sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

10. Hải lưu Kuroshio - Phần 1

Hải lưu Kuroshio

Hải lưu Kuroshio hay còn gọi hải lưu Nhật Bản, là một dòng chảy ở tây Thái Bình Dương, chảy theo hướng đông bắc, ngang qua Nhật Bản, ở đó nó hợp với dòng chảy của hải lưu bắc Thái Bình Dương, vận chuyển nước nhiệt đới ấm từ phía bắc tới vùng cực...

(Wikipedia)

Đột nhiên tôi tự hỏi, nếu không hợp nhất được với dòng chảy phía bắc, liệu Kuroshio có còn được gọi là Kuroshio, dòng hải lưu mang nước ấm màu lam?

Tôi luôn tin rằng, cuộc đời là những cuộc hẹn, vô tình hoặc hữu ý. Được tiên liệu hoặc không thể ngờ tới. Tất cả đều đã sắp đặt sẵn ở đâu đó trên con đường mà mỗi chúng ta sẽ đi qua.

Tôi chưa bao giờ dám tin rằng, sống hoàn toàn theo xúc cảm là một việc làm đúng đắn. Nhưng. Chữ “nhưng” được in đậm. Chữ “Nhưng” được viết hoa. Nhưng khi cuộc sống là một guồng quay liên hồi không lối thoát. Khi mỗi bản thể đều phải trải qua những phút giây đơn độc đến dông bão trong lòng. Hãy để xúc cảm được “rò rỉ”. Dù xúc cảm vẫn có lúc đúng sai.

Nhịp thở thứ nhất:

Họ và tên: Vũ Hải Lam

Tuổi: 24

Chòm sao: Song Ngư

Hãy cho tôi một tia hy vọng, tôi sẽ thổi bùng nó lên thành ngọn lửa!

Câu chuyện bắt đầu vào ngày mùng Bảy tháng Bảy năm 2007. Mà cũng có thể nó đã bắt đầu trước đó. Không phải là một ngày mùa hạ, có thể là mùa thu khi chiếc lá phong đầu tiên chuyển màu ươm ướm nắng. Hay một chiều tháng Ba, đứa con gái khẽ thốt lên sung sướng trước một nhánh hoa lê phơn phớt dịu dàng.

Trong tiểu thuyết hay truyện ngắn, tình tiết chỉ thực sự bắt đầu khi các nhân vật gặp gỡ nhau. Mặc dù họ có thể đã đi qua nhau trước đó. Quả cầu chung của chúng ta. Ngoài kia những dòng hải lưu vẫn miệt mài xuôi chảy. Các nhân vật được gặp gỡ nhau. Trong một vòng quay hơn sáu tỷ bản thể không ngừng chuyển dịch. Họ đã gặp gỡ nhau. Ngày mùng Bảy tháng Bảy năm 2007.

Nắng oi. Hơn tất thảy mọi mùa hè. Hôm nay Lam cho đóng cửa nhà hàng. Cô một mình ngồi trong gian bếp đã được lau chùi sáng loáng với ly nước đá viên hình ống ai đó đã kịp để lên bàn cạnh cô trước khi ra về. Mọi thứ đã được chuẩn bị chớp nhoáng. Ly Jack Daniel đầy ự và lọ Efferalgan còn chưa bóc nhãn. Lam không biết liệu mình có thể chết được với sự kết hợp chợt nghĩ ra này hay không. Cô thấy xung quanh mình những tờ giấy xét nghiệm đang bay chới với, lời bác sĩ ong ong trong không gian, rồi anh, rồi ả. Tất cả bọn họ đang cười, đang nhìn cô cười ngạo nghễ. Lam lắc đầu thật mạnh. Bọn họ không còn cười nữa. Anh cúi gằm mặt xuống mấy ngón chân đang di di. Ả mắt ngước ngước một góc bốn mươi lăm độ lẻ, hít hít sụt sùi. Bác sĩ vỗ vỗ vai Lam. Căn phòng nghiêng thêm bốn mươi lăm độ lẻ. Lam tự vỗ mạnh vào mặt mình. Ngay cả khi cô hình dung ra tất cả bọn họ đang hối hận và thương cảm cho cô, Lam vẫn không hề cảm thấy dễ chịu hơn chút nào.

Thành phố mùa hè nào cũng thế, ngột ngạt đến bức bối. Người ta trốn biệt trong những hàng, những quán trang bị máy lạnh, đài phun nước, cây nhiệt đới tán xòe gắn máy hơi nước phì phò nhè nhẹ, và thậm chí cả cửa kính cũng nhập nhòe nước lên xuống lung linh. Mà kỳ lạ ở chỗ, càng nóng người ta càng thích tụ tập bên nhau. Càng lâu càng tốt, càng nhiều càng hay. Giống như sức nóng có thể thiêu rụi một cá thể cô đơn vậy. Lam ngồi bất động như mảng tối đơn độc duy nhất giữa vùng nắng chói chang ấy. Không âm nhạc. Cả tiếng động cơ xe ầm ĩ ngoài kia cũng chỉ văng vẳng mơ hồ. Anh đã bỏ đi cùng ả. Đàng hoàng và thẳng thắn. Anh bảo: “Anh không còn thấy yêu em nữa. Và như em muốn, anh không che giấu sự thật đó với em.” Anh thành thực. Anh không có lỗi. Ít ra là trong từ điển của Lam về sự phản bội, anh đã biết sử dụng đúng chỗ. Anh không có lỗi. Đâu ai có lỗi nếu tình cảm đột ngột đổi thay. Chỉ có người ở lại. Sẽ dễ chịu hơn chăng nếu biết tự đặt cho mình một câu hối tiếc: “Giá mà mình biết đổi thay trước hắn!”

Lam không thắc mắc tại sao. Như thế nào. Và đã từ bao lâu anh thôi không còn yêu cô nữa. Lam chỉ thấy cuộc sống vốn đặc quánh công việc và anh, nay chợt hẫng đi một khoảng không hun hút. Hun hút đến độ khiến bản thân bị mất thăng bằng, chấp chới.

Điện thoại đổ khúc Almost Blue. Tin nhắn đến. Lam tự hỏi ai đang nhớ đến mình. Đột nhiên lòng cô se lại. Dù rằng mỗi ngày trong thành phố này có khoảng hơn hai triệu tin nhắn được phát đi. Bất kể là nội dung gì, viết hoa hay viết thường, có mặt cười hay không mặt cười. Nhận một tin nhắn đôi khi để biết rằng mình vẫn đang tồn tại, dính một tay vào chuỗi quan hệ cuộc đời. Người ta ai cũng thế. Mâu thuẫn kỳ lạ. Đôi lúc muốn gào thét lên rằng mình cần được yên tĩnh, mình chỉ muốn một mình. Nhưng đến khi có chút dấu hiệu của sự cô lập, đã cảm thấy đang đứng bên bờ vực bị ruồng bỏ khỏi cộng đồng người.

Chị Lam đừng quên cuộc hẹn lúc năm giờ chiều với đầu bếp mới nhé. Người đó là Vũ Lam Hải.

Lại thêm một đầu bếp nam đến xin việc. Cô thầm nghĩ. Trước đó đã là bốn người bị cô đánh rớt vì thái độ ngờ vực trước người phụ nữ nhỏ bé tự xưng là bếp trưởng ở đây. Mặc nhiên trong tiềm thức của vô số người, đàn ông làm việc gì cũng tốt hơn phụ nữ. Kể cả là những việc mang đậm tính nữ nhi như may vá, nấu nướng, làm đẹp. Điều đó khiến Lam khó chịu. Trong một khoảnh khắc, luồng suy nghĩ của cô chuyển hướng bởi ý thức nghề nghiệp bị va chạm nhẹ. Với cô, đàn ông có thể làm giỏi nhưng không có nghĩa là họ làm tốt hơn. Sản phẩm của họ luôn đậm nét nam tính, tức là thiên về kỹ thuật. Còn phụ nữ, họ sống theo cảm tính và truyền cảm tính của mình vào món ăn họ sáng tạo ra. Trên đời này, vốn dĩ luôn tồn tại hằng hà sa số mặc định. Cố hữu đến độ lâu ngày, chúng ta chấp nhận như sự thật không thể đổi thay.

Tên là Vũ Lam Hải. Lam tò mò lôi hồ sơ xin việc ra xem. Không có hình, chắc là một gã trai, Lam thầm nghĩ. Đơn xin việc viết tay bằng mực tím. Chữ to tròn như chữ trẻ con, hai mươi lăm tuổi, chưa từng qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về ẩm thực. Từng có kinh nghiệm năm năm đứng bếp tại nhà hàng Icognito. Anh ta viết: “Hãy để tôi thử làm một món ăn. Đó là minh chứng rõ ràng nhất.” Một kẻ thừa tự tin. Nhưng gây kích thích. Mà với những ai làm nghệ thuật, sự tự tin của kẻ khác luôn là thứ gây tò mò một cách... khó ưa.

Chuông cửa reo. Mười sáu giờ năm lăm. Lam thấy bóng anh ta mập mờ sau cửa kính. Cao chừng mét bảy. Đứng nhẫn nại chờ đợi.Không nhịp chân, không di chuyển, không quay trái quay phải. Lam vẫn ngồi yên bất động. Tại sao cô phải tiếp cuộc hẹn này? Cô đâu có còn muốn sống. Bác sĩ bảo Lam có thể sẽ không thể có con, tuy nhiên cần làm thêm một số xét nghiệm nữa mới đưa ra được kết luận chính xác. Anh đã bỏ đi cùng ả. Cô cứ miệt mài mãi như thế này để làm gì? Tại sao phải mở cửa? Tại sao phải phỏng vấn, phải tra hỏi, phải nếm thử món ăn của con người xa lạ phía sau cửa kính kia? Cuộc sống của Lam là gì? Chẳng lẽ chỉ có bốn bức tường nhà bếp? Chỉ toàn rau, trái, thịt thà, mỳ và gạo nếp?

Chuông cửa reo, mười sáu giờ năm mươi bảy phút, anh ta vẫn đứng nhẫn nại. Lam đứng lên, cô tiến về phía cánh cửa, rồi đột ngột dừng lại. Mắt Lam chạm phải ly rượu và lọ thuốc trên quầy bar. Hơi thở bất giác chùng chình.

Chuông cửa reo. Mười bảy giờ ngày mùng Bảy tháng Bảy năm 2007. Lam đứng thẳng, khẽ khàng tháo chốt. Cánh cửa mở ra. Một đôi mắt to, sống mũi cao, mái tóc tém, áo T-shirt xanh, quần jean bụi phủi, giày thể thao và một nụ cười ấm áp. Một thân hình khỏe mạnh. Lam Hải cất tiếng, giọng trầm và dứt khoát:

“Chào chị! Tên tôi là Vũ Lam Hải. Tôi đến vì có hẹn phỏng vấn.”

Thành phố chắc sắp có mưa chiều.

Nhịp thở thứ hai:

Họ và tên: Vũ Lam Hải

Tuổi: 25

Chòm sao: Bảo Bình

Phụ nữ luôn nghĩ rằng họ rất cô đơn để kiếm tìm tình yêu và những phút lãng mạn bằng khói.

Đàn bà hay đắp xây nhiều mộng tưởng rất... vi mô. Và dễ dàng bị ảnh hưởng, chi phối bởi những điều vụn vặt ấy. Không phải là họ không có lý trí. Không phải là họ không biết điểm yếu của chính mình. Chỉ là họ đôi lúc tự thỏa hiệp với cảm xúc mà thôi.

Thời thế của nhân quyền và bình đẳng. Trên sảnh đường những hội nghị cấp cao, khoang VIP tàu du lịch quốc tế, trong bếp, trên giường ngủ, ngoài vườn... ở đâu đàn bà cũng tự tin mình mạnh mẽ và độc lập, giỏi giang và tự chủ. Nhưng khi những mộng tưởng (có thể) là vi mô của họ vụn ra như bề mặt bánh crumble nhân táo, câu an ủi phổ thông và (chắc là) hiệu quả nhất tuôn ra theo quán tính: “Dù sao thì em cũng chỉ là một người đàn bà.”

Logic tiếp theo của câu cảm thán, đàn bà chùn chân một chút, rời khỏi “giày cao gót”, thấp hơn cả độ cao bình thường và dấn thân vào những việc dại dột vĩ mô.

Mười bảy giờ. Trời đổ cơn dông chiều dữ dội, xối xả. Khi cánh cửa gương ở Chez Nous mở ra, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô ấy, gầy gò, xanh xao, tiều tụy trong chiếc váy lụa màu lam. Từ ánh mắt cô ấy, nỗi đơn độc trào ra, cuộn vòng trong không khí và tìm cách len lỏi xâm chiếm mọi giác quan của tôi. Gió thốc, tôi hơi chúi người về phía cô ấy. Mùi bạch trà lả lướt.

- Chào chị! Tên tôi là Vũ Lam Hải. Tôi đến vì có hẹn phỏng vấn.

- Xin chào! Tôi là Lam. Phụ trách ở đây. Mời... chị vào.

Thoáng ngập ngừng chạy ngang qua mắt cô ấy. Chỉ một khắc thôi, cô ấy lại trở về với trạng thái vô cảm.

- Xin lỗi, lúc nhìn tên, tôi cứ tưởng chị là đàn ông.

- Hy vọng đấy không phải là một khuyết điểm. - Tôi khẽ cười với cô ấy.

Chez Nous là một nhà hàng giản dị ở cấu trúc tổng thể nhưng tinh tế ở từng chi tiết nhỏ. Cả nhà hàng chỉ gồm hai tông màu duy nhất là đen tuyền và xanh lá thẫm. Từ những dãy ghế nệm sát tường cho đến những chậu thủy tinh thả hoa súng trắng, từ những viên kẹo màu rải lung tung một cách cố ý dưới lớp kính bàn ăn cho đến những bông lan trắng hé dịu dàng trong các ống nghiệm thủy tinh đính tường, từ chú vịt vàng bụng to bằng thạch cao ngay cửa ra vào với dòng chữ “I eat your sadness” để khách hàng viết những muộn phiền của mình rồi thả vào đấy, cho đến câu khẩu hiệu của quán “Nous vendons du bonheur” (Chúng tôi bán hạnh phúc)... tạo nên một đặc trưng rất riêng tại Chez Nous: gần gũi, nhẹ nhàng, thân thuộc. Tôi đã đến Chez Nous trước đó ba lần. Lần thứ nhất vì tò mò món “Moody drink” (Nước tâm trạng) và chọn “White - I miss” (màu trắng - Tôi nhớ). Mong nhớ. Những kỷ niệm. Những hoài vọng. Những ước mơ. Mong nhớ. Những ký ức bé li ti mà tạo nên nhiều cảm xúc. Mong nhớ. Những khoảnh khắc chỉ có thể ghi lại bằng các giác quan. Mong nhớ. Để biết rằng mình đã sống những ngày qua. Ngày hôm ấy, tôi đã viết một chữ “nhớ”, thả vào chú vịt vàng bụng to. Ở Chez Nous, vào ngày thứ Năm hằng tuần, “White - I miss” được bán giảm giá năm mươi phần trăm vào lúc bảy giờ tối, và cũng vào lúc bảy giờ tối các ngày thứ Năm, DJ sẽ bật The Reminder của Feist. Trong cả cái thành phố rộng lớn và bận rộn này, chỉ ở Chez Nous, vào thứ Năm hằng tuần, lúc bảy giờ tối, ai cũng có một không gian để nhớ. Bắt đầu từ hôm đó, tôi cảm thấy có tình cảm đặc biệt với người đã tạo ra Chez Nous.

Lần thứ hai tôi đến Chez Nous là một ngày trời mưa tầm tã, mệt mỏi và rệu rã. Công việc ở nhà hàng Icognito sau năm năm đã khiến tôi thực sự chán ngán với chuỗi việc lặp đi lặp lại không có gì thay đổi. Ở Icognito, những đề nghị đổi thực đơn, thay thành phần, tạo thêm món mới của tôi dù là ngon hay dở, tốt hay xấu đều bị bếp trưởng bác bỏ ngay tức khắc dù chưa một lần nếm thử, với một lý do duy nhất “tính phong hiểm quá cao”. Ở tuổi hai lăm, tôi cảm thấy hai chân mình bị cột chặt, hai tay bị dán keo không thể vùng vẫy. Nhưng tôi cần tiền, và ở Icognito, người ta chịu trả lương cho một đứa chưa từng qua bất kỳ trường lớp nào về nấu ăn như tôi. Và cũng ở Icognito, người ta đã dạy tôi rất nhiều điều từ những ngày đầu chập chững. Đó là những thứ vô cùng quý giá, không thể đo được bằng tiền.

Nhân viên ở Chez Nous mặc đồng phục áo hoặc váy xanh và đeo tạp dề đơn giản màu đen. Họ đón tôi bằng nụ cười. Họ đưa cho tôi một tấm khăn giấy màu xanh với dòng chữ “Don’t cry with God” (Đừng khóc với Trời). Họ mang cho tôi một cốc nước ấm và dặn dò tôi nên cố uống một ngụm vì đi từ ngoài trời mưa vào dễ bị cảm lạnh. Giống như cảm giác được trở về nhà sau một chặng đường dài, có những người thương yêu xung quanh, hỏi han và quan tâm đến từng cử chỉ mệt mỏi nhỏ nhặt nhất của mình. Thứ cảm giác lặng lẽ mà ấm áp ấy, từ rất lâu giữa cuộc đời vồn vã này, tôi đã quên mất. Đó là lần đầu tiên trong suốt hai mươi lăm năm, tôi gọi điện cho mẹ tôi và nói với bà rằng tôi nhớ bà. Tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi khóc trong điện thoại. Tôi nghe thấy lòng mình cũng đang khóc, đang gọi mẹ. Tuổi trẻ của tôi và những chuyến đi không có điểm cuối cùng. Phải chăng niềm hạnh phúc lớn nhất là khi tôi biết mình vẫn luôn có một mái nhà để quay về?

Lần thứ ba tôi đến Chez Nous với một đơn xin việc viết tay ngẫu hứng sau khi đọc được dòng tin tuyển đầu bếp trước cửa quán. Tuổi trẻ là lý do lớn nhất để thổi bùng lên lòng dũng cảm từ bỏ những thói quen thường nhật. Trên tấm bảng gỗ đen đó viết: “Nếu bạn thực sự biết bạn nấu ăn vì mục đích gì, hãy trở thành đầu bếp của Chez Nous.” Dòng chữ đó đã giúp tôi nhặt lại được tuổi trẻ của mình. Vào một buổi sáng tình cờ. Không vội vã. Tôi đẩy cửa bước vào. Tự tin và kiêu hãnh.

Giống như hôm nay. Tự tin và kiêu hãnh. Đứng trước mặt cô ấy.

Chez Nous ủ vào không khí một khoảng yên có mùi hạnh nhân nhè nhẹ. Bàn ghế được xếp ngay ngắn, cẩn thận, sạch sẽ. Tôi đi sau lưng Lam. Cô ấy bé nhỏ, bước đi rất khẽ, đánh rơi lại nỗi buồn sau mỗi nhịp chân. Chúng tôi tiến gần đến quầy bar. Trên đó đặt một cốc whisky uống dở và một hộp Efferalgan dạng viên sủi vương vãi.

- Hy vọng bài thi của tôi không phải là làm thế nào để pha một ly cocktail từ whisky và Efferalgan. - Tôi mạo muội bắt chuyện.

Lam không biểu lộ cảm xúc gì, chỉ đưa tay dồn đống thuốc vào một chỗ. Cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi. Rõ ràng và mạch lạc, cô ấy hỏi:

- Bây giờ, tôi nên ăn gì?

Nhịp thở thứ ba:

Phụ nữ luôn giữ một chỗ trong trái tim mình cho những tình cảm không bao giờ có được hoặc không bao giờ có thật.

Năm mười hai tuổi, Lam đã nghĩ mình sẽ sống đến hết đời trong bếp, bên những chén, dĩa, xoong chảo, gia vị, rau củ. Như là phép màu, ảo thuật. Cả đời mình, Lam sẽ ở đấy, trong căn bếp sáng choang và ngập tràn hạnh phúc. Mọi thứ đơn giản như vậy là đủ. Cho đến khi anh xuất hiện. Anh bảo: “Lam sẽ yêu bếp của mình hơn nữa khi có anh ở đó. Lam sẽ thấy hạnh phúc còn có thể lớn hơn được.”

Lam bước chân ra khỏi vùng an toàn của mình. Để nhân đôi hạnh phúc. Anh đứng ở vùng sáng bên kia, vẫy tay gọi, với nụ cười hiền từ. Vùng sáng cứ lan dần ra mãi. Vô định. Lam tiến đến, tiến đến. Càng lúc càng đi xa mà mãi vẫn chưa nắm được anh. Cho đến một ngày, anh biến mất cùng với vùng sáng ấy. Để lại một khoảng không trơ khốc. Hoang tàn. Lạ lẫm. Cuộc kiếm tìm đột nhiên kết thúc. Đột nhiên như lúc nó bắt đầu. Khi anh nhìn thấy Lam ở sảnh chính. Với bờ vai rộng và cử chỉ mênh mang như thể gánh cả bình yên ở đó. Mà bình yên thì rất nhẹ nhàng. Có màu xanh và hương hạnh nhân lẩn khuất.

Lam ngồi thẳng lưng trên ghế. Phía bên kia bàn bếp, Lam Hải đang dịu dàng nhào bột với sữa. Những ngón tay rất mảnh đều đặn, nhịp nhàng. Ánh mắt cô khoan thai, từ tốn. Thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn Lam mỉm cười. Sự rạng rỡ đó. Hình như Lam đã nhìn thấy nó từ rất lâu. Ở đâu đó, cũng chính trong gian bếp này. Nó lấp lánh, kỳ diệu. Và giản dị như hơi thở, khiến người đối diện quên mất mọi ngôn từ. Lam Hải di chuyển các vật dụng theo trật tự gọn gàng, trên bàn bếp không có một khắc nào rối loạn. Những động tác tỉ mỉ, mềm mại nối tiếp nhau. Đều đặn. Ung dung. Nhưng đầy trách nhiệm.

Lam vẫn ngồi thẳng lưng trên ghế.

Đồng hồ hẹn giờ reo rộn rã. Lam Hải mở lò nướng, cẩn trọng mang ra một khuôn bánh lớn. Cô dùng dao cắt một miếng lớn, rắc một ít đường quế, nhẹ nhàng đặt lên đĩa, rót trà và mang đến cho Lam. Lam Hải cười ấm áp.

- Em ăn đi.

Bốn mươi lăm phút sau khi gặp mặt, cô đã đủ tự tin để gọi Lam là em dù chưa hề biết tuổi của nhau.

- Bánh táo nướng bột quế à? Tôi đã hy vọng một món đặc biệt hơn thế này.

- Một món ăn đặc biệt hay không, tôi nghĩ không phải do thành phần hay cách nấu mà là do khi em ăn, em sẽ cảm thấy được gì.

- Vậy, theo chị, tôi sẽ cảm thấy gì từ cái bánh táo này?

Lam Hải nhẹ nhàng kéo ghế ngồi xuống cạnh Lam. Không gian ấm mùi bánh nóng ngòn ngọt.

- Bố tôi là một lính Mỹ già. Lúc tôi còn bé, Chủ nhật nào cả nhà cũng đi lễ nhà thờ. Khi trở về, ông sẽ tự tay làm một cái bánh táo nướng bột quế như thế này để cả nhà ăn sáng. Đó là những khoảnh khắc hiếm hoi cả nhà ngồi cạnh nhau, và cười với nhau. Rồi bố tôi mất. Cả nhà từ lúc ấy chưa bao giờ ngồi chung với nhau và ăn bánh táo nướng bột quế nữa. Mẹ tôi làm tiramisu, panna cotta, macaron hay chessecake rất giỏi. Nhưng bà chưa bao giờ làm được bánh táo nướng bột quế có vị của những buổi sáng Chủ nhật sau lễ nhà thờ ấy. Nó giống như là một nghi lễ. Của riêng bố.

Lam Hải ngừng lại. Lam đẩy cốc trà về bên phải. Thấy lòng mình chùng xuống, những ngón tay mềm ra. Lam với tay kéo miếng bánh về phía mình. Hương bột quế thoang thoảng. Bánh còn âm ấm, bề mặt vàng nâu mịn. Khi vào đến miệng thì tan từ từ và ngọt dịu.

Lam khẽ nghiêng người nhìn Lam Hải.

- Tại sao chị nghĩ em nên ăn món này bây giờ?

- Tôi chỉ cảm thấy em cần được an ủi lúc này. Mà có vì lý do gì đi nữa, tôi luôn tin rằng tình cảm gia đình là thứ duy nhất có đủ sức mạnh. Nên tôi chia bớt cho em. Một ít buổi sáng Chủ nhật của bố tôi.

Buổi sáng Chủ nhật của người lạ. Lễ nhà thờ. Những đứa trẻ. Hương bột quế. Cánh đồng. Ngôi nhà gỗ. Hạnh phúc của những người chưa từng quen biết. Đơn giản. Thánh thiện. Như mùa xuân. Như giọt nước mắt Lam không thể giữ lại mà đánh rơi lên thành ghế.

Mùa hè đã thôi giãy giụa bên ngoài. Thành phố chuẩn bị lên đèn. Rực rỡ như chưa có bất kỳ trận dông nào.

Lam thấy đầu mình nghiêng dần sang phải. Đặt nhẹ lên vai Lam Hải.

Bánh táo nướng bột quế. Âm ấm. Nồng nàn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx