Thế là tôi ở lại một mình. Con Ca Phi ngạc nhiên đưa mắt nhìn hết Bình, Tâm đang bỏ đi lại đến tôi như có ý muốn hỏi: “Tại sao cậu Chiêm không đi cùng với các bạn?”
Con đường Tân Lập đã nhỏ hẹp, hai bên lại san sát toàn nhà, đứng sớ rớ tại đây rất dễ bị để ý. Phải tìm chỗ nào khuất để nấp núp mới được. Đối diện với nhà hàng bi-da là một bức tường xây thấp chạy dài theo một khu vườn lớn. Ở một khoảng, có chỗ một cái cửa nhưng chưa có cánh, tôi dắt Ca Phi bước vào thật nhanh. Nấp sau bức tường chưa đầy năm phút, chợt nghe tiếng xe gắn máy nổ phía xa xa mỗi lúc một rõ. Liếc nhanh mắt qua chỗ trống, tôi thấy một người đàn ông xuống xe ngay trước cửa căn nhà nhỏ. Đúng Hai Ngữ đây rồi. Trông anh ta hãy còn trẻ, vào khoảng hơn ba mươi, ba mươi lăm tuổi gì đó. Khuôn mặt thuôn dài, thân hình cao lớn, đẫy đà.
Dựa xe gắn máy sát tường, Hai Ngữ bước vào trong nhà nhưng không mở mấy cánh cửa sổ. Tôi đoán, có lẽ y sẽ lại đi nữa. Nếu không, ắt đã phải dắt xe vào trong vườn rồi chứ. Tôi cuống lên, chỉ e anh ta đi mất hút trước khi Tâm, Bình lên đến nơi. Phần tôi, chạy bộ thì theo dõi sao được một người cưỡi xe gắn máy.
May sao, nơi đầu đường phía xa xa, đã thấy xuất hiện bóng Tâm, Bình đang cắm cổ đạp xe. Hai anh bạn tôi tài thật. Vừa đi vừa về lấy xe không đầy mười lăm phút. Tôi chạy vội tới:
- Ê, coi chừng! Hai Ngữ về rồi đấy, xe gắn máy anh ta dựng sát tường kia kìa, thấy không? Cửa sổ đóng im ỉm thế kia, biết đâu y lại chẳng đứng bên trong ghé mắt nhìn qua khe ván?
Bình Trọc vội vàng:
- Vậy chúng mình cứ làm ra vẻ tự nhiên đi thẳng tới quán bi-da “thụt” một “mắt”. Như vậy hắn sẽ không nghi ngờ gì hết. Bé Thơ đứng lại đây canh chừng. Con gái thường ít bị để ý.
Dựng ba chiếc xe đạp dưới gốc bàng, ba đứa tôi bước vào, nói với bà chủ cho mượn ít trái bi da, chăm chú “thụt”, chăm chú ghi điểm. Thỉnh thoảng, Tâm, Bình hoặc tôi, lại liếc nhanh ra ngoài xem bé Thơ có báo động gì không.
Một tiếng đồng hồ trôi qua… Không biết chúng tôi phải kéo dài “mắt” bi-da này cho tới bao giờ? Bỗng bé Thơ ra dấu cho biết là Hai Ngữ xuất hiện. Hắn ta nhẩy lên xe nhưng lại tụt xuống tức thì. Máy xe không chịu nổ. Bé Thơ báo hiệu là Hai Ngữ đang lúi húi sửa xe.
Ba đứa tôi vờ cắm cúi trên bàn bi da, đồng thời, Tâm cắt đặt công việc:
- Bình và tôi theo sát Hai Ngữ! Chiêm đạp cách xa một chút, nghe!
Bình Trọc hỏi ngay:
- Còn Ca Phi?... À, nhưng để ca Phi chạy theo xe đạp giữa phố xa đông người, xe cộ như mắc cửi, rồi Hai Ngữ có thể sanh nghi thì phiền ra.
Tôi liền giao phó cho bé Thơ.
Chợt có tiếng xe nổ máy.
Hai Ngữ nhằm phía trung tâm thành phố trực chỉ. Tâm, Bình dắt xe đạp nhảy phóc lên. Khi hai bạn tôi băng đi khoảng hai trăm thước, bé Thơ khẽ la:
- Anh Chiêm theo đi…! Tất cả… may mắn nghe!
May sao, buổi sáng hôm ấy, Bình Trọc lại mặc một chiếc sơ mi cộc tay màu vàng choé. Tôi theo hút nó không một chút khó khăn tới một ngả tư đèn đỏ.
Đèn bật xanh, bóng chiếc áo vàng lao vào một con đường hai bên trồng toàn me. Khách bộ hành, xe cộ đi lại tấp nập. Tôi không còn trông thấy Hai Ngữ đâu nữa, nhưng Bình, Tâm vẫn đạp vun vút. Thoáng cái đã tới công trường Cộng Hoà, nơi bé Thơ cùng Tường Vi ra đón bọn tôi hôm mới đến. Bình và Tâm vòng theo bùng binh, chạy dọc theo một đại lộ dẫn tới đầu cầu sông Biên Hoà, tức là ra ngoại ô.
Tôi đạp dấn lên cho kịp hai bạn. Bình mím môi:
- Phiền nhỉ! Hai Ngữ phóng ra đồng quê là tụi mình mất hút, hết theo nổi.
Nhưng ngay lúc đó, Tâm reo lên, đồng thời đạp thật lẹ:
- Ấy kìa! Gã quẹo tay mặt rồi. Đuổi mau!
Đúng thế! Tôi thoáng thấy bóng Hai Ngữ quẹo xe theo con đường vắng vẻ dẫn tới một khu phố toàn những căn nhà thấp lụp xụp. Tâm, Bình bứt tôi một quãng khá xa. Chợt vừa đạp, Tâm vừa ngoảnh mặt lại, giơ tay ra dấu cho tôi đạp chậm bớt. Cuộc săn đuổi đã tới hồi gay cấn chăng? Mới nới chân được ít vòng, ngẩng lên, bóng Tâm, Bình đã mất hút. Nhưng không lo! Đường này độc đạo, có chỗ quẹo nào đâu. Chưa đầy hai phút sau, tôi đã bắt kịp hai người. Tâm, Bình xuống xe từ lúc nào. Bình bước lại gần tôi, một ngón tay đặt lên môi:
- Tụi mình giấu xe vào bụi cây tứ quý kia, rồi tìm chỗ nấp, mau!
Tôi thắc mắc:
- “Con mồi” đâu rồi?
- Chiêm không thấy xe gắn máy kia sao? Dựa sát tường đó! Hai Ngữ dựng xe đấy để leo con đường dốc ngược kia kìa. Chắc gã không đi xa đâu.
Ba đứa tôi chờ một lúc khá lâu. Hai Ngữ vẫn chưa lộ dạng. Tôi đề nghị với hai bạn đi lên con đường dốc ấy thám thính một vòng thử coi, không e ngại gì hết, vì “con mồi” có biết chúng tôi là ai đâu. Con phố dốc cao này tên là đường Vạn Sinh. Bên tay mặt có một dãy tường cao tới gần bốn thước. Bên tay trái lại một dãy tường khác nhưng thấp hơn, chắc bên trong phải có nhà cửa gì đó, nếu không, tại sao lại có ba cánh cửa mở hé thế kia? Hai Ngữ phải bỏ lại xe gắn máy dưới chân dốc vì xe không thể leo được. Nhưng trong ba khuôn cửa kia, gã đã đi vào khuôn nào? Hay gã lên đỉnh dốc, rồi từ đó quẹo sang con đường khác?
Bình Trọc hăm hở:
- Lên đỉnh dốc coi thử.
Trên chót đỉnh, đường Vạn Sinh lượn thành hình bán nguyệt rồi lại dẫn ra đường đi vào trung tâm thành phố. Không một dấu tích gì chứng tỏ Hai Ngữ đã đặt chân tới tận đỉnh dốc. Chúng tôi đành quay trở xuống. Chợt, Tâm khẽ kéo tay tôi, nói nhanh:
- Nấp kín đi, kìa!
Quả thật, Hai Ngữ đang bước ra chỗ để xe máy. Mặc dầu chỗ nấp hơi xa, qua bụi cỏ cao rậm, chúng tôi vẫn nhìn rõ. Anh ta cột một cái gì đó vào “pọt ba ga”, hình như là một cái túi rỗng, loại túi vẫn dùng để đựng khoai thì phải. Xong xuôi, Hai Ngữ nhẩy lên xe quay trở về đường cũ.
Bình Trọc:
- Té ra anh ta lên đây chỉ để lấy cái túi ấy ở nhà ai đó và bây giờ trở về nhà.
Tâm đứng lên:
- Mặc! Tụi mình cứ đuổi theo.
Ra tới đại lộ, Hai Ngữ không quẹo tay trái để về trung tâm thành phố mà lại rẽ phía tay mặt, hướng cầu sông Biên Hoà. Không chừng gã đi tìm mua khoai tây tại một nông trại nào đó.
Vượt khỏi cây cầu, Hai Ngữ phóng thẳng một mạch ra đồng quê.
Bình Trọc lắc đầu:
- Hỏng bét! Đường chạy thẳng ra cánh đồng thế này, theo sao nổi!
Tâm khuyến khích:
- Có gì mà không nổi? Xe của Hai Ngữ cà rịch, cà tàng, cứ “pan” luôn ấy mà.
Phía trước, xe gắn máy của “con mồi” chạy băng băng. Ba phút sau, tụi tôi đã bị bỏ rất xa. Đạp có tới hai cây số nữa vẫn chưa thấy bóng dáng Hai Ngữ đâu. Nguy hơn nữa, tới chỗ này, đường lại chia thành hai ngả.
Bình phân công:
- Chiêm theo con đường này. Tôi và Tâm theo con đường kia.
Con đường tôi theo là quốc lộ, càng đạp tới lại càng dốc ngược mãi lên. Được gần một cây số, chợt tim tôi đập thình thịch như trống làng. Trước mặt, cách chừng một trăm thước, Hai Ngữ đang ngồi cắm cúi sửa xe bên vệ đường. Phản ứng tự nhiên thúc đẩy, chút síu nữa tôi quay trở đầu xe. Chợt nghĩ lại kịp: như vậy con mồi sẽ sinh nghi. Tôi liền đạp dấn thêm mấy vòng thật nhanh, qua chỗ gã đàn ông ngồi, lòng nghĩ thầm: “Tâm, Bình đạp theo đường kia mãi không thấy gì, chắc thế nào cũng quay sang đường này với mình”. Được một quãng khá xa, tôi xuống xe ngồi nghỉ mệt sau một bụi sim rậm rạp.
Chừng mười phút sau, tôi lại nhẩy lên xe từ từ đạp có ý chờ “con mồi”. Chưa được hai cây số, đã nghe tiếng máy xe nổ ròn phía sau. Đúng Hai Ngữ. Hắn ta vượt qua mặt tôi, rồi biến dạng ngay chỗ đường vòng trước mặt.
Thấm mệt, không còn mong gì đuổi kịp, tôi cứ thong thả vừa đạp vừa đưa mắt nhìn qua rặng cây mọc hai bên đường, bắt đầu từ quãng đường vòng. Cũng may, ở đây không còn con đường rẽ nào khác. Tuy không nhìn thấy gì nhưng nhờ nghe tiếng máy xe nổ, tôi vẫn theo hút được Hai Ngữ.
Đột nhiên, không nghe tiếng gì nữa, và qua rặng cây, chẳng còn thấy tăm hơi con mồi đâu hết. Hai Ngữ tắt máy xuống xe? Hay chiếc xe lại dở chứng “pan” nữa?
Tôi đưa mắt nhìn quanh cố tìm xem anh ta đâu, chợt trông thấy một ngôi nhà bỏ hoang. Bao nhiêu mệt nhọc tiêu tán hết, tôi dắt xe rảo bước lại gần. Ngôi nhà hoang chỉ còn trơ lại bốn bức tường, bên trên không có mái.
Hai Ngữ có xuống xe tại đây không? À, hay là y có xuống xe rồi dắt vào con đường mòn nhỏ hẹp gồ ghề như sống trâu kia? Không có lối nào đi vào con đường mòn ấy cả. Hoặc giả, chiếc xe lại “pan” bất tử và anh ta phải xuống xe dắt bộ?
Tôi lại nhẩy lên xe, cắm đầu đạp, nhằm trái đồi trước mặt, theo con đường lượn vòng như khúc rắn. Hai bên lề đường, sim rừng, ổi dại mọc rải rác. Vẫn không thấy tăm hơi Hai Ngữ đâu hết. Được chừng hai cây số, dừng chân đạp, tôi suy luận rằng, nếu gã xuống đi bộ, tay lại đẩy xe, chắc hẳn chưa thể tới chỗ tôi đang đứng được. Ồ! Hay là tôi lầm? Xe không tắt máy như tôi đã lầm tưởng mà tiếng nổ chỉ bị át đi vì quãng đường vòng gần cái gò đất kia, “con mồi” vẫn phây phây phóng thẳng và bây giờ đã… đi xa lắm rồi!
Chán nản, tôi trở đầu xe, cho xe đổ dốc. Mới xuống tới lưng chừng đã thấy Tâm, Bình mồ hôi nhễ nhại đang cắm đầu cắm cổ đạp lên. Tôi đoán đúng! Tâm, Bình đuổi theo đường bên kia một quãng xa, không thấy gì liền quay xe đạp qua con đường bên tôi. Tôi nói rõ cho hai bạn nghe việc Hai Ngữ vượt qua mặt tôi rồi biến dạng cả người lẫn xe tại chỗ có căn nhà bỏ hoang. Bình sáng ngời đôi mắt:
- Nhà bỏ hoang? Ở đâu thế?
Tôi đưa tay chỉ về phía sau lưng:
- Gần đây thôi! Chừng một cây số! Qua đường vòng là tới.
- Quay trở lại, mau!
Tâm, Bình cũng chẳng hơn gì tôi. Cả hai đều nhận thấy rằng căn nhà hoang không có một chỗ nào có thể ẩn nấp được. Hai nữa, nhà lại xây cất gần đường cái, không thể chứa chấp một cái gì khả nghi hết. Đường đi lối lại quanh đó không còn gì khác ngoài con đường mòn gồ ghề như xương sống trâu mà đầu đường lại là một rãnh nước rộng hơn một thước. Tôi nói với các bạn:
- Tới quãng này, tôi vừa trông thấy gã thấp thoáng sau rặng cây kia chợt tiếng máy xe im bặt. Thế là hết, chẳng còn thấy bóng dáng người và xe đâu nữa.
Bình Trọc có vẻ suy nghĩ hăng lắm:
- Chiêm! Liệu con Ca Phi có thể lùng ra vết tích “con mồi” của chúng ta nếu nó được đánh hơi cái mũ nồi Chiêm lấy ở trong nhà vườn của Hai Ngữ không?
- Chắc lắm chứ!
- Vậy thì tốt quá. Chúng ta sẽ trở lại đây, dắt theo cả Ca Phi. Bây giờ trưa rồi, ta về kẻo bé Thơ chờ đợi.
Ba chúng tôi nhẩy lên xe, nhắm phía thành phố, cho xe đổ dốc băng băng.
@by txiuqw4