Sáng hôm sau, đồng hồ mới điểm bẩy giờ, tôi đã thức giấc, mặc dầu đêm quá ngắn, ngủ chưa đã mắt. Ngồi chừng mấy phút hết ngái ngủ tôi đã nghĩ ngay đến bé Kính.
Hôm qua, chưa kịp để tụi tôi trông rõ mặt, em đã được ba má ôm ấp, bồng bế về nhà. Bé Kính còn nhỏ thế chắc chưa thể nào biết được mối nguy cơ ghê gớm em vừa trải qua. Nhưng ba má em, nhất định là phải sung sướng lắm. Ông bà Tám Vinh vui mừng đến nỗi không ngủ được là cái chắc. Có lẽ suốt đêm, ba má em chỉ loanh quanh lẩn quẩn bên giường đứa con trai duy nhất, ngắm nhìn em say ngủ mà vui sướng đến ứa nước mắt.
Thế rồi, mọi việc tuần tự tái diễn trong trí nhớ: những giây phút nghẹt thở bốn đứa tôi phải trải qua, lúc đột kích bọn gian, bắt giữ chúng trong cống cạn, lúc nhân viên công lực điều tra hỏi cung từng tên một. Nhất là khi từ Cuộc Cảnh Sát đi ra, lúc đó đã vào khoảng nửa đêm, bị chụp hình dưới ánh đèn chớp nhoáng của các phóng viên, ký giả. Tin vui “bé Kính đã trở về” được loan truyền trong toàn thị xã nhanh như một ánh chớp.
Khi bước ra khỏi trụ sở Cuộc, bé Thơ đã cuống quít cả chân tay, đôi lúc lại la lên, hoặc bật cười khanh khách. Tôi có cảm tưởng là toàn thể dân chúng thị xã đều có mặt. Mọi người vây quanh chúng tôi, hỏi han rối rít, các phóng viện giương máy chụp hình, chụp lia lịa. Không riêng gì bé Thơ, tất cả bốn người chúng tôi đều luống cuống, nhưng trong lòng hân hoan không bút nào tả xiết.
Có nhiều người trong đám đông hô lớn:
- Ca Phi! Ca Phi! Con chó khôn ngoan Ca Phi đâu? Cho chúng tôi coi mặt nó một chút!
Chúng tôi định lờ đi làm như không nghe tiếng, nhưng bị la ó dữ quá, bắt buộc phải “khiêng” Ca Phi lên, cho nó đặt hai chân trước, một trên vai Tâm, một trên… đầu tôi. Ba bốn cái máy hình đưa sát tận nơi, thi nhau bấm lách cách khiến Ca Phi ngơ ngác chẳng hiểu người ở đâu mà lắm thế và họ múa may quay cuồng la hét cái gì dữ vậy. Nhưng thấy chúng tôi cười vui thích thú, nó cũng yên lòng, chỉ thè cái lưỡi dài đỏ hỏn ra mà thở hồng hộc, chốc chốc lại rít lên ra điều khoái trá. Nếu tình trạng bủa vây cứ kéo dài như thế, chắc chúng tôi không thể nào mở được lối đi trại cải huấn được. May sao, ông Trưởng Cuộc đã dành cho bốn chúng tôi và Ca Phi một chiếc xe Jeep. Nhờ thế, cả bọn mới đi thoát được.
Tôi nhớ lại lúc bé Thơ, Tâm, Bình, tôi và Ca Phi đến cổng nhà giam, trước bức tường cao trên có dây kẽm gai, rồi đến khuôn mặt ông lang thang khi được trả tự do, xuất hiện trên ngưỡng cửa. Chợt bắt gặp chúng tôi cùng Ca Phi đứng trên vỉa hè, sắc diện ông vụt tươi hẳn lên.
- À, à! Các cháu! Các cháu! À, à…
Tiếng nói tắc nghẹn trong cuống họng, ông đưa hai tay nắm lấy tay chúng tôi, nước mắt ứ đôi mi thâm quầng. Ông cúi xuống hôn hít Ca Phi, hoà lẫn tóc râu với bộ lông đen vàng của nó.
Lúc đó đã một giờ đêm. Bé Thơ hỏi đêm nay ông về đâu.
- Về đâu hả cháu? Ồ! Lo gì điều đó! Chú về đâu cũng được mà. Vào đâu cũng là nhà, ngã đâu cũng là giường được.
Bình Trọc nói ngay:
- Nếu vậy, chú về nhà ương cây trong công viên với tụi cháu đi, chú!
Thi sĩ lang thang cười buồn:
- Về với cháu! Về nhà ương cây với các cháu! Các cháu lại chịu hạ mình ngủ chung nhà với một tên lãng tử như chú sao?
Chúng tôi phải xúm xít vào nói mãi, ông lang thang mới chịu theo về…
Và hiện giờ, ông còn ngủ, nơi kia, trong tận góc nhà xa tít như có ý hết sức giữ gìn để khỏi làm phiền chúng tôi.
Đột nhiên, Tâm vươn vai ngáp một cái thật lớn. Tiếp đó, lại đến Bình đưa hai tay gãi cái đầu trọc. Các bạn tôi thức giấc. Ca Phi chạy lại chào mừng hai người bạn thân của chủ nó bằng cách nhằm đúng hai cái mặt còn ngái ngủ mà liếm thật ngon lành. Ngắm nhìn sắc diện Tâm, Bình, tôi biết ngay là hai người ngủ chưa đã mắt và hiện cũng đang có ý nghĩ như tôi: “đêm ngắn quá nhưng thật yên vui”.
Một lúc sau, ông lang thang cũng thức giấc. Quỳ hai gối trên nệm cỏ khô, ông ta nhẹ nhàng gấp lại tấm mền chúng tôi đã cho mượn để đắp ban đêm. Biết bao tư tưởng vẩn lên trong trí óc khiến tôi đăm chiêu suy nghĩ: Con người kỳ lạ thật! Tế nhị, chu đáo, cử chỉ nhẹ nhàng, ký ức chứa chất toàn những bài thơ tuyệt tác, sắc diện trí thức thông minh, nguỵ trang dưới bộ tóc, trong hàm râu bụi đời đỏ quạch, không hiểu vì đâu ông lại cứ lang thang như một mảnh hồn hoang vất vưởng, đau khổ triền miên, đến nỗi không còn thì giờ mà bảo trọng lấy hình hài thân xác nữa.
Ba chúng tôi chạy lại, vây quanh thi sĩ lang thang, tha thiết mời ông dùng với chúng tôi bữa ăn lót dạ.
Ông ta từ chối:
- Cám ơn các cháu! Chú không thể nhận lời mời quý hoá của các cháu vì chú không muốn quấy nhiễu các cháu nhiều hơn nữa. Vả lại, chú cần phải đi gấp!
Chợt có tiếng bé Thơ:
- Cái gì?... Đi gấp? Chú ghét tụi cháu lắm sao mà đòi đi gấp dữ vậy?
Thi sĩ lang thang ngẩng đầu âu yếm nhìn bé Thơ và Tường Vi đang bước vào, miệng mỉm nụ cười tươi để lộ hàm răng trắng, đều và đẹp. Ông do dự, ngập ngừng thấy rõ. Đoạn, ông ngồi xuống một khúc cây lớn bằng cái thớt tụi tôi vẫn dùng làm ghế ngồi tạm.
Bé Thơ mừng quýnh:
- Để cháu dọn bữa chú ăn lót dạ. Chú xứng đáng quá mà!
- Xứng đáng? Chú mà xứng đáng? Một kẻ không nhà, lang thang, lãng tử…
Bé Thơ giơ tay ngắt ngang:
- Xứng đáng thật chứ còn gì nữa! Này nhé, nếu chú không có tính tình dễ dàng, yêu quý con nít, chắc gì chúng cháu đã gắng công tìm cách cứu chú và từ chỗ đó mới tìm ra được bé Kính.
Ăn điểm tâm xong, ông lang thang đứng dậy, sửa soạn ra đi, thì ngay lúc đó, trên lối vào nhà ương cây, một thiếu phụ tay dắt một em nhỏ, đang đặt bước đi vào.
Bình Trọc nhanh mắt, nhìn thấy trước, reo lên:
- Kìa, bà Tám Vinh! Cả bé Kính nữa! Ồ, thú quá!
Hai mẹ con bà Tám thong thả bước vào. Chưa ngồi yên chỗ, bà mẹ đã cười vui:
- Đêm qua, vui mừng quá đỗi nên vội vã bồng em Kính về nhà. Thành thử quên bẵng mất không có một lời nào cám ơn các cháu và con chó Ca Phi. Bác thành thực xin lỗi các cháu nhé!
Rồi đột nhiên, không một ai ngờ trước được, bà Tám chạy tới nắm tay chúng tôi kéo cho quây tụ lại, rồi giang rộng hai tay, bà ôm choàng lấy cả bọn, nước mắt rưng rưng:
- Suốt đời, không bao giờ hai bác quên ơn các cháu và con chó can đảm có một không hai của các cháu.
Ông lang thang lặng nhìn cảnh tượng đang diễn ra trước mặt, ánh mắt thoáng mờ đi trong một giây.
Bà Tám quay nhìn bé Kính:
- Cả em Kính cũng hết sức cám ơn các anh các chị đấy. Coi kìa! Thằng nhỏ chắc đã quên hết, chẳng còn nhớ gì đến những phút thập phần nguy hiểm vừa qua nữa.
Bà mẹ nói đúng. Chú bé má phính, đang mải nô đùa với Ca Phi. Hai bắp chân bụ sữa chới với, chới với chỉ rình trèo lên lưng con chó mà cưỡi như cưỡi ngựa. Ca Phi cũng lộ vẻ thích thú vô cùng.
Qua một tiếng thở dài, ông lang thang cất giọng trầm buồn:
- Không hiểu dân chúng trong thị xã suy luận thế nào mà lại đi ngờ cho tôi. Làm sao tôi lại có thể xuống tay bắt cóc một thằng nhỏ đẹp đẽ xinh xắn như thế này được nhỉ?... Nhưng, nói thực mà nghe, một phần lỗi cũng do tôi. Lẽ ra, tôi nên giải thích, nói rõ lý do tại sao tôi lại có mặt tại Biên Hoà, trong cái công viên này mấy hôm liền như thế. Nhưng… không thể, không thể được! Trên sức chịu đựng của tôi nhiều quá!
Mọi cái đầu, trừ bé Kính đều quay lại phía ông lang thang, hết thẩy mấy cặp mắt đều ngó ông chăm chú.
Bé Thơ giọng hờn dỗi:
- Ngay cả với chúng cháu, chú cũng không thể nói được, hả chú?
Lại một nụ cười buồn trên cặp môi khô héo:
- Với các cháu… thì khác. Nhất định là chú phải nói chứ!
Thế rồi, đưa hai tay bồng bé Kính, đặt cho ngồi lên lòng, thi sĩ lang thang kể chuyện đời ông.
“Ngược giòng thời gian, xưa kia, ông có một người chị ruột. Người chị ruột thương yêu, bao bọc ông không khác một vị hiền mẫu, vì ngay từ thuở ấu thơ, hai chị em đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mặc dầu làm việc vất vả, địa vị lại rất khiêm nhường, làm công giữ em cho một gia đình giàu có, bà chị ấy hy sinh tất cả lạc thú của riêng mình để có đủ tiền cho em trai ăn học. Thế rồi, một buổi kia, cách đây 6 năm, đúng 15 tháng tám, một viên đạn lạc, không biết từ đâu bắn tới, bà chị bị trúng đạn chết ngay tại chỗ. Do đó, mỗi năm cứ đúng dịp này, ông trở lại đây, trong cái công viên nơi bà chị thường dẫn đám nhỏ con ông chủ vào chạy đùa nô giỡn và cũng chính là nơi bà ngồi viết thư cho em trai, trên một chiếc ghế đá, gần sát chỗ cây đu, cầu tuột.”
- Đó! Tất cả bí mật của đời tôi là thế đó. Có thể được chăng là với bất cứ ai tôi cũng nói hết ra? Liệu người đời có hiểu cho rằng: một niềm đau khổ tuyệt cùng có thể biến đổi một kiếp sống bình thường như muôn ngàn kiếp sống bình thường khác thành một kiếp gió bụi lang thang! Từ một thanh niên tráng kiện yêu đời, ham sống, tôi đã biến thành một tên lãng tử hay “thi sĩ lang thang” cũng vậy, như các cháu vẫn thường gọi.
Năm ngón tay mềm mại, thuôn dài, ngón tay đặc biệt nghệ sĩ, đưa lên nhẹ xoa đôi má no tròn của bé Kính, nhà thơ lãng tử điềm đạm tiếp theo:
- Bé Kính còn bé quá nên bây giờ chưa hiểu được lời chú nói. Nhưng khi cháu lớn khôn má sẽ giảng giải cho cháu nghe rằng: cháu đã được cứu thoát nhờ tấm lòng mến thương của hai cô gái nhỏ và ba cậu trai trên dưới 15 tuổi đối với một ông già gần như không quen biết gì họ, cũng chẳng phải thân thuộc bà con. Và rồi lúc đó bé mới thấy rằng câu chuyện ngày hôm nay là đẹp, vô cùng đẹp.
Dứt lời, ông lang thang đặt bé Kính xuống, đưa tay túm gọn miệng túi vải, âu yếm nắm tay chúng tôi từng người một, ngả đầu chào bà Tám Vinh, nhẹ xoa làn má phính của bé Kính, vuốt khẽ đầu con Ca Phi rồi bước ra. Đế giày cao su nhẹ vang trên lối đi lát si măng.
Chưa đầy phút sau, bóng dáng nhà thơ lãng tử đã khuất lấp sau hai hàng lệ liễu.
Saigon, ngày 6-07-1974
Mùa mưa.
NAM QUÂN
@by txiuqw4