sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 42: Có Đủ Trò Để Vui Chơi Ngoài Trời

Ích lợi của việc vui chơi ngoài trời đối với trẻ là rất lớn, không chỉ có ích cho việc phát triển trí tuệ, mà còn ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe và tầm nhìn rộng lớn của trẻ.

Những bậc cha mẹ làm công nhân lao động bình thường có thể không cho trẻ một cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng chúng ta lại có thể mang lại cho trẻ một tuổi thơ nhiều màu sắc, cho trẻ một thế giới tình cảm phong phú, cho trẻ một hồi ức tuổi thơ tốt đẹp. Cho nên, cùng với việc cho trẻ chơi thỏa thích, chúng ta còn phải nghĩ cách cho trẻ chơi với nội dung phong phú hơn, với hình thức đa dạng hơn. Như vậy niềm vui mà trẻ thu được sẽ lớn lên gấp bội, kiến thức tầm nhìn của trẻ cũng phong phú hơn.

Vui chơi trong nhà có nhiều hình thức phong phú đa dạng, các trò chơi ngoài trời còn đa dạng hơn rất nhiều.

Sau khi Y Y tan học về nhà, tôi đều cho con thoải mái chơi những trò chơi thường ngày, đồng thời tìm mọi cơ hội để đưa con đi cảm nhận những điều mới mẻ và thú vị, cung cấp cho con không gian vui chơi rộng lớn.

Có vị phụ huynh sẽ nói, chúng tôi cũng muốn cho con chơi những trò chơi đa dạng thú vị hơn, nhưng chúng tôi không có điều kiện đưa con đi một số nơi đặc biệt, chúng tôi cũng không có cơ hội đưa con đi về các vùng quê để cảm nhận một cuộc sống khác với cuộc sống nơi thành thị, cho nên con chúng tôi hàng ngày chỉ có thể chơi các trò chơi cũ rích, không có gì là mới mẻ, hoặc là không chơi gì, chỉ có thể xem tivi để giết thời gian.

Các trò chơi trong nhà hay các trò chơi ngoài trời cũng giống nhau, có rất nhiều trò chơi không cần bất kì sự đầu tư về kinh tế nào. Ví dụ như sau một trận mưa, tôi và Y Y cầm xẻng hoặc các dụng cụ có thể thông nước, tìm những nơi nào nước bị tắc, để bắt đầu “đào kênh” dẫn nước, nhìn dòng nước được dẫn về nơi mình muốn, Y Y hưng phấn vỗ tay cười. Những trò chơi như vậy có thể làm cho Y Y vui đến quên hết mệt mỏi.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Hiện nay rất nhiều thành phố hàng năm đều tổ chức một số hoạt động lớn ví dụ như triển lãm hàng nông sản, triển lãm xe ô tô, triển lãm đồ ăn, lễ hội rượu, lễ hội thời trang, tuần lễ nghệ thuật, tuần lễ văn hóa, hội chợ sách với quy mô lớn..., mỗi lần có những hoạt động này tôi đều đưa Y Y đi chơi. Y Y được ngắm nhìn các sản phẩm nông sản đa dạng, được ăn các món ăn ngon của các nước trên thế giới, được đọc những cuốn sách phong phú ở hội chợ sách, còn có thể cùng hát cùng nhảy với mọi người khi tham gia hoạt động tuần lễ văn hóa, tôi nghĩ con không chỉ vui vẻ mà còn có thể học được rất nhiều điều không học được trong sách vở.

Tôi còn nhớ ngày 1 tháng 6 năm 2004 là ngày Triển lãm Thực phẩm Trung Quốc lần thứ 11 được tổ chức tại Trường Xuân. Tôi liền đưa con đi tham gia triển lãm để chúc mừng ngày 1 tháng 6. Ăn sáng xong, Y Y liền vội vàng giục chúng tôi đi.

Từ khi bước vào triển lãm, Y Y không lúc nào ngừng nhảy nhót, con chạy từ gian hàng này sang gian hàng kia, mỗi khi nhìn thấy thứ gì mới mẻ, liền reo lên: “Cha mẹ, nhanh đến đây xem, vui quá!”. Khi nhìn thấy những món ăn trong triển lãm, mắt của Y Y dường như không đủ để nhìn, mồm ăn cái này, mắt lại nhìn sang cái kia, nhìn con như vậy chúng tôi cũng rất vui.

Từ trong triển lãm đi ra quảng trường có mấy vòi phun nước, Y Y liền vội vàng chạy vào tắm mưa, lúc chạy ra, quần áo đã bị ướt hết, con reo lên: “Thích quá!” sau đó lại chạy vào.

Hôm đó chúng tôi đi đến khi mặt trời lặn mới trở về nhà. Tôi và vợ tôi đều cảm thấy vô cùng mệt mỏi, nhưng Y Y lại vô cùng phấn khởi, vui mừng, về đến nhà vẫn còn hào hứng ôm vai bá cổ tôi nói: “Cha ơi, ngày mai lại đi triển lãm chơi nhé!”. Tôi bảo con, đi triển lãm chơi có gì hay đâu, con bắt đầu thao thao bất tuyệt nói về những điều nghe thấy, nhìn thấy ở triển lãm, nhớ lại chiếc bánh ga tô cao cả tầng lầu, nhớ đến miếng đậu phụ thối đệ nhất thiên hạ... mặt con sáng lên, chân tay múa may nhảy nhót.

Tôi nghĩ những kí ức này sẽ theo con đi suốt cuộc đời, khi con tạm biệt tuổi thơ, bước vào con đường tranh đua quyết liệt, những kí ức này vẫn sẽ đem lại niềm vui trong cuộc sống sau khi trưởng thành của con.

Ngoài việc tham gia những hoạt động như trên, việc tôi hay làm nhất vẫn là đưa Y Y về nông thôn chơi, để con được chơi những trò chơi mới trong không gian rộng lớn.

Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố, vùng quê chính là một mảnh đất thần kì. Tôi luôn cho rằng, cuộc sống ở vùng quê hay cuộc sống ở thành phố đều thiếu thốn. Những người chưa từng sống ở thành phố tầm nhìn hạn hẹp, tư duy đơn giản; nhưng những người chưa từng sống ở nông thôn, cả ngày sống trong không gian nhỏ hẹp, từ nhà đến trường rồi lại từ trường về nhà, phương thức sống đơn nhất, nội dung học tập khô khan, không chỗ nào là không có tiếng ồn, chúng ta không có cách nào để cho trẻ có không gian vui chơi thuần khiết. Niềm vui, ánh sáng đều bị khóa chặt trong không gian nhỏ hẹp.

Ở nông thôn có những dòng nước trong trẻo, có hoa cỏ mọc khắp nơi, có những chú chim hát ca, có những đàn cá bơi lượn, có những đứa trẻ không sợ cha mẹ mắng vì làm bẩn quần áo, không cần phải đến lớp học đàn, học mĩ thuật... Về nông thôn, bạn sẽ luôn luôn cảm thấy vui tươi và không bị bó buộc vì được sống trong không gian rộng lớn, sẽ cảm thấy vô cùng sảng khoái vì non xanh nước biếc, cây cối tươi đẹp, sẽ cảm thấy thanh bình phóng khoáng vì tình người giản dị chất phác...

Một người sinh ra và lớn lên ở nông thôn như tôi luôn luôn tràn ngập tình yêu và nỗi niềm nhớ nhung với mảnh đất ấy. Tại sao đô thị phồn hoa không thể trói buộc nổi lòng tôi, mà những cỏ cây ở quê hương lại đem đến cho tôi nhiều cảm xúc? Bởi vì ở nơi đó tôi có một tuổi thơ êm đềm và vui vẻ, tôi hiểu mảnh đất ấy có nhiều niềm vui như thế nào. Cho nên, sau khi Y Y sinh ra, tôi nghĩ tuổi thơ của con không thể thiếu những kí ức về nông thôn. Cho nên, tôi thường tranh thủ mọi thời gian có thể để đưa Y Y về quê thăm ông bà nội. Mỗi lần Y Y về đến cửa nhà ông bà, sau khi vội vàng chào ông bà, liền ngay lập tức chạy ra ngoài, bởi có rất nhiều bạn đang đợi con, có rất nhiều trò chơi hay đang vẫy gọi con. Một lần về quê vào mùa hè, tôi đưa Y Y và cháu tôi ra sông bắt cá, nhưng giữa đường gặp mưa to, mọi người ai nấy đều bị ướt hết, lạnh đến phát run. Y Y mặc quần áo của anh họ, mặt đầy bùn đất, giống như một đứa trẻ nông thôn. Nhưng tuy bị ướt như chuột lột nhưng con luôn luôn cười, trong mắt tràn ngập sự phấn khích.

Các trò chơi ngoài trời rất phong phú đa dạng, có thể tiến hành ở khắp mọi nơi như thả diều, trượt patin, trượt ván, bắn bi, ném lon, cướp cờ, trốn tìm, bịt mắt bắt dê...

Ích lợi của việc vui chơi ngoài trời đối với trẻ là rất lớn, không chỉ có ích cho việc phát triển trí tuệ, mà còn ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe và tầm nhìn rộng lớn của trẻ.

Y Y dần dần trưởng thành chính trong các hoạt động vui chơi ngoài trời đó. Mấy năm nay, tôi thường xuyên đưa Y Y đến công viên hoặc đi quảng trường thả diều. Đầu tiên con không thể tự thả được, phải nhờ tôi giúp, dần dần Y Y có thể tự thả diều một mình.

Mùa đông vùng Đông Bắc, hoa tuyết bao phủ khắp mọi nơi, khiến thành phố được trang hoàng vô cùng mĩ lệ. Sau vài trận tuyết liên tiếp, trẻ em có thể ra ngoài chơi nhiều trò chơi hơn: đắp người tuyết, ném tuyết, trượt tuyết, ngồi xe tuyết...

Khi mới chơi trò trượt xe tuyết, tôi cùng Y Y trượt, sau khi Y Y nắm vững một số kĩ năng cơ bản thì con tự trượt. Do động tác không thuần thục, con bị ngã nhiều lần. Nhưng con không cam lòng, thế là lại bắt đầu trượt lại, nỗ lực hết mình. Cho đến khi thao tác thành thục, khi có thể trượt nhanh, mặt con tràn ngập niềm vui. Trẻ cảm nhận niềm vui của việc thả diều hay việc trượt tuyết, được mài giũa qua gian khổ, dũng cảm vươn lên khắc phục khó khăn. Như vậy không chỉ rèn luyện thân thể, mà còn có thể bồi dưỡng tinh thần lạc quan của trẻ. Một công đôi việc, tại sao chúng ta lại không làm?

Cho nên, phải cổ vũ trẻ ra ngoài chơi. Nhưng, mong những người cha chú ý: Vui chơi bên ngoài một là phải dựa vào đặc điểm lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ; hai là phải đảm bảo sự an toàn cho trẻ; ba là phải tôn trọng sở thích của trẻ.

Cuối cùng, Đông Tử xin giới thiệu cho mọi người một số trò chơi ngoài trời của cha và con:

(1) Biến thành quả bóng. Cách chơi: Trẻ và mẹ giả vờ mình là một quả bóng da, vừa đọc ca dao vừa nhảy như quả bóng da. Ca dao: “Tôi là quả bóng da, vừa thích múa lại vừa thích nhảy/Đập một cái, nhảy một cái/Dùng chân đá, tôi liền chạy”. (Nội dung của bài ca dao có thể tự biên một loạt các động tác). Ích lợi: Rèn luyện khả năng nhảy của trẻ, đồng thời tăng cường sức mạnh của đôi chân.

(2) Tìm báu vật. Chuẩn bị: Đầu tiên giấu đồ chơi ở mấy nơi khác nhau, hoặc ở một nơi. Cách chơi: Người mẹ làm trọng tài, cha và con làm người đi tìm báu vật. Người mẹ ra khẩu lệnh, con và cha liền đi tìm, xem trong thời gian quy định ai có thể tìm thấy “báu vật” trước. Ích lợi: Rèn luyện khả năng quan sát và khả năng phán đoán của trẻ, đồng thời bồi dưỡng cho trẻ năng lực tự mình giải quyết vấn đề.

(3) Giẫm bóng. Cách chơi: Dưới ánh nắng mặt trời, bóng của cha in trên mặt đất, lúc này có thể cho trẻ giẫm vào bóng của cha, trẻ phải dựa vào phương hướng chuyển động và tốc độ di chuyển của cha để thay đổi tốc độ và phương hướng di chuyển của bản thân. Ích lợi: Rèn luyện sự chuyển động nhịp nhàng và khả năng theo dõi bằng mắt của trẻ.

(4) Hai hợp một. Cách chơi: Chân trẻ đứng trên chân phụ huynh, phụ huynh và trẻ khoác tay nhau, phụ huynh bước về phía trước đồng thời cũng đưa cơ thể trẻ hướng về phía trước. Ích lợi: Bồi dưỡng sự kết hợp ăn ý giữa hai cha con.

(5) Đồng tâm hiệp lực. Cách chơi: Trẻ đứng giữa cha mẹ, hai tay nắm chặt vào tay của cha và mẹ đồng thời hai chân nhấc lên khỏi mặt đất; lúc này cha mẹ cùng nhau đi về phía trước, trẻ phải dùng lực để bám chặt nếu không thì sẽ bị rơi ra khỏi tay cha mẹ. Ích lợi: Rèn luyện sức mạnh của đôi tay và khả năng giữ thăng bằng.

(6) Kim chỉ nam. Chuẩn bị: Cho trẻ nhận biết các phương hướng đông tây nam bắc và trái phải trước sau. Cách chơi: Trẻ đứng yên, người cha ra khẩu lệnh, ví dụ “phía bắc”, trẻ liền nhảy tại chỗ xoay về phía bắc. Ích lợi: Rèn luyện cảm giác về phương hướng và kĩ năng nhảy của trẻ.

(7) Trò chơi mô phỏng. Cách chơi: Người cha ra khẩu lệnh cho trẻ học tiếng kêu và động tác của động vật. Trẻ lớn thì có thể cho trẻ mô phỏng đặc điểm của người mà trẻ thân quen. Ví dụ như tiếng ho của ông nội, tiếng ngáy của cha... Ích lợi: Bồi dưỡng khả năng quan sát và mô phỏng của trẻ.

(8) Xem ai ném chuẩn. Chuẩn bị: 2, 3 túi cát, đồng thời vẽ các vòng tròn trên các vị trí khác nhau. Cách chơi: Cha và trẻ đứng ở nơi cách vòng tròn khoảng 1m, rồi ném túi cát vào vòng tròn. Ích lợi: Rèn luyện sức mạnh của cánh tay và khả năng kết hợp của tay và mắt.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx