sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4 - Ca Phi Theo Vết

Buổi sáng tôi dậy sớm, tắm rửa xong đâu đấy, vừa mặc quần áo xong thì bé Thơ từ trên nhà sàn chạy xuống. Chắc hẳn bé có tin tức gì mới cần báo cho tụi tôi biết. Quả nhiên:

- Anh Chiêm! Sáng nay bác Ninh lên phố sớm lắm, lúc về bác đem báo về đây này. Chưa tìm được bé Kính.

Dứt lời, bé Thơ giở tờ nhật trình. Ngay trang nhất, một hàng chữ lớn in đậm nét:

MỘT CHÚ BÉ BỊ MẤT TÍCH

MỘT CÁCH BÍ MẬT TẠI BIÊN HOÀ

Biên Hoà, 18-8…

“Sáng hôm nay, khoảng mười giờ, một bé trai 5 tuổi tên Trần văn Kính, đi cùng với mẹ, vào chơi trong công viên thành phố. Em Kính được mẹ cho phép đem bánh mì ra chỗ nhốt nai, hoẵng, liệng ruột bánh mì cho hoẵng ăn. Một lúc lâu, không thấy em trở lại, bà mẹ vội vã chạy tìm, nhưng không thấy con đâu hết. cảnh sát được cấp báo đã cho lục soát toàn khu công viên. Nhân viên công lực, với sự phụ lực của nhân viên trong công viên, sử dụng cả chó nữa, nhưng việc tìm kiếm vẫn không đem lại kết quả mong muốn. Giả thuyết cho rằng, bé Kính đã trèo qua cửa rào sắt thấp về phía xa lộ trông ra sông, không đứng vững. Tại địa điểm này, suốt buổi sáng hôm ấy, một nhân viên cảnh sát lưu thông đã có mặt, kiểm soát xe cộ, gặp bé Kính, chắc hẳn nhân viên này đã ngăn lại, không cho qua đường, sợ nguy hiểm. Không ai trông thấy em đi lạc ngoài phố hết. Mãi tới đêm qua vẫn chưa tìm thấy em. Đặc điểm nhân dạng: khá lớn so với tuổi thật, mập mạp, da bánh mật, tóc nâu cắt kiểu “bombé”, mắt nâu sậm, mặc quần yếm xanh dương, chân mang săng-đan còn mới. Mặc dầu gia đình bé Kính (ở nhà cha mẹ và chị vẫn gọi em là Kí, Kí!) không đủ khả năng nộp tiền chuộc, dư luận vẫn cho rằng đây là một vụ bắt cóc. Một gã đàn ông dáng điệu khả nghi trong hai ngày liền, đã lảng vảng trong công viên, gần ngay địa điểm các em nhỏ chơi đùa. Tên này hiện nay đã biệt dạng, nhưng một chị bán đậu phộng, mứt me rong, vẫn bày hàng gần cổng rào công viên trên đường Cẩm Bích xác nhận đã trông thấy người đàn ông khả nghi kia hồi 9, 10 giờ sáng 17-8, từ trong công viên đi ra, tay dắt một em nhỏ. Nhân dạng người bí mật: khoảng 50 tuổi, cao lớn, không gầy lắm, quần xám, áo vét màu nâu lợt, nhầu nát, tóc dài trùm kín gáy, nâu sậm, râu quai nón thật rậm. Yêu cầu bất cứ ai bắt gặp gã, sau khi bé Kính mất tích, báo cho cảnh sát biết ngay”.

Bé Thơ lớn tiếng:

- Đó! Các anh thấy chưa! Cảnh sát nghi ngay ông híp-pi rồi đó.

Tâm khẽ gật đầu:

- Tôi cũng đoán trước thế! Nhất là chị bán đậu phộng, mứt me đã trông thấy ông ta dắt tay một em bé từ trong công viên đi ra.

- Chắc gì lời nói của chị ấy đã đúng, anh Tâm thử đọc lại coi. Trông rõ ông híp-pi! Đồng ý! Nhưng về chú bé thì không có gì rõ rệt, chính xác hết. Không phải bé Kính thì sao?

- Không phải bé Kính thì là một em nhỏ khác. Ông híp-pi có dắt một em bé từ công viên đi ra. Vậy là đủ quá rồi.

Bé Thơ cau mặt:

- Ông ta vốn yêu quý con nít. Cứ ngồi suốt ngày nhìn ngắm tụi nó chơi đùa. Biết đâu ông ấy lại chẳng dắt một em nào đó, con cái của mấy gia đình ở gần đây, dạo chơi loanh quanh một vòng.

Bình Trọc, bây giờ mới lên tiếng:

- Nếu vậy thì chúng mình không thể im lặng được nữa. Chiêm và Tâm liệu mà nói cho bác Ninh biết vụ gặp gỡ đêm hôm đó đi.

Tâm và tôi chạy qua bên bác Ninh. Bác không có ở nhà mà lại ở ngoài vườn đang cho hoẵng và chim ăn. Nghe tôi kể chuyện gặp ông thi sĩ lang thang ngủ lại đêm trong công viên và hiện giờ ông ta đang bị cảnh sát truy lùng gắt lắm, bác không lấy làm ngạc nhiên gì mấy.

- Chuyện đó thường lắm cháu à. Các tay lang thang hay vào ngủ vạ ngủ vật trong này. Cánh cửa con về phía đường Chấn Mạc thấp lè tè ấy mà, ai bước qua mà không được. Họ rúc vào bụi mà ngủ thì có trời mà tìm. Có điều, việc này quan hệ đấy. Để bác đưa các cháu lên gặp các ông cảnh sát nghe.

Tâm vội nói:

- Bác đang mắc bận mà. Để chúng cháu lo vụ này cho, thưa bác.

- Nếu vậy bảo Tường Vi dẫn hai cháu đi.

Thả Ca Phi cho đi lại tự do trong vườn để nó trông coi chỗ ăn, chỗ ngủ, tôi theo chân Tâm, Bình, bé Thơ và Tường Vi lên Cuộc Cảnh Sát, đồng thời đề nghị với các bạn:

- Tụi mình đi lối cửa ra đường Cẩm Bích, tiện dịp, đi ngang chỗ chị bán đậu phộng hỏi thăm tin tức xem sao.

Bé Thơ tán thành:

- Ý kiến hay!

Chúng tôi vừa đi tới cửa vòng rào, chị bán đậu phộng cũng vừa đến, đang sửa soạn bày hàng.

Bình Trọc:

- Tôi phải mua một gói lớn đậu phộng và mứt me mới được. Được bán mở hàng như thế, chị ấy sẽ vui vẻ nói chuyện hơn.

Chị “đậu phộng” đon đả tiếp đón bọn tôi, vui vẻ gói hàng. Nhưng khi bé Thơ hỏi đến chuyện nhỏ Kính mất tích, chị tỏ vẻ bực mình ngay lập tức:

- Trời ơi! Từ hôm qua đến giờ, có tới hàng trăm người đến hỏi lục vấn tôi rồi. Bực mình quá. Biết được gì, tôi đã nói hết với các ông cảnh sát. Xong rồi, không nói đi nói lại gì nữa hết. Việc này không ăn nhằm gì đến tôi, cả các cô các cậu cũng vậy.

Chợt bắt gặp vẻ mặt buồn rầu của cả bọn, chị lại dịu giọng:

- Kể ra thì chuyện cậu bé mất tích này rắc rối thật. Mấy ông cảnh sát cứ căn vặn tôi để biết đích xác có đúng là bé Kính đã đi với người lạ ấy không. Nói thực mà nghe, tôi cũng không rõ nữa. Ở cái tuổi ấy, nhỏ nào trông cũng giống nhỏ nào. Chỉ có người đàn ông là dễ nhận ra. Tóc bờm xờm đỏ quạch, râu quai nón xồm xoàm che gần kín má. Gã dắt tay thằng nhỏ, băng qua đường, đây, ngay chỗ này này. Đoạn đi đâu, chịu, tôi biết sao được. Tôi còn mải bán hàng. Hàng trăm ngàn người qua lại suốt ngày ấy, để ý sao cho xiết được.

Chúng tôi cũng chỉ mong có thế. Vậy thì rõ ràng là chị bán đậu phộng cũng không xác nhận thằng nhỏ ông lang thang dắt tay ấy chính là bé Kính. Do đó, mục tin trong báo cũng không thể phản ảnh đúng sự thực được.

Bé Thơ thở ra một hơi dài nhẹ nhõm:

- Càng hay!

Quay ra, chúng tôi theo chân Tường Vi lên Cuộc Cảnh Sát. Một chiếc xe Jeep sơn hai màu xanh trắng có cắm cần “ăng teng” thật dài đậu ngay trước cửa trụ sở.

Sau khi nghe bé Thơ trình bày mục đích cuộc viếng thăm, nhân viên trực dẫn Tâm, Bình, bé Thơ và tôi lên lầu, gõ một cánh cửa. Sau một bàn giấy lớn, trên để nhiều chồng hồ sơ, một ông bận thường phục đưa mắt ngó bọn tôi qua đôi mắt kính sáng tròng:

- Các em đi đâu đây? Cần hỏi gì?

Bé Thơ mạnh dạn:

- Thưa ông Trưởng Cuộc, chúng cháu đọc báo, được biết là cảnh sát cần gặp bất cứ người nào trông thấy người đàn ông để tóc híp pi, râu quai nón mấy ngày trước đây lảng vảng trong công viên.

- Các em đã trông thấy gã híp pi tóc đỏ ấy?

- Dạ!

- Sau khi bé Kính mất tích?

- Dạ không, trước khi đó.

- Nếu vậy thì có quan hệ gì đâu?

- Dạ, quan hệ chứ ạ. Chúng cháu có nói chuyện với ông híp pi ấy trong đêm rạng buổi sáng hôm xẩy ra vụ mất tích mà.

Ông Trưởng Cuộc bắt đầu chú ý:

- A! Em nói rõ lại coi!

- Chúng cháu đã bắt gặp ông ta, khoảng 11 giờ đêm, ngủ trong một bụi cây gần chỗ cầu tuột của các em nhỏ.

Vị chỉ huy cảnh sát khoanh hai tay đặt lên bàn, ngó bé Thơ chăm chú;

- 11 giờ đêm? Lúc dó công viên đã đóng cửa. Tại sao các em lại có mặt trong đó được?

Tường Vi rụt rè lên tiếng:

- Cháu là con ông giám thị công viên. Và ba cháu cho phép các bạn của cháu đây cắm trại tạm trú trong đó.

Tâm đưa tay chỉ tôi:

- Cháu và anh bạn đây lúc đó đi dạo trong vườn ngắm cảnh sáng trăng. Chợt, con chó của anh ấy đánh hơi phát giác ra người ngủ trong bụi cây. Ông ta chợt tỉnh và hai bên đã nói chuyện với nhau. Bên ngoài, trông ông ta có vẻ giống một tay du đãng, nhưng thực ra thì không phải. Hình như là một nhà văn hay thi sĩ, hoặc giáo sư gì đó. Ngắm cảnh sáng trăng, ông ta có lối diễn tả ý nghĩ thật hay, cũng như khi kể chuyện đi du lịch, lời nói vô cùng hấp dẫn. Một người như thế, không thể làm điều phi pháp, dính líu trong vụ bé Kính mất tích được, thưa ông Trưởng Cuộc.

Bé Thơ phụ họa với bạn:

- Vâng, thưa đúng như thế! Ông híp-pi này trông dễ thương lắm. Hôm trước nữa, cháu cũng đã được nói chuyện, được ông ấy ngâm thơ cho nghe, giọng ngâm dịu dàng, cảm động vô cùng. Chắc hẳn ông ta có điều gì đau khổ lắm trong lòng. Một người lang thang không nhà không cửa nhưng không giống như những kẻ lang thang du đãng khác.

Ông Trưởng Cuộc khẽ gật gật cái đầu, nhưng nét mặt lại lộ vẻ hoài nghi;

- Các em còn ít tuổi nên dễ tin người lắm. Mật ngọt chết ruồi. Ngây thơ quá, các em bị gã ru ngủ đấy… Thôi, được rồi! Các em cho biết là gã đã ở lại ban đêm trong công viên. Tôi nhớ chi tiết đó. Bây giờ các em có thể ra về. Cám ơn các em!

Cả bọn quay ra. Tôi chợt nghĩ đến con Ca Phi. Một ý kiến hay hay nẩy ra trong trí. Tôi lại quay vào nói với ông phụ tá Trưởng Cuộc Cảnh Sát, nếu cần, tôi sẽ cho Ca Phi phụ giúp. Ông phụ tá Trưởng Cuộc không tin một chú nhỏ như tôi lại có thể huấn luyện một con chó làm trinh thám được, nên khéo léo từ chối.

Cả bọn buồn bã xuống cầu thang. Buồn nhất là bé Thơ. Đến đây với hy vọng minh oan cho ông thi sĩ lang thang, vô tình, cả bọn lại làm hại ông ấy không ít. Bé bảo tôi:

- Ông Phó Trưởng Cuộc cho rằng con Ca Phi của anh Chiêm vô tích sự. Chúng mình phải cố gắng làm sao để nó vượt bứt con chó của các ông ấy mới được.

Bình Trọc sốt sắng;

- Khó gì. Bọn ta tới nhà má bé Kính là có liền. Thôi, đi ngay đi.

Mấy phút sau, chúng tôi đã tới đường Trần Bình Trọng. Một bà khách qua đường chỉ dùm nhà bà Tám Vinh, mẹ bé Kính, ở tầng lầu hai một chung cư cũ kỹ. Bé Thơ đề nghị để tôi và bé lên nhà bà Tám thôi, còn Tâm và Bình đứng dưới đường chờ đợi. Vừa đặt chân lên cầu thang lầu hai, chợt nghe tiếng cửa mở ngay phía trên đầu. Thì ra, ba má bé Kính thoáng nghe bước chân lên cầu thang tưởng rằng người đem tin vui đến nên chạy vội ra. Khi nhận thấy bé Thơ và tôi, ông bà lộ vẻ thất vọng ra mặt. Nhưng ông Tám Vinh vẫn lên tiếng:

- Các em hỏi gì thế?

Bé Thơ vồn vã:

- Chúng cháu có thể giúp ông bà tìm kiếm bé Kính.

Ông bà Tám đưa mắt nhìn nhau ngập ngừng do dự, không biết quyết định lẽ nào. Có nên mời chúng tôi vào trong nhà không. Từ hôm qua đến giờ, chắc hẳn ông bà đã “bị” tiếp nhiều khách mệt nhoài người mà vẫn chưa có kết quả gì. Tôi vội vàng lên tiếng chỉ sợ ông Tám cắt ngang lời nói:

- Cháu có một con chó Đức lớn và khôn lắm, mũi rất thính, may ra tìm ra dấu vết em Kính được.

Người cha buồn bã lắc đầu;

- Thính mũi! Tôi chẳng tin tưởng chút nào vào cái mũi thính của các chú bốn chân. Ngay đến con “bẹc-giê” của các ông cảnh sát ngày hôm qua trong công viên cũng cứ loanh quanh luẩn quẩn mãi mà chẳng dò ra được dấu vết gì, huống hồ…

Bà mẹ gật đầu đồng ý với chồng:

- Sự thật có thế!... Nhưng mình cứ thử con chó của cậu nhỏ này coi. Biết đâu chừng!

Lời yêu cầu được chấp thuận, tôi mừng quá:

- Bà làm ơn cho cháu mượn một món đồ gì của em Kính, quần áo chẳng hạn, cái em đang mặc dở trước lúc bị mất tích.

Bà Tám suy nghĩ một chút, rồi nói:

- Đôi “săng đan” cũ được không?

- Em Kính bỏ không mang đôi ấy đã lâu chưa ạ?

- Lâu la gì đâu. Hôm qua dắt nó lên công viên, tôi còn mang cho em kia mà. Rồi khi thấy đôi dép đã cũ quá, gần đứt cả quai, tôi mới tiện dịp ghé vào tiệm mua cho em một đôi mới. Thằng nhỏ diện luôn và bắt tôi giữ cho nó đôi cũ để sau đem về nhà cất. Thế chú em tin chắc rằng con chó của chú em có thể…

Bé Thơ nhanh nhẩu:

- Nó thính mũi lắm. Bà cứ yên trí.

Tội nghiệp! Những người gặp điều bất hạnh, hễ chợt thấy một cái gì có thể đem lại chút ít hy vọng là vội vàng bám chặt ngay lấy như người sắp chết đuối bất ngờ vớ được chiếc phao. Ông bà Tám Vinh cám ơn tụi tôi rối rít.

Về đến công viên, tôi lấy chiếc săng-đan của bé Kính ra. Con Ca Phi thoáng trông thấy, đoán được ngay là tôi muốn sai nó làm việc gì. Nó ngoe nguẩy cái đuôi mừng rỡ. Tôi liền thòng dây da vào vòng đai cổ nó, đoạn dắt tới gần đống cát, chỗ cột đu, ngựa gỗ, cầu tuột của các em nhỏ. Đưa chiếc săng đan sát mũi con chó, cho nó ngửi thật kỹ xong, tôi khẽ quát;

- Đi tìm. Ca Phi! Đi tìm ngay. Đi tìm. Mau!

Lập tức, cái mũi đen máy động, rà rà mặt đất như máy rà mìn. Ca Phi hết chạy qua bên trái lại tạt sang bên phải. Nó quay trở lại chỗ khởi hành để rồi lại cắm đầu chạy đi, đánh hơi cùng khắp. Sự hiện diện của một số rất đông các em nhỏ, tung tăng chạy nhẩy khắp nơi, gây trở ngại cho Ca Phi không ít. Đủ các thứ mùi vị vương trong không khí, quyện lẫn vào nhau, khiến con chó không còn biết đường nào mà dò nữa. Rồi các cô bé, chú bé, đã khiếp vía vì thân hình đồ sộ của Ca Phi lại thêm cái mũi lạnh ngắt cứ nhè những bắp chân non mềm mà hít ngửi, các em kêu khóc om lên, khiến các bà mẹ phải yêu cầu chúng tôi đem chó đi chỗ khác.

May sao, Ca Phi lại đánh hơi tìm ra dấu vết bé Kính quanh đống cát. Nó rít lên khe khẽ, vẫy đuôi tít lên báo cho tôi biết. Rồi kéo thẳng căng dây da. Ca Phi lôi chúng tôi đi theo một lối đi tới vòng rào sắt có cửa mở ra đường Cẩm Bích, đúng chỗ chị hàng đậu phộng đã trông thấy ông thi sĩ lang thang đi ra, tay dắt theo một em nhỏ.

Bé Thơ run giọng:

- Trời dất! Vậy thì ông híp-pi tóc đỏ có dắt theo bé Kính thật rồi.

Qua cổng, tới ngoài vỉa hè, Ca Phi ngập ngừng một phút, đoạn băng qua mặt lộ, trên khoảng kẻ vạch trắng dành cho khách bộ hành, đúng đường đi của ông lang thang. Tới bờ lề đối diện, sau mấy giây do dự, Ca Phi đi tới một con phố nằm ngang trước mặt, rồi từ đó quẹo tay mặt, chạy theo con đường dẫn lên chợ cũ. Tường Vi vội nói:

- Khoan đã. Đừng đi nữa. Con Ca Phi dắt chúng mình về đường Trần Bình Trọng đấy.

Tường Vi nói đúng. Ca Phi theo đúng vết chân bé Kính, nhưng lại là những vết chân của bé lúc đi cùng với mẹ từ nhà đến công viên. Nếu vậy thì việc dò xét phải làm lại, từ lúc bắt đầu.

Cả bọn trở về chỗ các em nhỏ nô đùa. Lại một phen bị các bà mẹ cằn nhằn khó chịu. Nhưng may sao, Ca Phi ngập ngừng không lâu. Đi vòng quanh đống cát hai ba lượt, nó phóng chân chạy sang hướng khác, lối dẫn tới chỗ nhốt nai, hoẵng. Chúng tôi chắc lần này nó đi đúng đường giữa công viên, lối đi này gặp một đường khác dẫn tới cổng rào sắt trông ra đường Chấn Mạc. Ca Phi ngừng lại mấy giây, quẹo tay trái, phăng phăng leo hơn mười mấy bậc tam cấp, qua cổng rào. Ra tới vỉa hè, nó quẹo tay phải, phóng thẳng tới một khoảng láng si măng rộng, nơi dành cho xe hơi đậu. Ca Phi ngừng lại đúng chỗ kẻ những vạch vàng đoạn ngẩng đầu ngó tôi như có ý muốn nói:

- “Cậu Chiêm ơi! Hết đường rồi! Không đi được nữa đâu.”

Nếu vậy thì dễ hiểu quá. Khi chạy ra xem nai, hoẵng, bé Kính đã bị một người nào đó dụ dỗ bảo đi theo. Tên gian này dẫn em ra khỏi công viên theo lối đi có bậc tam cấp, qua cổng rào, tới một chiếc xe hơi tại sân đậu. Chiếc xe mở máy dông một mạch. Như thế thì ông híp-pi kia không dính líu gì hết, bé Thơ tươi hẳn nét mặt. Nhưng bí mật vẫn hoàn toàn bí mật. Bé Kính mất tích vẫn không ai tìm thấy tăm hơi. Quả là một điều khó hiểu. Bắt cóc bé Kính với mục đích gì? Cha mẹ em đâu có đủ phương tiện để nạp tiền chuộc?

Sự khám phá do Ca Phi khiến chúng tôi sửng sốt bàng hoàng, cứ ngẩn ngơ đứng mãi tại chỗ bé Kính bị đem đi, tưởng chừng như chiếc xe bí mật đã chở em, sẽ quay trở lại chỗ cũ do một phép nhiệm mầu.

Bé Thơ:

- Sao đây? Chúng mình quyết định sao đây?

Tiếng Tâm:

- Báo cho ba má bé Kính biết rồi đi với hai ông bà tới Cuộc Cảnh Sát. Lần này chắc ông Trưởng Cuộc sẽ phải công nhận là tụi mình có lý.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx