V
GẬY CHỌC BÁNH XE
Thuở ấy công việc bưu chính từ Arát đi Môngtơrơi Xuya Me còn dùng loại xe thư nho nhỏ thời đế chế. Đó là những chiếc xe ngựa nhẹ, hai bánh, trong lót da vàng, dưới có lò xo ống, hai chỗ ngồi, một cho nhân viên bưu chính, một cho hành khách. Bánh xe trang bị những moa-ơ dài thườn thượt rất đáng sợ làm cho các loại xe khỏe phải tránh xa. Loại xe này hiện nay bên Đức còn thấy dùng. Thư từ giấy má để vào một cái thùng bầu dục dài gắn chặt vào sau xe. Thùng sơn màu đen, còn xe thì màu vàng.
Ngày nay, chẳng có gì giống loại xe ấy. Hình thù nó có cái gì kỳ dị, gù gù, nhất là lúc đứng xa trông nó đi qua và bò trên đường cái ở chân trời, thì hệt như con mối, thân hình đằng trước có một tí mà kéo theo đằng sau một cái mông to tướng. Tuy thế tốc độ của nó cũng khá nhanh.
Đêm nào cũng thế, chuyến xe thư Arát đợi chuyến xe từ Pari đến mới khởi hành vào khoảng một giờ sáng thì chỉ gần năm giờ sáng đã đến Môngtơrơi Xuya Me.
Đêm hôm ấy, cái xe thư từ Hétđanh xuôi Môngtơrơi, lúc qua chỗ rẽ đầu phố để tiến vào trong tỉnh, lại đâm phải một cỗ xe nhỏ không mui có một con ngựa bạch kéo đang đi ngược trở lại. Trên cỗ xe nhỏ có một người ngồi khoác chiếc áo tơi. Bánh xe của chiếc xe nhỏ bị húc khá mạnh. Người tải xe như thét người kia dừng lại, song y không nghe thấy, cứ phóng nhanh.
- Nhà anh này đi đâu mà vội đến thế nhỉ?
Con người vội vàng đó chính là người mà ta vừa thấy quằn quại một cách đáng thương trên kia.
Ông ấy đi đâu thế? Chính ông cũng không biết. Sao lại vội vàng thế? Cũng không biết nốt. Ông cứ nhắm đằng trước đi bừa. Đi đâu? Chắc là đi Arát. Hay là đi nơi khác cũng nên. Có lúc ông cảm thấy như thế và rùng mình.
Ông đi vào đêm tối, như vào một hang sâu. Có cái gì nó đẩy, nó lôi cuốn. Tâm trạng ông lúc ấy ra sao, không ai nói được nhưng rồi ai cũng sẽ hiểu cả. Trong đời người ta, ai mà chẳng có một lần vào qua cái hang tối tăm của huyền bí?
Thật ra ông chưa giải quyết gì, chưa định đoạt gì, mà cũng chưa quyết định gì, chưa làm gì cả. Chưa có một mệnh lệnh lương tâm nào cho thật dứt khoát. Chưa bao giờ như lúc này ông lại thấy mình hoàn toàn giống lúc đầu, lúc chưa bước vào suy nghĩ.
Tại sao ông lại đi Arát?
Ông nhớ lại những lời ông tự nhủ lúc đi thuê xe của lão Xcôphơle:
- Chuyến này đi kết quả thế nào mặc dù, nhưng được trông tận mắt, nghe tận tai, được tự mình xét đoán việc mình, cũng chẳng có hại gì. Biết rõ cái gì đã xảy ra, vẫn là cẩn thận hơn. - Không được quan sát và nghiên cứu thì quyết định thế nào được. - Ở xa thấy cái gì cũng cho là trái núi được cả. Rút cục lúc đã thấy thằng cha SăngMáchiơ cũng là tuồng khốn nạn thôi, thì lương tâm sẽ nhẹ nhõm đi, ông sẽ để mặc nó đi tù thay mình. - Thật ra sẽ có cả Giave và những tên Bơrơvê, Sơniđiơ, Côsơpay, những tù khổ sai có quen biết trước, nhưng bây giờ chắc hẳn là không thể nhận ra ông được nữa. - Chà khéo lẩn thẩn! - Thằng Giave bây giờ thì đâu còn dám nghi ngờ ông nữa. - Mọi sự đoán phỏng đồ chừng lại càng cứ đinh ninh. - Vậy thì còn ngại gì nữa.
Chắc chắn đây là một bước không may, nhưng rồi ông sẽ vượt qua. - Cuối cùng dù có xấu xa đến đâu đi nữa, đời ông ông cũng đang nắm trong tay, ông đang làm chủ. Và ông bám riết lấy ý này.
Thực ra trong thâm tâm, ông nghĩ giá đừng đi Arát thì hơn, tuy vậy ông vẫn cứ đi.
Vừa suy nghĩ, ông vừa ra roi. Con ngựa vẫn chạy đều nước kiệu, mỗi giờ đúng hai dặm rưỡi.
Xe càng tiến, ông càng thấy lòng mình như có gì lùi lại. Trời hừng sáng thì ông đã ra đến ngoài đồng rộng. Thị xã Môngtơrơi Xuya Me đã ở tít sau lưng. Ông nhìn chân trời trắng dần ra. Ông nhìn nhưng chẳng trông thấy gì, mọi hình dáng lạnh lẽo của buổi sớm mùa đông đang hiện ra trước mắt. Sáng sớm cũng như chiều hôm vẫn có những bóng kỳ dị của nó. Ông không trông thấy, cũng chẳng hay biết gì, nhưng những hình cây, bóng núi thấm đen kia như thấm vào người ông làm cho tình trạng hỗn loạn ác liệt trong tâm hồn ông càng thêm não nề, rùng rợn.
Mỗi lần xe đi qua gần một ngôi nhà chơ vơ hai bên đường, ông lại tự bảo mình: “Trông đó thế mà có người đang ngủ!”
Tiếng vó ngựa đi nước kiệu, tiếng nhạc ngựa, tiếng xe rít dưới mặt đường, hóa thành một thứ âm thanh dịu dịu, đều đều. Người vui nghe cũng hay hay, nhưng kẻ buồn lại thấy vô cùng ảo não. Sáng rõ thì đến Hétđanh. Ông dừng lại trước một quán cơm cho ngựa nghỉ lấy hơi và mua lúa cho ngựa ăn.
Con ngựa ấy, cứ như lời lão Xcôphơle là một giống ngựa nhỏ xứ Bulône, đầu lớn, bụng to, cổ nhỏ, nhưng được cái ức nở, hông rộng, đùi nhỏ và gân guốc, chân chắc nịch; giống ngựa này trông thì xấu dáng, nhưng dai sức và không bệnh tật. Đi một lèo hai giờ những năm dặm mà mông không có một giọt mồ hôi.
Ông không xuống xe. Người bồi ngựa ở quán hàng mang lúa cho ngựa ăn bỗng dưng cúi xuống ngắm chiếc bánh xe bên trái:
- Đi xa mà xe thế này, hở ông?
Ông đang mơ màng nghĩ đâu đẩu, chỉ hỏi:
- Sao vậy?
- Ông từ xa đến ư?
- Cách đây năm dặm.
- Chà!
- Tại sao anh lại: chà?
Người bồi ngựa lại cúi xuống, lặng yên một lúc, nhìn kỹ chiếc bánh xe rồi ngẩng đầu lên:
- Bánh như thế này thì đã đi năm dặm thì có thể được, chứ cứ thế này mà đi nữa thì chắc không đến một phần tư dặm nữa đâu.
Ông vội nhảy xuống đất:
- Anh bảo sao?
- Tôi bảo rằng ông đi những năm dặm được mà cả người lẫn ngựa không lăn xuống cái hố sâu nào bên đường cái, thì là chuyện lạ thật. Này, ông nhìn xem.
Quả thật bánh xe đã bị hư nặng.
Cái xe thư đã va vào làm nứt hai cái căm xe và toác mất cái trục, khiến cái đanh ốc đầu trục long cả ra.
- Ở đây có thợ chữa xe nào không anh?
- Thưa ông, có chứ.
- Nhờ anh đi gọi giúp cho một tí.
- Ông ấy ở ngay kia, cách mấy bước thôi. Này bác Buốcgaya!
Bác Buốcgaya, thợ chữa xe đang đứng ngay trước cửa hàng. Bác đến xem cái bánh xe rồi nhăn mặt lại như một nhà giải phẫu nhìn một cái chân gãy.
- Bác có thể chữa ngay cái bánh xe này được không?
- Thưa, được.
- Bao giờ thì xong để lại đi được?
- Đến mai.
- Đến mai?
- Phải một ngày thẳng thắt mới xong. Ông vội lắm hay sao?
- Vội lắm. Có gì cũng một giờ nữa tôi phải đi ngay.
- Thưa ông, không thể được đâu.
- Ông lấy bao nhiêu tôi cũng trả.
- Bao nhiêu cũng chịu.
- Nếu thế thì hai giờ vậy.
- Nội ngày hôm nay thì không được. Phải thay hai cái nan và cái trục. Thế nào cũng phải đến mai ông mới đi được.
- Việc của tôi không thể chờ đến mai được. Hay là đừng chữa nữa. Thay cái bánh xe ấy đi có được không?
- Thay thế nào?
- Bác làm nghề chữa xe phải không?
- Thưa ông, hẳn thế.
- Thế bác không có cái bánh xe nào để lại cho tôi được à? Thay bánh khác đi được ngay.
- Một cái bánh xe dự trữ?
- Phải.
- Làm gì có bánh xe làm sẵn cho cái xe của ông. Bánh xe phải có đôi. Ngẫu nhiên thì làm gì có hai chiếc bằng y nhau được.
- Nếu vậy thì bán cho tôi cả đôi vậy.
- Thưa ông, có phải bánh xe nào cũng vừa với trục nào đâu.
- Cứ lắp thử xem.
- Thưa, vô ích. Tôi chỉ bán có bánh xe bò thôi. Đây là một nơi quê mùa ông ạ.
- Bác có cỗ xe ngựa nào cho thuê không?
Chỉ nhìn qua, bác thợ chữa xe cũng biết là xe cho thuê. Bác nhún vai:
- Xe người ta cho thuê mà ông làm như thế à? Có xe tôi cũng không cho ông thuê đâu.
- Thế thì bán vậy.
- Nói thế, chứ tôi cũng không có.
- Sao! Không có cả đến cái xe tập tàng à? Xe nào tôi đi cũng được, đấy ông coi.
- Đây là nơi quê mùa. Trong chái nhà tôi cũng có một cỗ xe song mã cũ, của một ông tư sản ngoài tỉnh gửi giữ hộ mà chẳng bao giờ ông ta dùng đến. Tôi cũng muốn cho ông thuê, có thiệt hại gì đến tôi đâu! Nhưng đừng để cho người có xe trông thấy. Vả lại đó là một cỗ xe song mã, phải đóng hai ngựa.
- Tôi lấy ngựa trạm.
- Ông đi đâu?
- Đi Arát.
- Và ông muốn tới nơi nội hôm nay sao?
- Chính thế.
- Đi bằng ngựa trạm?
- Chứ sao.
- Bốn giờ sáng mới tới nơi cũng được chứ?
- Nhất định không được.
- Vì rằng cần phải nói để ông biết là hễ lấy ngựa trạm… Ông có giấy thông hành không?
- Có.
- Thế này nhé, có đi bằng ngựa trạm đi nữa, sáng mai ông mới đến Arát. Đây là con đường đi tắt. Trong các trạm cái gì cũng thiếu thốn, ngựa ở cả ngoài đồng. Vì đang mùa dùng cày lớn cần nhiều ngựa, nên ở đâu cũng đem ra dùng hết, cả ngựa trạm cũng thế. Đến mỗi trạm ông phải chờ ít nhất là ba tiếng đồng hồ. Mà ngựa chỉ đi bước một vì đường lắm chỗ lên dốc quá.
- Thôi, tôi cưỡi ngựa vậy. Tháo hộ tôi cỗ xe. Quanh đây hẳn là có thể mua được một cỗ yên.
- Yên thì có. Nhưng con ngựa này có chịu để cho cưỡi không?
- Ừ nhỉ, bác nhắc tôi mới nhớ ra. Nó không chịu để cưỡi thật.
- Làm thế nào?
- Nhưng có thể thuê được một con ngựa khác ở làng chứ?
- Một con ngựa để đi một mạch đến Arát!
- Phải.
- Cần một con ngựa như thế thì ở vùng này không có đâu. Nếu có thì ông phải mua chứ người ta biết ông là ai mà cho thuê. Nhưng làm gì có mà mua với thuê; ông trả đến năm trăm phơrăng, một nghìn cũng không có đâu.
- Làm thế nào bây giờ?
- Tôi bảo thật nhé! Tốt hơn hết là để tôi chữa cho ông cái bánh xe và mai ông hãy đi.
- Mai thì chậm mất.
- Chà!
- Chứ không còn chuyến xe thư đi Arát à? Lúc nào nó qua đây?
- Tối mai. Hai chuyến xe thư đều chạy ban đêm cả, chuyến xuôi cũng như chuyến ngược.
- Thế nào?
- Chữa một cái bánh xe mà phải những một ngày à?
- Một ngày mà phải làm cật lực cơ đấy.
- Nếu hai người thì sao?
- Có mười người cũng thế thôi.
- Hay là lấy dây thừng mà buộc nan hoa lại.
- Nan hoa thì được, Nhưng trục xe thì sao? Còn cái vành bánh cũng chẳng ra sao nữa.
- Trong làng còn có ai cho thuê xe không?
Anh bồi ngựa và bác thợ chữa xe lắc đầu một lượt:
- Không.
Ông bỗng thấy trong lòng vui vẻ vô cùng.
Trong việc này hẳn là có trời run rủi. Trời đã làm gãy bánh xe để ông phải dừng lại ở dọc đường. Sự việc xảy ra như có vẻ buộc ông đầu hàng, nhưng ông không chịu. Ông vẫn cố hết sức để đi cho đến nơi. Ông đã thành thực và cẩn thận tìm hết phương này đến phương khác. Ông không quản rét mướt, nhọc mệt và tốn kém. Không có điều gì để ông tự chê trách được mình. Không đi được xa hơn nữa có phải là ở tại ông đâu. Ông không có tội lỗi gì hết, lương tâm ông có muốn như thế đâu, đó là tại lòng trời. Ông thở đánh phào một cái. Từ hôm ông tiếp chuyện Giave, lần này là lần dầu ông thấy mình thật khoan khoái và nhẹ nhàng.
Cái bàn tay bóp ngặt trái tim ông gần một ngày một đêm nay, bây giờ hình như ông mới thấy nó chịu buông ra.
Ông thấy Chúa như đã đứng về phía ông và cho biết rõ ý Chúa. Ông nghĩ mình đã cố gắng hết sức mình rồi. Bây giờ thì ông có thể bình tâm mà quay trở về.
Nếu câu chuyện chỉ có hai người nói với nhau trong phòng trọ, không một ai chứng kiến, không một ai nghe thấy, thì có lẽ cũng chỉ kể đến thế thôi và chắc không còn phải kể thêm những việc xảy ra sau đây nữa. Nhưng câu chuyện lại nói với nhau ở giữa đường phố. Mà có người bàn bạc với nhau ở ngoài đường thì y như là có ngay đám đông xúm quanh lại nghe. Thiên hạ bao giờ cũng thích xem. Trong khi ông hỏi người thợ chữa xe, có hai ba người qua đường cũng dừng lại. Nghe được một lúc, một thằng bé, chẳng ai để ý đến, bỗng len ra khỏi đám đông và chạy vụt đi.
Vừa lúc ông cân nhắc xong định quay trở lại, thằng bé dắt một bà già đến.
Bà già nói:
- Thưa ông, thằng con tôi có nói là ông muốn thuê một cái xe phải không?
Câu nói bình thường ấy ở miệng một bà già đi theo một đứa trẻ con, làm ông toát mồ hôi. Cái bàn tay vừa buông ông, bây giờ ông lại thấy hiện ra trong bóng tối, chực túm lấy ông trở lại. Ông đáp:
- Phải, bà lão ạ! Tôi đang hỏi thuê một cái xe.
Rồi ông lại vội nói luôn:
- Nhưng ở đây không ai có.
- Có đấy - Bà già nói.
- Ở đâu thế? - Người chữa xe hỏi.
- Ở nhà tôi.
Ông giật mình. Cái bàn tay tàn khốc đã lại túm lấy ông.
Bà già quả có một cái xe tồi đan bằng song, vẫn bỏ ở nhà trại. Người chữa xe và người bồi ngựa sợ mất món khách liền chen vào:
- Xe với pháo gì thứ ấy. Trục không lò xo. Các tấm ván ngồi cũng có dây da treo vào thành xe đấy, nhưng để mãi ngoài mưa nắng, bánh xe đã han rỉ cả. Cũng chẳng đi xa hơn được cái xe của ông đâu. Thật là một cái xe tã. Ông chẳng nên đi chút nào…
Điều đó có thật; nhưng cái xe tồi ấy, cái xe tã ấy, cái vật ấy gọi là gì thì gọi vẫn lăn được với hai bánh và có thể tới Arát.
Ông trả theo giá họ đòi. Ông để lại cái xe độc mã cho thợ chữa, hẹn khi về sẽ lấy. Xong ông bảo dắt con ngựa trắng đóng vào cái xe mới thuê và lên đường.
Lúc xe chuyển bánh ông phải tự nhận với mình là một phút trước đây đã thoáng có ý vui mừng mình sẽ không đi đến mơi mình đã định. Ông xem xét lại nỗi vui mừng ấy, trong lòng thấy chừng như nổi giận và cho mình thậm vô lý. Tại sao lại vui nếu phải quay trở lại? Dù sao, đi đây là hoàn toàn tự nguyện, chẳng ai ép buộc cả.
Và đúng như thế, ông mong chỉ gặp những điều ông ao ước, nhưng nào được như vậy.
Xe vừa ra khỏi Hetđanh ông nghe có tiếng gọi to:
“Đỗ lại! Đỗ lại!” Ông dừng xe lại một cách đột ngột dường như trong tay cương vẫn có cái gì run rẩy, co giật tựa như đang có một ước vọng gì. Té ra là thằng bé con bà cụ già.
- Thưa ông - Nó nói - Tôi đã giúp ông chạy ra chiếc xe.
- Thì sao?
- Ông chưa thưởng gì cho tôi cả.
Vồn là người ai xin cũng cho và cho rất dễ dàng, thế mà lần này ông lại nghĩ là thằng bé đòi hỏi một cách vô lý, hầu như trâng tráo. Ông bảo:
- À, mày hả, nhãi con? Chẳng cho mày gì sất!
Ông ra roi giục ngựa và tế thẳng.
Ông đã dừng lại ở Hetđanh quá nhiều giờ nên muốn đi cho chóng để bù lại. Con ngựa nhỏ nhưng hăng, sức một mà như hai. Bấy giờ đang độ tháng hai, trời mới mưa, đường xấu lắm. Xe không phải là xe tốt, vừa nặng vừa xóc. Lại phải leo những dốc là dốc. Phải mất bốn tiếng mới đi được từ Hetđanh đến Xanh Pôn. Bốn giờ đi được có năm dặm.
Đến Xanh Pôn gặp hàng quán, ông cho tháo ngựa dắt vào tàu.
Ông y hẹn với lão Xcôphơle đích thân đứng lại trông người ta cho ngựa ăn. Trong trí lại vẩn vơ nhiều ý nghĩ buồn rầu, lộn xộn. Vợ người chủ quán bước vào hỏi:
- Thưa, ông có dùng cơm chăng?
- Ừ, phải đấy, tôi cũng đang đói bụng.
Ông theo người đàn bà mặt mũi tươi tỉnh, vui vẻ ấy đi vào một căn phòng thấp kê một dãy bàn phủ vải nhựa.
- Nhanh nhan lên, tôi vội, cần phải đi ngay.
Một người ở gái to béo, người Phơlamăng, tất tả bày bàn. Ông ngồi nhìn thấy trong người dễ chịu.
- À ra thế, ta chưa ăn tí gì cả.
Cơm dọn ra. Ông vồ lấy mẩu bánh, cắn một miếng rồi từ từ đặt xuống bàn và không đụng đến nữa. Ông bảo người phu xe đang ăn ở bên cạnh:
- Sao mà bánh của họ đắng thế nhỉ?
Người kia vốn là một người Đức nên không hiểu ông nói gì.
Ông trở vào tàu ngựa.
Một giờ sau, ông ra khỏi Xanh Pôn và đi về phía Tanhcơ, là nơi chỉ còn cách Arát có năm dặm.
Trên quãng đường này, ông làm gì? Nghĩ gì? Cũng như buổi sớm nay ông nhìn các rặng cây, các mái rạ, những thửa ruộng gieo trồng xong, những phong cảnh biến đi và tan vỡ ở mỗi khuỷu đường. Nhìn như vậy có khi cũng làm cho tâm hồn khuây khỏa, đỡ nghĩ ngợi. Muôn vật diễn ra trước mắt, cái nào cũng mới thấy lần đầu nhưng cũng là lần chót, hỏi có gì buồn và sâu sắc bằng! Đi đường là vừa sinh ra lại vừa chết đi từng giờ từng phút. Có lẽ trong chỗ mơ hồ nhất của tâm trí mình, ông đã đem so sánh những phong cảnh đổi thay trước mắt kia với cuộc đời. Mọi sự trên đời đều như mãi mãi kéo nhau chạy qua trước mắt ta. Tối và sáng lẫn lộn: sáng lóe đó rồi mờ đó. Người ta nhìn, người ta vội vã bước nhanh, người ta giơ tay giữ lại cái đang trôi qua. Mỗi một sự biến xảy ra là một chỗ ngoặt. Và thình lình tuổi già kéo đến. Người ta có cảm tưởng như bị một cái xóc, rồi chung quanh đều tối om, chỉ nhận ra được một cái cửa thôi; con ngựa ủ rũ của cuộc đời lâu nay lếch thếch kéo mình đi bỗng nhiên dừng lại và loáng thoáng có kẻ nào lờ mờ xa lạ đang mở ngựa ra trong bóng tối.
Tháng đông ngày ngắn. Trời xẩm tối. Lũ trẻ con đi học về, nhìn người khách này vừa đến Tanhcơ. Xe không dừng lại. Vừa ra khỏi đầu làng, người phu lục lộ đang rải đá trên đường, ngước lên nói:
- Con ngựa này mệt lắm rồi.
Quả thực, lúc bấy giờ, con ngựa chỉ còn đi được bước một. Người phu lục lộ lại hỏi:
- Ông đi Arát phải không?
- Phải.
- Cứ cái điệu này mà đi thì không tới sớm được đâu.
Ông kìm cương lại hỏi:
- Từ đây đi Arát còn bao nhiêu đường nữa?
- Gần những bảy dặm.
- Sao thế? Trong sách của bưu chính ghi chỉ có năm dặm một phần tư kia mà.
- A! Chắc ông không biết là đường đang chữa? Chỉ đi khỏi đây độ mười lăm phút là nghẽn đường, không thể đi xa hơn được.
- Thế à?
- Ông rẽ sang trái theo con đường đi Carăngxi; ông qua sông và đi đến Căngbơlanh thì ông rẽ sang phải, đấy là đường đi từ Môngxanh Têloa đến Arát.
- Nhưng trời tối rồi, tôi lạc đường mất.
- Ông không phải là người vùng này sao?
- Không.
- Đã thế, đường đi lại ngang tắt. Ông này, tôi khuyên ông câu này nhé! Ngựa của ông nhọc lắm rồi, ông nên trở lại Tanhcơ. Ở đấy có chỗ trọ tốt. Nghỉ lại, mai hãy đi Arát.
- Tôi phải đến đấy ngay tối nay.
- Thế thì lại khác. Ông vẫn cứ nên trở lại quán trọ và tìm thêm con ngựa nữa. Người giữ ngựa sẽ theo dẫn đường cho.
Ông nghe người phu lục lộ quay trở lại. Và nửa giờ sau kèm thêm một con ngựa tốt, lại phóng xe trở qua chỗ đó. Người giữ ngựa đóng vai đánh xe, ngồi ở một bên càng xe. Ông cảm thấy mình đã để mất quá nhiều thì giờ.
Trời đã tối mịt.
Rẽ sang con đường ngang thì lại càng thảm hại, bánh xe hết lọt xuống ổ gà này lại rơi vào ổ gà khác. Ông bảo người đánh xe:
- Cứ cho đi nước kiệu nhé, tiền thưởng gấp đôi đấy.
Xe vồng lên một cái mạnh. Chiếc đòn ngang buộc ngựa gãy đôi.
- Thưa ông, gãy mất đòn ngang rồi. Biết đóng ngựa cách nào bây giờ? Đường này xấu quá. Trời lại tối nữa. Hay là ông trở lại Tanhcơ nghỉ, mai đi Arát cũng đến được sớm, chẳng ngại gì.
Ông chỉ trả lời:
- Chú có mẩu thừng và con dao nào không?
- Thưa có.
Ông chặt một cành cây làm đòn ngang.
Vì thế lại mất thêm hai mươi phút nữa, nhưng sau đó ông lại cho ngựa phóng nhanh hơn. Cánh đồng tối mịt. Sương mù từng đám là là trên các ngọn đồi và lên cao dần như khói. Trên cao, mây có những rạng sáng trắng mờ mờ. Gió bể thổi mạnh làm cho bốn phía chân trời nghe có tiếng ầm ầm như có ai đang xô đẩy bàn ghế. Trong cảnh vật thoáng thấy lờ mờ, cái gì trông cũng có dáng hãi hùng. Bao nhiêu vật đang rùng mình trong cảnh đêm gió lộng này!
Ông thấy hơi lạnh thấm vào người. Từ tối hôm qua ông chưa có hột cơm nào vào bụng. Ông mơ hồ nhớ lại cái đêm ông đi giữa cánh đồng rộng ngoại thành Đinhơ. Đã tám năm mà hình như mới hôm qua.
Có tiếng chuông điểm giờ ở nhà thờ nào đằng xa. Ông hỏi người đánh xe:
- Mấy giờ thế nhỉ?
- Thưa ông bảy giờ. Tám giờ tới Arát. Chỉ còn ba dặm nữa thôi.
Lúc ấy ông mới chợt nghĩ ra một điều và lấy làm lạ sao không nghĩ đến sớm hơn: có lẽ vất vả thế này cũng vô ích; không biết tòa xử vào mấy giờ, điều ấy đáng lẽ phải hỏi đã chứ. Thật là gàn dở, cứ phóng bừa lên trước, không suy tính xem có ích lợi gì không. Rồi ông nhẩm tính trong bụng: Thường thì phiên tòa đại hình bắt đầu xử từ chín giờ sáng, mà việc này cũng chóng thôi; ăn trộm táo thì xử mấy tí; rồi chỉ còn vấn đề lý lịch nữa thôi; bốn năm người khai chứng: luật sư cũng chẳng có gì lắm để nói; đến nơi thì có lẽ đã xong đâu vào đấy cả rồi.
Người đánh xe cứ ra roi. Xe đã qua sông và làng Môngxanh Têloa lùi lại ra sau xa.
Đêm mỗi lúc một tối thêm.
@by txiuqw4