác vào nam, hay từ R (nghĩa là từ chiến khu) về thành? Thậm chí những người ở vùng tạm chiếm (không ai rõ thời Mỹ ngụy có gây tội ác nào không) vừa được tuyển làm công nhân viên là nhân viên cấp thấp của guồng máy kềm kẹp chính quyền Sài gòn cũng vẫn xưng là cán bộ. Tin vào những lời khai đó khác nào tin lời Thị Mầu! Có cô khai mẹ đang công tác tại Mặt Trận Tổ Quốc quận Y. Mặt trận à? Cái tiệm chạp phô chuyên trưng bày hàng mẫu đầy đủ thượng vàng hạ cám ấy, từ kẻ chuyên làm nghề tôn giáo cho đến tên sĩ quan ngụy vừa học tập cải tạo về nằm chờ vượt biên, mẹ đương sự thuộc dạng hàng kiểu nào? Công tác gì? Công tác trốn núp dưới cái dù Mặt trận để đỡ bị công an phường khóm lưu ý hay dịch vớ vẩn vài ba trang tài liệu chữ Anh chữ Pháp để vất vào xó? Anh chị em ruột đều là công nhân viên nhà nước ư? 99% công nhân viên tại thành phố đều là người được Cách mạng lưu dụng. Ân huệ nhà nước đến mức đó là tận cùng rồi, còn thừa chút nào đâu để san sẻ cho anh em! Cha đương sự đã chết xin khỏi cần khai nghề nghiệp địa chỉ? Sao lại khỏi cần? Tại sao chết? Chết bệnh? Hay hy sinh vì tổ quốc? Hay vì là ác ôn nên phải đền tội? Nói chung các bản lý lịch do ủy ban nhân dân phường xã chứng thực đều không rõ ràng, mà không rõ ràng tức là khả nghi.

Hạng thứ hai gồm những bán lý lịch do chính công an địa phương chứng ký. Loại này tránh được các điều mù mờ thường gặp ở loại thứ nhất, nhưng nhận xét và đề nghị ghi bên dưới đặt ban tuyển sinh vào thế ngặt nghèo. Cô Trần thị Dung có mẹ là Huyền Tôn Nữ Thu Trang và cha là Trần Bá Cảnh thời Pháp thuộc làm cai khố đỏ. Ỷ cha mình đã chết bệnh từ 1944, cô Dung chừa trống chỗ khai nghề nghiệp và địa chỉ hiện tại của thân phụ. Trưởng ban công an phường 17 quận 6 đích thân ghi thêm bằng nét chữ xấu "cai khố đỏ" vào ô nghề nghiệp, và "chưa kịp trả nợ nhân dân " vào ô địa chỉ. Bên dưới tờ lý lịch có lời nhận xét: "Con của thực dân phong kiến, đề nghị cho đi cải tạo lao động". Gia đình vừa có con em đi lính ngụy vừa có người theo cách mạng như hầu hết gia đình miền nam ư? Phê ngay: "Nửa nạc nửa mỡ. Gia đình thuộc thành phần lưng chừng". Một ứng viên hãnh diện khoe có anh đã từng tham gia tranh đấu trong phong trào sinh viên thành thị và từng bị Mỹ ngụy cầm tù. Nhưng qua đôi mắt nhà nghề, trưởng ban công an xã liền hỏi trên giấy khai sơ yếu lý lịch: "Trong tù có phản bội đầu hàng địch không? Cần xác minh trước khi thu nhận". Tóm lại, trong hạng thứ nhì, hầu hết ứng viên đều trở thành kẻ thù của nhân dân, hoặc có thể đã là kẻ thù, kẻ phản bội.

Chỉ còn một số ít học sinh con em cán bộ từ Bắc vào hoặc từ bưng biền ra là có lý lịch rõ ràng, trong sạch. Số này lại quá ít, không đủ số định tuyển cho các đại học. Làm thế nào bây giờ? Bươi đống lý lịch kỹ chừng nào, công việc chậm chạp phiền phức chừng nấy. Mà không bươi không được. Đồng chí thủ trưởng nghĩ nát óc, vấn kế đủ mọi nơi mà chưa tìm được lối thoát.

Sáng hôm qua bị điện thoại thúc quá, ông định làm liều. Cho tốt hết. Rồi đề nghị suốt thời gian theo học, hiệu trưởng các trường dần dần cho xác minh lý lịch và loại những kẻ gian dối, man khai. Chưa kịp làm ẩu thì chiều hôm qua, Thành ủy đã gọi lên lưu ý tình trạng học sinh đại học bỏ trường vượt biên hoặc đã tốt nghiệp lại bỏ cơ quan ra bán chợ trời ngày một đông. Đồng chí bí thư gay gắt bảo: "Các đồng chí lo tuyển sinh tức là làm cái phần chọn giống. Phần quan trọng nhất đấy. Tương lai đất nước, tiền đồ của dân tộc nằm gọn trong tay các đồng chí. Các đồng chí làm ăn thế nào mà kết quả đáng ngại đến như vậy? Phải xem xét lại từ đầu. Từ đầu nghe chưa? Các đồng chí có hiểu tôi nói "từ đầu" nghĩa là gì chưa? Không. Không phải từ ban đầu! Từ "cái đầu" của các đồng chí đấy! Lập trường các đồng chí đã chao đảo chưa, phải rà lại cho kỹ. Nếu lập trường cách mạng vững, mắt các đồng chí sẽ sáng. Không có con em kẻ địch nào lọt vào đại học được đâu".

Ðúng là một bản dự đoán thời tiết xấu cho cơ quan ông: "Tầm nhìn không xa quá 1 cây số"cho nên thế nào chiếc thuyền ông đang lái cũng gặp "gió cấp 7, cấp 8 ". Mưa lạnh, bão lớn sắp vùi dập sự nghiệp của ông sao?

Tối hôm ấy, Tivi chiếu lại tuồng "Thái hậu Dương Vân Nga ". Thái hậu Thanh Nga đã bị bọn cướp tống tiền bắn gục trên chiếc xe nhà ở đường Ngô Tùng Châu nên thái hậu Bạch Tuyết ra đóng thế. Tài tử đẹp, phông cảnh tráng lệ đắt giá, giọng ca điêu luyện! Nhưng vì mải lo nên đồng chí thủ trưởng chỉ xem lơ mơ. Ông khâm phục tài ba của các nghệ sĩ cải lương miền Nam tuy trong thâm tâm vẫn lợn cợn mối ác cảm với cô đào Bạch Tuyết. Một nhân viên lưu dụng của ông có mách rằng có lần Bạch Tuyết đã đội mũ lính GI xâm lược lên đầu để chụp hình đăng trên tờ Stars and Stripes. Tại sao lại chụp hình chung với lũ đế quốc, lại còn đội mũ mãng để quảng cáo cho chúng! Nhất định chúng đã chua thế này dưới bức ảnh: "Nghệ sĩ cải lương ưu tú nhất VN chào mừng các chàng GI". Tại sao một đoàn ca kịch cải lương quốc doanh như đoàn Trần Hữu Trang lại thu dụng Bạch Tuyết? Tại sao Sở Văn hóa Thông Tin lại cho phép Bạch Tuyết lên Tivi? Lập trường của họ chao đảo rồi chăng? Những câu hỏi ấy khiến ông xem cải lương mất thú. Cuối cùng, ông chỉ khâm phục mỗi một mình tác giả kịch bản là Trúc Đường. Tài thật! Biến một người đàn bà lăng loàn may mắn được bọn sử quan phong kiến bỏ qua không hỏi tội ngoại tình thành một người phụ nữ ái quốc thức thời! Giới viết lách lách tài thật! Dẻo và khéo quá! Việc khó đến thế họ còn làm đưọc, còn ông? Ông nhớ đến bốn câu thơ của Bác:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Dời núi và lấp biển

Quyết chí cũng làm nên.

Việc ông đâu có khó? Bác đã thì thầm nhắc ông: Vì lòng không bền và chưa quyết chí nên ông lo âu đấy thôi! Vả lại cách mạng là sự nghiệp chung. Tại sao ông không tham khảo ý kiến các cơ quan bạn, như Viện Qui Hoạch, như Phòng tổ chức Thành ủy. Phải rồi. Ông có một người bạn thân hiện làm Viện trưởng Viện Qui Hoạch. Ông lú lẫn quá. Tại sao không hỏi ý kiến ông ấy. Tìm được giải pháp tốt, đồng chí thủ trưởng yên tâm đi ngủ. Lần đầu tiên từ 8 tháng về làm thủ trưởng ban tuyển sinh, ông ngủ ngon giấc.

° ° °

Đúng một tuần sau cũng vào tối thứ bảy, đồng chí viện trưởng viện qui hoạch trung ương bồn chồn đi ra đi vô căn phòng rộng 20 mét vuông của mình ở đường Lý Nam Đế. Không khí nóng bức. Bên ngoài mây đen thấp xuống đe dọa những bóng đèn lù mù. Khi trời bắt đầu đổ mưa và gió dữ, ông phải đóng kín cửa lớn cửa sổ lại, và ngồi ở cái bàn con cạnh giường ngủ của vợ. Bên kia tấm màn vải hoa đã bị ố vài nơi vì mưa dột, ba đứa con ông đã ngủ say. Vợ ông có ý chờ xem tuồng chèo cổ thường chiếu trên Tivi vào mỗi tối thứ bảy, nhưng khi nghe loan báo có thay đổi chương trình vào phút chót do "sự cố kỹ thuật", bà lật tờ Phụ Nữ Việt Nam xem qua loa rồi cũng ngủ nốt. Chỉ còn một mình đồng chí viện trưởng thức khuya. Bạn bè ông kháo nhau rằng vở kịch "Erostrate kẻ đốt đền" do Đoàn kịch nói trung ương trình diễn hay lắm, thâm lắm, nên ông rán chờ xem cho biết. Không phải ông bồn chồn chờ xem kịch. Ông không ái mộ nghệ thuật đến độ ấy. Ông chỉ muốn tìm cách nào đó để tạm quên chốc lát các điều phiền phức khó khăn ở viện.

Lúc vặn nút Tivi, ông gặp đúng mục Dự báo thời tiết "Trời ít mây. Buổi sáng có mưa vài nơi, buổi chiều trời nắng tốt. Tin tức khí tượng cho tàu chạy ven biển. Vịnh Bắc bộ: Tầm nhìn xa khoảng 10 cây số. Biển hơi động đến động. Gió cấp 2, cấp 3. Có nơi cấp 4... "

Đồng chí viện trưởng hơi vui vui, gật gù nói một mình: "Bọn khí tượng thủy văn làm việc tiến bộ đấy chứ. Không bù với lúc trước lúc nào cũng dọa mưa với bão".

Ông cảm thấy phấn chấn, quên hẳn vở kịch Liên Xô Người đốt đền và trở lại bàn làm việc. Ngọn néon 4 tất đêm nay như sáng hơn các đêm trước. Ông di di đầu bút bi vào miệng giấy thấm chuẩn bị ghi lại các đề nghị của mình thì điện cúp. Cúp thì cúp, cần gì. Lòng ta hồ hởi, chí ta bền, đèn dầu hỏa hay đèn néon ta vẫn làm việc được. Ông vừa húyt sáo vừa thắp cây đèn bão hiệu Minh Hoa của Trung Quốc.

Ngọn đèn vừa đủ soi sáng bao nhiêu vấn đề nan giải đang trải ra trước mặt ông. Phải làm sao đây? Không phải ông đã quên béng cái chìa khóa thần kỳ có thể mở tất cả mọi cánh cửa đóng: "Nắm vững chuyên chính vô sản, phút huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng văn hóa tư tưởng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt". Ông nhìn quanh, lo ngại nhìn về phía vợ, rồi nói thầm: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" Biết từ bao nhiêu năm nay, nhưng tại sao bao nhiêu chuyện cực nhọc hóc búa cứ đùn về cho viện ông? Tại sao năng suất đã không tăng còn giảm dần theo mức độ đáng ngại? Tại sao ở các hợp tác xã nông nghiệp, xã viên, và cả đảng ủy địa phương a tòng với nhau lén "khoán chui" đi ngược với chính sách nhà nước mà lúa nghĩa vụ đạt yêu cầu hơn các nơi theo đúng chính sách? Tại sao các kế hoạch thủy lợi ở các tỉnh phía nam đều vỡ, nhiều con kinh cấp l, cấp 2 tốn bao nhiêu công của đào lên lại phải lấp xuống? Tại sao đã ra chỉ thị dẹp bỏ các trạm thu thuế mọc như nấm trên đường quốc lộ mà trong chuyến vào nam vừa rồi, ông vẫn thấy mỗi tỉnh vẫn có luật thuế khóa riêng, giá cả nơi này chênh lệch quá xa với nơi khác? Tại sao đất hoang còn bỏ mặc cho cỏ lát cây dại mà dân thành thị vẫn sống bám vào chợ trời? Làm thế nào chận đứng nạn lãn công đang tràn lan khắp các cơ quan nhà nước và xí nghiệp quốc doanh? Làm thế nào chấm dứt hiện tượng xuất não nguy hiểm do phong trào vượt biên ồ ạt? Làm thế nào bài trừ tận gốc nạn tham nhũng? Làm thế nào hạ thấp số trại giam và tù nhân đang tăng vọt khắp nơi? Tại sao? Tại sao? Làm thế nào? Làm thế nào? Tại sao? Làm thế nào? Ông hốt hoảng hỏi liên tiếp và hãi hùng như tử tội hãi hùng nhìn chiếc máy chém. Ngọn đèn lụn dần trước mặt ông. Hết dầu rồi! Ông châm thêm dầu, và phải chờ khá lâu mới đủ ánh sáng đọc tiếp các đề nghị do viện qui hoạch địa phương và chuyên ngành gửi về. Tập công văn đề nghị dầy cộm, ông biết trước không cách nào mình đọc xuể. Phải tìm ra chiếc chìa khóa đơn giản và cụ thể hơn mới mong giải quyết được. Làm sao đây? Tìm ở đâu? Theo thói quen, mỗi lúc thối chí, ông ngước lên đọc bốn câu thơ của Bác do chính ông viết dán trước bàn làm việc:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Dời núi và lấp biển

Quyết chí cũng làm nên.

Phía trên cao, Bác đang mỉm cười khuyến khích ông. Cảm thấy yên tâm, ông lại moi óc tìm chìa khóa thần. Lúc đang lơ mơ suy nghĩ, mắt ông vô tình lướt qua lá thư của Tân, bạn cũ của ông, hiện làm thủ trưởng Ban tuyển sinh ở thành phố mang tên Bác. Ông đã đọc lá thư đó hồi sáng, đọc xong thấy khó chịu vì bạn ông lại nhờ ông trả lời những câu hỏi chính ông không trả lời được. "Tại sao như thế? Phải làm gì? Anh ở trung ương nắm vững đường lối chính sách (nhất là ở cơ quan có tầm nhìn chiến lược) mong anh giúp tôi. Phải nói đúng hơn là giúp chúng ta, giúp thế hệ thứ 4, thứ 4.5, thứ 5 để con cháu chúng ta có thể nối tiếp gìn giử thành quả cách mạng mà thế hệ tiên phong mở đường của Bác, thế hệ thứ hai của các chiến sĩ kháng chiến chống thực dân, thế hệ thứ ba chống Mỹ cứu nước đã đổ bao nhiêu máu xương mới đạt được".

Rắc rối đây! Phiền nhỉ! Ông bạn xa thật láu cá! Dùng dao to búa lớn đế ràng buộc anh em, chơi độc thật!

Ðồng chí viện trưởng gạt hết xấp công văn sang một bên, đoc kỹ lá thư của ông Tân lần nữa. Đọc nửa chừng, ông reo lên:

A! Chìa khóa đây rồi! Sao ta lú lẫn thế! Chính Bác đã dạy: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa". Không lo đào tạo con người mới thì làm sao xây dựng thiên đường mới ngay trên quá đất này? Gợi ý của Ban tuyển sinh thành phố mang tên Bác thật đáng chú ý. Phải đặt vấn đề này lên ưu tiên hàng đầu.

Mừng quá, ông chạy đến lay vợ dậy. Bà vừa đi công tác ở nông trường bò giống Ba Vì trở về quá mệt nên nằm co quắp ngủ say, nước dãi nhểu cả ra mép. Viện trưởng thấy thế ngủ của vợ dễ thương, vệt nước dãi trở thành dấu hiệu của niềm vô tư thanh thản. Vợ ông càu nhàu gì đó trong miệng, rồi dụi mắt ngồi dậy. Ðồng chí viện trưởng lay vợ bảo:

- Mình ơi mình. Dậy tôi nói chuyện này hay lắm.

Vợ ông ngáp dài rồi hỏi:

- Cái gì thế? Có nhà ai cháy hở?

- Không! Tôi vừa tìm ra cái chìa khóa để giải quyết trọn vẹn bao nhiêu khó khăn trên toàn quốc. Mình thử nghĩ mà xem. Chỉ lấy đơn giản một trường hợp nhỏ: Làm sao cho các xã viên chịu sản xuất chứ không bỏ đi buôn chợ trời?

Bà vợ ngáp một cái thật dài nữa, rồi nói:

- Dễ quá. Có thế cũng gọi người ta dậy!

- Dễ à! Mình đáp đi.

Bà vợ bực mình ngồi ngay người nghiêm mặt hỏi chồng:

- Ðược. Nhưng trước hết mình trả lời tôi mấy câu hỏi ngắn thôi. Mình có thích ăn ngon không?

- Có. Ai lại chả thế.

- Mình có thích mặc đẹp không?

- Dĩ nhiên là có, nhưng...

- Khỏi cần thêm "nhưng, tại vì, tuy thế". Mình có thích ngủ trên cái giường êm và ấm không?

- Có chứ, nếu...

- Khỏi cần "nếu". Mình có thích ở biệt thự, có xe riêng không?

- Thì coi như có đi, dù rằng...

- Thôi đủ rồi. Trời sinh sao thì để vậy. Có ông thánh như Bác nhưng đời còn có nhiều người không phải thánh. Tại bắt mọi người làm thánh cả nên mới rắc rối.

- Lập trường em để đâu mà...

- Em có lập trường riêng dựa theo kinh nghiệm quan sát ở Viện nghiên cứu chăn nuôi. Trâu bò không có tư tưởng nhưng cách sống của nó cũng có "chính sách" đấy chứ.

- Mình nói gì tôi chẳng hiểu.

-Thôi em hỏi gọn lại: Anh tìm ra được cái chìa khóa gì nào?

Đồng chí viện trưởng hí hửng đọc câu danh ngôn của Bác, cho đó là chìa khóa mở tung cửa khó khăn của ông bạn Ban tuyển sinh.

Vợ ông trề môi hỏi:

- Nhưng muốn có toàn con người mới để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải làm sao?

Viện trường bí, lí nhí lặp đi lặp lại:

- Muốn có con người mới... muốn có con người xã hội chủ nghĩa... muốn có con người cộng sản thuần khiết... thì ta... thì ta...

Vợ ông bật cười:

- Thì hãy bắt chước cách em vẫn làm lâu nay!

- Cách gì?

- Cách dùng tinh đông viên để lai giống. Trâu Mura Ấn Ðộ, bò sữa Liên Xô, heo Cuba mình chỉ xin có vài con, thế mà hiện nay khắp các nông trường chăn nuôi, đếm không xuể.

Viện trưởng hồ nghi rụt rè hỏi:

- Trâu bò làm thế được, chứ con người...

- Con người thì sao? Vẫn là một loại sinh vật như trâu bò thôi. Em nghe nói hồi xưa bọn quốc xã Đức muốn các bà vợ lính ở quê nhà vẫn tiếp tục sinh ra những chú quốc xã tí hon để nối nghiệp cha anh, cũng đã dùng cách gửi các lọ tinh khí từ mặt trận về. Bây giờ khoa học tiến bộ, dùng tinh đông viên tiện hơn.

- Nhưng anh Tân khổ sở về chuyện khác cơ. Chuyện xét lý lịch để tuyển các học sinh ưu tú và vững lập trường vào đại học.

Bà vợ đáp ngay:

- Thì giải pháp của em cũng giải quyết được. Ta dùng tinh khí của những người cộng sản chân chính đã kinh qua thử thách, thì lý lịch bên cha tất phải tốt. Việc còn lại là lựa chọn những bà mẹ "ba đảm đang", những "chiến sĩ gái kiên cường".

Gợi ý của bà vợ mới mẻ quá, táo bạo quá, khiến viện trưởng sững sờ. Ông ngồi chết lặng hồi lâu. Điều khó nghĩ cho ông, là đề nghị ấy vừa quá hợp lý, vừa không hề trái với các nguyên tắc bất khoan nhượng của chủ trương chính sách như: "chuyên chính vô sản", như "phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động". Nó lại phù hợp với cuộc cách mạng then chốt là cách mạng khoa học kỹ thuật. Suy nghĩ hồi lâu, ông đành phải gật gù:

- Mình cũng có lý. Thôi ngủ đi. Mai tôi thử trình phương án đó lên cấp trên xem sao.

° ° °

Do ngẫu nhiên, thứ ngẫu nhiên Marx bàn rất chu đáo trong duy vật sử quan, bộ chính trị họp khẩn cấp vào tối thứ bảy. Trong khi chờ đợi các đồng chí đến muộn, những người đến sớm mở tivi xem chương trình đặc biệt cuối tuần. Ngẫu nhiên lịch sử lại khiến mọi người gặp đúng mục dự báo thời tiết. Cô xướng ngôn viên có giọng ngọt ngào êm ái đọc chậm:

"Dự báo thời tiết cho đêm nay và ngày mai: khu vực Hà nội trời quang đãng, buổi sáng có mưa phùn lấm tấm, chiều nắng đẹp tuyệt vời. Tin tức khí tượng cho tàu chạy ven biển: Vịnh Bắc bộ: Tầm nhìn xa trên 10 cây số. Biển hoàn toàn lặng, gió nhẹ cấp 1, có nơi cấp 2... "

Ðồng chí tổng bí thư bật cười khen:

- Sau mấy kỳ kiểm điểm, chúng nó có khá đấy chứ.

Câu chuyện sau đó nổ như bắp rang. Khác với tưởng tượng của quần chúng lao động vẫn nghĩ cung cách họp hành ở cấp cao giống như kiểu cung đình phong kiến, ở đây không khí hoàn toàn thoải mái thân mật. Cách sống và làm việc giản dị của Bác Hồ đã trở thành mẫu mực cho lớp học trò kế nghiệp Bác. Do đó phòng họp là phòng khách ấm cúng của đồng chí tổng bí thư, người nào thích ngồi ở đâu, ngồi thế nào tùy ý. "Tài liệu hồ sơ đặt trên bàn nước, lót dưới cái gạt tàn thuốc làm bằng vỏ máy bay B52, vất trên đống báo Nhân Dân, kẹp trong tạp chí Cộng Sản hoặc nằm trên ghế piano gỗ bóng màu huyết dụ. Ngoài hai đồng chí thư ký của ban bí thư ăn mặc nghiêm chỉnh luôn luôn giữ thái độ cung kính lễ phép, tất cả mọi người đều ăn mặc xuề xòa, áo sơ mi ngắn tay bỏ ngoài quần, chân mang dép Nhật. Các đồng chí lãnh đạo đều mạnh khỏe nên tuy ngoài trời mưa giông gió giật, khí hậu rét căm căm, mỗi người chỉ quấn sơ một chiếc phu-la len mỏng. Cách xưng hô thân mật gọi nhau bằng thứ hai thứ ba y theo lối ăn nói của một gia đình nông dân miệt vườn Nam bộ. Chẳng hạn không ai cung kính "Thưa đồng chí tổng bí thư". Chỉ nói thật gọn: "Thưa anh Ba". Thế thôi! Cấp lớn xưng tôi gọi chú. Cấp nhỏ hơn xưng em gọi anh.

Các ban bí thư và đặc trách bắt đầu báo cáo tình hình chung. Ngoại vụ có vấn đề bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các kế hoạch hợp tác toàn diện với Liên Xô anh em. Tổng công đoàn có vấn đề giải thích hiện tượng "công đoàn gọi là Ðoàn kết" ở Ba lan và tiên đoán các hệ lụy của nó. Nội vụ có vấn đề tìm kinh phí phát triển các trại giam và bù đắp lương thực lạm chi cho số phạm nhân gia tăng. Nông nghiệp đề nghị thông qua phương án khoán cây lúa xuống đến từng hộ để cứu vấn nạn khan hiếm ngũ cốc. Công nghiệp cũng xin khoán sản phẩm và trả lương theo thành quả sản xuất được. Vì được bàn cãi nhiều lần nên các vấn đề tưởng như hóc búa ấy được cho qua giữa những tiếng cười, ngụm trà ngon và tiếng nhai kẹo lạc rôm rốp. Gần khuya mà chưa có ai thấy lý do vì sao "anh Ba" triệu tập cuộc họp toàn Bộ chính trị thật khẩn cấp này. Mọi người chờ, chờ, chờ... Ðến khi anh Ba nhắc khéo hai đồng chí thư ký nên về ngủ để bảo vệ sức khỏe, mọi người mới biết giờ phút nghiêm trọng của lịch sử dân tộc đã đến.

Chờ cho hai đồng chí thư ký ra về xong, đồng chí tổng bí thư mới thân mật mời mọi người kéo ghế lại gần, rồi nói:

- Vấn đề này vừa quan trọng vừa ngộ nghĩnh, theo lối nhìn của từng anh em. Tôi thì không xem nhẹ nó chút nào, nên mới có cuộc họp này. Tôi phải bàn kín với anh em trước, rồi mới cho họp mở rộng sau. Việc tuy chung mà riêng vì liên quan đến sức khỏe và ý chí, tâm tình từng người, riêng mà hóa chung vì có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Chẳng những thế hệ thứ 4, thứ 4.5 như anh em thường nói đùa, mà có thể kéo dài đến thế hệ thứ 10, thứ 20. Để anh em được về nghỉ sớm, tôi đọc ngay phương án của Viện Qui Hoạch.

Anh Ba đọc xong, rất nhiều người ngẩn ngơ không hiểu mình đang nghĩ gì, sắp nên nói gì. Lâu về sau, có người thì thào:

- Họ đề nghị thật như thế ư?

Người thì hỏi:

- Họ nghiêm chỉnh đấy chứ?

Người thì hàng hai dò đường:

- Kể ra cũng không có gì sai chính sách lắm!

Ðồng chí tổng bí thư nói:

- Tôi đã đọc kỹ các sách kinh điển, và quả thật nhận thấy phương án không đi ngược với học thuyết Mác Lê. Nhìn theo đôi mắt duy vật biện chứng, nó còn phù hợp với đòi hỏi của lịch sử là đằng khác. Vấn đề chính là anh em ta có dám thực hiện hay không. Tôi tin rằng khi đồng chí Lénine đọc xong bộ Tư bản luận của đồng chí Karl Marx, đồng chí Lénine cũng ở cùng tâm trạng của chúng ta đêm nay. Dám hay không dám, đó là vấn đề.

Anh Ba nói xong nhìn quanh khắp mọi người. Chẳng hiểu do buồn ngủ, do lạnh, hoặc do hoang mang trước phương án táo bạo, mà mọi người đều ngồi co ro, hai vai so lại trong chiếc áo mỏng, dáng ủ rũ như những cụ già về chiều. Anh Ba chợt nhớ mọi người đều đã già, nhỏ nhất cũng trên 60, có người đi quá cái tuổi "cổ lai hi" từ lâu lắm. Một người vừa ho húng hắng vừa phều phào hỏi:

- Họ đề nghị làm thí điểm như thế nào?

Anh Ba lật qua nhiều tờ giấy, đến tờ cuối mới đáp:

- Có đây. Họ ghi vào phần phụ bản. Dĩ nhiên những người cha lý tưởng phải là các bậc cách mạng lão thành đã kinh qua nhiều thử thách, và có sức khỏe dồi dào.

Người vừa hỏi quên giữ ý, ngây thơ nói:

- Sức khỏe của chúng ta, của anh em ta, tôi sợ...

Anh Ba lừ mắt hỏi lại:

- Sức khỏe chúng ta thế nào? Chủ Tịch Mao trên 70 còn bơi nổi qua sông Dương Tử. Chẳng những bơi nổi, mà còn bơi nhanh hơn cả bọn trai tráng nữa. Ðáng lý chúng ta cũng phải làm cái gì tương tự như vậy. Đây cũng là một thử thách về ý chí cách mạng, đồng chí nhớ cho!

Từ lúc anh Ba gọi anh em bằng hai tiếng "đồng chí", không khí trong phòng trang trọng nghiêm túc hẳn lên. Phương án được thông qua nhanh chóng. Dáng ngồi, cách nói của từng người trở nên trẻ trung, vững chãi, hùng hồn. Vấn đề còn lại là tìm những người cha lý tưởng cho thế hệ sau thế hệ thứ tư hiện tại. Người thứ nhất đề nghị giao cho các đồng chí tỉnh ủy viên. Ý kiến bị bác bỏ vì như vậy cuộc thử nghiệm sẽ mở rộng trên qui mô cả nước. Liệu dư luận quần chúng chưa tiến bộ, guồng máy chiến tranh tâm lý của bọn phản động, óc hẹp hòi bảo thủ của giới tu sĩ, và dư luận thế giới có để yên cho không? Trung Nam Hải, Hoa Thịnh Đốn, Rangoon, Kuala Lampur, Singapore, Jakarta, Manila, Roma, và có thể cả Mat-cơ-va nữa, sẽ nghĩ thế nào? Người thứ nhì nâng lên cấp trung ương ủy viên. Vẫn còn nhiều quá, thế nào cũng có lời ong tiếng ve. Dĩ nhiên làm kẻ khai phá bao giờ cũng đơn độc và thường bị đàm tiếu. Nhưng quan hệ ngoại giao hiện đang bất lợi không cho phép quá liều lĩnh. Ý kiến thứ ba đề nghị thu hẹp vào ban bí thư. Bàn qua tán lại cuối cùng chỉ còn một lối thoát độc nhất: "đã đứng mũi phải chịu sào", đã đủ ý chí chiến thắng những cuộc thử thách đối đầu với bao nhiêu tên đế quốc sừng sỏ đủ màu đủ cỡ từ Nhật, Tàu, Tây, Mỹ cho đến bọn bành trướng Trung Nam Hải hiện nay, thì phải dư ý chí chiến thắng cái thứ thử thách cỏn con này.

Chân lý cách mạng quá đơn giản. Mọi người tuy trong lòng phần bực, phần lo, phần tức cười, nhưng ngoài mặt ai ai cũng tỏ ra lạc quan tự tín. Đồng chí tổng bí thư nhìn lên ảnh Bác, giọng bâng khuâng:

- Tiếc quá, nếu Bác còn sống với anh em chúng ta...

Những người còn lại đã từng nghĩ như đồng chí tổng bí thư, nhưng không đủ thế để nói ra một điều dường như bất kính, bấy giờ được dịp phụ họa:

- Ừ nhỉ! Giá Bác còn sống!

- Phải rồi. Được có Bác thì...

Rồi nghĩ đến sự yếu đuối chùn bước trước thử thách, không hẹn họ cùng hướng về phía bức sơn mài mầu đen có khảm xa cừ bốn câu thơ quí giá:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Dời núi và lấp biển

Quyết chí cũng làm nên.

Họ ra về lúc đã quá khuya. Xe của từng người có gắn máy sưởi ấm nhưng ai nấy đều lạnh run. Một phần khí hậu Hà nội không đúng như bản tin thời tiết đọc trên tivi, một phần do họ cứ lo âu vu vơ.

° ° °

Phương án thử nghiệm được thực hiện đúng như đề nghị của Viện Qui Hoạch. Phòng tinh đông viên thuộc Viện nghiên cứu chăn nuôi trung ương được bí mật giao thêm một công tác mới. Hội Phụ Nữ Trung Uơng khẩn cấp họp kín để tranh cãi bình bầu 14 bà mẹ lý tưởng. Ở đây, hội phụ nữ đã gặp quá nhiều khó khăn khách quan. Luật sinh vật học dám ở ngoài biện chứng pháp nên không cho phép những chiến sĩ gái luống tuổi từng kinh qua nhiều thử thách có thể thụ thai, nên bắt buộc phải lựa chọn các phụ nữ dưới bốn mươi tuổi. Họ thuộc thế hệ thứ ba, thế hệ chống Mỹ cứu nước. Một số khá lớn từng sống nhiều năm trong rừng để làm hết đường mòn Hồ chí Minh bên Trường sơn tây lại đến Trường sơn đông, nên bị sốt rét kinh niên, tức là không hội đủ tiêu chuẩn sức khoẻ. Số xinh đẹp khoẻ mạnh lại bị mang tiếng lập trường chao đảo không dám xung phong đi B. Số ốm o vì từng bị tra tấn trong nhà tù Mỹ ngụy. Số quá to béo vì làm việc lâu năm ở cửa hàng thương nghiệp hoặc nhà hàng ăn uống quốc doanh. Số quá trẻ để có thành tích nghĩa là có lý lịch tốt. Số quá già để đủ sữa nuôi con.

Kình cãi gấu ó nhau mãi, cuối cùng Hội phụ nữ đã phải nhờ đến máy tính điện toán. Lựa cho được 14 người mẹ khó thật.Máy vừa lựa xong, một trở ngại mới lại xuất hiện: 7 trong số 14 người phụ nữ may mắn đã đăng ký ứng tuyển khi chưa hỏi ý kiến chồng. Gia đình suýt có cơ tan vỡ nếu 7 ban thư ký công đoàn không vội vã đến gặp 7 ông chồng cổ hủ để vừa giải thích, vừa đe doạ,.,vừa vuốt ve. Sức người hợp với sức máy cuối cùng đã hoàn thành sứ mệnh chu đáo.

Bộ Y tế phối hợp với Hội Bảo vệ bà mẹ và trẻ em chuẩn bị đầy đủ các phương tiện thăm thai, bảo vệ thai, đỡ đẻ, nuôi trẻ sơ sinh. Bộ Giáo dục chuẩn bị mở các lớp đặc biệt dành cho trẻ em xuất sắc. Một Ủy ban đặc biệt được thành lập để phối hợp công tác, theo dõi đôn đốc phần vụ các ngành ban cho nhịp nhàng và có hiệu quả cao nhất. Tóm lại, mọi sự đều sẵn sàng đến mức tối hảo, tối tối hảo.

Viện nghiên cứu chăn nuôi cử 14 chuyên viện xuất sắc nhất của Phòng tinh đông viên đến Hà nội lãnh công tác đặc biệt. Trước đó, họ được dự một khoá học tập chính trị 21 ngày, mỗi ngày được hưởng phụ cấp bồi dưỡng 50 đồng. Ăn ở tại khách sạn dành cho khách quốc tế. Đi lại có xe con của Bộ nội vụ. Họ phải tuyên thệ giữ bí mật trước khi nhận công tác.

Phương án sơ khởi của Viện qui hoạch chỉ có hai trang giấy đánh máy hàng đôi cỡ 21 x 27. Nhưng sau khi triển khai đầy đủ phương án gốc, tập tài liệu dày đến 200 trang đặc cỡ chữ nhỏ.

Tuy nhiên phương án chi tiết này quên một điểm then chốt: đó là quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chính trị. Sau cuộc họp khẩn tối thứ bảy hôm đó, về đến nhà, các vị mới thấy mình vừa chấp nhận một cuộc thử thách kỳ cục. Kể cả đồng chí tổng bí thư. Nhưng ai là người đầu tiên dám thú nhận mình không còn đầy đủ sinh lực để tiếp tục hi sinh cho cách mạng? Ai? Mao Trạch Đông còn dám bơi qua sông Dương Tử giữa ban ngày trước mắt hàng triệu triệu người. Còn mình? Chỉ gắng sức một tí ở chỗ không có ai trông thấy, mà hiệu quả tuyên truyền chẳng kém gì hành động ngoạn mục của họ Mao, tại sao không dám làm?

Phải làm, tuy vẫn thấy kỳ cục, đó là vấn đề.

Cho nên có vị bèn nhờ anh tài xế lái xe riêng cho mình. Có vị đi nhờ anh cần vụ. Anh cần vụ không hiểu gì ráo vẫn thấy kỳ, đi nhờ lại những chỗ làm ăn ơn nghĩa lâu nay với anh, như cửa hàng trưởng cửa hàng lương thực đặc biệt, như trưởng phòng thương nghiệp, anh phụ trách vật tư, thủ kho xăng dầu, công an kinh tế...nghĩa là các chức sắc cấp trung nắm trong tay rất nhiều tiền, và có trong óc rất nhiều kế móc ngoặc bọn cửa quyền để thủ lợi.

Kết quả cuộc thử nghiệm ra sao?

Chính xác lắm. Và các bạn đọc đừng ngạc nhiên khi thấy sang thế hệ thứ 4.5, thứ 5, thứ 6...những người kế nghiệp thực sự nắm quyền lãnh đạo đất nước là anh tài xế cán bộ thương nghiệp, cán bộ vật tư xăng dầu, công an kinh tế...

Cha truyền con nối theo huyết thống mà.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx