IV
BUỒNG TRONG CỦA TIỆM CÀ PHÊ MUYDANH
Một trong những buổi tranh luận giữa những người thanh niên ấy mà Mariuytx vẫn dự, có khi cũng có ý kiến, đã tác động rất mạnh đến tinh thần anh.
Buổi tranh luận ấy cũng ở buồng trong tiệm cà phê Muydanh. Nhóm bạn của ABC hôm đó có mặt gần đông đủ cả. Ngọn đèn dầu thắp sáng trưng. Họ nói chuyện này, chuyện khác, ồn ào nhưng không say sưa. Trừ Ănggiônrátx và Mariuytx yên lặng, mỗi người đều có ít nhiều diễn thuyết vu vơ. Những cuộc nói chuyện giữa đồng chí thường có những lúc ồn ào vô hại như vậy. Tranh luận mà cũng như trò đùa lộn xộn thôi. Người ta tranh cãi, người nói đi, kẻ nói lại bốn phía.
Không có người phụ nữ nào được vào trong gian buồng ấy, trừ Luidông, chị rửa bát trong tiệm, thỉnh thoảng đi qua buồng từ chỗ rửa bát sang nhà bếp.
Gơrăngte say mềm ba hoa làm ồn cả một góc buồng. Hắn nói phải, hắn nói trái ầm ĩ. Hắn thét:
- Ta khát, hỡi những người trần gian, ta nằm mơ thấy cái thùng rượu. Heđenbe bị ứ máu não lăn ra và ta là một trong mười hai con đỉa để chích máu hắn. Ta muốn uống. Ta muốn quên cuộc đời. Đời là một chuyện bịa đặt ghê tởm, ai đã đặt bày nó ra. Chẳng được bao lâu, chẳng quý giá gì. Sống cho được phải bươu đầu sứt trán. Đời là một bức phông, không có được mấy cảnh có thật. Hạnh phúc là một cái khung tranh cổ lỗ sơn có một mặt. Êchelêdiat (một bộ sách trong thánh kinh của đạo Gia tô) nói: “Tất cả là phù phiếm!”. Ta cũng nghĩ như ông lão này, cái ông lão có lẽ không có thực bao giờ. Con số không, vì không muốn trần truồng, đã khoác cái áo phù phiếm. Ôi! Phù phiếm! Người khoác cho tất cả mọi vật những tiếng thật kêu. Cái xó bếp gọi là một phòng thí nghiệm, gã múa may là một giáo sư, một anh chàng làm xiếc góc chợ là một huấn luyện viên thể dục, một anh đấm bậy là một nhà quyền thuật, một anh bán thuốc là nhà hóa học, một anh cắt tóc là một nghệ sĩ, một anh xúc bùn là một kiến trúc sư, một thằng dô kề là một nhà thể thao, một con mọt đất là một con thanh long trùng. Phù phiếm có mặt trái, mặt phải; mặt trái thì ngu, đó là anh da đen với những vòng nhẫn, hoa thủy tinh; mặt trái thì ngốc, đó là nhà triết học với bộ quần áo tã. Anh thứ nhất làm ta khóc thương, anh thứ hai làm ta cười rộ. Cái mà người ta vẫn gọi là những vinh dự và những phẩm giá, hay là vinh dự và phẩm giá nữa, thường là vàng giả. Bọn vua chúa chơi đùa với lòng kiêu ngạo của con người. Caliguyla phong cho một con ngựa làm đại thần, Salơ II phong một miếng thịt bò làm hiệp sĩ. Anh hãy sánh vai với đại thần Anhxitatuyt và tiểu nam tước “Thăn bò”.
Còn chân giá trị của con người cũng chẳng đáng quý gì hơn. Hãy nghe những hàng xóm láng giềng nói nhau. Trắng nói về trắng thật hung dữ; bông huệ muốn vùi dập con bồ câu trắng; mụ đi lễ dè bỉu mụ đi vái độc địa hơn con rắn lục hay con hổ mang xanh. Tiếc là tôi dốt quá, nếu không tôi có thể vạch ra một trăm chuyện, nhưng tôi chẳng biết gì cả. Chẳng hạn tôi vẫn tinh khôn. Hồi tôi là học trò họa sĩ Gơrô, tôi không bôi bác những bức tranh nhỏ mà đi xoáy táo. Rapanh là giống đực của Rapinơ (Rapin: học trò hội họa; Rapine: việc trộm cướp). Đấy là nói tôi. Còn các bạn thì cũng chẳng hơn gì tôi. Tôi cóc cần những đức tốt của các bạn, những ưu điểm, những tính ưu việt của các bạn. Mỗi tính tốt gắn liền với một tính xấu: cần kiệm đi tới hạ tiện, rộng rãi đi tới hoang phí, can đảm gần với táo tợn, mộ đạo quá cũng là giả dối. Cái áo của Điôgienơ thủng bao nhiêu lỗ thì trong đạo đức có bấy nhiêu tính xấu. Anh phục ai, kẻ bị giết hay người giết? Xêda hay Bruytuyx. Thường người ta đứng về phía kẻ giết người. Bruytuyx muôn năm! Bruytuyx đã giết! Đạo đức là thế. Đạo đức? Đồng ý, nhưng cũng là điên rồ. Những vĩ nhân ấy mang những vết bẩn lạ kỳ. Bruytuyx, người giết Xêda, lại mê một cái tượng trẻ con. Tượng đó do nhà điêu khắc Hy Lạp Stơrôngyliông tạc, người cũng đã tạc một bức tượng nữ kỵ sĩ gọi là Chân đẹp, Echnơmôxơ và Nêrông mang theo trong các cuộc hành trình của ông. Nhà điêu khắc Stơrôngyliông chỉ để lại có hai pho tượng ấy, hai pho tượng đã làm cho Bruytuyx và Nêrông hòa hợp với nhau. Bruytuyx mê cái tượng này, Nêrông mê cái tượng kia. Lịch sử chỉ là một sự nhai lại. Thế kỷ này đánh cắp thế kỷ khác. Trận Marănggô sao chép trận Pitna. Trận Tônbiăc của Clôvitx và Auxtéclít của Napôlêông giống nhau như hai giọt máu. Tôi chẳng quý trọng chiến thắng. Chẳng có gì ngớ ngẩn hơn là chiến thắng. Thuyết phục mới thực là vinh quang. Nhưng anh hãy thử chứng minh một cái gì xem có được không nào? Các anh chỉ muốn thành công, ôi, tầm thường biết bao! Các anh chỉ muốn thành công, ôi, bần tiện biết bao! Than ôi! Bất cứ ở đâu cũng là hư danh và hèn nhát. Tất cả đều phục tùng. Thắng lợi, cả ngữ pháp nữa. Si volet usus (Nếu muốn thì dùng) như Horaxơ nói. Tóm lại tôi khinh rẻ loài người. Ta có đi xuống từng phần không? Các anh muốn tôi kính phục các dân tộc ư? Kính phục dân tộc nào, theo ý các anh? Dân Aten, những dân Pari thuở trước, đã giết Phôxiông như Côlinhi của ta và nịnh nọt những bạo chúa đến mức Anaxêphorơ bảo: mùi nước đái của Pidixtơratơ thu hút loài ong. Con người vĩ đại nhất của Hy Lạp trong thời gian 50 băm là nhà ngữ pháp học, bé nhỏ đến mức phải lấy chì đụp vào đế giầy để khỏi bị gió cuốn đi. Trên quảng trường rộng nhất của Côranhtơ, có một pho tượng do Xilaiông tạc, mà Plinơ đã xếp loại. Đó là tượng Êphixtatơ. Êphixtatơ đã làm gì? Êphixtatơ đã đặt ra cái món võ ngáng chân. Thế là tóm tắt cả Hy Lạp và vinh quang. Sang các dân tộc khác. Phục nước Anh chăng? Phục nước Pháp chăng? Phục nước Pháp, tại sao? Tại Parsi chăng? Tôi vừa nói ý kiến của tôi về Aten. Phục Anh chăng? Vì Lôngđơrơ ư? Tôi ghét Cáctagiơ. Vả lại Lôngđơtơ, thủ đô của xa hoa, cũng là thủ đô của bần cùng. Chỉ trước cửa nhà thờ Sarin Crôxơ, mỗi năm có một trăm người chết đói. Anbiông như thế đấy. Tôi thêm nữa cho đủ, tôi đã trông thấy một cô gái Anh múa với một vành hoa hồng và đôi kính xanh. Thế là một cái mặt lợn cho nước Anh. Không phục Giôn Buyn, có phục người anh em Gônatăng không? Tôi không ưa lắm người anh em chủ nô ấy. Cắt cái khẩu hiệu Time is money (thì giờ là tiền bạc) thì nước Anh còn gì? Cắt cái khẩu hiệu Cotton is king (bông vải là vua) thì nước Mỹ còn gì? Nước Đức là máu trắng, nước Ý là mật đắng. Ca ngợi nước Nga chăng? Vônte phục nước Nga, Vônte phục cả Trung Quốc. Tôi đồng ý là nước Nga có những cái đẹp của nó, chẳng hạn cái chế độ độc đoán mạnh của nó. Nhưng tôi thương hại những kẻ độc đoán. Họ có một sức khỏe mong manh. Alêxi mất đầu, Pie bị đâm chết, Pôn phải thắt cổ, một Pôn khác bị xéo chết dưới đế giầy, mấy Ivăng bị cắt tiết, một lô Nicôla và Badin bị đầu độc. Rõ ràng là cung điện của Nga hoàng xấu xa bẩn thỉu quá. Tất cả các dân tộc văn minh chỉ bày ra trước mắt các nhà tư tưởng các chi tiết: chiến tranh. Chiến tranh văn minh đã sử dụng triệt để và tổng hợp tất cả các loại cướp bóc, từ lối cướp đường của dân Tơrabuykerơ trong những hẻm núi Giaxa đến cách ăn cắp của người Da đỏ Cômăngsơ trong cái Hẻm Khả nghi. Các anh sẽ bảo: châu Âu vẫn hơn châu Á chứ? Tôi đồng ý châu Á là trò đùa; nhưng tôi không hiểu vì lẽ gì các anh cười ông Đại latma, các anh, những dân tộc phương Tây, đã đem những cái rác rưởi của vua chúa, từ cái áo lót mình dơ bẩn của hoàng hậu Idaben đến cái ghế thủng đít của Hoàng thái tử làm thành kiểu cách thời thượng và thanh tân? Các con người ơi! Tôi xin bảo các ngài, thôi đi, ở Bơruyxen, các người uống nhiều bia nhất, ở Xtôckôm nhiều rượu mạnh nhất ở Mađơrit ăn nhiều sôcôla nhất, ở Angxtecđam nhiều rượu đỗ tương nhất, ở Lôngđơrơ nhiều rượu vang nhất, ở Côngxtăngtinôplơ nhiều cà phê nhất, ở Pari nhiều rượu khổ ngải nhất. Đấy là tất cả những điều bổ ích cần biết. Nói tóm lại thì Pari hơn cả. Ở Pari những người nhặt giẻ cũng tế nhị như người Xabaritơ. Điôgien có lẽ muốn là một người nhặt giẻ ở quảng trường Môbe hơn là một nhà triết học ở Pari. Các anh nên biết thêm rằng những tiệm rượu của người nhặt giẻ gọi là Bibinơ; những tiệm nổi tiếng nhất là La Caxơron và Labatoa. Nào đâu tất cả các quán rượu, quán trà, tiệm ăn, rạp hát, các chai to, chai nhỏ, thùng lớn, thùng bé, bibinơ của những người nhặt giẻ và lữ quán của các vị quốc vương phương Đông, tôi chứng nhận với các ngài tôi là một gã ăn chơi hưởng lạc, mỗi bữa ăn của tôi ở tiệm Risa là 40 xu, tôi cần có những tấm thảm Ba Tư sang trọng đến mức hoàng hậu Clêôpatrơ trông thấy phải lăn mình lõa lồ trên đó. Nhưng Clêôpatrơ ở đâu? A! Em Luiđông đấy ư? Chào em!
Thao thao bất tuyệt, Gơrăngte túy lúy, đang ba hoa trong cái góc của chàng ở buồng trong tiệm cà phê Muydanh và kéo tay chị rửa bát đĩa vừa đi qua.
Bốtxuyê giơ tay ra định bắt anh thôi nói, nhưng Gơrăngte lại càng ba hoa hơn.
- Con phượng hoàng Mô, bỏ tay xuống. Cậu chẳng làm cóc gì được tôi với cái dáng điệu Ipôcratơ không nhận lễ Actaxéc. Tớ miễn cho cậu cái nhiệm vụ can mình. Vả lại mình đang buồn. Các anh muốn mình nói gì? Con người xấu lắm, con người chẳng ra hình thù gì. Con bươm bướm là vật hoàn mỹ. Con người là phế phẩm. Chúa đã nặn hỏng con vật này. Quần chúng là một mớ xấu xa chọn lọc. Kẻ nào cũng khốn nạn hết. Đàn bà vần với xấu xa. Phải, tôi chán chường, lại thêm buồn bã, thêm nhớ nhung, u uất và tôi cáu, tôi gắt, tôi ngáp, tôi ngán, tôi đập tôi, tôi quấy tôi. Chúa! Hãy xéo đi!
Bốtxuyê lại kêu:
- Im đi thôi R. hoa!
Bốtxuyê đang tranh luận với một nhóm khác về một điểm pháp luật và đang sa lầy vào một câu đầy tiếng lóng tư pháp.
- Còn tôi, tôi chỉ là một nhà luật học nửa mùa, giỏi lắm là một ông biện lý tài tử, tôi khẳng định điều này: theo tập quán của xứ Noócmăngđi vào dịp lễ Xanh Misen, mỗi năm phải nộp cho lãnh chúa một món thuế nếu không được miễn, tất cả mọi người và mỗi người, những chủ sở hữu, những kẻ bị tịch biên di sản, về tất cả các hợp đồng, trường kỳ tô tá, khế ước cho thuê, thế tập tài sản, hợp đồng về tài sản công cộng, cầm đồ thế sự.
Gơrăngte ngâm nga:
- Thế sự nhân tình ôi a!
Bên cạnh Gơrăngte có một cái bàn con với một tờ giấy, một lọ mực, một cái bút với hai ly rượu. Chắc chắn họ đang thai nghén một vở hài kịch. Chuyện lớn này phải bàn nhỏ và hai cái đầu đang chụm vào nhau làm việc:
- Hãy chọn tên nhân vật, khi có tên nhân vật, sẽ có chủ đề.
- Đúng rồi, đọc đi, mình ghi.
- Ông Đôrimông.
- Một lão sống về lợi tức?
- Đúng rồi.
- Con gái lão Xêlextinơ.
- …tinơ. Gì nữa?
- Đại tá Xanhvan.
- Xanhvan, cổ lắm. Nên gọi là Vanxanh.
Bên cạnh nhóm kịch tác gia tập sự, một nhóm khác thừa lúc ồn ào, thầm thì bàn với nhau chuẩn bị một cuộc đấu kiếm. Một chàng già, 30 tuổi khuyên một gã trẻ 18 và nói cho anh này biết rõ đối thủ của anh là ai.
- Chà! Phải đề phòng đấy! Một mũi kiếm cừ khôi đấy. Đường kiếm rất gọn, tấn công mạnh, không có miếng trá đao nào thừa, cổ tay dẻo, hoa nhanh, đánh như chớp, đỡ tài, phản công chính xác, hừ, thế mà lại còn cầm kiếm tay trái nữa chứ!
Ở góc đối lập với Gơrăngte, Giôly và Bahôren chơi đôminô và nói chuyện nhân ngãi, Giôly bảo:
- Cậu sướng nhé. Cô ả của cậu lúc nào cũng cười,
- Cô ta cười là sai lầm đấy. - Bahôren đáp - Nhân tình của ta mà cười là sai lầm, vì họ cười cũng như khuyến khích mình lừa họ. Thấy họ cười mình chẳng còn hối hận, nếu cô ả buồn, mình mới thấy áy náy.
- Đồ bạc bẽo! Một phụ nữ lúc nào cũng cười là rất quý! Không bao giờ có chuyện xô xát!
- Đó là do cái hiệp ước chúng mình đã ký với nhau. Khi làm cuộc liên minh thần thánh nhỏ đó, chúng mình đã quy định biên giới của mỗi bên, không bên nào được vượt quá. Phía gió bấc là xứ Vô, phía gió nam là xứ Gex. Do đó mà có hòa bình.
- Hòa bình là hạnh phúc đang tiêu hóa.
- Còn cậu Giôly, ra sao rồi, cuộc xích mích của cậu với ả… cậu biết mình nói ai rồi chứ?
- Cô ả vẫn làm mày làm mặt với mình một cách kiên trì, ác độc.
- Nhưng cậu vẫn là gã tình nhân đáng thương cảm vì gầy guộc.
- Chao ôi!
- Ở địa vị cậu thì mình phớt, mặc cô ta đấy.
- Nói thì dễ.
- Làm cũng dễ. Có phải cô ả tên là Muysisetta không?
- Phải, úi chà! Cậu Bahôren ơi! Một cô ả tuyệt vời, có khiếu văn thơ, chân nhỏ, tay xinh, ăn mặc bảnh, nõn nà, tròn trịa, đôi mắt tình tứ mơ mộng. Mình như say như dại.
- Thế thì cậu ạ, phải chiều cô ta thôi, diện sang, khéo điệu bộ. Đến cửa hàng Stôp sắm một chiếc quần len da bảnh. Ăn tiền đấy.
- Bao nhiêu?- Gơrăngte thét.
Ở góc thứ ba họ đang tranh luận về thơ ca. Thần thoại Hy Lạp tranh chấp với thần thoại Gia-tô. Các thần Ôlanhpơ được Giăng Pruve bảo vệ, với xu hướng lãng mạn của anh. Giăng Pruve chỉ nhút nhát lúc nghỉ ngơi. Khi đã bị kích thích, thì anh hùng hồn và trong sự hưng phấn có cái vui tươi. Lúc ấy, Giăng Pruve vừa vui vẻ vừa trữ tình.
- Ta chớ có chửi rủa thần thánh. Có lẽ thần thánh vẫn còn sống. Giuypite với tôi không phải đã chết. Các anh bảo thần thánh ảo mộng. Thế mà trong thiên nhiên, thiên nhiên nguyên vẹn như bây giờ, khi tất cả những ảo tưởng đó đã biến mất rồi, người ta vẫn còn tìm thấy tất cả những thần thoại lớn. Cái núi kia trông như một pháo đài, như ngọn Vinhơmalơ chẳng hạn, với con mắt tôi, vẫn là cái mũ của thần Xibelơ. Ai bảo rằng thần Răng đêm đêm không đến thổi vào thân cây liễu rỗng và lấy các ngón tay lần lượt bịt, mở các lỗ trên thân cây. Vả tôi vẫn thấy phảng phất bóng dáng nàng Iô trong cái thác Pixơvaxơ (Iô: nữ thần bị Giuypite biến thành bò cái. Thác Pissevanche dịch ra là thác Bò đái).
Trong góc cuối cùng họ bàn chính trị. Người ta mạt sát cái hiến chương do vua ban bố. Côngbơpherơ bênh vực yếu ớt, còn Cuốcphêrắc thì đập tơi bời. Chẳng may trên bàn lại có một bản hiến chương của Tukê, Cuốcphêrắc nắm lấy nó và mồm thì thao thao lý lẽ, tay thì vung vẩy tờ giấy.
- Thứ nhất, tôi không thích có vua. Dù chỉ xét về mặt kinh tế, tôi cũng không muốn có vua. Vua là một kẻ ăn bám. Vua không phải là một của cho không. Hãy nghe đây: sự đắt đỏ của vua Chúa. Khi vua Phơrăngxoa I chết, quốc trái của vua nước Pháp là ba mươi ngàn livơrơ; khi Lui XIV băng hà, nợ lên tới hai tỉ sáu trăm triệu với giá hai mươi tám livơrơ một mác, nghĩa là theo giá tiền 1760 với sự tính toán của Đêmarê, bốn tỉ năm trăm triệu và theo tiền bây giờ là mười hai tỉ. Thứ hai, dù Côngbơpherơ không vừa ý, phải nói rằng một hiến chương do vua ban bố là một thủ đoạn văn minh không tốt. Bảo vệ cái quá độ, làm êm dịu bước chuyển tiếp, làm nhẹ bớt sự rung chuyển, chuyển cả một dân tộc một cách yên lặng từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ, bằng những cái ảo tưởng lập hiến này, không có lý lẽ nào đáng ghét hơn. Không! Không! Đừng bao giờ đưa cho nhân dân một ánh sáng giả tạo. Các nguyên lý tàn lụi, vàng vọt đi cái hầm tối lập hiến của các anh. Không, không cho thoái hóa, không có thỏa hiệp nào cả. Không có cái gì do vua ban cho dân cả. Trong tất cả những sự ban ơn ấy, đều có cái điều khoản 14. Tay này đưa cho, vuốt kia nắm lại. Tôi cương quyết từ chối cái hiến chương của các anh. Một hiến chương là một cái mặt nạ, ở dưới là dối trá. Một dân tộc thừa nhận một hiến chương là đã thoái vị. Dân quyền chỉ là dân quyền khi nó trọn vẹn. Không! Không hiến chương gì cả.
Trời đang mùa đông, hai khúc củi đang cháy trong lò sưởi. Cám dỗ quá, Cuốcphêrắc không giữ tay nổi. Anh vò nát cái hiến chương Tukê tội nghiệp và ném vào đống lửa. Giấy cháy bùng. Côngbơpherơ như một nhà triết học, nhìn cái kiệt tác của vua Lui XVIII cháy và chỉ nói vài lời:
- Hiến chương hóa kiếp thành ngọn lửa.
Rồi thì chế nhạo, châm biếm, chơi chữ, giễu cợt, tất cả cái gọi là vui nhộn Pháp, là hài hước Anh, cái thanh nhã, cái thô kệch, những lý lẽ chính đáng, những lý lẽ bậy bạ, tất cả những tràng pháo vang rộn ràng trong đối thoại, từ mọi chỗ nổ tung lên một lúc, chằng chịt trên đầu mọi người như một cuộc bùng nổ vui vẻ.
@by txiuqw4