sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 22: Bận Thế Nào Cũng Phải Trò Chuyện Giao Lưu Với Trẻ

Nên tự ám thị bản thân: Ta có một đứa con đáng yêu như vậy, chúng ta phải cùng trưởng thành, chúng ta phải cùng nhau đối mặt với rất nhiều vấn đề, chúng ta phải sống hạnh phúc và vui vẻ.

Tôi đã từng nghe một câu chuyện như sau:

Có một ông chủ của một công ty công việc hàng ngày rất bận, tiếp khách rất nhiều, mọi việc trong nhà tất cả đều giao hết cho vợ, tất cả mọi việc của cô con gái cũng do một mình người vợ lo toan.

Vào một ngày hiếm hoi ông này ở nhà nghỉ ngơi, chuông điện thoại trong nhà reo lên. Bà vợ đã đưa con đi dạo phố nên ông ta đành phải nghe điện thoại. Trong điện thoại là một bé gái tìm con gái của ông ta, khi biết con gái ông ta không có ở nhà, cô bé này liền nhờ ông ta nhắn với con gái ông ta một số việc. Ông ta lấy giấy bút ghi chép cẩn thận những gì cô bé dặn.

Buổi tối bà vợ đưa con gái về nhà. Ông ta lấy tờ giấy ghi chép, truyền đạt nội dung của cuộc điện thoại cho con gái không sót một thứ gì. Lúc đầu cô bé vẫn nghiêm túc lắng nghe, nhưng sau đó thì cười với mẹ một cách kì lạ, cuối cùng cả hai mẹ con cười phá lên, người cha giật mình, không hiểu con gái cười cái gì, thậm chí còn có chút không vui: Cha coi trọng việc của con như vậy, con lại còn cười, ý con là sao?

Kết quả là cô bé gọi cuộc điện thoại đó chính là con gái ông ta, cô bé và mẹ cá cược xem người cha có thể nhận ra giọng con gái mình không.

Kết quả, cô bé đã thắng.

Người cha nghe xong câu chuyện, không nói gì một hồi lâu.

Ông ta là một người cha quá bận rộn đến mức quên mình là một người cha.

Chúng ta có thể phán đoán, người cha này rất ít giao lưu trò chuyện với con gái, tất nhiên rất khó trở thành bạn của con. Cho dù ông ta rất quan tâm đến con gái, rất coi trọng việc của con, nhưng ông ta lại không phải là một người cha tốt. Bởi vì người cha tốt nhất định phải là người bạn tốt của trẻ.

Bạn là gì?

Thực ra rất đơn giản, bạn là người có thể nói chuyện hợp gu với mình.

Như thế nào là nói chuyện hợp gu?

Trò chuyện nhiều hơn, giao lưu nhiều hơn, tạo ra nhiều tiếng nói chung hơn thì tự nhiên sẽ nói chuyện hợp gu.

Trò chuyện chính là sự giao lưu tư tưởng và tình cảm, là sự trao đổi thông tin và ý kiến. Rất nhiều trẻ không muốn nói với cha mẹ những tâm sự trong lòng mình, nói với cha thì sợ câu nào nói không đúng sẽ bị cha nổi nóng mắng cho một trận, còn nói với mẹ thì sợ mẹ nghiêm khắc phê bình cho một bài. Thế là trẻ càng không muốn nói cách nghĩ của mình với cha mẹ, cứ như vậy sẽ tạo nên khoảng cách giữa hai thế hệ.

Trong những tình huống như trên, thường thì những người mẹ rất khó có thể bình tĩnh để phân tích nguyên nhân, mà chỉ một mực đi tìm những sai sót của trẻ. Các bà mẹ thường nghĩ: Bây giờ nhịp điệu cuộc sống hiện đại quá nhanh, trong xã hội cạnh tranh rất quyết liệt, phụ huynh chúng ta vì kế sinh nhai của gia đình và vì tiền đồ sự nghiệp của chính bản thân chúng ta mà hàng ngày phải nỗ lực làm việc, công việc bận rộn vô cùng vất vả, mệt mỏi, khi trở về nhà chỉ muốn nghỉ ngơi, còn đâu hơi sức để nói chuyện với trẻ nữa, trẻ hiểu chuyện thì nên thông cảm cho cha mẹ, tự mình ra ngoài chơi. Lúc này người cha nên xuất hiện, trong lòng trẻ người cha mãi là một chiếc ô lớn, chỉ cần đứng dưới ô, thì dù có bất kì mưa gió bão bùng gì trẻ cũng không sợ, sự chín chắn của người cha cho trẻ có cảm giác an toàn. Từ đó có thể thấy, trên phương diện này ảnh hưởng của người cha đến trẻ lớn hơn người mẹ.

Làm thế nào để nuôi dạy tốt con của mình, làm thế nào mới có thể giao lưu trò chuyện vui vẻ với trẻ, đều là những vấn đề các vị phụ huynh rất quan tâm, và đây cũng là vấn đề khó giải quyết trong bối cảnh xã hội hiện nay. Khi cha mẹ trò chuyện với trẻ, đầu tiên cần phải điều chỉnh tâm trạng bản thân, tự ám thị: Ta có một đứa con đáng yêu như vậy, chúng ta phải cùng trưởng thành, chúng ta phải cùng nhau đối mặt với rất nhiều vấn đề, chúng ta phải sống hạnh phúc và vui vẻ.

Cho nên, cho dù bạn bận rộn thế nào, làm một người cha, bạn không được quên giao lưu trò chuyện với trẻ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Chúng ta nên hiểu rằng yêu trẻ, đầu tiên phải tôn trọng, tin tưởng trẻ. Tôn trọng và tin tưởng là nguyên tắc giáo dục hiện đại đầu tiên. Tôn trọng tin tưởng trẻ là phải tôn trọng sự sắp xếp thời gian học tập của trẻ, không được can thiệp quá nhiều; là phải tôn trọng quyền riêng tư của trẻ, không được xem tùy bút, nhật kí, thư của trẻ nếu chưa được sự đồng ý của trẻ; là phải tôn trọng sở thích hứng thú của trẻ, đồng thời tích cực động viên trẻ phát triển sở trường riêng của bản thân; là phải tôn trọng nhu cầu tự do giao lưu chính đáng của trẻ, bao gồm cả nhu cầu giao lưu với bạn khác giới.

Cha mẹ còn phải đứng đúng vị trí của mình. Giáo dục có thể chia thành ba thời đại: Đầu tiên là thời đại thế hệ trước truyền đạt tri thức cho thế hệ sau; thời đại thứ hai là thời đại thế hệ trước và thế hệ sau học hỏi lẫn nhau; thời đại thứ ba là thời đại thế hệ sau lại truyền thụ kiến thức cho thế hệ đi trước. Giáo dục hiện nay đang trong thời kì tiến hóa từ thời đại thứ hai sang thời đại thứ ba.

Lev Tolstoy(*) từng nói: “Trong một gia đình, chỉ khi người cha có thể tự giáo dục mình, đứa con mới có thể tự giáo dục bản thân. Không có tấm gương tiên phong của người cha, thì thật vô ích khi nói đến chuyện trẻ tự giáo dục bản thân”. Cha mẹ hiếu thảo kính trọng người già, trẻ mới có thể hiếu thảo kính trọng bạn, khi bạn nghỉ việc để lựa chọn công việc khác mà tràn đầy tự tin, trẻ mới có thể tự tin đối mặt với thách thức. Tác dụng của việc làm gương vô cùng lớn, sức mạnh nhân cách của cha mẹ là nhân tố giáo dục quan trọng nhất.

___________

(*) Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910), tiểu thuyết gia người Nga, nhà triết học, người theo chủ nghĩa hoà bình, nhà cải cách giáo dục, nhà tư tưởng đạo đức. Tolstoy được yêu mến ở khắp mọi nơi như một tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong tất cả các nhà viết tiểu thuyết, đặc biệt nổi tiếng với kiệt tác Chiến tranh và hoà bình và Anna Karenina.

Bước sang thế kỉ mới, môi trường trưởng thành của trẻ có sự thay đổi to lớn. Sự phát triển về quan niệm, tình cảm và hành vi của những đứa trẻ lớn lên trong môi trường mới có sự khác biệt rõ rệt so với trẻ em thế hệ trước. Điều này làm cho cha mẹ cảm thấy rất khó khăn khi giáo dục trẻ, mà khó khăn đầu tiên là không hiểu được sự thay đổi tâm lí của trẻ em ngày nay. Thế là, trong mắt trẻ, uy tín của cha mẹ ngày càng giảm. Dưới sự giáo dục như vậy, những vấn đề về tâm lí của trẻ ngày càng nhiều hơn, hiện tượng bỏ nhà đi bụi ngày càng phổ biến, tỉ lệ phạm tội của trẻ vị thành niên ngày càng tăng cao, hiện tượng tự sát cũng ngày càng nhiều. Muốn giải quyết những khó khăn, những vấn đề trên, đầu tiên cha mẹ phải có sự giao lưu trò chuyện với trẻ.

Người lớn chúng ta đều có cảm nhận như sau: Khi có chuyện vui, thì tụ tập bạn bè để chúc mừng sẽ càng cảm thấy vui; nhưng khi không vui, thì lại muốn tìm một người bạn tri kỉ để tâm sự, có thể người bạn này không đưa ra cho chúng ta những ý kiến bổ ích, chỉ lặng lẽ nghe, thỉnh thoảng gật đầu, nhưng khi chúng ta nói xong trong lòng cũng thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Điều này cho thấy: Con người đều có nhu cầu tâm sự. Đạo lí này đương nhiên cũng có thể áp dụng giữa chúng ta và trẻ. Chú ý lắng nghe trẻ nói chuyện, cho dù là những chủ đề chúng ta không hứng thú thì cũng phải kiên trì lắng nghe. Ngược lại, nếu chúng ta không tập trung lắng nghe trẻ nói, trẻ sẽ cảm thấy nói chuyện với bạn là vô ích, lâu dần, cánh cửa tâm lí của trẻ có thể sẽ vĩnh viễn đóng lại với chúng ta.

Khi lắng nghe trẻ, chúng ta không những phải cố gắng nghe, mà còn phải suy nghĩ, tập trung phát hiện những điểm sáng hoặc những khó khăn buồn phiền của trẻ thông qua cuộc trò chuyện. Đối với những điểm sáng thì phải kịp thời khẳng định, phát huy; còn với những khó khăn hoặc những buồn phiền mà trẻ đang phải đối mặt thì chúng ta cần tích cực hướng dẫn, kịp thời hóa giải.

Mỗi người đều có khát vọng thành công, mong muốn đạt được sự thừa nhận và khẳng định của người khác. Không có đứa trẻ nào muốn sống trong một thế giới toàn sự phủ nhận. Chính vì vậy phụ huynh chúng ta phải biết tán thưởng, biết khích lệ. Như một nhà tâm lí người Mĩ từng nói: “Khen ngợi và động viên đối với con người giống như mặt trời, không có nó, chúng ta khó có thể trưởng thành, ra hoa”.

Đối lập với việc khen ngợi là chỉ trích. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không thể nói với trẻ: “Con không bằng con nhà người ta”. Bởi vì điều này sẽ khiến lòng tự tôn của trẻ bị tổn thương vô cùng lớn. Có thể khái quát thành một câu rằng: Khen ngợi mới có thể thành công, trách mắng sẽ dẫn đến thất bại!

Trước tiên, chúng ta hãy xem một đoạn đối thoại giữa cha và con gái như sau:

Cha: “Cha cảm thấy thế hệ của các con rất khó hiểu”.

Con gái: “Khó hiểu thì không cần phải hiểu, trừ phi cha và chúng con bằng tuổi nhau”.

Đừng xem thường mấy câu đối thoại thông thường này, bởi trong đó hàm chứa một đạo lí rất sâu sắc: Làm cha mẹ muốn hiểu trẻ, bởi không thể nào thay đổi khoảng cách về lứa tuổi, nên hãy cố gắng rút ngắn khoảng cách tâm hồn giữa hai thế hệ. Một trong những con đường để rút ngắn khoảng cách tâm hồn là cùng trẻ học tập, cùng trẻ hoạt động, bồi dưỡng những sở thích hứng thú giống nhau. Nếu ví cha mẹ và con cái là hai “tập hợp”, thì phải cố gắng mở rộng “giao” của hai “tập hợp” này, như vậy hai thế hệ mới có thể có nhiều tiếng nói chung, việc giao lưu trò chuyện sẽ trở nên có hiệu quả.

Như vậy, những người cha phải nâng cao nhận thức về vấn đề giao lưu trò chuyện với trẻ, từ đó sắp xếp hợp lí công việc và cuộc sống, dành nhiều thời gian bên trẻ, cùng trẻ tham gia tập luyện thể dục thể thao, cùng trẻ đi nhà sách, giúp trẻ chọn những cuốn sách có ích, cùng trẻ thưởng thức những bộ phim hay hoặc những chương trình truyền hình thú vị, cùng trẻ học tập... Người cha có thể đưa ra những chủ đề liên quan đến các hoạt động này để cùng trẻ trò chuyện và thảo luận.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx