Ông ngoại tôi làm nghề bốc thuốc. Cụ cứu chữa cho rất nhiều con bệnh nặng trong vùng, nhưng chính cụ không cứu được mình. Ông tôi mất năm 43 tuổi, vì 1 căn bệnh không định rõ. Sau này, theo triệu chứng lâm sàng, người ta đoán là bệnh ung thư. Bà ngoại tôi năm ấy 42 tuổi, ở vậy nuôi con, mẹ tôi và cậu Chính. 18 tháng sau, bà cũng cảm hàn đột ngột đi theo ông. Lúc đó, mẹ tôi 19, cậu Chính 17. Cậu được 1 người bà con tình cờ về dự đám ma dắt lên chiến khu Việt Bắc. Cậu vào bộ đội luôn. Mẹ tôi ở làng bán hàng xén trên chợ huyện, chăm sóc nhà cửa, mồ mả ông cha. Ngôi nhà của ông ngoại tôi, tôi đã về thăm 1 lần. Đó là 1 ngôi nhà thấp, lợp ngói vẩy cá, hiên bức bàn, cửa gỗ, các chân cột kê đá hình trụ chống ẩm. Ngoài nhà ở, còn 3 gian nhà ngang dùng làm nơi gác nong tằm, xay giã gạo và chứa nông cụ. Nhà của ông bà ngoại tôi rất chắc chắn, nhưng tối tăm, loại nhà cổ. Buổi trưa, tôi đứng trong nhà, thấy hơi ẩm toát ra từ các bức tường ghép gỗ, từ các cây rui được đẽo gọt cầu kỳ giương hình chạm như những con mắt bí hiểm. Từ các đầu hồi tăm tối, nơi thỉnh thoảng 1 chiếc mạng nhện đu đưa, ánh sáng rọi qua các kẽ ngói mục ẩm bị đứt quãng, run rẩy như lửa ma trơi. Tự dưng tôi sởn da gà, vội chạy ra sân. Mẹ tôi, lúc ấy đang cùng mấy người đàn bà nữa ngồi uống chè xanh liền hỏi:
- Làm sao thế em?
- Không sao, nhưng con sợ.
- Rõ đồ con vịt, giữa ban ngày ban mặt mà còn thế.
Mẹ chửi. miệng tủm tỉm cười. Tôi nhìn 2 hàm răng đều chằn chặn, ánh trắng rực rỡ như ngọc trai của mẹ, bỗng nhiên buồn. Đó là mảnh nhan sắc cuối cùng còn sót lại của mẹ. 1 thời xuân sắc qua, chẳng để làm gì, chẳng dành cho ai. Tôi hỏi vu vơ:
- Ngày trước, mẹ có sợ không?
Mẹ gắt:
- Nhà của tổ tiên, ông bà, có gì mà sợ?
Tôi gặng:
- Nhưng mẹ ở 1 mình.
1 bà hàng xóm cỡ tuổi mẹ tôi, nhếch mép cười:
- Không sợ, nhưng buồn. Chả thế chưa kịp mãn tang đã lấy anh chàng Tốn.
Các bà nhìn mẹ tôi cười ré lên. Rồi bà nọ đấm lưng bà kia thùm thụp như các cô gái. 2 gò má mẹ tôi đỏ rực lên như say trầu.
Tôi hỏi:
- Anh chàng Tốn ấy là ai hở dì?
- Là bố mày. Rõ con nhà vô phúc.
- Không.
Tôi hét lên, đâm đầu chạy ra vườn. Người ta đã trêu tôi, người ta đã sỉ nhục tôi. Tôi, đứa con không bố, đứa trẻ vô thừa nhận. Tôi khóc nức nở trong góc vườn, giữa 1 cây ổi già và 1 bụi dứa gai. Rồi mẹ tôi tìm tôi, dắt tôi vào nhà. Đám láng giềng đã về hết. Trên mảnh sân gạch chỉ có hoa khế rụng. Mẹ múc nước giếng trong chiếc bể vỡ, gạn từng gáo đổ vào thau đồng, rồi rửa mặt cho tôi. Tôi nức nở mãi. Tia mặt trời đốt lửa trong các vòng sóng nước và trong mắt tôi. Tôi ngủ vùi. Hôm sau, lúc rạng đông, những con chim hót líu lo trên ngọn tre và khắp khu vườn. Gió mát thổi tan cơn ám ảnh, người bán kẹp mạch nha rong cất tiếng rao dẻo quẹo ngoài đường thôn:
-Ai mạch nha, mạch nha đây ây ây...
Mẹ tôi mua cho tôi 2 que kẹo lớn, ôm tôi vào lòng và thủ thỉ kể chuyện anh chàng Tốn. Năm ấy, 9 tuổi tròn, tôi mới biết bố tôi là ai...
Trong cái năm đầu tiên sống 1 mình, khi ông bà ngoại đều mất và cậu Chính lên chiến khu, mẹ tôi đã phải cắn răng lại chống đỡ nỗi cô đơn, 3 gian nhà trên, 3 gian nhà dưới trống huyênh. Những quét cho sạch nhà, sạch sàn đã mệt. Lại còn khu vườn đầy cỏ, cứ dọn góc này góc kia đã um tùm. Trưa hè, trong không gian im vắng tù đọng chốn làng quê, tiếng chim tu hú cất lên cũng khiến cô gái trẻ giật thót tim hoảng sợ. Vào nhà, ra sân thui thủi 1 bóng theo. Ngọn lửa rơm liếm lem lém quanh cái niêu đồng một. Vại dưa chua mốc meo bốc mùi trong nhà, 1 con cá kho hay nửa quả trứng luộc đặt trên cái đĩa nhỏ bằng lòng tay. Bát canh leo pheo dăm ngọn rau mồng tơi hay rau dền hái ven bờ rào. Đôi khi, vừa nhìn ngọn lửa rơm vừa ứa nước mắt thương thân, mẹ tôi lắng nghe tiếng láng giềng gọi nhau sửa soạn bữa cơm chiều, nào giã cua nấu riêu, nào luộc khoai ăn thêm buổi tối, nào rang thóc làm cốm, nào nấu chè lam cúng rằm tháng giêng. Cô gái 19 tuổi không cắt nghĩa được những tai họa giáng xuống đời mình. Thêm vào đó, bọn trai làng nghịch tặc lẫn đám ông lý ông nhiêu háo sắc dòm ngó như quạ vào chuồng lợn. Tối tối, mẹ tôi khóa chặt các cửa, rồi thắp ngọn đèn hoa kỳ hạt đỗ, nằm chờ cho tới sáng. Lúc ngủ được đã vậy, lúc thao thức chỉ còn biết thắp ba nén nhang khấn tổ tiên, xin các người che chở cho cảnh sống cheo leo, như một mình neo con thuyền trong gió dữ. Đúng lúc ấy, mẹ tôi đã gặp bố tôi. Anh chàng Tốn là hương sự mới được bổ về làng. Trước, bố tôi dạy học trên phố huyện. Nhưng vì bà nội tôi bị tê thấp, bại liệt 1 chân nên ông xin đổi về xã để hầu hạ mẹ già. Mẹ tôi 20, bố tôi 26. Mẹ tôi xinh gái nhất vùng, bố tôi cũng là người khá kẻng trai, lại có học vấn. Tình yêu của 2 người nảy nở nhanh chóng và tăng trưởng với 1 tốc độ mà dư luận xã hội không chấp thuận. Theo tục lệ, mẹ tôi phải để tang 3 năm, và trong thời gian 3 năm ấy, không có quyền yêu đương, trang phục lòe loẹt tham dự hội hè. Bố tôi đã vượt qua những lời đàm tiếu, sự khinh thị, thái độ diễu cợt hay châm chọc của dân làng để cưới mẹ tôi. Người ta mỉa mai:
- Anh chàng Tốn theo Tây học. Bên Tây, chỉ chịu tang 1 năm thôi.
- Mình có phải giống mắt xanh mũi lõ đâu? Rõ quân xanh như lá bạc như vôi, bước qua mồ mả ông bà mà không biết nhục.
- Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục của tổ tiên.
- Các ông các bà cứ chờ đấy mà xem. Đã trái lệ ắt sinh sự chẳng lành. Rồi chúng nó cũng chẳng ăn đời ở kiếp được với nhau đâu.
Lời tiên tri độc ác của họ đã thành sự thực. Nhưng không phải vì bố mẹ muốn chia lìa nhau. Thời gian đầu, 2 người đã thực sự hạnh phúc. Bởi vì, trong câu chuyện kể, dù sầu thảm đến đâu, tôi cũng thấy mắt mẹ ánh lên ánh hồi quang nồng nàn, thắm thiết của 1 tình yêu không thể đo đếm, không thể tìm kiếm lại, thứ tình yêu chỉ có 1 lần... 1 năm 2 tháng sau ngày bố mẹ cưới nhau, hòa bình lập lại. Bộ đội ta từ chiến khu Việt Bắc kéo về. Khắp nơi vang khúc hát mừng giải phóng, khút hát yêu hòa bình, khúc hát của đồng lúa và rừng xanh. Mẹ tôi mừng mừng tủi tủi, hồi hộp chờ đứa em trai duy nhất. Từ hồi cậu đi, biệt vô âm tín, tịnh không có lấy 1 dòng thư nhắn về. Có người làng đi buôn thuốc Tây ngược lên vùng Trại Cờ gặp cậu, bảo cậu khỏe mạnh lắm, đã lên chức trung đội trưởng rồi. Người khác lại quả quyết thấy cậu sốt rét, da vàng khè như nghệ, chăn mấy con ngựa cho 1 đại đội thông tin. Mà cậu không đủ quần áo rét chỉ có 1 manh trấn thủ giữa tiết tháng Chạp, run lẩy bẩy như người nghiện thiếu thuốc. Mẹ tôi khóc hoài, giục bố tôi lần tìm khắp các đơn vị bộ đội trong tỉnh. Bố tôi cũng cất công đạp xe khắp nơi, nhưng không bắt được tin. Rồi, bỗng dưng nửa năm sau ngày giải phóng, cậu tôi đeo ba lô lùi lũi bước vào nhà.
Mẹ tôi đang dỡ khoai sọ trong vườn, ném cây cuốc ngồi thụp xuống khóc. Ai gọi mẹ tôi cũng không đứng được lên. Bố tôi dạy học trở về, chào cậu em vợ, đun nước pha trà ngon cho cậu uống. Nhưng đáp lại những săn sóc nồng nhiệt của bố tôi, cậu Chính chỉ hờ hững gật đầu, hoặc ầm ừ trong miệng. Thái độ của cậu vừa trịch thượng, vừa có gì rất khó hiểu. Bố tôi ra vườn gọi mẹ tôi vào rồi bỏ sang nhà mình. Nhà bà nội tôi cách đấy 1 vườn cau với 2 hàng dậu trồng hoa móng rồng. Đứng ở nhà này, có thể gọi vóng sang nhà bên kia. Bà sống với cô Tâm, chị ruột bố tôi. Côtôi 27 rất đẹp nhưng có học lại lạnh tính nên chưa lấy được chồng. Cô vừa làm ruộng vừa nuôi tằm. Bà tôi cơm nước. Bố tôi đã ở bên ấy luôn cho tới ngày bỏ quê đi.
Về phần mẹ tôi. Khi bố tôi đi khỏi, cậu Chính đã bảo mẹ ngồi xuống chiếc tràng kỷ đối diện với mình và nói:
- Chị Quế, từ nay về sau chị không được gặp mặt, không được nói năng, không được trao đổi bất cứ việc gì với tên Tốn.
- Tên Tốn? Sao cậu lại gọi anh ấy như thế?
- Vì anh ta là phần tử bóc lột.
- Bóc lột?
- Gia đình anh ta thuộc thành phần địa chủ, kẻ thù của nông dân. Chị Quế, trước khi về nhà, em đã được trên giao nhiệm vụ đội trưởng đội cải cách ruộng đất. Em đã họp dự thảo từ cấp huyện xuống xã, và đã sơ bộ quy định thành phần cho các nhóm trong làng. Gia đình tên Tốn có ruộng cho cấy rẽ, có bóc lột công nhân. Theo tình hình được cung cấp, hắn thuộc đối tượng phải đem đấu tố.
- Đấu tố là thế nào hở cậu?
- Là buộc kẻ có tội phải cúi đầu nhận tội trước bà con nông dân.
Mẹ tôi run rẩy nói:
- Từ xưa tới nay gia đình anh ấy vẫn ăn ở hiền lành, chưa làm điều gì độc ác. Cậu biết đấy, ở làng ai xấu ai tốt xóm giềng đều biết cả.
Cậu Chính nghiêm giọng bảo:
- Chị không được để kẻ khác lung lạc. Chị phải giữ vững lập trường giai cấp. Chúng ta phải đánh đổ bọn địa chủ cường hào gian ác để đem lại ruộng đất cho bà con nông dân. Nếu không nghe em, chị sẽ bị đào thải khỏi đội ngũ, chị sẽ chịu các hình thức kỷ luật của cách mạng.
Mẹ tôi òa khóc:
- Nhưng xưa nay chị và anh vẫn sống êm thấm với mọi người. Anh Tốn tốt nhịn lắm. Hồi anh chị cưới nhau ai mắng chửi, mỉa mai anh ấy đều nuốt giận làm lành. Chị không biết anh bóc lột ra sao. Mà chị cũng chưa nghe những điều em nói bao giờ.
- Chưa ai nói thì bây giờ Đội cải cách nói, cách mạng nói. Chị Quế, chị phải nghe em.
Cuộc đối thoại ấy diễn ra trước mặt 1 số bà con thân quyến. Ai nấy sợ xanh mặt, lặng lẽ ra về. Mọi người không hiểu vì sao bà lão Tam, chủ nhân 1 mẫu 8 ruộng hương hỏa lại trở thành kẻ thù với mình, thành giai cấp bóc lột phản động. Cô Tâm coi sóc số ruộng ấy. Mùa cày, cô thuê thợ cày. Mùa cấy cô ra đồng cấy. Mùa gặt, cô quần quật vừa làm vừa lo cơm nước cho tốp thợ gặt thuê từ dưới thôn Đông, thôn Sở lên. Trong làng, không thiếu người gia cảnh tương tự như thế. Họ là đám người cốt lõi của làng quê. Những kẻ yêu nghề nông như chính sinh mạng của mình. Tháng Giêng, tiếng trống hội hè vang lên khắp các sân đình, lũ trẻ mặc quần áo mới chạy chộn rộn các ngả đường thôn. Các đám rước và các gánh hát thi nhau dựng rạp, hòng moi những đồng xu nóng ấm thắt kỹ trong hầu bao dân quê. Đám người này, nửa con mắt ngó lên sân diễn, nửa con mắt kia đã liếc ra cánh đồng, nơi những vạt lúa xanh non phủ kín mặt ruộng. Tay họ vục trong bùn, cảm thấy độ ấm lạnh của đất, độ tan nguyễn hay thô cục của các rạch cày. Mùa hạ, trong các cơn gió chạy rần rật qua mái tranh, họ đoán trước được tai họa hay ân huệ của trời đất. Và từ tiếng sấm đầu tiên của cơn mưa đầu tiên, họ đã biết mình phải vác cuốc ra be bồ hay xáo xới các ruộng màu ngoài bãi sông. Tháng Tám, đêm thu trong vắt, tiếng chày giã cốm vọng từ các mảnh sân qua đường làng, tiếng cười đùa chí chóe của lũ đàn bà con gái làm không gian nở bung ngàn đóa hoa trắng, mùi hoa móng rồng mê mệt du níu các vườn cây. Lúc đó, họ nhìn trăng, quầng đỏ hay tán bạc màu mây xanh leo léo oan nghiệp kia báo trước hiểm nguy gì? Tháng Chạp, những đêm đông tê tái, họ có thể tỉnh dậy giữa lúc giấc ngủ đang nồng, và lặn khỏi giường, chạy ngay tới chuồng trâu, để đem thêm 1 ôm rơm, hay đốt lên 1 đống lửa. Nghề nào cũng có những người tận tụy với nó, yêu mê nó. Tình yêu đó đôi lúc không cắt nghĩa được. Nhưng chính nhờ tình yêu ấy mà nó tồn tại.
Phải, mẹ tôi đã không hiểu được tai họa giáng xuống đầu mình. Mẹ tôi khiếp sợ, như nhiều người khác đã khiếp sợ vào lúc đó. Cậu Chính đã triển khai đội cải cách rất nhanh. Bà nội tôi và cô Tâm chịu quỳ trước sân đình, đấu gục xuống, 2 tay vòng trước ngực. Trước mặt 2 người là đám dân làng đốt đuốc ngồi. Họ có nhiệm vụ lắng nghe những lời đấu tố. Và mỗi khi có tiếng hét bật lên: “Đả đảo địa chủ.” họ có nhiệm vụ giơ nắm tay lên hô thật to: “Đả đảo! Đả đảo...”
Hô càng to càng chứng tỏ tinh thần cách mạng vững vàng, chứng tỏ lòng căm ghét giai cấp bóc lột. Mà trong đám đông ấy, không ít những nông phu có ruộng đất và yêu ruộng đất với tình yêu máu thịt, nhờ kinh nghiệm lao động và tính cần mẫn mà có được 1 nóc nhà, 1 con trâu với vài ba vựa thóc. Chỉ cần bị 1 lời tố giác điêu toa, họ dễ dàng nhảy từ địa vị của người ngồi tham dự xuống đáy hố của kẻ bị kết án. Tai họa, nỗi nhục nhã, cái chết treo lơ lửng tựa 1 trái cây chín rục trên cành cao, không biết nó rụng xuống lúc nào. Bởi lẽ đó, trong tiếng hô rầm rập của đám dân làng, không ít những tiếng gào để che lấp cơn sợ hãi, 1 cách tự trấn an tinh thần, 1 cách cầu lợi thấp hèn, cái thấp hèn mà con người khó tránh khỏi trong những cơn giông tố. Mẹ tôi kể rằng trong đám dân làng có 2 kẻ được liệt vào loại cốt cán đã đấu tố bà nội tôi và cô Tâm. Người thứ nhất là 1 gã du thủ du thực, sống lang bang hết làng này qua làng kia, suốt mùa đông tới mùa hè đều đánh 1 bộ ka ki vá víu, bẩn thỉu. Nghe đâu gã đã có thời đi lính. Sau rồi nghiện rượu, gã được xuất ngũ trước thời hạn. Gã cao lớn, khá đẹp trai, nhưng lười. Người ta chỉ thuê gã làm những việc vặt trong nhà như dọn dẹp mâm bát, coi sóc sân phơi lúa hoặc lật lá thuốc, hù dọa bọn trẻ con ăn trộm mùa quả chín. Gã có tài pha trò hầu chuyện mấy lão chức dịch trong làng, xách thúng đi chợ hoặc làm gà, pha thịt cho mấy bà địa chủ giàu có, gã có thể ngồi đánh tổ tôm suốt đêm, xoa mạt chược suốt đêm như các ông chủ, bà chủ, có thể tán tỉnh các cô thợ gặt từ đầu mùa tới cuối mùa không chán, càng tán càng xôm nhưng chỉ cần cuốc 1 luống khoai, gã đã thở hồng hộc, mồ hôi toát đầm đìa khắp thân mình vạm vỡ như 1 võ sư chính cống. Người ta vẫn thì thầm với nhau rằng gã đã ngủ khắp lượt với bà lý Tiềm, bà tống Hớn, bà nhiêu Lan, bà cai Hồng... Còn mấy bà chủ ruộng góa chồng thì có các thêm vàng cũng không dám cho hắn vào nhà vì sợ ễng bụng ra. Không chồng thì biết đổ nọc cho ai?
- Bích, lại đây mày.
Đám đàn ông trong làng thường gọi hắn thế, dù hắn ít hơn hoặc nhiều hơn họ một chục tuổi. Hắn không được định giá theo bảng giá trị chung của dân làng. Hắn có cái tên đàn bà: Ngọc Bích, không hiểu cha mẹ hắn đặt từ thuở lọt lòng hay hắn ăn mày ở đâu trong đời phiêu bạt. Người ta cũng không biết cha mẹ hắn là ai. Hắn là dân cư ngụ.
- Bích, kể chuyện đi.
- Thưa vâng, chuyện gì bây giờ?
- Chuyện sờ vú sư cụ.
- Hi hi... Cho xin 1 chén đã.
Từ lão chánh tổng dâm ô 60 tuổi đến gã trai làng phóng đãng vừa có ria mép đều sai khiến được gã theo cách đó. Bỗng dưng, khi được liệt vào thành phần cố nông, đối tượng bắt rễ của đội cải cách, gã liền biến thành kẻ được trọng vọng. Thay vì nói chuyện phiếm mua vui cho cánh mày râu, gã dạy họ phải giác ngộ giai cấp, kiên quyết đấu tranh với bọn địa chủ bốc lột, nêu cao tinh thần chiến đấu. Thay vì ngồi bệt xuống ngạch cửa, chìa bàn tay cáu ghét ra xin chén rượu, hắn ngồi chồm hỗm trên tràng kỷ, nhìn chòng chọc vào mặt những ai bị đấu tố, la lối, sỉ nhục họ với vẻ hả hê bèo bọt. Thứ hả hê của loài cỏ leo.
Nhưng thôi, hãy nhắc tới nhân vật thứ 2, đó là 1 mụ góa, 1 người đàn bà nở nang phốp pháp từ mặt mũi tới thân hình xộc xệch cả áo quần lẫn tâm tính. Mẹ tôi kể rằng mụ khá xinh. Tên mụ là Nần. Da trắng nhây nhẫy, có phơi nắng nửa năm cũng không đen. Hồi chồng mụ còn sống, cứ 5 ngày mụ bị 3 trận đòn vì tội ăn cắp vặt. Ăn cắp từ trong nhà qua hàng xóm. Từ dăm quả cà, ổ trứng gà đang ấp, mớ ngô, cho tới con cá diếc. Mụ có tật tham ăn. Bún riêu cua, 1 lúc và lùa 6 bát. Bánh đúc hành mỡ, quẹt ngang miệng cũng 4 đĩa lật. Bánh da kê, người ta ăn hết 1 góc thì mụ phải làm cả chiếc mới đã nư. Cứ quỳ gối xuống hàng quà là mụ quên tất tần tật: cả chồng, cả con, cả hàng xóm láng giềng. May mà mụ chỉ đẻ mỗi 1 mống con gái. Người ta bảo mụ ăn quá nhiều, mỡ lấp tịt cả trứng nên không sinh nở được thêm. Giá đẻ nhiều, chắc cả lũ con mụ chết đói dở. Chồng mụ trước kia đăng lính, sau bị sa hố gãy dóng xương chân nên được về làng. Ông ta vốn người cù mì như cục tính. Suốt ngày lặn lội ngoài ruộng, ngoài bãi, lúc vác cày dong trâu về nhà thấy mụ vợ nằm lù lù trên giường ngáy, cơm nước chưa thổi, ông ta liền vác đòn tre phang. Ngày mùa, thóc tuốt về đổ vựa lớn, cót con nhưng chưa qua tháng đã thấy vơi như bị ma làm phép. Ông chồng đầu tiên còn hồ nghi, sau vài bận rình rập mới mục kích vợ xúc thóc trộm bán lấy tiền ăn quà. Ông ta lại nện cho mụ 1 trận thừa sống thiếu chết rồi thuê người đóng 1 chiếc rương gỗ lớn bằng cả gian nhà ngang chứa thóc. Cái rương ấy được khóa chặt bởi 1 ổ khóa bằng gang. Hết đường xơ múi, mụ Nần vác rá sang buồng hàng xóm. Từ láng giềng gần tới bà con xa. Không biết bao nhiêu bận lại bắt quả tang, mụ phải quỳ xuống van lạy. Rồi có lúc ông chồng phải tới tận nơi đem tiền chuộc vợ về. Đòn đánh như đập đất nhưng mụ vẫn không chừa. Thoạt tiên, còn là trộm thóc, sau tới cả con cá, lá rau. Người làng vẫn kể đi kể lại 1 giai thoại về tính tham ăn của mụ:
Mùa đông, buổi sớm trời rét như cắt tai. Chưa lăn xuống đất, mụ đã kêu đau bụng. Ông chồng chẳng nói chẳng rằng vào buồng xúc gạo nếp nấu nồi cơm nếp đậu đen. Xong xuôi, ông gọi đứa con gái dậy ăn rồi cha con chuẩn bị cuốc xáo ra bãi. Trước khi đi, ông ta dặn vợ:
- Nửa trưa, hễ bớt đau bụng thì ngồi dậy nấu cho bố con tôi bát chè. Đường tôi để trong chạn.
Mụ Nần nhăn nhó:
- Cứ đi đi. Tôi xem bụng dạ thế nào đã.
Chồng con vác cuốc đi khỏi ngõ, mụ nhỏm dậy, xuống bếp vét sạch nồi cơm nếp. Xong, mụ sang nhà hàng xóm đánh võng, tán chuyện. Chừng non trưa, ngon ngót bụng, mụ về nhà cạo khoai từ nấu chè. Nồi chè chín, đặc sánh như mỡ, múc vừa đầy 4 bát. Thoạt tiên, mụ Nần ăn 2:
- Để cho bố con mỗi người 1 bát.
Rồi mụ đi vo gạo nấu cơm. Cơm cạn, vùi trấu xong mụ ra vườn hái rau dền nấu canh trứng cáy. Đi ra, đi vào, nhìn 2 bát chè, không nhịn được cơn thèm, mụ lại tặc lưỡi húp bát nữa:
- Thôi, 2 bố con nó chia nhau 1 bát cũng được. Đi ngoài bãi về lạnh bụng ăn của ngọt dễ giở chứng.
Nồi canh ra đã chín, mấy con cá mắm khô cũng đã nướng xong, mụ Nần sắp bát đũa vào chiếc mâm gỗ, bưng lên nhà. Còn bát chè mụ đặt tít trên bàn thờ để khỏi nhòm ngó tới. Nhưng chồng con mụ ham việc nên quá trưa mới về. Trong khoảng thời gian đó, mụ hết ra ngõ ngóng lại vào nhà cởi áo bắt rận. Bát chè đặt tít trên cao không nguội đi mà cứ nóng hôi hổi trong cơn thèm. Mụ không chịu nổi. Mùi thơm của nó, vị ngọt của nó, hương vị bùi ngậy của nó khiến các giác quan mụ bứt rứt, không yên.
- Ôi dào, ăn nốt cho gọn chuyện. Lần khác, bố con nó chén hẳn 1 nồi.
Người đàn bà tặc lưỡi lần thứ 2. Ông chồng về biết chuyện, lẳng lặng ngồi ăn cơm. Nhưng đứa con gái mới 11 lại bô bô kể cho lũ trẻ trong làng. Hơn nửa năm sau, gia đình mụ có giỗ. Ông chồng mời anh em, họ mạc tới đông đủ vẫn chưa thấy vợ đi chợ về. Xôi dỡ rồi, gà giết rồi chỉ còn thiếu gia vị và các thức nấu. Từ nhà lên chợ huyện những tám cây số rưỡi. Người chồng đành nhờ chú em trông nhà rồi 3 chân 4 cẳng chạy té lên phố huyện. Tới chợ, mồ hôi tháo ướt áo quần, ông ta sục tìm khắp nơi. Cuối cùng, tới dãy hàng quà, ông ta thấy mụ đang quỳ gối trước chỗ bánh khúc. Bên cạnh, chiếc rổ xề đựng các thứ đồ lề và thực phẩm. Ông ta không nói được câu gì, chỉ hộc lên 1 tiếng rồi ngã lăn ra. Mọi người xúm lại. Lúc ấy, mụ Nần mới ngẩng được mặt lên. Chồng mụ đã cấm khẩu, mặt mũi tím đỏ như cổ con gà bị thít trước khi cắt tiết. Khi người ta võng ông ta đến trước cổng nhà thương thì ông ta trút hơi thở cuối.
Chồng chết, mụ Nần bán bớt 3 gian nhà ngang để lấy tiền làm ma. Số thóc trong rương đủ nuôi 2 mẹ con tới mùa sau. Nhưng vì mụ vẫn không chừa được tật tham ăn, nên mới được nửa mùa, mụ đã vét thúng thóc cuối đem bán. Đứa con gái 11 tuổi không thể thay cha cáng đáng việc nhà. Còn mụ, vốn quen chơi hơn quen làm nên càng ngày càng sa sút. Vừa giỗ đầu cho chồng xong, mụ bán nhà bán đất, dọn tới ở 1 mái lều ngoài trại, cách làng non cây số. Qua năm, mụ giao đứa con gái cho 1 bà con đưa lên tỉnh. Con bé đã ra đi không nhỏ 1 giọt nước mắt. Nghe đâu nó làm công cho 1 hàng bán bánh cuốn. Vì cơ chỉ, nên nó cũng dành dụm được món tiền còm. Co lần, quá túng đói, mụ Nần lên tỉnh tìm con, nhưng đứa bé trốn không ra gặp mẹ.
2 nhân vật đó, gã Bích và mụ Nần, không ai trong làng không biết. Chẳng hiểu vì cớ gì, cậu tôi lại xếp vào đội ngũ cốt cán của giai cấp nông dân. Chúng ngồi lên hàng ghế danh dự, đập bàn, quát:
- Mụ Tam, mày có biết tao là ai không?
- Thưa có, ông là ông Bích.
- Con Tâm, con địa chủ gian ác, mày có biết tao là ai không?
- Thưa có, bà là bà Nần.
Bên tay trái bà nội và cô tôi, những người khác quỳ gối chờ tới lượt họ. Cứ mỗi lần tiếng hô: “Đả đảo...” cất lên, họ lại run bần bật. Chỉ cô Tâm không hề run rẩy. Mẹ tôi nói rằng cô có cặp mắt tượng, trơ trơ cùng thế gian. Lần đấu tố thứ 2, bà và cô tôi phải đứng đưới 1 cái hố sâu chừng nửa thước. Đứng ở dưới đó, con người có cảm giác mình là 1 sinh vật thấp hèn, tủi nhục, bị đầy ải. Ngay những người đàn ông lì lợm rơi vào cảnh ngộ ấy cũng phải gục. Bà tôi ốm nặng rồi chết. Chỉ cô tôi là thản nhiên.
Tôi hỏi mẹ:
- Còn bố con thì sao?
- Bố con không như cô Tâm, bố con không chịu được nhục.
Mẹ tôi trả lời, với 1 giọng buồn, chẳng ra chê trách, cũng chẳng ra thán phục. Mẹ kể rằng bố tôi đã đau khổ ngay từ lần đầu tiên cậu Chính tới nhà bà nội tôi, chỉ vào mặt ông mà nói:
- Trước kia, anh với chị Quế là vợ chồng. Bây giờ, anh là kẻ thù giai cấp, không có quyền đi lại với chị tôi. Nếu anh còn bén mảng tới nhà chị ấy, tôi sẽ ra lệnh cho du kích bắt trói.
Cậu nói xong, tiếng trống cà rùng nổi lên, đinh tai nhức óc. Rồi tiếng hô uy hiếp vọng vào:
- Kiên quyết đánh đổ địa chủ Đỗ thị Tam.
- Kiên quyết đánh đổ...
Cậu Chính nhìn bố tôi, hất hàm:
- Nghe rõ chưa?
Bố tôi không trả lời. Cậu quát:
- Đội hỏi, có trả lời không?
Mặt bố tôi tái xanh, mồ hôi và đầy 2 thái dương nhưng vẫn im lặng. Lúc ấy cô Tâm bước lên:
- Bẩm thưa đội, bây giờ chúng con biết thân biết phận, dù Đội không ra lệnh, người nhà con cũng không dám chơi trèo.
Cậu Chính là đội trưởng đội cải cách. Lúc ấy, đội cải cách là Thượng đế, là Trời. Câu trả lời của cô Tâm thỏa mãn lòng tự ái của cậu. Cậu đi ra. Nhưng theo lệnh của cậu, đoàn thiếu nhi còn ở lại, hô khẩu hiệu, đánh trồng thị uy, và đồng thanh hát. Bài hát thế này:
Cắt đứt là cắt đứt
Dứt khoát là dứt khoát
không vương vấn giai cấp địa chủ...
Bài ấy mới hợp tình cảm của bố mẹ tôi làm sao? Dăm hôm sau, vào 1 đêm mưa, cô Tâm thu xếp cho bố tôi trốn khỏi làng:
- Đi đi, em không chịu được nhục đâu. Muốn sống qua lúc này, phải chịu nhục. Đừng lo gì cho chị cả. Rồi trời khắc có mắt thôi.
Giá người khác như thế, ắt bị truy lùng khốn khổ, nhưng cậu Chính chỉ tra hỏi cô Tâm qua loa rồi lờ đi. Cậu bảo mẹ tôi:
- Thằng ấy đi khuất mắt càng tốt cho chị. Từ đây, chị yên tâm làm ăn. Gánh hàng xén đem bỏ đi. Cặp bồ để mà dấm chuối. Ruộng được chia rồi, nay mai nước mình sẽ tiến ngang với Liên Xô, mùa cày có máy cày, mùa gặt có máy liên hoàn gặp đập, không ai phải mó tay vào bùn đất.
Mẹ tôi cúi đầu nghe cậu nói, nước mắt rơi lã chã 2 hàng. Trưa hôm sau, mẹ tôi vác giỏ ra đồng móc cua, chờ cô Tâm đem quần áo ra đầm giặt. 2 người nói chuyện với nhau, 1 người cúi gầm mặt xuống bờ ruộng giả bộ móc cua, 1 người vỗ đập quần áo:
- Cô Tâm, nhà tôi đi đâu thế?
- Thưa bà nông dân, chúng con không biết.
- Tôi xin cô, tôi có làm gì nên tội đâu.
- Thưa bà, con biết bà là chị ruột đội Chính. Đội là Trời, bọn địa chủ chúng con là sâu bọ.
- Trăm lạy cô, ngàn lạy cô, đừng dày vò ruột tôi nữa. Chồng tôi đi đâu?
- Chị đã có em, chị khỏi phải có chồng. Người nhà tôi không chịu được nhục. Nó nhất thiết phải bước khỏi đây, dù núi cao hay sông sâu, dù kiếm ăn nơi đồng chua nước mặn hay sống nơi lam sơn chướng khí cũng còn hơn cảnh đọa đầy này.
Nói xong, cô Tâm cắp rổ quần áo ướt, tong tả về làng. Mẹ tôi cứ cúi khom lưng xuống ruộng, tay vẫn ngâm trong hốc cua, nước mắt mồ hôi chan chứa.
Tối hôm đó, cậu Chính hỏi mẹ tôi:
- Trưa nay chị gặp con Tâm?
Mẹ tôi cãi:
- Ai bảo cậu thế?
Cậu đáp:
- Anh em du kích theo dõi.
Mẹ tôi nói:
- Tôi đi móc cua.
Cậu bảo:
- Không ai móc cua lại đứng mãi 1 góc ruộng. Chị đừng cãi.
2 người lặng im 1 lát, rồi cậu bảo:
- Vì 3 đời nhà ta làm thuê bốc thuốc, không có 1 tấc đất nên tôi mới được làm đội trưởng. Nếu chị liên hệ với bọn địa chủ, có đứa báo cáo lên cấp trên, sẽ ảnh hưởng uy tín của tôi.
Mẹ tôi lại bật khóc:
- Tôi khổ quá.
Cậu Chính quát:
- Chị không được nghĩ tới cá nhân mình. Chị phải nghĩ tới quyền lợi giai cấp.
Nói xong, cậu bước ra khỏi nhà. Mẹ tôi quằn quại, rên rỉ 1 mình trong gian nhà trống vắng, với cây đèn hoa kỳ trên bàn thờ gia tiên. Từ dạo đó mẹ tôi càng ngày càng gầy rộc, 2 hố mắt trũng sâu. Đêm đêm, mẹ tôi thờ thẫn ra vườn, đến từng gốc khế, bụi móng rồng, từng gốc ổi, gốc sung thì thầm. Phải chăng mẹ trò chuyện với những vật vô tri vô giác ấy về tình yêu của mình, về người đàn ông duy nhất đã đem tới nguồn vui sướng và tuổi xuân, về nỗi oan khuất không thể bày tỏ. Người làng thì thầm là mẹ tôi mắc bệnh tâm thần. Cậu Chính giận lắm:
- Người làng xì xào bàn tán. Họ bảo chị còn thương tiếc thằng địa chủ Tốn. Rằng vì thế mà chị dở điên, dở dại, suốt ngày nói chuyện 1 mình.
- ...
- Chị có biết rằng chị đang giết hại uy tín của tôi không? Khắp vùng này, chẳng có đội nào tiến hành cải cách triệt để bằng đội của tôi. Không khéo vì chị, hóa thành công cốc. Chị Quế, hãy nghe em. Chị em mình vẫn là chị em, trước sau như 1.
- ...
- Chị Quế, bố mẹ chết chỉ còn 2 chị em mình. Em không thương chị thì thương ai? Chị còn trẻ, được nết được người, thành phần cơ bản, có nhà có ruộng, lấy đâu cũng được người tử tế. Chị nghĩ đi, 1 đằng tương lai sáng sủa, được cách mạng dìu dắt, 1 đằng bị đào thải khỏi hàng ngũ, đứng trong đám kẻ thù nhân dân.
- ...
- Em nói lời cuối cùng, chị hãy tỉnh ngộ. Vài hôm nữa lên tỉnh em sẽ giới thiệu chị với anh Nham, cấp trên của em. Hồi ở chiến khu, anh ấy là đại đội trưởng thông tin của tư lệnh mặt trận.
Trước những lời lẽ ấy, mẹ tôi lặng im. Một đêm tháng Chạp, mẹ cuốn bọc quần áo rời khỏi làng. Cậu Chính cho người dò xét, không ai biết. Tra hỏi cô Tâm, cô 1 mực bảo rằng không liên quan. Cuối cùng cậu tuyên bố với dân làng rằng mẹ tôi mắc bệnh thận, phải lên thành phố chữa.
Nửa năm trôi qua, cậu Chính cùng đội cải cách rút khỏi làng. Căn nhà được khóa lại bởi 1 ổ khóa gang to tướng, chìa đem gửi 1 người bà con gần gụi. Trẻ con nghịch, đem đất sét trát kín ổ khóa, rồi vẽ lăng nhăng nhảm nhí lên những cánh cửa vá các bức tường vôi. Lá tre rụng lấp đầy chân tường. Màng nhện bắt đầu chăng lớp mỏng lớp dầy 2 bên đầu hồi. Lúc ấy, mẹ tôi về, thất thểu như bóng ma. Làn da hồng mịn màng xưa kia đã sạm. Những nếp nhăn mờ in trền gò má và sơn căn, giữa 2 tràng mày cong vút. Đêm ấy, chòm xóm kéo sang thăm hỏi. Mẹ tôi ngồi vòng tay ôm gối, nước mắt thánh thót rơi. Thói thường, người làng hay tọc mạch. Họ nhất thiết dò tìm điều muốn biết. Nhưng dạo ấy, họ không cật vấn mẹ tôi. Phần vì thương, phần bị hút vào cuộc xáo động mới. Đội sửa sai về làng.
Giống như làn gió sung mãn thổi qua cánh đồng tiêu điều trơ gốc rạ, đội sửa sai không thể cứu những cánh ruộng đã bị giông gió quần nát, những hạt thóc bị vùi giữa bùn, nhưng ít nhất nó cũng quét được phần nào làn không khí hắc ám tù đọng trong không gian. Thôn xóm vang tiếng cười, tiếng khóc, tiếng than hờ, lời kể lể những nông nỗi oan khuất, tiềng hú gọi hồn những người thác oan. Đèn dầu cháy thâu đêm trong các căn nhà. Người ta mở cửa thâu đêm, trò chuyện thâu đêm, họp hành thâu đêm. Người ta đòi rạch mồm những kẻ tố điêu, đòi bồi thường danh dự, đòi nợ máu. Kẻ bị căm ghét nhất là cậu Chính. Lúc đó, không rõ cậu ẩn núp nơi nào. Chỉ mẹ tôi và căn nhà tổ tiên để lại là không thể chạy trốn cơn giông bão thù hận. Một tối đám người bị kích động tay thước tay dao đã ập tới cổng, đòi mẹ tôi ra đền nợ máu thay đứa em trai. Họ nguyền rủa, đập phá, la hét. Mẹ run như giẽ núp trong buồng. Buồng đã cài then. Cửa chính cũng đã khóa. Nhưng chắc chắn nếu đám người kia lấn tới, chúng sẽ bị đập tan. Lúc ấy cô Tâm đã nhảy ra:
- Các ông các bà có điên không?
Cô nói, giọng lạnh lùng, đầy uy lực.
- Chỉ có lũ trẻ chưa ráo máu đầu mới xử sự như thế này, chỉ có kẻ mất trí mới giận cá chém thớt. Người biết nghĩa không ai làm bậy. Hơn nữa... tôi hỏi, liệu em dâu tôi có đáng chịu tội không? Các ông các bà mất ruộng, cô ấy mất chồng. Bây giờ sửa sai, ruộng vườn còn đòi lại được, cô ấy tìm chồng mòn gót lại trở về tay không.
Cơn điên của đám đông dịu xuống. Cán bộ sửa sai tới trấn an. Người ta ra về. Cô Tâm gọi mẹ tôi mở cửa. Hai người đàn bà ôm nhau khóc...
@by txiuqw4