sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

12. Hành trình của tờ tiền giả

Hành trình của tờ tiền giả

Tôi mua một con Wave Alpha của hãng Honda nước nhà với giá mười hai triệu bảy trăm nghìn đồng, được cửa hàng cho lộc lại một trăm nghìn đồng. Hí hửng mang về nhà đặt lên bàn thờ. Một cơn gió bất ngờ thổi tờ tiền rơi xuống đất, rồi lại một cơn gió nữa thổi bay ra hiên. Tôi chạy vội ra nhặt, sợ nó bay xuống đường không kịp đuổi theo, có kẻ nhặt mất. Vẫn trong cơn hí hửng, tôi giơ tờ tiền soi ra nắng. Đồng tiền mới tinh chưa nếp gấp. Bỗng nhiên tôi có cảm giác bị kẻ cắp móc túi. Trong cửa sổ, đồng tiền của tôi không có con số. Thôi xong, đồng tiền của tôi là đồng tiền giả. Cái lộc nó cho tôi là lộc giả. Mà quái lạ thật, lúc nó rút tờ tiền trong ngăn kéo của nó để lấy tờ tiền lại lộc đưa cho tôi, tôi đã tự hỏi, sao nó không rút ngay tờ tiền tôi vừa đưa cho nó. Thì ra vậy. Tiền của tôi là tiền thật, còn tiền của nó là giả. Tôi ngậm ngùi cho tờ tiền giả vào ví.

Buổi tối, tôi cho thằng con ngồi sau xe đi dạo phố. Dẫu là xe giá rẻ nhưng cưỡi lên con xe mới trông vẫn oách. Đến ngã tư gặp đèn đỏ dừng lại, xe vẫn nổ phành phạch. Lúc đèn xanh bật lên, nhích ga chạy được mấy mét thì con xe rù dần rồi chết lịm. Em Dylan thúc huỵch vào đít đổ nghiêng, quát nhặng xị: “Sao cái chị này đang đi lại dừng lại?” Tôi quay lại gào lên: “Đi phải có mắt chứ, không biết đây mua phải xe đểu à? Tự nhiên nó chết máy chứ!”

Cái thằng xe máy, đi thì thích nhưng lúc nó phải vạ thì khốn nạn. Dắt nó nặng như cùm. Gặp hàng sửa xe thì mừng húm. Thằng sửa xe oắt con, đầu đinh. Nhìn kĩ nó phát hãi. Nó nhanh tay dắt phắt xe lên vỉa hè. Nó vặn ốc nhoay nhoáy. Tôi rụt rè bảo nó: “Thôi cháu không phải sửa đâu, xe cô mới mua, mai lại đổi lại.” Nó bảo: “Cô sợ bị lừa à? Cô là đàn ông thì cháu không nói làm gì. Cô là phụ nữ, lại có em nhỏ nên cháu ái ngại. Cháu lau bu gi lấy năm nghìn, cô yên tâm chưa?” Nghe nó nói lọt tai quá nhưng tôi vẫn cứ đứng giám sát nó. Nó lấy chiếc bu gi của nó lắp vào và bảo: “Cô đạp cho cháu mấy phát.” Tôi mắm môi, dồn sức đạp. Xe nổ bành bạch. Chợt nó đứng lên, quay mặt ra chỗ khác. Nó vén bụng nó lên xem xét một hồi. Thằng con trai tôi tò mò ra xem bụng nó rồi quay lại bảo với tôi: “Bụng anh ấy bị làm sao í mẹ ạ!” Tôi hoảng, ôm con trai vào lòng. Thằng sửa xe oắt con quay lại, nhìn thấy vẻ mặt hoảng hốt của tôi, nó bèn vén bụng nó lên: “Sáng nay cháu bị con xe máy nó tông rách bụng nhưng không có tiền khâu.” Tôi tìm cách thỏa hiệp với nó:

- Sao cháu không nghỉ ngơi đi cho khỏe đã?

- Nhà cháu nghèo không có cái ăn. Từ sáng đến giờ cháu mới ăn có cái bánh mì thôi.

Nó ngồi xuống, tiếp tục nghí ngoáy con xe của tôi một hồi nữa. Tôi sợ không dám giục nó. Ba mươi phút sau nó bảo:

- Cháu nói điều này cô đừng giận chứ, cái loại có tiền như cô mà ngu lắm! Cô mua con xe này mười hai triệu bảy trăm nghìn chứ gì. Cô cứ nghĩ tiền nào của nấy à? Sai toét. Cô chưa mua nó đã hỏng rồi. Hỏng cả chế lẫn cửa gió. Đồ Tàu thì tất yếu là thế, cái tốt cái tịt. Cháu mà có tiền như cô cháu mua con xe Tàu, rẻ hơn nửa mà chạy tốt như ai. Nhưng cái chính là nó không tức. Liên doanh, nội địa... cái thổ tả. Con chế nó lắp xe của cô chính hãng Tàu. Mai cô mang ra cửa hàng đổi không cãi nhau đến nửa ngày cháu bé bằng con kiến, rồi chẳng tức hộc máu. Cháu sửa ổn ổn rồi đấy. Cô đi về đến nhà là được.

Nó nhắc đến cửa hàng bán cho tôi chiếc xe máy làm tôi nhớ đến tờ tiền giả. Đầu óc đang mụ mị vì sợ bỗng lóe sáng. Tôi hỏi nó:

- Hết bao nhiêu tiền hả cháu?

- Bốn chục nghìn con bu gi, công của cháu mười lăm nghìn nữa.

“Mày lừa bà hơi bị ngoạn mục đấy con nhỉ?” Tôi cúi xuống nhặt con bu gi của xe tôi mà nó bảo hỏng, cho vào túi, rồi bảo nó:

- Cô lấy lại con bu gi này, mai ra cửa hàng bắt đền luôn thể.

Tôi mở ví, kéo khóa cái ngăn nhỏ lôi tờ tiền giả ra:

- Đây, cô cho cả cháu. Cháu vào viện mà khâu lại vết thương đi! Nhưng cô bảo này, cháu khôn ngoan và thông minh phết mà sao lại không chịu làm ăn tử tế? Cứ lừa đảo rồi người ta lại chém cho đấy!

Nó đưa cả hai tay đỡ tờ tiền của tôi:

- Cháu cảm ơn cô nhé!

Xe nổ phành phạch, đi rù được hơn trăm mét thì lại bị chết máy. Tuy nhiên tôi chẳng bực tí nào. Tôi cho hẳn thằng con ngồi lên xe rồi dắt phăm phăm về nhà.

Tôi tự khen mình giỏi dùng kế “dĩ độc trị độc”. Thế là tôi thôi không còn phải khắc khoải với đồng tiền lộc giả, lại còn trị cho thằng oắt con chuyên lừa lọc. Tôi lạ gì cái ngón lừa của nó. Có thể cái chế với cái thông gió nó hỏng thật, chứ cái bu gi thì chưa thể hỏng được. Vả lại có phải thay con bu gi mới thì cũng chỉ mất có hai mươi lăm nghìn đồng thôi. Đằng này nó lại chém tôi những bốn mươi nghìn đồng. Ha ha, còn cái cách nó dán băng vào bụng thì xưa quá rồi. Nhưng điều nó nói về con xe liên doanh, nội địa này thì có vẻ đúng thật. Trước khi quyết định mua con xe này tôi cũng đã đắn đo: cùng là đồ rẻ cả, hay là mua con xe Tàu? Có người bạn khuyên: “Cậu không biết đây là thời đại sĩ diện hả? Đi con xe Tàu giảm giá trị con người đi.” Tôi cãi: “Thì cũng là đồ rẻ cả, miễn là có cái đi. Bà hâm bỏ mẹ.” Bạn tôi ăn miếng trả miếng: “Bà nên sĩ diện một tí cho đời lên hương, chứ lúc nào cũng thực dụng thế rồi chồng nó bỏ có ngày.” À, oắt con ơi, mày nói đúng lắm! Nhưng tao cũng cần chút sĩ diện để đời nó lên hương. Như cái cách tao lấy tờ tiền giả để làm phúc cho mày. Để trả lại mày cái cách mày đã lừa tao. Thế được chưa? Tao thanh thản rồi, tao ngủ ngon đây.

Tôi chìm vào giấc ngủ thật sâu cho đến khi có tiếng chim lích chích trên cây xoài sau bức tường. Như mọi bận, con tàu chở ý thức của tôi đang dần dần trồi lên khỏi hố đen của giấc ngủ. Tôi chào đón con tàu trong một tâm trạng hy vọng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. Nhưng sao thế này? Có một vật gì cản con tàu. Trong cái hố đen con tàu cứ trồi lên, thụt xuống. Điều đó kéo theo cả cơ thể tôi vào cơn vật vã khốn khổ. Tôi hiểu rằng nếu con tàu ý thức của tôi không trồi lên khỏi hố đen thì điều đó đồng nghĩa với cái chết. Cơ thể tôi vật vã để chống lại cái hố đen. May thay, sinh lực của con người tôi vẫn dồi dào. Con mắt thứ ba của tôi đã nhìn ra vật cản con tàu. Đó chính là tờ tiền giả. Tôi nổi cáu: “Rồi, thì ra là mày, tao đã cố tình vứt mày ra khỏi cuộc đời tao. Vậy mà mày cứ muốn tao phải nhìn thấy mày. Mày muốn diễn trò gì thì mày diễn đi! Tao xem đây.”

Cái thằng oắt con sửa xe máy nợ tiền để bị chém vào bụng từ sáng. Được tờ tiền, nó bèn phi vào bệnh viện để khâu lại vết thương. Dù gì thì nó mới có hai mươi mốt tuổi, không thể đùa với tính mạng được. Nó vào bệnh viện, vén cái bụng lên cho bác sĩ khám. Nó nói dối là bị ngã. Tay bác sĩ khôn lõi đời nhìn vết thương, biết ngay là vết chém, lại nhìn cái đầu đinh của thằng oắt rồi nhấc máy điện thoại. Thằng oắt con cũng khôn lõi đời. Nó rút phắt tiền giả ra đút vào túi bác sĩ, rồi nó năn nỉ:

- Bác thương cháu với, bác đừng gọi cho công an. Cháu không ăn cướp, ăn trộm gì đâu. Cháu chỉ nợ tiền đề nên bị nó chém. Bác gọi công an đến, chưa biết nếp tẻ thế nào họ cũng cứ cho dạt vòm ít nhất một tuần thì cháu chết mất.

- Mày cũng không ngoan đấy chứ! Biến!

- Vâng!

- Này, quay lại! Cho mày lọ cồn i ốt với ít băng này. Nhớ thay băng cho nó khỏi nhiễm trùng.

Thằng oắt con giơ cả hai tay, cúi khom người xuống nhận của làm phúc từ tay bác sĩ. Thằng oắt con đi ra khỏi phòng tay bác sĩ, bác sĩ lẩm bẩm một mình: “Nhân đạo là tự sát, cái loại này không biết nó cắt cổ mình lúc nào.” Nói xong, tay bác sĩ mới thò tay vào túi áo, rút tờ tiền ra ngắm nghía. Rồi bỗng văng tục: “A, tiên sư nhà nó, nó đưa cho mình tiền giả.” Tay bác sĩ mở ngăn kéo cất tờ tiền giả vào đó.

Buổi sáng, bệnh viện đông như hội. Ngồi trong phòng điều hòa mà tay bác sĩ vẫn tứa mồ hôi vì phải khám liên tục. Gần trưa, có một người đàn bà mang đứa con trai vào cảm ơn bác sĩ đã kịp thời cho nó vào viện vì ngã từ trên cây xuống, giập bọng đái. Nay cháu đã đi đái được mà còn cứu được cả con giống. Bà đưa cho bác sĩ phong bì. Bác sĩ vui vẻ nhận quà và:

- À, bác cho lại cháu tiền tàu về này.

Bác sĩ rút từ trong ngăn kéo ra tờ tiền giả đưa cho người đàn bà. Người đàn bà mừng húm, rưng rưng đưa hai tay nhận lộc. Trong phong bì là hai trăm nghìn đồng. Bà đã phải vay nóng của người cho vay lãi.

Kẻ cho vay lãi còn có họ xa với người đàn bà cũng mừng húm khi được trả trước một trăm nghìn đồng với một con gà. Nói gì thì nói chứ, nó đường cùng thì mình cũng không thể cạn tàu ráo máng được. Biết cho nó vay là nợ khó đòi. Đã phải tính đến phương án lấy mớ rau mớ cỏ nhà nó để khấu trừ dần. Được người đàn bà nghèo khó trả tiền, kẻ cho vay nặng lãi cất ngay vào ngăn kéo. Nhanh đến mức như sợ người đàn bà kia cướp lại. Đến tối, người cho vay nặng lãi mới mang tờ tiền ra soi xét. Thực ra tiền chất đầy trong tủ nhà người cho vay nặng lãi nhưng tờ tiền này khác lắm. Nó như là lộc vậy. Đột nhiên, lại đột nhiên, một tiếng gằn bung ra từ cổ họng: “Mẹ nó chứ, tiền giả.” Một người đàn bà te tái chạy từ trong buồng ra: “Ông định gào lên cho công an đến còng tay ông đi tù à? Làm cái nghề này thì phải chấp nhận có thật có giả chứ! Cái đồng tiền giả ấy đâu, đưa tôi, mai tôi đi chợ.” “Này cái thứ đàn bà quạ mổ. Bà không sợ quỷ thần à? Cái đất này còn nghèo lắm, làm được đồng tiền phải nhỏ máu đấy, bà biết không? Thế mà bà lại định mang tiền giả ra trả người ta à?” “Chao ôi, ông nhân hậu từ khi nào vậy?” Người đàn bà nguýt dài rồi đi vào buồng. Kẻ cho vay lãi uất ức quá. Mà gã cũng không hiểu vì sao gã lại uất ức thế. Đâu phải lần đầu gã bị trả tiền giả. Đầu óc gã nóng giãy lên. Gã nghĩ.

Thằng con trai lêu lổng lịch kịch dắt xe đi chơi đêm, bỗng nhiên được bố gọi vào cho tiền. Cầm tờ một trăm nghìn đồng bố đưa, nó thấy sợ. Vừa rồ ga nó vừa lẩm bẩm: “Cụ khốt trở “bệnh” nặng rồi.” Tiếng nói thốt ra khỏi vòm họng thì công tơ mét trên xe nó cũng chỉ vào con số 100. Nó quên ngay cụ khốt của nó. Vừa rú ga nó vừa đánh võng để chân chống cà xuống mặt đường thành những tia lửa bắn lên như pháo hoa. Nó đang bay thì ánh đèn pin quét vào mặt nó. Nó khôn hồn nhả ga, phanh gấp. Và nhanh tay nó thọc vào túi áo móc ra tờ tiền một trăm nghìn cụ khốt cho lúc nãy. Đèn pin đã tắt, chỉ còn ánh sáng nhờ nhờ của đêm nên lớp thuốc tráng trên tờ giấy tiền phát sáng lên. Bóng một bàn tay đen đen thò ra cầm tờ tiền của nó.

- Chào ngài sĩ quan. Cháu biết là cháu đã sai rồi. Cháu xin nộp phạt. Lần sau cháu không thế nữa ạ!

- A, thằng nhóc này biết điều. Biến!

Thực ra người đấy không phải là sĩ quan, mới là hạ sĩ thôi. Hạ sĩ cùng ba đồng nghiệp nữa chốt ở trên đường cái từ chiều, hí hửng đêm nay sẽ kiếm ăn to. Vạn sự khởi đầu nan mà. Nửa đêm, bốn đồng nghiệp rút khỏi chốt vào một quán ăn tối chia nhau tiền. Quả đúng như họ dự đoán, tối nay họ kiếm khá lắm. Một người bàn:

- Chia nhau số chẵn, còn số lẻ thì để cho các sếp.

- Thằng này lại nổi máu tham rồi. Mày muốn không được đứng đường nữa à? Bao nhiêu thằng nó đang ngấp nghé chỗ của mày đấy. Cứ như mọi bận. Của đồng chia ba của nhà chia đôi. Một phần của sếp cấp trên, một phần sếp cấp nhà, phần còn lại của anh em ta.

- Ông nói phải. Tiếc thật đấy, nhưng không thể tham của sếp được. Đứng đường như chơi.

- Thằng này hôm nay bị làm sao vậy? Mày chẳng đang đứng đường đấy thôi.

- Là tôi nói đứng đường khác cơ.

- Này, thừa ra một trăm các bố ạ. Có chia nốt trăm này không?

- Bõ bèn gì mà phải chia! Để đấy trả tiền bữa ăn. Thôi ăn nhanh còn về ôm vợ.

- Chủ quán, trả tiền này!

- Vâng, xin các anh.

Chủ quán bên lề đường là tay rành đời, cầm tờ tiền không đút ngay vào túi mà lại đưa lên soi dưới bóng điện. Ngắm kĩ càng, chủ quán mới từ tốn nói:

- Chú đổi cho chị tờ khác. Chị vốn ít mà phải nuôi đông cháu lắm!

- Bà này lắm chuyện. Tờ tiền mới thế này sao phải đổi?

- Thôi cứ đổi cho chị tờ khác.

Một người trong bốn đồng nghiệp giật lấy tờ tiền trong tay chủ quán, giơ lên gần vào bóng đèn điện soi. Nhìn một thôi bèn lẳng lặng đút tờ tiền vào túi rồi rút tờ khác ra trả cho chủ quán.

Bốn người ra khỏi quán. Người giật tờ tiền trong tay chủ quán bấy giờ mới nói:

- Tiền giả.

Ba người khác ồ lên:

- Thế à, kiểm xem có mấy tờ giả. Chắc là chỉ có một tờ thôi. Vậy thì cho vào phần của sếp nhà đi. Sếp cũng phải chịu rủi ro cùng anh em chứ. Ok, cứ làm thế đi!

Bây giờ mới là ngài sĩ quan. Ngài chẳng có thói quen kiểm tiền. Ngài cứ thế cho vào két. Tờ tiền giả nằm im trong két của ngài một thời gian dài.

Ngài sĩ quan có sở thích chơi chọi gà. Nhưng cái trò chơi này nhiều công phu lắm. Nuôi được một con gà cho ra trường đá phải bỏ công bỏ sức ra bằng nuôi ba đứa con nhỏ. Vậy nên ngài sĩ quan không nuôi gà đá mà chỉ đi xem gà đá và cá độ. Cái thời tờ tiền giả nằm im trong két của ngài sĩ quan là do ngài thắng độ liên tục. Rồi vận rủi ập đến, két của ngài trống trơn. Thế là tờ tiền giả lại tiếp tục cuộc hành trình.

Một đại gia thắng tiền độ gà ném cục tiền cho vợ. Như các bà vợ đại gia, chị vợ này rất thích làm đẹp. Được cục tiền chồng cho, chị vợ vội vàng đến ngay tiệm thẩm mĩ. Tiệm thẩm mĩ của liên doanh với nước ngoài chứ không phải nội địa. Chị vợ đắp mặt nạ sâm Hàn Quốc hết hai trăm nghìn đồng. Đồng tiền giả được trả cùng với đồng tiền thật. Chủ của tiệm thẩm mĩ là ngài Mit sau khi nghe kế toán báo cáo là có đồng tiền giả trong két thì nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Quy tu thien (quỹ từ thiện).” Kế toán cầm tờ tiền giả nộp vào quỹ từ thiện của phường.

Quỹ từ thiện của phường phân bổ tiền cho những người dân nghèo trong phường. Có gia đình người nhặt ve chai được phường cứu trợ cho một triệu đồng để sửa lại cái nhà dột nát. Nhà đấy nghèo nhưng con cái rất ham học. Ông bố nhận được tiền cứu trợ lại phân bổ cho các con đi học: “Đứa nào còn nợ tiền thầy thì trả thầy ngay. Đứa nào cần học thêm thì đi học ngay. Không học rồi lại phải đi nhặt ve chai thì khổ.”

Thằng con trai thứ hai nhà ve chai thích học Toán lắm. Nó học giỏi nhì trường. Có một ông giáo già thường dạy thêm cho nó. Ông không lấy tiền của nó đã đành, thi thoảng ông còn mua cho nó sách. Ông thương nó, nó cũng thương ông. Nó thương ông giáo quanh năm suốt tháng phải thui thủi một mình. Con cái ông thành đạt bay cao, bay xa, quần tụ với vợ con mà ít nghĩ đến cha già cô đơn một mình. Nó bầu bạn với ông lúc ông khỏe mạnh, nó nâng giấc ông lúc ông ốm đau. Nay nó được bố nó phân bổ cho ba trăm nghìn đồng. Nó nghĩ ngay đến ông giáo già. Nó biết ông không cầm đồng tiền của nó đâu nhưng bổn phận nó cứ phải trả ông. Lần trước nó đi thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, đoạt giải nhì được thưởng năm trăm nghìn đồng, nó đã đưa trả ông một trăm nghìn. Ông giáo bảo: “Bổn phận của cháu trả ông thì bổn phận của ông phải nhận của cháu. Có đôi lúc ta cũng phải sòng phẳng với nhau chứ.” Nó cười mãn nguyện: “Ông hiểu cháu hơn cả Thượng đế.”

Ngẫu nhiên thế nào mà nó lại đưa cho ông giáo tờ tiền giả. Ông giáo nhận tiền của nó rất vui vẻ. Ông cất tờ tiền vào cùng với tờ tiền nó đưa cho ông dạo trước trong cuốn sổ nhật ký của ông. Ông vuốt ve hai tờ tiền rồi lẩm bẩm một mình: “Ông biết cu cậu ngoan của ông sẽ thành đạt lắm.”

Đến Tết, cậu con trai cả của ông làm giám đốc một ngân hàng ở xa về quê thăm ông và mang cho ông cục tiền để ông ăn Tết vì lại một lần nữa không ở lại cùng ăn Tết với ông được. Ông giáo già tủi thân không nhận tiền. Ông giám đốc con trai ông giáo lấy quyển nhật ký của bố để kẹp trong đó. Lúc lật quyển nhật ký ra, ông giám đốc thấy hai tờ tiền ông giáo già kẹp trong đó. Ông giám đốc sợ thột cả tim khi thấy tờ tiền giả. Vội vàng, ông lấy tờ tiền giả đút vào một cái túi bí mật tít trong lần lót của cái áo da. Ông kẹp tiền của ông vào nhật ký của bố rồi để lại chỗ cũ. Ông giám đốc cũng không hỏi bố câu nào về cái đồng tiền giả ấy. Ông dư biết bố mình đã cất tờ tiền giả đó là để nó không còn trôi nổi trong thị trường nữa. Nhưng ông giáo cũng không nỡ phá hủy nó đi, giả mà như thật thế thì ông giáo sợ. Nhưng với ông giám đốc thì khác. Cái ghế của ông lắm kẻ rình mò. Ông chỉ sơ sểnh là mất ghế như chơi. Nhỡ đâu có kẻ phát hiện ra bố ông có tàng trữ tiền giả thì tình ngay lý gian, sao mà chối được! Thôi thì cứ cầm chắc lấy nó là hơn. Để mang đến cơ quan cho máy nghiền nát. Nhưng ông giám đốc không biết một điều rằng, đó là một đồng tiền mà ông giáo rất quý. Ông không hề biết nó là đồng tiền giả. Ông vô cùng quý nó là vì, đó là đồng tiền của người học trò nghèo chắt chiu để trả công ông trong quá trình ông và người học trò đó cùng nhau chắt lọc và vươn dậy đón những sự tốt đẹp ở cuộc đời. Người con trai đi rồi, ông mới phát hiện số tiền con kẹp vào trong quyển sổ nhật ký của ông. Nhìn số tiền, ông giận sôi. Rồi ông lại thấy chỉ còn một tờ tiền mà ông yêu quý. Nhìn số tiền, ông già dịu lại. Thằng con ông nó cầm cái sự yêu quý của ông đi thì chắc cái sự yêu quý đấy sẽ thấm vào tim nó, con nó, vợ nó...

Cứu tôi... cứu tôi... Ai nhờ tôi cứu thế này? Tôi -

một người đàn bà với đầy sự định kiến nhỏ nhen. Tôi vẫn năng đi chùa nhưng không sao ngấm được những lời dạy của Phật. Tôi không đủ sức mạnh để gây hấn với ai nhưng tôi phản kháng kiểu ăn miếng trả miếng. Ai nhờ tôi cứu thế? A, thì ra là mày à? Mày sắp toi đời rồi tờ tiền giả ơi! Mày kêu tao cứu mày ư? Không đời nào. Tao ghét mày lắm! Mày biết rõ điều đó mà. Mày sẽ bị nghiền nát, nhừ tơi. Mày sẽ thành con số 0 chứ không phải là giá trị mà mày đang đội lốt.

A ha ha, bà chị ơi! Thế thì bà chị nhầm to rồi. Tôi kêu cứu bà chị là vì phút nông nổi bột phát tử tế của tôi mà thôi. Bà chị bảo tôi sẽ thành con số 0 ư? Không! Tôi sẽ gấp nhiều lần giá trị mà tôi đang đội lốt mà không phải là giả nữa đâu nhé! Tôi sẽ được phát hiện, được nghiên cứu, được điều tra, được rút kinh nghiệm, được đúc kết thành bài học... Ô ô hô, a ha ha. Tạm biệt bà chị nhé!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx