sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần I: Người Cha Tốt Là Người Thầy Tốt Của Con - Chương 1: “Người Thầy Vỡ Lòng” Đạt Tiêu Chuẩn Của Con

“Giáo dục vỡ lòng” thể hiện tấm lòng của cha mẹ với con cái có tầm quan trọng to lớn trong cuộc đời con

“Dạy con biết đi, dạy con biết nói” là trách nhiệm chung của tất cả các bậc làm cha mẹ với con cái. Dường như với mỗi người, cha mẹ chính là người thầy vỡ lòng dạy con biết đi, biết nói, biết sống và biết làm người.

Lần đầu tiên con bị ngã, là cha mẹ nói với con khi ngã con phải tự mình đứng dậy; lần đầu tiên con khóc, là cha mẹ nói với con khóc chính là tình cảm chân thành từ nội tâm của mình, chỉ có điều con phải học cách khống chế tình cảm ấy; lần đầu tiên con cười, là cha mẹ cho con biết cuộc sống có rất nhiều ý nghĩa; lần đầu tiên con gục ngã, là cha mẹ cho con học cách kiên cường đối mặt với khó khăn.

Gia đình là trường học, là nơi diễn ra tiết học đầu tiên của mỗi người sau khi lọt lòng mẹ; cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con. Đây là hai điều “đầu tiên” mà không có bất cứ thứ gì có thể thay thế được. Cổ ngữ có câu: “Khổng Tử gia nhi bất tri mạ, Tăng Tử gia nhi bất tri nộ, sở dĩ nhiên giả, sinh nhi thiện giáo dã”(*). Cho nên sự giáo dục của cha với con là giáo dục sớm, mang tính khai sáng.

___________

(*) Tạm dịch: Con của Khổng Tử không biết mắng chửi, con của Tăng Tử không biết nóng giận, điều này là do giáo dục mà nên.

Theo năm tháng, trẻ lớn lên, dần dần được tiếp xúc với những sự vật, con người ngoài xã hội, tiếp xúc với những điều chân thiện mĩ và cả những điều xấu xa. Người lớn chúng ta không thể nào ngăn cản được điều đó, bởi hàng ngày tivi, internet đều cũng không ngừng phản ánh hiện thực xã hội ở các góc độ khác nhau. Sự ảnh hưởng này vừa có mặt tốt lại vừa có mặt xấu. Đặc biệt là đối với trẻ mầm non bởi trẻ ở độ tuổi này không có khả năng phân biệt phải trái đúng sai, nhưng trẻ lại có năng lực cảm thụ nhạy bén hơn người lớn.

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu như các bậc phụ huynh có thể dựa vào đặc điểm trên của trẻ, tận dụng những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày để giúp trẻ nhận biết, phân biệt những việc phải trái đúng sai, để trẻ tỏ tường được thế nào là chân thiện mĩ, thế nào là tà ác xấu xa, thì mới có thể giúp trẻ bồi dưỡng tính cách đứng về lẽ phải, từ đó ngăn chặn việc tâm hồn trẻ bị xói mòn bởi những thứ phản giáo dục.

Từ 3 đến 6 tuổi thường được gọi là giai đoạn trước tuổi đến trường, cũng chính là giai đoạn giáo dục sớm mà mọi người thường nói. Đây là thời kì quan trọng trong sự phát triển tâm sinh lí của trẻ. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Giai đoạn mầm non là giai đoạn khởi đầu hun đúc nhân cách một con người, rất nhiều năng lực cơ bản của con người hình thành trong giai đoạn này như năng lực biểu đạt ngôn ngữ, các động tác cơ bản, một số thói quen trong cuộc sống và tính cách cũng dần được hình thành trong giai đoạn này. Nhà tâm lí học người Mỹ Benjamin Bloom(**) cho rằng, sự phát triển năng lực trí tuệ của một con người nếu như đến 17 tuổi được tính là 100%, thì giai đoạn trẻ được 4 tuổi sẽ đạt 50%, giai đoạn từ 4 đến 8 tuổi tăng thêm 30%, giai đoạn từ 8 đến 17 tuổi chỉ tăng thêm 20%. Có thể thấy giai đoạn trước 5 tuổi là thời kì trẻ phát triển trí tuệ nhanh nhất, cũng là thời kì tốt nhất để tiến hành giáo dục bồi dưỡng trí tuệ của trẻ. Việc các bậc phụ huynh tiến hành phương pháp giáo dục gia đình trong giai đoạn này là điểm mấu chốt trong sự phát triển trí tuệ sớm của trẻ.

___________

(**) Benjamin Bloom (1913-1999): nhà tâm lí học, nhà giáo dục học, giáo sư tiến sĩ về giáo dục học tại trường Đại học Chicago, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu giáo dục Mỹ.

Từ cổ chí kim, rất nhiều hiền tài đã nhận sự giáo dục bài bản của gia đình trong thời kì ấu thơ, đây là một yếu tố quan trọng giúp họ thành công sau này. Ví dụ như sự thành công của Goethe(*) chính là nhờ có sự giáo dục sớm của gia đình. Khi Goethe 2, 3 tuổi, cha của ông đã đưa ông đi dã ngoại, quan sát tự nhiên, bồi dưỡng khả năng quan sát của ông. Khi Goethe 3, 4 tuổi, cha ông dạy ông hát, đọc ca dao, kể cho ông nghe những câu chuyện thiếu nhi, đồng thời để ông kể chuyện trước mặt mọi người, nhằm bồi dưỡng khả năng biểu đạt của ông. Những hình thức giáo dục có ý thức như vậy, khiến Goethe từ nhỏ đã ham học hỏi và tìm tòi. Lúc 8 tuổi, Goethe đã có thể đọc được các loại sách viết bằng tiếng Đức, Nga, Anh, Ý, La tinh và Hi Lạp; 14 tuổi, ông có thể viết kịch; 25 tuổi chỉ trong vòng một tháng ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết dưới dạng thư nổi tiếng Nỗi đau của chàng Werther(**).

____________

(*) Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), được coi là một trong những vĩ nhân của nền văn chương thế giới. Ông là một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà khoa học, họa sĩ của Đức.

(**) Nỗi đau của chàng Werther (tiếng Đức: Die Leiden des jungen Werther) ra đời trong năm 1774 và được tái bản lần 2 vào năm 1787. Được đánh giá là tác phẩm đầu tiên của thế kỷ XVIII tạo được tiếng vang mạnh mẽ dội đến các nước xung quanh, nhất là trong phong trào lãng mạn tại Pháp, Ý và Anh (Lược sử văn học Đức). Ở Việt Nam, tác phẩm này được dịch giả Quang Chiến chuyển ngữ, GS Hoàng Trinh viết lời giới thiệu, Nxb Văn học in lần đầu năm 1982.

Nếu trong thời kì ấu thơ, không nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình, thì sự phát triển trí tuệ của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Ví dụ như trường hợp của Kamala - “em bé sói” ở Ấn Độ, được sói nuôi từ nhỏ. Khi được phát hiện thì cô bé đã 8 tuổi, cô bé có những thói quen sinh hoạt giống với sói như đi bằng bốn chân, ăn thịt sống, ban ngày sống chui lủi, ban đêm mới hoạt động. Phải mất 2 năm tập luyện, cô bé mới có thể đứng dậy, thêm 6 năm nữa để biết đi, trong vòng 4 năm, cô bé chỉ học được bốn từ đơn giản. Khi được 17 tuổi, khả năng phát triển về trí lực của cô bé chỉ bằng trình độ của một đứa trẻ 3 tuổi bình thường.

Theo như tờ Phụ nữ Trung Quốc, một người công nhân họ Mã ở thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô, Trung Quốc do thần kinh không bình thường, luôn sợ con bị hãm hại, nên đã nhốt ba đứa con gái của mình ở trong nhà từ nhỏ, không cho chúng tiếp xúc với thế giới bên ngoài, mười mấy năm sau những đứa trẻ này có năng lực trí tuệ thấp, phản ứng chậm chạp; gần như bị ngu đần.

Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy rằng không thể coi thường tác dụng của việc giáo dục vỡ lòng trong giai đoạn đầu đối với trẻ.

Nhưng việc giáo dục vỡ lòng không phải cứ thực hiện càng sớm càng tốt, mà đây là một quá trình khoa học. Quá sớm hoặc quá muộn đều bất lợi đối với việc phát triển trí tuệ và ý thức tư duy của trẻ. Cũng giống như câu chuyện ngụ ngôn “Thúc lúa lớn nhanh”(*), nếu như các bậc phụ huynh tiến hành giáo dục quá sớm lúc mà sự phát triển về tâm lí và trí tuệ của trẻ vẫn chưa tới tầm, thì trẻ sẽ không thể tiếp thu được, dẫn tới việc giáo dục không có hiệu quả, còn khiến trẻ có cảm giác chán nản, sợ hãi đối với việc học, để lại hậu quả khó lường về sau. Không ít phụ huynh muốn con mình có một sự khởi đầu sớm, hi vọng trong giai đoạn mẫu giáo con có thể biết đọc biết viết và biết làm toán nên đã cho trẻ học chữ, học toán trước. Điều này thực ra đã tạo áp lực cho trẻ quá sớm, thậm chí khiến trẻ chán ghét việc học.

______________

(*) Đây là câu chuyện ngụ ngôn kể về một người đời Tống, vì muốn lúa của mình lớn nhanh nên đã nhổ nó lên, khiến lúa bị chết hết. Về sau câu chuyện này được đem ra để ám chỉ hành động nóng vội đốt cháy giai đoạn, không tuân thủ theo trình tự thời gian, dễ dẫn đến thất bại.

Giáo dục vỡ lòng, đặc biệt là sự dạy dỗ của cha đối với con có thể tiến hành ở khắp nơi.

Tôi đã từng đọc một câu chuyện như sau:

Trên một đoạn đường đông đúc, xe cộ đi lại như mắc cửi, ở một ngã tư bị tắc đường, một tài xế taxi đã chỉ vào một tòa nhà và nói: “Con trai, con nhìn xem! Đây là bệnh viện Nam Sơn, nơi con đã chào đời”. Đứa con trai mới 2,3 tuổi ngồi bên cạnh, ngạc nhiên hỏi: “Bệnh viện Nam Sơn?”. “Ừ, đúng rồi con đến với thế giới từ chính nơi này”. “ Thế giới?”. “Ồ, con vẫn còn nhỏ, sau này lớn lên, cha sẽ kể cho con...”.

Bất cứ ở đâu trên đường, trên xe hay trên thuyền... cha mẹ đều có thể dạy con. Điều đặc biệt của người cha này là ở chỗ, ông là một tài xế taxi. Trong lúc chờ đợi khi bị bị tắc đường, người cha đã tiến hành sự giáo dục đối với con. Không phải chỉ những người có tiền của, có học vị mới chú trọng vào việc dạy dỗ con cái, mà hầu hết các bậc cha mẹ đều đang âm thầm dành từng phần nhỏ cho con, hành động tích tiểu thành đại này đã dần tạo nên một con đường trưởng thành vững chắc trong mỗi bước con đi. Hi vọng khi lớn lên, đứa trẻ - con người tài xế taxi đó vẫn còn nhớ cái tên mà người cha nhắc đến trong buổi chiều ấm áp đó. Bởi có thể tiếp nhận sự cống hiến nhỏ nhoi này của người cha đối với đứa trẻ ấy là một điều vô cùng hạnh phúc.

Sự dạy dỗ của cha mẹ đối với trẻ dù được tiến hành trong thời gian nào, dưới hình thức nào có ý thức hay vô ý thức, có kế hoạch hay không có kế hoạch, tự giác hay không tự giác; thì mọi ngôn từ, cử chỉ và hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng đến thói quen sống, hành vi đạo đức cũng như cử chỉ lời nói của trẻ. Không chỉ vậy, tác dụng ngầm của sự giáo dục này là rất lớn, theo suốt cuộc đời của con người, có thể nói sống đến già học đến già, cho nên Đông Tử mới gọi các bậc cha mẹ là “người thầy suốt đời” của con.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Tính quyền uy là sự thể hiện quyền lực và uy lực đối với trẻ. Sự tồn tại của gia đình dựa trên quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng, quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Trên cả phương diện luân lí đạo đức và đời sống vật chất, con cái đều phải dựa dẫm nhiều vào cha mẹ; thêm vào đó là tính thống nhất về lợi ích cơ bản của các thành viên trong gia đình; tất cả những điều này đã quyết định sự kìm hãm của cha mẹ đối với con cái, cho nên hình thức giáo dục này dễ khiến con cái tiếp nhận và phục tùng sự dạy dỗ của cha mẹ. Cha mẹ biết sử dụng hợp lí điều này sẽ rất có lợi đến việc hình thành những phẩm chất đạo đức, những thói quen hành vi sống tốt của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ vẫn còn nhỏ. Trong quá trình chơi với các bạn, khi xuất hiện tranh chấp, trẻ thường dùng những lời nói của cha mẹ để chứng minh tính hợp lí trong hành vi lời nói của mình, ví dụ chúng rất thích nói “Cha tớ nói vậy” hoặc “Mẹ tớ làm thế”…

Trong những năm tháng ấu thơ của trẻ, người cha đóng hai vai trò rất quan trọng, vừa là người đảm bảo cuộc sống vật chất đầy đủ cho con, vừa là người hướng dẫn khai sáng cho cuộc đời của con. Hiệu quả của việc giáo dục của người cha phụ thuộc vào mức độ quyền uy mà người cha thiết lập. Sự thiết lập này nhất nhất phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng nhân cách trẻ, chứ không phải theo chế độ phong kiến cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Người cha sáng suốt là người không chỉ hiểu rõ tầm quan trọng của sự thiết lập tính quyền uy, mà còn hiểu được rằng quyền uy không phải dựa vào sự ép buộc, cưỡng chế hay là sự phán đoán chủ quan, mà phải kết hợp khéo léo giữa các phương pháp vừa cứng rắn lại vừa mềm mỏng.

Tính tự nhiên và tính chặt chẽ trong mối quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con cái khiến những tình cảm buồn vui của cha mẹ có ảnh hưởng đến tâm trạng của trẻ, và ngay cả trẻ nhỏ cũng bị ảnh hưởng. Con cái có thể hiểu thấu những việc làm của cha mẹ thông qua sợi dây tình cảm. Cách giải quyết các vấn đề và các mối quan hệ phát sinh ở xung quanh của con cái cũng rất dễ chịu sự ảnh hưởng từ cách giải quyết của cha mẹ. Nếu cha mẹ nóng nảy, thiếu lí trí, luôn lấy tình cảm để giải quyết sự việc, trước một sự việc phát sinh đột ngột vì sợ hãi bất an mà trở tay không kịp thì cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến con cái. Trong những tình huống như thế, nếu người cha bình tĩnh xử lí, thì sau này khi gặp sự cố người con đó cũng sẽ bĩnh tĩnh giải quyết. Như vậy mới có thể phát huy tác dụng tích cực đối với việc xây dựng phẩm chất tâm lí cho trẻ.

Quá trình giáo dục vỡ lòng của cha mẹ với trẻ là hành vi giáo dục cá biệt, so với giáo dục ở trường học, nó phải mang tính kịp thời hơn. Cha mẹ là người nắm rõ mọi thứ của con trẻ, khi con có chút thay đổi dù là một ánh mắt hay một nụ cười, cha mẹ đều có thể nhận biết. Vì thế, cha mẹ có thể thông qua hành vi cử chỉ của trẻ để kịp thời nắm bắt trạng thái tâm lí của con, phát hiện vấn đề, không để vấn đề đi quá xa, kịp thời giáo dục dạy bảo, tiêu diệt triệt để những thói quen xấu của trẻ ngay trong thời kì trứng nước.

Trong bộ phim Awara(*) của Ấn Độ có một câu châm ngôn kinh điển là: “Con trai của kẻ trộm chưa chắc sẽ là kẻ trộm, con trai của quan tòa chưa chắc sẽ là quan tòa”. Cho nên bạn là ai không quan trọng, quan trọng là bạn sẽ để con mình trở thành người như thế nào. Rất nhiều người quyền cao chức trọng, có địa vị trong xã hội đều do những người cha người mẹ hết sức bình thường dạy dỗ mà nên.

____________

(*)Awara hay Người lưu lạc: Tác phẩm điện ảnh nổi tiếng phản ánh hiện thực xã hội đen tối của tầng lớp thượng lưu Ấn Độ, đồng thời ca ngợi chủ nghĩa nhân đạo và tình yêu trong sáng. Năm 1953, bộ phim đã giành được giải thưởng tại Liên hoan phim Quốc tế Cannes.

Cuộc sống chính là giáo dục, giáo dục ẩn chứa trong cả những điều nhỏ nhất, giáo dục vỡ lòng cũng vậy. Chỉ có “người thầy vỡ lòng” đạt tiêu chuẩn mới có thể giáo dục nên những đứa trẻ ưu tú.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx