QUYỂN XV: PHỐ LOMÁCMÊ
I
GIẤY THẤM MÁCH THẦM
Con người là một cái vực còn sâu hơn cái vực nhân dân nhiều, nên bên cạnh một tâm hồn đang khởi loạn thì một thành phố đang vật vã, quằn quại có nghĩa lý gì? Tâm hồn Giăng Vangiăng hôm ấy, cũng có một cuộc vùng lên rất đáng sợ. Mọi thứ vực sâu hố thẳm đều như mở rộng toang hoác trong lòng ông. Cũng như Pari, ông run sợ trước một cuộc cách mạng ngấm ngầm và dữ dội. Chỉ có mấy giờ đồng hồ mà cơ sự đã như thế đấy. Vận mệnh và lương tâm ông bỗng dưng phủ đầy bóng tối. Người ta có thể nói về ông cũng như nói về Pari: trong lòng hiện đang có hai lực lượng đối địch nhau. Ma quỷ và thần thánh sắp tóm lấy nhau mà vật trên cái cầu bắc qua vực thẳm. Bên nào sẽ ẩy bên nào xuống đây? Bên nào sẽ thắng?
Cũng trước cái ngày 5 tháng sáu đó, Giăng Vangiăng đưa Côdét và bà Tútxanh sang ở phố Lomácmê. Ở đấy một sự kiện đang chờ đợi ông.
Côdét không phải không có ý cưỡng lại việc rời bỏ ngôi nhà phố Pơluymê. Từ ngày bố con ở chung với nhau, đó là lần đầu tiên hai bố con có ý kiến riêng biệt, không đến nỗi xung đột nhau nhưng rõ ràng là trái ngược nhau. Con có phản đối nhưng bố thì cương quyết. Lời khuyên của người lạ mặt: dọn nhà điđến với ông một cách đột ngột làm ông hoảng hốt đến trở thành độc đoán. Ông tưởng như tung tích đã bị lộ và ông đang bị săn đuổi vậy. Cho nên Côdét đành phải nhượng bộ.
Từ phố Pơluymê đến phố Lomácmê, cả hai đều bận theo đuổi ý nghĩ riêng của mình, chẳng ai hở môi nói với ai nửa lời. Ông thì trong lòng lo âu đến nỗi không thấy Côdét đang rầu rầu, còn Côdét thì rầu rầu đến nỗi không thấy ông đang lo âu.
Khác với những lần vắng nhà trước, lần này ông có đem bà Tútxanh theo. Ông thấy trước là không còn trở lại phố Pơluymê nữa, cho nên ông không thể nào bỏ bà ấy ở lại một mình, càng không thể nói cho bà ấy biết việc riêng của ông được. Vả ông thấy bà ta là một người trung thành, có thể tin cậy được. Kẻ ăn người ở trong nhà mà phản chủ thường bắt đầu bằng tính tò mò. Bà Tútxanh thì dường như trời đã định sẵn để làm người ở cho Giăng Vangiăng, bà ấy không bao giờ tò mò. Bà có tật nói lắp, nói bằng cái giọng người đàn bà nhà quê xứ Bácnơvin: tôi là vậy là vậy, tôi làm cái tôi làm, cái còn lại không phải cái tôi làm(tôi là như vậy, tôi làm công việc của tôi, ngoài ra, tôi không cần biết).
Lần này rời phố Pơluymê ra đi vội vã gần như đi trốn, Giăng Vangiăng chỉ đem theo có mỗi cái va ly ướp hương mà Côdét gọi là người bạn không rời. Mang theo hòm xiểng nặng thì phải có phu vác, mà có phu vác là có người hay biết chuyện mình. Cho nên ông chỉ gọi một chiếc xe ngựa đến cổng phía phố Babylôn và ra đi ngay.
Bà Tútxanh vất vả lắm mới được phép gói ghém một ít quần áo và ít vật dụng trang điểm. Phần Côdét, nàng chỉ mang theo có giấy má và xấp giấy thấm.
Để lúc ra đi được vắng vẻ và thầm lặng, Giăng Vangiăng đã xếp đặt sao cho bước ra khỏi nhà đúng vào lúc hoàng hôn. Nhờ thế mà Côdét có thì giờ viết thư cho Mariuytx. Lúc dọn đến phố Lomácmê thì trời đã tối mịt.
Cả nhà đều lặng lẽ đi nghỉ.
Nhà mới ở phố Lomácmê qua một sân trong mới đến, thuộc tầng gác thứ hai. Nhà có hai phòng ngủ, một phòng ăn và một nhà bếp thông với nhau, ở đó có một cái gác nhỡ đặt chiếc giường thô. Chiếc giường này là phần của bà Tútxanh. Phòng ăn đồng thời cũng là phòng đợi và nằm vào giữa hai phòng ngủ. Trong nhà có đồ dùng đầy đủ.
Bản chất con người cũng lạ! An tâm cũng dễ như hoang mang, chẳng vì duyên cớ gì xác đáng cả. Vừa dọn được đến phố Lomácmê, Giăng Vangiăng đã thấy bớt băn khoăn và dần trở lại bình tĩnh. Những nơi yên tĩnh dường như có một tác dụng hoàn toàn máy móc đến trí não thật. Giăng Vangiăng quả nhiên thấy mình lây cái yên tĩnh của phố này. Phố tối, người lạnh. Đường hẹp đến nỗi phải gác ngang cây gỗ trên hai đầu trụ để cấm xe cộ qua lại. Cả phố như câm điếc giữa cảnh thị thành huyên náo. Lại ban ngày mà mờ mờ như hoàng hôn và hầu như không cái gì làm xúc động được nữa với hai dãy nhà hai bên cũ kỹ lặng thinh như những ông cụ già.
Ở đấy tưởng chừng như có sự nguôi quên đang ngưng đọng lại. Và Giăng Vangiăng thấy sống được. Ai còn có cách tìm ra ông ở đây chứ?
Việc trước tiên là ông đem người bạn không rời đặt cẩn thận bên mình.
Hôm ấy ông ngủ một giấc ngon. Giấc ngủ khuyên nhủ, có thể thêm, giấc ngủ làm yên lòng. Sáng hôm sau, thức dậy, ông thấy người vui vẻ. Phòng ăn xấu xí có một cái bàn tròn đã cũ, một cái tủ thấp trên đặt chiếc gương soi, một cái ghế bành mọt và mấy chiếc ghế dựa ngổn ngang các gói đồ đạc của bà Tútxanh. Trong một gói ấy, qua chỗ hở thấy lòi ra bộ quân phục quốc dân quân của Giăng Vangiăng. Gian phòng xấu xí thế mà ông lại nhìn thấy đẹp.
Phần Côdét, nàng ở lì trong phòng riêng, bảo bà Tútxanh mang cháo vào tận đấy, còn nàng thì mãi đến tối mới ló mặt ra.
Vào khoảng năm giờ, bà Tútxanh đang còn lăng xăng, rối rít về việc dọn nhà, đem đặt lên bàn ăn một con gà luộc sẵn. Côdét giữ lễ với bố, đành ngồi lại, nhìn nhưng không ăn.
Nàng lấy cớ đau đầu mãi không hết, chào bố về phòng riêng. Giăng Vangiăng xé một cánh gà ăn ngon lành,rồi tỳ tay lên bàn, thấy trí óc dần dần trở lại quang đãng và có cảm giác chắc chắn là mình đang sống an toàn không còn gì đáng sợ nữa.
Hai ba lần trong bữa ăn thanh đạm ấy, ông có thoáng nghe bà Tútxanh là cà lập cập mách với ông: “Thưa ông, ở ngoài ồn ào chộn rộn lắm, đánh nhau ở Pari ông ạ”. Nhưng trí óc đang tính toán, suy nghĩ miên man, ông không hề để ý tới lời nói ấy. Nói cho đúng thì ông chẳng nghe thấy bà ấy nói gì cả.
Trong lòng mỗi chốc thêm bình thản, ông đứng dậy đi lại, đi từ cửa sổ tới cửa lớn rồi từ cửa lớn quay lại cửa sổ.
Trí óc trở lại bình tĩnh, ông lại nghĩ đến Côdét, mối lo lắng duy nhất của ông. Không phải ông lo lắng cho bệnh đau đầu của nàng đâu. Bệnh hoạn gì, đó chẳng qua là chuyện thần kinh rối loạn chốc lát, chuyện đàn bà con gái làm nũng, cái thứ đám mây thoáng qua vòm trời ấy mà, ngày một ngày hai là biến hết thôi. Điều ông lo lắng là tương lai, và như thường lệ, khi nghĩ đến tương lai, lòng ông lại tràn đầy âu yếm. Nói cho cùng thì ông không thấy gì ngăn trở cuộc đời hạnh phúc của ông trôi chảy bình thường như trước. Nhưng có lúc ông thấy mọi sự đều dễ dàng. Như lúc này chẳng hạn. Những phút lạc quan như thế thường đến sau những phút bi quan, cũng như hết ngày lại tiếp đến đêm. Đó là luật tiếp nối và đối lập của bản chất tạo hóa mà những bộ óc hời hợt thường gọi là hiện tượng tương phản. Đến ẩn náu ở cái phố bình yên này, Giăng Vangiăng như trút được mọi thứ làm ông mất bình tĩnh ít lâu nay. Ông đã từng trông thấy nhiều bóng tối quá, chính vì thế mà đến đây ông lại bắt đầu nhìn được một ít trời xanh. Rời bỏ phố Pơluymê mà không có gì lôi thôi, không việc gì xảy ra, như thế là được một bước tốt. Nhưng giá đi luôn ra nước ngoài, dù chỉ một vài tháng, và đi sang Luân-đôn thì có thận trọng hơn không? Thôi được, đi vậy. Ở Pháp hay ở Anh, điều ấy có hề gì, miễn là có Côdét bên cạnh. Côdét là quốc gia của ông. Có Côdét là đủ làm cho ông sống hạnh phúc, còn phần ông có đủ làm cho Côdét được hạnh phúc hay không, ý nghĩ ấy ngày xưa thường làm ông phải nôn nao, thao thức, thì hôm nay lại không hề hiện đến trong trí ông. Bao nhiêu đau thương xưa cũ đều như tiêu tan nhanh chóng và con người ông hôm nay thật lạc quan. Có Côdét ở một bên, ông có cảm tưởng như nàng là của ông, như thế âu cũng là một ảo tưởng thường xảy ra trong thiên hạ. Cho nên, ông chẳng thấy chút khó khăn nào khi nhẩm tính trong trí việc dẫn Côdét sang Anh. Hơn nữa, ông lại mơ màng thấy hạnh phúc của mình đang được xây dựng lại, bất kỳ ở đâu.
Ông đang thong thả bước một đi lại trong phòng, bỗng nhìn thấy một vật kỳ lạ.
Trong cái gương treo nghiêng trên đầu tủ phía trước mặt, ông nhìn thấy rõ bốn dòng chữ:
“Anh yêu mến của em! Hỡi ôi! Bố bảo phải đi ngay anh ạ. Tối nay bố con em sẽ ở số 7 phố Lomácmê. Tám hôm nữa thì ở đất Anh rồi. Côdét. Ngày 4 tháng sáu.”
Giăng Vangiăng dừng lại, sửng sốt.
Hôm dọn đến nhà mới, Côdét để xấp giấy thấm trên đầu tủ trước cái gương. Gan ruột đang như bào như xé, nàng bỏ quên luôn đấy, có chú ý gì đến xấp giấy thấm bị mở toang ra đâu! Xấp giấy lại mở đúng trang nàng đã dùng để thấm khô mấy dòng chữ nàng viết hôm trước và đã nhờ anh thợ trẻ đi qua phố Pơluymê đưa đi. Các dòng chữ ấy đã in rõ vào trang giấy thấm.
Và tấm gương soi đã phản chiếu lại rõ ràng.
Hiện tượng mà hình học gọi là đối xứng đã diễn ra. Chữ in trên giấy thấm thì trái, nhưng chữ phản chiếu vào gương thì trở lại chiều bình thường, tự nhiên như khi ta viết. Vì thế trước mắt Giăng Vangiăng mới hiện rành rành bức thư Côdét viết cho Mariuytx hôm vừa rồi.
Thật là giản đơn nhưng chẳng khác gì sét đánh.
Giăng Vangiăng bước đến trước gương. Ông đọc lại bốn dòng chữ nhưng vẫn không tin. Có thể là những dòng chữ… thoáng hiện trong một ánh chớp. Ảo giác thôi. Chứ không thể nào như thế được. Nhất định không có như thế đâu.
Dần dần mắt ông nhìn rõ hơn. Tấm giấy thấm của Côdét làm cho ông trở lại với thực tế. Ông cầm xấp giấy lên và nói: nó ở đây đây. Ông hồi hộp nhìn vào mấy dòng chữ còn in dấu trên tờ giấy thấm. Nét chữ lộn ngược làm thành mấy dòng ngoằn ngoèo chẳng ra nghĩa lý gì cả. Ông nghĩ bụng: có nghĩa lý quái gì cái này, có chữ nghĩa gì viết lên đây đâu. Và ông thở phào khoan khoái. Ai mà không có những cái vui vô thức như thế trong những giờ phút ghê rợn? Thật là tâm hồn con người ta không bao giờ chịu đầu hàng sự thất vọng mà không tìm cách sử dụng hết mọi thứ ảo tưởng.
Ông cầm xấp giấy thấm trên tay, ngắm nghía, sung sướng một cách ngây ngô, gần như muốn phá lên cười. Ông cho mình đã bị lừa vì cái ảo giác ban nãy. Bỗng mắt ông quay vào tấm gương và nhìn thấy lại hình ảnh vừa rồi. Bốn dòng chữ vẫn rành rành ở đấy, rõ từng nét một. Lần này thì không còn là trông nhầm được nữa. Một hình ảnh mà mắt trông thấy đến lần thứ hai thì chỉ có thể là hình ảnh thực. Thôi, sờ sờ ra rồi, đó là các dòng chữ trên giấy thấm phản chiếu vào trong gương. Giăng Vangiăng chợt hiểu.
Ông lảo đảo buông rơi xấp giấy thấm, quị xuống chiếc ghế bành bên cạnh tủ, đầu gục xuống rũ rượi, mắt đục lờ, ngơ ngác. Ông tự bảo: thôi, sự đã quả nhiên rồi, ánh sáng trên đời đã tắt vĩnh viễn, Côdét nó đi viết thư cho thằng nào đây này. Tâm hồn bỗng dưng trở lại dữ tợn và ông nghe nó ầm vang trong bóng tối. Sư tử đấy, chớ có đến mà cướp mồi của nó ở trong chuồng!
Điều kỳ dị và đáng buồn là trong lúc ấy, Mariuytx chưa tiếp được thư của Côdét. Cái tình cờ phản phúc đã mang bức thư đến cho Giăng Vangiăng trước khi nó đến tay Mariuytx.
Từ trước đến giờ, chưa có thử thách nào làm cho Giăng Vangiăng khuất phục. Ông đã nếm đủ mọi mùi cay đắng, ông đã chịu đựng đủ mọi nỗi gian nan. Cái số kiếp tàn bạo với mọi thứ hình phạt, mọi thứ lầm lẫn của xã hội, cứ nhè ông mà làm tình làm tội. Mặc dù thế, ông không hề lùi bước, không hề nản lòng. Khi cần ông xin rước lấy tất cả các thứ đắng cay. Ông đã hy sinh tự do của mình, liều với cả cái chết, ông đã mất cả, đã chịu đựng mọi sự đau khổ ở đời, nhưng ông vẫn thản nhiên và cứng cỏi đến nỗi có lúc người ta tưởng ông quên cả hình hài như một người tử vì đạo. Lương tâm ông dạn dày với bao cơn phong trần lao khổ, hầu thành một pháo đài kiên cố không ai chiếm đoạt nổi. Thế mà, ai chứng kiến được tâm trạng ông lúc này nhất định phải xác nhận rằng cái pháo đài ấy đang núng thế.
Bởi vì trong hết thảy mọi cực hình ông đã trải qua suốt cuộc khảo tra dằng dặc của số mệnh, lần này là đáng sợ nhất. Chưa bao giờ ông thấy bị kìm kẹp như thế này. Tất cả các khả năng cảm xúc tiềm tàng đều như bị lay động một cách thầm lặng, cả những thớ thịt sâu kín nhất, không hề biết đến nữa, cũng thấy như bị mũi kìm kẹp lại. Ôi thôi thôi, cuộc thử thách găng nhất, nói cho đúng, cuộc thử thách duy nhất đối với ông là việc mất người yêu.
Ông già Giăng Vangiăng yêu mến Côdét cố nhiên là không ngoài tình cha con. Nhưng, như chúng ta đã lưu ý mọi người trên kia, cuộc đời cô đơn của ông đã đem vào thứ tình cha con ấy đủ thứ tình yêu khác. Ông yêu Côdét như con, ông yêu nàng như mẹ, và ông cũng yêu nàng như em gái. Và vì cả đời ông chưa hề biết nhân tình, biết vợ là gì, vì tạo vật là một chủ nợ không chịu cho ai vỡ nợ bao giờ, cho nên cả thứ tình cảm ấy, thứ tình cảm mà không ai là không có ấy, nó cũng xen lẫn vào các loại tình cảm khác ở trong người ông, mặc dù nó cứ mơ hồ, thầm lặng, trong trắng, mặc dù nó cứ có vẻ cao siêu, tinh khiết, thần thánh. Nó như một bản năng hơn là một tình cảm, một hấp lực hơn là một bản năng, nó vô hình ảnh, không trông thấy mà cũng không nhận thấy được, nhưng nó quả có thật. Nó là thứ tình chân chính, ẩn vào trong mối tình thương không bờ bến của ông với Côdét, chẳng khác gì cái mạch vàng ẩn trong quả núi, u ẩn và nguyên vẹn.
Bạn đọc hãy nhớ cái quan hệ tình cảm giữa hai con người ấy như chúng tôi đã kể. Trong tình hình như thế, không thể có một cuộc hôn nhân nào giữa hai người được, kể cả sự hôn phối của hai tâm hồn. Thế mà trong khi đó thì điều chắc chắn là vận mệnh hai người lại đã kết hôn với nhau. Trừ Côdét, nghĩa là trừ một hình ảnh trẻ con ra, trong suốt đời ông, tất cả những cái gì đáng yêu, Giăng Vangiăng chưa hề được biết, chưa hề có những say mê, thương yêu nối tiếp tạo nên trong lòng ông những màu xanh hòa hợp, xanh non trên nền xanh thẫm như người ta thường nhận thấy trên những vòm cây mùa đông cũng như trên những người đã qua tuổi năm mươi. Tóm lại, như chúng ta đã nhấn mạnh nhiều lần, tất cả cái hỗn hợp bên trong ấy, tất cả cái tâm trạng tổng hợp ấy đã đưa Giăng Vangiăng đến chỗ thành một người cha của Côdét. Một ông cha hơi kỳ dị một chút, vì bao gồm cả vai ông, vai con, vai anh và vai chồng, vai nào cũng có trong người Giăng Vangiăng. Một ông cha trong đó có cả vai bà mẹ. Ông cha ấy thương Côdét và yêu Côdét, coi nàng như ánh sáng, như nhà ở, như gia đình, như tổ quốc, như thiên đường của mình.
Bởi vậy, ông đau đớn biết chừng nào khi ông thấy Côdét không còn là của ông nữa! Thôi thế nhất định là hết! Ông không còn giữ được nàng nữa, nàng đã tuột khỏi tay ông, nàng đã lẩn tránh ông, nàng là mây bay, là nước chảy rồi! Sự thật hiển nhiên như quả núi đè người, hiện ra trước mắt ông: “Trong lòng Côdét đã có một người khác rồi, người ấy là mục đích của đời nó, là ước mơ của đời nó rồi. Côdét đã có người để yêu quý rồi, còn ta chỉ là bố nó, ta cũng như không thôi”. Khi ông đã chắc chắn rồi, khi ông tự nhủ: “Nó đã bỏ lòng ta nó đi rồi”, thì nỗi đau khổ của ông thật không còn bờ bến nào nữa. Làm tất cả mọi thứ như ông đã làm để rồi kết quả như thế đó ư? Thế nào? Lại không là gì hết ư? Nghĩ đến đó, cả người ông từ đầu đến chân đều run lên, bất bình. Ông cảm thấy ở từng chân tóc sự nổi dậy rộng lớn của lòng ích kỷ và cái tôi của người ông đang gào thét trong vực sâu của tâm hồn.
Có những sự sụp đổ bên trong. Khi một khẳng định tuyệt vọng thấm vào lòng một con người, nó tách ra và làm vỡ một số yếu tố sâu sắc đôi khi chính là chất cấu thành của người đó. Khi niềm đau thương đến độ ấy thì nó trở thành một cuộc bại tẩu tán loạn của các lực lượng tinh thần. Đó là những cuộc khủng hoảng tai hại mà ít ai ra khỏi lại lành mạnh như trước, vững vàng trong nhiệm vụ như trước. Khi đau thương vượt giới hạn, thì đạo đức kiên trinh bao nhiêu cũng nao núng. Giăng Vangiăng lại cầm tấm giấy thấm và xác định tai hại của mình lần nữa. Đầu ông cứ cúi trên bốn dòng chữ khó chối cãi, người trơ như đá, mắt trừng trừng một đám mây mù dày đặc xâm chiếm tâm hồn, tưởng như nó đang đổ vỡ.
Giăng Vangiăng xem xét điều phát hiện đó qua ống kính phóng đại của sự nghĩ ngợi vẩn vơ, với vẻ bình tĩnh bên ngoài dễ sợ, bởi vì khi con người bình tĩnh đến lạnh lùng như một pho tượng thì đó là một điều ghê gớm.
Ông suy nghĩ đến cái bước đáng sợ mà vận mệnh ông đã đi một cách bất ngờ. Ông nhớ lại những nỗi lo sợ mùa hè năm trước mà ông đã dại dột xua tan rất nhanh. Ông nhận thấy lại cái vực sâu, vẫn là cái vực sâu cũ, có điều ông không còn đứng ở trên bờ nữa, mà đã rơi xuống tận đáy.
Điều không ngờ và đau đớn cho ông là ông bị rơi vào đấy mà không hề hay biết gì cả. Ông luôn luôn tưởng thấy mặt trời, thế mà đời ông đã tối đen!
Bản năng chẳng để ông ngập ngừng nữa. Ông đem khớp vào với nhau một số trường hợp, một số ngày tháng, ông nhớ lại những lần mặt mày Côdét bỗng dưng đỏ ửng hoặc tái xanh, rồi ông tự bảo: đúng là thằng ấy. Lúc thất vọng người ta đâm ra đoán già đoán non nhưng lại như chiếc nỏ thần, đã buông tên là trúng đích. Thoạt tiên ông đã đoán trúng ngay Mariuytx. Ông không biết tên nhưng ông tìm ngay ra con người. Từ trong đáy sâu của dĩ vãng gợi lên trong trí nhớ một cách rành rọt, ông nhìn thấy rõ cái tên hay rình mò bố con ông ở vườn Luychxămbua, cái thằng bướm ong khốn kiếp ấy, cái thằng biếng nhác vô công rồi nghề, cái thằng ngu ngốc ấy, cái thằng hèn nhát ấy, vì rõ là đồ hèn nhát mới dám đến liếc mắt đưa tình, ve vãn con gái ngay cạnh bố, nhất là khi người con gái ấy được bố rất yêu.
Khi nhận xét kỹ tình hình ông thấy rõ phía sau mọi việc vừa xảy ra đều có hình ảnh của người thanh niên ấy, và tất cả đều do người ấy mà ra.
Giăng Vangiăng, con người đã cải tạo, đã cố gắng xây dựng tâm hồn mình, đã dày công biến đổi tất cả cuộc đời, tất cả gian nan khốn khổ ra tình yêu, con người ấy ngày nay tự nhìn lại mình thì chỉ thấy có một bóng ma: Hằn thù.
Những đau thương lớn chứa đựng sự tê liệt. Con người lúc đó chán nản vì trót tồn tại. Đau thương vào thì có cái gì đó rút đi. Ở tuổi thanh niên, đau thương đến thì ảm đạm, sau này nó là họa tai. Than ôi! Khi dòng máu còn nóng, tóc còn xanh, đầu còn đứng thẳng trên thân thể như ngọn lửa trên cây đuốc, khi những trang đời còn dày cộm như chưa giở, khi quả tim hăng hái yêu đương còn những nhịp đập dễ dàng khôi phục, khi ta còn thì giờ để đền bù, hàn gắn, khi tất cả phụ nữ còn ở trước mặt, với tất cả nụ cười, tất cả tương lai, tất cả chân trời, khi sinh lực còn đầy đủ, mà thất vọng vẫn cứ là một điều ghê gớm, thì nó sẽ là thế nào đối với tuổi già, khi năm tháng nhạt mờ dồn dập rơi rụng vào cái buổi hoàng hôn mà con người bắt đầu nhìn thấy các vì sao trên trần mộ!
Ông còn đang suy nghĩ miên man thì bà Tútxanh bước vào. Ông đứng lên hỏi:
- Ở về phía nào, bà có biết không?
Bà ta ngơ ngác, chẳng biết trả lời thế nào.
- Thưa, ông hỏi gì ạ?
Giăng Vangiăng nhắc lại:
- Chứ không phải là hồi nãy bà bảo tôi là người ta đang đánh nhau à?
- À, phải, thưa ông, ở đằng phía Xanh Meri đấy.
Từ sự suy nghĩ âm thầm, sâu sắc nhất, có khi nảy ra những hành động vô ý thức mà ta không sao biết trước được. Chắc vì có một sự thúc giục như thế mà năm phút sau, Giăng Vangiăng đã ở ngoài đường.
Ông không đội mũ. Ông đến ngồi trên trụ vôi ngoài cổng, vẻ nghe ngóng.
Đêm đã xuống.
@by txiuqw4