sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

14. Em vẫn gọi tên anh là nước Nga (Hết)

Em vẫn gọi tên anh là nước Nga

Trời vào tiết xuân sau hơn một tháng rét đậm. Cây nảy những chồi non trên lớp vỏ xù xì. Những người đàn bà tẩy lớp da sạm trên má để khoe làn da mịn hồng. Nàng không có thời gian đến thẩm mĩ viện. Hằng ngày, nàng chỉ có vài phút cho việc rửa lớp da chết trên mặt và bôi lên đó một lớp kem mà bạn bè đã cho nàng. Nay có thể là Nivea, mai lại là sáp nẻ. Nàng không có thời gian đã đành. Nàng còn là một người không cầu kỳ và biết tự yêu mình như những đàn bà khác.

Bỗng một buổi sáng nàng phải dừng lại lâu hơn trước tấm gương. Một gương mặt lạ trong gương đang nhìn lại nàng. Ai đây? Người đàn bà nào đây đang nhìn lại nàng với đôi mắt long lanh và một cánh môi hé mở? Một gương mặt rạng ngời và ánh hồng đang le lói sau lớp da nám.

Cọt... cọt... cọt... Mấy đứa thanh niên cùng cơ quan đã để chuông tin nhắn máy điện thoại của nàng là tiếng cóc kêu. Nàng chạy đến vồ lấy chiếc điện thoại. Một hành vi quá đỗi bất thường ở một người như nàng. Nàng mở tin nhắn. N.Nga: Good morning Hanoi (Chào Hà Nội). Nàng nhắn lại: I and Hanoi wait you. (Em và Hà Nội chờ anh). N.Nga: Waiting a landing ship. (Hãy chờ tàu đổ bộ). Những ngôn ngữ dường như xa lạ với nàng. Nhưng nó lại như đang ngân lên những nốt nhạc và nó nhấn chìm nàng vào đám mây từ trường mê đắm. Đám mây từ trường làm nhiễu hành vi và suy nghĩ của nàng.

Nàng mở tủ quần áo. Nàng vứt một mớ váy áo ra giường. Nàng thử một chiếc váy. Đôi chân thẳng và làn da trắng mịn màng. Cái bụng dưới lại hơi xệ. Nàng mặc chiếc quần nịt vào. Bụng không xệ nữa nhưng lại tức thở. Cuối cùng nàng chọn quần bò và áo thun. Nhìn phía sau, trông nàng rất trẻ.

Nàng sục vào bộ sưu tập nước hoa. Chừng hơn hai mươi loại khác nhau. Nàng rất thích nước hoa. Chỉ để ngắm chứ rất ít khi dùng. Không phải không thích dùng mà chỉ sợ chúng hết mất. Nàng chọn mùi nước hoa trên cổ tay. Những loại nhẹ nhàng và làm nàng vô cùng hài lòng lại làm nàng đắn đo. Nàng chọn một mùi rất đậm. Nàng chấm vào cổ và ngực.

Tim nàng đập rất nhanh. Nàng nhìn đăm đắm vào màn hình vi tính. Những dòng chữ nhảy múa. Để cho tâm hồn bớt động, nàng mở báo ra đọc. Nước Nhật đang trải qua một cơn động đất và sóng thần kinh hoàng. Cả một thị trấn xinh đẹp thành một bãi bùn lầy, một nửa dân số biến mất. Những người lính đi giúp dân với vẻ mặt của người thi hành công vụ, bình tĩnh và mẫn cán, như những điều họ được dạy một cách bài bản. Không hề có sự phô diễn để tăng sự căng thẳng và đau khổ của vấn đề. Người Nhật là thế. Tính kỷ luật của họ khiến cả thế giới cúi đầu kính nể. Tính kỷ luật... Nàng thở dài. Cái thứ mà dân tộc nàng đang thiếu hụt một cách trầm trọng. Và cả nàng nữa? Dường như nàng cũng đang vi phạm kỷ luật một cách trầm trọng.

Đến thế kỷ 21 con người mới nói đến thế giới phẳng. Có một thứ tồn tại trong cơ thể người đàn bà làm thế giới phẳng từ khi xuất hiện loài người trên trái đất mà con người lại bỏ qua. Đó là cái dạ con. Mọi hạt giống gieo vào cái dạ con đàn bà đều có thể nảy mầm. Một khi hạt giống đã nảy mầm rồi thì mọi sự khác biệt đều được dàn phẳng ra. Nhiều dân tộc vì sự bảo tồn những sự tốt đẹp của dân tộc mình đã mang các luật lệ ra để rào lại cái dạ con. Còn dân tộc nàng muốn cải tạo nòi giống của mình thì lại thả lỏng cho cái dạ con tự hành xử. Trong lịch sử của dân tộc nàng, những dạ con mở mang bờ cõi để không mất một hạt thuốc súng. Còn nàng? Tính kỷ luật luôn bị vi phạm thì sao? Chỉ vì nàng là người đàn bà mơ mộng.

Cọt... cọt... cọt... Tiếng cóc kêu ran. Sao âm lượng của nó lại to thế? Nàng chộp lấy điện thoại. Thật là hành vi bất cẩn ở nơi làm việc. Nàng mở tin nhắn. N.Nga: Room 305. Hotel G. (Phòng 305, khách sạn G.) Tim nàng đập tung lồng ngực. Nàng lại rơi vào vùng nhiễu sóng. Tuy nhiên sự từng trải đã giúp nàng tạo một bộ mặt giả tạo. Nàng ngồi im lìm trước máy tính. Khoảng mười lăm phút sau nàng mới cựa quậy mông. Nàng cất giọng khê nồng. Trưa trật rồi mọi người chưa đói à? Trưa nay lại được cơm mời rồi. Nói rồi, nàng lại đùa. Thựa ra là nàng muốn những đồng nghiệp trong phòng không nhìn thấy đôi má nàng đang hồng nhức lên và đôi mắt long lanh như hai hồ nước trên đỉnh núi vào đêm trăng rằm. Nàng vào nhà vệ sinh để soi gương. Nàng kẻ thêm chì đen lên viền mắt dưới bằng cái bút chì mà bạn nàng cho cách đây năm năm.

Nàng gọi taxi để đến khách sạn. Nàng cố tạo bộ mặt bình thản để đến quầy lễ tân. Nàng cảm thấy những ánh mắt đổ dồn về nàng. Cô bé trực quầy lễ tân thân mật hỏi nàng:

- Cô cần cháu giúp gì không?

- Cho cô hỏi ông khách phòng 305.

- Cô chờ cháu nối máy với khách. Vâng, cô nói chuyện với ông ấy.

- Hello, I am... (Xin chào, em là...)

- Yes. Down or room? (Vâng. Dưới sảnh hay trên phòng?)

- Room. (Trên phòng.)

Nàng vào cầu thang máy. Đầu óc nàng mênh mang. Có một thứ đang tụ lại. Đó là thứ tiếng Anh của nàng dùng thật buồn cười. Nhưng thật hữu hiệu.

Nàng gõ cửa nhè nhẹ. Cánh cửa vừa hé ra, nàng đã lọt ngay vào cánh cửa khác. Những cái hôn xoắn lấy môi nàng. Ban đầu người nàng đang đông cứng lại. Nàng không có cảm giác. Mấy phút sau cơ thể nàng bắt nhịp được với những nụ hôn. Nàng rụt rè đưa lưỡi ra. Rồi nàng bỗng nhớ. Đã hai lần nàng nhìn mê đắm vào cặp môi đẹp của N.Nga, với cái môi dưới hơi trễ ra. Nàng đã tự hỏi, có bao nhiêu người đàn bà hôn cái môi dưới trễ tràng ấy? Nàng bèn dùng môi của mình ôm chặp lấy cái môi dưới trễ tràng kia. N.Nga đã đón nhận được sự đam mê của nàng bèn dìu nàng đến giường.

My dear... my dear... my dear... my dear... Bên tai nàng là những tiếng thì thầm như vậy. Nàng bắt đầu rên to. N.Nga nút miệng nàng lại bằng một nụ hôn sâu.

Rất lâu N.Nga vẫn ôm chặt nàng. Nàng cảm nhận được sự hưng phấn của cơ thể nên có một sự âm ấm khác thường đang từ trong cơ thể chảy ra. Nàng cũng ôm chặt N.Nga, nàng muốn nói với N.Nga một câu gì đó. Nhưng chẳng lẽ lại nói tiếng của nàng. N.Nga hôn nàng thêm nhiều lần nữa rồi mới nới dần vòng tay thả nàng ra. Cả hai cùng ồ lên. Máu. Rất nhiều máu. Ướt loang cả chiếc ga trắng. Nàng chạy vào nhà vệ sinh. Nàng xấu hổ quá chừng. Từ lâu nàng đã không còn bị chảy máu nữa. Có lẽ do nàng đã hưng phấn quá. Nàng muốn nói một lời như sự giải thích nhưng nàng không thể. N.Nga đã lột tấm ga trắng mang vào nhà vệ sinh. Nàng vào theo và nói:

- I am sorry (Em xin lỗi) - và có cử chỉ như muốn bảo nàng sẽ giặt chiếc ga đó.

N.Nga hôn nàng và đưa nàng ra khỏi nhà tắm.

Nàng đứng trước gương để kẻ lại viền mi và thoa son môi.

N.Nga đã giặt xong ga trải giường, giơ cho nàng xem và nói: Clean (Sạch sẽ). Nàng chun mũi rồi bảo: Sorry, sorry (Xin lỗi). N.Nga lại hôn nàng rồi bảo: Impossible to forget (Không thể nào quên được). Nàng quay mặt vào gương, thoa lại son sau nụ hôn. Từ phía sau lưng, N.Nga ôm nàng, hôn vào tai nàng và cổ nàng. Nàng cảm nhận được một sự kỳ diệu từ phản ứng của cơ thể nàng. Dường như mọi tế bào đang mở ra để đón nụ hôn của N.Nga. Nàng quay người lại để ôm lấy cổ N.Nga. Môi nàng áp chặt vào môi N.Nga. Và nàng lại mút cái môi dưới trễ tràng của N.Nga. Thực ra trước đó khi nhìn vào gương, nàng đã nhìn thấy cái môi trễ tràng của N.Nga và nàng bỗng thèm khát được hôn nó. Một sự âm ấm từ trong người nàng chảy ra.

Cuộc đời không bao giờ ban cho người đàn bà mơ mộng những điều người đó muốn, vì cuộc đời biết rằng nếu ban những điều người đàn bà đó mong muốn thì còn gì là mơ mộng nữa. Khi nàng là cô sinh viên trường Đại học Tổng hợp thì trong cặp sách của nàng luôn có quyển sổ chép tay những bài thơ của Puskin. Những câu thơ đọc lên làm mắt các cô nàng mênh mang như một cánh rừng Nga: “Tôi yêu em đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai...” Các cô nàng ngồi mơ mộng cùng nhau đều ước mơ được một lần đặt chân đến Liên Xô. Vì cái thời họ sống đó tràn ngập vật chất và văn hóa Liên Xô. Liên Xô, Liên Xô, Liên Xô... Nàng có cô bạn gái thân thiết đã từng yêu anh Pavel Korchagin một cách mê mệt. Cô ấy tốt nghiệp đại học loại giỏi, được giữ lại trường nhưng cứ dứt khoát xung phong lên thủy điện sông Đà, nơi có các chuyên gia Liên Xô làm việc để mong được gặp một chàng Pavel. Khi nhà máy hoàn thành, cô nàng tóc xơ rối quay về Hà Nội, không một mảnh tình vắt vai nhưng có đến hàng trăm bài thơ hay tuyệt và một vốn tiếng Anh kha khá. Nàng hỏi cô bạn:

- Sao lại là tiếng Anh chứ không phải tiếng Nga? Chán rồi à?

- Không chán. Nhưng thế giới rộng lớn và tươi đẹp hơn những điều chúng ta được dạy nhiều.

Cô bạn nàng đã đón lõng được thời cuộc. Quả là sau đó người ta đổ xô nhau học tiếng Anh. Tiếng Anh thành ngôn ngữ thời thượng. Cô bạn nàng tha hồ vùng vẫy với vốn tiếng Anh đi trước thời đại của mình. Và tất nhiên cô ấy đã sắm cho mình một tấm chồng Mỹ chứ không phải một người na ná Pavel. Thi thoảng gặp nhau, cô ấy quẳng cho nàng hộp kem hoặc thỏi son ngoại (nhưng không phải Liên Xô) rồi cười phá lên hỏi nàng:

- Pavel Vietnamieng nhà mày thế nào rồi? Đã chịu đánh răng trước khi hôn vợ chưa?

- Đánh chết cái nết không chừa. Có mà trời dạy.

- Vậy à? Thế mày vẫn phải nhịn hôn à?

- Thì bù lại cày sâu cuốc bẫm.

- Mày thành nông dân từ khi nào vậy?

- Từ khi lấy chồng.

Cô bạn thở dài đến sượt:

- Ôi, cái thời mơ mộng của chúng ta...

Nàng buồn ngủ rũ ra. Chỉ cần chạm nhẹ lưng xuống giường, chắc nàng sẽ chìm đắm vào giấc ngủ. Nàng đang chờ. Từ một tuần nay nàng hồi hộp chờ tiếng cóc kêu phát ra từ chiếc điện thoại. Nàng sợ ngủ thiếp đi sẽ không đọc được tin nhắn. Nàng không phải chờ lâu. Cọt... cọt... cọt... vang lên trong âm thanh vắng lặng của đêm. Tim nàng lại đập ran trong lồng ngực. Nàng mở tin nhắn. N.Nga: Have a good sleep, my dear (Ngủ ngon nhé em yêu). Từ “my dear” ngân tim nàng thành một bản nhạc êm dịu. Thực ra nàng không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của cụm từ “my dear”. Đó đâu phải là ngôn ngữ của nàng. Qua Google dịch “my dear” là thân yêu. Thân yêu. Dường như thế là đủ với nàng rồi. Bởi chính nàng đang là người hăm hở với cái sự thân yêu đó. Nàng nhắn lại cho N.Nga: No good sleep. I miss you so much (Không thể ngủ ngon được. Em nhớ anh rất nhiều). Rồi nàng chui vào trong chăn. Nàng đặt lưng và chìm vào giấc ngủ.

Tiếng cóc kêu đánh thức nàng. Trời đã sáng bạch. Nàng biết ngay tin nhắn đó của ai. N.Nga: Good morning my dear girl (Chào buổi sáng, cô gái thân yêu). Follow me to Russia (Hãy theo anh về nước Nga nhé). Nàng tủm tỉm cười khi đọc từ “girl”. Trong đầu nàng hiện lên một mảng máu loang trên ga trắng. Đọc câu sau, nàng thôi không cười nữa. Tim nàng bỗng quặn đau.

Ôi cái thời mơ mộng của chúng ta! Khi cô bạn thân của nàng quyết khăn gói xa thủ đô để tìm một người đàn ông giống như trong mộng của mình thì nàng ở lại vật vờ với thủ đô. Nàng thử việc hết cơ quan này đến cơ quan nọ. Tiền lương thử việc chỉ đủ sống nửa non tháng. Còn nửa già tháng thì nàng phải làm đủ thứ việc từ quấy hồ dán đến đan len. Rồi dường như nàng cũng tìm được một bến đỗ, một công việc ổn định nhưng lương ba cọc ba đồng. Một tấm chồng công nhân xịn nhưng có nhà có cửa. Sống với nhau đã không tình yêu lại còn khác đẳng cấp. Cái đẳng cấp này tự hai vợ chồng sắp đặt ra. Nàng thì coi thường chồng ít học. Chồng thì coi thường nàng là con nhà quê, nghèo khó. Năm ngày ba trận cãi vã rồi thượng chẳng chân hạ cẳng tay. Thậm chí có hôm nàng bị chồng vả cho chỉ vì cái mắt mày nó cứ mơ mơ màng màng thế kia. Bị chồng đánh mà nàng lại phá lên cười. Cười vì chồng nói đúng quá. Quả là khi soi gương nàng cũng thấy cái đôi mắt mình cứ như bị vướng một màn sương khói. Sao nó không tỉnh queo ra để nhìn trần trụi vào cuộc sống? Rằng thì là nàng cũng đang trở lại sự sống vật vờ. Nàng chờ đợi gì ở cuộc sống này chứ? Nàng mơ mộng gì ở cuộc sống này chứ? Có bao giờ nàng ước mình giàu có? Có bao giờ nàng ước mình hạnh phúc? Thôi thì nàng vật vờ sống cách gom góp những niềm vui nhỏ nhặt và sự mơ mộng viển vông vậy.

Nàng không còn phải sống vật vờ mà neo chặt chân xuống đất. Cái bến neo đậu không phải bình thường như những người đàn bà khác, là con là cái, là gia đình hạnh phúc. Người chồng công nhân của nàng bị tai nạn lao động, thành một phế nhân. Sự mơ mộng cuối cùng của nàng là gắn chặt đời mình với người chồng phế nhân.

Nàng tự đóng cũi cuộc sống của mình. Không tự than thân. Không tự yêu thân. Có vẻ như cuộc sống thật dễ chịu. Người chồng phế nhân của nàng có đôi tay tài hoa tuyệt vời. Anh ta khắc gỗ rất đẹp. Những Quan Vân Trường, Lưu Bị đến hổ báo, chim cò... qua bàn tay của anh ta đều đẹp một cách sống động. Ban đầu anh ta chỉ làm chơi. Sau được người đời biết đến đặt hàng tơi tới. Tiền vào nhà nàng rủng rỉnh. Nàng đâu nghĩ đến lúc nhà có nhiều tiền đến vậy. Nàng không tiêu đến chúng. Vẫn cái lý của nàng, tiêu rồi đến lúc không làm ra nữa lấy gì mà tiêu? Thực chất là nàng không muốn tiêu những đồng tiền của người chồng tàn phế. Để đến lúc anh ta già.

Anh chồng từ khi thành phế nhân thì kiệm lời vô cùng. Những lời nói của anh ta chuyển thành những tia nhìn. Nàng dư biết những tia nhìn đó nói với nàng điều gì. Anh ta nói rằng, tôi không có quyền giữ cô ở lại cái nhà này. Cô có thể ra đi bất cứ lúc nào. Nàng không ra đi. Hằng ngày nàng vẫn đi làm đều đặn, vẫn về nhà đúng giờ, vẫn chăm sóc anh ta. Và nàng cũng không nói gì. Chỉ có khác anh ta là nàng không chuyển lời nói lên tia nhìn mà chuyển vào tim. Những đồng tiền làm ra anh ta đưa hết cho nàng.

Từ lâu nàng đã cảm phục ý chí của chồng. Một người đàn ông sống được như vậy là quá kiên cường. Anh ta bị cả một tấm bê tông rơi vào phần dưới thân, giập nát hai chân và toàn bộ phần sinh dục ngoài. Anh ta chỉ còn phần trên với đôi tay khéo léo và một cái đầu tỉnh táo. Nàng bảo đó là một cái đầu tỉnh táo vì nó biết điều khiển cái lưỡi anh ta im lặng. Nàng biết nếu anh ta nói như cái lúc anh ta chưa bị tai nạn thì nàng đã rời bỏ anh ta mà đi rồi. Với đàn bà, từ cảm phục chuyển sang tình yêu là rất gần. Nàng chỉ cần anh ta hôn nàng, nàng sẽ yêu anh ta. Không, anh ta không hôn nàng cho dù hằng đêm nàng vẫn ngủ chung với anh ta một giường. Trước kia khi chưa thành phế nhân, anh ta cũng không bao giờ hôn vợ. Chắc là dư biết có hôn cũng không được chấp nhận vì anh ta đã hút thuốc lào lại còn rất lười đánh răng. Nàng thành một người đàn bà luôn khao khát nụ hôn. Sự khao khát thành một nỗi ám ảnh. Khi nhìn một người đàn ông, điểm đầu tiên và điểm cuối cùng nàng nhìn là đôi môi.

N.Nga đã gặp nàng trong cuộc hội thảo. N.Nga đã để cái nhìn của mình rất lâu trên gương mặt nàng. Nàng cũng gửi lại một cái nhìn ngạo nghễ. Ấy là nàng nghĩ rằng đó là cái nhìn ngạo nghễ. Còn N.Nga cảm nhận được cái nhìn đó thế nào thì nàng không biết. Giờ giải lao, N.Nga đã lao đến chỗ nàng để làm quen. Tiếng Nga nàng đã quên mất từ lâu. Tiếng Anh thì bập bõm. Vả lại nàng đâu còn có hứng trong các cuộc làm quen ở hội thảo thế này. N.Nga tỏ ý muốn hôn nàng. Nàng đã vội vàng chìa má ra.

Người chồng phế nhân của nàng nhìn đăm đắm vào mặt nàng. Cô đang có gì thay đổi phải không? Cô sắp bỏ tôi đi phải không? Nàng nén một tiếng thở dài. Nàng muốn đối diện với tia nhìn của chồng. Nàng muốn nói thẳng với chồng một lần rằng, tôi đang hạnh phúc. Tôi chưa khi nào được hạnh phúc như vậy. Và chưa bao giờ tôi được biết yêu là như vậy. Bây giờ nàng đã có lý do để ra đi. Hay ít nhất là chỉ mượn lý do đó để ra đi. Nàng mở két sắt lấy toàn bộ số tiền nàng đã cất giữ cho chồng. Toàn bộ. Nàng chưa tiêu một đồng nào. Cuộc sống chỉ tiêu vào đồng lương của nàng. Số tiền nàng giữ cho chồng đến mấy trăm triệu. Số tiền nhiều đến mức chồng nàng có thể lấy một cô vợ tử tế khác. Điều gì ngăn cản nàng?

Nàng và người đàn ông đó đã trao đổi thư từ với nhau hơn một năm. Đã có thể nói với nhau những điều thầm kín nhất. Sau một năm, người đàn ông đó đã quay lại tìm nàng và nói rằng yêu nàng tha thiết. Nàng cũng yêu người đàn ông đó. Nàng lưu số điện thoại của người đàn ông đó vào máy của mình với cái tên Nước Nga. Và nàng cảm thấy tình yêu đó thật lớn lao.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Từ khi N.Nga đến, nàng không ngủ cùng giường với chồng nữa. Nàng cũng có phòng riêng của mình để làm việc, đọc sách và cất giữ những sự lãng mạn. Những quyển sổ chép kín những bài thơ. Nàng lấy một quyển sổ với cái bìa đã sờn và giấy đã ngả màu vàng. Chỉ nét chữ vẫn còn tươi rói. Các bài thơ ngân lên các giai điệu và không có hình ảnh nào. Ôi cái thời yêu đương chay tịnh. Nàng bật cười vì ý nghĩ của mình. Bài thơ ở nước Nga được chép trên trang cuối cùng của quyển sổ:

Ở nước Nga không có bầu trời mà không có mây

Ở nước Nga không có bánh mì mà không thấm

mồ hôi

Ở nước Nga không có ngôn từ mà không có ẩn dụ

Ở nước Nga không có hồ nước mà không có đầm lầy

Không có rừng nào ở nước Nga mà không có

thần rừng

Không có ngôi nhà nào ở nước Nga mà

không có gia thần

Không có ngày hội nào ở nước Nga mà

không có quá chén

Không có hạnh phúc nào ở nước Nga mà

được cho không...[2]

[2] Bài thơ Ở nước Nga của tác giả Vladimir Khokhlop, Thúy Toàn dịch.

Đọc bài thơ và bỗng dưng nàng vật vã khóc. Từng từ của bài thơ ngân lên trong trí óc nàng với hình ảnh của người đàn ông nàng đang yêu. Người đàn ông đến từ nước Nga với cặp môi trễ mà nàng mê đắm. Nàng có thật hiểu người đàn ông đó? Những mối tình xuyên biên giới có thật hạnh phúc không? Khi mà sự mê đắm được kết lên bằng chính cả sự tò mò? Và nước Nga có còn nguyên vẹn trong nàng như cái thuở ban đầu khi những vần thơ ngân vọng trong tim, khi những bài ca âm vang trong lồng ngực và những đêm thức trắng để xem Olympic Matxcơva 1980. Thế giới đầy biến động. Nước Nga đã sang trang từ lâu.

Từ lâu nàng đã có thói quen chui vào một góc tối để không ai nhìn thấy, để chính mình cũng không nhìn thấy mình rồi khóc rú lên một mình. Khóc cho đất trời dưới chân bỗng nhão nhoét. Khóc như trời nắng nỏ đổ mưa rào. Khóc cho đến khi nào nắng tạnh, có rặn ra cũng không khóc được nữa. Ấy là khi lòng nàng đã hết đau và đầu óc nàng minh mẫn trở lại. Đó cũng là cách nàng thiền để cân bằng lại. Quả lần này cũng vậy. Sau cơn khóc nàng thấy lòng mình thanh thản lạ. Đầu óc nàng quang quẻ. Nàng sẽ không từ bỏ, không đi theo hoặc chỉ mượn đó là cái cớ. Một tình yêu đẹp đẽ như vậy (ấy là do nàng cảm nhận từ phía nàng) nàng không thể mượn danh nó để làm đường thoát cho mình. Nàng muốn nó trọn vẹn là nó, đẹp đẽ và cao thượng.

Nàng bật điện cho sáng căn phòng. Nàng lấy máy điện thoại và nhắn tin cho N.Nga: I and Hanoi bye bye you. Good luck. I am still calling you Russia. (Em và Hà Nội tạm biệt anh. Chúc may mắn. Em vẫn gọi tên anh là nước Nga.)

Hết


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx