IV
ĐÓA HỒNG TRONG CẢNH CÙNG KHỔ
Một thiếu nữ trẻ măng đứng ngay giữa cái cửa hé mở. Cái cửa sổ con đối diện với cửa lớn để lọt ánh sáng bên ngoài vào, chiếu lên khuôn mặt cô một thứ ánh sáng nhờ nhờ. Cô xanh xao, gầy gò, hốc hác; cô chỉ phong phanh một cái áo trong và một cái váy, người lạnh cóng run lẩy bẩy. Thắt lưng bằng dây, búi tóc cũng bằng dây; hai vai gầy, giơ cả xương ra ngoài áo. Nước da nhợt nhạt, xương vai xám xịt, bàn tay thì đỏ bầm, miệng mất mấy cái răng, con mắt đục, táo tợn, nhìn ngược. Cô có cái dáng một thiếu nữ cằn cỗi và cái nhìn của một mụ gái già dày dặn, năm mươi tuổi pha với mười lăm. Một con người vừa yếu đuối, vừa khủng khiếp làm cho những ai không rớt nước mắt thì phải rùng mình ghê sợ.
Mariuytx đứng dậy, sững sờ nhìn thiếu nữ giống như những hình bóng chập chờn trong giấc mơ.
Điều thương tâm nhất là cô ta vốn không phải sinh ra xấu xí. Trái lại thuở bé thơ, có lẽ cô ta xinh lắm. Cái yêu kiều của tuổi trẻ còn đang chống chọi với già cỗi ghê tởm đến quá sớm, trong cảnh đời trụy lạc, nghèo khổ. Một chút nhan sắc đang tàn tạ trên khuôn mặt mười sáu tuổi, giống như mặt trời vội ùa sau những đám mây khủng khiếp một buổi sớm ngày đông.
Mariuytx trông thiếu nữ cũng hơi quen quen. Hình như đã gặp ở đâu. Chàng hỏi:
- Thưa cô, cô hỏi gì?
Thiếu nữ trả lời, giọng cô giống như giọng một tên tù say rượu:
- Ông có cái thư, ông Mariuytx ạ.
Cô gọi đúng tên chàng. Thế thì chính là cô hỏi chàng, không thể khác. Nhưng cô ta là ai? Làm sao mà biết được tên chàng?
Không cần đợi chàng mời, cô cứ tiến vào. Cô đi mạnh dạn, cô nhìn khắp gian phòng, cả cái giường bừa bộn, rất tự nhiên, khiến chàng thấy lòng se lại. Hai chân cô giẫm đất. Váy thủng nhiều chỗ, để lộ cả ống chân khẳng khiu và đầu gối gầy giơ xương. Cô rét run cầm cập.
Cô đưa cho chàng bức thư cầm ở tay.
Mariuytx mở thư, thấy vết niêm xi to rộng hãy còn ướt. Chắc người gửi thư cũng ở gần đây thôi. Chàng đọc:
“Thưa ông hàng xóm thanh niên đáng mến,
Tôi được biết sáu tháng chước đây, ông có lòng tốt trả hộ tôi món tiền nhà. Tôi cầu mong ông hưởng mọi sự tốt lành. Con gái lớn của tôi sẽ thưa để ông rõ gia đình tôi gồm bốn miệng ăn, vợ tôi thì đang ốm, từ hai hôm nay cả nhà chưa có hột nào vào miệng. Tôi tin rằng tôi có thể hy vọng ở tấm lòng hào hiệp của ông, ông sẽ thương lấy chúng tôi và xẵn lòng ban cho chúng tôi chút gì trong lúc khó khăn này.
Tôi xin kính chào ông, một kẻ ban phúc cho nhân loại.
GIÔNGĐƠRÉT
T.B. Thưa ông, con cháu sẽ đợi lệnh ông”.
Từ hôm qua, Mariuytx vẫn loay hoay với câu chuyện vừa qua kỳ dị, tối tăm, thì bức thư này đến như một ngọn nến thắp lên trong hầm kín. Tất cả như bừng tỏ.
Người viết thư này cũng là người viết bốn bức thư kia. Cũng một thứ chữ, cùng một giọng văn, cùng một lối viết, cùng một thứ giấy, cùng một mùi thuốc lá.
Năm lá thư, năm câu chuyện, năm tên người, năm chứ ký, nhưng chung quy chỉ một người. Viên đại úy Tây Ban Nha Anvare, bà mẹ Balida đáng thương hại, nhà viết kịch Giăngphơlô, lão nghệ sĩ Phabăngtu đều là Giôngđơrét cả, nếu Giôngđơrét không là một tên giả nốt.
Như ta biết, Mariuytx về ở căn nhà này đã khá lâu, nhưng Mariuytx có mấy khi thấy bóng những người hàng xóm nhỏ mọn sống cạnh chàng. Tâm trí chàng để tận đâu đâu, mà trí ở đâu tức là mắt ở đó. Chắc hẳn chàng đã gặp những người trong gia đình Giôngđơrét nhiều lần ngoài hành lang hay dưới cầu thang; nhưng đối với chàng, họ chỉ là những cái bóng. Chàng vô ý đến nỗi tối hôm qua đâm phải hai cô Giôngđơrét mà không nhận biết; đích là hai cô, chẳng còn gì khác. Và cũng vì thế mà khi cô này vừa bước chân vào nhà, chàng vừa cảm thấy thương hại, ghê tởm, vừa mang máng nhớ như đã có gặp cô ta ở đâu rồi.
Bây giờ chàng rõ tất cả. Chàng hiểu rằng lão láng giềng trong cơn khốn quẫn, dùng thủ đoạn lợi dụng lòng hảo tâm của những người từ thiện: lão tìm kiếm địa chỉ của những người có vẻ có máu mặt và có vẻ nhân từ, rồi giả danh người này người khác viết thư cho họ, lão sai con gái đi đưa thư, mặc cho chúng ra sao thì ra. Tỉnh cảnh lão buộc lão phải hy sinh con gái. Lão liều một phen với số mệnh, lão đưa con gái vào tấn trò nguy hiểm. Cứ một việc qua, hai cô chạy trốn, thở không ra hơi, chết khiếp, rồi nói mấy câu tiếng lóng. Mariuytx cũng đủ đoán rằng hai cô kia còn làm nghề ám muội gì đây. Thế nên trong xã hội loài người hiện nay mới có những kẻ khốn khổ như thế kia, những người không phải là trẻ con, không phải là thiếu nữ, không phải là bà già. Họ là những quái tượng ô uế và thơ ngây, sản phẩm của đói nghèo.
Những con người ấy sống không tên không tuổi, chẳng ra đàn ông chẳng ra đàn bà, chẳng biết gì là thiện là ác, vừa lớn lên đã mất hết tất cả mọi thứ trên cuộc đời, tự do không, đạo đức không, trách nhiệm cũng không. Những tâm hồn ấy mới hé mở ngày hôm qua, hôm nay đã tàn héo. Giống như những bông hoa rơi ngoài đường, bùn nhơ dây lên be bét, cho đến khi một bánh xe lăn qua nghiến nát.
Trong lúc Mariuytx nhìn thiếu nữ chằm chằm, vừa ngạc nhiên vừa xót xa thì cô ta đi đi lại lại trong phòng, táo bạo như một con quỷ. Cô đi lại lăng xăng, thân thể lõa lồ cũng mặc. Thỉnh thoảng cái áo lại tụt xuống tận bụng. Cô xô bàn ghế, nghịch ngợm cái gương, cái lược trên mặt tủ, sờ mó vào quần áo của Mariuytx, lục lọi các thứ ở trong xó nhà. Cô ta nói:
- Ô kìa! Ông có cái gương!
Cô cất tiếng khe khẽ hát như ở chỗ không người; cô hát vài đoạn ca kịch, mấy điệp khúc nhí nhảnh. Giọng cô khàn khàn trong cổ họng làm cho điệu hát thành ra rợn người. Cái dáng táo bạo của cô như vẫn ngượng ngùng, bâng khuâng, e thẹn, trâng tráo bao giờ chả là một điều hổ thẹn.
Không gì thảm bằng nhìn cô ta nô giỡn trong buồng, như con chim gãy cánh hay con chim sợ ánh sáng bay tứ tung. Có lẽ nếu số phận đổi khác, hay cô được hưởng một sự giáo dục khác, hẳn dáng điệu tươi vui và tự nhiên của cô sẽ có một vẻ dịu dàng, dễ thương biết bao nhiêu. Trong các loài vật, không bao giờ một con chim bồ câu có thể biến thành con diều hâu. Chỉ có loài người mới như thế mà thôi.
Mariuytx nghĩ ngợi, mặc cho cô ta làm gì thì làm.
Cô đến gần bàn, nói:
- Úi chà! Lại sách nữa này!
Con mắt đục mờ bỗng sáng lên. Giọng cô hớn hở như muốn khoe điều gì, cái giọng ấy không ai nghe thấy mà không cảm động:
- Ấy, em cũng biết đọc đấy nhé.
Cô chụp quyển sách để mở trên bàn và đọc khá trôi chảy:
“Tướng Bôđoăng được lệnh dẫn năm tiểu đoàn đánh chiếm lâu đài Hugômông ở chính giữa đồng bằng Oatéclô…”
Cô ngừng lại nói:
- À! Oatéclô. Em biết rồi. Trận đánh nhau ngày trước chứ gì! Bố em cũng dự đấy nhé. Bố em chả ở quân đội mà! Chúng em, cả nhà ai cũng theo phái Bônapác hết, theo hăng lắm. Oatéclô là chống bọn quân Anh đấy mà…
Cô đặt sách xuống, vớ lấy cái bút, reo lên:
- Em biết viết nữa cơ!
Cô chấm mực rồi quay lại bảo Mariuyt:
- Ông xem đây này. Để em viết cho mà xem.
Chẳng đợi Mariuytx trả lời, cô viết ngay trên một tờ giấy ở giữa bàn mấy chữ: “Bọn cớm đấy”.
Rồi quẳng bút xuống bàn:
- Viết chẳng phạm lỗi gì cả… ông nhìn xem. Hai chị em trước cũng đi học đấy. Trước kia có khổ như bây giờ đâu, chúng em chẳng phải…
Nói đến đây, cô bỗng ngừng lại, con mắt mở chằm chằm nhìn Mariuytx, rồi phá lên cười. Giọng cô có lẫn những nỗi hoang mang đã bị sự trâng tráo bóp nghẹt. Cô kêu:
- Trối thây!
Thế rồi cô lại cất tiếng vui vui khẽ hát:
Đói quá, cha ôi,
Làm gì có cháo.
Rét quá, mẹ ôi,
Làm gì có áo.
Lôlốt
Run run
Giắccô
Sùi sụt
Hát vừa dứt cô đã reo lên:
- Ông Mariuytx này, ông có đi xem hát bao giờ không? Em có đi đấy nhé. Em có thằng em chơi thân với tụi nghệ sĩ, thỉnh thoảng nó cho vé. Em chúa ghét ở cái ghế dài hàng bên; đến khó chịu, chẳng lý thú gì. Lắm người đến thô tục, có khi hôi ghê lắm cơ.
Rồi cô nhìn Mariuytx, ra vẻ lạ lùng, bảo chàng:
- Ông Mariuytx, ông có biết ông xinh trai lắm không?
Hai người cùng nảy ra một ý nghĩ, thiếu nữ mỉm cười, còn Mariuytx đỏ cả mặt.
Cô đến gần Mariuytx, đặt tay lên vai chàng.
- Ông không để ý đến em, chứ em biết ông lắm. Ở nhà thì gặp dưới cầu thang. Em còn có biết ông hay đến nhà cái ông Mabớp, bên cầu Auxtéclít, em đi chơi đấy gặp luôn. Tóc ông bơ phờ, trông ra dáng lắm.
Cô cố lấy giọng êm ái mà nói, nhưng tiếng cô chỉ bé đi thôi. Mấy tiếng nói mất đi trong miệng, như cây đàn thiếu cung.
Mariuytx se sẽ lùi lại. Chàng nói giọng nghiêm trang và lãnh đạm:
- Thưa cô, tôi nhặt được một gói gì hình như của cô. Xin trả lại cô.
Chàng đưa cái phong bì đựng bốn bức thư cho người con gái.
Cô vỗ hai tay vào nhau kêu lên:
- Thế mà chúng em tìm mãi.
Cô vồ lấy cái gói, vừa mở phong bì vừa nói:
- Trời ơi là trời! Thế mà con bé với em tìm mãi! Hóa ra ông nhặt được. Ở dưới phố phải không? Ở dưới phố chứ gì? Đã bảo mà, lúc chúng em chạy thì rơi mất. Con ranh nó đoảng lắm. Về đến nhà mới thấy mất từ đời nào. Thế là chúng em nói với nhà là đã đưa tuốt cả thư rồi và chẳng ai cho gì để khỏi phải đòn, đòn vô lý, vô lý hết sức, hoàn toàn vô lý. Thế mà khổ thân mày, thư ơi là thư, mày lại lù lù đây rồi. Thế sao ông biết là thư của em? À quên, vì chữ viết mà lị. Thế ra chúng em xô phải ông tối hôm qua à? Có trông thấy quái gì đâu. Em hỏi con bé: “Có phải một ông sang trọng không?” Nó bảo: “Hình như một ông sang trọng”.
Vừa nói, cô vừa mở bức thư xin tiền gửi “ông có lòng từ thiện ở nhà thờ Xanh Sắc đuy Hôpa” rồi nói:
- Này cái thư này gửi lão già vẫn đi lễ. Đến giờ rồi, phải đi ngay mới được. May ra xin được tiền ăn sáng.
Rồi cô lại cười nói thêm:
- Nếu được ăn bữa sáng nay thì ông có biết là thế nào không? Thì tức là được ăn cả bữa sáng hôm kia, bữa chiều hôm kia, bữa sáng hôm qua, bữa chiều hôm qua, ăn dồn cả năm bữa vào bữa sáng hôm nay một thể mà lị. Mẹ kiếp, đứa nào không bằng lòng thì cứ chết mẹ nó đi, đồ chó chết.
Câu nói chợt nhắc Mariuytx nhớ ra thiếu nữ đến đây cốt xin tiền.
Chàng lục tìm túi gi-lê, chẳng có gì.
Thiếu nữ nói tiếp, hình như không biết Mariuytx có đấy:
- Lắm tối em phải mò đi. Đêm chẳng về nhà nữa. Mùa rét năm ngoái, chưa đến đây ở, chúng em ở ngoài gầm cầu. Cứ ôm lấy nhau cho đỡ buốt. Con bé em em cứ khóc mãi. Trời ơi, nước ôi là nước, sao mà thê thảm thế. Em định nhảy xuống tự tử là em lại nghĩ thầm: rét chết cha! Em đi thui thủi một mình. Lắm khi phải nằm hố. Đêm đi ngoài phố, trông cây cối cứ tưởng cột treo cổ, nhà cửa thì đen ngòm trông to như tháp chuông nhà thờ Đức Bà; tường quét vôi trắng thì trông ra dòng sông, em nghĩ thầm: nước đây này. Những ngôi sao trên trời giống như những ngọn đèn những tối hoa đăng đang bốc khói bị gió thổi tắt. Em hốt hoảng như nghe thấy ngựa thở bên tai. Đêm khuya, thế mà em nghe thấy tiếng đàn phong cầm, tiếng máy sợi, chẳng biết tại sao. Em tưởng như có ai lấy đá ném em, em cứ thế chạy, mọi vật cứ quay, quay tít cả lên. Lúc đói thì lạ lắm!
Thiếu nữ nhìn Mariuytx vẻ mặt ngơ ngác.
Chàng lục soát các túi, mãi mới được số tiền cả thảy là năm phơrăng mười sáu xu. Cả gia sản chỉ còn chừng ấy. Chàng nghĩ thầm: “Vẫn còn đủ ăn bữa chiều nay, mai hẵng hay”. Chàng giữ lấy mười sáu xu và đưa cho thiếu nữ năm phơrăng.
Cô cầm lấy tiền rồi nói:
- Được, nắng rồi đây.
Rồi hình như ánh nắng có tính chất làm tan trong đầu óc cô cả một đống những tiếng lóng. Cô liến thoắng:
- Năm phơrăng! Chất sáng mà! Hoàng thượng! Trong quán! Nặng đây. Ông là một đầu mục cừ. Tôi cảm quá trong ức này. Hoan hô thứ lóc có đó. Hai hôm có cái lũm. Có cao su! Có cái dòn. Có cái nhai nhậu rồi!
Cô kéo cái áo lên vai, cúi chào Mariuytx, rồi vẫy tay thân mật, vừa bước ra vừa nói:
- Chào ông. Để em về đưa ông via nhà em.
Qua cái tủ, cô thấy một mẩu bánh đã khô, mốc meo, bám đầy bụi. Cô vồ lấy, cắn một miếng, miệng lầm bầm:
- Hay quá! Mà rắn bỏ cha! Gãy mẹ nó cả răng.
Rồi cô đi ra.
V
LỖ HỔNG CHÚA TRỔ TRÊN VÁCH
Từ năm năm nay, Mariuytx đã sống trong cảnh nghèo nàn, hoàn toàn thiếu thốn, nhiều khi khổ cực nữa, nhưng chàng chưa hề biết thế nào là cảnh khốn cùng thực sự. Cảnh khốn cùng, chàng vừa nhác thấy. Thấy ở con bọ vừa bò qua dưới mắt chàng. Thấy một người đàn ông trong cảnh khốn cùng là chưa thấy gì hết, phải thấy cảnh khốn cùng của một người đàn bà: mà chỉ thấy cảnh khốn cùng của người đàn bà cũng là chưa thấy gì hết, phải thấy một đứa trẻ trong cảnh khốn cùng.
Khi người ta đã đến bước đường cùng thì người ta phải sử dụng những phương tiện cuối cùng. Vô phúc cho những kẻ không sức tự vệ sống quanh họ. Công ăn việc làm, đống củi, tấm bánh, lòng can đảm, cho cả đến thiện chí, họ đều thiếu tuốt. Bên ngoài, cảnh trời sầm lại; trong lòng người cái ánh sáng đạo dức cũng tắt ngấm. Trong vùng bóng tối ấy, kẻ đàn ông cùng đường nếu vớ được đàn bà và con trẻ yếu đuối, lập tức vùi dập họ vào những nơi ô nhục.
Thế là người ta lao vào tất cả những việc khủng khiếp. Tuyệt vọng quây bằng những vách mỏng mảnh, những vách đó đều mở cửa vào tật xấu và tội ác.
Sức khỏe, tuổi thơ, danh dự, những e ngại rụt rè thiêng liêng và ghê gớm của da thịt còn trong trắng, trái tim trinh tiết, thẹn thùng, lần da ngoài của tâm hồn, tất cả đều bị cái mò mẫm liều lĩnh đi tìm sinh kế lợi dụng, dày vò, dẫn tới ô nhục, rồi quen đi. Cha mẹ, con cái, anh em, chị em, đàn ông, đàn bà, con gái, tất cả gắn chặt với nhau như một khối kim loại hay một cái mớ hỗn độn, mờ mịt, lẫn lộn trai gái, họ hàng, già trẻ, ô nhục, trong trắng. Họ ngồi xổm, lưng sát vào nhau trong một cái ổ số phận tồi tệ. Họ nhìn nhau thê thảm. Ôi những con người xấu xố, xanh xao, rét mướt! Hình như họ ở một hành tinh xa mặt trời hơn trái đất chúng ta nhiều lắm.
Thiếu nữ lúc nãy như một sứ giả của bóng tối đến với chàng.
Cô phơi bày một phía ghê tởm của đêm tối.
Mariuytx gần như tự trách mình quá đắm đuối trong mơ mộng, trong yêu đương, đến nỗi không nhòm ngó gì tới những kẻ hàng xóm. Trả một món tiền nhà, đó chỉ là một cử chỉ máy móc, ai mà không làm được! Mariuytx phải làm hơn thế chứ! Lạ nhỉ, chỉ một bức tường ngăn cách chàng với những kẻ bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ sống vất vưởng trong bóng tối, bên ngoài nhân loại, chàng thì như cái mắt xích cuối cùng nối liền họ với loài người, chàng vẫn thấy họ sống, đúng hơn, vẫn nghe thấy tiếng họ rên rỉ bên cạnh chàng, thế mà chúng không hề biết đến.
Ngày kia qua ngày nọ, lúc nào qua bức vách, chàng cũng nghe thấy họ đi lại, nói năng, mà không để vào tai; trong những lời nói ấy, có những tiếng rên rỉ, mà chàng cũng chẳng nghe. Ý nghĩ của chàng để tận đâu đâu, trong mơ mộng, ở những hào quang không tới được những tình yêu không tưởng, những điên rồ; thế mà có những con người, những anh em của chàng trong xương thịt chúa Giêsu; những anh em của chàng trong nhân dân đang ngắc ngoải bên cạnh chàng chẳng được ích gì! Chàng cũng là một phần tai họa cho họ và làm cho họ đau khổ thêm. Vì nếu họ có một người láng giềng ít mơ mộng hơn và để ý đến họ hơn, một người bình thường và từ thiện, thì chắc chắn cảnh cùng quẫn của họ đã được để ý, những tín hiệu tuyệt vọng của họ đã được nhận thấy và từ lâu rồi họ đã được đón đi và được cứu vớt. Đúng là họ có vẻ trụy lạc, xấu xa, hèn hạ, ghê tởm nữa, nhưng có mấy người rơi vào cảnh bần cùng mà không mất mất phẩm giá? Vả lại có một điểm mà những người xấu số và những kẻ xấu xa hòa vào nhau, lẫn lộn trong một danh từ khắc nghiệt: những người khốn nạn… lỗi tại ai? Vả lại, chẳng phải là khi sự sa sút sâu nhất thì lòng từ thiện cần phải lớn nhất sao?
Trong khi tự lên lớp cho mình bài học luân lý ấy - có những trường hợp mà Mariuytx, cũng như tất cả những tấm lòng thật lương thiện, biến thành những thầy giáo đạo đức của chính mình và tự quở trách mình quá nặng - Mariuytx nhìn cái bức vách ngăn cách chàng với gia đình Giôngđơrét, như có thể cho cái mắt nhìn đẩy tình thương của mình xuyên qua bức vách và làm ấm lòng những người đau khổ ấy.
Bức vách, chỉ là mấy cái rường gỗ, nan thưa trát vôi mỏng, ở bên này nghe người bên kia nói rõ mồn một; phải là người mơ mộng như Mariuytx mới không nghe thấy gì hết. Vách dựng đơn sơ cẩu thả, bên phía buồng Giôngđơrét cũng như phía buồng Mariuytx, chẳng dán giấy gì cả. Vô tình, chàng nhìn kỹ bức vách; có khi con mắt mơ màng cũng trông tìm quan sát như con mắt suy nghĩ. Chàng bỗng đứng phắt dậy. Chàng vừa thấy ở phía trên, gần trần nhà, một cái lỗ hổng hình tam giác, giữa ba nan gỗ, vôi vữa đã rơi từ bao giờ. Trèo lên cái tủ mà nhòm qua lỗ hổng có thể nhìn sang buồng nhà Giôngđơrét được. Lòng trắc ẩn thường tò mò và cần phải tò mò. Cần phải nhìn trộm những kẻ xấu số mà cứu vớt họ. Mariuytx nghĩ bụng: Thử xem người ta thế nào và bây giờ ra sao.
Chàng trèo lên nóc tủ, ghé mắt nhòm qua khe hở.
@by txiuqw4