sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển X - Chương 03

III

MỘT ĐÁM TANG: CƠ HỘI ĐỂ TÁI SINH

Mùa xuân năm 1832

Ba tháng rồi, bệnh dịch tả đã làm mọi người khiếp vía và khiến cho đầu óc mọi người trước kia hỗn loạn, nay đã dịu dần đi trong cảnh u buồn. Tuy vậy, Pari từ lâu hình như đã sẵn sàng chờ một cuộc chấn động. Thành phố to lớn này giống như một khẩu trọng pháo. Nạp đạn rồi, chỉ cần một ngòi lửa là viên đạn bay ra. Tháng Sáu năm 1832 cái chết của tướng Lamác chính là cái tia lửa châm ngòi vậy. Lamác là một người có danh vọng và một con người hành động. Trong thời đế chế cũng như trong thời gian quân chủ phục hưng, ông đã có được hai loại dũng cảm kế tiếp nhau, cần thiết cho hai giai đoạn: dũng cảm trên bãi chiến trường và dũng cảm trên diễn đàn. Ông ăn nói hùng hồn cũng như ông đã từng chiến đấu anh dũng. Trong lời nói của ông nghe như có gươm đao. Cũng như tướng Phôi,[213] người đi trước ông, sau khi đã nêu cao quân lệnh, ông đã nêu cao quyền tự do. Ở nghị viện, ông ở giữa phái tả và phái cực tả. Nhân dân yêu quý ông, vì ông dám chọn phía tương lai, dân chúng thích ông, vì ông đã tận trung với hoàng đế. Cùng với các bá tước Giêra và Đruê, ông là một thống chế cỡ nhỏ[214] của hoàng đế Napôlêông. Những hòa ước 1815 làm ông bất bình như là một điều xúc phạm đối với bản thân. Ông căm ghét Oenlinhtơn ra mặt nên quần chúng càng ưa thích ông. Mười bảy năm nay, trong khi thờ ơ đối với những biến cố quá độ, ông vẫn khẳng khái giữ nguyên mối buồn về trận Oatéclô. Khi hấp hối, đến phút cuối cùng ông còn xiết chặt vào ngực thanh gươm mà các võ quan thời Bách nhật đã trao tặng. Napôlêông chết, miệng còn nhắc hai chữ quân đội. Lamác mất đi, miệng còn lẩm bẩm hai tiếng Tổ quốc.

[213] Foy: một nghị viên tiến bộ.

[214] Nguyên văn Latinh: inpetlo.

Mọi người đều biết ông sắp chết. Nhân dân lo ngại vì đó là một tổn thất cho họ, chính phủ lo ngại vì đó là một cơ hội bạo động. Cái chết của ông là một tang chung. Như mọi điều chua xót, lòng nhớ tiếc có thể biến thành sự nổi loạn. Mà quả thực thế.

Ngay hôm trước và sáng ngày 5 tháng Sáu là ngày đưa đám, ở Xanh Ăngtoan, nơi đám tang đi qua, xem có vẻ dễ sợ. Ở đây phố xá đông đúc đâm ra nhốn nháo. Ai cũng lo tự võ trang với những điều kiện của mình. Những người thợ mộc mang theo cái mấu ở bàn làm nghề "để phá cửa". Một anh lấy cái móc của nhà làm giày rơm, bỏ đầu móc, mài nhọn đoạn dưới, để dùng làm dao găm. Một anh khác, nóng ruột muốn đánh nhau quá, nén ba ngày liền mặc nguyên quần áo mà ngủ. Một người thợ mộc là Lombiê, gặp một người bạn. Người bạn hỏi: Cậu đi đâu? - Tớ chẳng có khí giới gì hết - Thì rồi sao? - Tớ đến xưởng lấy cái compa - Để làm gì? - Cũng chẳng biết. Một anh là Giắccơlin, người tháo vát, gặp người thợ nào cũng gọi: Này lại đây! Anh ta đãi mười xu rượu vang và nói: Đã có công việc chưa? - Chưa. - Cứ đến nhà Phitpie ở giữa cửa Môngtơrơi và cửa Saron thì sẽ có việc mà làm. Ở nhà Phitpie có đạn dược và khí giới. Một vài người cầm đầu quen thuộc chạy từ nhà này sang nhà khác để tập hợp quần chúng. Khách uống rượu ở tiệm Bactêlêmi, gần cửa Duy Tơrôn, ở tiệm Capen xóm Pơti Sapô, gặp nhau chào hỏi nghiêm trang. Họ bảo nhau: - Súng ngắn cậu giấu ở đâu? - Trong áo khoác. Còn cậu? - Trong sơ mi! Đường Tơravécxie, trước xưởng Rôlăng và ở sân Medông Bruylê, trước xưởng dụng cụ của Bécniê, tốp này tốp nọ đang to nhỏ với nhau. Trong đám này thấy có anh Mavô nào đó là người hăng hái nhất. Hắn ta không bao giờ làm việc trong một xưởng được quá một tuần, vì bọn chủ đuổi đi bởi lẽ ngày nào cũng phải cãi nhau với hắn. Hôm sau Mavô bị giết ở chiến lũy đường Mêninmôngtăng. Pơrêtô, sau này cũng chết trong chiến đấu, là trợ thủ của Mavô. Gặp ai hỏi: Mày theo đuổi mục đích gì? Hắn trả lời ngay: - Khởi nghĩa. Công nhân tập hợp ở góc phố Bécxi đợi một chàng tên là Lơmaranh, cán bộ cách mạng của ô Xanh Mácxô. Họ trao đổi khẩu hiệu cho nhau gần như công khai.

Ngày 5 tháng Sáu ấy trời vừa mưa vừa nắng. Đám tang của tướng Lamác đi qua Pari theo nghi lễ nhà binh, có vẻ trang nghiêm hơn một chút vì chính phủ có ý đề phòng. Hai tiểu đoàn bộ binh trống trùm dạ đen, súng chúc xuống đất, một vạn quốc dân quân gươm đeo cạnh hông và đoàn pháo của họ đi đưa đám. Xe tang do một đoàn thanh niên kéo đi. Các võ quan trong viện thương binh theo ngay sau xe, tay cầm những cành nguyệt quế. Còn đằng sau là một đám đông không biết bao nhiêu mà kể, nhốn nháo, lạ lùng, người thì có chân trong hội Bạn Dân, trường luật, trường thuốc, lại có những người tị nạn của tất cả các nước, cờ Tây Ban Nha, cờ Ý, cờ Đức, cờ Ba Lan, cờ tam tài treo ngang, đủ mọi thứ cờ. Đây là trẻ em tay cầm những cành lá xanh, đây là thợ đá, thợ mộc đang đình công, thợ in dễ nhận ra ở cái đầu đội mũ giấy. Chỗ này hàng hai, chỗ kia hàng ba, vừa đi vừa reo. Hầu hết mọi người cầm gậy hoa lên. Có người lại tuốt cả kiếm. Tuy không theo trật tự nào cả nhưng tất cả đều có chung một linh hồn. Có khi nom ra hỗn độn, có khi lại hàng ngũ chỉnh tề. Có đội tự chọn ngay người chỉ huy. Một người với hai khẩu súng ngắn, ai cũng nom thấy hình như vừa đi vừa điểm những người đi qua. Những hàng người giãn ra trước mặt anh ta. Hai bên vệ đường, giữa các cành cây, ở các cửa sổ, ở các bao lơn, trên các mái nhà, đầu người lố nhố: đàn ông, đàn bà, trẻ con, người nào người nấy mắt nhìn nhớn nhác. Một đám đông mang khí giới kéo đi, một đám đông ngơ ngác đứng nhìn.

Về phía mình, chính phủ cũng theo dõi. Vừa theo dõi vừa nắm chặt chuôi gươm. Ở quảng trường Luy XV, bốn tiểu đoàn xạ thủ ngồi trên lưng ngựa, lính kèn dàn trước. Ở xóm latinh và vườn bách thảo, đội vệ binh thành phố được dàn trải khắp các phố. Ở Chợ rượu, một tiểu đoàn lính đầu rồng, một nửa trung đoàn kỳ binh thứ 12 đóng ở La Gơrevơ, còn một nhà thì đóng ở ngục Bátxti. Đại đội lính đầu rồng thứ 6 đóng ở Xêlextanh, còn pháo thì dàn chật ních cả sân điện Luvơrơ. Số quân đội còn lại thì phải thường trực trong trại, không kể những trung đoàn đóng xung quanh Pari. Chính phủ lo sợ đã sắp sẵn hai vạn bốn ngàn lính ở trong thành phố và bốn vạn lính đóng ở ngoại ô để đối phó với đám quần chúng đầy hăm dọa.

Trong đoàn người đi đưa ma có những tiếng xì xào. Người thì nói đến những âm mưu của phái chính thống. Người thì nói đến công tước Raisơtát,[215] nhưng công tước lại chết đúng lúc quần chúng bàn bạc muốn lập làm hoàng đế. Một người không rõ là ai, tuyên bố rằng đến giờ quy định, hai viên đốc công đi theo cách mạng sẽ mở cửa một xưởng làm súng đạn để nhân dân vào lấy. Trong đám người đưa tang để đầu trần, người ta thấy phần đông lộ vẻ phấn khởi xen lẫn với vẻ lo âu. Trong đám đông đang có những xúc động mãnh liệt nhưng cao thượng kia, người ta cũng thấy xuất hiện ra đây đó những bộ mặt lưu manh chính cống, và những mồm miệng đê hèn đang nói: chuyến này phải kiếm một mẻ. Đôi khi cái ao tù bị xáo động đến nỗi bùn dưới đáy ao cũng vẩn lên mặt nước đục ngầu. Đó là một hiện tượng không phải không dính dáng đến những ngành an ninh "khéo tổ chức".

[215] Con của Napôlêông, chết trẻ (1811 – 1832)

Đám tang đi từ từ, nhưng lòng người nôn nao, từ nhà tang qua các đại lộ đến ngục Bátxti. Chốc chốc trời đổ mưa. Nhưng quần chúng nào có để ý đến mưa! Có nhiều việc xảy ra: người ta rước linh cữu đi quanh cột đồng Văngđôm, công tước Phít Giêm đứng trên bao lơn bị ném đá vì không giở mũ, con gà trống tiêu biểu cho nước Pháp ở trên một lá cờ của dân chúng bị giật ra và xéo dưới bùn, ở cửa Xanh Máctanh một người cảnh sát bị chém trọng thương, một võ quan thuộc đội khinh kỵ thứ 12 hô lớn: tôi theo phái cộng hòa, sinh viên trường Bách khoa bị giữ mãi trong trường, bây giờ mới chạy ùa ra, vừa đến đã có tiếng hô: trường Bách khoa muôn năm! Nền cộng hòa muôn năm! Những tiếng hô đó đánh dấu lộ trình của đoàn tang. Đến ngục Bátxti, có những hàng dài người đi xem có vẻ hung hăng. Họ từ ngoại ô Xanh Ăngtoan kéo đến, chắp nối với đoàn tang. Bấy giờ một thứ sục sôi dễ sợ bắt đầu thúc đẩy, lôi cuốn đám đông.

Một người đang bảo một người khác: Cậu nhìn kỹ lão râu đỏ kia, hắn sẽ ra lệnh phát hỏa đấy. Nghe đâu cũng anh chàng râu đỏ này về sau lại giữ nhiệm vụ đó trong một cuộc bạo động khác là vụ Kênitxê.

Xe tang đi qua ngục Bátxti, đi dọc theo con sông đào qua một cái cầu nhỏ và đến cái bệ của cầu Auxtéclít. Đến đó thì dừng lại. Bấy giờ nếu nhìn từ trên cao xuống thì đám tang giống như một ngôi sao chổi. Đầu ngôi sao ở nơi bệ cầu và đuôi sao tỏa suốt bờ sông Buốcđông ôm cả Bátxti, kéo dài trên đại lộ đến tận cửa ô Xanh Máctanh. Xung quanh linh cữu, người ta đứng thành vòng tròn. Cả đám người đông đúc nhốn nháo bỗng im bặt. Laphaydét[216] nói mấy lời vĩnh biệt. Thật là một phút trang nghiêm và cảm động. Mọi người cất mũ, mọi con tim đều đập mạnh. Bỗng nhiên một người mặc toàn đen cưỡi ngựa, hiện ra trong đám đông với một lá cờ đỏ, có người lại bảo với một ngọn giáo cầm một cái mũ đỏ. Laphaydét quay mặt. Ecxenman[217]rời khỏi đám tang.

[216] Lafayette: Tướng đã tham gia tình nguyện cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân Hoa Kỳ, tham gia cách mạng Pháp 1789 và 1830.

[217] Exelmans: Thống chế Pháp, cũng thuộc phái tiến bộ

Lá cờ đỏ gây nên một cơn bão táp và biến đi trong cơn bão táp. Từ đại lộ Buốcđông đến cầu Auxtéclít tiếng reo hò nổi lên như những đợt sóng làm tất cả mọi người xúc động. Hai tiếng thét nổi lên vang dội lạ thường: Đưa Lamác vào điện Păngtêơng! Đưa Laphaydét vào thị sảnh. Giữa tiếng hoan hô của quần chúng, nhiều thanh niên kéo xe linh cữu của Lamác qua cầu Auxtéclít và rước Laphaydét lên xe ngựa kéo dọc theo bờ sông Móclăng.

Trong đám người vây quanh và hoan hô Laphaydét người ta để ý và chỉ cho nhau thấy một người Đức tên là Lutvích Xơniđơ về sau thọ đến trăm tuổi. Ông ta cũng có tham dự cuộc chiến tranh 1776 đã chiến đấu ở Tơrăngtông dưới sự chỉ huy của Oadintơn và ở Bơrăngdiuyn dưới sự chỉ huy của Laphaydét.

Trong khi ấy phía tả ngạn, đội kỵ binh của thành phố triển khai và tiến lên chặn ngang cầu, phía hữu ngạn lính đầu rồng đã ra khỏi tu viện Xêléttanh và đang dàn ra dọc cheo bờ Móclăng. Nhân dân rước xe Laphaydét đến chỗ rẽ thì đột nhiên trông thấy và kêu lên: lính đầu rồng kìa! Lính đầu rồng kìa! Toán lính đầu rồng tiến lên rầm rập, súng ngắn trong bao, gươm không rời vỏ, súng trường lăm lăm, không nói nửa lời, trông vẻ chờ đợi một cái gì ghê rợn.

Cách cái cầu nhỏ chừng hai trăm bước, họ dừng lại. Cỗ xe của Laphaydét tiến đến. Họ rẽ hàng ra cho xe đi qua rồi lại bịt kín đường. Bây giờ lính đầu rồng và quần chúng chạm nhau. Đàn bà con gái kinh sợ chạy xa.

Có gì xảy ra trong giây phút nguy hiểm này? Đố ai biết được! Đó là cái phút giây u ám khi hai đám mây chạm nhau. Có người nói lúc ấy ở phía Xưởng quân khí tiếng kèn xung phong vang lên, có kẻ nói có một thằng bé con cầm dao găm đâm một người lính đầu rồng. Chỉ biết rằng có ba phát súng đột nhiên nổ: phát thứ nhất giết viên tiểu đoàn trưởng Sôlê, phát thứ hai bắn chết một bà già điếc đang đóng cửa sổ ở đường Côngtơrétcác và phát thứ ba làm cháy sém cầu vai một võ quan. Một người đàn bà thét lên: Khởi sự sớm quá! Và đột nhiên người ta thấy xuất hiện ở đầu kia, đối diện với bờ Móclăng, một tiểu đoàn lính đầu rồng trước đó vẫn ở trong trại. Đoàn kỵ binh phi ngựa ra, gươm tuốt trần, kéo qua phố Bátxompie và đại lộ Buốcđông, đi đến đâu quét sạch đó.

Thế là xong! Cơn bão táp đã nổi lên, đá bay như mưa, súng nổ đùng đùng, nhiều người nhảy ào xuống bờ sông, lội qua cái nhánh sông Xen ngày nay đã lấp phẳng. Các công trường ở đảo Luviê biến thành một cái pháo đài từ lúc nào, chiến sĩ ở đâu hiện ra nhan nhản trên đó. Người thì nhổ cọc, kẻ thì bắn súng ngắn, một chiến lũy đang hình thành, thanh niên bị xô dồn lại kéo xe linh cữu chạy như biến qua cầu Auxtéclít và xông vào đánh nhau với vệ binh. Lính xạ thủ xô đến, lính đầu rồng chém chặt thục mạng, quần chúng tan tác chạy ra bốn phía, tiếng náo động của chiến tranh lan ra khắp cả Pari. Mọi người hô: Cầm lấy vũ khí! Người chạy, kẻ xô, người trốn, kẻ kháng cự. Cơn giận bùng lên lôi cuốn cuộc bạo khởi chẳng khác gì ngọn gió thổi lùa lan tràn khắp nơi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx