Dầu sao, mẹ tôi không thể tiếp tục sống ở làng. Người ta không nỡ thù ghét mẹ, nhưng cũng khó chịu khi nhìn thấy mẹ. Hai chị em, mẹ và cậu Chính, giống nhau như 2 giọt nước. Từ khổ người, hình dáng, tới nét môi, đường mày, điệu cười, giọng nói. Ngôi nhà tổ tiên chỉ còn lưu giữ những kỷ niệm buồn. Gánh hàng xén, theo lệnh cậu Chính, mẹ đã bán. Đôi bồ xẹp trong xó bếp để ủ chuối. Mẹ tôi đắn đo 1 tuần trăng, rồi đem cầm ngôi nhà cho người trong họ, thu xếp tiền bạc tư trang, lên thành phố...
10 năm sau, tôi đã ra đời trong căn nhà gạch, nửa lợp tôn và giấy dầu, nửa lợp ngói Tây. Ngõ hẻm nằm trong 1 khu phố ngoại ô, nơi cư trú của dân lao động. Sáng tinh mơ, vào trước buổi lê minh, những người bán xôi lúa, bánh rán, bánh chưng, bánh giò, bún ốc, bún riêu, bánh cốm, bánh khúc và những thứ quà vặt khác đã thức dậy làm hàng. Bếp trấu, bếp than bập bùng cháy. Mùi thơm của hành phi mỡ, bánh rán, ớt chưng... tỏa khắp nơi, đánh bạt mùi các đống rác, các chuồng tiêu, các hốc tường nồng nặc thứ nước tiểu lưu cữu. Rồi những mùi vị thần tiên đó nhạt dần, bay xa dần với tiếng quang gánh kẽo kẹt, tiếng rao ời ợi của những người đàn bà:
- Xôi vò, xôi lúa đây ây ây...
- Ai... bánh rán, bánh chưng, bánh dầy...
Mỗi tiếng rao có 1 âm điệu riêng, với những âm nhấn, những tiết điệu lên bổng xuống trầm. Trong xóm có 7 người bán xôi vò, xôi lúa. Qua tiếng rao, có thể phân biệt từng người. Tiếng rao hàng ời ợi vào buổi lê minh, trong khoảng trời ngoại ô là thứ âm nhạc đầu tiên đã thấm vào tôi. Mẹ tôi lúi húi xếp hàng vào gánh. Hai chiếc quang chất dầy tới cổ, nào măng khô, bánh đa nem, bánh đa thái, miến tàu, miến ta, đỗ xanh, đỗ đen, đậu lạc, vừng trật vỏ, vừng nguyên... cả tò ho, thảo quả, hoa hồi... mỗi thứ 1 ít. Mẹ sắp xếp hàng rồi tới vỗ lưng tôi:
- Em ăn cơm rồi hãy đi học nhé. Chìa khóa nhà mẹ vẫn để trong hốc tường.
Mẹ đi. Từ trên giường lăn xuống, tôi đã thấy chiếc mâm đồng sứt vành đặt trên bàn. Bát dưa cải xanh với đĩa nhộng rang hành. Hoặc bát tương dầm cà với con cá khô nướng. Mùa hè qua mùa đông năm nay qua năm khác, thức ăn dường như không đổi. Cơm ủ trong chiếc liễn sành, bên ngoài là chiếc giỏ cũ lót rơm. Bên cạnh khay nước uống, có sẵn 1 gói kẹo nhỏ, khi là kẹo bột, khi là mấy thanh chè lam.
- Em ăm chè lam nữa không? Mai mẹ lại mua?
- Kẹo bột ông Tảo có gừng, em có thấy mùi thơm không?
Mẹ cúi xuống bên tôi, thì thầm. Mắt mẹ nhìn tôi, vừa ấp iu vừa ngưỡng mộ. Tôi lờ mờ cảm thấy, ngay từ độ ấy, tình yêu của mẹ với tôi có gì khác biệt. Những người đàn bà trong xóm, không nhìn con với ánh mắt như thế.
Một sớm đông, trời bỗng rét cằn rét lụn, tưởng như nước trong chậu đông sánh lại. Mẹ tôi đi chợ sớm. Gần Tết Nguyên Đán người ta tranh thủ bán hàng. Quanh năm, chỉ có dịp ấy là dân tiểu thương kiếm được tấm món. Tôi thức dậy, thấy tấm áo bông đặt ngay cạnh gối. Sờ vào còn ấm. Mẹ đã hơ than trước lúc đi. Tôi mặc áo, ăn cơm rồi chạy sang nhà cô bạn hàng xóm. Nó còn ngủ li bì, ông bố nghiện thuốc lào ngồi co ro trên phản, vừa thấy tôi đã giơ chiếc xe điếu lên dọa:
- Về nhà ngay, trời rét thế này muốn sưng phổi hay sao mà rủ nhau đi chơi hả? hả?
Tôi đi thơ thẩn dọc đường. Gió lùa những đám lá úa bay qua. Con chó trắng nhà bà Miều rên ư ử, quét cái đuôi xơ xác lông trên hè phố. Nó cứ dò dẫm bước từng bước 1, vừa bước vừa đưa cặp mắt già nua kiếm đường, cái mũi nhăn nheo hếch lên 1 cách khó nhọc.
- Này, Trắng xồm, Trắng xồm,,,
Tôi gọi:
- Trắng xồm, có đi chơi với tao không?
Con chó già lờ đi, ra điệu khinh khỉnh. Lúc đó, anh con trai què của bà Miều từ trong nhà cất tiếng rống lên:
Rồi thu sang lá vàng rơi đầy.
Hàng bạch dương buồn im xác xơ ven đồi...
Tự dưng tôi muốn khóc. Lúc ấy, con bé Thu bỗng từ sau lưng tôi bước lên:
- Chơi không mày?
Tôi im lặng không đáp. Trong Xóm, cả bọn chúng tôi không đứa nào chơi với con Thu. Nó xấu bụng, lại có thói điêu toa. Nhiều lần, nó bày trò rủ rê mọi người chơi. Khi bị mắng, Thu liều đổ ngay tội đầu têu cho đứa khác, và nhanh như cắt lẩn trốn. Con bé đứng chặn ngay trước mặt tôi, nhắc lại:
- Tao với mày đi chơi nhá?
Tôi không đáp, lưỡng lự.
Thu liếc nhìn quanh rồi bảo:
- Không ai biết đâu. Mẹ tao lên cơ quan rồi. Mà trưa nay mẹ tao cũng không về. Cơ quan có tiệc trà liên hoan.
Tôi phân vân. Nhưng nghĩ tới gian nhà trống vắng, lại thấy sợ. Thu đoán được ý nghĩ của tôi, liền kéo áo tôi, bảo:
- Đi đi... Ra bãi xem thuyền buồm vui lắm. Nếu chịu khó chúng mình có thể đào được dế mèn.
Tôi theo nó. Chúng tôi vượt qua dãy phố, qua bờ đê, ra ngoài bãi sông. Không gian thơm ngát. Các bụi cây vòi voi đu đưa chùm hoa tím, các loài cúc áo bé bỏng đơm hoa dọc bờ cỏ, thỉnh thoảng lại gặp 1 dây lạc tiên hiếm hoi với chùm quả như những chiếc đèn lồng. Êm ả trôi, dăm cách buồm trên dòng nước. Người chèo thuyền ngồi trước mũi lái, mặt nhuộm ánh nắng đồng.
- Dô huây, dô huây...
Tiếng hò vẳng từ dưới bến sông đưa lên. Người ta đang hạ thủy 1 con thuyền... Chúng tôi mê mải đi dọc theo bờ cát theo đuổi không chán lũ chuồn chuồn và cánh cam. Thu hái được 1 vạt áo đầy quả lạc tiên chín. Nó ăn không kịp thở, không chia cho tôi 1 quả. Tôi lắng nghe tiếng hò của những người dân chài. Bỗng nhiên, có tiếng hét vọng từ bờ đê xuống:
- Thu, Thu ơi i i...
Bóng 1 người đàn bà đang đi dọc triền đê. Thu vội kéo tôi núp vào ruộng ngô gần đấy. Mẹ nó vẫn tiếp tục gọi:
- Thu, Thu ơi i i...
Tiếng gọi chứa đầy tức giận, nghe như tiếng hét. Cả Thu lẫn tôi đều nín thở. Nó nằm ẹp xuống rãng ngô, kéo tôi theo. Chờ cho mẹ nó đi thật xa, xuôi bãi sông tới trở dậy:
- Về, về ngay...
Thu bảo tôi. Hai chúng tôi men theo các ruộng ngô và bí đỏ về phố.
- Giả vờ chơi ô ăn quan nhé. Vào sân ông lão mù xem bói.
Thu kéo tôi vào cái hẻm đầu tiên trong ngõ phố. Ở đó, có 1 ông già mù, chuyên sống bằng nghề bói. Ông ở trong 1 căn nhà gạch nhỏ, nghe đâu bà vợ dã xây cho ông trước khi bỏ đi với 1 người đàn ông khác, cách đây 17 năm. Căn nhà nhỏ nhhưng khá sạch và đầy đủ vật dụng cần thiết. Sân rộng, lát gạch men nâu, có cả tường hoa bao quanh và 1 luống đất trồng những loại cây lưu niên như lựu, đào, mơ. Người từ các nơi nghe tiếng đồn thường tới ngồi ở mảnh sân ấy, chờ tới lượt mình được thày xem. Lũ trẻ trong ngõ phố tới sân chơi nịt, chơi nhảy lò cò, chơi ô ăn quan hoặc đá cầu lông. Thu kéo tôi ngồi xuống, ấn vào tay tôi hòn gạch non nó đã nhanh tay lượm được trên đường về:
- Vẽ đi, vẽ ngay ô ăn quan không mẹ tao về tới nơi bây giờ.
Tôi cầm hòn gạch, hối hả vẽ vòng ô ăn quan. Còn Thu chạy ngay ra đống sỏi đầu xóm bốc về đầy vạt áo. Nó vừa chia sỏi, rải đều vào các ô, mẹ nó đã xộc tới:
- Ở đâu? Nãy giờ mày ở đâu?
Con bé ngẩng lên:
- Chúng con chơi ô ăn quan.
Mắt mẹ nó trợn ngược, gần như chỉ còn lòng trắng. Cập môi phai son trơ ra, thâm tím. Bà ta cúi xuống túm tóc đứa con:
- Tao rẽ vào đây rồi mới ra bờ sông tìm mày. Đi đâu? Chết băm chết vằm ở đâu?
- Con chơi...
Thu ấm ớ, miệng méo xệch.
Mẹ nó kéo con gái đứng lên, róng rả từng lời:
- Đi đâu? Khai ra thì sống. Còn quanh co, tao đánh tuốt xác. Đi đâu?
Mặt cái Thu tái xanh nước mắt vãi như tháo cống. Rồi, bất chợt nó khóc hu hu:
- Cái Hằng rủ con ra bãi sông. Nó bảo con đi đào dế mèn... Hu hu... Nó còn rủ con bẻ ngô về nướng.
Người đàn bà quay nhìn tôi. Cặp mắt bà ta lồi hẳn ra, trơ và nhẵn như mắt tượng trong chùa, Môi bà mím lại, hằn thành vệt thâm và mọng. Bà im lặng. Những tia nhìn lạnh buốt, đe nẹt, khinh bỉ của bà quất vào mặt tôi, đè bẹp tôi xuống mặt đất lấm bụi. Tôi run lên, 2 ống chân cơ hồ không đứng vững. Hai tay bấu chặt lấy vạt áo, tôi cố sức chịu đựng cái nhìn sắc sảo của bà. Cổ tôi nghẹn lại. Bà lia mắt từ đầu tới chân tôi, kiểu như người ta nhìn 1 con vượn trong chuồng sắt sở thù. Rồi bà ghìm giữ cơn tức giận sắp biến bà thành 1 vị chúa sơn lâm nhảy vào xé xác tôi, bà cúi xuống ném vào mặt tôi từng câu 1:
- Con kia, tao cấm mày lân la tới gần cái Thu, tao cấm mày bén mảng tới đầu sân, trước ngõ nhà tao. Quân vô thừa nhận, trên không chằng, dưới không rễ. Đồ con hoang không bố, lần này tao tha, lần sau thì chớ trách.
Nói đoạn, bà ta túm lấy tay con, xềnh xệch kéo đi. Tôi đứng trên mảnh sân gạch, rải rác lá rụng, nghe gió bắc lùa ngang trời. Hồn tôi như ngôi nhà tan hoang, không tường không vách. Con chó già nhà bà Miều lại kéo đuôi lững thững đi qua hè phố, vừa đi vừa đưa mõm sang 2 bên hít hít, ngửi ngửi. Nó cũng không khốn khổ như tôi, trơ trọi như tôi. Ông già mù ngồi trong nhà bỗng cất tiếng:
- Hằng ơi, vào đây ông bảo...
Tôi đứng lặng, nước mắt dâng cay xè.
- Hằng ơi...
-
Tôi cắm đầu chạy khỏi sân, nước mắt nhòe trong gió lạnh. Ngang trời ngoại ô, mây xám lướt chầm chậm, lũ chim di trú cuối cùng vỗ cánh bay. Món cháo bi thương của người đời có vị đắng ngắt, không trôi được qua họng. Tôi chạy mãi, chạy mãi. Cho tới khi kiệt sức, ngã xuống, tôi thấy làn sóng đỏ của dòng sông nhấp nhô trước mắt mình. Và 1 cánh buồm nhỏ, góc bên dưới rách tơi tả nhấp nhóang trôi...
Đêm hôm ấy, nước mắt mẹ rơi ướt đầm món tóc bên thái dương tôi:
- Mẹ xin em, em đừng khóc. Nín đi, em nín đi, đừng khóc.
- Nhưng con phải có 1 người bố chứ? Ai cũng được mà.
- Mẹ xin em, em đừng hỏi.
- Đứa nào cũng có bố, dù bố nó đã chết hoặc đui mù, mẹ phải chỉ cho con biết bố của con.
- Em đừng hỏi. Mẹ chắp tay lạy em ngàn lạy, xin đừng hỏi. Mẹ con ta sống với nhau, có nhau, thế là đủ, mẹ xin em.
Những giọt lệ của bà đã thắng. Tôi đành chịu thua, và hình ảnh về người bố vẫn nằm im trong tấm màn đen bí ẩn.
Hơn 1 năm sau, cũng vào 1 ngày đông giá, nhà tôi có khách. Một người đàn ông cao lớn lưng hơi gù, khuôn mặt vuông, mắt đen, môi cười hình trái đào:
- Đây là cậu Chính, cậu ruột của con.
Mẹ tôi bảo. Tôi cúi chào thật to. Cậu cao lớn nhưng nét mặt rất giống mẹ. Tôi có cảm tình với cậu tức khắc.
- Con nấu cơm mẹ nhé? Có phải ra phố mua thịt quay không?
Mẹ tôi gật đầu:
- Mẹ nấu cơm cho. Con đến hiệu thịt quay chú Tàu mua nửa cân lợn quay, nửa cân ngỗng quay với 2 lạng kiệu muối.
Cậu Chính cau mày:
- Không cần lãng phí như vậy.
Mẹ tôi đáp nhỏ nhẹ:
- Ngót chục năm trời chị em mới gặp nhau.
Nói xong, mẹ sai tôi vào buồng lấy chiếc làn tre Lạng Sơn đi chợ. Trong buồng, tôi nghe cậu hỏi:
- Con bé Hằng mấy tuổi?
Mẹ tôi đáp:
- Cháu gần tròn 9 tuổi rồi.
Cậu bảo:
- Nó giống hệt anh ta.
Mẹ tôi im lặng không đáp. Một lát sau. cậu nói:
- Chị không có lập trường. Chị không dứt bỏ được con người ấy. Đáng lẽ chị phải xây dựng gia đình mới từ lâu.
Tôi nghe mẹ nói, yếu ớt:
- Gia đình bên ấy xuống trung nông ngay hồi sửa sai rồi. Mà thôi, tôi xin cậu đừng nhắc lại chuyện cũ.
Tôi cầm làn đi ra. Cả 2 người im bặt. Tôi hỏi:
- Mẹ ơi, có phải mua thêm rau đậu nữa không?
Mẹ tôi lắc đầu:
- Đủ rồi em ạ.
Nói xong, mẹ cúi xuống ngay. Nhưng tôi đã thấy 2 giọt nước mắt rơi xuống đầu gối người.
Tối hôm ấy, sau bữa cơm mẹ mời láng giềng thân thuộc sang chơi, giới thiệu cậu em ruột. Dân trong ngõ xóm đều là lao động, người buôn thúng bán mẹt, người làm hàng xôi hàng bún, người kéo xe ba gác chở hàng hoặc đạp xích lô. Họ nghe giới thiệu cậu Chính tôi là cán bộ tuyên huấn của tỉnh Quảng Ninh thì nể vì lắm. Trong con mắt chúng tôi lúc đó, tuyên huấn là 1 nghề cao siêu, không thể so sánh với các nghề nghiệp khác trong xã hội, vì nó đem lại cho con người tư tưởng, ánh sáng, những tài sản cao quý không tiền bạc nào mua nổi. Cậu tôi đọc nhiều tài liệu trong và ngoài nước, cậu kể chuyện hấp dẫn. Đám láng giềng nhà chúng tôi ngồi nghe mê mẩn. Nào là cuộc đấu tranh của 2 phe trên thế giới. Nào là các cuộc bãi công nổ ra trong phe tư bản, phong trào công đoàn phản đối nữ hoàng Anh. Nào là những dòng thác cách mạng trên địa cầu. Những thủ lĩnh da đen lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Các bộ tộc da đỏ đấu tranh đòi hưởng thụ nền văn minh vật chất của bọn đế quốc mới. Quá nửa đêm, dân xóm mới chịu ra về. Mẹ tôi hỉ hả. Vẻ mãn nguyện hiện ra trên nét mặt. Mẹ thu dọn những cốc chén, tàn thuốc lá thuốc lào, đĩa đựng mứt sen, mứt bí, kẹo chanh... Giống như người ta thu dọn bàn tiệc sau lễ cưới. Rồi mẹ trải chiếu mới, sắp xếp chăn màn cho cậu Chính đi ngủ:
- Mẹ con tôi ôm nhau nằm võng càng ấm. Cậu đi nghỉ sớm cho đỡ mệt. Đường dài...
Cậu bảo:
- Không cần. Chị cho cháu Hằng đi ngủ trước đi. Em còn có chuyện phải nói.
Mẹ tôi bảo tôi vào giường ngủ. Xong. Mẹ pha ấm trà ướp hoa cúc:
- Cậu có ăn chè sen tôi nấu? Hồi còn thầy u, năm 2 lần, ngày lễ Nguyên tiêu và Tết, bao giờ nhà cũng nấu xôi vò, chè sen.
Cậu Chính đáp:
- Vâng. Nhưng dạo đó em còn nhỏ quá, em không nhớ.
Mẹ tôi nói:
- Tôi tuổi Hợi, cậu tuổi Sửu, chỉ thua tôi chưa đầy 2 năm, sao lại không nhớ?
Cậu tôi im lặng 1 lát rồi đáp:
- Phải, nhưng em mải nghĩ đến việc nhà nước, đầu óc bận rộn luôn luôn.
Mẹ tôi nói, giọng hờn dỗi:
- Thế nên 9, 10 năm trời cậu chẳng thèm hỏi tôi lấy 1 câu. Giá tôi chết, cũng không có người sang điếu.
Cậu Chính đáp, cằn nhằn:
- Đã bảo chị là em bận. Việc công chứ em có đi chơi đâu. Hết cuộc tập huấn này tới cuộc tập huấn khác, hết hội nghị tỉnh đoàn tới hội nghị tỉnh hội phụ nữ. Rồi là mặt trận tổ quốc, rồi là công đoàn, không có lấy 1 ngày thảnh thơi. Sắp tới, lại có chiến dịch tuyên truyền, phổ biến nghị quyết xuống các cấp. Chắc xong việc thì Tết cũng tới sau lưng.
Hai người im lặng. Tôi nghe tiếng cậu rót trà, uồng ừng ực rồi đặt chén xuống chiếc khay nhôm, 1 khoảnh khắc lặng lẽ nữa trôi qua. Chợt mẹ tôi bật kêu:
- Sao cậu chẳng hỏi gì giỗ tết thày u thế? Bao nhiêu năm...
Cậu Chính thở dài:
- Ôi dào, chị khéo đa sự. Thày u chết lâu rồi còn hỏi làm gì?
Mẹ tôi khóc dấm dứt:
- Nhưng mà là thày u của mình. Chết hay sống cũng vậy. Thày u chỉ có cậu là người nối dõi.
Cậu Chính gắt:
- Chị ăn nói lạ, thời buổi này là thời duy vật, không ai còn nghĩ vớ vẩn như chị. Chết là hết.
Cậu ngừng lời, gian nhà im vắng, chỉ có tiếng nấc khe khẽ của mẹ tôi điểm nhịp. Cậu tôi, sau 1 lát im lặng, cất tiếng:
- Em quên chưa hỏi, bây giờ chị sống bằng nghề gì?
Mẹ tôi lau nước mắt, trả lời:
- Thế cậu không thấy gánh hàng khô chị đặt trong góc nhà hay sao? Hồi ở quê, dấn vốn có gánh hàng xén cậu bắt đem bán. Đôi bồ nan cật, quang dầu tốt thế đành đem dấm chuối cứ mục dần ra. Làm vườn không được, chị đành phải cầm nhà ra phố. Thoạt đầu, chị đi kéo sợi thuê cho nhà làm chỉ. Sau quen chúng quen bạn dần, kiếm gánh hàng ra chợ. Lúc vốn ít thì buôn hoa quả, măng tươi, mì miến. Sau dấn vốn nặng hơn, chị cất cả đường, đậu, các loại gia vị, các thứ đồ ngũ cốc chế biến.
- Tóm lại chị buôn chứ gì?
Cậu tôi cắt ngang, giọng khó chịu, lạnh lùng. Mẹ tôi lặng ngắt, không đáp. Cậu tôi lên tiếng, chì chiết:
- Trong xã hội này, chỉ có 2 loại người có chỗ đứng xứng đáng. Một là giai cấp công nhân tiên phong, đội ngũ lãnh đạo các mang. Hai là giai cấp nông dân lao động, người bạn đường của giai cấp công nhân, cùng tiến lên xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, không đáng kể. Loại con buôn, dù lớn dù nhỏ, đều là những kẻ bóc lột. Chị không thể đứng trong hàng ngũ bọn chúng.
Mẹ tôi hốt hoảng:
- Nhưng tôi không bán hàng khô thì biết làm gì bây giờ? Tôi còn phải nuôi cháu cậu.
Cậu tôi đáp, giọng tỉnh khô:
- Em sẽ xin cho chị là công nhân nhà máy. Mới vào, hãy làm tạp vụ. Sau, họ sẽ dìu dắt vào nghề. Nhà máy đệt Mồng 8 tháng 3, nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy xay Lương Yên, nơi nào cũng được.
Mẹ tôi mếu máo:
- Thôi chị xin cậu. Ngần này tuổi mới tập phụ nghề rồi biết bao giờ mới thành nghề. Mà có thành nghề rồi tóc cũng 2 thứ. Lúc ấy, chẳng lẽ nghỉ hưu?
Cậu Chính nói:
- Cái chính là chị ngại lao động. Chị đã quen với môi trường của dân tiểu thương. Nhưng chị hãy nghe em, trước hay sau Đảng và Nhà Nước cũng sẽ cải tạo triệt để loại người phi lao động. Chị hãy từ bỏ bọn chúng, đứng vào đội ngũ của những người lao động ngay bây giờ là hơn.
Mẹ tôi nói:
- Cải tạo tư sản nhà nước đã làm từ 10 năm trước. Như chúng tôi, mờ sáng đã đặt dòn gánh lên vai, tối đất mới được ăn bữa cơm đèn, cậu bảo bóc lột ai? Mấy mùa đông năm trước, chưa kiếm đủ tiền giấy bút cho cháu, ban ngày đi chợ, tối về phải xách nồi than ra đầu phố, quạt ngô bán thêm.
- Thôi thôi...
Cậu tôi cắt ngang lới:
- Chị không phải nói nhiều. Một bộ phận giai cấp tư sản đã được hình thành từ đám tiểu thương như chị. Nhưng đất nước ta sẽ tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Do đó, tư bản trở thành đối tượng của cách mạng. Phải trừ tận gốc rễ mầm mống giai cấp ấy.
Tôi nghe mẹ tôi thở dài. Rồi lát sau, mẹ rầu rĩ nói:
- Cậu Chính, bỏ lỗi cho chị. Chị không được học hành nhiều, chị không biết lý luận. Nhưng ít nhất cậu cũng cho chị kiếm đủ miếng cơm nuôi cháu Hằng ăn học.
- Chính vì nghĩ tới tương lai cháu Hằng em mới yêu cầu chị vào nhà máy. Trong xã hội mới, con em của giai cấp công nhân và nông dân được hưởng mọi quyền lợi để phát triển khả năng lao động. Ở Liên Xô, các nhà văn lỗi lạc, các nhạc sĩ thiên tài, các giáo sư tiến sĩ khoa học đều được đào tạo từ đội ngũ của giai cấp công nhân.
Mẹ tôi không trả lời. Cậu Chính gằn giọng:
- Tôi làm công tác tuyên huấn, giáp dục tư tưởng của Đảng cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tôi không thể có 1 người chị là con buôn.
Mẹ tôi uống nước, rồi khe khẽ đáp:
- Chị mệt quá. Cậu để cho chị đi ngủ. Rồi mai mốt chị sẽ nghĩ thêm.
Cậu gật đầu, giọng nói êm dịu lại:
- Vâng. Nhưng em có việc nói với chị. Vợ chồng em xin chuyển về Thủ Đô. Cô ấy công tác ở Thành Đoàn. Chúng em được phân phối nhà ở nhưng cần tiền để tu tạo và mua sắm đồ đặc.
Mẹ tôi nói:
- Vâng. Nhà của thày u tôi cầm cho người ta, hẹn khi nào lấy hết tiền mới làm giấy chính thức. Phần của cậu vẫn còn nguyên. Bao giờ cậu cần?
- Cần ngay, càng sớm càng tốt.
- Vậy cậu về lấy tiền, hay tôi?
- Em bận, làm gì có thời giờ về làng.
- Vâng. Tuần sau tôi sẽ thu xếp hàng họ, đưa cháu về quê. Tôi lấy tiền cho cậu và cho cháu về thăm nom họ hàng làng xóm.
Đúng 1 tuần lễ sau, mẹ đưa tôi về làng. Hai mẹ con tôi đi xe ca, xuống bến xép ở thị trấn. Từ thị trấn phải đi bộ 8 cây số mới tới bờ sông. Ngang đường, tôi đòi mẹ dẫn vào chợ huyện, 1 cái chợ quê đông đúc họp ngay trên đồi, cách đường chừng 500 thước. Những cây đa cây muỗm um tùm nối thành mái che. Dưới các tán cây, người ta dựnng 1 dãy lều sơ sài, chỉ vài cây cọc chống với mái lá mía hoặc thân nứa đập dập. Phía sau chợ, ngôi chùa nhỏ phơi tường vôi trắng mốc với mái ngói rêu phong. Trên gò đất trước cửa chợ, vợ chồng người thợ nhuộm đang vắt những mảnh lụa vừa vớt trong nồi lên cây sào tre. Mảnh nào mảnh nấy bốc hơi nghi ngút, màu hoa sen chói mắt. Trên chiếc sào bên cạnh, chừng dăm mảnh vải và quần áo màu thiên lý, màu hoa hòe, màu gụ, màu đen. Những thứ màu muôn thuở dân quê ưa thích. Đối diện với hàng nhuộm, 1 ông già mặc quần áo trắng bẩn, ngồi dãi thẻ nặn những con giống bột, nào lợn, nào gà, nào trâu, nào ông tướng, bà tướng, thằng tốt đen, cỗ xe hồng. Từng đoàn con giống sặc sỡ xếp hàng trên tấm ván mỏng, kê lên 4 hòn gạch.
- Te tò te, đây là ban kèn Tây.
Ông già vừa nặn xong cây kèn, đưa lên miệng thổi. Lũ trẻ ngồi quanh giương mắt, há miệng chầu hẫu theo cục yết hầu nhảy lên tụt xuống trên cần cổ già nhăn nheo.
- Te tò te, đây là ban kèn Tây.
To tò tò te tí, có anh nào muốn chơi...
Câu mời chào quyến rũ làm sao. Mẹ mua cho tôi hẳn 12 con giống với cây đèn ngũ sắc. Tôi xếp mớ tài sản vào chiếc hộp giấy, trước ánh mắt thòm thèm của đám trẻ quê. Mẹ đưa tôi qua dãy hàng xén, bồi hồi nhìn những chiếc hộp gỗ mặt kính bề rộng chừng gang rưỡi, bề dài 2 gang, bên trong xếp từ viên bi thủy tinh, mớ chỉ thêu, gói kim ngoại cho tới những chiếc mùi xoa Tàu in bướm sặc sỡ, từ những chiếc ngòi bút sắt, viên băng phiến cho tới chỗi hạt vỏ ốc hoặc ngọc trai bằng nhựa giả.
- Ngày xưa, mẹ cũng bán hàng xén. Nhưng ở chợ huyện nhà.
Những giải quai nón bằng lụa ni lông bay phấp phới trên nóc lều. Các cô bán hàng trẻ, lông mày tỉa cong vút như vành trăng ngồi nhể ốc trên trong. Mùi nước mắm gừng bay trong gió. Chợ quê, đến là nhiều thứ quà. Những quà rẻ tiền và đôi khi đơn sơ 1 cách lạ lùng. Kề bên những bánh bún riêu, bún ốc người ta bán cả bún canh rau cải, rau rút. Cạnh hàng bỏng ngào mật, chè lam, ngũ vị, người ta bán cả những thúng bánh con sâu, 1 hào 12 con, vừa bằng ngón tay út đứa trẻ lên 2. Thứ bánh đó nặn bằng cơm nguội giã trộn bột nếp. Cứ 10 phần cơm nguội mới có 2 phần bột nếp. Rồi nặn hình con sâu rau ném vào chảo dầu lạc. Bao giờ bánh chín, bột vàng rộm, nứt khía ra và nổi lên trên.
Bánh nếp ở đây chỉ vừa bằng trôn chén. Bánh gai nhỉnh hơn cái hạt mít, bọc năm bẩy lượt lá chuối bên ngoài. Hàng khoai luộc, củ ấu, củ súng luộc ngồi cạnh gánh xẩm. Chồng xẩm đeo kính mắt đen ngồi kéo nhị, vợ xẩm mặc áo lụa đỏ phai màu gân cổ hát bên cạnh:
- “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui...”
Mẹ tôi hỏi tôi có đói không? Tôi lắc đầu. Kì thực tôi có thấy đói nhưng không muốn ăn. Mấy người đàn bà đang cắm cúi ăn bánh đúc mắm tôm ngay gần đó. Nón họ sụp xuống mặt. Chỉ thấy bàn tay hạ xuống, cất lên. Hai mẹ con tôi đi khắp lượt các hàng quán trong chợ, len lách giữa đám người. Giọng hát xẩm của người đàn bà đuổi theo. Cứ nghe mỗi lời hát, tưởng chừng lại nhìn thấy sợi gân cổ bằng chiếc đũa nổi lên. Giọt mồ hôi đọng trên cái cằm cáu bẩn. Tôi nói:
- Ta vào chùa đi mẹ.
Tôi kéo mẹ về phía cổng ngôi chùa. Ở đó, có một cây đa huyền diệu. Cây đa có tới bảy thân, một thân chính và sáu thân phụ. Mỗi thân phụ là một chòm rễ nối từ cành cây xuống mặt đất. Nhưng các thân phụ cũng lực lưỡng gần như thân chính. Chúng tạo thành các vòm cổng kết thành thân cây, như những cổng chào kì bí, những khải hoàn môn của trận thắng xa xưa. Tôi ngồi xuống gốc đa, tựa vào đùi mẹ. Những chòm rễ đa trắng ngà đu đưa, đu đưa. Đột nhiên, như những cái vòi bạch tuộc lạ lùng, chúng dính chặt lấy tôi, bứt tôi khỏi vòng tay mẹ. Tôi muốn kêu, nhưng cơm mê dịu ngọt khiến tôi không cất được thành lời. Những chòm rễ đa đung đưa tôi trong cái nôi xanh êm ả, lộng gió. Rồi chúng đưa tôi tới tận cổng trời. Một bức tường thành sừng sững bởi các lớp mây nặng nề, có ánh bạc như kim khí tạo nên, chạy dài. Giữa tường thành, cái cổng được trổ ra, với hai cây cột lớn bao phủ làn mây ngũ sắc, cuộn xoắn như những con rồng đùa giỡn. Hai cánh cổng tựa hai tấm đồng sáng chói, bóng như gương, cánh khép, cánh mở, nửa như mời mọc, nửa đe dọa con người. Phía sau hai cánh cửa ấy, một khoảng không gian kì bí hiện ra, màu lục thẫm, trong suốt, và lấp lánh như ẩn chứa ngàn ngàn tinh tú.
- Em ơi, dậy đi, dậy đi nào.
Tôi mở mắt. Mẹ tôi cười:
- Con chó con, đến là dễ ngủ.
Hai hàng ngọc trai sau làn môi mẹ ánh lên. Ánh lên nỗi buồn. Xuân sắc đã qua rồi. Không để làm gì. Chẳng để cho ai.
- Cũng phải ăn tí ti chứ em? Mẹ cũng đói rồi.
Tôi ngồi dậy, từ bỏ vòm đa xanh và cái cổng trời huyền hoặc. Nhà chùa cũng bán hàng: bánh nếp đậu xanh và chả đỗ xanh. Ni cô cầm chiếc quạt tre phẩy ruồi. Mẹ con tôi ăn chả đỗ, uống nước vối hãm gừng. Mặt trời đã tụt xuống ngang đỉnh núi. Nắng le lói, vàng hực, tỏa hơi nóng như lò gạch đang nung. Mẹ tôi bảo:
- Trời đang ấm, phải đi ngay kẻo lát nữa sẽ lạnh.
Tay cầm túi, tay đắt tôi mẹ lên đường. Hôm ấy là 1 ngày đông hiếm hoi. Trời lặng gió, ấm. Con đường vượt qua các cánh ruộng, các thôn mạc. Bãi cỏ hoang với cây gạo già. Một nghĩa trang có những bậc thềm xây, ngọn tháp in hình ngôi sao 5 cánh với dòng chữ: Tổ quốc ghi công. Một khu hồ bát ngát, nước lặng ngắt dưới chân các cọng sen tàn.
- Nhanh chân lên em. Hay ôm cổ mẹ, mẹ cõng.
- Không, con đi được.
- Từ đây tới bến sông còn dăm cây số nữa.
- Dăm cây con cũng đi, mẹ đừng lo.
Tôi chạy vượt lên, cách mẹ 1 đoạn. Chờ mẹ đuổi tới nơi, tôi lại chạy tiếp. Cứ thế, mẹ con tôi đã tới bên sông trước lúc hoàng hôn. Cái bờ đê dốc thoai thoải ăn xuống tận mép nước. Những đám rác quẩn tụ ở đó, với xác vờ. Mẹ tôi xuống bến rửa chân tay cho tôi, rồi chúng tôi tìm 1 phiến đá, ngồi chờ đò. Trời trở gió. Làn hơi lạnh từ mặt sông thốc ngược lên phả vào da thịt. Hơi thở của mùa đông. Tôi ôm choàng cổ mẹ:
- Mẹ ơi, bố con ở đâu?
Mẹ nhìn tôi ngạc nhiên, rồi sau đó khẽ than van vỉ:
- Mẹ xin em, đừng hỏi.
Tôi nhắc lại:
- Bố con ở đâu? Sao mẹ không nói cho con biết?
Mẹ cầm bàn tay tôi, không đáp. Ánh hoàng hôn tím dần nơi chân trời. Một làn khói tỏa giữa thinh không, khiến mọi vật không rõ nét. Tôi biết câu hỏi của tôi khiến mẹ đau lòng. Nhưng tôi không thể cầm giữ. Tôi chưa bao giờ hình dung rõ gương mặt của 1 người bố. Nhưng nỗi cô đơn, hơi thở giá lạnh của chiều đông, làn sương tím lãng đãng trên khoảng trời nhạt nhòa mây nước, cái khung cảnh ấy khiến tôi run rẩy vì lẻ loi. Mẹ tôi cũng trở nên nhỏ bé và lẻ loi. Tôi muốn cầu cứu 1 gương mặt nào khác, 1 cánh tay nào khác trong đời. Gió mỗi lúc mỗi mạnh, rít u ú qua các tầng dây điện trên cao. Mẹ tôi vẫn im lặng hoài. Nhưng lúc ấy, cánh buồm trắng đã chòng chành tới bến:
- Qua sông thì xuống đi. Chuyến cuối đấy.
Tiếng người lái thuyền ném lên, cục cằn. Đám khách ngồi trên thuyền láo nháo đứng dậy.
- Đi đi em.
Mẹ tôi giục khẽ. Rồi chúng tôi xuống dốc. Những hòn sỏi trơn tuột lăn xuống nước, chút nữa tôi ngã theo. Chờ đám khách dưới thuyền lên hết bờ, người lái thuyền mới cho chúng tôi bước lên cầu.
Trên bờ đê, 1 người đàn bà gánh gánh khoai tây nặng trĩu, vừa chạy vừa cất tiếng gọi:
- Đò ơi i i... Bớ đò ò ò... Chờ với í í...
Người lái thuyền cắm cây sào đứng chờ. Người đàn bà gánh được gánh khoai tây lên thuyền, rút vuông khăn trùm đầu xuống lau mặt:
- Lạy trời, may thật là may. Lỡ chuyến này là tôi chết.
Mặt bà đỏ ửng, nhễ nhại mồ hôi. Hai tay bà xương xẩu, gân guốc như tay thợ nề. Các đốt xương lồi cả ra, như đốt xương người mắc chứng viêm khớp. Đôi vai bà rất mảnh, rất gầy, không hiểu sao nó có thể chịu nổi gánh khoai tây nặng ngót nghét 1 tạ.
Trên đỉnh dốc, lai 1 người đàn ông nữa hấp tấp kêu:
- Bớ đò ò ò... Chờ tôi với í í...
Ông ta có dáng vẻ như 1 người buôn hàng chuyến. Quần ka ki vàng, áo ca rô nhàu nát buông ngoài quần, tay xách túi du lịch lấm bê bết. Chân ông đi giày, thứ giày sĩ quan đế to, khâu những mũi chỉ dài hai ba ly, trông cục mịch. Khi ông bước lên cầu thuyền, con thuyền chao hẳn về 1 bên.
- Úi chao ơi. Cái nhà ông này, trông thế mà nặng khiếp.
Người đàn bà gánh khoai tây kêu to. Ông khách mới quay đầu lại, trừng mắt nói:
- Nặng nhẹ thì động gì tới nhà bà?
Người đàn bà chưng hửng nhìn ông ta, rồi gương mặt chấc phác hiện rõ vẻ bối rối, khốn khổ. Đưa mắt nhìn chúng tôi, bà lắp bắp mấy lời:
- Ấy là... ấy là... tôi cũng nói thế.
Lần nữa, người đàn ông quay hẳn mặt lại. Một gương mặt to, thô lậu, 2 gò má sần sùi. Tương phản với nó là cái miệng nhỏ, môi tròn, có ngấn xẻ. Một cái miệng đàng điếm của đàn bà trên khuôn mặt tên đồ tể. Trong cặp mắt của ông ta, lảng vảng 1 làn khí hắc ám. Chúng luân chuyển giữa đôi tròng đen luôn chao đảo và phần lòng trắng rất lớn, sắc vàng nhờ, nối những mạch máu li ti. Ném 1 cái nhìn dữ tợn vào mắt người đàn bà, ông ta quát:
- Câm mồm đi.
Tiếng quát khiến cả thuyền sững sờ. Mẹ con tôi, dăm người khách quá giang, và người đàn bà gánh khoai khốn khổ đều im bặt, đưa mắt nhìn xuống đáy thuyền. Nơi đó, 1 chiếc gàu tát mẻ miệng nằm chềnh ềnh giữa 2 làn nước lênh láng. Chỉ người lái thuyền là thản nhiên nhìn lên bờ đê. Ông ta khoèo 1 chân giữ mái chèo, đưa tay mân mê mấy sợi râu cằm lún phún. Gió vẫn phần phật thổi vào lỗ rách của cây buồm. Con thuyền đu đưa. Những đám xác vờ trắng bị sóng đánh tan tác như nắm hoa nhài tàn ai ném xuống mặt nước. Rồi vài khoảng khắc sau, chúng lại hợp tụ giữa những lườn nước xoáy. Từ bờ đê bên kia, gió đưa lại 1 giọng ca véo von.
- Đi thôi.
Người lái thuyền nói. Rồi rút cây sào đáng phựt 1 tiếng, ông ta đẩy thuyền rời bến. Tiếng nước óc ách vang động hoàng hôn. Những vòng sóng tím thẫm vỡ tan dưới mũi thuyền. Tôi co người lại, ôm lấy mẹ vì làn hơi giá buốt phà vào da thịt. Cót két... cót két... cánh buồm lắc lay ngay trên đầu tôi. Tôi có cảm giác như cây cột gỗ kìa sẽ bị gió bẻ và cả cánh buồm chụp xuống. Cót két... trục buồm vẫn kêu, những cánh buồm vẫn phồng lên hứng gió. Con thuyền lướt sang sông. Tới giữa dòng, chợt 1 người đàn bà trẻ lao xuống bến:
- Bớ đò ò ò... Bớ đò ò ò...
Người lái thuyền không quay đầu lại. Cái gáy của ông ta rất lực lưỡng cạo nhẵn thín, nổi trên cái cổ sơ mi cũ. Hai cánh tay trần, áo len sắn tận khuỷu điều khiển cây dầm chèo lẹ làng.
- Đò ơi i i...
Tiếng gọi lan dài trên mặt sóng. Trời chạng vạng. Chỉ trong giây lát, ráng mây cuối cùng của hoàng hôn tắt lịm. Mây khói nhòa đường chân trời. Làn nước trở nên huyền bí dưới lớp áo màu tro xám, ánh từng viên sóng như thủy ngân. Cái dáng lẻ loi của người trễ đò nhỏ dần, nhỏ dần. Bờ đê bên kia đã lừng lững hiện ra.
Đêm hôm đó, tôi mơ thấy mình bị đánh. Nhưng tôi không hiểu ai đã đánh tôi và tôi có tội gì. Tôi đã khóc rất lâu, rất lâu, nước mắt ướt đẫm gối. Có lẽ mặc cảm của trận đòn ấy kéo dài nên hôm sau, khi những người đàn bà láng giềng trêu chọc, tôi đã bỏ ra vườn.
- Bây giờ, mẹ kể cho con nghe.
Sáng hôm sau, khi đã an ùi tôi bằng 2 que kẹo mạch nha thật to, mẹ bắt đầu nói tới người chồng của mẹ. Ông bố tôi chưa bao giờ biết tới.
@by txiuqw4