V
TRÊN ĐỈNH CHIẾN LŨY NHÌN THẤY CHÂN TRỜI NÀO
Trong giờ phút nghiêm trọng ở nơi khốc liệt này, cảnh ngộ tuyệt vọng của mọi người đã kết tinh và lên tuyệt đỉnh ở nỗi buồn vô hạn của Ănggiônrátx.
Ănggiônrátx tiêu biểu đầy đủ cho cách mạng. Tuy thế chàng vẫn có thiếu sót, cũng như là cái tuyệt đối còn có thể thiếu sót vậy. Chàng giống Xanh Giuýt quá nhiều mà lại ít giống Anacácdi Cơlút.[268] Trong nhóm các bạn A B C, trí óc chàng cuối cùng lại bị ý kiến của Côngbơphe cuốn hút phần nào. Ít lâu nay, chàng dần dần ra khỏi hình thức nhỏ hẹp của tín điều mà đi theo những hình thức nới rộng của tiến bộ. Chàng đã đi dần đến chỗ thừa nhận sự bảo đảm của nền cộng hòa Pháp vĩ đại ra nền cộng hòa nhân loại bao la như là bước tiến hóa cuối cùng và rực rỡ của cách mạng. Còn những biện pháp cấp thời, thì trong một tình hình quyết liệt, chàng muốn có những biện pháp kịch liệt. Trong việc này, chàng không bao giờ thay đổi ý kiến. Và chàng vẫn thuộc cái trường phái hùng tráng và ghê gớm tóm tắt trong tiếng: Chín mươi ba.[269]
[268] Hai nhà cách mạng Pháp hồi 1789-1793.
[269] 1793 là thời cách mạng Pháp chống thù trong giặc ngoài quyết liệt nhất.
Ănggiônrátx đang đứng trên các bậc đá, khuỷu tay chống trên họng khẩu cácbin. Anh nghĩ ngợi. Anh rùng mình như có hơi gió thổi qua, ở những chỗ chết chóc thường xảy ra những hiện tượng đồng bóng như vậy. Từ cặp mắt quay về bên trong ấy như bốc lên những lửa ngầm. Bỗng dưng, anh ngẩng đầu lên. Mái tóc hoe vàng hất ra đằng sau như tóc của thiên thần đứng trên xe tứ mã kết bằng các vì sao. Trông như bờm con sư tử hốt hoảng đang chói ngời hào quang. Ănggiônrátx nói to:
- Các đồng chí, các đồng chí có bao giờ hình dung tương lai không? Đường phố các đô thị tràn ngập ánh sáng, cành lá xanh tươi trước cửa, mọi dân tộc là anh em, con người công bằng, ông già thương yêu cháu bé, quá khứ yêu mến hiện tại, nhà tư tưởng được hoàn toàn tự do, tín đồ tôn giáo đều hoàn toàn bình đẳng trời cao là tín ngưỡng, đức Chúa trực tiếp truyền đạo cho người, lương tâm con người là bàn thờ thiêng liêng, không còn hằn thù nữa, xưởng thợ và trường học kết tình hữu ái huynh đệ, thưởng công hay phạt tội chỉ bằng tiếng khen chê của dư luận, mọi người đều có công ăn việc làm, mọi người đều có quyền lợi ngang nhau, hòa bình cho tất cả, không còn đổ máu, không còn chiến tranh, các bà mẹ sung sướng! Chinh phục vật chất, đó là bước thứ nhất, thực hiện lý tưởng, đó là bước thứ hai. Thử nghĩ đến công việc mà nhân loại tiến bộ đã làm được xem. Đời xưa nhân loại cổ sơ khiếp đảm nhìn thấy con bạch tuộc lướt qua và thở phì phì trên mặt nước, cũng như con rồng phun lửa, con thiên tinh là con quái vật bay trên không với cánh chim ưng và vuốt hổ, tất cả những con quái vật ấy đều đáng sợ hơn con người nhiều. Ấy thế mà loài người đã giăng bẫy, những thứ bẫy thiêng liêng của trí thông minh, và cuối cùng đã tóm được những con quái vật ấy.
Chúng ta đã chinh phục con bạch tuộc và bây giờ nó có tên là tàu thủy, chúng ta đã chinh phục con rồng và bây giờ nó có tên là đầu máy xe lửa, chúng ta sắp chinh phục được con thiên tinh, chúng ta đã giữ được nó và nó có tên là khí cầu. Một ngày kia sự nghiệp Pơrômêtê[270] sẽ hoàn thành, loài người sẽ vĩnh viễn bắt buộc ba quái vật cổ đại ấy: con bạch tuộc, con rồng, con thiên tinh, phải tuân theo ý chí của mình, ngày ấy loài người sẽ làm chủ cả nước, cả lửa và cả không khí, địa vị của cả loài người so với toàn thể loài vật khác trong trời đất cũng sẽ như địa vị của thần linh ngày xưa đối với loài người vậy. Hãy can đảm tiến lên! Các đồng chí, chúng ta đi đâu đây? Chúng ta đi đến chỗ mà khoa học gọi là chính quyền, chỗ mà sức mạnh của sự vật là quyền hành duy nhất, chỗ mà luật thiên nhiên tự nó bảo đảm sự thi hành và trừng trị điều vi phạm, luật ấy không ban bố mà vì tính chất tất yếu của nó nên cũng thành như ban bố, chúng ta đi đến chỗ mà chân lý mọc lên cùng với mặt trời. Chúng ta đi đến chỗ thế giới đại đồng, nhân loại thống nhất. Không còn ảo tưởng, không còn kẻ ăn bám. Chân lý cai trị thực tế, đó là mục đích. Văn minh sẽ hội họp trên đỉnh châu Âu, và về sau ở trung tâm các đại lục, trong các nghị viện lớn của trí tuệ. Một cảnh tượng tương tự đã thấy rồi. Đại biểu các thành phố Hy Lạp ngày xưa mỗi năm có hai kỳ hội họp, một ở Đen-phơ, chỗ các thần thánh, một ở Técmôpin, chỗ các anh hùng. Châu Âu cũng sẽ có đại biểu của mình, thế giới cũng sẽ có đại biểu của mình. Nước Pháp mang cái tương lai cao cả ấy trong lòng mình. Thế kỷ mười chín này đang thai nghén công việc đó. Cái mà trước kia nước Hy Lạp đã phác ra đó rất đáng được nước Pháp ngày nay hoàn thành.
[270] Nhân vật thần thoại cổ Hy Lạp đã cướp lửa của trời và xây dựng nền văn minh đầu tiên cho nhân loại.
Phơidi, cậu là người công nhân dũng cảm, cậu là người trong nhân dân, người của nhân dân mọi nước, cậu nghe tớ. Tớ sùng bái cậu. Phải, cậu thấy rõ cuộc đời tương lai, phải, cậu nói đúng. Phơidi, cậu không có cha mà cũng chẳng có mẹ, cậu đã nhận nhân loại làm mẹ, chính nghĩa là cha. Cậu sắp chết ở đây, nghĩa là cậu sẽ chiến thắng.
Các đồng chí, hôm nay dù có sao đi nữa, với sự thất bại cũng như với sự thắng lợi của chúng ta, chúng ta sắp làm một cuộc cách mạng đây. Cách mạng soi sáng toàn nhân loại cũng như đám cháy soi sáng cả thành phố. Và cách mạng ta làm là cách mạng gì đây? Tôi vừa nói xong, đây là cuộc cách mạng của sự thật. Về phương diện chính trị, chỉ có mỗi một nguyên lý: chủ quyền của con người đối với bản thân con người. Chủ quyền của tôi đối với tôi gọi là Tự do. Khi hai hay người nhiều chủ quyền như thế kết hợp nhau lại, đó là sự hình thành của nhà nước. Nhưng trong sự kết hợp ấy không còn sự từ bỏ nào cả. Mỗi chủ quyền nhường một phần nào đó của mình để lập nên quyền chung. Phần nhường ấy, ai cũng như ai, ngang nhau cả. Nhường ngang nhau như thế là bình đẳng. Quyền chung chẳng có gì khác là sự bảo vệ của toàn thể đối với mỗi người, đó gọi là Bác ái. Giao điểm của tất cả các chủ quyền chằng chịt với nhau ấy gọi là Xã hội. Giao nhau như thế là tiếp nối, còn giao điểm lại là một cái nút. Do đó mà có cái người ta gọi là quan hệ xã hội. Có kẻ nói là khế ước xã hội. Cũng thế thôi bởi vì theo từ nguyên thì khế ước cũng hàm cái nghĩa dây buộc. Chúng ta hãy đồng ý với nhau về chữ bình đẳng. Bởi vì, nếu tự do là đỉnh thì bình đẳng là đáy. Các đồng chí, bình đẳng không phải là cá đối bằng đầu, một xã hội chỉ toàn là những cây sồi tí hon, một tập hợp những đố kỵ làm tê liệt lẫn nhau. Bình đẳng, về phương diện công quyền, là mọi khả năng đều có chỗ dùng ngang nhau; về phương diện chính trị, là mọi lá phiếu đều có trọng lượng ngang nhau; về phương diện tôn giáo, là mọi tín ngưỡng đều có quyền ngang nhau. Cơ quan của bình đẳng là nền giáo dục không mất tiền và cưỡng bách. Có quyền được học chữ, ấy đấy, phải bắt đầu từ đấy. Tiểu học bắt buộc cho mọi người, trung học mở rộng cửa cho mọi người, đó là pháp luật. Trường đồng nhất đẻ ra xã hội bình đẳng. Phải, giáo dục! Ánh sáng! Ánh sáng! Tất cả đều từ ánh sáng mà ra và trở về ánh sáng.
Các đồng chí, thế kỷ mười chín vĩ đại, nhưng thế kỷ hai mươi sẽ sung sướng. Bấy giờ không còn cái gì giống như xưa nữa. Người ta sẽ không còn lo sợ như ngày nay một cuộc chinh phục, một cuộc xâm lăng, một cuộc tiếm vị, một cuộc cạnh tranh vũ trang giữa các quốc gia, một việc cưới xin của vua chúa mà làm cho văn minh phải ngừng lại, một chế độ bạo tàn cha truyền con nối kéo dài vì sinh được đứa con kế vị, một cuộc chia sẻ các dân tộc bằng hội nghị, một cuộc chia cắt đi liền theo một triều đại bị sụp đổ, một cuộc chiến tranh giữa hai tôn giáo chạm trán nhau, chẳng khác gì hai con dê của bóng tối húc nhau trên cái cầu của vô tận. Người ta sẽ không còn sợ nạn đói, nạn bóc lột, nạn mãi dâm vì cùng khốn, nạn nghèo khổ vì thất nghiệp, không còn sợ máy chém, sợ lưỡi gươm, sợ đánh nhau và sợ mọi thứ rủi ro cướp phá hạnh phúc con người trong cái rừng các biến cố. Người ta gần như có thể nói: sẽ không còn có biến cố nữa. Người ta sẽ sung sướng. Nhân loại sẽ tuân theo quy luật của mình cũng như quả đất quay theo quy luật của nó. Sự hòa hợp giữa linh hồn và tinh tú sẽ được lập lại. Linh hồn xoay quanh chân lý như tinh tú xoay quanh ánh sáng.
Các bạn, giờ phút chúng ta đang sống đây và tôi đang nói chuyện với các bạn đây là một giờ phút đen tối, nhưng đây là chúng ta đang mua tương lai với một giá kinh khủng. Cách mạng là một khoản thuế đò ngang. Chao ôi! Nhân loại sẽ được cởi bỏ xiềng xích, sẽ được vực dậy và an ủi. Ở trên chiến lũy này chúng ta khẳng định được điều ấy với nhân loại. Tiếng kêu thương yêu, người ta kêu lên từ chỗ nào, nếu không phải là từ trên đỉnh chót vót của sự hy sinh? Các bạn ơi, đây là chỗ gặp gỡ của những kẻ biết suy nghĩ và những người đau khổ. Chiến lũy này không phải làm bằng đá phiến, bằng kèo gỗ, hay bằng đồ sắt đâu, nó làm bằng hai đống, một đống tư tưởng và một đống đau khổ. Cùng khổ đã gặp lý tưởng ở đây. Ban ngày ôm hôn bóng đêm và bảo: ta chết cùng ngươi và ngươi sẽ sống lại cùng ta. Tất cả mọi thứ buồn não ôm siết nhau làm nảy bật ra lòng tin. Đau khổ đến đây để hấp hối và chết, còn tư tưởng đến đây để trường sinh. Sự hấp hối ấy và sự trường sinh ấy sắp trộn lẫn với nhau và làm nên cái chết của chúng ta. Anh em ơi, ai chết ở đây là chết trong ánh sáng rực rỡ của tương lai, chúng ta sẽ đi vào một ngôi mộ tràn đầy ánh bình minh.
Ănggiônrátx ngừng lại chứ không phải là thôi nói. Môi chàng cứ yên lặng mấp máy tuồng như chàng còn đang tiếp tục nói cho mình nghe. Thấy thế mọi người chăm chú và cố sức lắng nghe nữa, thành ra đều cứ dán mắt nhìn chàng. Không có tràng vỗ tay nào cả, nhưng người ta thầm thì với nhau rất lâu. Lời nói là hơi thở, trí óc rung động cũng giống như cành lá rung động vậy.
VI
MARIUYTX NHƯ NGƯỜI MẤT HỒN, GIAVE NÓI NĂNG CỤT NGỦN
Hãy nói những gì xảy ra trong trí Mariuytx.
Độc giả hãy nhớ lại tâm trạng chàng. Chúng tôi vừa nhắc lại, đối với chàng cái gì cũng mơ hồ như bóng cả. Sự xét đoán của chàng cũng mù mờ. Chúng tôi xin nhấn mạnh Mariuytx đang ở dưới bóng những cặp cánh to lớn, đen ngòm đang mở rộng phủ trên những người sắp chết. Chàng có cảm giác như đã bước vào trong mộ, hình như chàng đã ở bên kia vách mồ và chàng chỉ còn nhìn mặt những người sống bằng con mắt của kẻ đã chết.
Thế nào lại có ông Phôsơlơvăng ở đấy? Tại sao ông ta lại ở đấy? Ông ta đến đấy để làm gì? Mariuytx không hề đặt cho mình những câu hỏi như thế. Vả lại, thất vọng có cái đặc biệt là nó bao trùm cả chúng ta lẫn người khác nên chàng lại thấy mọi người cũng đến đây để chết là hợp lý thôi.
Có điều nghĩ đến Côdét chàng thấy đau xé trong lòng.
Ông Phôsơlơvăng cũng chẳng nói gì với chàng, cũng chẳng nhìn chàng, và khi Mariuytx cất tiếng nói: tôi biết ông ấy, hình như ông cũng chẳng nghe thấy gì.
Về phía Mariuytx, thái độ ông Phôsơlơvăng làm chàng thấy dễ chịu. Nếu có thể dùng một tiếng như thế này để chỉ loại cảm tưởng kiểu đó thì chúng ta sẽ nói: thái độ ấy làm chàng vui lòng. Từ trước, chàng vẫn luôn luôn cảm thấy mình tuyệt đối không có khả năng mở mồm nói một câu nào với con người bí hiểm vừa khó hiểu vừa có uy thế ấy. Với lại đã lâu lắm chàng không gặp ông ta, đó cũng là một lẽ làm cho Mariuytx vốn rụt rè, dè dặt, lại càng thấy khó khăn thêm.
Năm người được chỉ định theo ngõ Môngđêtua ra khỏi chiến lũy. Họ hoàn toàn không khác gì bọn quốc dân quân. Một người trong bọn vừa ra đi vừa khóc. Trước khi lên đường cả năm ôm hôn các đồng chí còn ở lại.
Năm người được trả lại cho cuộc sống ấy vừa đi xong, Ănggiônrátx nhớ đến tên tù đã khép vào tội chết. Chàng vào gian phòng thấp. Giave bị trói vào cây cột đang có dáng nghĩ ngợi. Ănggiônrátx hỏi:
- Mày cần gì không?
- Khi nào các người giết ta? Giave đáp.
- Chờ đã. Bây giờ chúng ta đang cần đạn.
- Thế thì cho ta xin ít nước.
Ănggiônrátx thân đưa cho nó một cốc nước. Giave hai tay bị trói nên chàng cầm cho nó uống luôn. Ănggiônrátx hỏi lại:
- Không còn cần gì nữa à?
Giave đáp:
- Đứng ở cây cột này khó chịu lắm. Suốt đêm để ta đứng thế này, các người thật chẳng từ thiện chút nào. Các người trói thế nào thì trói, nhưng các người cũng nên để ta nằm trên một cái bàn, như người kia.
Y hất đầu chỉ thi hài ông cụ Mabớp.
Các bạn còn nhớ, ở cuối phòng có một cái bàn to và dài nghĩa quân đúc đạn và làm đạn ở đây. Đạn làm xong, thuốc súng cũng hết, cái bàn hóa nên bỏ không.
Theo lệnh Ănggiônrátx, bốn nghĩa quân cởi trói cho Giave. Bốn người cởi hắn khỏi cây cột, còn một người thứ năm thì cầm lưỡi lê chĩa vào giữa ngực hắn. Tay hắn vẫn trói ra sau lưng như cũ, người ta lấy một cái dây thừng nhỏ và chắc buộc hai chân hắn lại, nhưng để cho hắn có thể đi những bước ngắn như người sắp lên máy chém. Và người ta bắt hắn đi đến cái bàn ở cuối phòng, đặt hắn nằm lên đấy, buộc chặt ngang bụng vào bàn.
Để cho chắc chắn thêm, người ta dùng thêm một cái dây cột phụ thêm vào các dây trước làm cho không còn cách nào trốn được nữa. Cái dây này buộc theo kiểu trong nhà tù gọi là dây đai, đi từ sau gáy, thắt nút ở trước dạ dày rồi chia thành hai múi quàng xuống bụng, luồn qua đít và kéo trở lên nối liền với hai bàn tay ở sau lưng.
Trong khi người ta trói Giave, một người đứng ở bậc cửa đưa mắt nhìn hắn chằm chằm. Thấy bóng người ấy rải trên mặt đất, Giave quay đầu lại, ngước mắt nhìn và nhận ra được Giăng Vangiăng. Hắn cũng chẳng giật mình, cứ kiêu hãnh sụp mắt xuống và chỉ lẩm bẩm mấy lời: cũng dễ hiểu thôi.
VII
TÌNH HÌNH THÊM NGHIÊM TRỌNG
Trời mỗi lúc một sáng nhanh. Nhưng chẳng thấy nhà ai mở lấy một cái cửa sổ hay hé lấy một cánh cửa lớn. Trời đã rạng đông nhưng hàng phố vẫn như chưa thức tỉnh, ở đầu phố Săngvrơri đối diện với chiến lũy, quân đội chính phủ đã rút khỏi, như chúng tôi nói. Đường phố như rảnh rang chờ người đi đường qua lại, với vẻ vắng lặng đáng sợ. Con đường Xanh Đơni cũng lặng câm như đại lộ Xphanh ở Tebơ. Ở các ngã tư, mặt đường loang loáng ánh mai trắng nhạt, cũng không một bóng người. Cái ánh sáng nhàn nhạt trên các đường phố lạnh tanh, thật chẳng có gì ảm đạm bằng.
Mắt không thấy gì cả nhưng tai thì vẫn nghe. Ở gần đâu đây có một cái gì đang chuyển động âm thầm. Rõ ràng là giờ phút nghiêm trọng sắp đến. Như hồi đầu hôm, những người canh gác đều rút về chiến lũy, nhưng lần này họ đều về tất cả.
Chiến lũy bây giờ vững mạnh hơn khi có đợt tấn công thứ nhất. Lúc năm người kia đi xong, nghĩa quân đã bồi đắp cho nó cao thêm nữa.
Theo ý kiến của người nghĩa quân canh gác đã quan sát khu chợ, Ănggiônrátx sợ bị đánh bất ngờ từ sau lưng. Chàng quyết định một việc quan trọng. Ngõ Môngđêtua từ trước giờ còn để trống làm con đường giao thông nhỏ, chàng ra lệnh chặn lại. Mọi người phải cạy thêm một khúc đường phố dài độ mấy cái nhà nữa. Như thế là khu chiến lũy ba mặt đều bị chặn lại, đằng trước là phố Săngvrơri, bên trái là phố Xinhơ và phố Pơtit Tơruyăngđri, bên phải là ngõ Môngđêtua, thực sự hầu như không thể đánh chiếm nổi. Có điều là nghĩa quân cũng bị kẹt luôn ở trong ấy. Chiến lũy có ba trận tuyến, nhưng lại không có lối rút lui. Cuốcphêrắc cười nói:
- Pháo đài mà cũng là bẫy chuột đấy!
Có độ ba mươi tảng đá mà Bốtxuyê cho là “cạy thừa”, Ănggiônrátx bảo đem chất trước cửa quán rượu.
Ở phía đoán chắc là đợt tấn công sẽ xuất phát, bấy giờ lại nghe im lặng như tờ khiến Ănggiônrátx phải cho mọi người trở về vị trí chiến đấu của mình.
Mỗi người được phát một xuất rượu mạnh.
Chẳng có gì lạ bằng một chiến lũy chuẩn bị đón một cuộc xung phong. Người nào cũng chọn chỗ ngồi cho mình như đi xem hát. Người thì áp sườn vào tường, người thì chống khuỷu tay, người thì tựa vai. Có người lại khuân đá làm ghế ngồi. Góc tường nào bất lợi, người ta tránh xa ra, mô tường nào có thể tránh đạn được, người ta ẩn vào đấy. Ai bắn tay trái thì thật là quý, chỗ nào bất tiện cho người khác thì họ lãnh lấy. Lắm kẻ lại sắp xếp để cứ ngồi mà đánh nhau. Người ta muốn được một chỗ thoải mái để giết cũng như một chỗ tươm tất để chết. Trong cuộc chiến tranh khốc hại năm 1848, một nghĩa quân có đường bắn rất đáng gờm, và đã mang một cái ghế bành kiểu Vônte lên sân thượng một nóc nhà nọ để ngồi đánh nhau. Một viên đạn đã bay lên tìm anh ta tận trên ấy.
Người chỉ huy vừa hạ lệnh chuẩn bị chiến đấu, tức thì mọi cử động lộn xộn đều chấm dứt. Thôi không cãi nhau nữa, thôi không tụm năm tụm ba nữa, thôi không chuyện riêng nữa, thôi không bàn mảnh nữa. Tất cả trí não đều quy tụ lại và biến thành sự đợi chờ quân địch. Trước khi nguy hiểm đến, chiến lũy là cảnh hỗn độn, giữa lúc nguy hiểm, chiến lũy lại là cảnh kỷ luật. Hiểm nguy tạo ra trật tự.
Khi Ănggiônrátx cầm khẩu các-bin hai nòng lên và đến đứng vào chỗ có lỗ trống như lỗ châu mai mà chàng đã chọn, mọi người đều im lặng. Có tiếng lách cách vang dọc theo bức thành đá: người ta lắp đạn.
Tuy nhiên, thái độ mọi người đều có vẻ kiêu hãnh và tự tin hơn bao giờ hết. Càng quên mình lắm càng rắn rỏi nhiều. Bọn người này không còn sức mạnh của hy vọng nữa, nhưng họ lại có sức mạnh của tuyệt vọng. Tuyệt vọng là vũ khí cuối cùng, có khi nó cũng đem lại thắng lợi, Viếcgin nói thế. Những quyết định triệt để làm nảy ra những phương tiện tuyệt đỉnh. Xông vào chỗ chết có khi lại tìm thấy lối sống. Tấm ván đậy nắp quan tài có khi lại trở thành tấm ván cứu người chết đuối.
Như chập tối hôm qua, tất cả sự chăm chú đều quay vào, có thể nói là đều áp vào, đầu phố bây giờ đã sáng rõ.
Thời gian chờ đợi không lâu lắm. Tiếng động lại vang đến rõ rệt ở phía Xanh Lơ, nhưng không giống như trong cuộc tấn công lần trước. Có tiếng dây xích loảng xoảng, có tiếng một khối gì gập ghềnh tiến đến, nghe đáng sợ, có tiếng thép nhảy trên đường lích kích, tất cả thành một thứ ầm ầm nghiêm trọng, báo hiệu một mớ sắt thép ghê rợn đang tiến đến gần. Lòng các đường phố cũ kỹ bình yên bỗng như run lên. Các đường phố này được xẻ ra để cho lợi quyền và tư tưởng được giao lưu có hiệu quả, chứ đâu phải để cho những thứ xe quỷ quái của chiến tranh đi lại.
Toàn thể chiến sĩ đều trông về cuối phố, mắt nhìn chằm chằm không chớp, trông như đổ lửa.
Một khẩu pháo hiện ra.
Bọn thủ pháo đẩy tới. Khẩu pháo sẵn sàng để bắn. Càng pháo đã tháo ra, hai tên lính nâng bệ súng, bốn tên bắt bánh, nhiều tên khác theo sau mang hòm đạn. Ngòi súng đang cháy bốc khói. Ănggiônrátx thét:
- Bắn!
Cả chiến lũy bắn ra một loạt. Tiếng nổ vang lên ghê gớm. Một thác khói phủ lên, xóa nhòa khẩu pháo và bọn lính. Vài giây sau, làn khói tan đi, khẩu pháo và bọn lính lại hiện ra. Bọn pháo thủ đã đẩy khẩu pháo vào trước mặt chiến lũy, thong thả, chỉnh tề, không chút hấp tấp. Loạt súng vừa rồi không làm tên nào trúng đạn cả. Tên khẩu đội trưởng, đè quy lát xuống để nâng cao đường bắn, chĩa nòng pháo vào chiến lũy, với vẻ thận trọng của một nhà thiên văn đang chĩa ống nhòm lên trời. Bốtxuyê kêu lên:
- Hoan hô bọn pháo thủ!
Và tất cả chiến lũy đều vỗ tay.
Một lát sau thì khẩu pháo đặt chễm chệ chính giữa đường, nằm vắt ngang trên lòng đường, sẵn sàng nhả đạn. Cái họng dữ dội há hốc ra nhằm vào chiến lũy. Cuốcphêrắc nói:
- A ha, vui nhỉ! Thằng cộc cằn đã đến. Hôm qua là búng chơi, bây giờ mới thật đấm đây. Quân đội giơ cái chân voi ra với bọn mình rồi đấy. Chiến lũy rồi sẽ bị giã ra trò. Hôm qua súng trường nắn thử, bây giờ đại bác đến phá đây.
Côngbơphe thêm:
- Một khẩu tám mươi ly đấy, kiểu mới, bằng đồng đỏ. Loại pháo này, đồng đỏ mà trộn quá tỉ lệ mười phần thiếc, một trăm phần đồng một chút thì nhất định là toác nòng ngay. Nhiều thiếc thì nòng quá mềm. Cho nên có thể có những hang hốc, những chỗ rỗ trong ruột. Để khỏi toác nòng và để nhồi thuốc cho già, có lẽ phải trở lại phương pháp thế kỷ mười bốn là đặt niềng xung quanh, đai vào bên ngoài nòng một loạt vòng thép không hàn lại, từ quy lát đến bệ. Trong khi chờ đợi người ta cũng cố tìm cách bổ khuyết. Người ta có thể biết hang, nẻ ở đâu bằng cách dùng que thông móc. Nhưng có cách tốt hơn, đó là ngôi sao đo của Gribôvan.[271]
[271] Dụng cụ để đo nòng pháo.
- Hồi thế kỷ mười sáu, Bốtxuyê nhận xét, người ta xẻ rãnh trong nòng.
- Phải, Côngbơphe đáp. Cái đó làm tăng sức xạ kích nhưng lại làm giảm độ chính xác. Với lại, khi bắn gần thì đường đạn không thẳng như ta mong muốn, đường parabôn cong quá mức, đạn không đi thẳng để tin vào các vật nằm ở trung gian, mà điều này lại cần thiết trong chiến đấu, nhất là khi địch ở gần và cần bắn nhanh. Với đại bác rạch nòng thế kỷ mười sáu, đường đạn không căng là do không thể dùng nhiều thuốc. Với loại vũ khí này, không thể tọng già thuốc là do sức phá vỡ quá mạnh của nó, chẳng hạn phải sợ rạn vỡ bệ súng. Tóm lại đại bác cũng như một bạo chúa, không thể muốn gì làm được nấy, rất mạnh cũng là rất yếu. Một viên đạn đại bác đi sáu trăm dặm một giờ, ánh sáng một giây đi bảy vạn dặm.[272] Chúa Giêsu hòa Napôlêông như thế đấy.
[272] Dặm Âu châu (lieue) bằng độ 4 km.
- Lắp đạn lại, Ănggiônrátx hô.
Lớp áo giáp của chiến lũy sẽ chịu đựng như thế nào sức đạn đại bác? Viên đạn sẽ chọc thủng nó chăng? Đó là vấn đề. Trong khi nghĩa quân lắp đạn thì bọn pháo thủ cũng nạp đạn vào nòng khẩu pháo.
Khắp chiến lũy ai nấy đều hết sức lo lắng.
Khẩu pháo bắn, tiếng nổ vang ầm.
- Có mặt! Một tiếng reo vui vẻ cất lên.
Phát đạn đại bác đập vào chiến lũy thì đồng thời Gavrốt cũng nhảy phóc vào giữa.
Chú từ phố Xinhơ đến và đã nhanh nhẹn leo qua cái chiến lũy phụ chắn phía Pơtit Tơruyăngđri.
Cả chiến lũy xao xuyến vì Gavrốt nhiều hơn là vì quả đại bác.
Quả đại bác đã mất hút trong mớ gạch đá chằng chịt. Nó chỉ làm gãy một bánh xe của chiếc xe khách và hủy hoại nốt cái xe bò Ăngxô, chứ không gây thiệt hại gì khác. Thấy thế, cả chiến lũy phá lên cười. Bốtxuyê gọi bảo bọn pháo thủ:
- Tiếp tục đi!
@by txiuqw4