QUYỂN VI: NHÀ TU PƠTI PICHPUÝT
I
NGÕ PICHPUÝT, SỐ 62
Cái cổng lớn số nhà 62, trong ngõ Pichpuýt, cách đây nửa thế kỷ, cũng giống như mọi cổng lớn khác. Thường ngày, cổng vẫn hé mở, khiến ai cũng phải nhòm vào; nhìn vào cũng không có gì thảm đạm lắm: một cái sân có tường bao quanh, phủ đầy lá nho xanh, một khuôn mặt bác gác cổng đang đi thơ thẩn. Phía trong cùng, những chòm cây to vươn lên khỏi bờ tường. Những khi vườn hé chút ánh nắng hay khuôn mặt bác gác tươi cười vì có chút hơi men thì khách qua đường, ai cũng cảm thấy lòng vui phơi phới. Thế mà ngôi nhà số 62 là một nơi vô cùng u uất, mà chúng ta đã được nhìn qua.
Ngoài cửa thì vui tươi, trong nhà thì chỉ nghe thấy tiếng cầu kinh và tiếng khóc.
Nào mấy ai đã qua được bác gác mà vào nhà; muốn qua được bác, phải biết một câu thần chú như kiểu “úm ba la mở cửa ta vào”; khi qua được bác, ta thử rẽ vào căn phòng nhỏ ở phía tay phải; một cái thang gác chật hẹp giữa hai bức tường, chỉ vừa đủ một người đi; màu vôi vàng sẫm thật dễ sợ; cầu thang đánh bóng, màu nâu. Nếu ta có gan mạo hiểm leo lên, ta sẽ qua chỗ quặt đầu tiên, chỗ quặt thứ hai, rồi ta đến một cái hành lang; vẫn cái màu vàng đùng đục, vẫn cái chân tường màu sô-cô-la theo dõi ta. Hai cái cửa sổ xinh đẹp chiếu sáng xuống cầu thang và chiếu vào hành lang. Đến một chỗ quặt thì hành lang tối sầm lại. Nếu ta cứ bước thêm vài bước nữa, ta sẽ thấy một cái cửa bí mật, bí mật chính bởi vì nó không đóng lại. Đẩy cửa vào thì là một căn buồng chừng ba mét vuông, lát đá hoa; lau chùi sạch sẽ, lạnh lẽo, tường trải thứ giấy hoa xanh mười lăm xu một cuộn. Bên trái, choán hết chiều ngang cái buồng, một cái cửa kính ô nhỏ để lọt vào một thứ ánh sáng nhàn nhạt. Mắt nhìn không thấy một bóng người; tai nghe không thấy một bước chân đi, không một tiếng thì thào. Tường trần trụi không bọc gì, buồng không có đồ đạc, đến một cái ghế cũng không.
Nhìn mãi mới thấy ở bức tường trước mặt một cái lỗ hình vuông, độ ba tấc vuông, chăng một hàng chấn song sắt màu đen, đan chéo nhau, sần sùi, chắc chắn. Các song sắt ngang dọc làm thành những hình vuông có thể nói những mắt lưới vuông đường huyền năm sáu phân. Những bông hoa vẽ màu xanh trên tường cứ thản nhiên và đều đặn kéo đến gần những ô sắt, không tỏ vẻ gì khiếp sợ và rối loạn. Ta có thể tưởng tượng một con người gầy đét dù lọt ra, hay lọt vào qua lại ô vuông ấy, thì những cái gióng sắt kia sẽ cản lại. Nó không để thân thể lọt qua, nhưng để cho mắt lọt, nghĩa là tinh thần. Hình như người ta đã nghĩ đến điều đó vì ta thấy họ đã đóng thêm một tấm thiếc vào tường ở phía sau một ít, tấm thiếc đục hàng ngàng lỗ nhỏ li ti, nhỏ hơn lỗ môi hớt bọt.
Ở phía dưới tấm thiếc có đục thủng một khe nhỏ như miệng hòm thư. Bên phải cái khe, treo thòng lọng một mẩu dây để kéo chuông.
Cầm dây giật, tức thì một tiếng nói ngay sát đấy làm ta phải rùng mình.
- Ai đấy.
Tiếng ấy là tiếng đàn bà, một tiếng nói nhẹ nhàng, vì nhẹ nhàng quá nên nghe ra thảm đạm.
Nơi này, cũng phải biết một câu thần chú thì cửa mới mở. Nếu không, tiếng nói sẽ lại câm lặng, bức tường im lìm, tưởng như phía bên kia tường chỉ có bóng tối khủng khiếp nơi mộ địa.
Nếu ta biết câu bí mật, tiếng nói kia sẽ tiếp:
- Rẽ sang tay phải.
Nhìn sang bức tường phía tay phải, đối diện với cửa sổ, ta thấy một cái cửa lắp kính, sơn màu xám, bên trên là một khung kính. Nhấc cái chốt bước qua cửa, ta có cảm tưởng hệt như khi ta bước chân vào cái buồng con ở rạp hát khi chấn song chưa hạ xuống và đèn chưa thắp lên. Buồng này quả giống như một buồng con trong rạp hát, chỉ có ánh sáng phía cửa kính tỏa xuống mờ mờ, hẹp, kê hai cái ghế cũ và một cái đệm rơm đã xơ xác, đứng như một cái buồng rạp hát, phía trước có một cái bàn nhỏ bằng gỗ đen. Phòng đó tứ bề có chấn song, nhưng không phải thứ chấn song bằng gỗ thếp vàng trong rạp Ôpêra ở Pari, mà lại là một thứ chấn song sắt khủng khiếp chằng chịt, đóng vào tường bằng những chốt to tướng trông như những nắm tay.
Mấy phút qua, khi mắt đã quen với thứ bóng tối mờ mờ như ở dưới hầm ấy, ta thử đi qua lớp chấn song; nhưng được vài bước, lại có một hàng cửa ván đen ngòm chắn ngang trước mặt. Cửa thì đầy những then ngang của hàng chấn song và lúc nào cũng đóng im ỉm.
Một lát sau, một tiếng nói từ sau cửa vọng ra gọi khách và hỏi:
- Tôi đây, người cần gì ở tôi?
Tiếng nói ấy là tiếng nói của một người thân mến, nhiều khi là tiếng nói của người yêu. Không thấy bóng người. Đến một hơi thở cũng không nghe thấy. Hình như hồn ma nào từ dưới mồ vọng lên chuyện trò với khách.
Có khi, trong những trường hợp hiếm hoi, một cánh cửa mở ra trước mặt khách, hồn ma ấy hiển hiện lên. Sau lưới sắt, bên trong cửa sổ, có một cái đầu, nhưng chỉ nhìn thấy miệng và cằm, còn thì là một cái khăn voan đen kín mít. Thấp thoáng một cái yếm đen, một hình người phủ mảnh vải liệm đen. Cái đầu ấy nói chuyện với khách, nhưng không nhìn khách và chẳng bao giờ hé một nụ cười.
Ánh sáng từ phía cửa sổ soi vào, khiến khách thấy cái đầu ấy trắng xóa, còn khách chỉ là một cái bóng đen ngòm. Ánh sáng ấy có một ý nghĩa tượng trưng.
Qua lỗ hổng, mắt khách chăm chăm nhìn vào khoảng tối âm u, tĩnh mịch. Tứ bề xung quanh cái hình người mặc đồ tang, chỉ là một thứ không khí mơ hồ thăm thẳm. Mắt khách chăm chú tìm tòi xem trong khoảng mơ hồ ấy có nhận được vật gì, ngoài bóng ma không. Một lát sau mới nhận ra là chẳng trông thấy gì hết. Chỉ thấy đêm tối, khoảng không trống rỗng, bóng đen mù mịt, một thứ sương mù quyện với hơi sương lạnh lẽo ngoài bãi tha ma; và yên lặng ghê người, không thấy gì hết, không có cả đến hơi thở dài não nuột; toàn là bóng tối, không thấy cả đến bóng ma vơ vẩn.
Nơi ấy là nhà tu kín.
Nhà tu ảm đạm, khắc khổ này thuộc dòng thánh Bécna, gọi là nhà tu “Chầu mình Thánh hàng ngày”. Cái “buồng xem hát” vừa rồi, là phòng tiếp khách; tiếng nói đầu tiên với khách là tiếng nói của một nữ tu giữ cửa, lúc nào cũng ngồi lặng thinh, ở phía tường bên kia, gần cái cửa vuông nhỏ có hàng chấn song sắt và tấm thiếc đục nhiều lỗ bảo vệ đến hai lần.
Cái phòng khách bịt lưới sắt tối om, vì chỉ có một cửa sổ để lọt ánh sáng từ ngoài vào, còn phía nhà tu thì không có. Con mắt trần tục không được nhìn vào nơi thiêng liêng kia.
Tuy đây là bóng tối, nhưng bên kia vẫn có ánh sáng. Trong cõi chết này vẫn có một cuộc sống. Nhà tu này là nhà tu kín cổng cao tường nhất, nhưng ta cứ thử vào và đưa bạn đọc vào để xem đời sống bên trong ra sao và thuật lại có chừng mực những điều xưa nay chưa ai từng thấy, do đó cũng chưa kể bao giờ.
II
TIỂU TU VIỆN CỦA MÁCTANH VÉCGA
Cái tiểu tu viện ấy, hồi 1824 đã có từ lâu ở ngõ Pichpuýt, là một tu viện của các nữ tu sĩ Bécnađin, thuộc dòng của Máctanh Vécga. Như thế là những tu sĩ ấy không phụ thuộc vào tu viện Cơlécvô như những nam tu sĩ dòng Bênêđichtanh, nói khác đi là họ không thờ thánh Xanh Bécna mà thờ thánh Xanh Bơnoa.
Ai đã đọc một ít bộ sách lớn đều biết rằng Máctanh Vécga năm 1425 đã sáng lập một giáo hội nữ tu sĩ Bécnađin-bênêđichtin mà tu viện chính là Xalamăngcơ và tu viện phụ là Ancala.
Hội nữ tu ấy đã phát triển chi nhánh khắp các nước châu Âu theo đạo Giatô.
Ghép một dòng tu này với một dòng tu khác là việc thường diễn ra trong nhà thờ Latinh. Chỉ kể dòng thánh Bơnoa của Máctanh Vécga còn bốn giáo hội nữa: hai ở Ý, giáo hội Mông Caxanh và giáo hội nữ thánh Giuyxtin đơ Pađu; hai ở Pháp, giáo hội ở Cơluyni và giáo hội Xanh Môrơ và chín nhánh nữa: Valôngbơrôđa, Gơramông, Xêlextanh, Camăngđan, Sáctơrơ, Uymiliê, Ôlivatơ, Xinvextơranh, cuối cùng là Xitô, bởi vì chính cả Xitô, thân cây trổ ra nhiều nhánh, cũng chỉ là một nhánh đối với thánh Bơnoa. Xitô được sáng lập từ thánh Rôbe, giáo sĩ ở Môlexmơ, trong khu Lăngrơ, năm 1098. Chính là từ năm 529 con quỷ ác, về ẩn ở xa mạc Xuybiacô (quỷ già, hắn muốn làm nhà ẩn dật chăng?) đã bị đuổi khỏi đền thờ cũ của Apôlông bởi thánh Bơnoa, lúc bấy giờ mới mười bảy tuổi.
Sau luật khổ hạnh của nữ tu sĩ dòng Cácmêlít, đi chân đất, đeo một tấm giáp mây trước ngực và không bao giờ ngồi, luật khổ hạnh nghiêm khắc nhất là luật của dòng nữ tu sĩ Bécnađin-bênêđichtin của Máctanh Vécga. Họ mặc áo đen với một cái yếm cứng lên đến tận cằm, theo đúng quyết nghị của thánh Bơnoa. Một cái áo dài xecgiơ, ống tay rộng, một vuông len che mặt lớn, cái yếm cứng lên đến tận cằm và xén thẳng ngang ngực, cái băng trán che đến sát mắt, đó là y phục của họ. Tất cả đều đen, trừ chiếc băng trán là trắng. Nữ tu sĩ tập sự cũng mặc như thế, nhưng màu trắng. Những nữ tu sĩ đã tuyên thệ đeo thêm một chuỗi tràng hạt bên hông.
Nữ tu sĩ Bécnađin-bênêđichtin của Máctanh Vécga thực hành “Chầu mình Thánh hàng ngày”, cũng như những nữ tu sĩ Bécnađin mang tên là nữ tu sĩ “Thánh thể”; đầu thế kỷ này ở Pari có hai tu viện, một ở khu Tăngpơlơ, một ở phố Nơvơ Xanhtơ Giơnơvievơ. Vả lại những nữ tu sĩ Bécnađin-bênêđichtin của tu viện Pơti Pichpuýt thuộc một dòng khác hẳn các nữ tu sĩ “Thánh thể” trong những nhà tu kín ở phố Nơvơ Xanhtơ Giơnơvievơ và ở khu Tăngpơlơ. Có nhiều chỗ khác nhau trong kỷ luật, khổ hạnh. Trong y phục các nữ tu sĩ Bécnađin-bênêđichtin ở Pơti Pichpuýt mặc yếm đen, các nữ tu sĩ theo “Thánh thể” ở phố Nơvơ Xanhtơ Giơnơvievơ mặc yếm trắng và ở trên ngực còn đeo một cái mình thánh, cao tám phân, bằng bạc mạ vàng hay bằng đồng mạ vàng. Nữ tu sĩ ở Pơti Pichpuýt không đeo mình thánh. Việc Chầu mình thánh hàng ngày là một kỷ luật chung của tu viện Pơti Pichpuýt và tu viện Tăngpơlơ, còn ngoài ra hai dòng hoàn toàn khác nhau. Chỉ có sự giống nhau ấy trong kỷ luật hành lễ giữa các nữ tu sĩ Thánh thể và các nữ tu sĩ Bécnađin của Máctanh Vécga, cũng như có sự giống nhau trong học tập và ngợi ca những điều thuộc thuở thơ ấu, đời sống và cái chết của Giêsu Cơrít và thuộc về Đức mẹ đồng trinh giữa hai dòng rất xa nhau và có khi thù địch nhau: phái Nhà nguyện Itali do Philip đơ Nêri lập ở Phơlorăngxơ và Nhà nguyện Pháp do Pie đơ Bêruyn lập ở Pari. Dòng Nhà nguyện Pari tự cho là đứng trên và Philip đơ Nêri chỉ là Thánh, còn Bêruyn là giáo chủ.
Ta hãy quay về cái kỷ luật khổ hạnh Tây Ban Nha của Máctanh Vécga.
Các bà Bécnađin-bênêđichtin của dòng này cả năm đều kiêng ăn thịt, nhịn ăn những ngày tuần chay và nhiều ngày khác do họ định riêng; đêm đêm sau giấc ngủ đầu tiên, họ thức dậy từ một giờ cho đến ba giờ để đọc kinh và tụng bài kinh sớm. Bốn mùa họ nằm trên ổ rơm, đắp chăn len thô, không tắm, không đốt lò sưởi, mỗi thứ sáu tự lấy roi vọt đánh mình, giữ kỷ luật im lặng, chỉ nói với nhau trong những giờ giải lao ngắn ngủi, mặc áo lót thô, suốt sáu tháng, từ ngày 14 tháng 9 là ngày suy tôn Thánh giá, cho đến ngày lễ Phục sinh. Sáu tháng thế là đã giảm nhẹ rồi, kỷ luật bắt cả năm, nhưng cái áo lót mình thô ấy, trong những ngày hè nóng bức, không sao chịu nổi, nó gây sốt và động kinh, nên phải hạn chế việc mặc. Tuy có sự châm chước, ngày 14 tháng 9, khi các nữ tu sĩ bắt đầu mặc cái áo ấy, họ cũng lên cơn sốt ba bốn ngày. Phục tùng, nghèo khó, trinh bạch, suốt đời sống giữa bốn bức tường, đó là những lời nguyện của họ mà kỷ luật còn làm nặng nề thêm nhiều.
Mẹ nhất ba năm một lần được bầu lên bởi các mẹ gọi là “mẹ tư vấn” bởi vì các mẹ ấy được có ý kiến, có thẩm quyền. Mẹ nhất chỉ được bầu lại hai lần, như thế nghĩa là quyền hành của mẹ chỉ lâu nhất là chín năm.
Họ không bao giờ được nhìn linh mục chủ lễ, có một tấm màn xecgiơ cao hơn hai mét rưỡi che khuất. Khi giảng đạo, linh mục giảng đạo ở trong nhà nguyện, các mẹ phải buông tấm khăn che mặt. Lúc nào cũng phải nói khẽ, đi thì mắt luôn nhìn xuống và đầu cúi. Chỉ có một người đàn ông được vào trong tu viện, đó là vị tổng giám mục địa phận.
Cũng có một người đàn ông nữa, đó là người làm vườn. Những người ấy bao giờ cũng là một ông già và để lúc nào ông già ấy cũng trơ trọi một mình trong vườn và để các nữ tu sĩ biết trước mà tránh lão, người ta buộc vào đầu gối lão một chiếc nhạc con.
Các bà phải phục tùng mẹ nhất một cách tuyệt đối và thụ động. Đó là sự phục tùng theo phép đạo với tất cả tinh thần nhẫn nhục của nó. Như phục tùng lệnh của Chúa Cơrít,[105]tuân theo cử chỉ, theo dấu hiệu, phục tùng tức khắc, một cách hân hoan, một cách kiên nhẫn, hầu như một cách nhắm mắt, như cái đũa trong tay người thợ, không được đọc, không được viết một tí gì nếu không được phép rõ rệt.
[105] Từ đây đến hết đoạn tác giả có chua thành ngữ Latinh bên cạnh tiếng Pháp.
Lần lượt mỗi bà phải làm cái họ gọi là đền tội. Đền tội tức là cầu nguyện để chuộc tất cả các tội, tất cả các lỗi, tất cả các sự rối trật tự, tất cả các sự vi phạm, tất cả các sự bất công, mà loài người đã phạm phải trên trái đất này. Suốt 12 giờ liền, từ 4 giờ chiều đến 4 giờ sáng, hay từ 4 sáng đến 4 giờ chiều, bà phước đền tội quỳ trên phiến đá, trước Thánh thể, chắp hai tay và cổ buộc chiếc dây thừng; khi mệt mỏi không chịu được nữa thì họ nằm rạp xuống, mặt áp đất, hai cánh tay dang chữ thập, chỉ làm thế thôi để đỡ mệt mỏi. Trong cái tư thế như vậy họ cầu nguyện cho tất cả những người phạm tội trong vũ trụ. Thật là cao cả đến tuyệt vời.
Vì lễ cầu nguyện ấy tiến hành trước một cái cột, trên có thắp một cây nến, nên người ta gọi là lễ đền tội cũng được, hay đứng cột cũng được. Các bà vì tinh thần tự hạ, lại thích cách gọi sau này đơn vị nó có hàm ý chịu tội, ý xả thân.
Đền tội là một hành vi thu hút tất cả tâm hồn. Dù sấm nổ sau lưng, bà phước đứng cột cũng không quay đầu lại.
Ngoài ra lúc nào cũng có một nữ tu sĩ quỳ trước Thánh thể. Mỗi người quỳ như thế một tiếng đồng hồ và thay phiên nhau như lính thay phiên gác. Đó là lễ Chầu mình thánh hàng ngày.
Các mẹ nhất và các mẹ hầu hết đều mang những cái tên có một ý nghĩa nghiêm trang đặc biệt, gợi lại không phải những vị thánh hay các vị tử vì đạo, mà nhắc lại những giai đoạn trong cuộc đời của Giêsu Cơrít, như mẹ Giáng sinh, mẹ Đồng Trinh, mẹ Tiến dâng, mẹ Thương khó. Tuy vậy cũng không cấm mang tên các vị nữ thánh.
Khi ta nhìn họ thì bao giờ cũng chỉ nhìn thấy cái mồm. Răng ai cũng vàng cả. Không bao giờ có một cái bàn chải răng được vào trong tu viện. Đánh răng là bậc thang trên cùng của một cái thang mà bậc cuối cùng là: mất linh hồn.
Họ không bao giờ bảo của tôi. Họ không có cái gì riêng và cũng không được gắn bó với cái gì cả. Cái gì họ cũng bảo là của chúng tôi, thí dụ như cái màn che mặt của chúng tôi, cái chuỗi hạt của chúng tôi; giá nói đến cái áo lót mình họ cũng sẽ bảo: cái áo lót mình của chúng tôi. Đôi khi họ cũng quyến luyến một cái gì nho nhỏ. Quyển Kinh nhật khóa, một thánh tích, một cái ảnh thánh. Nhưng khi họ bắt đầu thấy họ quyến luyến vật ấy thì họ đem cho đi ngay. Họ vẫn nhớ câu nói của thánh Têredo trả lời một bà mệnh phụ, bà này khi sắp đi theo dòng tu của thánh Têredo, đã thưa: “Cho phép con sai người đi mang đến cho con quyển thánh kinh mà con thích lắm”. “Thế à! Thế ra bà còn thích một cái gì à. Thế thì bà đừng vào đây với chúng tôi”.
Cấm không ai được ở riêng ra một mình, có một chỗ ở riêng, một phòng riêng. Tuy phòng họ lúc nào cũng mở cửa. Khi họ gặp nhau, một người nói: Ngợi khen thờ kính Thánh thể rất thiêng liêng, người kia trả lời: Đời đời. Khi họ gõ cửa buồng nhau cũng vậy. Vừa thấy tiếng gõ nhẹ, phía trong đã nghe một giọng êm dịu, vội vàng nói: Đời đời. Với thói quen, điều này trở thành một việc làm như máy. Đôi khi người này chưa kịp nói cái câu khá dài Ngợi khen và thờ kính Thánh thể rất thiêng liêng thì người kia đã vội đáp: Đời đời.
Với dòng tu Viđităngdin, thì người gõ cửa nói: Ave Maria, người trong buồng nói: Đầy duyên phúc. Đó là lời chào của họ, cũng “đầy duyên” phúc thật.[106]
[106] Chữ grâce tiếng Pháp có hai nghĩa: ơn phúc và xinh đẹp, duyên dáng. Tác giả dùng nghĩa thứ hai ở đây.
Mỗi giờ chuông tu viện, sau hồi chuông báo giờ, lại đánh thêm ba tiếng. Nghe hiệu tiếng ấy, tất cả mọi người: mẹ nhất, các mẹ tư vấn, các bà đã khấn nguyện, các bà phục vụ, các bà tập sự, các bà còn đợi vào dòng, tất cả đang nói gì, đang làm gì đều ngừng cả lại và tất cả đồng thanh nói, thí dụ nếu là năm giờ: Lúc năm giờ và tất cả mọi giờ, ngợi ca và thờ kinh Thánh thể rất thiêng liêng. Nếu là tám giờ: Lúc tám giờ và tất cả mọi giờ… và cứ thế tùy theo mỗi giờ.
Cái tập tục nhằm mục đích bất cứ lúc nào, cũng cắt đứt dòng tư tưởng, để quy nó về với Chúa, trong nhiều dòng tu đều có, chỉ có lời tụng là thay đổi, thí dụ như dòng tu Giêsu Hài đồng thì người ta nói: Ở giờ này và tất cả mọi giờ lòng tôi luôn nghĩ đến Chúa Giêsu!
Những bà Bécnađin-bênêđichtin dòng Máctanh Vécga từ năm mươi năm nay ở trong nhà tu kín Pơti Pichpuýt, đều hát theo một điệu nguyện kinh trầm, điệu hát hành lễ cổ truyền, lúc nào cũng đều đều, suốt các buổi lễ. Mỗi khi trong sách hát có một dấu sao, họ đều dừng lại một lát và nói sẽ: Giêsu, Maria, Giôdép. Lễ cầu hồn người chết, họ hát giọng thấp đến mức ít có giọng nữ nào thấp đến thế và tạo ra một cảm giác xúc động và thê thảm.
Các nữ tu sĩ Pơti Pichpuýt xây một cái hầm mộ ngay dưới nền bàn thờ chính để chôn người chết của họ. Nhưng chính phủ, như họ nói, không cho phép đặt quan tài dưới đó. Vì vậy khi họ chết cũng phải đưa xác ra ngoài tu viện. Điều đó làm họ buồn và kinh sợ như phạm một tội nặng.
Họ xin được chôn vào một giờ riêng trong nghĩa địa cũ Vôgira, ở một miếng đất xưa kia là của dòng họ. Tuy nhiên ân huệ đó cũng chẳng an ủi họ được mấy.
Thứ năm họ nghe lễ lớn, kinh chiều và các lễ khác, cũng như ngày chúa nhật. Họ còn làm đầy đủ tất cả mọi lễ khác mà người ngoài đời hầu như hoàn toàn không biết, những lễ mà trước kia nhà thờ Pháp đặt ra rất nhiều, nay ở Tây Ban Nha và Ý vẫn còn giữ. Thì giờ họ ở trong nhà nguyện thật là vô tận, còn số kinh họ nguyện và thời gian mỗi lần họ nguyện kinh chúng tôi chẳng thể nào nói đúng hơn là lời nói hồn nhiên của một người trong bọn họ: “Những bà tập sự nguyện kinh thì thật là ghê sợ, những bà mới vào dòng càng ghê sợ hơn và những bà đã khấn thì càng ghê sợ hơn nữa”. Mỗi tuần một lần, tập hợp tất cả tu viện. Mẹ nhất chủ tọa, các “mẹ tư vấn” tham dự. Mỗi bà phước, lần lượt ra quỳ trên phiến đá và trước mặt cả mọi người, cất tiếng to xưng thú tất cả các lầm lỗi, các tội đã phạm trong tuần. Các “mẹ tư vấn” trao đối với nhau sau mỗi lời thú tội và cất tiếng tuyên bố những hình phạt.
Ngoài việc thú tội công khai rộng rãi như vậy dành cho các lỗi hơi nặng, còn những lỗi nhẹ thì có hình thức khác gọi là làmcunpơ. Làm cunpơ là quỳ áp bụng xuống đất suốt buổi lễ, trước mặt mẹ nhất, cho đến khi mẹ nhất - mà bao giờ cũng phải gọi là mẹ chúng tôi - gõ một tiếng nhỏ vào tay chiếc ghế ngồi của mẹ, báo cho kẻ thú tội biết là được đứng dậy. Một tí gì cũng phải làm cunpơ. Đánh vỡ một cái cốc, làm rách một khăn che mặt, vô tình đến dự lễ chậm vài giây, hát sai một nốt ở nhà thờ… thế là đủ để làm cunpơ. Làm cunpơ là việc tự nhiên tự phát, chính người phạm tội (dùng theo nghĩa từ nguyên của chữ cunpơ) tự xét xử mình và tự trừng phạt mình. Những ngày lễ và ngày chủ nhật, có bốn mẹ hát nguyện trước một cái giá sách bốn ngăn. Một hôm một mẹ xướng một bài tụng bắt đầu bằng chữ Exê, nhưng mẹ lại không nguyện Exê mà lại hát to ba nốt nhạc ut, si, sol. Vì sự lơ đãng ấy, mẹ phải làm cunpơ suốt buổi lễ. Lỗi càng thêm nặng vì cả tu viện đã cười ồ.
Khi một nữ tu sĩ được gọi lên phòng khách, dù là mẹ nhất, cũng phải buông khăn che mặt để người ta chỉ trông thấy cái miệng thôi, như ta đã biết.
Chỉ có mẹ nhất được tiếp xúc, nói chuyện với người ngoài. Những bà khác chỉ được gặp người thật thân cận trong gia đình mình và cũng rất ít khi thôi. Nếu ngẫu nhiên một người ngoài đến xin gặp một nữ tu sĩ mà họ đã biết hay yêu ngoài đời, thì phải qua cả một cuộc thương thuyết. Nếu là một phụ nữ thì đôi khi còn được phép. Nữ tu sĩ ấy đi ra và người đến thăm chỉ được nói chuyện qua khung cửa, cánh cửa chỉ mở cho mẹ hay chị thôi. Tất nhiên không bao giờ người ta cho phép một người đàn ông vào.
Đó là kỷ luật của thánh Bơnca và thánh Vécga đã làm cho thêm nghiêm ngặt.
Những nữ tu sĩ này không vui tươi, hồng hào như ở các dòng tu khác. Họ xanh xao và nghiêm nghị. Từ 1825 đến 1830 có ba người đã hóa điên.
@by txiuqw4