sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10: Kích Thích Khát Vọng Ham Học Hỏi Đáng Quý

Nhiệm vụ của người cha là giúp trẻ học tập, cho dù là trên phương diện nhận thức, tình cảm hay là kĩ năng, người cha đều phải khơi dậy trong trẻ khát vọng ham học hỏi và tính hiếu kì, trẻ mới có thể yêu thích học tập và học tập tốt.

Ham học hỏi là bản tính của trẻ. Càng lớn, trẻ càng hỏi nhiều. Cái gì trẻ cũng cảm thấy mới mẻ thú vị, cái gì cũng muốn biết, và trẻ nghĩ rằng cái gì cha mình cũng biết.

Từ khi biết nói, trẻ không quan tâm cha có bận hay không, cả ngày cứ quấn lấy cha hỏi những câu hỏi kì quái, thậm chí hỏi những câu mà người lớn cho là không đáng hỏi. Với những câu hỏi của trẻ, người cha nên có thái độ đúng đắn, coi đó là chuyện bình thường. Suy cho cùng, bản tính ham học hỏi của trẻ chính là mầm mống của khát vọng khám phá tri thức. Nếu người cha tích cực bảo vệ, kiên nhẫn giáo dục bồi dưỡng một cách khoa học thì nó sẽ phát triển mạnh mẽ, nếu như bảo vệ không tốt thì sẽ khiến nó suy tàn thậm chí bị hủy hoại.

Kích thích khát vọng của trẻ chính là làm biến đổi từ “muốn con học” trở thành “con muốn học”. Nhiệm vụ của người cha là giúp đỡ con học tập, cho dù là trên phương diện nhận thức, tình cảm hay kĩ năng, người cha đều cần phải khơi dậy trong trẻ khát vọng ham học hỏi và tính hiếu kì, có như vậy trẻ mới có thể yêu thích học tập và học tập tốt.

Người cha có thể hướng dẫn gợi ý trẻ từ nhiều phương diện để kích thích tính hiếu kì của trẻ, ví dụ kể cho trẻ những câu chuyện về những tấm gương hiếu học, nỗ lực vươn lên, qua đó hun đúc tư tưởng tình cảm của trẻ hoặc giúp trẻ xác định mục tiêu học tập đúng đắn, làm cho trẻ hiểu được tại sao phải đến trường học tập.

Khi tiến hành giáo dục có mục đích trong học tập đối với trẻ thì có thể tập trung từ nhiều góc độ, ví dụ như đối với việc học văn, chúng ta cần giúp trẻ hiểu học văn là để nắm vững công cụ giao tiếp thông qua ngôn ngữ văn tự, đặt nền móng để học tốt các môn học khác. Chỉ khi nào trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc học văn, trẻ mới có lòng đam mê đối với văn học và nỗ lực học tốt nó. Các môn học khác cũng như vậy.

Khi trẻ 5-6 tuổi, nhu cầu ham học hỏi của trẻ càng mạnh mẽ, lúc này người cha nhất định phải thỏa mãn nhu cầu đó, chỉ có như vậy mới có thể thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của trẻ, làm cho trẻ ngày càng thông minh.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Tiêu điểm của cuộc đua trong xã hội tương lai chính là sự tranh đấu về sức mạnh sáng tạo. Để không bị thất bại thì trẻ phải có kiến thức phong phú, có tinh thần sáng tạo, có năng lực tự giải quyết vấn đề. Bởi vậy, dạy trẻ biết cách độc lập suy nghĩ giải quyết vấn đề là rất cần thiết. Người cha không chỉ cổ vũ trẻ tiếp thu tri thức, mà còn phải khuyến khích trẻ tự mình đi tìm đáp án của tri thức.

Các hiện tượng thực tế của cuộc sống thường để lại ấn tượng sâu sắc trong kí ức của trẻ hơn bất kì loại sách hay loại phim giáo dục nào. Ví dụ, cho trẻ nhìn móng tay của chúng qua kính hiển vi, chúng sẽ hiểu được tại sao hàng ngày phải rửa tay trước khi ăn; cho trẻ nhìn thấy những thứ độc hại có trên vỏ bánh mì sẽ hiệu quả hơn giải thích bằng lời; nếu đưa trẻ đi tham quan viện bảo tàng hoặc các viện nghiên cứu khoa học, không nên dẫn trẻ đi theo lộ trình tham quan như quy định, mà hãy để trẻ dẫn đường; như vậy chúng ta sẽ biết trẻ có hứng thú nhất với cái gì.

Sự tìm tòi bắt nguồn từ sự ngạc nhiên, nên lập kế hoạch dẫn trẻ đi nhiều nơi, xem nhiều thứ, để trẻ cảm nhận được sự phức tạp của xã hội; như vậy mới có thể thỏa mãn tính hiếu kì và khát vọng ham học hỏi của trẻ.

Các bậc phụ huynh cũng có thể kích thích trí tuệ, năng lực đa chiều của con mình thông qua các trò chơi, để rèn luyện khả năng ghi nhớ, khả năng phản ứng, phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Mỗi người đều có những sở trường và ưu điểm riêng, quan trọng là phải biết khai quật và liên kết chúng lại với nhau. Có một giáo viên, lần nọ đại khái nói về tố chất tâm lí không tốt của một học sinh, khiến tâm trạng cậu bé này trở nên u ám. Nhưng cha cậu bé đã phân tích tỉ mỉ cặn kẽ để cậu bé hiểu tố chất tâm lí của cậu không có vấn đề gì; đồng thời chỉ ra rất nhiều điểm tốt, cùng những chỗ cậu cần phải thay đổi và nâng cao, từ đó giải phóng sự nghi ngờ trong lòng cậu bé.

Trong quá trình giáo dục, phải thường xuyên cung cấp hoặc tạo điều kiện để trẻ có cơ hội đạt được thành công. Ví dụ, đặt những câu hỏi đơn giản để trẻ suy nghĩ, sắp xếp một số công việc trong khả năng để trẻ làm, sẽ khiến trẻ cảm nhận được niềm vui của sự thành công, thỏa mãn lòng tự trọng của trẻ trên phương diện kiến thức, năng lực, khả năng phán đoán. Không được nói với trẻ những lời như “Con là đồ ngốc”, “Con không hiểu, để cha bảo”, người cha phải thể hiện sự khiêm tốn: “Cha nghĩ vấn đề này con biết, con hãy nói cách nghĩ của mình”. Như vậy lòng tự trọng của trẻ được bảo vệ, trẻ sẽ nỗ lực suy nghĩ, tích cực tìm tài liệu, cố gắng giải quyết vấn đề.

Theo tôi quan sát, đối với các câu hỏi tràn đầy sự hiếu kì của trẻ, khi trả lời, những người cha thường có hai kiểu phản ứng: một là, không để ý, trả lời qua loa, ứng phó, thậm chí còn tỏ ra khó chịu, kiểu như “Cha đang bận, ra ngoài chơi đi”, “Ra ngoài, lớn lên con sẽ hiểu”; hai là biết thì nói, chỉ cần con hỏi, liền nhiệt tình trả lời.

Cách phản ứng thứ nhất đương nhiên là sai lầm lớn, cần phải tránh. Trẻ đặt câu hỏi chứng tỏ trẻ đang chủ động suy nghĩ, có khát vọng tìm hiểu, người làm cha nên cảm thấy vui đồng thời ủng hộ và khích lệ trẻ. Từ chối trả lời một cách thô bạo hoặc trả lời ứng phó đều có thể hủy hoại tính hiếu kì muốn khám phá thế giới của trẻ ở các mức độ khác nhau. Cách phản ứng thứ hai được xem là một cách làm đúng đắn, đáng khích lệ, bởi người cha hiểu phải thỏa mãn khát vọng ham học hỏi của trẻ, tận dụng những câu hỏi của trẻ để truyền bá tri thức cho trẻ. Nhưng tôi không tán đồng cách giáo dục khi trẻ hỏi nhất định phải trả lời, bởi cách làm này chỉ làm phong phú kiến thức cho trẻ mà đã bỏ qua, coi thường việc bồi dưỡng năng lực suy nghĩ của trẻ. Khi trẻ nôn nóng muốn biết đáp án, mà chúng ta đưa đáp án ngay cho trẻ, thì lâu dần trẻ sẽ mất đi tính tích cực chủ động suy nghĩ, năng lực tự nhiên suy nghĩ cũng không được rèn luyện. Bởi lúc này, trẻ đã quen “được ăn sẵn”.

Tôi cho rằng, trước những câu hỏi của trẻ, cách làm khoa học là không được trả lời ngay, mà phải tận dụng cách hỏi ngược, gợi ý trẻ suy nghĩ những câu hỏi mình đặt ra hoặc là cổ vũ trẻ tự đi tìm đáp án. Cũng không nên vội khen ngợi trẻ, mà hãy chờ khi cuộc thảo luận kết thúc. Những câu nói như “Thú vị thật”, “Cha chưa từng nghĩ như vậy”, có thể khiến trẻ ngày càng chủ động tư duy, tìm tòi, ham khám phá hơn.

Lần đầu tiên Y Y ăn vải là lúc con mới hơn 1 tuổi, mới bi bô tập nói. Con cầm quả vải lên cho vào miệng, đột nhiên hỏi tôi: “Hạt của quả này hình gì?”. Tôi cười hỏi lại con: “Con thử nói xem sẽ là hình gì”. Con suy nghĩ và trả lời: “Hình tròn”. Tôi tiếp tục hỏi: “Tại sao?”. “Bởi vì hột quả đào là hình tròn”. “Vậy, nó có màu gì?”. “Ừm... màu hạt quả đào” - Y Y khẳng định như vậy. Tôi lại hỏi: “Có thể là hình khác không? Đây là quả vải, không phải quả đào, sao giống nhau được”.

Y Y tỏ vẻ hoài nghi: “Hình vuông, phải không ạ? Dài phải không ạ?”. Cứ vậy, hai cha con đã nói chuyện về vấn đề này rất lâu, tôi kiên quyết không nói cho con biết đáp án. Con nghĩ rất nhiều cách, cuối cùng nói: “Ăn một quả sẽ biết”. Tôi cười: “Được, để xem nó hình gì nhé!”.

Từ đầu đến cuối tôi chỉ gợi ý dẫn dắt con, để con tự suy nghĩ đi tìm đáp án, nhờ vậy trí tưởng tượng của con được rèn luyện đầy đủ. Giống như đại đa số các phụ huynh khác, chỉ cần con hỏi, vợ tôi đều rất nhiệt tình trả lời, mặc dù rất nhiều lần tôi đã nhắc cô ấy không nên làm vậy. Hãy nhớ rằng khi trẻ đặt câu hỏi, chúng ta nên có ý thức dừng lại, cho trẻ thời gian suy nghĩ, đừng vội nói với trẻ đáp án ngay.

Khi con hỏi những vấn đề tôi không hiểu hoặc không biết cách trả lời, tôi sẽ nói với con rằng sách là thế giới rất kì diệu. Chúng ta có thể tìm thấy đáp án trong những cuốn sách. Có khi con hỏi những vấn đề tôi biết nhưng cũng vờ như không biết. Dần dần, khi gặp vấn đề, con sẽ chủ động tìm đáp án trong sách vở. Từ đó có thể hình thành thói quen thích đọc sách của con.

Trẻ thông minh không thể hiện ở việc trẻ nắm vững bao nhiêu tri thức, mà ở việc trẻ biết suy nghĩ hay không. Vì thế hãy cho trẻ cơ hội suy nghĩ, trẻ mới thực sự trở nên thông minh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx