sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 49: Coi Tiết Kiệm Là Một Thói Quen

Việc ăn mặc ở đi lại của trẻ không cần phải quá cao cấp, cầu kì; chỉ cần ăn no mặc ấm, sạch sẽ gọn gàng là được.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Rất nhiều người không thực sự hiểu hàm nghĩa của câu ca dao này. Lãng phí một hạt cơm có gì là to tát đâu? Nhưng, cách suy nghĩ này lại có thể hình thành thói quen tiêu tiền lãng phí, không có kế hoạch. Không trân trọng một hạt gạo thì một bát cơm có gì quý báu? Lãng phí một bữa cơm ngon cũng có sao?

Trên thực tế, tiết kiệm thể hiện ở những việc nhỏ nhất. Chúng ta nhất định phải nhận thức được rằng có được một hạt gạo, một giọt nước, một số điện không hề dễ dàng, đều dùng công sức của người lao động đổi lại. Chỉ có thật sự hiểu được sự gian khổ của người lao động, mới thật sự hiểu được hàm nghĩa của từ “tiết kiệm”. Đây mới là hàm nghĩa thực sự của câu ca dao trên. Chỉ có hiểu được điều này, chúng ta mới có thể biết cần cù tiết kiệm.

Rất nhiều phụ huynh cho rằng điều kiện sống ngày nay đã cải thiện rất nhiều, kinh tế xã hội cũng ngày càng tốt hơn, nên trẻ không cần biết tiết kiệm, cho trẻ ăn ngon, mặc đẹp, cha mẹ cũng cảm thấy đẹp mặt.

Thực ra, cách nghĩ này là sai lầm.

Bởi vì cần cù tiết kiệm giúp chúng ta rèn luyện ý chí, rèn luyện phẩm chất chịu khó chịu khổ, không ngừng vươn lên. Đó là điều kiện quan trọng để thành công trong sự nghiệp. Không có tinh thần lao động chăm chỉ, ý chí phấn đấu và không sợ gian lao, nỗ lực vươn lên, thì rất khó có thể thích ứng được với yêu cầu của xã hội đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Cuộc sống giản dị có thể bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp, nâng cao cảnh giới tinh thần của con người, nếu như từ nhỏ trẻ đã hình thành thói quen chán ghét lao động, chỉ biết chơi bời, tiêu tiền không biết tiếc, thì rất nguy hiểm.

Có một đoàn khảo sát của nước ta sang Nhật Bản tham quan một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản - công ty Toyota. Một người quan sát tinh tế khi phát hiện ra trong mỗi bình chứa nước của bồn cầu đều đặt mấy viên gạch, thì tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Người Nhật nhìn thấy nét mặt kinh ngạc của chúng ta, liền cười và giải thích: “Để gạch trong đó là để làm giảm tốc độ nước chảy, tiết kiệm nước”. Tiết kiệm là một nhân tố lớn giúp công ty Toyota thành công, luôn luôn hưng thịnh.

Nguyên thủ tướng Đức Helmut Kohl, một lần mở tiệc mời bạn bè, khi sắp kết thúc bữa tiệc, phát hiện trong đĩa vẫn còn một ít nước canh, liền không do dự cầm đĩa lên, dùng lưỡi liếm sạch. Nước Đức sở dĩ có thể phục hồi kinh tế rất nhanh sau chiến tranh thế giới thứ hai để trở thành một cường quốc, là bởi vì hàng nghìn hàng vạn người dân Đức đều có tinh thần tiết kiệm giống như thủ tướng Kohl. Nước Đức hiện nay đã giàu có, nhưng họ không bao giờ quên đi quá khứ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

Cuộc sống hiện nay của nhân dân không ngừng được nâng cao, đương nhiên mọi yêu cầu của trẻ thường được đáp ứng đầy đủ. Nhưng nếu việc ăn, mặc, dùng của trẻ lại được đem ra so sánh một cách mù quáng, thì dễ làm cho trẻ hình thành những phẩm chất không tốt như chỉ biết hưởng thụ, thích hư vinh... Vì thế cha mẹ phải thường xuyên giảng cho trẻ đạo lí cần cù tiết kiệm.

Cha tôi tuy là một người nông dân nhưng cũng có một số quan niệm giáo dục khoa học, cha mẹ đã giảng giải cho chúng tôi rất nhiều đạo lí mà các vị phụ huynh thời đó không thể giảng giải được. Tôi vẫn còn nhớ một câu mà cha thường xuyên nói với chúng tôi: “Biết làm không bằng biết tính”. Việc ăn mặc không làm chúng ta nghèo đi nhưng không biết tính toán thì sẽ nghèo. Cha dùng câu nói này để giáo dục chúng tôi vừa tiết kiệm vừa phải biết tính toán và lập kế hoạch.

Cha mẹ phải có quan điểm lao động rõ ràng, phải yêu thích lao động, tôn trọng nhân dân lao động, trân trọng thành quả lao động, nghiêm khắc yêu cầu bản thân phải sống tiết kiệm giản dị. Những việc như trân trọng lương thực, dùng nước, dùng điện tiết kiệm... đều có thể phát huy tác dụng làm gương trước mặt trẻ.

Phải khiến trẻ hình thành thói quen tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất. Đầu tiên là trên phương diện sử dụng đồ chơi và các đồ dùng học tập, không được phép vì đồ chơi không tiện dụng mà vứt bỏ, mà phải nghĩ cách xem có sửa được không; đừng vì viết sai một chữ mà xé đi cả một tờ giấy; không được thường xuyên làm gẫy ngòi bút chì; cặp sách, hộp bút còn dùng được thì phải dùng, không được tùy tiện thay cái mới. Trong cuộc sống phải coi trọng sự tiết kiệm, ví dụ ra ngoài phải tắt đèn, dùng một chậu nước vào nhiều việc, giữ gìn quần áo... Việc ăn mặc ở đi lại của trẻ không cần quá cao cấp, cầu kì, chỉ cần ăn no mặc ấm, sạch sẽ gọn gàng là được.

Tôi nhớ đến một chuyện tôi rất hổ thẹn:

Đó là một ngày vào đầu xuân năm 2009, tôi không cẩn thận làm rơi chiếc đồng hồ thạch anh đặt trên bàn xuống đất. Sau khi bị rơi, cho dù tôi có sửa thế nào, nó cũng không chạy, cuối cùng tôi tuyên án tử hình cho nó: Đáp nó lên giường. Không ngờ nó lại hoạt động.

Ba ngày sau, vào buổi tối, tôi muốn chỉnh giờ thống nhất của tất cả các đồng hồ trong nhà như đồng hồ máy tính, đồng hồ điện thoại... lấy thời gian bắt đầu chương trình thời sự 7 giờ tối của Đài truyền hình Trung ương làm chuẩn. Tôi phát hiện ra rằng, có cái thì nhanh 10 phút, có cái thì chậm 8 phút. Sau khi đã chỉnh chuẩn các loại đồng hồ, đột nhiên tôi nghĩ đến chiếc đồng hồ thạch anh mấy ngày trước làm rơi. Tôi thấy nó mới chạy đến hơn 4 giờ, một ngày chạy chậm 1 tiếng đồng hồ, còn dùng nó làm gì? Tôi liền quăng nó vào phòng ngủ.

Con gái Y Y 12 tuổi của tôi nhanh chóng nhặt nó lên, mặt rất nghiêm túc, chất vấn tôi: “Cha, tại sao cha lại đối xử với nó như vậy?”.

“Chiếc đồng hồ hỏng này còn giữ lại làm gì?”.

“Không sửa sao?”.

“Không đáng sửa”.

“Không đáng sửa sao, 25 tệ mới mua được, bỏ ra 2, 3 tệ là sửa được rồi”.

Lúc đó tôi không biết nói gì, trong lòng nghĩ: Con nói cũng có lí, chuyện này để con làm.

Nửa tiếng sau con gái cầm chiếc đồng hồ thạch anh đã được sửa nói với tôi: “Con đã sửa xong rồi, lần sau cha không được như vậy”. Tôi gật đầu lia lịa như một đứa trẻ mắc lỗi. Tôi vừa thấy hổ thẹn vừa thấy vui, hổ thẹn vì những hành vi của bản thân, vui mừng vì con gái tôi biết tiết kiệm và hiểu biết.

Những trẻ ở độ tuổi khác nhau sẽ có nhận thức khác nhau về tiền bạc và những con số, cho nên khi cho trẻ tiền tiêu vặt, nên suy xét độ chín chắn và nhu cầu của trẻ.

Bình thường nhu cầu dùng tiền và độ tuổi tỉ lệ thuận với nhau, trẻ càng nhỏ, cho trẻ càng ít tiền, thời gian cho cách nhau càng ngắn.. Nhưng những trẻ lớn hơn mỗi lần có thể cho nhiều hơn một ít, đồng thời cách 1 tuần hoặc 2 tuần cho trẻ một lần.

Đối với những trẻ dưới 5 tuổi, có thể mỗi ngày cho trẻ một số tiền tiêu vặt nhỏ. Hãy suy xét đến vấn đề cho trẻ học cách tiêu tiền và hiểu được giá trị của đồng tiền, phải dạy trẻ biết tiết kiệm. Cha mẹ nên xây dựng cho trẻ quan niệm chính xác về tiền bạc.

Cho trẻ tiền tiêu vặt không phải là để trẻ đỡ làm phiền mình, cũng không phải là bồi thường cho trẻ. Khi cho trẻ tiền tiêu vặt nên hướng dẫn trẻ biết cách sử dụng và giữ nó, như vậy mới có thể phát huy tác dụng giáo dục của việc cho trẻ tiền tiêu vặt.

Có thể áp dụng phương pháp cha mẹ là ngân hàng phát tiền tiêu vặt, khi muốn mua đồ trẻ sẽ đề nghị với cha mẹ, cha mẹ cùng trẻ đi mua, chọn hàng. Lúc này cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ ghi lại các khoản chi tiêu, giúp trẻ tiêu tiền có kế hoạch.

Cho trẻ quyền quyết định, sử dụng tiền tiêu vặt, không chỉ bồi dưỡng cho trẻ khái niệm về những con số, bồi dưỡng khả năng độc lập tự chủ của trẻ, mà trong quá trình sử dụng tiền tiêu vặt trẻ có thể xây dựng quan niệm về giá trị quan.

Những trẻ không có kinh nghiệm chi tiêu sẽ không biết tự khống chế bản thân, sẽ có thói quen dựa dẫm khi phát sinh tình huống. Nếu cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ, trẻ sẽ dễ có thói quen tiêu xài hoang phí; còn nếu phụ huynh quá nghiêm khắc khống chế việc tiêu tiền của trẻ, thì có thể khiến trẻ trở nên cẩn trọng quá mức, hành vi bảo thủ, thiếu khả năng tự lập. Vì vậy, bất luận trẻ lớn hay nhỏ, bất luận số tiền ấy nhiều hay ít, cha mẹ đều phải nhớ rõ một nguyên tắc: Từ nhỏ phải bồi dưỡng cho trẻ khái niệm chi tiêu tiết kiệm, tiêu pha có kế hoạch và biết tích lũy. Như vậy sẽ giúp trẻ có kế hoạch sử dụng tiền bạc, quản lí tiền một cách hợp lí trong tương lai.

Chúng tôi đề xướng việc giáo dục trẻ tiết kiệm, để trẻ làm những việc nhà trong khả năng của trẻ, không được lãng phí một xu, mục đích không phải là để trẻ lao động làm giàu cho gia đình, mà là cho trẻ hình thành thói quen lao động, thói quen tiết kiệm ngay từ nhỏ, từ đó rèn luyện, hình thành những phẩm chất đạo đức tốt ở trẻ, giúp trẻ sau này phát triển tốt hơn, có tương lai và có tiền đồ sáng lạn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx