sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Những người khốn khổ - PHẦN II - Quyển VIII - Chương 01 - 02

QUYỂN VIII: AI CHO CÁI GÌ, NGHĨA ĐỊA NHẬN CÁI ẤY

I

VÀO NHÀ TU BẰNG CÁCH NÀO?

Giăng Vangiăng đã “rơi từ trên trời xuống cái nhà tu này”, như lời Phôsơlơvăng.

Ông đã vượt qua cái tường vườn nhà tu làm nên góc phố Pôlôngxô. Tiếng hát giữa đêm khuya mà ông tưởng là tiếng hát của thiên thần, chính là tiếng hát chầu lễ sớm của nữ tu sĩ. Cái căn nhà lờ mờ trong bóng tối thực ra là nhà nguyện của nhà tu. Còn cái bóng ma nằm phủ phục trên mặt đất chỉ là một nữ tu sĩ đang đền tội. Tiếng nhạc lạ lùng chỉ là tiếng nhạc buộc vào đầu gối lão làm vườn Phôsơlơvăng.

Lúc Côdét đã ngủ yên, Giăng Vangiăng và Phôsơlơvăng uống một hớp rượu vang và ăn một miếng phó mát trước ngọn lửa rừng rực cháy; gian nhà chỉ có độc một cái giường Côdét nằm, nên mỗi người nằm phịch xuống một bó rơm. Trước khi nhắm mắt ngủ, Giăng Vangiăng nói với Phôsơlơvăng: “Từ nay, tôi phải ở lại đây với bác”. Câu nói ấy cứ nhảy nhót trong đầu óc Phôsơlơvăng suốt đêm làm ông già không tài nào ngủ được.

Thực ra đêm ấy không ai chợp mắt lúc nào.

Giăng Vangiăng thấy mình đã lộ tung tích và Giave đang theo mình từng bước; ông nghĩ rằng không thể nào cùng Côdét trở về Pari được nữa, về thì nguy. Cơn gió số mệnh vừa qua đã thổi ông đến nhà tu này, ông chỉ còn một ý nghĩ, là ở lại đây. Đối với một con người khốn khổ trong hoàn cảnh này, nhà tu đây là một nơi nguy hiểm nhất mà cũng là một nơi trú chắc chắn nhất! Nguy hiểm nhất, bởi vì nơi này, không một người đàn ông nào được đặt chân tới, người ta mà bắt quả tang Giăng Vangiăng ở đây, thì từ nhà tu đến nhà tù, chỉ có một bước; chắc chắn nhất, bởi vì nếu được vào đây và được ở đây, thì ai còn đến đây tìm mình? Ở được một nơi không ai được ở, tất là thoát thân.

Về phần Phôsơlơvăng, ông cụ cũng suy nghĩ tợn. Thoạt tiên ông thú thật không thể nào hiểu được đầu đuôi ra sao cả. Ông thị trưởng Mađơlen làm thế nào mà vượt tường vào được đây? Không ai lại nhảy qua tường nhà tu bao giờ? Làm sao lại đèo thêm cả một con bé nữa? Làm thế nào ôm một đứa bé mà leo được bức tường dựng đứng? Đứa bé ấy là ai? Hai người từ đâu lại? Từ ngày Phôsơlơvăng vào nhà tu, ông không nghe nói đến Môngtơrơi Xuya Me, ông không hề biết chuyện gì đã xảy ra ở đó nữa. Trông vẻ mặt ông Mađơlen, thấy cũng không nên hỏi chuyện gì thêm; vả lại, ông cụ tự bảo: “Ai lại gạn hỏi một bậc thánh bao giờ!”. Đối với ông cụ, ông Mađơlen vẫn là ông Mađơlen đầy đủ uy tín ngày xưa. Nhưng, nghe qua mấy tiếng Giăng Vangiăng buột miệng nói ra, ông cụ đoán là có lẽ gặp thời buổi khó khăn, ông Mađơlen đã phá sản, bị chủ nợ săn bắt; hoặc ông là can phạm chính trị, nên phải trốn tránh; nghĩ đến đấy, ông cụ thấy càng thích, bởi vì ông cũng như nhiều nông dân miền Bắc trong thâm tâm vẫn có cảm tình với phái Bônapác. Ông Mađơlen muốn tìm đến nhà tu mà trốn tránh, nên ông có muốn ở lại đây, điều đó cũng dễ hiểu. Có điều không tài nào hiểu được, mặc dù lão đã nát óc suy nghĩ, là làm thế nào mà ông vào được đây, mà lại đèo thêm một đứa bé. Ông nhìn Giăng Vangiăng và con bé, mó vào người họ, chuyện trò với họ, thế mà vẫn không thể tin được là chuyện có thật. Cái vô lý vừa đột nhập vào túp nhà lão Phôsơlơvăng. Phôsơlơvăngcứ mò mẫm đoán mà vẫn thấy tối mò mò. Chỉ có một ý nghĩ này là rõ rệt: “Ông Mađơlen đã cứu sống ta”. Chỉ một ý nghĩ xác đáng ấy cũng đủ để ông già quyết định. Ông tự bảo: “Lúc ông Mađơlen chui xuống dưới gầm xe để kéo mình ra, ông ấy có đắn đo như mình đâu!” Ông nhất quyết cứu cho được ông Mađơlen.

Mặc dù vậy, ông cụ vẫn tự đặt cho mình nhiều câu hỏi rồi lại tự trả lời mình: “Ông đã cứu sống mình như thế, nhưng nếu ông là một thằng trộm cướp thì mình có cứu không? Tất phải cứu. Nếu là một đứa giết người thì mình có cứu không? Cũng phải cứu. Ông đã là một bậc thánh thì mình có cần cứu không? Càng phải cứu”.

Nhưng giữ ông Mađơlen ở lại trong nhà tu là một chuyện khó khăn quá! Trước cái dự định gần như ảo vọng ấy, Phôsơlơvăng không hề nao núng. Người nông dân đáng thương miền Picacđi ấy chỉ có cái thiện ý, một tấm lòng hy sinh tận tụy và chút ít, sự tinh ý cố hữu của nông dân, lần này dùng làm một việc hào hiệp. Ông quyết tâm khắc phục tất cả những khó khăn không bờ bến và vượt qua những kỷ luật khắt khe của nhà tu dòng thánh Bơnoa. Ông ta vốn suốt đời ích kỷ, nhưng lúc trở về già gần kề miệng lỗ, lại què quặt, không còn sinh thú gì ở đời nữa, nên khi thấy việc phúc đức thì lăn vào làm, như thể một người sắp chết thấy một cốc rượu ngon chưa hề được uống bao giờ thì hăm hở cầm lấy mà nốc một hơi. Vả lại, bao nhiêu năm trời, thở không khí trong nhà tu, ông ta như đã mất hết tính cố hữu, ông thấy cần phải ra tay làm một việc phúc đức.

Thế là ông cụ nhất quyết tận tụy hy sinh cho ông Mađơlen.

Chúng tôi đã gọi Phôsơlơvăng là một người nông dân đáng thương miền Picacđi. Gọi như thế đúng nhưng chưa đủ. Đến đây, tưởng cũng nên kể thêm chút ít về lai lịch lão. Vốn ở nhà quê, nhưng đã có lần ông làm lục sự, nên sẵn tinh ý, ông lại có mánh khóe; sẵn chất phác, ông lại thêm sâu sắc. Thế rồi, vì nhiều nguyên nhân, ông thất bại nhiều lần, từ chân lục sự, ông trở thành bác đánh xe ngựa và lao động chân tay. Nhưng mặc dù mắng chửi ngựa, quất ngựa vun vút, vì ngựa cần những thứ ấy, hình như ông vẫn giữ được cốt cách của một ông lục sự. Ông bẩm sinh khá thông minh; ông không ăn nói hay vui miệng chuyện trò. Nhiều người khác vẫn bảo ông cụ ăn nói có vẻ như một ông tư sản. Phôsơlơvăng quả là thuộc cái hạng người mà mấy chục năm nay người ta thường gọi một cách hỗn xược, vu vơ là hạng người nửa tỉnh nửa quê mà những ẩn dụ của ngôn ngữ quý tộc đã ghi vào lý lịch người bình dân: nửa nhà quê, nửa kẻ chợ, tiêu muối. Phôsơlơvăng mặc dù lăn lộn nhiều, thất bại lắm, bây giờ còn trơ cái xác không, nhưng vẫn giữ được cái tính hồn nhiên, phải gì làm nấy. Như thế là ông vẫn giữ được cái bản chất của con người tốt. Ông có những tật xấu này khác, nhưng chỉ ở bề ngoài, những ai biết xem tướng thì thấy nét mặt ông không có những nếp nhăn trên chỏm trán của hạng người độc ác hoặc ngu độn.

Sáng tinh mơ hôm ấy, sau khi đã nghĩ ngợi suốt một đêm ròng, ông Phôsơlơvăng mở mắt thì thấy ông Mađơlen ngồi trên đệm rơm nhìn Côdét đang ngủ. Ông đứng nhỏm dậy hỏi:

- Bây giờ bác đã ở đây rồi, thì bác liệu làm thế nào mà vào đây được? - Câu nói đầy đủ ý nghĩa thức tỉnh Giăng Vangiăng đang mơ mơ màng màng.

Hai người bèn bàn luận với nhau. Phôsơlơvăng nói:

- Trước hết, bác đừng có bước chân ra khỏi cái buồng này. Cả cháu bé nữa. Bước một bước ra ngoài, tất cả chúng ta đi đời cả.

- Đúng thế.

- Bác Mađơlen ạ, bác đến vừa dịp may… nghĩa là không may cho nhà tu, là có một bà nữ tu sĩ ốm nặng. Thế là người ta ít nhòm ngó phía đằng này. Hình như bà ta sắp chết. Phải cầu kinh bốn mươi tiếng đồng hồ. Họ bận cả. Cái bà sắp đi là một bậc thánh. Thực ra ở đây chúng tôi là thánh hết! Chỉ có khác một điều là các bà ấy thì nói: cái buồng của chúng tôi, còn tôi nói: túp lều của tôi. Người ta sắp cầu nguyện cho người hấp hối, rồi cầu nguyện cho người chết. Thế là hôm nay ta có thể yên ổn được; nhưng mai thì không thể nói trước được.

- Thế nhưng cái nhà này ở một góc tường, trước mặt lại có cái đống gạch đổ nát, cây cối um tùm, trên nhà tu nhìn xuống làm sao được?

- Lại thêm các bà nữ tu sĩ không bao giờ đến gần đây.

- Thế thì?

Cái chấm hỏi đặt sau hai tiếng “thế thì” của Giăng Vangiăng có nghĩa: tôi tưởng như thế thì còn sợ gì nữa? Phôsơlơvăng trả lời đúng chỗ hỏi:

- Có lũ trẻ con.

- Lũ trẻ con nào?

Phôsơlơvăng vừa há mồm định giải thích thì chuông nhà tu buông một tiếng. Ông nói:

- Bà ấy chết rồi. Tiếng chuông báo tử vừa đánh đấy.

Ông già ra hiệu cho Giăng Vangiăng chú ý nghe.

Chuông đánh tiếng thứ hai:

- Bác Mađơlen, tiếng chuông báo chết lần thứ hai. Trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, cứ cách một phút, chuông lại đánh một tiếng, cho đến khi đưa xác ra khỏi nhà thờ. Bác nghĩ xem, đến giờ chơi, bọn chúng nô đùa ghê lắm. Chỉ cần một quả bóng lăn lại đây là bọn chúng xông vào tìm nhộn cả lên. Bọn thiên thần ấy nghịch như quỷ.

Giăng Vangiăng hỏi:

- Bọn nào thế bác?

- Bọn trẻ con. Đây, rồi chẳng mấy chốc, bác bị lộ ngay. Bọn chúng sẽ kêu lên: “A, có một người đàn ông!” Nhưng hôm nay không có giờ chơi. Cầu kinh cả ngày. Bác nghe chuông mà xem, cứ mỗi phút một tiếng. Tiếng chuông báo tử.

- Tôi hiểu rồi bác Phôsơlơvăng ạ, ở đây có trẻ ở ký túc.

Và Giăng Vangiăng nghĩ bụng:

- Thật tiện cho Côdét ăn học.

Phôsơlơvăng kêu lên:

- Trời, bọn trẻ mà trông thấy bác, chúng sẽ thét lên mà chạy trốn cho mau. Ở trong này, làm người đàn ông thì cũng giống như mắc bệnh dịch hạch. Bác xem, tôi đeo ở chân một cái nhạc, chẳng khác gì một con thú dữ.

Giăng Vangiăng mỗi lúc một thêm suy nghĩ. Ông lẩm bẩm một mình: “Nhà tu này sẽ cứu được hai ông con mình”. Rồi ông cất tiếng nói:

- Phải, cái khó là làm sao ở lại đây.

- Không, là ra khỏi đây.

Giăng Vangiăng cảm thấy như máu trào lên ngực:

- Ra khỏi đây!

- Vâng, phải ra khỏi đây rồi mới quay trở vào được.

Rồi Phôsơlơvăng nói tiếp, sau một tiếng chuông rền rĩ bên ngoài.

- Không thể để người ta thấy bác lù lù ở đây được. Bác vào đường nào! Tôi biết bác lắm nên tôi cho là bác rơi ở trên trời xuống, chứ đối với các nữ tu sĩ thì họ cho là bác phải vào đằng cổng kia.

Bỗng một hồi chuông khá phức tạp của một chiếc chuông thứ hai. Phôsơlơvăng nói:

- À, tiếng chuông gọi các mẹ tư vấn đi họp. Khi có người chết là họ họp. Bà ấy chết lúc sáng tinh mơ. Thường họ chết vào lúc sáng tinh mơ. Nhưng này, bác vào lối nào, thì nay bác có ra bằng lối ấy được không? Không phải hỏi thế mà chơi đâu, bác vào lối nào chứ?

Giăng Vangiăng xám xanh mặt lại. Nghĩ rằng phải leo tường ra cái lối khủng khiếp kia, Giăng Vangiăng rùng mình ghê sợ. Ta vừa thoát khỏi một khu rừng đầy hùm beo, thử tưởng tượng nay lại có người bạn khuyên mình trở lại khu rừng đó. Giăng Vangiăng nghĩ đến một khu phố nhung nhúc những mật thám, những tên chỉ điểm đang rình mò, những lính tuần, những bàn tay khủng khiếp lúc nào cũng sẵn sàng tóm lấy cổ mình, còn Giave thì có lẽ đứng chờ ở một xó ngã tư đường. Ông nói:

- Không thể được, bác Phôsơlơvăng ạ, cứ coi như tôi rơi từ trên trời xuống.

- Tôi tin như vậy, tôi tin như vậy, bác chả cần nói. Đức Chúa Trời chắc muốn giữ lấy bác để ngắm cho kỹ rồi lại thả bác ra. Chúa muốn đặt bác vào một nhà tu nam. Nhưng rồi Chúa nhầm chỗ. Đấy, lại một tiếng chuông. Tiếng chuông này báo cho bác gác cổng đi báo tòa thị chính cử ông y sĩ coi việc người chết đến đây để chứng kiến. Đấy, lễ nghi cái chết phải như thế. Các bà ở đây nào có ưa gì cái việc khám xét ấy. Là y sĩ thì chẳng tin gì cả. Họ lật tấm vải phủ diện lên; có khi lật cả cái khác. Lần này, sao các bà ấy cho đi báo sớm thế. Chắc có việc gì. Cháu bé vẫn ngủ. Cháu tên là gì nhỉ?

- Côdét.

- Con bác à? Trông thì ai cũng bảo cháu gọi bằng ông, có phải không bác?

- Phải.

- Cho cháu ra khỏi đây cũng dễ. Tôi ra vào có cái cửa riêng ăn liền với sân trước. Cứ gõ cửa là bác gác mở. Tôi vẫn đeo cái giỏ đằng sau lưng: nhét cháu vào giỏ là xong. Thế là cứ việc đi ra. Ai chả bảo là lão già Phôsơlơvăng đeo giỏ ra phố. Bác nhớ dặn cháu đừng có cựa quậy. Tôi đậy tấm vải bạt lên trên. Đến nhà bà bạn bán hoa quả ở phố Sơmanhve, tôi sẽ gửi cháu ở đấy. Bà ấy điếc, nhà có một chiếc giường nhỏ. Tôi sẽ chõ vào tai bà mà thét nó là cháu gái tôi, nhờ bà trông hộ một hôm. Thế rồi bác sẽ lại đem cháu vào đây. Tôi sẽ tìm hết cách đưa bác vào. Nhưng bác có cách nào ra khỏi đây được không?

Giăng Vangiăng lắc đầu:

- Làm sao cho đừng một ai trông thấy tôi, có thế thôi. Bác thử xem có cách nào đưa tôi ra như đưa Côdét được không. Cũng nằm trong giỏ đậy bạt.

Phôsơlơvăng lấy ngón tay giữa gãi gãi dưới tai, tỏ vẻ vô cùng bối rối.

Một hồi chuông thứ ba làm câu chuyện đứt quãng.

- Đấy, ông y sĩ đi rồi đấy. Ông ấy xem xong, nói: “Bà ấy chết rồi, được”. Khi ông y sĩ đã chuẩn bị tờ giấy thông hành lên thiên đường thì bọn tang lễ mang áo quan đến. Nếu là một mẹ thì các mẹ liệm; nếu là một bà phước thì các bà phước liệm. Xong đâu đó đến lượt tôi đóng áo quan. Ấy, cũng là một phần việc làm vườn. Kẻ làm vườn cũng ít nhiều là người đào huyệt. Quan tài thì đặt trong một cái buồng thấp ngoài nhà thờ, trông ra phố. Trừ ông y sĩ, không một người đàn ông nào được bén mảng tới. Không kể tôi và những phu đòn, chúng tôi không được coi là đàn ông. Tôi đóng quan tài ở đấy. Phu đòn đến khiêng ra, thế là xe tang quất ngựa! Đấy, đường lên trời chỉ có thế. Lúc mang đến thì hòm không, lúc mang đi thì hòm có. Đám ma là như thế. De profundis (Xin siêu độ, tiếng Latinh, đọc ở cuối kinh cầu hồn).

Một tia nắng sớm rọi ngang qua mặt Côdét đang ngủ say: miệng nó hé mở như một thiên thần đang uống ánh sáng. Giăng Vangiăng nhìn nó từ lâu. Ông không nghe Phôsơlơvăng nói nữa.

Không được nghe, đấy không phải là một lý do để người ta không nói nữa. Lão làm vườn trung hậu vẫn cứ việc lải nhải:

- Đào huyệt ở nghĩa trang Vôgira. Cái nghĩa trang này, người ta bảo sắp bỏ đi. Nghĩa trang cũ từ đời nào, không đúng luật lệ, không ra vẻ gì cả, sắp cho hưu đến nơi. Kể cũng tiếc, vì nó được cái tiện. Ấy tôi có một người bạn làm ở đấy, lão phu huyệt Métchiên ấy mà, các bà nữ tu sĩ ở đây hưởng biệt đãi là được chôn cất vào lúc sẩm tối. Quận có cả một nghị định riêng cho các bà. Nhưng từ hôm qua đến nay, sao lắm chuyện thế! Mẹ Cơruyxiphixiông thì chết, ông Mađơlen thì…

- Thì đã chôn vùi.

Giăng Vangiăng vừa nói vậy, vừa mỉm cười buồn bã. Phôsơlơvăng láy lại tiếng chôn vùi:

- Trời! Nếu bác ở hẳn đây thì cũng chẳng khác gì chôn vùi.

Hồi chuông thứ tư lại vang lên. Phôsơlơvăng vội vàng với cái đai bịt đầu gối có nhạc treo trên tường, buộc vào chân:

- Lần này đến lượt tôi. Mẹ nhất gọi tôi đấy. Được để tôi buộc đã. Còn bác, bác chớ có đi đâu một bước đấy nhé, phải chờ tôi. Có cái gì lạ đây. Bác có đói thì lấy rượu, bánh với phó mát mà ăn.

Rồi vừa đi ông già vừa nói: “Nào thì đi, nào thì đi”.

Giăng Vangiăng thấy lão cố sức lê nhanh cái chân thọt qua vườn, ghé mắt nhìn mấy luống dưa.

Lão đi đến đâu, nhạc rung đến đấy, khiến các bà phước chạy tán loạn. Chưa đầy mười phút, lão đến một cái cửa, khe khẽ gõ một tiếng. Một giọng nói dịu dàng trả lời: đời đời. Đời đời nghĩa là Cứ vào.

Cái cửa này là cái cửa phòng dành riêng để tiếp lão làm vườn mỗi khi có việc. Phòng ấy giáp với phòng họp của các mẹ. Phòng chỉ có độc một cái ghế tựa. Mẹ nhất ngồi ghế đợi ông Phôsơlơvăng.

II

CỤ PHÔSƠLƠVĂNG ĐỨNG TRƯỚC KHÓ KHĂN

Có những người, khi gặp hoàn cảnh khó khăn thì nét mặt trở thành băn khoăn và nghiêm nghị, đó là do tính người như thế hoặc do nghề nghiệp, đặc biệt là ở những linh mục và tu sĩ. Khi Phôsơlơvăng vào thì mẹ nhất cũng đang ở tình trạng ấy. Nét mặt mẹ vừa băn khoăn vừa nghiêm nghị. Mẹ vốn có duyên và học thức rộng, thường ngày tươi cười. Mẹ chính là tiểu thư Đơ Bơlêmơ tức mẹ Inôxăngtơ.

Ông già làm vườn khúm núm chào và đứng lại ở cửa phòng. Mẹ nhất đang lần tràng hạt, bỗng ngước mắt nhìn lên, nói:

- À! Lão Phôvăng đấy à?

Trong nhà tu này, người ta quen gọi là Phôvăng cho gọn.

Phôsơlơvăng chào lại một lần nữa.

- Lão Phôvăng ạ, tôi cho gọi lão.

- Bẩm mẹ, con đến hầu mẹ.

- Tôi cần nói chuyện với lão.

Phôsơlơvăng cố lấy giọng mạnh bạo và tự mình cũng đâm sợ sự mạnh bạo ấy:

- Còn con, con cũng định thưa với mẹ tôn quý một việc.

Mẹ nhất nhìn lão:

- Thế ra lão cũng có một việc cần báo với tôi?

- Cần cầu xin với mẹ.

- Cứ nói đi.

Phôsơlơvăng, nguyên lục sự, thuộc vào hạng nông dân tự tín. Có khi dốt nát một cách khôn khéo lại là một sức mạnh. Người ta không ngờ vực mình, do đó mà dễ thành công. Hơn hai năm trời sống trong nhà tu, Phôsơlơvăng đã thành công. Suốt năm đơn độc, làm việc trong khoảnh vườn, ông chẳng còn gì khác ngoài việc tò mò tìm hiểu nhà tu. Nhìn xa những người đàn bà trùm khăn kín mít qua lại trước mặt, ông chỉ thấy như những bóng đen lảng vảng. Ông già cố sức chăm chú để tìm hiểu, nên những bóng ma ấy, dần dần lão đã thấy có da có thịt: những xác chết ấy có một đời sống. Ông giống như người điếc mắt càng trông xa, hay như người mù nghe rất thính. Ông đã biết tường tận mỗi hồi chuông nói gì trong nhà tu bí mật, lặng lẽ này, nên ông không thấy có gì là lạ hết. Cái chuông ấy là một con nhân sư (Nhân sư theo truyền thuyết Ai Cập là một con quái vật thường ra những câu đố khó giải cho khách qua đường) rất khó hiểu nhưng đối với ông thì ngày ngày nó thủ thỉ bên tai tất cả những điều bí mật trong tu viện. Biết bao nhiêu, ông càng giấu kín bấy nhiêu. Đấy, bí quyết nghệ thuật của ông là ở chỗ ấy. Cả tu viện tưởng ông ngây ngô, đần độn. Trong giáo hội, thì đây là một đức lớn. Các mẹ tư vấn quý ông. Rõ là một anh tọc mạch câm. Ai cũng tin ông. Vả ông luôn luôn tôn trọng nội quy, ông chỉ ra phố khi phải mua cái gì cần thiết lắm cho khu vườn quả hay vườn rau. Hành tung kín đáo ấy cũng được đánh giá tốt. Tuy nhiên ông vẫn khêu gợi cho hai người múa môi khua lưỡi: trong nhà tu thì là bác gác cổng, thế là ông biết mọi chuyện trong phòng tiếp khách; ngoài nghĩa trang thì là bác phu đào huyệt, thế là ông biết tất cả những chuyện lạ về tang ma. Như vậy, sống giữa những người tu hành, ông có hai nguồn ánh sáng, một soi vào cảnh sống, một soi vào cõi chết. Tuy biết vậy mà ông chẳng làm gì quá đáng bao giờ. Tất cả thánh hội đều tin ở ông. Ông vừa già lại què, mắt mờ, hình như lại nghễnh ngãng nữa, biết bao nét tốt! Khó lòng mà tìm được một người như ông Phôsơlơvăng.

Thế là hôm nay, trước mắt mẹ nhất, tự biết mình được mọi người tin cậy, ông già ấy mạnh dạn bắt đầu nói một câu chuyện quê mùa, dài dòng nhưng sâu sắc ý nghĩa. Ông kể lể mãi về việc tuổi ông đã già, lại mang tật nó chứng kia; mỗi năm mỗi yếu đi, mà công việc vườn tược mỗi ngày một nhiều; nào vườn thì rộng, nào phải đêm hôm làm lụng, như đêm vừa qua, nhân có trăng, ông phải cặm củi trải rơm che vườn dưa. Thế rồi ông kết thúc câu chuyện như sau: ông có một người em trai (mẹ nhất cựa mình) - người em đã có tuổi (mẹ nhất cựa mình lần thứ hai, nhưng cựa mình yên tâm) - nếu được phép, người em sẽ đến cùng với ông để giúp việc làm vườn bởi vì hắn ta làm vườn rất giỏi, - thánh hội sẽ được công được việc. Còn như nếu thánh hội từ chối thì ông bắt buộc và hết sức lấy làm tiếc là phải xin nghỉ việc, nởi vì ông đã già nua lại tật bệnh, - người em ông lại có một đứa cháu gái nhỏ sẽ mang theo, đứa bé sẽ được giáo dục trong lòng Chúa và sau này biết đâu nó không trở thành một bà xơ trong nhà tu.

Ông vừa dứt lời thì mẹ nhất ngừng tay lần tràng hạt, bảo:

- Từ giờ đến chiều, lão có kiếm đâu được một thanh sắt to không?

- Để làm gì ạ?

- Để bẩy.

- Bẩm mẹ, được ạ.

Mẹ nhất liền đứng dậy, không nói thêm nửa lời - mẹ sang buồng bên cạnh là buồng họp hình như có các mẹ khác đang tụ tập ở đây. Phôsơlơvăng còn lại một mình trong phòng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx