QUYỂN II: NHÀ ĐẠI TƯ SẢN
I
CHÍN MƯƠI TUỔI VỚI BA MƯƠI HAI CHIẾC RĂNG
Phố Busơra, phố Normăngđi và phố Xanhtông ngày nay còn vài người dân cũ nhắc đến một cụ già tên là Gilơnoócmăng, nhắc đến một cách thích thú. Khi họ còn là thanh niên thì ông lão này đã già rồi.
Đối với những ai bùi ngùi nhìn về cái quá khứ rộn ràng những bóng dáng lờ mờ thì cái hình ảnh ấy hãy còn chưa mất hẳn trong những đường sá chằng chịt như mạng nhện gần khu Tăngpơlơ.
Thời vua Lui XIV, các đường phố ấy mang tên tất cả các tỉnh nước Pháp, giống như bây giờ ở khu Tivôi, người ta lấy tên của tất cả các thủ đô châu Âu mà đặt cho các phố. Nhân tiện nói qua: đấy là một sự tiến lên, dấu hiệu của tiến bộ.
Năm 1831 lão Gilơnoócmăng vẫn còn khỏe mạnh như mọi người. Lão đã thành ra một nhân vật rất lạ mắt chỉ vì sống lâu quá và kỳ dị, vì không giống một ai bây giờ nữa, tuy ngày xưa lão cũng giống tất cả mọi người. Thật là một ông già đặc biệt, người của một thời đại khác, một người tư sản hoàn chỉnh và hơi kiêu hãnh của thế kỷ mười tám, một người mang cái dòng dõi tư sản của mình với cái vẻ của các vị hầu mang tước hầu của họ. Lão đã ngoài chín mươi tuổi nhưng lưng vẫn chưa còng, nói vẫn sang sảng, rượu vẫn đánh tì tì, mắt vẫn sáng, ăn nói vẫn khỏe, ngủ vẫn ngáy vang. Lão vẫn còn nguyên ba mươi hai cái răng. Khi đọc sách lão mới cần kính. Vẫn đa tình, nhưng thường nói rằng từ mười năm nay đã dứt khoát không bén mảng đến đàn bà nữa. Lão bảo rằng: không thể làm cho đàn bà cảm được nữa; lão không bảo vì lão già khọm, nhưng lão bảo vì lão đã nghèo rồi. Lão nói: “Nếu ta không bị sa sút thì… hừ… hừ…!”
Lão chỉ còn một số lợi tức chừng mười lăm nghìn phơrăng. Điều ước mơ của lão là gom góp một cái gia tài lớn, có được một trăm nghìn phơrăng lợi tức để bao được vài mụ nhân tình.
Người ta thấy rõ lão không phải thuộc lớp người tám mươi gầy còm, ốm yếu, lúc nào cũng khặc khừ sắp chết như ông Vônte, không phải cái thứ tuổi thọ hom hem rạn nứt, lão già cứng cáp này vẫn luôn luôn mạnh khỏe.
Nhận thức của lão nông cạn, vội vàng, lão tính hay cáu bẳn, nổi nóng luôn một cách vô lý. Khi người ta nói trái ý lão, lão vung cái gậy lên; lão đánh đập người ta như hồi “thế kỷ lớn” trước. Lão có một cô gái năm mươi tuổi không chồng, mà lão mắng và đánh như đánh mắng một đứa trẻ lên tám. Lão tát người ở ra trò và chửi luôn mồm: đồ chết giẫm! Lão quen rủa: ôi cái quân giầy rách, cái quân giầy rách nầy! Lão có những thói thường kỳ lạ: hàng ngày lão để một người thợ cạo, trước kia đã mắc bệnh điên, cạo mặt cho lão; người thợ cạo ghét lão lắm, hắn ghen với lão vì vợ hắn xinh và lẳng lơ. Lão tự phụ mình biết phán đoán mọi điều và tự hào là rất tinh ý. Lão thường nói: “Kể ra mình cũng là một người sâu sắc; một con rận đốt, mình có thể đoán được con rận ấy của mụ đàn bà nào lây sang”.
Những lời mà lão thường nhắc là con người có cảm xúc và thiên nhiên. Lão không hiểu cái từ thứ hai này với cái khái niệm lớn lao mà thời đại chúng ta đã trả lại cho nó. Lão dùng theo kiểu của lão, trong những chuyện châm biếm bên cạnh lò sưởi. Lão nói: “Muốn làm cho văn minh cái gì cũng có nên thiên nhiên cho ta cả những cái mẫu man rợ rất ngộ nghĩnh. Châu Âu có những tiêu bản thu nhỏ lại của châu Á và châu Phi. Con mèo là con hổ phòng khách, con thằn lằn là một con cá sấu bỏ túi, các vũ nữ rạp Ôpêra là những cô gái rừng da hồng. Các cô ấy không ngoạm mà gặm các chàng trai. Hay là các mụ phù thủy! Các mụ biến họ thành những con sò và nuốt chửng họ. Người mọi Caraibơ ăn thịt người để lại xương, các cô ấy để lại vỏ. Phong tục của ta là như thế. Chúng ta không ngốn, chúng ta nhấm. Chúng ta không tiêu diệt một lúc, chúng ta xé dần”.
II
NGƯỜI LÀM SAO, NHÀ LÀM VẬY
Lão ở khu Mere, phố Phidơ đuy Canven, số nhà 6. Nhà đó của lão. Cái nhà đó đã dỡ đi và xây lại, số nhà có lẽ đã đổi rồi, ở Pari thường có những cuộc “cách mạng” số nhà luôn. Lão ở một gian buồng rộng và cũ kỹ trên tầng thứ nhất, một mặt nhìn ra phố, một mặt quay vào vườn; buồng căng đến tận trần những tấm thảm Bôbơlanh và Bôve rất lớn dệt những cảnh diễm tình cổ xưa; mấy chiếc ghế dựa cũng chạm trổ những hình đó thu nhỏ. Lão che cái giường nằm của lão bằng một bình phong chín cánh sơn Côrômăngđen. Cửa sổ che những màn dài có nếp gấp rất đẹp mắt. Ngay dưới mỗi cửa sổ có khoảnh vườn liền với cái cầu thang mười hai hay mười lăm bậc, lão lên xuống son són. Bên cạnh buồng ngủ của lão có một phòng sách; lão còn dành riêng một cái buồng nhỏ rất xinh, có treo một tấm thảm rất đẹp bằng rơm kết hoa và dệt hình hoa huệ, những tù khổ sai ở dưới chiến thuyền của vua Lui XIV đã dệt tấm thảm này cho một nhà quý tộc để hắn tặng nhân tình của hắn. Lão Gilơnoócmăng quý cái buồng ấy và dùng làm nơi tiếp nhân tình. Lão thừa hưởng tấm thảm của một bà dì họ ngoại, cũng thọ đầy trăm tuổi. Lão từng có hai vợ. Lão có cái phong thái của hạng người nửa triều thần tuy chưa hề chầu vua, nửa quan án, điều mà lão có thể làm. Khi nào lão vừa ý, lão cũng vui vẻ và trìu mến. Thuở còn trẻ, lão thuộc các loại đàn ông bị vợ lừa dối, nhưng được nhân tình gắn bó, vì lão là một người chồng rất cau có và một người tình rất âu yếm. Lão rất sành về hội họa. Trong phòng lão có một bức truyền thần tuyệt diệu không biết vẽ ai, của họa sĩ Giócđăng, nguệch ngoạc rất nhiều nét rườm rà như cây rừng. Bộ áo của lão Gilơnoócmăng không phải kiểu Lui XV cũng không phải kiểu Lui XVI, mà là kiểu Anhcơroayap[135] thời kỳ đốc chính. Hồi đốc chính lão cho lão còn trai trẻ lắm và ăn mặc rất đúng thời trang. Bộ áo của lão bằng dạ mỏng, ve áo rộng, đuôi áo như đuôi cá thu, khuy lớn bằng thép. Quần ngắn và giầy có khóa. Lão luôn luôn bỏ tay vào túi áo gi-lê. Lão nói một cách dõng dạc:
- Cách mạng Pháp là một lũ côn đồ.
[135] Tên một nhóm bảo hoàng, ăn mặc đồng phục rất lố lăng.
III
LÚC-EXPRI
Hồi mười sáu tuổi, một tối, ở rạp Ôpêra, hắn đã được cái vinh dự một lúc hai mỹ nhân đứng tuổi và nổi danh mà Vônte ca ngợi, nàng CaMácgô và nàng Xalê, cùng một lúc chĩa ống nhòm vào hắn. Bị hai phía lửa kẹp lại, lão đã rút lui một cách anh dũng về phía một cô vũ nữ nhỏ tên là Naăngri, cũng mười sáu tuổi, tối tăm, không ai biết, như một con mèo. Lão mê cô bé ấy. Một lần lão kêu lên khoái chá: úi chà! Sao mà nó đẹp thế, cô bé Ghimarơ, Ghimarơđini, Ghimarơđinetơ, lần vừa qua mà tôi gặp nó, tóc uốn kiểu “tình cảm lâu bền” với những chiếc hoa tai “đến đây mà xem” bằng ngọc bích, chiếc áo dài màu “những người mới đến”, chiếc bao tay lông thú “khuấy động”! Đương tuổi thanh niên hắn đã mặc một chiếc áo kiểu Nanh Lôngđơranh mà hắn thường nhắc tới một cách say sưa: “Tôi trang phục như một người Thổ chính cống của phương đông chính cống”. Bà Đơ Buphơle, ngẫu nhiên gặp hắn một lần khi hắn 20 tuổi đã gọi hắn là một “chàng trai mê hồn”. Tất cả tên nhân vật trong chính giới đang cầm quyền, hắn đều cho hèn mọn và tư sản. Đọc báo chí, mà hắn gọi là những tờ “tin tức” những “gadetơ”, hắn luôn luôn phì cười. Hắn nói: “Úi chào! Những anh chàng ấy là ai thế? Cơrơbie! Huyman! Cadimia Pêriê! Cái trò ấy mà là thượng thư! Tôi hình dung đọc tin này trên một tờ báo. Ông Gilơnoócmăng thượng thư! Buồn cười quá nhỉ. Nhưng chẳng sao, họ ngu đần lắm, cho nên rồi cũng yên cả”. Hắn ngang nhiên gọi mọi việc bằng cái tiếng chính xác, hay tục tĩu, không cần giữ ý tứ gì cả trước mắt phụ nữ. Hắn nói thô, văng tục, trâng tráo, một cách bình tĩnh, ngang nhiên, theo phong cách lịch sự ngày trước. Đó là cái kiểu thoải mái, không câu nệ của thế kỷ của hắn. Ta cũng nên nhớ rằng thời kỳ thơ cầu kỳ tao nhã cũng là thời kỳ văn xuôi sống sượng thô tục. Người cha đỡ đầu của hắn đoán rằng hắn sẽ là một thiên tài và đã đặt cho hắn cái tên có ý nghĩa này: Lúc-Expri.
IV
CON NGƯỜI GẦN TRĂM TUỔI
Trong những năm thơ ấu, ở trường trung học Mulanh, nơi quê hương của hắn, hắn đã được tặng nhiều giải thưởng. Hắn đã được chính công tước Nivécne, mà hắn vẫn gọi là công tước Nơve tuyên dương. Cả quốc hội Công ước, cả cái chết của vua Lui XVI, cả Napôlêông, cả ngay dòng họ Buốcbông trở về, tất cả biến cố ấy không xóa được trong ký ức của hắn kỷ niệm ngày tuyên dương ấy. Công tước Nơve đối với hắn là nhân vật tiêu biểu của thế kỷ. Hắn vẫn nói: “Ôi chao! Thật là một vị vương công đường bệ, xinh đẹp làm sao nhất là với chiếc băng xanh của ngài”. Đối với lão Gilơnoócmăng thì nữ hoàng Catơrin đệ nhị đã đề bồi lại cái tội chia cắt nước Ba Lan khi nữ hoàng đã mua với giá ba ngàn rúp cái công thức bí mật về liều thuốc vàng của Bêtuyxep. Nói đến chuyện này thì hắn say sưa. Hắn nói: Liều thuốc vàng, cái thuốc màu vàng của Bêtuyxep, những giọt thuốc của tướng Lamôtơ ở thế kỷ XVIII, giá một Lui vàng một lọ nửa phân khối, là thứ thuốc trị tất cả những tai họa của tình yêu, thứ thuốc bách giải, chống thần Vệ nữ. Vua Lui XV đã gửi tặng Giáo hoàng hai trăm lọ. Hắn sẽ phát không nếu người ta bảo hắn rằng liều thuốc vàng này chỉ là một thứ muối Pecelôruya sắt mà thôi. Lão Gilơnoócmăng tôn sùng dòng họ Buốcbông và kinh tởm cách mạng 1789. Lão luôn luôn kể lại cho người ta nghe hắn đã làm thế nào để thoát khỏi khủng bố và hắn đã phải mất bao nhiêu vui vẻ, lạc quan, bao nhiêu thông minh để khỏi bị chặt đầu. Nếu một người trẻ tuổi nào lại đi ca ngợi chế độ cộng hòa trước mặt hắn thì hắn sẽ giận xám ngắt người đi đến chết ngất. Đôi khi hắn nhắc đến cái tuổi 90 của hắn và nói: tôi hy vọng sẽ không chứng kiến hai lần 93.[136] Khi khác thì hắn nói với mọi người rằng hắn sẽ sống 100 tuổi.
[136] Năm 1793 là năm Cách mạng Pháp đấu tranh dữ dội nhất chống thù trong giặc ngoài.
V
BÁTXCƠ VÀ NICÔLÉT
Lão có những học thuyết của lão. Thí dụ như học thuyết này: “Khi một người đàn ông yêu say mê đàn bà, mà lại có một người vợ mà hắn ít chú ý đến, xấu xí, cáu bẳn, vợ chính thức, đầy đủ quyền hạn, ngồi bệ vệ trên bộ luật và khi cần cũng biết ghen tuông thì chỉ có một cách giải quyết để được yên ổn, là để cho bà vợ giữ tay hòm chìa khóa. Sự thoái vị ấy sẽ đem lại cho hắn tự do. Lúc bấy giờ thì bà vợ sẽ bận rộn, sẽ say mê đếm tiền đến hoen rỉ cả tay, lo đào tạo tá điền, buộc trại trưởng vào khuôn phép, triệu tập các đại tụng, chủ tọa khi họp các viên thừa phát, giải thích cho những phụ tá của thừa phát, thăm các thày cãi, quan tòa, hầu kiện, thảo hợp đồng, quyết định những khế ước, thấy mình là bà chủ toàn quyền, bán, mua, xếp đặt, ra lệnh này, ra lệnh khác, hứa và rút lời hứa, cam kết và hủy bỏ, nhường đi rồi nhượng lại, dàn xếp thứ này, đảo lộn thứ kia, thu vén, phung phí; mụ làm những điều ngu xuẩn mà lấy làm sung sướng, thích thú, thế là mụ được an ủi. Trong khi bị chồng khinh bỏ thì mụ sung sướng phá hoại cơ nghiệp của chồng”. Cái học thuyết ấy, lão Gilơnoócmăng đã thực hiện cho chính bản thân lão và nó đã trở thành lịch sử cuộc đời lão. Vợ lão, người vợ thứ hai, đã sử dụng cơ nghiệp của lão khôn khéo đến mức khi nào góa vợ, lão chỉ còn vừa đủ để tiêu dùng, bằng cách đem gửi hầu hết gia tài theo kiểu thực lợi chung thân, chỉ được lĩnh khoảng mười lăm ngàn phơrăng lợi tức mỗi năm mà ba phần tư sẽ bị cắt khi lão chết. Lão đã không ngần ngại, vì lão không nghĩ gì đến việc để lại gia tài cho con cháu. Vả lại lão đã thấy rằng những gia tài cũng gặp lắm chuyện bất ngờ, thí dụ đã biến thành của công; lão đã được thấy cái chuyện chiết giảm một phần ba gia tài và lão không tin tưởng lắm ở quyển sổ cái. “Cũng chuyện phố Canhcăngpoa thôi!” Lão thường nói thế. Cái nhà đang ở, trong phố Phiơ đuy Canve, như chúng tôi đã nói, là nhà của lão.
Lão Gilơnoócmăng có hai người ở “một đực và một cái”, khi nuôi một người ở mới, lão có thói quen đặt tên lại, người ở trai thì quê ở tỉnh nào lão lấy tên tỉnh ấy mà gọi, thí dụ như Nimoa, Côngtoa, Poatơvanh, Pica. Người ở trai cuối cùng đương làm cho lão là một người to lớn, sù sì, đã năm mươi lăm tuổi không tài nào chạy được hai mươi bước, nhưng vì hắn sinh ở Bayon nên lão Gilơnoócmăng đặt tên cho hắn là Bátxcơ.[137] Còn người ở gái thì ai lão cũng đặt cho một tên duy nhất là Nicôlét (cả mụ Manhông sẽ nói đến sau đây).
[137] Người miền núi Pirênê, phía nam nước Pháp, có tiếng là can đảm, lanh lợi.
Một lần một mụ đầu bếp rất lành nghề, dòng dõi gác cổng gia truyền, đến xin việc. Lão hỏi: “Mụ muốn xin mỗi tháng bao nhiêu lương?” - “Thưa ba mươi phơrăng” - “Tên mụ là gì?” - “Thưa là Ôlanhgi” - “Ta cho mụ năm mươi phơrăng và mụ sẽ đổi tên là Nicôlét”.
VI
THOÁNG BÓNG MỤ MANHÔNG VÀ HAI ĐỨA TRẺ
Lão Gilơnoócmăng khi có gì buồn bực là phát khùng, khi thất vọng thì lão điên tiết lên. Đầu óc lão đầy thành kiến và lão lại rất tự do bừa bãi. Một điều lão thích nhất là làm ra vẻ ta đây vẫn trẻ trai tình tứ và lão muốn mọi người tin như vậy. Lão bảo thế mới là “lừng danh công tử”; cái “lừng danh công tử” ấy cũng lắm lúc làm cho lão mang vạ một cách kỳ khôi. Một hôm người ta vứt vào nhà lão một cái giỏ như giỏ hến, đựng một đứa con trai sơ sinh, khóc oai oái và bọc chặt tã lót mà một mụ người ở bị lão đuổi sáu tháng trước đổ cho là con lão. Lão Gilơnoócmăng lúc bấy giờ đã chẵn tám mươi tư tuổi. Mọi người xung quanh lấy làm bất bình và la lối: cái con mụ quạ mổ ấy đánh lừa ai được chứ? Sao nó lại táo bạo thế, lại dám vu oan giá họa đểu giả như thế? Lão Gilơnoócmăng không tỏ vẻ khoái chí và bảo mọi người: “Gì kia chứ? Có gì lạ? Các người ngạc nhiên? Y như những kẻ ngu độn. Công tước Ănggulem, con hoang của Hoàng đế Saclơ IX, tám mươi lăm tuổi còn cưới một cô ả mười tám; ngài Viêcginan tức hầu tước Đaluy, anh em của đức giáo chủ Đơxuốcđi, tổng giám mục xứ Boređo, tám mươi ba tuổi, ngủ với con thị tỳ của bà chánh án Giăccanh, còn sinh được một đứa con trai thật kháu khỉnh và viện trưởng Tabarăng, một vĩ nhân của thời đại, ra đời khi thân phụ ông đã tám mươi bảy tuổi. Những chuyện như vậy có gì là lạ. Còn chuyện trong Kinh thánh nữa! Nhưng về cái ông nhỏ này thì nó không phải là con ta. Tuy vậy cũng phải trông nom cho nó. Không phải lỗi tại nó”. Lão giải quyết một cách thật dễ dàng kẻ cả. Nhưng mụ Manhông năm sau lại gửi đến cho lão một đứa con trai nữa. Lần này lão mới chịu thua. Lão cho đem trả mụ Manhông hai đứa trẻ và hứa gửi cho chúng mỗi tháng tám mươi phơrăng với điều kiện là mụ Manhông không được làm như thế nữa. Lão còn dặn thêm: “Ta muốn mẹ chúng nó phải trông nom chúng nó cẩn thận, thỉnh thoảng ta sẽ đến thăm chúng”. Và lão đến thăm hai đứa trẻ thật.
Lão có một ông em, làm linh mục giữ chức giám đốc trường Đại học Poachiê và chết năm bảy mươi chín tuổi. Lão bảo: em tôi mất sớm. Người em lão là một anh hà tiện, nhưng vì làm linh mục, hắn thấy có nhiệm vụ phải bố thí cho người nghèo, hắn chỉ cho những mảnh chinh, mảnh kẽm không tiêu được nữa. Hắn đã tìm được đường xuống địa ngục bằng lối thiên đường. Trái lại lão Gilơnoócmăng anh thì lại hào phóng, bố thí ra trò, bốc tiền không đếm. Nếu lão giàu có thì lão còn bố thí đế vương hơn nữa. Lão muốn cái gì là lão làm, cái gì dính dáng đến lão cũng phải đường hoàng lớn lối mới được, cả khi người ta đánh lừa đánh cắp của lão. Một lần trong một vụ chia gia tài, lão bị một tên biện sự ăn bớt của lão một cách thô bỉ và vụng về, lão trịnh trọng tuyên bố: “Hừ! Hạng bần tiện quá! Nó làm cho ta cũng phải xấu hổ. Thế kỷ này cũng suy đồi cả rồi, ăn cắp cũng không ra trò nữa. Hừ! Đánh cắp của hạng này thì cũng phải đánh cắp cho ra vẻ chứ! Ta đã bị mất cướp như ở trong rừng, nhưng hắn ăn cướp một cách kém cỏi quá. Sylvoe sinl consule dignoe!
Lão có hai vợ, độc giả đã biết: vợ trước sinh được một gái, nay là gái già, vợ sau cũng được một gái đến độ ba mươi tuổi thì chết, cô gái này chẳng biết vì đâu, vì tình yêu hay ngẫu nhiên, đã lấy một anh chàng trong quân đội cộng hòa và đế chế, được tặng huân chương trong trận Auxtéclít đã được phong đại tá ở trận Oatéclô. Lão Gilơnoócmăng vẫn bảo: “Quả là một sự biêu riếu cho gia đình nhà ta”. Lão nghiện thuốc lá nặng và hay lấy tay vò một cách duyên dáng cái yếm đăng ten trước ngực. Lão không tin Chúa lắm.
VII
NGUYÊN TẮC: CHỈ TIẾP KHÁCH BUỔI TỐI
Đó là chân dung của Lúc-Expri Gilơnoócmăng, lão vẫn còn nguyên tóc, mới ngả màu xám, chưa trắng bạch và lúc nào cũng uốn theo kiểu tai chó. Nói chung vẫn có vẻ đáng kính với tất cả những điều đó.
Lão mang tính chất của thế kỷ 18, phù phiếm mà vĩ đại.
Những năm đầu thời kỳ quân chủ phục hưng, lão Gilơnoócmăng còn trẻ - năm 1814, lão mới có bảy mươi tư tuổi - lão ở khu ngoại thành Xanh Giécmanh, phố Secvăngđôni, gần Xanh Suynpit. Lão mới về khu Mare khi lão thôi không giao thiệp nữa, lúc ấy lão đã ngoại tám mươi tuổi.
Rút lui khỏi xã hội rồi, lão cũng rút lui vào những thói quen bất di bất dịch của lão. Cái điều mà lão cố giữ nhất, là không bao giờ mở cửa ban ngày, không tiếp ai ban ngày; dù việc gì, dù ai, cũng đến chiều tối mới mở cửa. Lão ăn cơm lúc năm giờ chiều, sau đó thì mở cửa tiếp khách: đó là tục lệ của thời đại lão, lão nhất định không thay đổi. Lão bảo: “Ban ngày bẩn thỉu lắm! Không đáng mở cửa. Khi sao trên trời lấp lánh thì tâm hồn người quân tử mới ngời sáng”.
Lão nhất định không mở cửa tiếp ai ban ngày dù người ấy là đức vua. Một kiểu cách của thời đại lão.
VIII
HAI MÀ KHÔNG NÊN CẶP
Hai người con gái của lão Gilơnoócmăng, chúng ta đã nói đến. Chị hơn em mười tuổi. Từ thuở nhỏ, hai chị em đã chẳng giống nhau chút nào, từ mặt mũi đến tính tình, họ không có vẻ gì là chị em cả.
Người em là một tâm hồn đáng yêu, quay về phía ánh sáng, say hoa lá, thơ, nhạc, nhẹ nhàng, bay bổng, đầy nhiệt tình, từ thuở nhỏ đã đính ước trong lý tưởng với hình ảnh lờ mờ của một chàng trai dũng cảm.
Người chị cũng có cái ước vọng của mình: một ông chồng trong mơ chủ thầu hay lái súng giàu sụ, ngu đần cũng được, quý hồ là một đống tiền hoặc một ông tỉnh trưởng. Những buổi chiêu đãi ở dinh tỉnh trưởng, những cuộc dạ hội của chính quyền, một nhân viên tiếp tân với cái dây chuyền đeo cổ, những bài diễn thuyết ở thị sảnh, cái danh hiệu: bà lớn tỉnh trưởng, tất cả những ước mơ ấy quay lộn trong trí tưởng tượng của cô chị. Mỗi cô theo đuổi giấc mộng riêng của mình như vậy, ngay từ hồi còn là những cô gái nhỏ. Mỗi cô một đôi cánh mộng: cô em bay bổng với đôi cánh thiên thần, cô chị lặc lè với đôi cánh ngỗng.
Những ước vọng của người ta có bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn ở dưới cõi trần này. Ở thời đại chúng ta, có cái thiên đường nào ở dưới hạ giới đâu. Cô em đã gặp được người chồng mơ ước, nhưng cô em lại chết. Cô chị thì đến bây giờ vẫn chưa chồng.
Cô chị bây giờ là điển hình của những cô gái già mô phạm, một mụ đàn bà trinh chánh tiết hạnh cổ lỗ với cái mũi dài nhọn hoắt và một bộ óc tối tăm, thô thiển bậc nhất. Có một điều đặc biệt, ngoài những người ruột thịt trong gia đình, chưa hề ai biết tên thật của cô chị. Người ta vẫn gọi cô là cô Gilơnoócmăng - chị.
Cô Gilơnoócmăng - chị có thể thi với các cô tiểu thư Anh về khoản e lệ. Cô là sự đoan trang khắc khổ đến đen tối. Cô nhớ mãi một điều làm cô ghê tởm nhất trong đời: có hôm một người đàn ông đã trông thấy cái nịt bít tất của cô.
Càng già cô càng quá quắt. Cái yếm ngực của cô không bao giờ đủ dây, không bao giờ đủ cao. Nào cặp, nào ghim. Bất cứ chỗ nào cũng có, cả những chỗ mà không ai nghĩ đến dòm ngó. Cắt rất nhiều lính canh cho một pháo đài không bị đe dọa, âu cũng là thói quen của những cô tiết hạnh.
Thế mà có một điều lạ lùng khó hiểu, thuộc những bí ẩn của ngây thơ; cô lại ưa để cho một sĩ quan kỵ binh ôm hôn, đó là người gọi cô là bà cô, tên là Têôđuyn.
Mặc dù có viên sĩ quan kỵ binh được ưu đãi kia, cái nhãn hiệu “tiết hạnh” mà chúng tôi đã dán cho cô vẫn rất thích hợp. Cô Gilơnoócmăng thuộc loại những tâm hồn tranh tối, tranh sáng. Cái tiết hạnh đó nửa là đức tốt, nửa là thói xấu.
Với cái tiết hạnh ấy, cô lại thêm rất sùng đạo. Cô ở trong hội Đức mẹ đồng trinh, trong một vài ngày lễ cô mang một cái khăn choàng trắng, lẩm nhẩm những bài kinh đặc biệt. Cô tôn trọng “thánh huyết”, tôn sùng “thánh tâm”, chiêm ngưỡng hàng giờ trước một bàn thờ kiểu Dòng Tên cổ lỗ, trong một nhà nguyện mà tín đồ bình thường không vào được và để cho tâm hồn bay bổng giữa những đám mây bằng cẩm thạch và những tia hào quang khắc trên gỗ thếp vàng.
Cô có một bạn cùng đi xem lễ, gái già đồng trinh như cô, tên là tiểu thư Vôboa. Cô Vôboa đần độn, bên cạnh cô thì cô Gilơnoócmăng sung sướng thấy mình như một con phượng hoàng. Ngoài những lời cầu kinh agenes dei (con chiên của Chúa) và ave Maria (kinh mừng Maria), cô Vôboa chỉ thạo làm các thứ mứt. Cô Vôboa là một con người hoàn toàn trong loại người như cô, cô là sự ngu độn toàn vẹn, không mảy may có dấu vết của sự thông minh.
Cũng nên nói rằng đối với cô Gilơnoócmăng thì càng già cô lại càng tiến. Những con người tiêu cực thường như thế. Cô ấy chưa bao giờ độc ác cả, thế cũng coi như là tương đối có hảo tâm; những góc cạnh mòn dần với năm tháng và tuổi tác đã làm cho con người dịu đi. Cô ấy buồn, buồn âm thầm, mà chính cô không hiểu vì sao. Cả con người của cô tỏa ra cái dáng ngơ ngác của một cuộc sống sắp tàn, mà chưa bao giờ bắt đầu.
Cô Gilơnoócmăng - chị quản lý gia đình của bố. Lão Gilơnoócmăng có cô con gái cũng như Đức cha Biêngvơnuy có cô em gái. Cái cảnh gia đình một ông lão già với một cô gái già như vậy cũng không phải là hiếm; hai cái già yếu nương tựa lẫn nhau, thật là cảm động.
Trong nhà, giữa ông lão và cô gái ấy còn có một đứa trẻ, một đứa con trai lúc nào cũng im lặng run sợ trước mặt lão Gilơnoócmăng. Lúc nào nói chuyện với đứa bé lão cũng lớn tiếng, nghiêm nghị, hoặc giơ cao cái gậy - “Đến đây! Ông nhỏ!” - “Lại đây thằng nhãi, thằng oắt…” - “Nói đi, thằng khỉ” - “Đứng đây, đồ khốn!”… nhưng mà lão rất yêu đứa bé.
Đứa bé ấy là cháu ngoại lão. Chúng ta sẽ gặp lại đứa bé ấy.
@by txiuqw4