QUYỂN III: GIỮ LỜI HỨA VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT
I
VẤN ĐỀ NƯỚC ĂN TẠI MÔNGPHÉCMÂY
Môngphécmây ở vào giữa Livơri và Senlơ, bên rìa phía nam cao nguyên ngăn đôi triền sông Uốc và sông Mácnơ. Ngày nay Môngphécmây là một thị trấn khá lớn; những biệt thự bằng đá trắng tô điểm cho thị trấn quanh năm và cứ ngày chủ nhật thì nó lại được điểm tô bằng những ông thị dân mặt mày nở nang rạng rỡ. Nhưng năm 1823 thì Môngphécmây làm gì có nhiều nhà trắng xóa như thế, nhiều kẻ sung sướng như thế! Nơi ấy hồi đó chỉ là một cái làng miền rừng. Rải rác cũng có dăm ba biệt thự xây từ thế kỷ trước, nhờ vẻ đường bệ mà dễ nhận ra, có bao lơn bằng sắt uốn, có cửa sổ cao lấp lánh những miếng kính đủ các màu xanh trên nền trắng của những cửa gỗ đóng im ỉm. Tuy vậy Môngphécmây cũng không hơn gì một thôn xóm. Những tay buôn len dạ về vườn và những thầy cò thầy kiện đi nghỉ mát chưa tìm ra nơi này. Đây là một khu tĩnh mịch và xinh xắn, không nằm trên con đường nào hết. Đời sống quê mùa, dễ dàng, có đủ thứ và rất rẻ. Chỉ có khoản nước là khan hiếm, vì là đồi cao.
Phải đi khá xa mới kiếm được nước. Đầu làng về phía Ganhi thì lấy nước ở các hồ ao rất đẹp trong rừng. Cuối làng, mấy xóm quanh nhà thờ, về phía Senlơ, phải xuống tận lưng chừng đồi, gần đường cái, đi mất khoảng mười lăm phút, mới có một con suối nhỏ có nước ăn.
Vì vậy, nhà nào cũng thấy việc đi lấy nước là một công việc khó nhọc. Những nhà giàu có, những nhà quý phái, quán hàng Tênácđiê cũng trong số ấy, phải thuê gánh nước, cứ mỗi thùng một đồng lia; lão gánh nước thuê cho các nhà ở Môngphécmây mỗi ngày kiếm được tám xu; nhưng về mùa hạ, lão chỉ làm đến bảy giờ, về mùa đông thì đến năm giờ, cho nên lúc trời đã tối, cửa ngõ mọi nhà đã đóng, nhà nào hết nước phải tự đi lấy hoặc nhịn uống đến hôm sau.
Con bé Côdét rất sợ cái nạn ấy, chắc độc giả chưa quên con bé đáng thương. Vợ chồng Tênácđiê nuôi con Côdét được hai cái lợi, mẹ thì trả tiền, con thì hầu hạ chúng nó. Đến khi mẹ nó không có tiền trả nữa, vì cớ đã nói ở các chương trên, vợ chồng Tênácđiê vẫn giữ đứa bé; nó làm thay đứa ở. Vì là đứa ở nên khi cần thì nó phải đi lấy nước. Hễ nghĩ đến việc đi lấy nước ban đêm là nó khiếp sợ, nên không bao giờ nó dám để trong nhà phải thiếu nước.
Ngày lễ Giáng sinh năm 1823 ở Môngphécmây đặc biệt vui vẻ. Đầu mùa đông, tiết trời dễ chịu, chưa có hôm nào đóng băng hay mưa tuyết. Đám phường trò ở Pari đã được phép ông thị trưởng cho cất rạp ở ngay phố chính trong làng. Bọn bán hàng rong cũng tha hồ được dựng quán ở sân nhà thờ và đến tận cả ngõ Hàng Bánh; chắc độc giả còn nhớ ngôi hàng của vợ chồng Tênácđiê cũng ở ngõ này. Quán ăn, quán rượu chật ních những khách hàng; cái làng thường ngày tĩnh mịch này bỗng trở thành ồn ào, vui vẻ. Để làm một sử gia trung thành, chúng tôi cần phải nói là trong mọi cái lạ tai lạ mắt phô bày giữa thiên hạ, còn có một gánh xiếc thú rong mà những diễn viên là những người bẩn thỉu, rách rưới, không biết từ đâu lại. Từ năm 1823, họ đã trưng bày cho nông dân Môngphécmây xem một con kên kên Braxin khủng khiếp mà viện sinh vật hoàng gia của chúng ta mãi đến 1815 mới có. Loại kên kên này có con mắt màu cờ tam tài. Hình như các nhà sinh vật học gọi con chim đó là Caracara Pôlybôruýtx, loại ăn thịt, giống kên kên. Một vài cựu binh chất phác thuộc phái thân Bônapác đến chiêm ngưỡng con vật ấy một cách tín mộ. Bọn làm xiếc thì khoa trương cái màu cờ trong con mắt chim đó là một hiện tượng hãn hữu mà Chúa nhân từ bày ra để giúp đỡ gánh xiếc của họ.
Đêm lễ Giáng sinh, vô số người, nào phu đánh xe, nào phu tải vào hàng Tênácđiê ăn ăn uống uống, xúm quanh bốn hay năm ngọn nến ở gian phòng tầng dưới. Gian phòng này cũng giống như ở mọi quán rượu khác, lủng củng những bàn, những hũ rượu bằng thiếc, những chai lọ, những người uống rượu, người hút thuốc lá. Anh sáng thì ít mà tiếng ồn ào thì nhiều. Hai vật thời thượng của tầng lớp thị dân nằm trên một chiếc bàn, chứng tỏ rõ ràng chúng ta đang ở năm 1823: đó là một ống kính vạn hoa và một cây đèn sắt tây màu gợn sóng. Mụ Tênácđiê đang chăm nom các món ăn xèo xèo trên lò lửa cháy đượm; lão chồng uống rượu và nói chuyện thời thế với khách hàng.
Ngoài các câu chuyện thời sự mà những chủ đề chính là chiến tranh Tây Ban Nha và công tước Ănggulem, trong tiếng ồn ào chung, người ta nghe đây đó những mẩu chuyện địa phương đại loại: “Vùng Năngte và Xuyarên nho được rượu quá, cứ dự tính mười thùng thì được những mười hai. Cho vào bàn ép mới thấy nho lắm nước - Như thế là nho chưa chín chăng? - Ở vùng ấy không ai chờ nho chín mới hái, nếu cất rượu bằng nho chín thì rượu bị lềnh ngay vào xuân - Thế là rượu tiểu thủ công, rượu địa phương? - Còn địa phương hơn ở đây nữa. Phải hái nho xanh”…
Có lúc một anh thợ xay hét:
- Làm sao đổ tội cho chúng tôi về những gì nằm trong các bao lúa? Chúng tôi tìm thấy cả một xứ những hạt kia hạt nọ, hơi sức đâu mà nhặt, cho nên cứ phải để vậy mà đổ vào cối. Nào là cỏ kiệu, cỏ gấu, cỏ may, cỏ chỉ, cỏ mật, lùng, nàn nàn và khối những vị khác, không kể những hòn cuội nhan nhản trong lúa một đôi vùng, đặc biệt là vùng Brơtanhơ, cũng như bọn thợ cưa không thích xẻ những khúc gỗ có đanh. Cứ thử nghiệm xem cái bụi đá ấy mà trộn lẫn trong bột thì còn ra gì. Rồi thì người ta kêu bột thế nọ, bột thế kia. Nói bậy tuốt. Chúng tôi chẳng có lỗi gì nếu bột xấu.
Ở khoảng cách giữa hai cửa sổ, một anh cắt cỏ ngồi uống rượu với một điền chủ. Người điền chủ đang mặc cả giá cắt một đám cỏ cần tiến hành vào mùa xuân. Anh cắt cỏ bảo: “Cỏ ướt cũng không sao. Càng dễ cắt. Sương là tốt, ông chủ ạ. Bù vào cái cỏ ấy, cỏ của ông non khó xơi lắm: nó mềm quá, cứ oằn xuống tránh lưỡi hái”…
Con Côdét vẫn ở chỗ thường ngày, nó ngồi trên cái thang ngang dưới gầm bàn bếp, kê cạnh lò sưởi. Quần áo nó rách tả tơi; chân không bít tất xỏ một đôi guốc gỗ; bên ánh lửa lờ mờ, nó đang đan bít tất len dành cho mấy đứa con nhà Tênácđiê. Một chú mèo con đùa giỡn dưới gầm ghế, có tiếng mấy đứa trẻ, con Êpônin và con Adenma cười nói bi bô ở gian bên.
Ở góc bệ sưởi, có cái roi da treo vào một chiếc đinh. Thỉnh thoảng lại có tiếng một đứa rất bé đặt nằm chỗ nào không biết khóc thét lên giữa cảnh ồn ào trong quán. Mụ Tênácđiê đẻ thằng bé này vào một mùa đông trước: mụ thường bảo “không biết tại sao lại đẻ ra nó, chắc là tại trời rét” - thằng bé đã được hơn ba tuổi. Mẹ nó vẫn nuôi nó, nhưng không ưa. Khi thằng bé kêu khóc dữ quá, làm mọi người khó chịu, thằng chồng mới bảo mụ vợ: “Thằng nhãi lại oe óe kìa, xem nó đòi gì”. Con mụ đáp: “Chà! Bực cả mình với thằng ranh”. Đứa bé bị bỏ mặc vẫn la khóc trong bóng tối.
II
HOÀN THÀNH HAI BỨC CHÂN DUNG
Trên đây ta mới được biết chân dung vợ chồng Tênácđiê nhìn nghiêng; đã đến lúc cần đi quanh đôi vợ chồng này để thấy đủ mọi mặt.
Thằng chồng vừa mới chẵn năm mươi tuổi; con vợ thì gần bốn mươi, nhưng là đàn bà, kể cũng như năm mươi; như thế là hai vợ chồng vừa tuổi nhau.
Chắc độc giả còn nhớ cái bóng dáng đầu tiên của mụ Tênácđiê; mụ cao lớn, tóc vàng, da đỏ, béo nung núc những thịt, vuông người, phục phịch mà nhanh nhẹn; như chúng tôi đã nói, mụ thuộc cái hạng nữ khổng lồ man rợ ở các phiên chợ, tóc đeo nhiều tảng đá đứng tấn cho người ta xem. Mụ làm mọi việc trong nhà, dọn giường, lau buồng, giặt giũ, bếp núc, làm mưa làm gió, tác yêu tác quái. Trong nhà chỉ có mỗi một con ở là con Côdét. Rõ ràng một con chuột nhắt hầu một con voi. Tiếng mụ nói làm rung cả cửa kính, đồ đạc và làm mọi người run lên. Cái mặt phèn phẹt đầy những chấm đỏ, trông như cái môi hớt canh. Mụ có râu. Rõ là một anh phu khuân vác đầu chợ, mặc quần áo đàn bà. Mụ chửi rủa ra tuồng; mụ khoe chỉ đấm một cái là vỡ tan quả hạnh đào. Giả sử không có những cuốn tiểu thuyết mụ đã được đọc, thỉnh thoảng lại làm hiện ra một cách kỳ quái bóng dáng cô ả mỹ miều trong cái lốt con quỷ cái, thì không bao giờ ai có ý nghĩ gọi mụ là một người đàn bà. Mụ giống như một tiểu thư ghép vào một mụ hàng tôm hàng cá. Nghe tiếng mụ nói, người ta bảo: một tên sen đầm; nhìn mụ uống, người ta bảo: một tay đao phủ. Lúc mụ nghỉ ngơi, vẫn thấy sát khí đằng đằng!
Thằng cha Tênácđiê người bé nhỏ, gầy gò, xanh xao, góc cạnh, xương xương, khẳng kheo, trông như ốm thế mà mạnh khỏe ra dáng; nó xảo trá ngay từ hình dáng. Nó quen mỉm cười để đề phòng; nó hầu như lễ phép với hết thảy mọi người, với cả đứa ăn mày mà nó không thí cho được một đồng lia. Mắt nó như mắt giống cầy nhưng vẻ mặt nó là vẻ mặt một nhà văn. Trông nó, giống như các bức chân dung của ông thầy tu Đơlin. Chỗ hãnh diện của nó là ngồi uống rượu với bọn phu tải. Chưa ai làm cho nó uống đến say bao giờ; nó hút một cái tẩu to tướng. Nó mặc áo choàng ngoài một bộ quần áo đen đã cũ. Nó sính nói văn chương và duy vật luận. Lúc nó nói cái gì ra vẻ quan trọng, nó thường kể nào là Vônte, là Raynan, là Pácni và có cái lạ là cả Thánh Ôguytxtanh nữa. Nó tự xưng có “một học thuyết”. Học thuyết của quân kẻ cắp. Đúng là một nhà “đạo tặc đạo”,[96] một danh từ có ý nghĩa riêng.
[96] Nguyên văn: Un Filousophe”, filou: tên trộm cắp, sophe: người có lý thuyết, có khoa học - một danh từ tác giả mới tạo, phỏng âm danh từ philosophe, nhà triết học - để nói đây là một tay trộm cắp có lý luận.
Ta còn nhớ nó khoe nó đã từng đi lính; nó kể lể không dè sẻn là ở trận Oatéclô, nó đóng lon đội trong đạo khinh kỵ thứ 6 hay thứ 9 gì đó, một mình nó đương đầu với một tiểu đoàn kỵ binh quyết tử và đã lấy thân che kín và cứu sống “một vị tướng bị trọng thương” giữa mưa đạn. Do câu chuyện ấy mới có cái biển lòe loẹt treo trên tường và trong làng ai cũng gọi quán ăn của nó là “quán đội trưởng Oatéclô”. Nó tự nhận thuộc phái tự do, cổ điển và đế chính. Dân làng đồn rằng nó đã từng đi học để làm cố đạo.
Chúng tôi thì nghĩ rằng nó chỉ học cái nghề bán hàng cơm ở Hà Lan. Có lẽ đúng là loại tứ chiếng ấy: ở xứ Pơlăngđrơ thì nó là người Pơlăngđrơ của thành phố Lilơ, ở Pari thì là người Pháp, ở Bơruxen thì là người Bỉ, hai chân ở hai biên giới, khai vào chỗ nào cũng tiện. Nó dũng cảm ở Oatéclô như thế nào thì ta đã biết rồi. Đấy, nó phóng đại ra một chút như thế. Đời nó khúc khuỷu, phiêu lưu, lúc lên voi lúc xuống chó; lương tâm đã rách nát thì cuộc đời cũng chắp vá thôi; hình như trong cái thời gian bão táp ngày 18 tháng 6 năm 1815, Tênácđiê thuộc các loại những kẻ vừa làm nghề bán căngtin vừa ăn cắp trong quân đội, như đã nói ở trên; chúng đi đến đâu là sục sạo đến đấy, bán hàng cho người này, đánh cắp của kẻ kia, cả bầu đoàn thê tử trên một chiếc xe lăn khấp khểnh theo các cuộc hành quân, dựa vào bản năng để bao giờ cũng theo bên thắng. Sau chuyến đó, sẵn có ít vốn[97] nó bèn về mở quán hàng ăn ở Môngphécmây.
[97] Nguyên văn: du quibus.
Cái vốn ấy là những túi tiền, đồng hồ, nhẫn vàng, huy chương bạc gặt được trong vụ mùa trên những luống cày gieo bằng xác chết; cái vốn ấy chẳng to gì nên tên bán hàng trong quân đội ấy lúc trở về mở cái quán tồi tàn này, chứ cũng chẳng làm nên trò trống gì hơn. Cử chỉ Tênácđiê mang một nếp cứng rắn riêng. Nếp cứng rắn ấy cộng với thói quen nguyền rủa là nếp của trại lính, cộng với dấu chữ thập, là nếp của nhà tu. Nó ăn nói hoạt bát. Nó để cho người ta đồn rằng nó học thông. Tuy vậy thầy giáo làng vẫn thấy nó “hớ” luôn. Nó kê hóa đơn cho khách hàng một cách rất thạo. Nhưng người tinh ý nom vào thì thấy có lỗi chính tả. Tênácđiê là đứa thâm hiểm, háu ăn, la cà, lanh lợi. Nó chẳng từ con sen con ở, nên mụ vợ không mượn người giúp việc nữa. Con voi nan ấy mà ghen tuông. Mụ tưởng như tất cả đàn bà con gái ai cũng muốn chim cái lão bé choắt, còm nhom, vàng ễnh đó.
Nổi bật hơn hết, Tênácđiê là một thằng lưu manh thuộc loại ôn hòa, nó là một đứa giảo hoạt và tỉnh táo. Loại này mới thật là nguy hiểm nhất: đã lưu manh, lại đạo đức giả.
Không phải là có lúc Tênácđiê không biết nổi nóng; ít ra nó cũng nóng bằng con vợ nó; nhưng họa hoằn thôi; lúc ấy thì nó thù ghét tất cả nhân loại, lòng nó chứa chất cả một lò lửa căm thù; nó giống như những người suốt đời chỉ lo trả thù trả oán, những người động một tí là buộc tội tất cả mọi vật xung quanh, rồi lúc nào cũng lăm le chỉ muốn nhảy xổ vào kẻ nào chẳng may chợt qua đấy; kẻ đó tức là thủ phạm chính thức gây ra tất cả những thất vọng, những tai họa, những bất hạnh trong đời nó; bấy giờ nó giống như có men rượu bốc trong người, sôi sục trong mồm, trong mắt, thế là nó trở thành ghê gớm. Vô phúc cho kẻ nào chợt đến lúc nó hung hãn như thế.
Ngoài những năng khiếu khác, Tênácđiê lại còn được cái nết ý tứ và sâu sắc, biết lựa lúc mà im lặng hay ba hoa, nhưng dù lúc nào, nó cũng tỏ ra thông minh rất mực. Nó có cái nhìn của người thủy thủ quen nheo con mắt trước ông kính viễn vọng. Tênácđiê làm một chính khách vậy.
Kẻ nào mới đến quán ăn này lần đầu, thấy mụ Tênácđiê cũng phải bảo: “Hẳn đây là chủ nhà”. Lầm to. Mụ cũng chẳng là bà chủ nữa. Chính thằng chồng mới vừa là ông chủ vừa là bà chủ. Thằng chồng sắp đặt công việc, con vợ cứ thế làm. Nó điều khiển tất cả bằng một thứ điện lực vô hình và thường xuyên. Chỉ một tiếng, hay có khi chỉ cần một dấu hiệu, thế là con voi cái tuân lệnh. Thằng Tênácđiê, đối với con vợ, vô tình đã là một đấng đặc biệt quyền uy vô thượng. Thái độ ấy âu cũng là một đức tính riêng của mụ. Nói thí dụ, - ấy là thí dụ thôi, chứ chẳng bao giờ lại có thế, - nếu có điều gì không đồng ý với “ông Tênácđiê” thì dù là việc gì đi nữa, mụ cũng không đổ cho chồng là sai trước mặt mọi người. Có “người lạ”, không bao giờ mụ phạm lỗi ấy, cái lỗi này nhiều bà mắc phải và thường được gọi là: vạch áo cho người xem lưng. Tuy cái cảnh thuận vợ thuận chồng chỉ là để làm việc độc ác, nhưng sự phục tùng của mụ Tênácđiê vẫn có một cái gì tôn nghiêm. Cả cái núi thịt suốt ngày ầm ĩ ấy chuyển động theo ngón tay bé nhỏ của tên bạo chúa lẻo khoẻo kia.
Đây là chuyện vật chất bái phục tinh thần, một chân lý lớn lao và phổ biến biểu hiện ở một sự việc bé nhỏ và buồn cười. Bởi vì một đôi cái xấu xí dị hợm vẫn có cơ sở tồn tại ở sâu ngay trong cái đẹp vĩnh cửu. Ở Tênácđiê có một cái gì thuộc cõi bất khả tri. Do đó hắn có quyền uy tuyệt đối với vợ. Có những lúc mụ ta thấy hắn như một ngọn nến sáng trưng; nhiều lúc khác mụ cảm thấy hắn là một cái vuốt nhọn.
Người đàn bà ấy là một sinh vật ghê gớm chỉ biết yêu con và sợ chồng. Mụ sở dĩ có con là vì mụ thuộc loài có vú. Tuy nhiên tình mẹ con cũng chỉ trùm lên hai đứa con gái là hết, mụ không yêu gì những đứa con trai, sau này ta sẽ rõ. Còn thằng chồng, nó có độc một tư tưởng: làm giàu.
Nhưng nào có được. Cái tài ba lỗi lạc ấy không có đất dụng võ. Ở Môngphécmây, Tênácđiê cứ sa sút mãi, - ấy là tạm dùng chữ sa sút, đến đấy Tênácđiê cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Giả sử nó ở Thụy Sĩ hay ở Pyrênê, chắc cái thằng kiết xác ấy đã trở thành triệu phú. Nhưng số mệnh đã buộc chặt thằng chủ quán ở đâu thì nó đành phải gặm ở đấy.
Chủ quán ở đây dùng theo nghĩa hẹp không mở rộng đến cả giai cấp.
Đúng vào cái năm 1823 ấy, Tênácđiê mắc nợ chừng ngàn rưỡi phơrăng, đều là những món vay nóng, nên nó có bề lo lắng.
Số mệnh dù đối với hắn khe khắt một cách kiên trì. Tênácđiê vẫn là một trong những con người hiểu sâu sắc và mới mẻ nhất cái nghĩa vụ đối với khách trọ. Cái nghĩa chủ khách đó ở các dân tộc dã man là một đức tính cao quý, ở các dân tộc văn minh, đó là một món hàng bán mua. Ngoài ra hắn còn là một tay săn bắn trộm tài tình, đường đạn tinh ai cũng ca ngợi. Tiếng cười của nó lạ lắm, lạnh lẽo và ôn hòa nhưng rất thâm hiểm.
Một đôi khi những lý thuyết làm chủ quán từ óc nó bật ra như những tia chớp. Các giáo điều nghề nghiệp ấy hắn cài vào trí óc vợ nó. Một hôm nó hung hăng nói nhỏ với vợ: “Bổn phận của người chủ quán là bán cho mọi người bước vào cửa hàng cái ăn, cái ngủ, cái ánh sáng, cái lửa sưởi, chăn đệm bẩn, cô hầu phòng, rận rệp và nụ cười; là bắt cóc kẻ qua đường, là trút những túi nhẹ, làm nhẹ những túi nặng một cách lương thiện; là cung kính chứa trọ những gia đình đi đường xa, là nạo ông, vặt bà, lột da cô, cậu; là định giá tất cả: nào cửa mở, cửa đóng, bệ sưởi, ghế bành, ghế tựa, ghế đẩu, ghế con, nệm lông chim, nệm bông, ổ rơm; là phải biết bóng người làm mòn gương soi bao nhiêu để tính tiền: là… nghĩa là, mẹ kiếp! Phải biết tính tiền đủ các thứ để bắt khách hàng trả, đến những con ruồi mà chó họ ngáp phải cũng biết tính!”
Người đàn ông ấy với người đàn bà ấy là xảo quyệt và điên cuồng kết hôn, một đôi hợp phối gớm ghiếc và đáng sợ.
Thằng chồng thì âm thầm nghĩ ngợi, tính toán; còn con vợ thì chẳng thèm nghĩ gì đến bọn chủ nợ không có ở đấy; nó thì chẳng lo gì về ngày hôm qua, cũng chẳng màng đến ngày mai; nó sống hăng tiết, sống tất cả trong giờ phút hiện tại.
Đấy, hai con người ấy là như thế. Côdét sống giữa chúng nó, chịu đựng sức ép của cả hai đứa, giống như kẻ vừa bị tảng cối xay nghiến, vừa bị kìm xé thịt. Thằng chồng và con vợ, mỗi đứa một cách đối xử: Côdét bị đánh đập tơi bời là do con vợ; nó đi chân không mùa rét là do thằng chồng.
Con bé hết lên lại xuống, nào là giặt giũ, cọ chải, lau chùi, quét tước, vừa đi vừa chạy, vừa làm vừa thở, chuyển những đồ vật nặng; tội nghiệp con bé gầy còm như thế mà phải làm những công việc rất nặng nhọc. Chẳng ai thương hại nó; một bà chủ dữ tợn, một ông chủ thâm độc. Cái cửa hàng của Tênácđiê giống như cái lưới nhện, Côdét mắc vào đó, run rẩy. Cái lối hà hiếp người trong cảnh ở tớ thảm đạm này thật là một cảnh điển hình. Đó là kiếp con ruồi làm tôi con nhện.
Tội nghiệp con bé đành ngậm miệng mà chịu đựng.
Vừa từ cõi Chúa xuống, trần trụi, bé bỏng bước vào bình minh của cuộc sống mà gặp phải người đời như vậy, thử hỏi các linh hồn trong trắng ấy nghĩ gì?
III
PHẢI CÓ RƯỢU CHO NGƯỜI, NƯỚC CHO NGỰA
Lại bốn khách đi đường nữa vào hàng.
Côdét buồn rầu nghĩ ngợi; vì tuy mới tám tuổi đầu, nó đã chịu bao đau xót, nên nó ngồi nghĩ vơ vẩn với dáng điệu một bà cụ già thảm hại.
Một bên mắt nó tím bầm, vì một quả đấm của mụ Tênácđiê, đã thế thỉnh thoảng mụ còn nói:
- Gớm! Con mắt sưng húp của nó sao mà xấu thế!
Côdét nghĩ ngợi: đêm thì tối đen như mực, đột nhiên lại phải múc nước đổ đầy các bình, các chai trong buồng bọn khách chợt đến và ngoài bể lại chẳng còn hột nước nào.
Nó còn yên tâm đôi tí là ở nhà hàng Tênácđiê này, người ta không uống nhiều nước lắm. Chẳng thiếu gì người khát; nhưng thật là khát cái vò rượu chứ không phải khát cái vại nước. Ở đây, trước một cái bàn la liệt cốc rượu, ai mà gọi một cốc nước thì chẳng khác gì người man rợ. Vậy mà đã có lúc con bé phải run sợ: mụ Tênácđiê mở vung một cái xoong đang sôi trên bếp lửa, rồi cầm lấy cái cốc đi vội ra bể nước. Mụ vặn vòi nước; con bé ngẩng đầu lên và nhìn theo từng cử chỉ của mụ. Một tia nước nhỏ chảy ra từ vòi nước, chỉ có lưng cốc. Mụ bảo: “Ồ! Hết sạch nước rồi!”; mụ đứng im một lát. Con bé nín thở. Mụ Tênácđiê xem lại lưng cốc nước, lại nói: “Chà, thôi thế này cũng đủ”.
Côdét lại cắm cúi làm, nhưng đến hơn mười lăm phút đồng hồ, nó thấy tim nó nhảy trong lồng ngực, bồng bềnh tựa như bóng.
Nó đếm từng phút trôi qua như vậy và mong cho chóng đến sáng hôm sau.
Thỉnh thoảng lại có khách đang uống rượu nhìn ra đường, kêu lên: “Tối như hũ nút” hoặc “Giờ này có họa là mèo mới ra đường không đèn đuốc gì”, Côdét rùng mình.
Bỗng một ông khách trọ buôn hàng chuyến bước vào sừng sộ nói:
- Ngựa tôi không được uống nước!
Mụ Tênácđiê bảo:
- Cho uống rồi đấy chứ.
Tên lái buôn đáp:
- Cái chị này! Tớ bảo không mà lị.
Côdét chui dưới gầm bàn ra, nói:
- Thưa ông, có mà! Ngựa uống rồi, nó uống ở thùng, nó uống một thùng đầy cơ đấy, thì tay cháu mang nước cho nó, cháu lại còn nói chuyện với nó nữa.
Chuyện không có như thế. Côdét đã nói dối. Ông lái quát:
- Con ranh bé bằng nắm tay mà nói điêu to như hòn núi. Tao bảo nó chưa uống là nó chưa uống, nhóc cái ạ! Lúc nó khát thì nó thở thế nào, tao biết chứ.
Côdét cố cãi; nó hoảng quá, giọng thều thào nghe không rõ:
- Nó uống no nê là khác!
Tay lái buôn cả giận mắng:
- Thôi đừng nói láo. Cho ngựa uống nước đi, rồi xếp, không đôi co gì nữa.
Côdét lại chui vào gầm bàn. Mụ Tênácđiê bảo:
- Phải, phải rồi. Ngựa chưa được uống thì phải cho nó uống chứ.
Rồi mụ nhìn quanh:
- Kìa, cái con kia đâu rồi?
Mụ cúi xuống, thấy Côdét ngồi thu mình mãi cuối bàn, gần ngay dưới chân khách uống rượu. Mụ thét:
- Mày có ra ngay không.
Côdét từ xó ẩn chui ra. Mụ Tênácđiê tiếp:
- Mời cô Chó Vện đi lấy nước cho ngựa uống đi.
Côdét trả lời khe khẽ:
- Nhưng, thưa bà, nước hết rồi ạ.
Mụ Tênácđiê mở toang cửa ra đường:
- Hết thì đi mà xách về chứ!
Côdét cúi đầu vào lấy cái thùng không ở góc lò sưởi.
Cái thùng to hơn cả nó, con bé mà ngồi hẳn vào trong cũng còn rộng chán.
Mụ lại đến ngồi cạnh bếp lò, cầm cái môi gỗ nếm thử món ăn nấu ở trong xoong, mồm lẩm bẩm:
- Nước ở ngoài suối chứ còn đâu. Có khó gì! Ồ! Giá mình tán hành ra thì hơn.
Rồi mụ lục cái ngăn kéo đựng cả xu, cả hồ tiêu, cả tỏi. Mụ tiếp:
- Này cô Cóc, lúc về vào hàng bánh mua cho tôi một cái bánh to. Đồng mười lăm xu đây này.
Côdét mặc cái tạp dề có túi con ở một bên; nó lẳng lặng cầm đồng hào bỏ vào túi.
Rồi nó đứng im, tay xách thùng, trước cái cửa mở toang. Hình như nó đợi có người đến cứu nó. Mụ Tênácđiê thét:
- Đi đi chứ!
Côdét đi ra. Cánh cửa đóng lại.
IV
MỘT CON BÚP BÊ LÊN SÂN KHẤU
Ta còn nhớ, cái dãy cửa hàng giữa trời chạy từ nhà thờ đến tận cái quán ăn Tênácđiê. Những quán ấy chờ bọn nhà giàu đi dự lễ nửa đêm đi qua, nên quán nào quán nấy đều nến thắp sáng trưng trong những cái phễu bằng giấy; cảnh ấy trông như “cảnh thần tiên”, theo lời ông thầy giáo trong làng, lúc ấy đang ăn uống trong quán Tênácđiê. Trái lại trên trời không có lấy một ông sao.
Cái quán cuối dãy dựng lên ngay trước mặt cửa hàng nhà Tênácđiê; hàng bán đồ chơi, lấp la lấp lánh những giấy trang kim, những đồ thủy tinh, những đồ bằng sắt tây rất đẹp. Bên ngăn ngoài, ở ngay đằng trước, bày một con búp bê lót trên một lượt khăn bông trắng nõn. Con búp bê thật lộng lẫy, cao tới gần bảy mươi phân, mặc một cái áo nhiễu màu hồng, đầu cài những bông lúa vàng, tóc như tóc thật, mắt thì bằng men sứ. Suốt ngày những khách tí hon dưới mười tuổi qua lại đều ngây người ra mà ngắm cái kỳ quan ấy. Ở Môngphécmây tìm đâu ra bà mẹ có đủ tiền hay thừa tính tiêu hoang mà mua cho con cái của ấy. Con Êpônin và con Adenma cứ đứng hàng giờ mà ngắm con búp bê; cả con Côdét nữa cũng cả gan lấm la lấm lét nhìn trộm búp bê.
Lúc Côdét bước ra ngoài, tay xách thùng, mặt rầu rĩ và khổ sở như thế, mà nó cũng không nhịn được, phải ngước mắt nhìn con búp bê kỳ diệu ấy, nhìn “cái bà quý phái ấy”, như nó nói. Con bé khốn nạn đứng đờ người ra. Chưa lần nào nó được nhìn gần như thế. Nó tưởng gian hàng như một cái cung điện nào; còn búp bê thì không phải là con búp bê, mà là một nàng tiên hiển hiện. Con người bé nhỏ đáng thương ấy đang chìm sâu trong cảnh ảm đạm lạnh lẽo bỗng nhiên thấy đứng trước một cảnh vui vẻ, lộng lẫy, giàu có, hạnh phúc thoáng hiện ra như trong một luồng ánh sáng ảo mộng. Côdét lấy cái trí thông minh thơ ngây nhưng đáng buồn của nó để ước lượng cái hố sâu thăm thẳm phân cách nó với con búp bê này. Nó cho rằng phải là một bà hoàng hậu hay ít ra là một nàng công chúa mới mua được “cái của ấy”. Nó ngắm nghía cái áo hồng tươi đẹp, mớ tóc mượt, bụng nghĩ thầm: “Con búp bê này, chắc nó sung sướng lắm nhỉ!” Mắt nó không thể rời cái cửa hàng huyền diệu ấy. Càng nhìn càng thấy lóa mắt. Nó tưởng như được thấy thiên đường. Những con búp bê bày phía sau con búp bê to, tưởng như tiên nữ, thánh thần cả. Còn cái ông bán hàng đi đi lại lại sau quầy thì nó mường tượng như Đức Chúa Trời vậy.
Mải chiêm ngưỡng, nó quên hết; quên cả nhiệm vụ phải làm. Bỗng nhiên tiếng gắt của mụ Tênácđiê gọi nó trở về thực tế:
- Ô kìa, con ranh, mày chửa đi à? Cứ đứng đấy, tao ra đây! Không biết nó còn đứng đấy làm gì kia chứ! Đồ quỷ quái, đi đi!
Thì ra mụ Tênácđiê vừa nhìn ra đường thấy Côdét đang say sưa ngắm nghía.
Côdét vội vàng xách thùng lủi đi, cố hết sức bước những bước thật dài.
@by txiuqw4