sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Những người khốn khổ - PHẦN III - Quyển IV - Chương 01 phần 1

QUYỂN IV: NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA NHÓM A.B.C

I

MỘT NHÓM SUÝT CÓ TÊN TUỔI TRONG LỊCH SỬ

Thời kỳ ấy, bề ngoài có vẻ bình thản, có một luồng cách mạng chuyển qua. Những luồng gió từ thời 89 và 92[150] xa xôi đã trở về, phảng phất trong không khí.

[150] 1789-1792, những năm sôi nổi nhất của Cách mạng Pháp.

Có thể nói lớp thanh niên hình như đang lột xác. Thời gian trôi qua, con người thay đổi, mà không ngờ là mình thay đổi. Cái kim chạy trên mặt đồng hồ cũng chạy cả trong lòng người. Mỗi người đều tiến bước. Bọn bảo hoàng trở thành tự do, bọn tự do thành dân chủ.

Thật như một ngọn nước thủy triều dâng lên kèm theo nghìn ngọn triều xuống nhỏ nhỏ. Tính chất của triều xuống là nhào trộn; do đó có những hỗn hợp rất kỳ dị về xu hướng: người ta vừa tôn sùng Napôlêông vừa tôn sùng tự do. Chúng tôi kể lịch sử thôi. Những thứ ấy là những ảo ảnh của thời đại. Dư luận đang chuyển qua nhiều giai đoạn; có chủ nghĩa bảo hoàng kiểu Vônte, một thứ xu hướng lạ lùng, thì thứ chủ nghĩa tự do sùng bái Bônapác cũng chẳng lấy gì làm kỳ dị.

Có những nhóm khác đứng đắn hơn, nhóm này đi sâu vào nguyên lý, nhóm kia chú trọng pháp quyền. Người ta say mê tư tưởng tuyệt đối, người ta thấy trước những thực hiện vô cùng tận. Quan niệm tuyệt đối chính vì nó cứng rắn, đẩy tư tưởng người ta bay vút lên trời xanh, lửng lơ trong cõi vô biên. Chẳng cái gì làm cho người ta mơ mộng bằng một giáo lý tuyệt đối. Không tưởng ngày hôm nay, ngày mai sẽ thành xương thịt.

Những tư tưởng tiến bộ như những cái hòm hai đáy. Một cái gì kin kín đe dọa “trật tự hiện hành”, cái trật tự khả nghi và xảo trá. Dấu hiệu rõ rệt của cách mạng. Dã tâm thống trị chạm trán với dự định cách mạng của nhân dân, cùng ở chỗ âm mưu lật đổ. Những cuộc bạo động đương thai nghén là sự trả lời xứng đáng cho những âm mưu toan đảo chính của bọn cầm quyền.

Ở nước Pháp hồi ấy chưa có những tổ chức bí mật rộng lớn như tổ chức tughenbun của Đức và tổ chức cácbônari của Ý;[151] nhưng rải rác mọi nơi có những cơ sở bí mật đâm chồi nảy nhánh. Ở tỉnh Exơ có nhóm Cuguốc đương thành hình; ở Pari trong số những tổ chức loại ấy, có hội những người bạn của ABC.

[151] Tughenbun: Tổ chức bí mật của sinh viên Đức chống lại quân Pháp xâm lược Đức đầu thế kỷ XIX; cácbônari: tổ chức bí mật rộng lớn của nhân dân Ý đầu thế kỷ XIX đấu tranh cho tự do và thống nhất của dân tộc Ý.

Những người bạn của ABC là gì? Bề ngoài là một hội nhằm mục đích giáo dục nhi đồng, bên trong là một tổ chức để cải tạo con người.

Họ tự nhận là những người bạn của ABC, Abetxê[152] tức là người dân. Họ muốn nâng người dân dậy. Một cách chơi chữ, nhưng không phải là một trò chơi đáng cười.

[152] Abaisse đọc gần như A.B.C: cái gì bị hạ xuống, người bị chà đạp, vùi dập.

Có những cách chơi chữ, về chính trị, đôi khi rất quan trọng; thí dụ: Castratus ad castra (lại điều tới doanh trại) đã làm cho Nácxetxơ thành một đại tướng và Barbari et Barbarini (người man rợ và dòng dõi “man rợ”, giáo hoàng Uybain VIII thuộc dòng họ Barbarini) và Fueros y Fuegos (luật và lửa) và Tu é Petrus et superhane petram (Phêrô nghĩa là đá và trên nền đá này ta xây dựng giáo hội. Trong những câu Latinh và Tây Ban Nha trên đây có những cách chơi chữ mà chúng tôi không dịch)…

Những người bạn của ABC không nhiều. Đây mới chỉ là một cái mầm tổ chức bí mật, có thể gọi là một bè, nếu một bè cũng có thể tạo nên những anh hùng được. Họ thường hội họp ở hai nơi trong thành phố Pari, gần khu chợ, trong một tiệm rượu tên là Côranhtơ, sẽ nói đến sau này và gần đền Păngtêông trong một tiệm cà phê nhỏ ở quảng trường Xanh Misen, tiệm cà phê Muydanh, bây giờ đã phá hủy rồi; nơi hội họp thứ hai gần khu sinh viên.

Những cuộc thảo luận của nhóm bạn ABC thường là ở gian buồng bên trong tiệm cà phê Muydanh. Buồng đó, cách cửa hàng khá xa bằng cả một cái hành lang dài, có hai cửa sổ và một cái cầu thang kín đi ra phố Gơre. Họ hút thuốc, uống rượu, nói cười nhộn nhịp. Họ nói bô bô tất cả mọi chuyện, nhưng họ thì thầm với nhau một chuyện riêng. Trên tường treo một tấm bản đồ cũ nước Pháp thời kỳ cộng hòa. Chỉ cái đó cũng đủ làm một tên thám tử chú ý.

Phần lớn những người bạn của ABC là sinh viên, đoàn kết mật thiết với mấy người thợ. Đây là những nhân vật chính, một phần nào họ đã trở thành những nhân vật lịch sử: Ănggiônrátx, Côngbơphe, Giăng Pơruve, Phơidi, Cuốcphêrắc, Bahôren, Letsgơlơ hay Legơlơ, Giôly Gơrăngte.

Bọn thanh niên ấy thân thiết với nhau như cùng chung một gia đình. Tất cả bọn, trừ Legơlơ, đều là những người miền Nam.

Thật là một nhóm người đặc biệt. Tên tuổi họ nay đã tan mờ trong quá khứ sâu thẳm, nhưng đến đoạn này của tấn bi kịch, thiết tưởng cũng nên chiếu rọi một chút ánh sáng để nhìn thấy rõ những nhân vật thanh niên đó trước khi họ chìm đắm trong bóng tối của một tấn kịch bi hùng.

Ănggiônrátx mà chúng tôi nói đến trước hết, bạn đọc sau này sẽ hiểu vì sao, là con một và con nhà giàu.

Ănggiônrátx là một thanh niên dễ ưa, nhưng cũng có thể trở nên đáng sợ. Chàng đẹp như một thiên thần. Đó là Ănggiônrátx man dã. Nhìn ánh mắt tư lự của chàng, người ta có thể tưởng trong một kiếp trước anh đã từng trải qua một cuộc đấu tranh cách mạng, đảo điên, nghiêng ngửa. Chàng có một truyền thống, một nếp cách mạng như là đã thực sự chứng kiến cách mạng. Chàng biết tất cả những tiểu tiết của cái đại sự ấy. Một tính cách vừa là thánh vừa là tướng, khá lạ lùng đối với một thanh niên. Vừa là giáo sĩ, vừa là chiến sĩ; trước mắt là chiến sĩ của nền dân chủ vượt lên trên phong trào hiện đại là giáo sĩ của lý tưởng. Con người mắt sâu thẳm, mi mắt hơi đỏ, môi dưới dày và dễ dàng khinh mạn, trán cao. Một khuôn mặt có nhiều trán, cũng như một khung cảnh có nhiều trời. Cũng như một số thanh niên của đầu thế kỷ này và cuối thế kỷ trước, sớm nổi tiếng, chàng rất trẻ, tươi thắm như một thiếu nữ, tuy rằng có những giờ phút xanh xao tư lự. Đã trưởng thành rồi nhưng vẫn có vẻ trẻ con. Hai mươi hai tuổi của chàng tưởng như là mười bảy. Chàng nghiêm nghị, hình như chàng không biết ở trên trái đất này có một sinh vật gọi là phụ nữ. Chàng chỉ có một sự say mê: pháp quyền; một tư tưởng: lật đổ chướng ngại. Ở trên núi Avăngtanh, chàng sẽ là Giơraquyxơ; trong thời kỳ Quốc ước chàng sẽ là Xanh Giuyxtơ. Chàng ít ngắm hoa hồng, chàng không biết mùa xuân, chàng không nghe chim hót. Bộ ngực trần của nàng Evanê cũng không làm chàng xúc động hơn Arixtôgitông; đối với chàng, như đối với Acmôđiuyxơ, hoa chỉ có tác dụng để che lưỡi gươm. Trong những giờ phút vui cười chàng cũng vẫn nghiêm nghị. Trước tất cả cái gì không phải là chế độ cộng hòa, chàng cúi mặt nghiêm trang. Chàng là người tình nhân lạnh như đá của thần Tự do. Ngôn ngữ của chàng như có hồn thiêng và rung động như ngôn nữ một thần tụng. Chàng có những phút giây đột ngột, mở rộng mênh mông đôi cánh. Không may cô gái nào đến gần chàng! Nếu một thiếu nữ lẳng lơ của quảng trường Căngbơre hay phố Xanh Giăng đơ Bôve, bắt gặp khuôn mặt mới ra trường Trung học đó, cái lưng kiếm đồng xinh xắn đó, những hàng mi dài hung hung đó với đôi mắt xanh lơ, với mái tóc bù phất phơ trước gió, với đôi má hồng tươi, đôi môi trinh bạch, hàm răng ngon lành, mà đâm ra thèm muốn cái bình minh ấy và định lấy sắc đẹp của mình thử chàng, tức khắc một cái nhìn lạ lùng và dữ tợn sẽ chỉ cho cô nàng trông thấy ngay cái vực chia cách và dạy cho cô nàng chớ lầm tiên đồng lẳng lơ của BôMácse với tiên đồng ghê gớm của Êđêsien.

Bên cạnh Ănggiônrátx, đại diện cho lôgích của Cách mạng, Côngbơpherơ là triết lý của Cách mạng. Giữa lôgích của Cách mạng và triết lý của Cách mạng có cái điều khác nhau là cái lôgích kia có thể kết thúc bằng chiến tranh, còn triết lý của Cách mạng thì ngược lại chỉ có thể dẫn tới hòa bình. Côngbơpherơ bổ sung và điều chỉnh Ănggiônrátx. Côngbơpherơ không cao bằng Ănggiônrátx nhưng rộng hơn. Anh muốn người ta bồi dưỡng cho trí tuệ những nguyên lý rộng rãi của những ý niệm khái quát. Anh nói: Cách mạng nhưng mà văn minh; và xung quanh cái đỉnh cao chót vót, anh mở ra chân trời xanh rộng. Do đó mà những quan điểm của Côngbơpherơ người ta có thể dễ dàng đi tới được và thực hiện được. Cách mạng với Côngbơpherơ dễ thở hơn là với Ănggiônrátx. Ănggiônrátx biểu đạt cái quyền thiên phú của Cách mạng, còn Côngbơpherơ cái quyền tự nhiên, người thứ nhất gần với Rôbepherơ, người thứ hai sát với Côngbơpherơ. Hơn Ănggiônrátx, Côngbơpherơ sống cuộc đời của tất cả mọi người. Nếu hai người thanh niên ấy lưu danh lại được cho lịch sử, một người sẽ là chính nhân, một người sẽ là hiền nhân. Ănggiônrátx kiên cường hơn, Côngbơpherơ nhân từ hơn. Homô và Vir,[153] đúng là hai chỗ khác nhau của hai người ấy. Cũng như Ănggiônrátx nghiêm nghị, Côngbơpherơ hiền dịu một cách tự nhiên theo thiên tính của mình. Anh ưa cái từ “công dân”, nhưng anh thích từ “con người” hơn.

[153] Homo: người bình thường; Vir: người cương nghị.

Anh sẵn sàng nói “Hombre” như người Tây Ban Nha. Anh đọc tất cả mọi thứ sách, đi xem hát, đi nghe những lớp giảng công cộng, học lý thuyết phân cực ánh sáng của Aragô, say mê nghe bài giảng của Giôphơroa Xanhtilerơ giải thích hai chức năng của động mạch cổ ngoài và động mạch cổ trong: một làm ra cái mặt và một làm ra bộ óc. Anh theo dõi thời sự khoa học từng bước, đối chiếu Xanh Ximông với Phuariê, tìm đọc loại chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, đập vỡ những hòn cuội nhặt được và bàn về địa chất học, vẽ theo ký ức một con ngài, vạch ra những sai lầm về tiếng Pháp trong Từ điển của viện Hàn lâm, nghiên cứu Puyxêguya và Đơlơdơ, không khẳng định cái gì, kể cả những phép mầu của thánh, không phủ nhận cái gì kể cả chuyện ma, giở đọc tập báo Lơ Mônitơ, suy nghĩ. Anh tuyên bố rằng tương lai ở trong tay người thầy giáo và chú ý đến những vấn đề giáo dục. Anh muốn rằng xã hội luôn luôn nâng cao trình độ trí thức và đạo đức, lưu hành khoa học như tiền tệ, làm tư tưởng được lưu thông, làm trí tuệ của thanh niên lớn lên, anh sợ rằng sự nghèo nàn hiện tại của các phương pháp, sự cùng quẫn của quan điểm văn học thu hẹp trong hai ba thế kỷ cổ điển, cái giáo điều tàn bạo của những kẻ sính chữ gắn nhãn hiệu nhà nước, những thiên kiến kinh niên và những nếp bảo thủ, cuối cùng sẽ biến trường học thành những bể nuôi trai sò nhân tạo. Anh uyên bác, trong sáng, chính xác, bách khoa, cần cù và đồng thời mơ mộng đến mức “ảo tưởng viễn vông” như các bạn anh vẫn nói. Anh tin tưởng vào tất cả những mơ mộng ấy: đường sắt, mổ không đau, in hình trong buồng tối, dùng điện truyền tin, điều khiển khinh khí cầu. Mặt khác anh không sợ những thành lũy chống lại loài người dựng lên khắp nơi bởi mê tín, bởi chuyên chế và thành kiến. Anh thuộc số những người tin rằng khoa học cuối cùng sẽ đi bọc qua những thành lũy ấy. Ănggiônrátx là một chỉ huy, Côngbơpherơ là một người hướng đạo. Người ta muốn là chiến hữu của người này và là bạn đồng hành của người kia. Không phải Côngbơpherơ không có khả năng chiến đấu; anh không từ chối vật lộn với chướng ngại, đấu tranh với nó mãnh liệt và sôi nổi; nhưng dần dần đem giáo dục những chân lý cơ bản và ban hành những luật pháp thực tế, làm cho loài người hòa hợp với số phận của họ, thì Côngbơpherơ ưa thích hơn. Nếu phải chọn giữa hai thứ ánh sáng, thì chiều hướng của anh là chiếu rọi hơn là đốt cháy. Một đám cháy có thể tạo ra một bình minh, đã đành rồi, nhưng tại sao không đợi mặt trời mọc. Một ngọn núi lửa chiếu sáng, nhưng bình minh chiếu sáng tốt hơn. Côngbơpherơ có lẽ ưa cái màu trắng của cái đẹp hơn là cái rực sáng của Cao cả. Một thứ ánh sáng có khói mù làm vẩn đục, một sự tiến bộ mua bằng bạo lực, chỉ thỏa mãn một nửa cái trí tuệ đa cảm và nghiêm túc ấy; một dân tộc từ trên cao đâm đầu vào chân lý, một 93, làm anh hoảng sợ. Tuy vậy tù hãm, động, trệ làm cho anh ghê tởm hơn, anh ngửi thấy mùi thối rữa chết chóc. Dẫu sao anh cho bọt sủi vẫn hơn là hơi thối, anh thích suối đổ hơn là ao tù và thích thác Niagara hơn là đầm Môngphôcông. Nói tóm lại anh không muốn ngừng chân mà cũng không muốn bước vội. Trong khi những người bạn sôi nổi của anh say mê cái tuyệt đối một cách hiệp sĩ, tôn thờ và kêu gọi những cuộc phiêu lưu cách mạng huy hoàng thì Côngbơpherơ có xu hướng để cho tiến hóa làm việc, cái tiến hóa thực thà, có lẽ lạnh lùng nhưng trong sáng, không có chút gì đáng trách, phớt như tiền, nhưng không gì làm xao xuyến. Côngbơpherơ có thể quỳ gối chắp tay, cầu xin cho tương lai đến với tất cả cái vẻ trong trắng của nó và để cho không có cái gì khuấy vẩn bước tiến hóa mênh mông về phía đạo đức của các dân tộc. Anh thường nhắc luôn là cái tốt phải trong trắng. Thật vậy, nếu cái vĩ đại của Cách mạng là nhìn thẳng vào lý tưởng chói lòa và bay tới đó, qua sấm sét, với lửa và máu dính vào móng vuốt, thì cái đẹp của Tiến hóa là không bị dây một vết bẩn nào. Giữa Oasinhtơn tiêu biểu cho cái này và Đăngtôn hiện thân cho cái kia, có cái khác biệt phân cách thiên thần có đôi cánh thiên nga với thiên thần mang cánh chim ưng vậy.

Giăng Pruve lại còn có một tính cách ôn hòa êm dịu hơn Côngbơpherơ nữa. Tên anh trước là Giơăng, với kiểu phát âm đặc biệt một thời ngắn ngủi phù hợp với cái phong trào mãnh liệt và sâu xa đã dẫn tới việc nghiên cứu rất cần thiết cái thời kỳ trung cổ. Giăng Pruve có một người yêu, trồng một chậu hoa, chơi sáo, làm thơ yêu nhân dân, xót thương số phận phụ nữ, thương khóc trẻ em, cũng tin tưởng Tương lai, Chúa và phê phán Cách mạng về việc đã làm vơi đi một cái đầu đế vương, tức là đầu Ăngđrê Sơniê.[154] Anh có cái giọng nói bình thường thì êm dịu nhưng đột ngột có thể biến thành cương nghị; thông thạo văn học đến mức uyên bác, hầu như là nhà đông phương học. Hơn cả, anh rất hiền; và đây là một điều rất giản dị đối với ai hiểu rằng cái hiền rất gần với cái cao cả, về mặt thơ anh ưa thích cái mênh mông. Anh biết tiếng Ý, tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp và tiếng Hêbrơ; do đó anh chỉ đọc có bốn nhà thơ là Đănglơ, Giuyvêna, Esylơ và Ixai. Về thơ Pháp anh thích Cornây hơn Raxin và Agripa Đôbinhê hơn Cornây. Anh thích dạo chơi lang thang trong cánh đồng lúa mạch hoang dại và hoa mua xanh, theo dõi mây trời như theo dõi thời sự. Trí tuệ của anh có hai thái độ, một ngả về phía con người, một ngả về phía Chúa. Anh nghiên cứu học tập hoặc là chiêm ngưỡng. Cả ngày anh đào sâu các vấn đề xã hội; vấn đề tiền lương, tư bản tín dụng, hôn nhân, tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do luyến ái, giáo dục, hình án, cùng khổ, lập hội, quyền sở hữu, sản xuất và phân phối, cái huyền bí trên trần đang trùm bóng đêm lên cái tổ kiến loài người; và buổi chiều anh ngắm các vì sao, những con vật to lớn ấy. Anh cũng là một con nhà giàu như Ănggiônrátx. Anh ăn nói dịu dàng, hơi nghiêng đầu, cúi mặt, cười nói một cách lúng túng, ăn mặc xoàng, có dáng điệu vụng về, hơi một tí là đỏ mặt, rất nhút nhát. Nhưng rất dũng cảm.

[154] Nhà thơ trữ tình lớn của nước Pháp cuối thế kỷ XVIII. Bị cách mạng xử tội tử hình vì chống lại Cách mạng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx