Người ta gọi nàng là Ðoàn Lão Bà. Thực ra nàng mới có hai mươi lăm tuổi thôi. Nhưng đối với người nhà quê thì tuổi tác rất được kính trọng, vì chồng nàng là người thuộc thế hệ già và được gọi là Ðoàn Lão Ông. Hồi đó tôi chỉ là một đứa trẻ, nhưng thoáng nghe người lớn nói chuyện, tôi biết rằng Ðoàn Lão Bà được coi là một người đàn bà không đứng đắn.
Cặp mắt đen thăm thẳm của Ðoàn Lão Bà rất biểu lộ cảm xúc. Khi nàng nhìn ai, cặp lông mi của nàng khẽ rung động, và mắt lấp lánh một thứ ánh sáng kỳ lạ.
Nàng cũng có hai bàn tay đẹp không thể tả được. Tuy là một người nhà quê, hai bàn tay nàng rất trắng và mịn màng. Về mùa xuân khi hoa nở, nàng thường giã những cánh hoa đỏ cho nhuyễn ra rồi bôi lên móng tay, và lấy lá quấn lại. Mười ngày sau, nàng tháo bỏ lá đi và móng tay nàng đã nhuộm đỏ. Khi nhìn người khác, nàng thích lấy bàn tay ôm lấy cằm, che nửa mặt bằng bàn tay đỏ hồng với móng tay đỏ thẫm. Khi Ðoàn Lão Bà vui thích, nàng cười khanh khách. Rồi lẳng lơ che miệng bằng những ngón tay thanh tú có móng đỏ chót.
Mặc dù Ðoàn Lão Bà hơi thấp, nhưng hình dáng nàng rất cân đối. Khi đi ra thị trấn hoặc làm việc ngoài đồng, cử chỉ dáng điệu của nàng luôn luôn nhẹ nhàng xinh xắn. Có lẽ nàng là người phụ nữ ăn mặc lịch sự nhất trong làng. Về mùa hạ, nàng bao giờ cũng mặc màu hồng hoặc màu lục nhạt. Ðể bớt nóng về buổi chiều, nàng cởi áo ngoài và nằm dài dưới bóng cây râm mát. Về mùa đông nàng thường mặc một chiếc áo nhồi bông màu tím ôm chật lấy thân mình. Ðoàn Lão Bà quả thực rất hấp dẫn.
Nàng thường hay đói bụng. Những hàng đậu hũ rong hay đến bán ở làng tôi; họ gánh đậu hũ và muối lủng lẳng trên hai đầu cây sào. Ðôi khi Lão Bà không sẵn tiền, thế là nàng xúc một ít hạt đậu để đổi lấy đậu hũ. Khi mua đậu hũ xong, nàng thường cắt một miếng nhỏ, rắc thêm muối và ớt; ớt sẽ trôi qua đôi môi xinh đẹp của nàng, nhuộm đôi môi ấy thành đỏ thẫm.
Vào mùa xuân, người ta hay đến bán tỏi tây mới cắt. Họ đi khắp làng và rao, "Ai đổi tỏi tây không?" Ðoàn Lão Bà thường là người đầu tiên chạy ra mua.
Một điều lạ là nhà Ðoàn Lão Bà lúc nào cũng đông khách, kể cả những người nói xấu sau lưng nàng. Hoa viên lớn của nhà nàng tràn đầy ánh sáng mặt trời, và trở thành một nơi ưa thích nhất vào những buổi chiều mùa đông. Nàng kê ghế dài cho khách ngồi. Những ông già hay ngồi đó, hút ống điếu rồi ngủ gà ngủ gật. Ðám trai trẻ thì ngồi ngay xuống bậc thềm, chơi cờ tướng. Vào lúc trưa, nàng hay luộc một nồi khoai rồi để trên bậc thềm, và khách tự động tới lấy mà ăn. Dường như nàng phải thường xuyên nấu nước pha trà mời khách.
Khi tuyết rơi, Ðoàn Lão Bà không có khách nữa. Nàng ngồi khâu trên giường, một chiếc mền nhồi bông phủ lên hai chân khoanh lại. Một vài gã trai trẻ ngồi xà vào cạnh giường, luồn tay dưới chiếc mền bông để sưởi cho ấm. Nàng thường ngồi yên, mắt chăm chú vào việc kim chỉ, khâu hết mũi này tới mũi khác; đôi khi nàng quẹt kim vào mái tóc, như là để lau chùi vậy. Những lúc đó hai con mắt nàng giống như hai vũng nước, trong như pha lê và sâu thăm thẳm. Ðôi khi một bàn tay lần mò vào sâu hơn nữa dưới cái mền để mân mê chân nàng. Ngay lập tức cây kim dài của nàng sẽ đâm vào bàn tay ngỗ nghịch và gã trai trẻ vội thối lui, nhưng hai mắt vẫn thèm khát nhìn nàng. Về phần Ðoàn Lão Bà, nàng vẫn tiếp tục khâu vá, coi như không có gì bất thường xảy ra.
Ðó là Ðoàn Lão Bà, người phụ nữ quyến rũ nhất trong làng. Tại sao người ta hay nói xấu nàng thì tôi không thể hiểu được. Có phải tại nàng trẻ hơn chồng tới hai mươi lăm tuổi không? Theo nhận xét của tôi thì nàng rất tốt đối với chồng. Bao tử của Ðoàn Lão Ông yếu và nàng phải nấu đồ ăn đặc biệt cho ông, hoặc mời thày lang tới chữa cho ông.
Các người lớn tuổi trong gia đình tôi cho biết khi còn trẻ Ðoàn Lão Ông là một người chèo mảng rất thiện nghệ. Trong suốt thời trẻ, ông đã chuyên chở rau trái ngược xuôi sông Hoàng Hà. Ông nghèo gần như suốt đời và mãi đến năm ngoài bốn mươi tuổi mới để dành được ít tiền. Ông đã phải trả hai trăm quan - số tiền dành dụm suốt nửa đời người - để mua Ðoàn Lão Bà, lúc nàng mười sáu tuổi. Lúc đó nàng vẫn còn nhỏ và không có ý niệm gì về tình yêu và hôn nhân. Nàng tỏ ra kính trọng chồng, như là kính trọng một người lớn tuổi cho nàng ăn mặc. Tuy nhiên giữa hai người có một sự xa cách, như thể hai người nhìn nhau qua một làn sương mỏng - thân mật nhưng rất hờ hững, gần gũi nhưng lại rất xa cách. Quả thực đôi khi Ðoàn Lão Bà cảm thấy một ước muốn mơ hồ, một sự trống rỗng không định nghĩa được, nhưng bản chất hồn nhiên của nàng lập tức xua đuổi cái tâm trạng ảm đạm chán chường ấy. Nàng không bao giờ than phiền; nàng tin rằng hầu hạ chồng và coi sóc nhà cửa là bổn phận tất nhiên của nàng. Về sau bệnh phong thấp quá nặng đã không cho Ðoàn Lão Ông hành nghề chèo mảng nữa. Rồi một dịp tình cờ, hai người mướn một người tập sự, một người xa lạ. Có lẽ từ đấy phát xuất những lời đồn đãi về Ðoàn Lão Bà.
Ðó là vào mùa xuân trước năm giải phóng. Người thanh niên đó vừa đi ăn xin vừa lần mò tới làng tôi. Hắn là một người dơ dáy, đầu tóc rối bù, trên người chỉ có một chiếc áo nhồi bông rách rưới. Hắn cao lớn, nước da sạm đen, và rất ít nói. Người ta gọi hắn là Lạc Ðệ.
Cuối làng về phía nam có một bãi đập lúa, ngay bên bờ sông Hoàng Hà, và cạnh đấy là một cái chòi canh lúa vào mùa hạ. Gã ăn mày ngụ ở đó. Hắn thường đứng một mình bên bờ sông, nhìn những rặng núi xa. Ðôi khi hắn khẽ hát một điệu nhạc địa phương. Giọng của hắn rất hay - và buồn rười rượi, có lẽ mang nỗi lòng hoài hương. Nhưng ngay khi biết có ai lắng nghe thì hắn lập tức ngừng hát.
Một lần tôi hỏi về làng của hắn, thì hắn chỉ khẽ mỉm cười và quay nhìn ra con sông. Hắn thường đứng như vậy hàng giờ. Ðôi khi, bỗng dưng hắn lao người xuống sông, biến mất, và trồi lên ở bờ bên kia; hắn thường nằm trên bờ bên kia sông, có khi hàng giờ. Lạc Ðệ quả thực là một người kỳ dị.
Một buổi sáng Ðoàn Lão Bà ra bờ sông lấy nước. Trong lúc nàng múc nước đổ vào thùng, nàng trông thấy Lạc Ðệ đang nằm trên bờ cát. Ðúng là hắn vừa tắm xong và đang nằm phơi nắng. Bắp thịt của hắn nổi cuồn cuộn dưới ánh mặt trời. Ðoàn Lão Bà đứng nhìn hắn một lúc lâu, rồi tiến lại gần. Nàng lên tiếng gọi:
- Này anh kia! Tới giúp Ðoàn Lão Bà lấy nước.
Hắn không nhúc nhích.
- Này! Dậy đi!
Vẫn không có tiếng trả lời.
- Ðồ lười biếng! Tôi nói chuyện với anh đấy!
Nàng múc một gáo nước đầy và hắt vào người Lạc Ðệ. Nàng cười khanh khách trong lúc Lạc Ðệ ngồi bật dậy, hai mắt toé lửa và hai tay nắm lại.
Ðoàn Lão Bà nhận thấy ngay lỗi lầm của nàng đã đùa phá một người lạ. Gánh hai thùng nước lên vai, nàng vội vàng ra về. Kể từ đó, mọi người đều biết anh chàng lang thang không nhà ấy có một tinh thần rất tự trọng, và không thể coi thường được.
Nhưng vài hôm sau, Lạc Ðệ đã tự ý giúp Ðoàn Lão Bà một việc quan trọng. Hôm đó trời mưa như thác lũ. Cỏ và gỗ bị nước cuốn xuôi dòng sông. Ðoàn Lão Ông đem chiếc mảng ra sông - chiếc mảng gồm có tám cái túi bằng da cừu đã được thổi phồng lên - ông chèo ra giữa sông định vớt một khúc gỗ trôi. Nhưng khúc gỗ ấy lớn cồng kềnh và làm chiếc mảng của ông bị lật. Khi Ðoàn Lão Ông trồi lên mặt nước thì chiếc mảng bị nước cuốn trôi xuôi dòng sông. Gió quá mạnh và sóng quá lớn. Ðoàn Lão Ông không làm gì được, và đành đứng nhìn cái nguồn sinh kế của ông lao xuống khe núi nước chảy xiết, quay vòng vòng quanh một vũng nước xoáy.
Một số dân làng đang tụ tập bên bờ sông, bên trên cái khe núi ấy. Ðoàn Lão Bà đứng ngay trước đám đông, tuyệt vọng nhìn theo chiếc mảng. Một cơn sóng khác sẽ tung chiếc mảng vào vùng nước xoáy. Nhưng nước chảy xiết quá, ai có thể lôi chiếc mảng lại được? Ðó là một chuyện không tưởng.
Ngay lúc đó Lạc Ðệ xuất hiện. Hắn nhìn xuôi dòng sông, và vội cởi quần áo, để lộ cái ngực rộng và những bắp thịt chắc nịch. Bỗng một bàn tay trắng hồng nắm lắy tay hắn. Ðoàn Lão Bà đã đứng trước mặt hắn, hai con mắt to và đen láy của nàng mở to vì hoảng sợ. Nàng kêu lên:
- Không được, không được! Nguy hiểm lắm!
Hắn liếc nhìn nàng, khẽ đẩy nàng ra, vươn hai tay lên và lao xuống dòng nước cuồn cuộn. Thời gian dường như ngừng lại khi hắn biến mất dưới dòng nước. Ðoàn Lão Bà tái mặt vì sợ, và những giọt mồ hôi đọng trên mũi nàng. Nhưng liền sau đó Lạc Ðệ nổi lên ngay bên mé vùng nước xoáy, cố bơi về phía chiếc mảng. Gần nữa, gần nữa - khi Lạc Ðệ vừa sắp nắm lấy chiếc mảng thì hắn bị cuốn vào vũng nước xoáy. Ðoàn Lão Bà buột miệng kêu lên:
- ối!
Ngay lúc đó, Lạc Ðệ lại hiện lên ở bờ bên kia, cách xa vùng nước xoáy. Ðoàn Lão Bà gọi to:
- Trở lại đi! Tôi không cần chiếc mảng nữa!
Nhưng Lạc Ðệ bỏ ngoài tai những lời kêu gọi này. Hắn vươn người lên và nhào về phía vũng nước xoáy. Mọi người trên bờ đều la hét: "Trở lại đi. Lạc Ðệ! Trở lại!" Nhưng hắn vẫn tiếp tục bơi.
Cuối cùng hắn tìm được điểm tựa thật vững, nhoài người ra, và với một cú vung tay liều lĩnh, hắn nắm được chiếc mảng. Rồi hắn kéo chiếc mảng vào bờ. Khi đã lên bờ, hắn không thèm nhìn đám đông thán phục hắn, và cũng không nhận lời cám ơn của Ðoàn Lão Bà. Hất chiếc áo choàng lên vai, hắn cắn chặt đôi môi tái xanh vì lạnh, và bỏ đi.
Ngay chiều hôm ấy, Ðoàn Lão Bà luộc mấy trái trứng, làm vài chiếc bánh kếp, và đem tới cho Lạc Ðệ. Khi tới cửa căn lều, nàng nghe thấy tiếng nói của hai người. Quốc Ðài, tên xã trưởng thọt chân, đang hỏi Lạc Ðệ:
- Anh từ đâu đến đây?
- Từ bên kia sông.
- Ðến đây làm gì?
- Ði kiếm ăn.
- Bao giờ anh trở về làng anh?
Ðoàn Lão Bà nhòm vào trong lều. Lão xã trưởng già đang giơ cây gậy và vung ve trước mặt Lạc Ðệ. Hắn hăm dọa:
- Ba ngày. Anh phải rời khỏi đây trong vòng ba ngày, nếu không thì biết!
Ðoàn Lão Bà bước vào và nói chặn Quốc Ðài, "Anh ta không phải đi đâu cả. Chúng tôi đã mướn anh ta rồi."
- Cái gì? Bà nói bà chứa chấp hắn hả?
- Phải, chồng tôi Ðoàn Lão Ông đã nhận anh ta làm người tập sự rồi. Từ nay anh ta sẽ là người gia đình tôi.
Ðoàn Lão Bà vừa nói vừa đưa mắt ra hiệu cho Lạc Ðệ. Lão già ngạc nhiên và lạnh lùng hỏi, "Bà có biết gì về gốc gác hắn không?"
Ðoàn Lão Bà phì cười. "Tại sao chúng tôi phải bận tâm về chuyện đó? Ông muốn biết thì cứ việc đi mà tìm hiểu." Rồi nàng quay lại nói với Lạc Ðệ, "Nhớ sáng mai lại ăn sáng, rồi đi chèo mảng với ông chủ."
Nàng bước vội ra khỏi căn lều, không để ý đến vẻ ngạc nhiên của Lạc Ðệ. Quốc Ðài quát theo nàng, "Nếu có chuyện gì xảy ra thì bà phải chịu trách nhiệm."
@by txiuqw4