sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 16: Bảo Vệ Thế Giới Tâm Hồn Của Trẻ

Những trẻ không có nhân cách vững vàng và không có trạng thái tâm lí lành mạnh cũng giống như ô tô không có động cơ, máy tính không có bộ vi xử lí.

Cùng với sự phát triển của xã hội, con người dần có sự nhận thức hoàn toàn mới và toàn diện về sự khỏe mạnh. Đại đa số chúng ta đều ý thức được, chỉ có một thân thể cường tráng, khỏe mạnh thì chưa đủ, mà bên cạnh đó tâm lí phải lành mạnh và có khả năng thích ứng tốt với xã hội mới có thể được coi là một người khỏe mạnh. Trong việc giáo dục trẻ cũng vậy, muốn trẻ thành tài, thì không chỉ chú trọng đến sức khỏe, thành tích học tập xuất sắc, mà quan trọng hơn là bồi dưỡng nhân cách vững vàng và trạng thái tâm lí lành mạnh. Bằng không thì sức khỏe của trẻ có tốt đến đâu, thành tích học tập của trẻ có xuất sắc thế nào cũng khó có thể trở thành một nhân tài. Những trẻ không có nhân cách vững vàng và không có trạng thái tâm lí lành mạnh cũng giống như ô tô không có động cơ, máy tính không có bộ vi xử lí.

Cho dù bạn là ai, xin hãy bảo vệ tâm hồn trẻ, bởi trẻ tuy vẫn còn nhỏ nhưng cũng là một người có khả năng suy nghĩ độc lập. Bảo vệ chu đáo tâm hồn trẻ, bạn mới có thể được trẻ tôn trọng và yêu quý. Nhà giáo dục nổi tiếng người Liên Xô (cũ) Vasyl Sukhomlynsky (1918-1970) đã từng nói: “Chúng ta càng đi sâu vào thế giới tâm hồn trẻ, càng cảm nhận được tư tưởng tình cảm của chúng, sẽ càng hiểu rõ được một chân lí: Khi chúng ta làm ảnh hưởng đến thế giới tâm hồn trẻ, không nên làm tổn thương góc độ nhạy cảm nhất trong tâm hồn của chúng - lòng tự trọng”.

Hoạt động tâm lí và tư tưởng tình cảm của trẻ rất đặc biệt, cha mẹ muốn dùng tình thương để quan tâm; để đi sâu vào tâm hồn của trẻ, thì phải dùng “não của trẻ” để suy nghĩ, dùng ánh mắt của trẻ để nhìn, dùng tình cảm của trẻ để cảm nhận, dùng hứng thú của trẻ để yêu, lúc đó bạn sẽ phát hiện ra, tâm hồn của trẻ là một thế giới phong phú nhiều sắc màu. Chúng khát khao được yêu quý, được tôn trọng, được hiểu, được tín nhiệm và càng mong muốn được khen ngợi và được thừa nhận. Cha mẹ phải dùng ánh mắt khích lệ để quan sát những điểm sáng của trẻ, dùng tâm trạng vui vẻ để khen ngợi mọi thành công của trẻ, cho dù là tiến bộ rất nhỏ, cũng phải tích cực biểu dương và cổ vũ trẻ.

Đại bộ phận cha mẹ chỉ chăm chăm nhìn vào điểm số và xếp hạng của con, khi nói chuyện với con thì ngoài việc học ra chẳng còn gì để hỏi nữa, lúc nào cũng lặp đi lặp lại những câu như: Hôm nay học cái gì? Khi nào thi? Thi được bao nhiêu điểm? Xếp thứ mấy? Chỉ từng ấy điểm thôi sao? Ai cao điểm nhất? Nếu con không được điểm cao nhất thì cha mẹ lại thất vọng và tức giận nói “Xem người ta đấy, cũng đi học như bạn mà con chỉ đạt từng ấy? Thật kém cỏi!”.

Đây là hiện tượng phổ biến, có rất nhiều gia đình chỉ coi trọng việc giáo dục trí tuệ, con cứ có thành tích tốt tức là con ngoan; mà không chú trọng đến giáo dục đạo đức, tâm hồn cho trẻ. Đây chính là sự lệch lạc, thiếu sót rất lớn trong cách giáo dục trẻ. Bởi, tâm hồn lành mạnh mới là tài sản lớn nhất trong quá trình trưởng thành của trẻ. Tâm hồn của trẻ rất yếu ớt, cần người lớn bảo vệ bằng cách khẳng định và cổ vũ. Thực ra điều con cần khi đạt được số điểm như vậy là lời động viên, khích lệ của cha của mẹ; chứ không phải là bình xét, trách mắng con kém cỏi mà người lớn vẫn thường làm. Cha mẹ cứ nói cho bõ tức, mà không hề biết rằng những câu nói đó là sự phán quyết quá hà khắc đối với trẻ, giống như bóng đen bao phủ lên tâm hồn trẻ, ám ảnh trẻ, làm ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ. Thử nghĩ xem, ngay đến cha mẹ còn thiếu niềm tin, còn chê trách con cái mình, thì bản thân người con đó còn có kì vọng gì lớn đối với cuộc đời nữa đây?

Tôi bất chợt nghĩ đến một chuyện thế này:

Có một cậu bé vì tò mò muốn xem trong bụng con chim có cái gì nên một ngày nọ, cậu đã giết chết con chim được nuôi trong nhà. Cha của cậu bé không hề đánh đập hay mắng mỏ cậu bé mà bình tĩnh giảng giải để cậu bé hiểu không nên giết hại những sinh linh vô tội, phải tôn trọng, bảo vệ sự sống; đồng thời yêu cầu cậu bé vẽ một bức tranh về bộ máy cơ quan nội tạng bên trong con chim. Nhiều năm sau, khi cậu bé này trở thành một nhà sinh vật học đã nói, chính nhờ có sự chỉ bảo của cha hôm đó, mà ông mới có thành tích ngày hôm nay.

Khi đối diện với lỗi lầm mà đứa con mắc phải, người cha này không hề trách mắng con một cách mù quáng, mà đã tỉ mỉ giảng giải hướng dẫn con trẻ, vừa bảo vệ tâm hồn con, vừa có thể giúp con học được tri thức, đồng thời giáo dục lòng nhân đạo cho con.

Hiếu kì và nghịch ngợm là bản tính của trẻ, bởi vậy chúng ta phải giáo dục và hướng dẫn trẻ, chứ không phải là dùng ngôn ngữ, hành động thô bạo để làm tổn thương tâm hồn trẻ.

Người cha trong câu chuyện trên chính là thần hộ mệnh tâm hồn của con trẻ, đối nghịch với nó chính là bạo lực tinh thần. Bạo lực tinh thần là vấn đề tồn đọng phổ biến, chưa được mọi người coi trọng trong giáo dục gia đình. Bạo lực tinh thần chỉ những hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí lành mạnh và những tổn hại về thân thể trong quá trình trưởng thành của thanh thiếu niên. Xung quanh chúng ta, không ít trẻ vì phải gánh chịu bạo lực tinh thần, nên luôn sống trong cảm giác tự ti và sợ hãi.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Dùng những lời lẽ và thủ đoạn ép buộc, uy hiếp trẻ là một phương pháp sai lầm mà các vị phụ huynh hay dùng để giáo dục trẻ. Các vị phụ huynh thường cho rằng trẻ còn nhỏ, không hiểu chuyện nên dùng phương pháp này để bắt trẻ nghe lời. Ví dụ trẻ nghịch ngợm, không chịu ngủ, cha mẹ thường lấy ma quỷ, hoặc một thứ gì đó rất đáng sợ để dọa cho trẻ ngủ.

Phương pháp này sẽ hủy hoại sự tin tưởng của trẻ đối với cha mẹ, khiến trẻ rụt rè sợ hãi, thậm chí dẫn đến bệnh tự kỉ hoặc lo âu, trẻ cũng sẽ bắt chước cách làm này hăm dọa người khác để cưỡng chế đối phương đáp ứng nhu cầu không đúng đắn của bản thân.

Nhiều phụ huynh khi trách mắng con mình, thường đem nhược điểm của con mình so sánh với ưu điểm con nhà người khác, thấy những trẻ khác đạt được thành tích cao hoặc nhận giải thưởng gì đó thế là liền mắng con mình: “Tại sao con không làm được? Nếu như con xuất sắc bằng một nửa con nhà người ta thì cũng tốt rồi...”.

Thực ra mỗi trẻ đều có nét đáng yêu, những ưu - nhược điểm, thế mạnh riêng, nếu cha mẹ chỉ chú ý đến những nhược điểm của trẻ, thì chỉ khiến trẻ cảm thấy tự ti, mất tự tin vào bản thân mà thôi. Vì thế, cha mẹ hãy cho trẻ một tâm hồn tự tin, bởi trẻ không tự tin sẽ không có khả năng thay đổi những nhược điểm của mình.

Hiện nay, có rất nhiều cha mẹ có tâm lí dạy con ở nhà trước khi cho đến lớp, mà không để ý gì đến tình hình thực tế của trẻ, ép trẻ phát triển theo xu hướng mà họ đặt kì vọng. Ví dụ cha mẹ dùng tiêu chuẩn của người trưởng thành hoặc của thiên tài, thần đồng để thúc ép trẻ học cái này hoặc cái kia. Đối với trẻ, đây là một gánh nặng lớn, và khi không đạt được kì vọng của cha mẹ, trẻ sẽ nảy sinh tâm lí phủ nhận bản thân.

Chúng ta vẫn thường nói: “Không được bôi nhọ tâm hồn trẻ”, nhưng khi trẻ mắc lỗi, làm sai, thì chúng ta lại dùng lời lẽ khó nghe để mắng mỏ trẻ; điều này sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ nảy sinh tâm lí ngang ngạnh, mất đi chí tiến thủ.

Cha mẹ thường không bao giờ quên nấu cơm, mua đồ bổ dưỡng cho con ăn, bảo vệ chu đáo cho sức khỏe của con, nhưng lại quên mất tâm hồn con cũng cần được bồi dưỡng để phát triển. Những vấn đề về tinh thần không ngừng tích tụ lại sẽ ngày càng nhiều lên cùng với sự phát triển về trí tuệ của trẻ, tạo thành mối quan hệ rắc rối phức tạp, khiến trẻ mất phương hướng. Những trẻ có tư tưởng, tình cảm không khỏe mạnh, thì cho dù trí tuệ có giỏi đến đâu, cũng không thể cảm thấy vui vẻ.

Chúng ta phải bảo vệ tâm hồn của trẻ như bảo vệ hạt sương trong sáng yếu ớt đọng trên chiếc lá. Mỗi câu nói mang tính động viên khích lệ của chúng ta đều có thể tăng thêm sự tự tin cho trẻ gấp trăm lần, nhưng cũng chỉ một câu nói trách mắng thô bạo cũng đủ để khiến danh dự của con bị tổn thương vô cùng lớn. Vì vậy, đừng chỉ chú ý đến biểu hiện bên ngoài của trẻ, mà người lớn hãy quan tâm đến tâm lí của trẻ, bảo vệ tâm hồn trẻ mới là gốc rễ của việc giáo dục.

Chúng Chúng vốn là một cô bé rất vui vẻ hoạt bát, nhưng sáng nay lại không chịu đi mẫu giáo, chuyện này chưa từng xảy ra. Cô bé chính là “lãnh tụ” của những bé gái; trong các trò chơi, cô bé thường đóng những vai có uy quyền, ánh mắt của cô bé thường biểu lộ ra hào quang của sự tự tin, đầy khí phách. Sáng nay, bà nội đã đưa cô bé đến cửa lớp, nhưng cô bé nhất định không chịu vào lớp học. Thật là kì lạ, việc này là thế nào? Nhìn vẻ mặt kiên quyết của cô bé, cha mẹ cũng không biết làm thế nào, đành phải chấp nhận. Một lát sau, cha của cô bé mới chợt nghĩ ra một việc.

Hôm qua khi đón cô bé, Chúng Chúng đã kể với cha một câu chuyện. Trong giờ ngủ trưa, hai cô giáo đã rì rầm bàn luận về các học sinh trong lớp: Có bạn thì lanh lợi nhanh nhẹn, có bạn thì đáng yêu ngốc nghếch, có bạn thì thông minh trí tuệ... Đến Chúng Chúng, cả hai cô giáo đều nhất trí cho rằng, cô bé rất thông minh, nhưng quá xấu xí. Các cô không ngờ lúc này hầu hết bọn trẻ đã tỉnh dậy, chỉ là chúng vẫn nằm yên trên giường, thế nên trẻ nào cũng nghe thấy những lời các cô nhận xét về mình. Nghĩ đến đây, người cha mới hiểu ra tại sao con mình hôm nay nhất định không chịu đến lớp. Người cha suy nghĩ tìm cách an ủi, giúp con gây dựng lại lòng tự tin, ông đã nói với Chúng Chúng: “Quan niệm về cái đẹp của mỗi người mỗi khác, và trong mắt của cha mẹ Chúng Chúng rất xinh đẹp”.

Tại sao các bậc cha mẹ lại thường xuyên tức giận nóng nảy, quá nghiêm khắc với con mình? Đúng là, việc học tập của trẻ làm cho chúng ta thấy lo lắng, tiền đồ của trẻ dường như chỉ có một con đường là thi cử và học hành; thêm vào đó áp lực và sự cạnh tranh trong công việc làm cho chúng ta không thở nổi; chúng ta hoàn toàn chỉ vì muốn tốt cho trẻ, nhưng trẻ không hiểu, không thông cảm cho chúng ta.

Nhưng chúng ta đã từng đặt mình vào vị trí của trẻ để nghĩ cho trẻ bao giờ chưa? Chúng là những đứa trẻ cần tình yêu và sự dịu dàng, chúng có cách nghĩ và lòng tự trọng riêng, chúng không phải là vật thể phụ thuộc vào chúng ta. Nhưng người lớn chúng ta lại luôn cho mình cái quyền dạy dỗ như thế nào cũng không coi là quá đáng, là vì muốn tốt cho trẻ, cho nên chúng ta không hề để ý đến phương pháp hay cách thức giáo dục.

Nhiều khi do chúng ta thấy buồn bực, trong lòng bất an, cuộc sống công việc của chúng ta không như ý muốn, nên mọi tức giận đem trút hết lên đầu trẻ. Như vậy có công bằng không? Chúng ta còn chưa chín chắn, thì có đủ tư cách để dạy dỗ trẻ không? Khi trẻ gặp vấn đề, chúng ta càng trách móc và ghét bỏ trẻ, thì sẽ chỉ hình thành vòng tròn luẩn quẩn, không lối thoát, và lãng phí rất nhiều thời gian. Ngày hôm nay, trẻ thành ra như vậy, là kết quả giáo dục của chúng ta ngày hôm qua mà thôi. Hãy tâm niệm, “Những thứ mình không thích thì cũng không nên ép buộc người khác làm”, bản thân mình không làm được, cớ sao lại bắt trẻ làm? Tham vọng quá cao, bắt trẻ thực hiện lí tưởng của bản thân, chính là sự ích kỉ cực đoan, sẽ làm méo mó tâm hồn vốn dĩ rất đẹp của trẻ.

Làm cha mẹ, đặc biệt là người cha trong gia đình, hãy biết bao dung với mọi người. Hãy để lòng mình lắng lại, rồi đối diện với trẻ, như vậy mới có thể bảo vệ tốt tâm hồn của trẻ, giải quyết tốt các vấn đề trong quá trình trưởng thành của trẻ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx