PHẦN THỨ BA:
MARIUYTX (Marius)
QUYỂN I: PARI XÉT QUA MỘT HẠT BỤI NHỎ CỦA NÓ
I
PARVULUS
(Bé bỏng)
Pari có đứa trẻ, trong rừng có con chim. Con chim là con chim sẻ, đứa trẻ là thằng “nhóc con”.
Gắn hai ý niệm đó với nhau, một chứa đựng tất cả cái lò lửa hừng hực, một tất cả bình minh, làm cho hai tia lửa đó chạm nhau: Pari và tuổi trẻ, sẽ nảy ra sinh vật nhỏ mà Pơlôtơ[113] sẽ gọi là Humuncio (con người nhỏ).
[113] Plaute: nhà hát kịch La Mã, thế kỷ thứ ba trước công nguyên.
Đứa bé ấy lúc nào cũng vui. Ăn thì ngày no, ngày đói, nhưng tối nào muốn đi xem hát cũng đi được. Người không bận áo, chân không vướng giầy, đầu không có mái nhà, đứa bé ấy giống như con chim con không còn gì cả trên trời kia. Nó vào trạc từ bảy đến mười ba tuổi, tụm năm túm ba, lê la trên vỉa hè, trời là màn, đất là chiếu; quần của bố mặc dài và quết đất, mũ của một bố khác, chụp quá mang tai, quần lủng lẳng chỉ còn một dải treo thế mà nó chạy lăng xăng cả ngày, dòm chỗ này, ngó chỗ khác, nhặt cái này, quơ cái kia, lê la hết giờ này qua giờ khác, phì phèo điếu thuốc, chửi rủa, văng tục như ma, vào ra quán rượu thậm thọt, quen kẻ cắp, mày tao với gái điếm, nói lóng, hát nhảm thế mà chẳng có chút ác ý nào. Vì lòng nó chứa một hòn ngọc, hòn ngọc tuổi thơ ngây, mà ngọc thì có ngâm dưới bùn cũng chẳng tiêu tan trong bùn. Chúa muốn rằng khi con người còn là trẻ con thì lòng phải ngây thơ vô tội.
Nếu người ta hỏi cái thành phố khổng lồ: “Thằng bé ấy là ai?”. Nó sẽ trả lời: “Con tôi”.
II
MỘT VÀI DẤU HIỆU ĐẶC BIỆT CỦA NÓ
Thằng ngốc Pari là đứa bé tí hon của mụ mẹ khổng lồ.
Ta cũng không nên cường điệu quá. Chú tiên đồng của hè rãnh ấy, mình đôi khi cũng có một cái sơ mi nhưng chỉ có một chiếc thôi; thỉnh thoảng chân cũng xỏ giày, nhưng là đôi giày không đế, hãn hữu nó cũng có nhà và nó cũng yêu cái nhà ấy, bởi vì trong nhà có mẹ nó; nhưng nó thích hè phố hơn bởi vì ở đấy nó được tự do. Đứa bé ấy có những trò đùa nghịch, trò ác riêng của nó, nhắm vào bọn tư sản mà nó thù ghét. Nó cũng biết ví von: chết thì nó bảo là: ăn trầu bồ công anh đằng rễ; nó có nghề nghiệp riêng của nó; gọi xe, hạ bực lên xuống, đưa người qua đường trong những trận mưa rào để lấy thuế quá giang và gọi đó là bắc những chiếc cầu nghệ thuật, rao những bài diễn văn của chính quyền cho nhân dân nghe, nạo đất giữa các viên đá rải đường; nó có tiền tệ của nó là tất cả những mảnh đồng nho nhỏ mà nó nhặt được ngoài đường. Cái thứ tiền kỳ lạ mang tên lôcơ[114] có một thị giá cố định và được ấn định rất chặt chẽ trong cái xã hội tí hon lang thang này.
[114] Loque: mảnh
Nó cũng có cái thế giới súc vật riêng của nó mà nó quan sát một cách chăm chú trong các góc, các xó: con bọ rùa, con bọ xanh hình đầu lâu, con nhện cỏ, con “quỷ”, con sâu đen cuốn cái đuôi có hai sừng để dọa kẻ thù. Nó cũng có một con quái vật thần thoại của nó, có vẩy dưới bụng mà không phải con thằn lằn, có mụn xù xì trên lưng mà không phải là con cóc, nằm trong những lỗ các lò vôi bỏ trống và những giếng những cống nước khô, đen sì, lông lá nhầy nhụa, con vật ấy bò đi khi thì nhanh, khi thì chậm, không có tiếng kêu, nhưng mà nhìn người ta, con vật dễ sợ đến mức chưa ai từng thấy. Nó gọi con quái vật ấy là “thằng điếc”. Tìm thằng điếc dưới đá là một thú vui vào cái loại thú vui kinh hoàng. Một thú vui khác… đột nhiên lật một viên đá lát đường để tìm những con bọ cạp. Mỗi khu ở Pari đều nổi tiếng với những con vật kỳ thú có thể tìm thấy. Có những con “chọc tai” ở những cổng trường Uyếcxuylinơ, có những con cuốn chiếu ở điện Păngtêông, có những con nòng nọc ở quảng trường Săng đơ Mácxơ. Còn cái vốn từ ngữ thì thằng bé ấy chẳng kém Tânlêrăng: hắn chẳng kém trắng trợn nhưng mà hắn lương thiện hơn. Tính hắn vui, hài hước bất ngờ, cái cười rộ, cười điên của nó làm cho các chủ hiệu phải ngẩn ngơ, cái cười vui nhộn của nó rất phong phú, đi từ hài kịch cao cấp xuống tận trò hề.
Một đám ma đi qua. Trong số những người đi đưa có một ông thầy thuốc. Một thằng nhóc kêu to: “Các thầy lang bàn giao công trình của họ từ bao giờ thế?”
Một thằng nhóc khác đứng trong đám đông. Một vị trưởng giả nghiêm nghị, mang kính và dây đồng hồ, quay lại phẫn nộ: “Đồ khốn kiếp, mày vừa “quàng lưng” vợ tao”.
- Thưa ngài, tôi! Xin ngài cứ khám người tôi xem (Chú nhóc con này chơi chữ Prendre la taille: nghĩa bóng là ôm lấy người ta; prendre nghĩa đen là cầm, nhón lấy cái gì)
III
NÓ THẬT DỄ THƯƠNG
Buổi tối, chỉ với vài xu, cũng có thể kiếm được thằng bé ấy[115] đi xem hát. Vừa bước vào cái ngưỡng cửa thần kỳ ấy, nó cải hóa hoàn toàn. Nó không còn là thằng nhóc nữa mà là chú bé titi. Những rạp hát là những con tàu thủy đặt ngược, đáy lộn lên trên. Chính ở cái đáy ấy mà cái đám titi này chồng chất. Thằng titi đối với thằng nhóc, cũng như con bướm đối với con sâu. Cũng một con vật ấy nhưng không bò lê mà bay lượn. Chỉ cần có mặt nó với những tia sáng tươi vui mà nó phát ra, với cái độ nồng nhiệt hào hứng của nó, với những cái vỗ tay giống như vỗ cánh, đủ khiến cho cái đáy thuyền chật hẹp, hôi hám, tối đen, tiều tụy, bẩn thỉu, xấu xa, ghê tởm ấy mang tên là “Thiên đường”.
[115] Nguyên văn Latinh: homuncio
Hãy cho một đứa trẻ những cái vô ích và tước hết những cái cần thiết, nó sẽ thành thằng “nhóc con”.
Thằng nhóc con thế mà cũng có khiếu văn chương. Xu hướng văn chương của nó - chúng tôi nói điều này mà nó có phần tiếc - không phải là xu hướng cổ điển. Theo bản chất của nó, nó ít mô phạm. Đơn cử một thí dụ: cái lừng lẫy của nữ nghệ sĩ Mácxơ[116] vào trong đám công chúng những trẻ con bão táp ấy liền được điểm thêm một chút gia vị hài hước. Thằng nhóc con gọi cô Mácxơ là cô Muysơ.
[116] Mars thường gọi là cô Mars, nữ nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng của nước Pháp, đầu thế kỷ 19, đóng rất tài tình những nhân vật của Moliète và Marivaux, 1779-1847.
Nhân vật ấy nói bô bô, chế nhạo mỉa mai, ẩu đả, quần áo tã như một đứa trẻ con và bệ rạc như một nhà triết học. Câu cá ở cống, săn ở rãnh, biến rác rưởi thành vui tươi, la hét, quát tháo ở góc phố, đầu đường, vừa cười, vừa cắn, huýt sáo chế nhạo và hát ca, hoan hô và đả đảo, dung hòa bài ca ngợi chúa Alêluya với điệu khôi hài Matăngtuyluyretơ, tung tất cả các điệu nhạc thơ từ điệu De profundis đến điệu Siêngli, chẳng tìm mà vẫn thấy, biết cái nó không biết, tự nghiêm khắc với mình mà vẫn ăn cắp vặt, điên rồ mà vẫn khôn ngoan, trữ tình mà vẫn thô tục, ngồi xổm trên đỉnh núi Ôlanhpơ[117] lăn lộn trong đống phân mà đứng dậy người đầy sao sa. Thằng nhóc Pari là Rabơle[118]cỡ nhỏ.
Quần nó mà không có túi đựng đồng hồ thì nó không bằng lòng.
Nó ít khi ngạc nhiên, càng không hay sợ, chế giễu mê tín, xì hơi những kẻ bốc đồng, nhạo báng những chuyện thần bí, đứa nhạo cả ma, làm cho kẻ say sưa vỡ mộng, đưa những nét châm biếm vào những phóng đại hùng ca. Không phải vì nó thô lậu, nhưng vì nó muốn thay thế những viễn cảnh trang nghiêm bằng một bức tranh sặc sỡ phường chèo. Nếu Ađamaxto[119] hiện ra nó sẽ bảo: “Ô kìa? Ngáo ộp!”
[117] Olympe: tên một ngọn núi ở Hy Lạp. Theo thần thoại Hy Lạp, núi này là nơi ở của các vị thần.
[118] Rabelais: nhà văn nổi tiếng thế kỷ 16 nước Pháp, hiện thực và trào phúng.
[119] Adamastor: thần khổng lồ làm bão tố.
IV
NÓ CŨNG CÓ THỂ CÓ ÍCH
Pari bắt đầu bằng anh chàng vô công rồi nghề và kết thúc ở chú nhóc con, hai nhân vật mà không một thành thị nào có được: ở đây là sự thừa nhận thụ động tự thỏa mãn bằng việc nhìn ngó, ở đấy là sáng kiến vô tận: anh chàng Pơruđom và chú Phuiu. Chỉ có Pari mới có những loại ấy trong lịch sử sinh vật của nó. Tất cả trật tự quân chủ là dựa vào anh chàng vô công rồi nghề và thằng nhóc con là tất cả vô chính phủ.
Đứa trẻ xanh xao của vùng ngoại ô Pari sống và phát triển, “thắt nút” và “cởi nút” trong nghèo khổ đau đớn, trước thực tế xã hội và những sự việc của con người, nó là một nhân chứng tư lự. Nó tưởng nó vô tư lự, vô tình thực ra nó không như thế. Nó trông nhìn sẵn sàng để cười đùa; nhưng cũng sẵn sàng để làm việc khác nữa. Dù anh là ai, mang tên là Thành kiến, Nhũng lạm, Ô nhục, Áp bức, Vô lý, Độc đoán, Bất công, Cuồng tín, Bạo ngược thì hãy coi chừng thằng nhóc con há hốc miệng ấy.
Thằng bé ấy sẽ lớn dần.
Thứ đất nào đã nặn thành nó? Đất bùn nào cũng được. Một nắm bùn, một hơi thở thổi vào, thế là thành Ađam. Chỉ cần có một thần thiêng thổi qua. Lúc nào cũng có một thần thiêng đi qua con người thằng nhóc con. May rủi tạo nên con người bé nhỏ ấy. May rủi đây chúng tôi hiểu na ná như phiêu lưu. Con người tí hon ấy nặn bằng cái thứ đất chung của mọi người: dốt nát, mù chữ, ngơ ngẩn, thô tục, là một dân Iôni hay một dân Bêôxi?[120] Hãy chờ đây: Currit rota.[121] Cái tinh thần của Pari, con quái vật đẻ ra những đứa trẻ con từ ngẫu nhiên và những con người từ số phận, trái với người thợ gốm La tinh, từ một cái vại thô đã làm nên một cái bình quý.
[120] Ionie: một miền cận đông cổ, có dân Hy Lạp ở, nổi tiếng là thông minh; Beotie: một miền Hy Lạp cổ, dân mang tiếng là ngu dốt.
[121] Tiếng Latinh nghĩa là bánh xe luân chuyển.
V
BIÊN GIỚI CỦA NÓ
Thằng nhóc con yêu thành thị, đô hội, nó cũng thích nơi vắng vẻ quạnh hiu. Urbis amator như Phuyquyxơ; rururus amator[122] Phơlaquyxơ.
[122] Urbis amator: Người ham mê thành thị; rururus amator: Người ham mê nông thôn.
Lang thang mà suy nghĩ, tức là đi thơ thẩn, là một cách dùng thì giờ tốt của các nhà triết học, nhất là ở cái vùng nông thôn hơi dở dang khá xấu xí nhưng lạ lùng và bao gồm hai thứ cảnh vật, cái vùng bao quanh một số thành phố lớn, đặc biệt là Pari. Quan sát vùng ngoại ô là quan sát cái lưỡng thể. Hết ngọn cây, bắt đầu mái ngói, hết bãi cỏ, bắt đầu đường đá, hết luống cày, bắt đầu các dãy hàng hiệu, hết những vết rãnh bánh xe, bắt đầu những đam mê, hết tiếng rì rào thần tiên, bắt đầu tiếng ồn ào của con người, do đó mà có một lý thú đặc biệt.
Vì thế cho nên những vùng ít hấp dẫn này mà người qua đường kêu là buồn, đã trở thành những con đường dạo chơi, có vẻ như không mục đích của con người thơ thẩn.
Người viết những dòng này, trong nhiều năm tháng đã quen đi dạo ở các vùng cửa ô Pari, nơi đã để lại những kỷ niệm sâu sắc. Những bãi cỏ sát đất, những lối đi gồ ghề đá, những đá vôi, đất vôi, thạch cao, những vùng rộng bỏ hoang hẳn, hay bỏ hóa một vụ, những cây rau đầu mùa của các nhà trồng rau đột nhiên hiện ra ở cuối một khu đất, cái hỗn hợp cảnh hoang vu và thành thị, những khu rộng vắng tanh mà tiếng trống trại lính bỗng rộn lên, như tiếng bập bẹ của chiến trận, những cảnh vắng lặng ban ngày, trộm cướp ban đêm, cái cối xay rã cánh còn quay trước gió, những cái bánh xe trong các mỏ đã cũ, những quán rượu bên cạnh nghĩa địa, sự hấp dẫn huyền bí của những bức tường đen tối, chia cắt những bãi rộng mênh mông, hoang vắng, tràn ngập ánh sáng và đầy cánh bướm, tất cả những cái đó đã làm tôi say mê.
Hầu như không có ai trên trái đất này biết các khu hẻo lánh lạ lùng ấy: La Gơlaxie, La Quynetơ, cái bức tường Gơrơnelơ ghê tởm, lỗ chỗ đầy vết đạn, ngọn đồi Môngpácanxơ, cái hố Phôxơôlu, khu Ôbiê trên bờ sông Mácnơ, Mông Xuri, La Tôngbơ Ixoarơ, La Pierơ Pơlatơ, Satiông nơi có một cái mỏ đã cũ đã hết đá nay chỉ dùng để trồng nấm, miệng mỏ có một cái nắp đậy bằng những tấm gốc mục. Vùng ngoại ô Rômơ có ý nghĩa của nó, vùng ngoại ô Pari cũng có ý nghĩa riêng của nó. Đứng trước một cảnh vật mà nhìn thấy những cánh đồng, những nhà cửa, những cây cối, mới chỉ nhìn thấy bề mặt; tất cả những cái vẻ bên ngoài của sự vật đều là những ý nghĩ của Chúa. Cái nơi mà một cảnh đồng quê tiếp giáp với một thành phố bao giờ cũng nhuốm một nỗi buồn man mác và thấm thía. Thiên nhiên và nhân loại đều muốn tâm sự với ta. Những nét độc đáo của địa phương thể hiện rõ ở đây.
Ai đã đi dạo như chúng tôi trong những khu vắng vẻ tiếp giáp vùng ngoại ô, mà người ta có thể gọi là những vườn trẻ của Pari, cũng thoáng thấy đây đó, ở những nơi vắng nhất, vào một giờ bất ngờ nhất, đằng sau một cái rào thưa, hay trong một góc tường ảm đạm những trẻ em, túm tụm, ồn ào, xanh xao, bùn dây, bụi bặm, rách rưới, đầu tóc lởm chởm, quần hoa dua xanh đang chơi đánh chấn vòng gạch. Chúng đều là những trẻ em nghèo. Những phố xa, ngoại thành này là môi trường dễ thở của chúng, vùng ngoại ô là của chúng. Chúng luôn luôn đến nơi này để lang thang. Chúng tha hồ hát một cách hồn nhiên, những bài hát bậy bạ nhất. Chúng ở đây hay nói đúng hơn, chúng sinh sống ở đây, không có con mắt ai dòm ngó, trong ánh nắng êm dịu tháng năm hay tháng sáu, quỳ lổn ngổn xung quanh một cái lỗ sâu, bắn bi với ngón tay cái, tranh giành nhau từng đồng kẽm, chẳng lo sợ ai trách cứ, như con chim sổ lồng cất cánh bay, thả dây, sung sướng. Khi thoáng thấy bóng người lớn, chúng sực nhớ rằng chúng cũng có nghề nghiệp và cũng phải kiếm ăn, chúng liền mời bạn mua một chiếc bít tất đen đầy những bọ dừa hay là một chùm hoa xoan. Những đám trẻ con kỳ lạ ta hay gặp như thế là một trong những thú mê người của vùng ngoại ô Pari. Nhưng sự gặp gỡ ấy cũng làm ta se lòng.
Thỉnh thoảng trong đám con trai nhỏ ấy có những em gái nhỏ - có phải là chị em của bọn con trai kia không? - gần như là thiếu nữ rồi, gầy còm, xanh mét, bàn tay sạm nắng, mặt lỗ chỗ những nốt đỏ, tóc chít những vành hoa lúa mạch hay hoa mào gà, vui tươi, ngơ ngác, đi chân đất. Có khi gặp các cháu gái ấy nhằn những trái anh đào trong đám lúa. Buổi chiều thường nghe thấy tiếng các em cười. Những nhóm trẻ ấy, giữa nắng ấm ban trưa, hay mờ thoáng trong bóng hoàng hôn, làm cho người đi dạo chơi thơ thẩn phải suy nghĩ nhiều và hòa vào giấc mơ đang diễn ra trong trí.
Pari: tâm điểm, ngoại ô, chu vi; thế là tất cả thế giới rồi, đối với các trẻ nhỏ ấy không bao giờ, không bao giờ chúng đi quá ra ngoài khu vực ấy. Chúng không thể ra khỏi cái vùng khí quyển của Pari, cũng như cá không thể ra khỏi nước. Đối với chúng, qua cửa ô hai dặm là không có gì nữa cả. Ivơry, Giăngchii, Accơi, Belơvilơ, Obeviliê, Mêninmôngtăng, Soadilơroa, Biăngcua, Mơđông, Ixi, Văngvơ, Xevơrơ, Puytô, Nơii, Gienơviliê, Côlôngbơ, Rômanhvilơ, Safu, Axơnierơ, Bungivan, Năngle, Ăngganh, Noadilơxech, Nôgăng, Guôcnay, Đơrăngxi, Gônexơ,[123] những nơi đó là tận cùng vũ trụ.
[123] Tất cả đều là vùng ngoại ô của Pari.
@by txiuqw4