sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 39: Trẻ Ham Chơi Là Những Trẻ Rất Trí Tuệ

Sự giáo dục trong giai đoạn sớm (trẻ từ 1 đến 3 tuổi) không được chỉ học không chơi hoặc học nhiều chơi ít, như vậy sẽ vi phạm quy luật khoa học về hành vi của trẻ.

Nghiên cứu khoa học cho rằng tiềm năng của não người là vô cùng to lớn, giống như một kho tàng quý báu; năng lượng trí tuệ trong tiềm năng của con người to lớn giống như năng lượng vật lí của hạt nhân nguyên tử. Bộ não của một đứa trẻ chính là phòng thực nghiệm về tính sáng tạo vô cùng.

Cách tốt nhất để khai phá tiềm năng của trẻ chính là vui chơi. Vui chơi là một loại hình hoạt động có sự kết hợp giữa tư duy và hành vi của con người; trong quá trình vui chơi, có thể nâng cao khả năng quan sát, bồi dưỡng tư duy logic, rèn luyện khả năng suy đoán, tăng thêm khả năng sáng tạo, tăng cường khả năng phán đoán, khai phá và phát triển khả năng tưởng tượng... của trẻ; có thể bồi dưỡng cho trẻ hứng thú, sở thích, đồng thời tăng cường lòng tự tin, nghị lực, khả năng hợp tác và giao tiếp xã hội...; đồng thời còn có thể nâng cao khả năng vận động, khả năng điều tiết và sự nhanh nhạy của cơ thể.

Bé trai nghịch ngợm bướng bỉnh là điều tốt, bé gái hiếu động là điều may. Những trẻ bướng bỉnh, nghịch ngợm thường ham chơi, chúng liên tục chơi các đồ vật, các đồ chơi với đủ hình dáng khác nhau, từ các đồ vật tương tự nhau hình thành khả năng khái quát; chúng thích chơi trốn tìm, quan sát kĩ lưỡng để loại bỏ những hiện tượng giả, tìm kiếm mục tiêu, hình thành thói quen tư duy tinh tế; chúng còn có thể biến một khúc tre thành ngựa, máy bay, súng, hỏa tiễn, tưởng tượng ra những đồ vật không có thực một cách sống động như thật; khi vui chơi tâm trạng phấn khích, vui vẻ, thoải mái của trẻ sẽ kích thích và điều động khả năng hoạt động cao độ của thần kinh não bộ.

Những trẻ ham chơi là những trẻ rất trí tuệ. Các nhà khoa học đã có rất nhiều nghiên cứu về điều này. Nhà tâm lí học người Mỹ Mark Ronsenzweig (1922-2009) đã làm thí nghiệm trong phòng thực nghiệm như sau: Lựa chọn ra các con chuột có tố chất di truyền giống nhau, chia chúng ra làm 3 nhóm bất kì. Ba con chuột nhóm thứ nhất bị nhốt trong lồng sắt được cho ăn hàng ngày, được coi là “môi trường tiêu chuẩn”; các con chuột nhóm thứ hai bị cách li, nhốt riêng trong những chiếc lồng tối tăm, không có ánh sáng, gần như không có kích thích, đây là “môi trường thiếu thốn”; mười mấy con chuột nhóm thứ ba bị nhốt trong chiếc lồng rộng rãi đầy đủ ánh sáng và thiết bị, bên trong có các loại “đồ chơi” như xích đu, cầu trượt, cầu thang gỗ…, đây gọi là “môi trường phong phú”.

Sau vài tháng những con chuột sống trong môi trường phong phú là những con chuột “ham chơi”, những con chuột sống trong môi trường thiếu thốn thì “ngoan ngoãn” nhất. Mổ xẻ phân tích bộ não của chuột, phát hiện ra ba nhóm chuột có sự khác biệt rõ ràng về mặt vật chất hóa học trong não liên quan đến trí lực. Nhóm chuột sống trong môi trường phong phú có ưu thế rõ ràng nhất. Thí nghiệm cho thấy, môi trường càng phong phú, việc vui chơi càng đầy đủ, bộ não càng phát triển tốt.

Vui chơi có ích cho việc phát triển trí lực, cũng giúp ích rất nhiều cho việc phát triển các nhân tố phi trí lực. Vui chơi có thể thỏa mãn khát vọng của trẻ, đồng thời kích thích tính hiếu kì, ham muốn hiểu biết và tinh thần khám phá của trẻ. Vui chơi với các bạn cùng tuổi có thể hoàn thiện cá tính, phát triển khả năng giao tiếp xã hội tương ứng của trẻ. Những trẻ chơi giỏi có rất nhiều ưu điểm như thông minh, lanh lợi, lạc quan, vui vẻ, hăng hái vươn lên, vui tính, thích giao lưu với mọi người, có trí tưởng tượng phong phú, dũng cảm gan dạ, có xu hướng phát triển bản thân mạnh mẽ. Chính vì vậy, giáo dục trẻ trong giai đoạn sớm không được chỉ học không chơi hoặc học nhiều chơi ít, bởi như vậy sẽ vi phạm quy luật khoa học về hành vi nhi đồng.

Một người cha vừa mua về một chiếc đồng hồ vàng, kết quả là chưa đến năm phút đã bị cậu con trai 5 tuổi làm hỏng, người cha vô cùng tức giận, đánh cậu con trai một trận. Khi người cha nói chuyện này với Đào Hành Tri, ông đã nói: “Một Edison của Trung Quốc đã bị anh hủy hoại”.

Rất nhiều phụ huynh sau khi nghe câu chuyện này đều từng có những trải nghiệm tương tự, tiết kiệm dành dụm để mua đồ chơi cho con, chưa được vài ngày thì bị con làm cho tan tành. Mỗi khi nhìn thấy cảnh tượng này, cha mẹ thường ngăn cấm, nhẹ thì trách móc, nặng thì đánh chửi hành vi “phá hoại” này của trẻ.

Trên thực tế, tháo rời đồ chơi lại chính là ý nghĩa của việc chơi đồ chơi của những đứa trẻ thông minh. Rất nhiều trẻ có khả năng sáng tạo khi chơi đồ chơi, không hề thỏa mãn với việc chơi đùa bình thường, hay thao tác theo quy tắc, hứng thú lớn hơn của chúng là thông qua việc “phá hoại đồ chơi” hiểu được nguyên lí và kết cấu bên trong của nó. Loại “hành vi phá hoại” này có nguyên nhân chính là nghi vấn trong đầu trẻ, ví dụ như: Xe ô tô tại sao lại chạy được? Búp bê tại sao lại biết nói? Đồng hồ báo thức kêu như thế nào? Con người làm thế nào để chui vào đài nói chuyện?

Trong quá trình vui chơi, trẻ quan sát thấy rất nhiều hiện tượng đối với chúng là vô cùng kì diệu, nên tiếp tục đặt ra rất nhiều nghi vấn. Chúng hi vọng có thể nhanh chóng tìm ra đáp án, vì thế mà chúng tháo các đồ chơi ra, thậm chí đó là những món đồ quý báu trong gia đình. Nhưng “hành vi phá hoại” này của trẻ chính là sự bắt đầu tìm hiểu thế giới, cũng là manh nha của tư duy sáng tạo. Để thỏa mãn nhu cầu ham học hỏi của mình, rất nhiều đồ vật như đồng hồ, máy ghi âm, điện thoại… đều trở thành đồ chơi của trẻ.

Nếu phụ huynh vì bảo vệ đồ chơi, không cho phép trẻ tùy ý tháo gỡ đồ chơi, sẽ làm mất đi rất nhiều ý nghĩa quan trọng của món đồ chơi đó với trẻ, hạn chế hứng thú tìm tòi thế giới, hủy hoại tiềm năng sáng tạo của trẻ. Những thứ mà trẻ mất đi có giá trị hơn rất nhiều so với đồ chơi.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Chúng ta thường xuyên nghe thấy cha mẹ trách móc trẻ “không biết giữ gìn đồ chơi, đúng là đồ phá hoại”. Thực ra việc chơi của trẻ chính là một phương thức học tập. Trẻ học tập, tăng thêm tri thức, bồi dưỡng năng lực trong quá trình vui chơi.

Phụ huynh không nên dùng phương pháp cấm đoán đối với những việc vui chơi mang tính chất phá hoại của trẻ, mà phải có những hướng dẫn chính xác hợp lí. Đầu tiên người cha nên nói với trẻ những đồ chơi có thể tháo ra, những đồ chơi không thể tháo ra, đặc biệt là những đồ vật quý giá càng không thể tháo ra, những đồ vật không dùng để chơi trong nhà. Tiếp theo, giúp trẻ lựa chọn những đồ vật có thể tháo dỡ. Trong khi lựa chọn đồ chơi, một số phụ huynh cho rằng đồ chơi càng đắt thì càng tốt, đặc biệt là đồ chơi tự động. Nhưng trên thực tế rất nhiều đồ chơi tự động đắt đỏ lại không có ích cho việc phát triển trí tuệ của trẻ, một số đồ chơi có thể tháo dỡ lại là những thứ vừa rẻ vừa đẹp, có ích cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. Khi lựa chọn đồ chơi, phải lấy tiêu chuẩn là có thể phát triển trí tuệ của trẻ hay không, có thể rèn luyện khả năng động não động tay của trẻ hay không, không được lấy tiêu chuẩn đắt rẻ để lựa chọn.

Rất nhiều trẻ chỉ biết tháo dỡ mà không biết lắp lại đồ chơi. Lắp đồ chơi có thể giúp trẻ hiểu sâu hơn về nguyên lí thao tác của đồ chơi. Nhưng lắp lại đồ chơi khó hơn rất nhiều so với việc tháo dỡ đồ chơi, trẻ thường xuyên không lắp lại được như ban đầu nên bỏ dở. Trong tình huống này, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ. Khi trẻ lắp xong đồ chơi, chúng sẽ cảm nhận được sự thành công to lớn, hiểu được giá trị bên trong của đồ chơi. Không chỉ học được tri thức, tăng lòng tự tin và khát vọng tìm tòi, trẻ cũng biết cách trân trọng đồ chơi.

Cha mẹ thường không yên tâm về trẻ, giám sát trẻ quá nhiều, ngay cả khi chơi cũng vậy. Khi thấy trẻ vui vẻ nghịch đất cát, liền mắng trẻ làm bẩn tay chân quần áo; nhìn thấy trẻ trèo cây thì sợ trẻ ngã, xước da; trẻ chạy nhanh, chạy xa lại sợ trẻ lạc đường. Trẻ phải chơi trong sự cấm đoán như vậy, làm sao có thể vui vẻ chơi được.

Điều quan trọng hơn là trong quá trình trẻ tự do vui chơi, có thể thỏa sức phát huy khả năng tưởng tượng của mình, trẻ dùng đất cát để tạo thành các con vật hoặc mô hình nhà cửa, chơi đồ hàng để thể nghiệm các vai trò trong xã hội, thể hiện thành quả sáng tạo của mình khi tháo lắp đồ chơi. Cho nên, cha mẹ nên yên tâm để trẻ thỏa sức vui chơi, chơi khác hẳn các nguyên tắc thông thường. Phụ huynh phải dám “lơ là” trẻ, sự “lơ là” này không phải là từ bỏ giáo dục, mà là giáo dục mang tính sáng tạo đối với trẻ.

Nhà giáo dục học người Nhật Bản Ibuka Masaru (1908-1997) từng nói rằng: “Tháo dỡ đồ chơi có lẽ chính là mục đích chơi của trẻ... Nếu người lớn ngăn cấm hành động này, đó không những là can thiệp chứ không phải là giáo dục, mà còn làm mất đi cơ hội trưởng thành của một con người”. Cha mẹ nên cho trẻ thời gian để trẻ vui chơi thoải mái, thỏa sức tưởng tượng, tự do sáng tạo, như vậy trẻ sẽ đạt được những tri thức và khả năng thao tác độc lập mà cha mẹ thường không thể đem lại cho trẻ. Phụ huynh có thể thấy việc trẻ tháo lắp đồ chơi có thể tạo nên một kĩ sư tương lai, việc trẻ nặn đất cát có thể tạo nên một kiến trúc sư tương lai, việc trẻ chơi đồ hàng có thể tạo nên một giáo viên hay một bác sĩ tương lai...

Hứng thú chính là bộ máy hiển thị tiềm năng của trẻ, cũng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất bồi dưỡng trí tuệ và khả năng của trẻ. Nhưng có một số phụ huynh không hề để ý đến niềm đam mê của trẻ, bắt trẻ phải làm theo ý muốn của người lớn, vô tình làm đứt đoạn hứng thú tự phát của trẻ, làm sự phát triển trí lực của trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc mất cân bằng dinh dưỡng, làm cho mầm non trí tuệ ấy sớm khô héo. Khiến rất nhiều trẻ sau khi đi học, không biết hứng thú của mình là gì, đến khi lớn lên, không hề có hứng thú với bất cứ điều gì. Không có hứng thú cũng chính là mất đi động cơ sáng tạo, trí tuệ của con người cũng trở nên không có gì nổi bật.

Vì thế, trong quá trình trẻ vui chơi, người cha nên phát hiện sở trường và sở thích của trẻ, hoặc khi trẻ hỏi một loạt những câu hỏi “Tại sao”, nên tìm ra những hứng thú có thể làm trẻ cười không ngớt, mà những hứng thú này phải mang tính lâu dài.

Có trẻ ngay từ nhỏ đã thích bôi bôi vẽ vẽ, những bức tường trong nhà hay trên mặt đất đều được vẽ đầy kiệt tác của trẻ, mỗi khi vẽ là trẻ dành 2, 3 tiếng đồng hồ tập trung cao độ, vô cùng thích thú. Cha mẹ nhìn thấy trẻ vẽ bẩn tường, tuyệt đối không được mắng mỏ trẻ, làm tổn thương niềm đam mê của trẻ, mà nên hướng dẫn chỉ bảo trẻ, cung cấp cho trẻ giấy và công cụ để vẽ, cho trẻ tham gia lớp học vẽ, tạo mọi điều kiện để bồi dưỡng hứng thú về hội họa cho trẻ, phát triển tài năng của trẻ, làm cho niềm hứng thú này trở thành năng lực hội họa.

Đối với những trẻ thích vẽ lên tường, ngoài việc giảng giải lí lẽ cho trẻ, phụ huynh còn phải giúp trẻ thỏa mãn ước muốn thể hiện bản thân, giúp những bức tranh của trẻ có một không gian để trưng bày. Như vậy vừa có thể kích thích hứng thú sáng tác và ham muốn thể hiện của trẻ, lại giúp trẻ sửa được tật vẽ bậy khắp nơi. Dưới sự bồi dưỡng và giáo dục cẩn thận của cha mẹ, tiềm năng trí tuệ còn manh nha sẽ phát triển mạnh mẽ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx