sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nhà Thờ Đức Bà Paris - Chương 04 - Những tâm hồn đẹp đẽ

Chương 4 - Những tâm hồn đẹp đẽ

Chuyện này xảy ra đã mười sáu năm vào một ngày chủ nhật sau lễ giáng sinh, sau lễ chầu tại nhà thờ Đức Bà, một sinh linh còn sống được đặt trên chiếc giường gỗ, cột chặt trước sân nhà thờ. Theo thời gian, người ta thường đặt những đứa trẻ bị bỏ rơi trên chiếc giường gỗ ấy. Ai muốn lấy đứa nào thì lấy. Trước giường là một chiếc chậu đồng để bỏ của bố thí.

Sinh vật kia nằm đấy, một buổi sáng năm 1467. Có vẻ nó kích thích cao độ trí tò mò của đám đông tụ tập quanh đó. Đám đông gồm phần lớn là các bà già. Trên hàng đầu, người ta nhận thấy bốn cái áo choàng thuộc về một cộng đồng tu hành nào đó. Các nữ tu này vi phạm không sợ hãi lời nguyền im lặng. Một bà nói:.- Cái này là cái gì thưa xơ? - Bà ngắm nhìn sinh linh đang kêu khóc như mèo hen, oằn oại trên chiếc giường gỗ.

Bà khác trả lời:

- Tôi không nhận ra là đứa trẻ nữa. Nhưng nhìn nó là phạm tội đó.

- Đứa trẻ bị bỏ rơi này là một con quỷ ghê tởm.

- Xơ có thấy rằng con quỷ bé bỏng này ít ra là bốn tuổi không?

Quả thật, đứa trẻ con này không phải là một đứa bé sơ sinh. Đó là một đống ngọ nguậy không ngừng, bị nhốt trong một cái túi, đầu thò ra ngoài. Cái đầu ấy khá dị dạng. Chỉ thấy một đám tóc hung, một con mắt, cái mồm và những cái răng. Mắt ướt nhoèn nước mắt. Mồm kêu gào.

Răng thì như muốn cắn ai. Cả đống giãy giụa trong cái túi trước sự kinh ngạc của đám đông cứ mỗi lúc một đông thêm và thay đổi liên tục.

Một linh mục trẻ, từ nãy, lắng nghe những lời đàm tiếu của quần chúng. ông có vẻ mặt nghiêm nghị, cái trán rộng, cái nhìn thâm trầm.

Ông gạt đám đông ra, lặng lẽ ngắm đứa trẻ, vươn tay trên người nó:

- Tôi nuôi đứa trẻ này.

Ông ủ nó vào vạt áo thầy tu của ông và mang đi.

Đám đông theo dõi cảnh tượng ấy bằng con mắt sợ hãi.

Lát sau, linh mục đã mất dạng qua Cổng đỏ dẫn từ nhà thờ đến tu viện.

Sự sửng sốt ban đầu qua đi, một bà già nói:

- Các bà chị ơi, tôi đã bảo linh mục trẻ Claude Frollo này là một tay phù thủy mà.

Claude Frollo không phải là một kẻ tầm thường. ông thuộc dòng dõi quý tộc bậc thấp.

Từ tuổi thơ, bố mẹ đã dành ông cho dòng tu.

Đó là một đứa trẻ rầu rĩ, khắc khổ, nghiêm nghị, rất ham học và học nhanh. ông đã học thần học, y học, các nghệ thuật tự do. ông thông thạo cách chữa bệnh sốt và dập gãy xương.

Mười tám tuổi, dường như chàng trẻ tuổi này chỉ có một cái đích duy nhất: hiểu biết.

Mùa hè 1466, xảy ra đại dịch dịch hạch, giết chết bốn mươi nghìn người trong lãnh địa hầu tước ở Paris. Tiếng ồn khu vực bị nặng nhất là phố Tirechappe. Bố mẹ Frollo ở đây. Cậu giáo đồ trẻ hốt hoảng chạy về nhà bố mẹ. Về đến.nhà thì bố mẹ anh đã chết. Đứa em nhỏ của anh bị bỏ rơi trong nôi, nhưng vẫn còn sống và đang kêu gào. Toàn bộ gia đình của Claude chỉ còn có thế. Chàng trai ôm đứa nhỏ ra khỏi nhà, suy tư.

Tai họa này là một cuộc khủng hoảng trong cuộc đời của Claude. Mười chín tuổi, anh thành mồ côi, thành anh cả, thành chị trong gia đình.

Đầy lòng thương cảm, anh đâm say mê, tận tụy với đứa em.

Đứa nhỏ từ trên trời rơi xuống tay mình, anh quyết định biến nó thành con người mới. Cái sinh linh tội nghiệp này làm anh xúc động tận đáy lòng. Là một nhà suy tưởng nghiêm cẩn anh nghĩ về Jehan với tấm lòng nhân hậu vô hạn. Anh quan tâm chăm sóc nó như chăm chút một cái gì rất mỏng manh. Anh đối với đứa nhỏ hơn là một người anh. Anh là mẹ nó.

Claude giao nó cho một bà thợ xay gần đại chủng viện chăm nuôi. Từ đó anh thấy cuộc đời rất nghiêm túc, ý nghĩ về đứa em nhỏ trở thành mục đích học tập của anh. Anh càng gắn bó thiết tha hơn bao giờ hết với thiên hướng tu hành của mình.

Ngày Quasimodo (lễ hội sau Phục sinh -ND), sau khi đi lễ chầu về, anh chú ý đến đám đông các bà già đang quàng quạc quanh giường của những trẻ bị bỏ rơi. Anh đến gần cái sinh linh khốn khổ. Cái bất hạnh, cái dị dạng, tình trạng bị bỏ rơi của đứa nhỏ khiến anh nghĩ đến em mình. Một sự thương cảm sâu sắc khiến anh xúc động. Và anh đã quyết định mang đứa trẻ đi.

Khi lôi đứa bé từ trong bị ra, anh thấy nó quả là dị dạng. Đứa bé có một mụn cóc phía dưới trán, đầu rụt dưới vai, xương sống cong vẹo, xương óc nhô ra, chân khoèo. Nhưng nó có vẻ khỏe mạnh. Hình dạng xấu xí của nó làm cho Claude thêm thương cảm. Anh nguyện nuôi nấng đứa trẻ này vì tình thương với em mình. Anh nhận nó làm con nuôi và đặt tên là Quasimodo.

Thực tế, Quasimodo chột, khoèo, gù, chỉ là một cái gì gần giống như người.

Năm 1482, Quasimodo đã lớn. Gã trở thành người kéo chuông của nhà thờ Đức Bà nhờ cha nuôi. Claude Frollo trở thành phó giám mục.

Với thời gian đã hình thành một quan hệ thân thiết giữa người đánh chuông và nhà thờ.

Quasimodo coi nhà thờ là tổ ấm của mình, nhà mình, vũ trụ của mình. Không có xó xỉnh sâu.hun hút nào gã không mò vào. Không có tầm cao nào gã không leo tới. Nhiều lần gã trèo lên mặt tiền của nhà thờ, rõ cao, chỉ duy nhất nhờ vào những chỗ lồi lõm của các pho tượng. Vì nhảy nhót, leo trèo vùng vẫy giữa những vực sâu của nhà thờ khổng lồ mà gã trở thành dường như con khỉ, con lạc đà.

Claude Frollo phải vất vả và kiên nhẫn lắm mới dạy cho gã nói được. Nhưng một định mệnh đã xảy ra. Kéo chuông từ mười bốn tuổi nên gã bị điếc đặc. Tâm hồn gã rơi vào đêm đen thăm thẳm. Điếc làm cho gã câm. Vì không muốn làm trò cười cho thiên hạ gã kiên quyết giữ im lặng.

Gã chỉ phá vỡ sự im lặng khi chỉ có một mình.

Gã trở nên độc ác. Độc ác vì hoang dã. Hoang dã vì xấu quá. Sức khỏe phát triển lạ lùng cũng là nguyên nhân nữa của tính độc ác của gã.

Từ bước đầu đến với con người gã đã cảm thấy và thực sự thấy bị xua đuổi. Lớn lên, gã toàn chỉ thấy sự hằn học xung quanh gã. Rốt cuộc gã quay lưng lại mọi người dù không phải không nuối tiếc. Nhà thờ Đức Bà là đủ cho gã rồi.

Sự có mặt của con người kỳ quặc này đem lại cho nhà thờ một cái gì như sức sống, chỉ cần biết là gã đang ở đây là người ta tưởng như hàng ngàn pho tượng ở các hành lang sống dậy, cử động được.

Duy nhất chỉ có một người là Quasimodo không dành cho những trò tinh quái, sự hằn học của gã, có lẽ gã còn yêu hơn cả yêu nhà thờ Đức Bà. Đó là Claude Frollo. Điều đó thật đơn giản, Claude Frollo đã nhận gã làm con nuôi, đã nuôi nấng, dạy dỗ, che chở cho gã, đã làm cho gã thành người kéo chuông. Vì thế lòng biết ơn của Quasimodo rất sâu sắc, say mê vô hạn, dù bộ mặt của cha nuôi lúc nào cũng u uất, cứng đanh, khắc nghiệt. Lòng biết ơn ấy không hề suy giảm.

Phó giám mục chỉ có Quasimodo là kẻ nô lệ phục tùng duy nhất. Từ khi Quasimodo bị điếc đã hình thành giữa ông và gã một thứ ngôn ngữ bằng dấu hiệu bí hiểm, chỉ có hai người hiểu được. Bằng cách ấy, phó giám mục là người duy nhất có quan hệ giao tiếp với Quasimodo. Trong đời này gã chỉ có quan hệ với hai thứ: nhà thờ Đức Bà và Claude Frollo.

Năm 1482, Quasimodo đã chừng hai mươi tuổi. Claude Frollo thì khoảng ba mươi sáu. Một người thì lớn lên, một người thì già đi..Claude Frollo không sao nhãng việc giáo dục em mình.

Với thời gian, một chút chua chát đã len vào cái công việc dịu dàng ấy. Chú bé Jehan Frollo, biệt danh là Cối xay gió, nơi chú được nuôi dạy, không phát triển theo hướng mà Claude muốn. ông anh trông mong em trở thành một đứa trẻ sùng đạo, dễ bảo, danh giá.

Chú em thì lười biếng, dốt nát, trụy lạc, thực sự là một con quỷ rất lệch lạc. Nhiều phen làm cho Claude phải cau mày. Nhưng chú lại rất ngộ nghĩnh, rất tế nhị. Điều đó làm cho ông anh nở nụ cười.

Chán nản trong tình yêu con người, ông càng hăm hở lao vào khoa học. Dần dần ông trở nên thông thái, đồng thời ngày càng cứng rắn trong tư cách là linh mục, ngày càng buồn với tư cách là con người.

Ông say mê lạ lùng nhà thờ Đức Bà. ông ngắm hàng giờ những bức tượng nơi cửa. ông giam mình trong căn phòng hẹp, trong một cái tháp trông ra quảng trường Grève, kề bên phòng treo chuông. Không ai vào phòng ông. Đêm đêm qua một cửa sổ nhỏ người ta trông thấy ánh lửa đỏ quạch nhấp nháy. Trong bóng tối, từ tầm cao ấy, cái đó gây ra một tác động thật lạ.

Bởi vậy, mặc dù sống kham khổ, ông không được cảm tình của dân chúng. Người ta không ngần ngại lên án ông là phù thủy.

Từ ít lâu nay, người ta thấy ông càng kinh tởm bọn ma-cà-bông. ông đã xin giám mục ban bố một chỉ dụ cấm những cô gái bô-hê-miêng không được vào nhảy trong quảng trường nhà thờ.

Phó giám mục và gã kéo chuông đều không được trẻ con và người lớn quanh nhà thờ yêu mến.

Mỗi khi Claude và Quasimodo cùng nhau đi ra ngoài (điều này đã nhiều lần xảy ra), khi người ta thấy thầy trò sóng bước bên nhau, trò đi sau thầy trên những đường phố hẹp, mát và tối om của tòa nhà thờ Đức Bà thì không ít lời phỉ báng, giễu cợt, lăng mạ khi họ đi ngang. Bất chấp mạng sống của mình, bọn trẻ con tinh quái cắm kim vào cái bướu của Quasimodo để cười thả cửa.

Đôi khi có những bà già, ngồi trong bóng râm của cổng nhà thờ, lầu bầu thành tiếng, lời chào đón mang tính chất "khích lệ": "Đây là một con.người mang tâm hồn y như hình thù mà nó mang", hoặc một đám học trò chào họ bằng những lời hò hét.

Nhưng thường thường thì lời lăng mạ bị linh mục và gã kéo chuông bỏ qua. Quasimodo thì điếc lòi, còn Claude thì quá mơ màng không để lọt tai những lời êm ái đó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx