sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần IV: Người Cha Tốt Là Tấm Gương Tốt Của Trẻ - Chương 45: Người Cha Phải Là Thần Tượng Của Trẻ

Tục ngữ có câu: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Chúng ta phải nói: “Một ngày làm cha, cả đời làm thầy”.

Nói đến thần tượng, ngay lập tức chúng ta sẽ nghĩ đến những minh tinh hay ngôi sao âm nhạc. Thực ra đối với trẻ, cha mẹ chính là thần tượng đầu tiên trong cuộc đời.

Một người cha dù vạm vỡ hay thư sinh đều là thần tượng đầu tiên trong lòng trẻ. Tác dụng của thần tượng có liên quan đến sự dẫn dắt, hướng dẫn. Khi trẻ bắt đầu biết mô phỏng một số hành động của bạn, là thần tượng của trẻ, bạn nên làm thế nào?

Trước đây có một phu nhân tể tướng rất coi trọng việc giáo dục con trai, hàng ngày bà luôn luôn nhắc nhở con trai phải nỗ lực học tập, phải lễ phép, phải coi trọng chữ tín, phải trung thành với quân vương. Còn tể tướng thì buổi sáng rời khỏi nhà đi thiết triều, buổi tối trở về nhà thì đọc sách. Phu nhân cuối cùng không chịu nổi liền nói: “Phu quân không nên chỉ quan tâm đến việc của mình và đọc sách, cũng phải dành thời gian để dạy dỗ con trai”. Tể tướng mắt không rời sách, nói: “Tôi lúc nào cũng đang giáo dục con trai đấy thôi”. Điều vị tể tướng này muốn nói ở đây chính là luôn luôn làm gương cho con, dạy con bằng hành động cụ thể của mình, trở thành thần tượng của con.

Tục ngữ có câu: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Chúng ta phải nói: “Một ngày làm cha, cả đời làm thầy”. Người cha chính là người trẻ gần gũi nhất và kính trọng nhất, là người có ảnh hưởng vô cùng to lớn với trẻ, cho nên khi làm cha, bạn phải dùng hành động, dùng tấm lòng của mình để dẫn đường cho trẻ trong suốt cuộc đời...

Câu chuyện trên nói với chúng ta rằng, hình thức giáo dục ngầm trong gia đình và ảnh hưởng của nó có mối liên hệ trực tiếp đến sự hình thành phẩm chất đạo đức, quan niệm kỉ luật, nhân sinh quan... của con cái. Có thể bạn đã từng nhìn thấy cảnh tượng này: Trên xe buýt, một người đàn ông vừa hút thuốc, vừa hứng thú kể chuyện cho con. Người phụ nữ ngồi cùng hàng ghế không ngừng dùng tay xua khói thuốc bay đến, người đàn ông không hề để ý. Người phụ nữ không chịu nổi nữa, lịch sự bảo người đàn ông dập điếu thuốc đi, người đàn ông lại nói: “Tôi hút thuốc của tôi, liên quan gì đến cô?”, cậu con trai của ông ta cũng nói theo: “Liên quan gì đến cô?”, người đàn ông đắc ý xoa đầu cậu con trai, nhưng những người khác thì trách: “Anh làm gương cho con trai như vậy sao?”.

“Tấm gương” là một từ mang nghĩa tốt, phụ huynh muốn phấn đấu trở thành tấm gương thì phải lấy hành động của mình để làm gương cho trẻ, không được để người khác phê phán, đặc biệt là trước mặt trẻ. Trên đời không có cha mẹ nào không muốn trở thành thần tượng và tấm gương của trẻ, vậy rốt cuộc nên làm thế nào?

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Xung quanh chúng ta thường có một số phụ huynh nói với trẻ phải chăm chỉ học tập, nhưng bản thân mình thì lại ngồi đánh mạt chược; dạy dỗ trẻ phải hiếu kính với người trên, nhưng bản thân mình lại không hề quan tâm đến cha mẹ... Hiện nay, ngay cả trẻ em ở trường mầm non đã biết nói dối để nịnh người lớn. Thực ra, trẻ học những điều này đều là bị ảnh hưởng bởi lời nói việc làm của cha mẹ.

Cũng có thể các bậc phụ huynh không công khai dạy dỗ trẻ, nhưng những lời nói cử chỉ của chúng ta lại có tác dụng giáo dục ngầm đối với trẻ. Hành vi của bản thân phụ huynh thực ra đang nói với trẻ con nên trở thành người như thế nào, cha mẹ chính là tài liệu sống cho trẻ trưởng thành.

Người cha thường xuyên ở bên trẻ, là người nuôi nấng và giám hộ của trẻ, đương nhiên, cử chỉ và lời nói của người cha sẽ có ảnh hưởng mang tính quyền uy đối với trẻ. Những hành vi không tốt, cử chỉ bất nhã, lời nói bất lịch sự, hành động thô bạo, thường xuyên nói bậy, sự vi phạm pháp luật của người cha, sẽ khiến người cha trở thành một tấm gương xấu cho trẻ.

Ví dụ một người bạn của bạn muốn đầu tư một lĩnh vực nào đó mà không có đủ vốn, anh ta tìm đến bạn để cầu cứu: “Tôi nhất định có thể làm tốt, anh giúp tôi đi!”, bạn nói: “Tôi tin tưởng anh”. Lời nói đó là một sự tín nhiệm và ủng hộ to lớn của bạn đối với anh ta. Con bạn ngồi bên cạnh nghe, thế là khi bạn của con bạn có khó khăn, con bạn sẽ luôn ở bên cạnh và nói với bạn mình rằng: “Mình tin bạn, bạn sẽ khắc phục được khó khăn”. Như vậy, bạn đã dạy cho con bạn về sự tin cậy.

Hình thức học tập sớm nhất của trẻ bắt đầu từ sự mô phỏng. Ngay từ khi rất nhỏ, trẻ đã ghi nhớ những điều nhìn thấy nghe thấy, cảm thấy vào trong bộ não của mình. Từng lời nói, từng hành động, từng ánh mắt, thậm chí là thế giới tâm hồn của người cha đều sẽ ảnh hưởng ngầm đến trẻ. Trẻ sẽ mô phỏng nó trong cuộc sống sau này.

Trước mặt trẻ, người cha phải làm gương, ví dụ gặp gỡ ai thì chào hỏi, lúc về thì chào tạm biệt... Bình thường trong nhà, mọi người phải chú ý sử dụng ngôn từ văn minh như “cảm ơn”, “xin lỗi”, “không sao”...

Trẻ không hiểu được tầm quan trọng, cũng không biết tại sao phải chào hỏi. Một người có thể rất quan trọng đối với cha mẹ nhưng lại là một người lạ không hề có mối liên hệ gì với trẻ. Bản tính của trẻ là chỉ có hứng thú đối với sự vật liên quan đến mình, mà không biết nở nụ cười với một người lạ. Vì thế trước mặt người khác, chúng ta phải coi trẻ bình đẳng với người lớn, hãy giới thiệu: “Đây là cô..., cô ấy là đồng nghiệp của cha; đây là con trai tôi”. Như vậy vừa có thể làm cho đối phương tôn trọng trẻ, đối xử bình đẳng với trẻ, vừa có thể giúp trẻ làm quen, tiếp nhận đối phương, khiến trẻ thoải mái, tự nhiên trẻ sẽ biết lễ phép.

Đây chính là tầm quan trọng của việc dùng lời nói cử chỉ của bản thân để dạy dỗ trẻ ngay từ nhỏ, nếu như bạn muốn con mình thành tài, thì bản thân phải trưởng thành cùng trẻ.

Trong bộ phim Nỗi buồn trưởng thành (Growing Pains) có một đoạn đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ:

Một đứa trẻ 3 tuổi không cẩn thận va vào góc bàn bị ngã, cậu bé đau quá khóc òa lên, đạp vào bàn. Jason - cha của cậu bé - chỉ chú ý quan sát, không hề chạy đến ôm cậu bé, cũng không nói những lời dỗ dành. Cậu bé khóc một lúc thì chán, không khóc nữa, lúc này Jason mới ôm cậu bé vào lòng và hỏi: “Còn đau không?”, cậu bé nói: “Không đau nữa”, “Vậy thì con đi vài bước cho cha xem”. Cậu bé đi mấy bước rồi lại nhảy mấy bước. “Con thử giơ cánh tay lên cho cha xem!”, Jason lại nói. Cậu bé giơ cánh tay lên, có vẻ không sao. Lúc này Jason mới nói: “Con xem, con là con người, con có chân có tay, có thể chạy nhảy, nhưng bàn thì không biết di chuyển, rõ ràng là con va vào nó, chứ không phải nó làm con ngã, nó không sai, đáng ra nó phải đạp con. Con thấy có đúng không?”. Cậu con trai nói: “Vâng”. Thế là Jason bảo con xin lỗi chiếc bàn vì hành động nổi giận đạp chiếc bàn. Cậu bé nhận lời phê bình của cha và xin lỗi chiếc bàn.

Nếu chuyện này xảy ra ở Trung Quốc, thì bình thường phụ huynh chúng ta sẽ ôm trẻ, dỗ trẻ, sau đó sẽ đập chiếc bàn và nói: “Tại sao mày lại bắt nạt con tao?”. Tôi mong những người cha trong tình huống này phải có thái độ đúng đắn, có những lời giải thích hợp lí, để cho trẻ hiểu rằng mình làm sai thì không thể đổ lỗi cho người khác.

Từ ví dụ này ta thấy rằng, trẻ chưa đến giai đoạn biết phân biệt phải trái đúng sai, người cha đóng vai trò then chốt. Dạy dỗ tốt, trẻ mới hiểu được cách hiếu thảo với cha mẹ, mới biết cách chăm chỉ học tập, báo đáp xã hội.

Có một câu chuyện như sau:

Kiệt Kiệt đang học mẫu giáo, hàng ngày trên đường về nhà, cậu bé luôn kể rất nhiều chuyện trong trường mẫu giáo cho cha nghe. Hôm nay, cậu bé nói với cha: “Hôm nay, lúc chơi cầu trượt Nguyên Nguyên không chịu xếp hàng, hết lần này đến lần khác cứ chen lên trước mặt con”. Người cha hỏi: “Thế con làm thế nào?”, Kiệt Kiệt nói: “Con biết làm thế nào, Nguyên Nguyên cao hơn con, con không đánh nổi bạn ấy”. Người cha cười, xoa đầu cậu con trai, nói: “Kiệt Kiệt nhà chúng ta đã biết không chấp nhặt chuyện nhỏ rồi”.

Sự tranh chấp giữa trẻ con nhiều khi không cần sự can thiệp của người lớn, ví dụ với người lớn việc anh đẩy tôi ngã là đánh nhau, nhưng đối với trẻ đó lại là một trò chơi, trẻ rất khó khống chế hành vi của mình. Nhưng chúng phải học tập từ những trò chơi như vậy, và người lớn không cần đứng bên cạnh chỉ trỏ. Tuy nhiên có một số điều lại không phải như vậy.

Như việc có phải xếp hàng khi chơi cầu trượt hay không? Đầu tiên người cha nên nói với trẻ về vấn đề trật tự, để trẻ hiểu ai cũng phải tuân thủ quy định, trật tự xã hội; hành động chen vào hàng là sai. Thứ hai, người cha nên nói với trẻ về vấn đề chính nghĩa, không thể vì cao to mà người đó muốn gì được nấy, còn mình thì phải nhẫn nhịn; hơn nữa sau này khi đối diện với những người nhỏ bé hơn mình, thì mình cũng không có quyền bắt nạt người đó. Phải nói với trẻ rằng một hảo hán đích thực tuyệt đối không được đi bắt nạt kẻ yếu và không được sợ hãi kẻ mạnh.

Người cha là thần tượng đầu tiên của trẻ, điều kiện đầu tiên để trở thành một thần tượng tốt là phải có lòng chính nghĩa, phải dạy trẻ không được dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, không được vô lí, cũng không được khuất phục trước sức mạnh, luôn luôn kiên trì quan điểm đúng sai và đạo nghĩa của mình. Nếu người cha của Kiệt Kiệt sau khi cười, liền nói với con trai: “Sau này nếu gặp chuyện như vậy, cho dù là Nguyên Nguyên hay người khác chen lên trước mặt con, con đều phải kéo bạn ra đằng sau, để bạn con phải xếp hàng, rồi nói với bạn cầu trượt là trò chơi của tất cả mọi người, phải tuân thủ trật tự”; thì mới là một người cha biết giáo dục.

Thần tượng và tấm gương được xây dựng từ những hành động của bản thân, chứ không phải từ những lời nói suông. Gia đình là cái nôi để trẻ trưởng thành, còn người cha là thần tượng và tấm gương của trẻ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx