III
HỌ NHỚ LẠI CÁI VƯỜN PHỐ PƠLUYMÊ
Đó là lần cuối. Ngọn lửa cuối cùng bùng lên như vậy rồi sau đó thì tắt hẳn, hết thân mật, hết chào hỏi kèm một chiếc hôn, hết cái tiếng “cha ơi” vô cùng êm ái.
Chính Giăng Vangiăng đã yêu cầu như vậy và đồng lõa như vậy: ông từ bỏ hết những hạnh phúc của mình.
Ông đau khổ khi mất hết cả Côdét trong một ngày, nay lại đau khổ mất Côdét dần dần từng mảnh nữa.
Ánh sáng lờ mờ dưới hầm, mắt người ta rồi cũng quen, một ngày được thấy mặt Côdét một lần cũng đủ rồi. Tất cả cuộc đời Giăng Vangiăng thu gọn vào giờ phút ấy. Ông ngồi bên cạnh nàng, nhìn nàng thầm lặng hay ông nhắc lại những câu chuyện năm xưa, hồi nàng còn thơ ấu, nhắc đến nhà tu kín và những bạn nhỏ của nàng hồi ấy.
Một buổi chiều, bấy giờ đã bắt đầu tháng tư, khi trời đã ấm tuy vẫn còn lành lạnh, mặt trời đã trở lại tươi sáng. Mấy miếng vườn xung quanh cửa sổ phòng Mariuytx và Côdét như say sưa bừng thức giấc: cây sơn trà sắp nở hoa, hoa thập tự giăng một dãy nữ trang lên khắp mặt tường cũ, hoa mõm sói há miệng hồng trong kẽ đá, hoa bạch cúc, hoa mao lương đã chớm nở trên bờ cỏ, bướm trắng đã bắt đầu bay ra, gió xuân, viên nhạc công trong ngày hội thiên nhiên, dạo thử giữa lùm cây những tiếng nhạc đầu tiên của khúc hòa âm bình minh mà các nhà thi sĩ cổ mệnh danh là buổi Hồi xuân.
Mariuytx bảo Côdét:
- Chúng mình vẫn cứ ước ao đến thăm vườn cũ phố Pơluymê. Đi đi, em ạ, ta không được quên ơn.
Như hai con chim én, họ bay về mùa xuân. Cái vườn phố Pơluymê đối với họ chẳng khác gì buổi bình minh. Họ đã sống qua một thời kỳ có thể gọi là mùa xuân yêu đương của họ. Cái nhà phố Pơluymê thuê dài hạn vẫn thuộc quyền sử dụng của Côdét. Họ đến cái nhà và cái vườn ấy. Họ gặp lại họ những ngày đầu và họ say sưa quên lãng tất cả. Buổi chiều, giờ thường lệ, Giăng Vangiăng đến phố Phiơ đuy Canve. Bátxcơ bảo ông: “Bà tôi đi chơi với ông chưa về ạ”.
Giăng Vangiăng âm thầm ngồi và đợi một tiếng đồng hồ. Côdét vẫn chưa về, ông cúi đầu bước ra.
Ngày hôm sau, Côdét say sưa về cuộc đi chơi “vườn cũ”, rất sung sướng đã “sống lại cả một ngày quá khứ” cho nên chỉ nói đến chuyện ấy thôi. Nàng chẳng nhớ rằng hôm trước nàng không gặp Giăng Vangiăng.
- Ông bà đi đến phố Pơluymê bằng gì? - Giăng Vangiăng hỏi.
- Đi bộ.
- Thế về bằng gì?
- Xe hàng.
Đã ít lâu nay Giăng Vangiăng nhận thấy lối sống eo hẹp của cặp vợ chồng trẻ. Ông lấy làm khó chịu. Mariuytx chi dùng chặt chẽ quá. Giăng Vangiăng mà đã cho là chặt chẽ thì phải là chặt chẽ thật sự. Ông hỏi thử một câu:
- Sao ông bà không sắm chiếc xe nhà? Một chiếc xe hòm hai chỗ xinh xắn mỗi tháng chỉ tốn năm trăm phơrăng. Ông bà giàu kia mà?
- Tôi cũng chẳng biết - Côdét trả lời.
Giăng Vangiăng nói tiếp:
- Khoản mụ Tútxanh cũng vậy. Mụ ấy đi bà chẳng thuê ai thay. Vì sao thế?
- Nicôlét cũng đủ rồi.
- Nhưng bà phải có một người hầu buồng chứ?
- Chả có Mariuytx rồi sao?
- Ông bà phải có một giàn giá riêng, những kẻ hầu riêng của ông bà, một chiếc xe ngựa, giữ một lô ở nhà hát. Ông bà đáng có những gì đẹp nhất. Tại sao lại không lợi dụng cái phú quý của mình. Tiền tài cũng làm tăng thêm hạnh phúc chứ?
Côdét không trả lời.
Những buổi đến thăm, Giăng Vangiăng ngày càng ở lâu. Khi lòng người đã bị lôi kéo, khó có cái gì giữ lại được.
Mỗi khi Giăng Vangiăng muốn ngồi lâu, để cho Côdét quên thì giờ, ông ca ngợi Mariuytx, nào là Mariuytx đẹp, nào là cao thượng, dũng cảm, nào là ý nhị, lanh trí, hùng hồn, tốt bụng. Côdét phụ họa. Giăng Vangiăng nhắc lại cứ như thế không bao giờ hết. Cái tên Mariuytx như một kho tàng vô tận, trong sáu chữ cái[367] mà có biết bao nhiêu pho sách. Nhờ vậy mà Giăng Vangiăng ngồi lại được rất lâu. Được nhìn Côdét, quên tất cả bên nàng, êm ái biết bao; vết thương của ông vậy là được băng bó. Có khi, Bátxcơ phải hai lần đến nhắc:
- Thưa bà, cụ Gilơnócmăng cho tôi đến nhắc bà là cơm đã dọn.
[367] Theo tiếng Pháp M-A-R-I-U-S.
Những ngày ấy, Giăng Vangiăng trở về nhà rất tư lự.
Cái ý nghĩ của Mariuytx so sánh Giăng Vangiăng với con nhộng có phần nào đúng chăng? Giăng Vangiăng có phải là con nhộng không muốn dứt đi và trở về thăm con bướm của nó không?
Một hôm ông ở lại lâu hơn mọi ngày. Ngày hôm sau, ông thấy lò sưởi không đốt lửa. Ông tự nhủ: “Kìa không có lửa”, và ông tự giải thích cho mình: “Có gì đâu, đã tháng tư, hết lạnh rồi”.
Côdét vào buồng kêu lên:
- Trời! Sao ở đây lạnh thế!
Giăng Vangiăng nói:
- Không, có lạnh đâu!
- Thế ông bảo ông Bátxcơ đừng đốt lửa đấy à?
- Phải rồi! Lát nữa thì sang tháng năm rồi còn gì?
- Người ta đốt lửa đến tháng sau đấy chứ. Trong cái hầm này thì phải đốt lửa quanh năm.
- Tôi nghĩ rằng không cần lửa nữa.
- Đúng là một ý kiến của ông - Côdét nói.
Ngày hôm sau có lửa, nhưng hai chiếc ghế tựa lại mang để sang đầu kia buồng, gần cửa ra vào. Giăng Vangiăng nghĩ bụng: “Thế này là nghĩa gì nhỉ?”
Ông ra mang hai chiếc ghế để vào chỗ cũ, gần lò sưởi.
Tuy nhiên ngọn lửa đốt lại làm ông mạnh dạn hơn, ông ngồi lâu hơn mọi ngày. Khi ông đứng dậy sắp ra về thì Côdét bảo:
- Nhà tôi hôm qua vừa bàn với tôi một điều rất ngộ.
- Điều gì đấy?
- Nhà tôi bảo: “Côdét này, chúng ta có ba mươi nghìn phơrăng lợi tức, hai mươi bảy nghìn của em, còn ba nghìn của ông anh cho anh”. Tôi trả lời: “Thế vị chi là ba mươi nghìn”. Nhà tôi lại bảo: “Em có can đảm sống với ba nghìn phơrăng thôi không?” Tôi trả lời: “Được, không đồng nào cũng được, quý hồ sống với anh”. Rồi tôi lại hỏi: “Sao anh lại hỏi em như thế?” Nhà tôi trả lời: “Để cho biết”.
Giăng Vangiăng không còn nói được gì. Côdét tưởng ông sẽ giải nghĩa thế nào. Ông ngồi nghe âm thầm, yên lặng. Ông trở về phố Lomácmê. Ông mải nghĩ ngợi đến nỗi vào lầm cổng, không về nhà ông, mà vào nhà bên cạnh. Lên gần hết hai tầng gác ông mới chợt nhớ ra và bước xuống.
Tâm trí ông xô bồ những ức đoán. Chắc chắn Mariuytx nghi ngờ về nguồn gốc số tiền sáu trăm nghìn phơrăng ấy, chàng có thể nghi là không trong sạch, biết đâu đấy! Chàng có lẽ đã biết là tiền ấy của Giăng Vangiăng, chàng do dự trước số tiền ám muội ấy và ngần ngại không muốn coi là của mình. Thà chàng với Côdét chịu nghèo túng còn hơn là giàu có một cách không trong sạch.
Vả lại Giăng Vangiăng thấy mơ hồ là người ta muốn cho ông đừng đến nữa.
Ngày hôm sau bước chân vào phòng dưới, ông hầu như giật nảy mình: mất cả hai chiếc ghế bành, cũng không có lấy một chiếc ghế tựa.
Côdét bước vào, kêu:
- Sao thế này? Không có ghế? Ghế đâu cả?
- Ghế không còn nữa - Giăng Vangiăng trả lời.
- Thế thì gớm thật!
Giăng Vangiăng lắp bắp:
- Tôi đã bảo Bátxcơ cất đi.
- Vì sao?
- Hôm nay tôi chỉ ở lại vài phút thôi.
- Ở lại không phải là lý do để cứ đứng.
- Tôi tưởng là Bátxcơ cần mang ghế lên phòng khách.
- Để làm gì?
- Nhà tối nay chắc có khách.
- Chẳng có ai cả.
Giăng Vangiăng không nói được một lời nào nữa. Côdét nhún vai một cái:
- Bảo mang ghế đi. Hôm nọ thì ông bảo tắt lửa? Ông lạ lùng thật.
Giăng Vangiăng lẩm nhẩm:
- Vĩnh biệt.
Ông không nói: “Vĩnh biệt Côdét” nhưng cũng không đủ nghị lực để nói: “Xin vĩnh biệt bà”.
Giăng Vangiăng ra về, lòng nặng trĩu đau buồn.
Lần này ông đã hiểu rõ.
Hôm sau ông không đến. Đến đêm, Côdét mới sực nhớ, nàng bảo:
- Kìa, ông Giăng hôm nay không đến.
Nàng như thấy se lòng một chút, nhưng chỉ thoáng qua, một cái hôn của Mariuytx làm nàng quên ngay. Hôm sau nữa, Giăng Vangiăng cũng không đến. Côdét không để ý, buổi tối đến và ban đêm nàng ngủ như thường, khi tỉnh dậy mới nhớ. Nàng sung sướng quá mà!
Nàng cho ngay Nicôlét đến nhà ông Giăng, xem ông có ốm không và tại sao hôm trước không đến. Nicôlét trở về bảo ông trả lời rằng: Ông không ốm, ông bận thôi và cũng sắp đến thôi, ông sẽ cố đến sớm. Vả lại ông cũng sắp đi xa ít hôm, bà hẳn còn nhớ trước kia ông thường hay đi vắng như thế, bà đừng lo ngại và đừng bận trí vì ông.
Khi đến nhà ông Giăng, Nicôlét đã nhắc lại nguyên văn lời của bà chủ: Bà chủ bảo đến hỏi thăm “xem vì sao ông Giăng hôm qua không đến”.
Giăng Vangiăng ôn tồn trả lời: không đến hai hôm rồi.
Nhưng lời nhận xét của Giăng Vangiăng trôi tuột đi, Nicôlét chẳng để ý, và không bảo gì Côdét cả.
IV
THU HÚT VÀ TÀN LỤI
Trong những tháng cuối mùa xuân và đầu mùa hạ 1833, những khách qua đường thưa thớt khu phố Mare, những người bán hàng, những người vô công rồi nghề đứng ngóng ở ngưỡng cửa, đều để ý đến một ông già. Ông mặc bộ quần áo đen, sạch sẽ, ngày nào vào lúc tối trời, đúng giờ ấy cũng ở phố Lomácmê ra đi, đi về phía phố Labơrơtonnơri, đi qua đồn Bơlăng Măngtô đến phố Quyntuya Xanh Catơrin, rồi khi rời Êsacpơ thì rẽ sang tay trái và đi vào phố Xanh Luy.
Đến đây ông lão đi chậm từng bước, đầu chúi về phía trước, chẳng trông thấy gì, chẳng nghe thấy gì, mắt đăm đăm nhìn một điểm gì trước mặt, một điểm không di dịch, đối với ông thì sáng như sao, nhưng chỉ là một góc phố Phiơ đuy Canve. Càng đến gần góc phố ấy, mắt ông lão càng sáng ra, hai mắt ngời ngời sung sướng như trong lòng có ánh bình minh, vẻ mặt như bị thôi miên, cảm động vô cùng, môi mấp máy như đang nói với một người nào trông thấy; ông lão mỉm cười mơ hồ và đi rất từ từ, hình như muốn tới nơi mà lại sợ không dám đến gần, khi chỉ còn cách vài nhà là đến cái phố như thu hút ông ấy, thì chân ông bước rất chậm, đến nỗi có lúc người ta tưởng như ông không đi nữa. Cái đầu lắc lư, con mắt đăm đăm chẳng khác gì cái kim nam châm tìm bắc cực. Nhưng dẫu muốn kéo dài thời gian thế nào, rồi cũng phải tới nơi. Đến phố Phiơ đuy Canve ông lão dừng lại, run lẩy bẩy, e ngại, âm thầm, ông chồm tới quá góc tường cái nhà cuối cùng, nhòm vào trong phố, trong con mắt ông lão như có ánh sáng của một thứ hạnh phúc không sao với được của một cõi thiên đường đã khép chặt cửa. Rồi một giọt nước mắt đọng dần ở góc mi nặng trĩu và lăn ra ngoài, trôi trên má và có khi ngừng lại bên miệng. Ông lão nhấm thấy vị mặn. Ông đứng lặng mấy phút như một pho tượng đá, rồi quay trở lại đi theo con đường cũ, cũng bước chậm chậm từ từ như trước, càng đi xa, ánh mắt ông càng mờ dần đi.
Dần dà ông lão không đi đến góc phố Phiơ đuy Canve nữa, ông dừng lại ở nửa đường, trong phố Xanh Luy, có lúc xa một chút, có lúc gần hơn. Một hôm ông đứng lại ở góc phố Quyntuya Xanh Catơrin và từ đằng xa nhìn về phố Phiơ đuy Canve, rồi lại lắc đầu lặng lẽ, từ trái sang phải, như muốn thôi không làm một việc gì đó và quay trở lại.
Chẳng bao lâu, ông lão không đi đến phố Xanh Luy nữa, ông đứng ở phố Pavê lắc đầu rồi quay lại; rồi ông cũng không đi qua phố Tơroa Paviông; và rồi ông cũng không đi qua đồn Bơlăng Măngtô nữa. Chẳng khác gì một cái đồng hồ không lên dây, quả lắc lắc lư một ngày một ngắn cho đến lúc dừng hẳn.
Ngày nào ông lão ở nhà ra cũng đúng giờ, cũng vẫn đi con đường ấy, nhưng không đi đến nơi, và như cố tình mỗi ngày một rút ngắn nó lại: “Thôi, ích gì?” Con ngươi đã tắt, không còn ánh sáng nữa. Giọt nước mắt cũng ráo, không còn đọng lại ở khóe nữa, con mắt tư lự ấy đã khô lệ rồi. Cái đầu ông lão vẫn chúi về phía trước, cằm thỉnh thoảng cử động, những nếp nhăn trên cổ gầy gò trông thật thảm hại. Đôi lúc, khi trời xấu, ông lão cắp nách một chiếc ô nhưng không mở. Những mụ đàn bà bình dân trong xóm bảo nhau: “Ông lão lú lẫn”. Trẻ con chạy theo ông cười reo.
@by txiuqw4