III
HỌ YÊN NGHỈ RỒI[142]
[142] Nguyên văn Latinh: Requiescant.
Phòng khách của bà Đờ T., đó là tất cả sự hiểu biết của Mariuytx Pôngmécxi về cuộc đời. Mariuytx chỉ nhìn đời qua cái cửa sổ ấy; cái cửa sổ ấy thật là tối tăm, nhìn qua chỉ thấy đêm, ít thấy ngày, chỉ thấy hơi lạnh, ít thấy khí ấm. Đứa trẻ khi chưa bước chân vào nơi đó thì tươi sáng, thơ ngây; ở nơi đó, nó trở thành buồn bã và thật là trái ngược với tuổi thơ ấu, lại nghiêm nghị nữa. Ở giữa rặt những con người bệ vệ, kỳ dị ấy, đứa bé ngơ ngác, trang nghiêm. Tất cả chung quanh đều dồn lại làm tăng cái ngơ ngác ấy.
Trong phòng khách của bà T. có những bà già quý tộc rất đáng kính trọng, như các bà Matăng, Nôê, Lêvixơ mà người ta gọi là Lêvi, Căngbixơ mà người ta gọi là Căngbidơ. Những khuôn mặt cổ kính ấy, những cái tên như tên trong kinh thánh ấy, trong trí của đứa bé lẫn lộn với kinh Cựu ước mà em học thuộc lòng; và khi tất cả các bà ấy, ngồi đông đủ quây tròn xung quanh một cái lò sưởi sắp tàn, dưới ánh sáng mờ tối của một chiếc đèn phủ mạng xanh, với những vẻ mặt nghiêm trang, những mái tóc xám gio hay trắng toát, những chiếc áo dài thượt của một thời cũ mà người ta chỉ nhìn thấy rõ những màu ảm đạm, thỉnh thoảng mới nói một lời đường bệ và nghiêm khắc, cậu Mariuytx bé nhỏ nhìn họ với con mắt ngơ ngác, hãi hùng tưởng chừng đó không phải là những người đàn bà, mà là những lão trượng, những đạo sĩ, không phải là những con người thật, mà lã những bóng ma.
Cùng với những bóng ma ấy, có thêm một số giáo sĩ, khách quen của phòng khách cổ này và vài nhà quý tộc, hầu tước Xaxơnây, bí thư của bà Đơ Beri, tử tước Valôri, đã xuất bản với bí danh Salơ ĂngtoanSơ những bài ca độc vận, hoàng thân Bôphôrơmông, tuy còn trẻ mà tóc đã hoa râm, với bà vợ xinh đẹp và thông minh, mặc áo nhung đỏ tươi, tua kim tuyến, cổ rất rộng làm cho những bóng tối âm u kia phải hoảng hốt, khó chịu, hầu tước Đơ Côriôlixơ Đétxpinudơ, con người sành nhất nước Pháp về cái thứ “lễ độ tương xứng”, bá tước Đamăngđơrơ, người có vẻ mặt ân cần và hiệp sĩ Đơ Pođơghi, trụ cột của thư viện Cuvơrơ, còn gọi là phòng làm việc của nhà vua. Ông Đơ Pođơghi hói, dáng hom hem chứ chưa phải già thực, kể chuyện rằng năm 1793, hồi mười sáu tuổi ông đã bị tống vào nhà lao khổ sai vì phản động và bị xiềng chung với một ông già tám mươi tuổi, giám mục Marơpoa, cũng phản động, nhưng là giáo sĩ phản động, còn ông thì là quân nhân phản động. Bấy giờ là ở nhà lao Tulông. Nhiệm vụ của hai người ấy là cứ đêm đến thì ra nơi máy chém nhặt những đầu lâu và thi thể những người bị chém ban ngày; họ vác trên lưng những thân người đầm đìa máu chảy và sau gáy họ chiếc áo khoác đỏ tù khổ sai của họ, có một lớp máu, buổi sáng thì khô, buổi tối thì ướt. Những câu chuyện bi thảm ghê gớm ấy, người ta thường kể nhiều trong phòng khách của bà T.. Vì nguyền rủa Mara nhiều quá, người ta hóa ra hoan nghênh Tơristayông. Một vài nghị sĩ vào loại “không kiếm được”[143] đến đây chơi bài. Ông Tibô đuy Salarơ, ông Lơmácsăng Đơ Gimicua và kẻ trào phúng nổi tiếng của cánh hữu, ông Coócnê Đanhcua. Ông thẩm phán Đơ Phetret, với chiếc quần ngắn và bộ chân gầy, thỉnh thoảng tạt vào phòng khách này khi đi đến ông Tanlêrăng. Ông đã là bạn ăn chơi của bá tước Đactoa và ngược lại với Arixtôtơ đã bò cho Căngpaspơ cưỡi, ông đã khiến cho ả Ghima bò dưới đất và như thế đã tỏ cho cổ kim biết một vị thẩm phán đã trả thù cho một nhà triết học.
[143] Nghị viện hồi ấy, 1815-1816, được mệnh danh là “Viện không kiếm” vì nó bảo hoàng cực đoan.
Còn các giáo sĩ thì có linh mục Anma, người đã được nghe ông Larôdơ, cộng tác viên của ông ở báo Tiếng sét nói với mình: “Chà, ai mà không năm mươi tuổi, trừ mấy thằng nhãi con thôi!”, viện trưởng Lơtuôcnơ, người giảng đạo của nhà vua, viện trưởng Phơrayxinu, lúc ấy chưa là bá tước, chưa là giám mục, chưa là thượng thư, chưa là nguyên lão nghị viện và lúc nào cũng mặc một cái áo thầy tu cũ, đã mất khuy, và viện trưởng Keravơnăng, cha xứ ở Xanh Giécmanh đô Pơrê: thêm vào đó có đức khâm mạng của giáo hoàng hồi đó là Đức cha Măcsi, tổng giám mục Nidibixơ sau này là giáo chủ, đáng chú ý vì cái mũi dài có dáng nghĩ ngợi của ngài. Còn một đức cha Panmiơri, linh mục ở triều đình giáo hoàng, một trong bảy vị tham nghị, cai quản nhà thờ vòng ngoài, hiện hộ sư của các vị thánh[144] là người trông coi các vấn đề phong thánh, gần như là công cáo viên về ban thiên đường. Sau nữa có hai giáo chủ, đức cha Đơ Laluydecnơ và đức cha Đơ Clemông Tônerơ. Đức giáo chủ Đơ Laluydecnơ là một nhà văn và vài năm sau vinh dự là ký giả những bài báo trong tờ “Người bảo thủ” bên cạnh những bài của Satôbriăng. Đức cha Đơ Clemông Tônerơ là tổng giám mục Tuludơ và thường về nghỉ ở Pari với cháu là hầu tước Đơ Tônerơ, trước là thượng thư bộ Hải quân và bộ Chiến tranh. Giáo chủ Đơ Clemông Tônerơ là một ông già nhỏ bé, vui vẻ, thường để lộ những đôi bít tất đỏ khi ngài kéo chiếc áo nhà tu lên. Đặc điểm của ngài là căm ghét bộ Bách khoa và say mê chơi bi-a. Người qua đường hồi ấy, những buổi chiều mùa hè, đi qua phố bà Hoàng, nơi có dinh của Clemông Tônerơ, thường đứng lại để nghe tiếng các hòn bi va chạm vào nhau và tiếng nói lanh lảnh của giáo chủ với linh mục đi theo ngài ở hội nghị bầu giáo hoàng, là đức cha Côtơrê, giám mục miền Carixtơ: “Ghi điểm đi linh mục, ta trúng hai viên”. Giáo chủ Đơ Clemông Tônerơ đã được giới thiệu đến phòng khách của bà T. bởi người bạn thân nhất của ông, đức cha Đơ Rôcơlôrơ, nguyên là giám mục Xănglixơ và là một trong bốn mươi vị hàn lâm. Ông Đơ Rôcơlôrơ đáng chú ý bởi cái tầm vóc cao lớn của ông và sự có mặt thường xuyên của ông ở viện Hàn lâm; qua cửa kính của một gian phòng bên cạnh thư viện, nơi viện Hàn lâm thường họp, những người tò mò, mỗi thứ năm vẫn thường ngắm vị cựu giám mục Xănglixơ, thường đứng, tóc mới rắc phấn, bít tất tím, quay lưng ra phía cổng như để cho người ta trông thấy cái cổ áo giám mục của ông. Tất cả các giáo sĩ ấy, mặc dầu phần lớn vừa là nhân vật trong triều vừa là nhân vật giáo hội, vẫn làm tăng thêm cái vẻ nghiêm trang của phòng khách bà T. trong đó có năm vị nguyên lão nghị viện của nước Pháp, hầu tước Đơ Vibơray, hầu tước Đơ Talaruy, hầu tước Đecbuviơ, tử tước Đăngbơray và công tước Đơ Valăngtinoa, làm rõ thêm dáng công khanh thế phiệt của nơi ấy. Công tước Đơ Valăngtinoa đây, tuy là ông Hoàng Mônacô, tức là hoàng thân quốc trưởng nước ngoài, đánh giá nước Pháp và viện nguyên lão Pháp cao đến mức coi đó là hai tiêu chuẩn để ông so sánh mọi điều. Chính ông đã nói: “Các vị giáo chủ là các vị nguyên lão Pháp ở Rômơ: các lorơ là những nguyên lão Pháp ở Anh”. Dẫu sao - vì trong thế kỷ này, Cách mạng phải có mặt ở khắp nơi, các phòng khách phong kiến này, như chúng tôi đã nói, cũng bị thống trị bởi một nhân vật tư sản. Lão Gilơnoócmăng ngự trị ở đó.
[144] Có Chúa, tiếng Latinh: Postulatore di santi.
Đó là tinh hoa, tinh hoa thuần khiết của cái xã hội Pari trắng. Tất cả những gì danh tiếng lừng lẫy, dù là thuộc ý thức bảo hoàng, cũng đều bị gạt ra. Trong cái tiếng tăm lừng lẫy luôn có một thứ tự do vô chính phủ. Satôbriăng mà đến cái phòng khách này thì người ta cũng có cảm tưởng như là lão Đuysen thôi. Cũng có một vài nhân vật quy phục Cách mạng được châm chước tiếp nhận trong giới bảo hoàng chính thống này. Bá tước Bơnhô được đón tiếp có mức độ trong phòng khách.
Những phòng khách “quý tộc” ngày nay không giống những phòng khách ấy. Ngoại ô Xanh Giécmanh ngày nay có màu tà giáo. Những người bảo hoàng ngày nay là những người mị dân, nói thế để khen họ đấy.
Ở nhà bà T. khách lui tới là những người thượng lưu, thị hiếu của họ tao nhã và kiêu hãnh, với một nề nếp lịch sự trang trọng. Những tập quán ở đây có nhiều sắc thái tinh vi, không cố ý, nó là tất cả chế độ cũ, đã chôn vùi rồi, nhưng vẫn sống. Một vài thói quen ấy, nhất là về ngôn ngữ, có vẻ rất lạ lùng. Những kẻ “sành sỏi” mà hời hợt có thể cho là quê mùa, những cái thực ra chỉ là cổ kính. Người ta gọi một phụ nữ là bà tướng, người ta cũng có khi gọi bà Đại tá. Bà Đơ Lônggơvin và Đơ Sơvorơdơ, nên thích cách gọi như thế hơn được gọi là bà Hoàng: bà hầu tước Đơ Lơrêki, cũng thích người ta gọi là bà Đại tá.
Chính cái giới nhỏ mà lớn ấy đã đặt ra ở cung điện Tuylơri cái kiểu cách trong khi được hầu chuyện thân mật với vua, dùng ngôi thứ ba gọi là nhà vua, chứ không dùng “Vôtrơ magiextê”.[145] Tiếng “Vôtrơ magiextê” đã bị “tên tiếm đoạt làm cho ô uế”.
Ở đó người ta phê phán mọi sự việc và mọi nhân vật. Người ta chế nhạo cả thời đại, như thế đỡ phải tìm hiểu thời đại. Người ta giúp nhau nhìn thấy những sự lạ và truyền cho nhau cái phần ánh sáng họ có trong trí tuệ của họ. Matuydalem báo tin mới cho Epimêniđơ. Anh điếc làm cho anh mù hiểu biết thời đại. Người ta tuyên bố cả thời gian từ Côblenđơ[146] trở đi là không có. Cũng như họ nói Lui XVIII, ơn Chúa, đang ở năm thứ 25 của triều đại mình, các quý tộc bỏ nước, có quyền tính tuổi thanh niên của họ là hai mươi nhăm.
[145] Tiếng xưng hô đối với vua để tỏ ý sùng kính dùng ở ngôi thứ hai.
[146] Thành phố ở nước Đức, nơi năm 1792, bọn quý tộc xuất cảnh tập hợp thành lập đạo quân chống nước Pháp cách mạng.
Tất cả đều hài hòa; không có cái gì sống mà mãnh liệt quá, lời nói chỉ thoảng như một hơi thở, nhật báo cũng cùng một kiểu với phòng khách, chỉ như một tờ giấy lặng lẽ. Cũng có thanh niên nhưng họ gần như chết. Ngoài hành lang, đồng phục bọn tôi tớ kiểu xưa. Những con người ấy, hoàn toàn quá vãng, cũng có người kẻ hầu người hạ như họ. Tất cả đều có vẻ đã sống mãn số từ lâu rồi, nhưng vẫn không chịu xuống mồ. Bảo thủ, sự việc bảo thủ, người bảo thủ, thế là gần hết cuốn từ điển họ dùng, phải ngửi được và là vấn đề chính ở đây. Chính kiến cũng xông hương trong cái nhóm người cổ kính này và là tư tưởng ở đây cũng có mùi hương bài. Đấy là cả một thế giới xác ướp. Chủ thì ướp hương, người ở thì độn rơm.
Một bà hầu tước già, trước lưu vong và nay sa sút, chỉ còn một người bõ già, vẫn cứ nói: “Bọn gia nhân của tôi”.
Nhóm người ấy làm gì ở phòng khách của bà Đơ T.. Họ là “uyntơra” (bảo hoàng cực đoan).
“Uyntơra”: cái từ ấy, tuy rằng khái niệm nó biểu hiện chưa mất hẳn, nhưng ngày nay không có nghĩa nữa. Ta hãy giải thích cái từ ấy.
Uyntơra tức là đi quá giới hạn. Là lấy danh nghĩa ngai vàng mà công kích nhà vua, lấy danh nghĩa thờ Chúa mà công kích cái mũ của các vị giám mục: là đánh đập cái vật mà mình kéo theo mình; là cất vó đá hậu khi cùng đứng trong cỗ xe với ngựa khác; là phê phán cái đống lửa thiêng chưa thiêu chín kẻ tà đạo; là trách cái thần tượng còn ít tôn sùng thần thượng; là chửi rủa vì quá tôn kính; là bảo giáo hoàng không trọng đầy đủ tòa thánh, nhà vua còn ít bảo hoàng, đêm còn quá nhiều ánh sáng; là nhân danh màu trắng mà chê tuyết bạch ngọc, lông thiên nga, cánh hoa huệ; là ủng hộ một cách nhiệt tình đến mức thành kẻ thù; là tán thành mãnh liệt đến phản đối.
Tinh thần Uyntơra là đặc điểm tiêu biểu của giai đoạn đầu thời kỳ quân chủ phục hưng.
Trong lịch sử không có thời kỳ nào giống thời gian bắt đầu từ năm 1814 và kết thúc vào khoảng 1820, lúc ông Vilelơ, con người thực tế của phái hữu, lên nắm quyền. Sáu năm ấy là một giai đoạn lạ thường, vừa ồn ào, vừa buồn tẻ, vừa vui vẻ, vừa tối tăm, sáng tỏ như dưới ánh bình minh đồng thời bao phủ bóng tối của những tai họa lớn còn tràn ngập chân trời và đang dần dần chìm sâu vào quá khứ.
Trong cái ánh sáng và cái bóng tối ấy, có cả một tiểu thế giới và vừa mới vừa cũ, vừa khôi hài vừa buồn thảm, vừa trẻ trung vừa già cỗi đang dụi mắt; trở về giống hệt như trở dậy, không có gì giống nhau hơn thế. Một bọn người nhìn nước Pháp một cách bực dọc, hậm hực và nước Pháp nhìn lại họ một cách mai mỉa, những con cú già hầu tước đầy đường, bọn đã trở về, bọn đang trở về, những “tên nguyên là…”[147] kinh ngạc trước mọi việc, những nhà quý tộc lưu vong, thiện tâm, thiện chí vừa mỉm cười vừa rơi lệ sung sướng được thấy lại Tổ quốc, thất vọng không được trông thấy lại chế độ quân chủ của họ; lớp quý tộc thập tự viễn chinh phỉ nhổ lớp quý tộc thời đế chế, tức là lớp võ quan quý tộc; những dòng giống lịch sử đã mất ý thức lịch sử; những đứa con các chiến hữu của Saclơmanhơ khinh miệt những chiến hữu của Napôlêông. Những lưỡi gươm như chúng tôi vừa nói lại chửi lại những lưỡi gươm. Lưỡi gươm Fôngtơnoa chỉ là một trò cười, một lưỡi gươm rỉ: lưỡi gươm Marănggô thì bị căm ghét và bị coi là một mã tấu. Ngày xưa phủ nhận Hôm qua. Người ta không còn có ý thức về cái lớn lao, cũng như không ý niệm thế nào là lố bịch. Có kẻ gọi Bônapác là Xcapanh. Cái thế giới ấy không còn nữa. Ngày nay không còn tí gì nữa, ta hãy nhắc lại điều đó. Khi chúng tôi nêu lên một hình ảnh nào đó và chúng tôi muốn làm nó sống trở lại trong trí tưởng thì thấy nó lạ lùng như ở thời kỳ tiền hồng thủy. Nó đã biến hẳn với hai cuộc cách mạng. Tư tưởng là những đợt sóng hùng mạnh biết bao! Nó vùi lấp rất nhanh chóng những cái nó có nhiệm vụ phá hủy và chôn vùi, nó đào nhanh chóng những cái vực sâu khủng khiếp.
[147] Danh từ dùng trong các bản án thời Cách mạng Pháp để gọi các tên quý tộc và thầy tu phản động trước khi nêu tên và chức vị cũ của chúng.
Đó là bộ mặt của những phòng khách của thời kỳ xa xôi và ngây thơ ấy mà ông Máctanhvilơ có nhiều trí tuệ hơn Vônte.
Những phòng khách ấy có một thứ văn học và chính trị của họ. Fiêvê ở đây là thần thánh. Ông Agiê ngự trị. Ở đây người ta bình luận sách của Connê, ký giả và người bán sách cũ ở bờ sông Malake, Nabôlêông thì hoàn toàn là con yêu tinh đảo Coocxơ. Về sau đưa cái tên hầu tước Đơ Buôcnapactê, tổng tư lệnh quân đội nhà vua vào lịch sử là một nhượng bộ đối với xu hướng của thời đại.
Những phòng khách ấy không giữ được tính chất thuần túy của nó lâu dài. Ngay từ 1818 một vài lý thuyết gia đã bắt đầu xuất hiện, đó là một điều đáng lo ngại. Cái kiểu của họ cũng là bảo hoàng đấy, nhưng mà lại cứ thanh minh. Cái chỗ những phần tử Uyntơra rất kiêu hãnh tự hào, thì những nhà bảo hoàng ý luận này có vẻ lấy làm xấu hổ phần nào. Họ thông minh, họ biết im lặng, nhưng nguyên lý chính trị của họ có tráng thêm một cái vỏ kiêu hãnh vừa phải. Tất họ sẽ thành công. Họ thắt ca vát trắng rất to, áo cài khuy rất nghiêm chỉnh; cái này cũng có lợi cho họ. Cái sai lầm hay cái tai hại của phái bảo hoàng lý luận là họ tạo nên một thế hệ thanh niên ông cụ. Họ có những dáng điệu hiền triết. Họ mơ mộng ghép vào cái nguyên lý tuyệt đối và quá trớn của nền quân chủ một chính quyền ôn hòa; họ đem chủ nghĩa tự do bảo thủ đối lập với chủ nghĩa tự do phá hoại, nhiều khi một cách rất thông minh. Họ tuyên bố: “Đừng kết án chủ nghĩa bảo hoàng. Nó đã làm được khá nhiều việc. Nó đã phục hồi truyền thống, nhà thờ, tôn giáo, sự kính trọng. cưỡng, những vinh dự lớn lao mới của dân tộc với những cái vĩ đại truyền thống của nền quân chủ. Nó có sai lầm là không hiểu cách mạng, không hiểu đế chế, không hiểu vinh quang, tự do, những tư tưởng trẻ, những thế hệ trẻ, không hiểu thời đại. Nhưng cái lỗi của nó đối với ta, ta há không phạm đối với nó một đôi khi hay sao? Cách mạng mà chúng ta thừa kế phải thông hiểu tất cả. Công kích chủ nghĩa bảo hoàng là làm trái ngược chủ nghĩa tự do. Sai lầm lớn và mù quáng làm sao? Nước Pháp cách mạng không tôn trọng đúng mức nước Pháp lịch sử, nghĩa là thiếu tôn trọng mẹ mình, thiếu tôn trọng bản thân mình. Sau ngày 5 tháng 9, người ta đối xử với những lớp quý tộc của nền quân chủ cũng như sau ngày 8 tháng 7 người ta đối xử với những lớp quý tộc của thời đế chế. Họ đã bất công đối với con chim phượng hoàng, chúng ta bất công đối với bông hoa huệ. Lúc nào cũng cần phải có cái gì để cấm chỉ ư? Bóc lớp vàng bọc cái mũ miện của vua Lui XIV, cạo cái huy hiệu của vua Hăngri IV, cái đó có ích lợi gì? Chúng ta cười giễu ông Đơ Vôblăng đã xóa tất cả các chữ N trên cầu Iêna. Ông ấy đã làm việc gì thế? Làm cái việc chúng ta làm thôi. Buvinơ là của chúng ta cũng như Marăngô. Những bông hoa huệ là của chúng ta cũng như chữ N. Đó là di sản chung của chúng ta. Sao lại làm nó tiêu hao đi? Không được phủ nhận Tổ quốc trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Tại sao không ôm hết tất cả lịch sử? Tại sao không yêu tất cả nước Pháp?”
Những nhà bảo hoàng lý thuyết phê phán và bảo vệ chủ nghĩa bảo hoàng như thế đấy, còn chủ nghĩa bảo hoàng lại bất bình khi bị phê phán và giận dữ khi được bảo vệ.
Phái Uyntơra tiêu biểu cho giai đoạn đầu của chủ nghĩa bảo hoàng, phải liên hiệp tiêu biểu cho giai đoạn thứ hai. Thái độ khôn khéo thay thế cho thái độ sôi sục. Ta hãy tạm giới hạn việc phác họa này ở đây.
Trong quá trình kể lại câu chuyện ở bộ sách này tác giả đã gặp cái khoảnh khắc kỳ lạ này của lịch sử hiện đại. Tác giả đã phải nhìn lướt qua vào đó và phác họa một vài khâu của xã hội ngày nay không ai còn biết gì nữa. Nhưng tác giả phác quá vội vàng và không có ý đắng cay, hay giễu cợt gì. Những kỷ niệm trìu mến, tôn kính và dính líu đến mẹ tác giả, gắn bó chặt chẽ tác giả với cái quá khứ ấy. Vả lại cũng cần phải nói cái xã hội nhỏ bé ấy cũng có cái lớn lao của nó. Người ta có thể cười nó một chút, nhưng không thể khinh nó, ghét nó. Đó là nước Pháp ngày xưa.
Mariuytx Pôngmécxi học hành đại khái như tất cả những đứa trẻ khác. Rời khỏi tay bà dì Gilơnoócmăng, nó được ông ngoại giao phó cho một giáo sư đáng kính thuộc loại kinh viện ngây thơ nhất. Cái tâm hồn tươi trẻ đang mở ra ấy bị chuyển từ tay một mụ đàn bà khắc khổ qua tay một anh đồ gàn. Rồi Mariuytx học trung học, xong vào trường đại học luật khoa. Anh bảo hoàng, cuồng tín và khắc khổ. Anh không yêu ông ngoại mấy vì sự vui vẻ và trắng trợn của ông ta làm anh khó chịu. Về cha anh thì anh tỏ ra âm thầm.
Dù sao Mariuytx cũng là một cậu bé nhiệt tình nhưng bình tĩnh, cao quý, quảng đại, kiêu hãnh, tín ngưỡng, say sưa. Tự trọng đến mức sắt đá, trong sạch đến mức thô lỗ.
IV
NGÀY CUỐI CÙNG CỦA TÊN GIẶC CƯỚP
Khi Mariuytx học xong trung học thì lão Gilơnoócmăng cũng không lui tới ở xã hội thượng lưu nữa. Lão rời bỏ khu ngoại thành Xanh Giecmanh và phòng khách của bà nam tước T. đến khu Mare, trong căn nhà phố Phidơ đuy Canve. Gia nhân của lão, ngoài người gác cổng, có mụ hầu buồng Nicôlét, vào thế chân cho mụ Manhông và lão Batscơ thở hổn hển, nặng nề đã nói đến trên kia.
Năm 1827, Mariuytx vừa mười bảy tuổi. Một buổi chiều về nhà, anh thấy lão Gilơnoócmăng tay cầm một bức thư:
- Mariuytx, ngày mai cháu đi Vécnông.
- Có việc gì ạ?
- Gặp cha cháu.
Mariuytx rùng mình. Anh có thể chờ đợi mọi việc nhưng có việc này anh không ngờ, là phải gặp cha anh. Không có gì đột ngột, bất ngờ và nói trắng ra khó chịu đến như việc ấy. Muốn xa mà phải gần. Không phải chỉ là một điều buồn bực, thật là một việc khổ dịch.
Ngoài mâu thuẫn về xu hướng chính trị, Mariuytx còn tin chắc rằng, cha anh, mà lão Gilơnoócmăng khi hiền dịu gọi là tay đao phủ, không yêu anh; chắc chắn như thế, vì nếu có chút tình cha con thì hắn đã chẳng bỏ con cho người khác như vậy. Thấy cha không yêu anh, anh cũng không yêu cha, anh nghĩ cũng chẳng có gì lạ.
Mariuytx kinh ngạc đến nỗi không hỏi gì được nữa. Lão Gilơnoócmăng nói thêm:
- Hình như hắn ốm. Hắn muốn gặp cháu.
Yên lặng một lát, lão tiếp:
- Sáng mai đi sớm. Hình như ở Fôngten có xe khởi hành lúc sáu giờ sáng, chiều tới nơi. Đi ngay chuyến ấy. Hắn bảo là kíp lắm.
Rồi lão vò nát lá thư và nhét vào túi. Mariuytx có thể đi ngay tối hôm ấy và sáng sớm hôm sau có thể tới gặp cha. Một chiếc xe ngựa ở phố Bulô hồi ấy thường đi Ruăng ban đêm và qua Vécnông. Cả lão Gilơnoócmăng, cả Mariuytx không ai nghĩ đến, hỏi xem chuyến xe ấy.
Ngày hôm sau, sẩm tối, Mariuytx đến Vécnông. Đèn phố đã bắt đầu sáng. Mariuytx hỏi người qua đường đầu tiên mà anh gặp nhà ông Pôngmécxi. Trong tư tưởng, anh tán thành chính quyền phục hưng, không thừa nhận chức đại tá và tước nam của cha anh.
Người ta chỉ nhà cho anh. Anh giật chuông. Một người đàn bà cầm chiếc đèn con ra mở cửa.
- Ông Pôngmécxi?
Người đàn bà đứng im.
- Có phải đây không?
Người đàn bà gật đầu.
- Tôi có thể nói chuyện với ông ấy không?
Người đàn bà lắc đầu.
- Nhưng mà tôi là con ông ấy. Ông ấy đợi tôi.
- Ông ấy không đợi anh nữa.
Bây giờ anh mới thấy người đàn bà ấy khóc.
Người ấy chỉ tay vào một cái buồng thấp, anh bước vào. Căn phòng có cây nến soi sáng, đặt trên bệ lò sưởi, có ba người đàn ông, một người đứng, một người quỳ và một người mặc sơ mi, nằm sóng sượt trên nền gạch.
Người nằm dưới đất là đại tá Pôngmécxi.
Hai người kia là thầy thuốc, một là cha xứ đang cầu nguyện.
Từ ba hôm trước, đại tá Pôngmécxi bị sốt vì đau óc. Lúc mới ốm ông đã e ngại có chuyện không hay, viết thư cho lão Gilơnoócmăng để gọi con đến. Bệnh càng trầm trọng. Buổi chiều ngày Mariuytx đến Vécnông đại tá bị cơn mê sảng, ông đang nằm trên giường bỗng đứng hẳn dậy, người ở gái ngăn cản không được. Ông thét:
- Con tôi không đến, tôi phải đi đón con tôi.
Thế rồi ông đi ra phòng và ngã vật trên nền gạch hành lang. Khi Mariuytx đến, ông vừa tắt thở.
Người ta đi gọi thầy thuốc và cha xứ. Thầy thuốc đến chậm quá, cha xứ đến chậm quá, con ông cũng đến chậm quá.
Dưới ánh nến lờ mờ, ông nằm sóng sượt, người ta nhìn thấy trên má nhợt nhạt của ông một giọt nước mắt lớn chảy từ con mắt đã chết. Mắt đã đục tròng, nhưng giọt nước mắt chưa khô. Giọt nước mắt đã chảy vì con ông đến chậm.
Mariuytx nhìn người anh gặp lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng, cái diện mạo đáng kính, cương nghị, hai con mắt mở mà không nhìn gì nữa, mớ tóc bạc, hai cánh tay cứng cỏi chằng chịt những vết xám là những vết gươm chém và những chấm đỏ như ngôi sao là những vết đạn. Anh nhìn cái vết gươm ghê gớm chém ngang mặt, làm cho cái diện mạo trời sinh hiền từ ấy có một vẻ anh dũng lạ thường. Anh nghĩ rằng người ấy là cha anh và người ấy đã chết, nhưng anh vẫn lạnh lùng.
Anh cũng thấy buồn, nhưng cái buồn khi đứng trước bất cứ một người chết nào.
Một vẻ tang tóc xót xa bàng bạc cả gian phòng. Người ở gái rên rỉ ở một góc, cha xứ cầu nguyện, người ta nghe thấy tiếng ông thổn thức, thầy thuốc lau mắt. Cả cái xác chết cũng khóc.
Ông thầy thuốc, vị linh mục và người ở gái nhìn Mariuytx qua mối buồn của họ và không nói lời nào. Anh ta mới là người lạ. Mariuytx thẹn thùng, lúng túng vì thấy mình lạnh nhạt. Tay anh cầm mũ, anh để cho chiếc mũ rơi xuống đất, làm như anh cảm động không cầm được nữa.
Lúc ấy anh thấy hối hận và tự thấy mình đáng khinh. Nhưng có phải lỗi tại anh đâu. Anh không yêu cha anh thì biết làm thế nào.
Đại tá Pôngmécxi không để lại cái gì. Đồ đạc trong nhà bán đi chỉ vừa đủ chi tiêu vào đám tang. Người ở gái tìm thấy một mảnh giấy đem giao cho Mariuytx.
Chính tay đại tá Pôngmécxi đã viết:
“Gửi cho con tôi - Hoàng đế đã phong tước nam cho ta trên chiến trường Oatéclô. Vì chính quyền phục hưng không nhận cái tước vị mà ta đã trả bằng máu của ta, con ta sẽ thừa hưởng và mang cái chức tước ấy. Chắc hẳn là con ta sẽ xứng đáng…”
Mặt sau, đại tá ghi thêm:
“Cũng ở trận Oatéclô này một viên đội đã cứu sống ta. Viên đội ấy tên là Tênácđiê. Gần đây hình như ông ta mở một quán ăn nhỏ trong một xóm gần Pari, ở Senlơ hay ở Môngphécmây. Nếu con ta gặp ông ấy thì sẽ hết sức giúp đỡ ông ta”.
Không phải vì kính trọng cha, nhưng vì sự kính cẩn trước cái chết, rất tự nhiên và mạnh mẽ trong lòng người, Mariuytx cầm mảnh giấy và cất đi.
Chẳng còn dấu vết gì của đại tá Pôngmécxi. Lão Gilơnoócmăng bán cho hàng đồ cũ thanh gươm và bộ nhung phục của ông. Về mảnh vườn thì những người hàng xóm nhổ hết cây, bẻ hết hoa quý, chẳng bao lâu mảnh vườn của ông mọc đầy gai góc.
Mariuytx chỉ ở lại Vécnông có bốn mươi tám giờ. Sau tang lễ, anh trở về Pari và lại tiếp tục học luật và cũng quên cả cha anh, như là không có cha anh vậy. Hai ngày thì chôn cất xong, ba ngày thì người ta quên.
Mariuytx có một miếng nhiễu đen trên mũ, thế thôi.
@by txiuqw4