sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 14 -

Từ lúc ấy, tôi ngong ngóng chờ buổi tối. Chờ sự xuất hiện của cái nhân vật có tên là: thằng cha Đường phó chủ tịch. Buổi trưa, họ mạc tới kìn kìn. Hết mâm này tới mâm khác. Tôi đóng vai trò của một con rối, mặc dù là con rối danh giá. Bất cứ ông chú, bà bác, rồi các thím, các cô, các dì, các già, các chị, các anh... xa gần nào được cô Tâm giới thiệu tôi đều phải tươi tỉnh chào. Trên môi, luôn thường trực một nụ cười giao đãi. Thế mới biết, nghề chiêu đãi viên cực nhọc. Cười cho đủ số lượng cần thiết trong một giờ cũng khổ không kém phải rặn ra những tiếng khóc hờ cho một đám ma có nhiệm vụ khóc. Tôi không ăn được miếng gì, mệt phờ. Ba giờ chiều, tôi húp nửa bát chè đỗ xanh rồi trốn sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Sẩm tối, cô Tâm cho bà Đũa sang gọi.

Tôi về nhà. Cây đèn măngsông đã được thắp sáng. Lần này, nó không đặt trên chiếc đôn sứ men xanh mà treo trên xà dọc. Ánh sáng trắng lóa khắp mấy gian nhà, khắp sân, vướt qua tường hoa tới dãy cau. Cả trong nhà lẫn ngoài sân đều la liệt các bàn cỗ. May thay họ đã ăn gần xong. Tôi theo cô Tâm ra mắt khi các mâm chè đã được bưng lên, thay thế cho cỗ mặn. Và các đĩa xôi gấc đỏ rói đang được chiếu cố rất mặn nồng:

- Xôi gấc thế này là hết ý đấy.

- Vâng, chẳng đám nhà ai nấu được thứ xôi gấc như hôm nay.

- Khó gì đâu, cứ nhiều đỗ xanh, nhiều đường, nhiều mỡ là khắc ngon.

- Đừng nói láo. Có một tạ đỗ với đường vào tay nhà bà cũng thành cháo khê. Có nhớ hồi đi công trường bà cho chúng tôi ăn xôi bánh đúc hay không? Dạo ấy bà còn đang xuân mà tôi cũng là trai tơ hơ hớ.

- Rõ đồ khỉ gió nhà ông.

- Ông ấy nói đúng đấy, xôi ngon tốn công lắm. Gạo nếp vo xong để cho ráo nước. Không khô phải lấy khăn mặt bông mà xoa. Gạo trăm hạt rời cả trăm mới trộn gấc. Mà gấc cũng phải chọn thứ gấc nếp, gai thưa, ruột dầy, màu thắm như son. Nạo ruột xong, bóp lẫn ruợu ngon mùi thơm mới dậy. Hết phần gạo, lo tới phần đỗ. Đỗ xanh đãi sạch vỏ, vẩy kiệt nước mới trộn muối. Rồi chõ đồ chỉ dùng được loại rộng miệng, kín vung. Nồi nước đáy không được đầy, hơi phì lên, ướt gạo là xôi nhạt. Ối dào trăm thứ công mới ra được miếng ăn ngon.

Cô tôi dẫn tôi len lách qua các dãy người. Người nào người nấy mặt đỏ gay, cười nói tưng từng vui vẻ. Từ sân vào nhà, tôi phải trả lời không biết bao nhiêu lần những câu hỏi giống nhau. Đại loại như:

- Cháu mười mất tuổi rồi? Mười tám cơ à?

- Học đại học gì? À... đại học tổng hợp văn? Thế học ra rồi làm nghề gì? Có được ngang chức trưởng phòng huyện hay không?

Tới trước đám người ngồi trên chiếc sập gụ, cô tôi nói:

- Cháu Hằng nhà tôi đây.

Cả đám người ồ ề nói gì tôi không nghe rõ. Tôi cúi chào lia lịa, miệng mấp máy cho phải phép. Rồi cô tôi rẽ rọt giới thiệu:

- Đây là ông Đường, phó chủ tịch xã. Cháu chào ông đi.

Tôi cúi đầu:

- Chào ông ạ.

Hình như ông chỉ hơn cô tôi có vài ba tuổi. Ông ta gật gù:

- Ờ ờ...

Cái miệng hơi méo nhếch sang một bên. Tôi chỉ chờ có vậy, liền ngầng mặt lên, bắt chuyện:

- Ông làm ở xã lâu chưa ạ?

- Cũng khá... ờ ờ...

Tới đó, tôi không tìm được câu nào để hỏi thêm. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, tôi cũng đã kịp quan sát. Đó là một người đàn ông thấp, to ngang. Mặt không ra tròn cũng không ra vuông, đỏ như mắc chứng xung huyết. Cặp mắt lẩn dưới hai mí dày mỡ. Mũi ông ta ngắn, có vết sẹo chém ngang cánh mũi phải. Một cái miệng dẩu ra như thổi lửa, môi đỏ một cách bất thường, trông không đẹp mà rờn rợn. Ông ta nhìn cô Tâm, tươi cười:

- Bây giờ mới thấy bà chủ. Bà chủ ngồi xuống ăn với anh em chúng tôi một hòn xôi, uống với anh em chúng tôi một hớp ruợu chứ. Thời đại chúng ta là thời đại duy vật mà.

Nói xong, ông ta tự thưởng công bằng cách rinh rích cười. Cô tôi đáp:

- Cảm ơn ông. Tôi ăn mỗi mâm mỗi miếng cũng no. Mời các ông tự nhiên cho.

Ông phó chủ tịch ngả người, nắm cánh tay cô Tâm:

- Không ăn bà chủ cũng cứ ngồi đây. Lát nữa tôi có việc phải nhờ cậy bà chủ đấy nhé.

Cô Tâm đáp nhẹ nhàng:

- Vâng. Ông phó chủ tịch sai gì mà chúng tôi chẳng phải làm?

Người đàn ông dãy lên đây đẩy:

- Ấy chết, bà nói thế có kẻ nghe thấy là khổ tôi. Họ không biết chuyện đùa mà tưởng là chuyện thật.

Cô Tâm vẫn cười:

- Gớm, sao ông phó chủ tịch lo xa như vậy?

Ông ta lắc đầu:

- Không lo xa sao được hả bà? Thời này, người ta hại nhau như bỡn.

Cô Tâm vẫn cười cười:

- Thế à? Tôi chẳng mấy khi tới nới hội họp, tôi không biết. Ai dám hại ông phó chủ tịch thế?

Ông ta cũng cười, gượng gạo:

- Có, có chứ. Nhưng bà biết mà làm gì, cho nó nặng đầu óc ra.

Rồi nheo mắt, ông ta nhìn cô Tâm có vẻ thân mến:

- Cứ như bà bây giờ là sướng nhất làng. Cửa cao nhà rộng, thóc đầy bịch, tiền đầy túi. Tháng ngày thanh thản, lời nặng tiếng nhẹ chẳng đến tai.

Cô Tâm vẫn cười:

- Ra tôi sướng thế ư? Thế mà tôi chẳng biết. Kìa, các ông uống rượu nữa đi chứ! Hãy còn quá nửa chai.

Ba bốn người cùng giơ tay:

- Thôi thôi, cơm no ruợu say rồi bà chủ ạ.

Cô Tâm gọi:

- Dưới nhà có ai rảnh giúp tôi cái mâm.

Có tiếng:

- Dạ.

Rồi một người đàn bà to béo nhưng nhanh nhẹn lên, dọn mâm bát đi. Chắc bà ta mới tới buồi chiều, vì tôi không biết mặt. Cô tôi thong thả mang phích nước, ấm chén lại:

- Chè tôi ướp ngâu lấy, các ông uống thử xem.

Phó chủ tịch cười bả lả:

- Bà làm cái gì mà mà chả nhất làng này!

Cô Tâm lại cười:

- Chết nỗi, ông phó chủ tịch cho tôi đi tàu bay giấy.

Rồi cô chăm chú rót nước. Lúc ấy, tôi mới để mắt tới cái góc chéo, đối diện với gian nhà tôi đang ngồi. Góc ấy, khuất lấp sau cánh cửa, có một người ngồi bó gối. Ấy là người đàn bà có vết bớp trên má. Bà ta, xong nhiệm vụ đầu bếp, đã tới đó, ngồi lặng lẽ trong bóng tối, giương đôi mắt âm thầm lên. Cô tôi vẫn tươi cười chuyên trà mời khách. Phó chủ tịch Đường gật gù:

- Ngon quá là ngon. Bà dạy tôi ướp chè nhá. Tôi bảo nhà tôi trồng lấy vài bụi ngâu.

- Chết nỗi, ông quá lời. Sao mà tôi dám dạy ông?

Ông ta hăng hái:

- Không khách khí gì đâu. Tôi nói thật, thật trăm phần trăm bà Tâm ạ.

- Cái thời này con người đểu cáng lắm, tử tế thì ít mà ba que xỏ lá thì nhiều.

Cô Tâm cười:

- Chết nỗi ông lại quá lời. Tôi thấy người làng ta nhũn như chi chi ấy chứ? Chả thế ông sai quân bắt trói nhà Sâm không giấy má gì mà nó vẫn chịu.

Phó chủ tịch gật đầu:

- Đúng. Nó chống lại nghị quyết của chi bộ, tôi không gông cổ nó vào nhà ngục là may.

Cô Tâm vẫn cười cười:

- Theo luật pháp, bắt người phải có lệnh. Nhà Sâm không trộm cắp, không buôn thuốc phiện lậu, không chứa chấp kẻ gian. Nó chỉ mắc tội chửi bí thư chi bộ xã và chửi ông. Không có giấy lệnh nó cũng chìa cho các ông trói, thế nghĩa là dân làng này đệ nhất hiền lành, ông chẳng nên trách họ ba que xỏ lá.

Ông ta cau mày, nói gay gắt:

- Bà bảo những trường hợp cứng đầu cứng cổ như thế, tôi không xử trí nhanh thì còn gì là kỷ cương nữa? Hôm nay nó chửi bí thư chi bộ huyện, rồi ngày kia là... là...

Tới đó, ông ta ngừng lại, giơ bàn tay chém một nhát vào không khí rồi dằn giọng:

- Chính quyền phải chuyên chính. Không chuyên chính là không được. Từ xưa tới nay, nhà nước nào cũng phải có phép tắc, kỷ cương.

Cô Tâm vẫn cười:

- Rước các ông xơi chè. Thuốc đây ạ. Tôi nhờ người quen mua được thứ Du Lịch còn mới.

Đoạn, quay lại phó chủ tịch Đường, cô nhẹ nhàng nói tiếp:

- Tôi không được học chính trị, tôi không hiểu phép tắc, kỷ cương của nhà nước ra sao. Nhưng hồi nhỏ, thầy tôi còn sống, thầy tôi có kể cho tôi nghe chuyện này. Nếu các ông cho phép, tôi xin kể hầu các ông.

Mấy người đàn ông nhao nhao đáp:

- Kể đi, bà kể đi.

- Khoan đã, cho tôi vô phép rít điếu thuốc lào. Lâu lắm mới có dịp rảnh rỗi thế này.

Một ông khách nạp thuốc, châm lửa, rít ro ro. Rồi ngửa mặt lên, nhả khói. Trong khoảng thời gian ấy, cô Tâm đợi chờ, vẻ mặt bình thản. Mấy đám người chơi tú lơ khơ và tổ tôm ngoài sân đã bỏ cuộc vào hiên, hóng chuyện. Trong góc tối bên kia, không chỉ là người đàn bà nhỏ thó có vết bớt trên mặt mà cả một đám đàn bà con gái túm tụm ngồi.

Sau khi đã nhả khói một cách mãn nguyện, ông khách già ngồi bên cô Tâm nói:

- Nào, bà kể đi.

Cô Tâm đặt chén trà xuống, cất tiếng:

- Thầy tôi kể rằng: Dưới triều vua Tự Đức có một ông quan Thượng Thư liêm chính lắm. Ông quê ở Thái Bình, dân thường gọi là cụ Thượng Chính. Vua Tự Đức đã phải có câu đối đề tặng:

Nam phi Bình bất chính.

Bắc phi Chính bất bình.

Hồi tham triều, cụ Thượng đứng ra làm một công trình thủy lợi lớn. Công trình này đem nước tưới cho đồng ruộng khắp vùng. Con kênh đào đi qua ba huyện. Trong ba huyện đó, có huyện quê cụ. Các ông biết rồi, đất đào thủy lợi xưa chạy vào ruộng nhà nào, nhà ấy phải chịu. Không nghiêm, những địa chủ giàu sẽ dẫn hối vàng bạc để con kênh đi xéo qua ruộng nhà khác. Những nhà nghèo, thấp cổ bé họng chẳng biết cầu cứu vào đâu. Cụ Thượng Đính suy ngẫm tìm ra cách thức công bằng nhất khi thực hành việc đào kênh. Đêm tối, cụ cho lính đốt đuốc, rọi theo ánh lửa mà kẻ đường thẳng trên mặt ruộng. Hai hàng lính cầm đuốc đứng hai bên. Người chỉ huy điều chỉnh các cột lửa sao cho chúng thành hai đường song song từ đầu tới cuối. Cứ theo vệt lửa làm mốc mà đào. Tàn lửa đuốc này thắp lửa khác. Không chủ ruộng nào dám kêu ca. Con kênh thẳng thư kẻ mực Tàu, cứ thế dài ra mãi. Tới phần huyện quê nhà, quan chức sở tại bảo rằng theo đường kẻ của dòng kênh, đám đất sắp bị đào chính là mảnh ruộng có phần mộ tổ tiên cụ. Họ xin cụ Thượng hủy lệ, cho con kênh vòng sang hướng khác. Cụ Thượng Chính bảo:

- Ta biết xót phần mộ tổ tiên ta, vậy những kẻ khác không biết xót hài cốt cha ông họ hay sao? Lệ đã định, cứ thế mà làm.

Đám quan chức dưới quyền chỉ biết cúi đầu tuân thủ. Khi đào tới phần mộ của cụ tổ ba đời cụ Thượng, nước phun ra đỏ như máu. Những toán lính đang đào, hoảng sợ nhảy lên, chạy về dinh phi báo. Lại một lần nữa, cụ Thượng ra lệnh:

- Không được làm rối kỷ cương đất nước.

Quan quân rập đầu lạy tạ, tiếp tục đào kênh. Con kênh ấy hoàn thành, chảy suốt qua ba huyện. Khắp vùng no ấm. Người ta đã đặt cả đồng dao, cả tích chèo về nó. Hồi ông tôi và thầy tôi còn sống, chẳng mấy người là không biết chuyện này.

Cô tôi ngừng lại một vài giây, rồi cười:

- Đấy, các ông tính xem, những ông thượng thư thời nay, đếm được bao nhiêu người như cụ Thượng Chính?

Đám người ngồi trong nhà ồn lên, Họ xuýt xoa, bình phẩm. Người lên tiếng trước tiên, là ông phó chủ tịch:

- Ghê thật, các cụ nhà ta ghê thật.

Nhưng tiếng ông ta chìm đi giữa những tiếng xôn xao:

- Quan như thế mới là quan chứ!

- Chuyện nghe như Đông Chu Liệt Quốc ấy. Dân ta thiếu gì người quân tử đâu?

- Bà Tâm nhớ dai thật. Tôi cũng đã nghe chuyện này mấy lần mà quên biến đi mất. Hồi ông cụ nhà tôi với cụ bên ấy đánh cờ, tôi chuyên đứng chầu rìa, xem chơi. Năm ấy, hình như tôi chín, mười tuổi. Bà Tâmn tuổi gì nhỉ? À, tuổi Hợi, vậy thì tôi hơn bà hai tuổi.

Cô Tâm rót nước uống, rồi nói tiếp:

- Thầy u đẻ ra tôi, chẳng được tích sự gì, ngoài cái nét nhớ dai. Dạo ấy, thầy tôi còn kể nhiều chuyện nữa. Trong đó, tôi nhớ nhất chuyện quan huyện Trần Bình.

- Hay quá, hay quá, kể đi dì Tâm.

- Hôm nay thế mà thú vị. Vừa được chén, vừa được nghe chuyện.

- Trời phật ban lộc cho ta.

Ông khách già ngồi bên cô tôi lại cười khà khà:

- Ấy, gượm đã, cho tôi làm mồi thuốc.

Bọn đàn bà ngồi trong góc tối nhao nhao phản đối:

- Thôi thôi, bác Tâm kể đi. Kệ ông ấy.

- Rõ cái nhà ông này, về nhà mà bắt bà ấy chờ.

Lại có giọng đàn ông hòa giải:

- Thôi mà, sao các bà nóng tính thế! Chờ ông ấy một tẹo đã sao?

Nói thế thôi, nhưng người ta vẫn an lòng chờ cho ông khách nghiện rít hết điếu thuốc, và nhả khói một cách thư thả. Tới đó, cô Tâm lại cất giọng kể:

- Thời cụ Thượng Chính về hưu, an nghỉ tại quê nội là phủ Tiên Hưng. Phủ Tiên Hưng giáp huyện Duyên Hà. Dạo ấy tên quan huyện Duyên Hà là Trần Bình đi đón bố về làng, cả đám lính hầu đi theo, trống rong, cờ mở, tán lọng nghêng ngang. Bên đường có hai tên lính lệ khiêng một người nào đó trong chiếc võng xoàng xĩnh, trên đòn nghiêng vắt chiếc chiếu che nắng. Chiếu đã cũ ải. Tên lính dẹp đường của Trần Bình thấy vậy ngứa mắt chạy lên:

- Dẹp, dẹp mau.

Hai người lính khiêng cáng vẫn bước từ tốn. Tên lính huyện thấy vậy lấy roi quất vào chiếc chiếu tre.

- Nghe lệnh chưa? Dẹp cho quan lớn đi, dẹp...

Những cọng cói rụng xuống. Bên trong, một cụ già nằm yên, chiếc quạt lụa phủ lên mặt che nắng. Tên lý trưởng sở tại nghi hoặc giật mình ghé vào tai Trần Bình nói nhỏ:

- Bẩm quan lớn, hình như cụ Thượng nằm trên võng.

Trần Bình tái mặt, vội quát bọn lính dẹp hết cờ quạt, võng lọng, còn chính hắn nhảy xuống đường, quỳ lạy. Nhưng chiếc võng gai cũ kỹ vẫn lướt qua.

Nghe đâu, sau đó tên quan huyện hống hách đã tới nhà cụ Thượng lễ tạ tội “Nghi thức lộng hành.” Cụ Thượng ra lệnh cho lính rút vồ nọc nện hắn hai vồ. Tới vồ thứ 3, người con cả của cụ chạy ra quỳ lạy cha, xin tha tội cho hắn. Người con cả của cụ Thượng Chính là ông cử Ái, một người hiếu đễ, tốt bụng, học khá. Ông đã đỗ cử nhân, được nhà vua vời ra làm quan, nhưng cụ Thượng Chính đã bác bỏ việc tiến cử con trai mình. Cụ bảo vợ:

- Thằng này tốt bụng nhưng gàn, để cho nó làm quan là hại dân...

Cụ bà nghe ra, không dám than thở nửa lời. Ông Cử Ái tuân lời cha, ở nhà dạy học, tham gia việc nông tang, không màng danh lợi.

Lại nói về tên quan huyện Trần Bình. Thầy tôi kể không biết bao nhiêu chuyện về hắn. Đại để, chuyện hắn xui dân lành kiện tụng để có dịp moi tiền, khiến cả hai bên khuynh gia bại sản. Nào là chuyện hắn ám hại kẻ khác. Nhưng lâu quá tôi không nhớ rõ. Riêng chuyện quan huyện vời hát xẩm, là tôi nhớ như in.

Cô tôi dừng lại, rót nước uống. Cả đám cử tọa im phăng phắc, chờ đợi. Mắt họ dán như dính vào gương mặt hao gầy, có vẻ đẹp úa tàn. Cô tôi, không nhìn ai, rẽ ràng kể tiếp:

- Trần Bình có một ông bố mù và đứa con trai duy nhất cũng mù. Hắn dán yết thị trước cửa công đường: “Ai chữa cho ông thân sinh và công tử của quan huyện khỏi bệnh, sẽ có thưởng lớn.” Yết thị dán được nửa năm, mới có một thầy lang dưới thành Nam lên xin chữa bệnh cho nhà quan huyện. Ông lang này chưa phải danh y, nhưng là người tài cao học rộng biết đủ nho, y, lý, số. Ông cho bố và con trai Trần Bình uống non hai chục thang thuốc, bệnh đã đỡ hẳn. Từ chỗ mù hoàn toàn, cả hai người đã nhìn thấy mọi vật. Ông bố tên quan huyện bảo hắn:

- Tao trông thấy hai thằng Bình.

Còn đứa con trai độc nhất của hắn, cũng thế. Người ta bảo nó ngồi trong buồng tối, không cho ánh sánh bên ngoài lọt vào, cũng không thắp đèn, để thằng bé không thể nhận biết vật gì. Rồi, chính Trần Bình cầm cây nến, mở cửa vào phòng. Thằng bé reo lên:

- Con nhìn thấy hai bố Bình, hai cây nến...

Tên quan huyện tủm tỉm cười, không nói gì thêm. Sáng hôm sau hắn đưa cho thầy lang một đồng bạc, để thầy tiếp tục đi lấy thuốc ở thành Nam. Ông thầy thành thực, không nghi hoặc. Tới cửa hàng thuốc, mới vỡ lẽ là đồng bạc giả. Thầy lang trở về, thưa với gia chủ:

- Bẩm quan lớn, con không lấy được thuốc cho cụ với công tử. Dưới thành Nam, người ta chê đồng bạc ngày hôm qua là bạc giả.

Trần Bình cười nhạt:

- Thầy nói thế nào? Tôi là quan, người lo việc nước là lại chứa bạc giả trong nhà hay sao?

Nói xong, hắn chắp tay sau lưng, lững thững vào buồng. Ông thầy lang ngớ người, quay về nghĩ ngợi. Càng nghĩ càng toát mồ hôi. Ông biết Trần Bình bày kế quỵt tiền công. Quyền lực trong tay, hắn khép tội chứa bạc giả ông có chạy lên rừng cũng không thoát hình ngục. Ba giờ sáng hôm sau, ông thày thu xếp áo quần, khăn gói. Chờ bọn gia nhân mở cổng sau cho tá điền đi làm ông thày cũng lẻn đi luôn. Trước khi rời huyện, ông ta chạy ra chợ. Ở chợ, có một gia đình xẩm sống dưới mái lều chúa. Người ta gọi như vậy vì mái lều được cất lên làm phúc, cho những kẻ nhỡ độ đường trú thân. Một ông xẩm già, hai vợ chồng xẩm với đứa con trai lên bảy. Tất cả đều mù. Tất cả đều có giọng hát đủ kiếm miếng cơm độ nhật. Mới mờ sương, nhà xẩm đang lục đục trở dậy luộc khoai ăn sáng. Ông thầy lang tới gọi:

- Này, quan huyện sai tôi tới gọi cả nhà cụ tới công đường. Hôm nay, có ngày lễ lớn. Quan muốn nghe hát xẩm.

Ông xẩm già mừng quá, run lập cập:

- Thật phúc đức quá, có thật không thầy?

Ông lang bảo:

- Tôi là gia nhân của quan huyện. Quan sai tới gọi nhà cụ sớm để lo sắp đặt ăn uống, rồi ôn luyện bài vở cho chu đáo. Hôm nay, có các quan khách tỉnh bên sang chơi.

Cả ông xẩm già, cả vợ chồng nhà xẩm cúi rạp đậu cảm tạ:

- Nhà con xin đội ơn thầy. Cuối giờ mão, chúng con sẽ có mặt tại cổng công đường, không dám sai.

Thày lang chào cả gia đình nhà xẩm rồi ra bến xe, chuồn thẳng.

Lại nói tới nhà xẩm. Nào ông nội, nào cháu đích tôn, nào vợ chồng xẩm ra công mà ôn luyện bài vở. Nấu khoai ăn xong, tất ta tất tưởi, dắt nhau tới công đường. Đám lính gác cản lại, gia đình xẩm kêu la ầm ĩ.

Trong dinh, Trần Bình thức giấc, nghe ồn ào, sai người ra hỏi. Người nhà bẩm có đám hát xẩm chờ trước cửa công đường, bảo là gia nhân của quan huyện ra chợ gọi họ từ sớm. Hôm nay quan huyện có lễ, rước khách các tỉnh sang chơi, muốn nghe hát xẩm. Trần Bình hỏi thầy lang, ông ta đã không cánh mà bay. Hắn biết ông lang chơi xỏ, sai lính phóng khắp nơi tìm. Nhưng thầy lang có phép tàng hình đã biến mất. Chỉ khổ cho ông cháu, cha con nhà xẩm, bị Bình sai tụi lính giã cho một trận đòn, rồi tống ra cửa.

Ông thày lang thành Nam đi mất, nhưng lời nguyền của ông ta với Trần Bình đã thành sự thực. Bạ cắt thuốc, chẳng bao lâu bố hắn, con trai hắn mù trở lại. Bảy năm sau, hắn cũng mù nốt. Đi đâu cũng phải có người dắt. Riêng đánh tổ tôm, chả cần ai nhắc, hắn vẫn đọc vanh vách tên các quân bài. Nhưng cảnh ông mù, cha mù, con mù... tam đại mù đã trở thành câu chuyện truyền khẩu cho nhân gian. Thầy tôi bảo Trần Bình không có ham thú nào hơn thú kiếm tiền. Các đời quan trị nhậm địa phương, có người tốt, có người xấu, nhưng ngay cả những người xấu nhất cũng không ai đạt tới mức độ tàn bạo và vô liêm sỉ như hắn. Sau, người ta đem hắn đối với một ông quan thanh liêm đời trước, tên là Phạm Thụ. Câu đối như thế này...

Phạm Thụ hữu tồn, dân hữu khố

Trần Bình bất khứ, hộ vô mao...

Đám cử tọa nhếnh mắt lên, vừa nghe vừa nhìn miệng cô tôi. Khi cô đọc xong vế đối, đám đàn ông ồ lên. Người cười, người vỗ đùi bồm bộp. Đám dàn bà, có người cười rúc rích, có người ngơ ngác nhìn quanh. Rồi một thiếu phụ vẻ bạo dạn, cất tiếng:

- Mọi người cười gì thế?

Người ta vẫn ồn ào tán chuyện không ai trả lời chị. Chị nhắc lại lần thứ 2, cao giọng hơn:

- Câu đối ấy nghĩa thế nào? Các ông phải giảng giải cho bọn đàn bà chúng tôi chứ?

Ông khách nghiện thuốc lào đang ngửa mặt lên trời há miệng phô hai hàm rắng đen xì khói thuốc mà cười. Thấy thế, ông đáp lời:

- Này nhé, nghe cho rõ: Phạm Thụ hữu tồn, dân hữu khố. Nghĩa là quan Phạm Thụ còn trị nhậm, dân còn khố mà mặc. Trần Bình bất khứ, hộ vô mao. Nghĩa là: quan Trần Bình chưa đi, thì... đến cái con ba ba nhà các chị cũng chẳng còn râu...

- Úi giời ơi.

Đám đàn bà con gái rú lên, người nọ đấm người kia thùm thụp. Họ cười, cười ngặt nghẽo, cười giàn giụa nước mắt, cười ré từng hồi, nức từng cơn:

- Ối cha mẹ ơi, phải gió cái nhà ông này.

- Có nhà bà phải gió ấy. Không biết, người ta giảng cho. Đã chẳng cảm ơn lại còn nói láo.

Đám đàn ông gật gù, liếc nhìn nhau:

- Giỏi thật, giỏi thật... Thật là tuyệt.

- Mấy ông đồ nho thâm thúy. Chịu các ông.

Trong khóe mắt, trong nụ cười của họ, dù ồn ào hay thầm kín, đều hàm chứa những ẩn ý. Tôi lại đưa mắt về phía bóng tối đồi diện với mình. Người đàn bà có vết bớt trên má vẫn ngồi lọ thỏm trong đám phụ nữ. Nhưng đôi mắt sâu của bà ánh lên như hai hòm than. Nóng và dữ dằn. Tôi không quên được đôi mắt ấy. Giữa đám người ồn ào cười nói, tôi thấy ông phó chủ tịch Đường cũng cười. Chiếc miệng thổi lửa hơi lệch của ông ta nhếch lên, phô những chiếc răng nhỏ. Hai gò má ông ta sạm đi, không còn giữ được màu đỏ ban đầu.

Rồi như không chịu được không khí ấy, ông giơ đồng hồ đeo tay lên xem, cao giọng:

- Nào bà chủ còn gì cho ăn uống nữa không?

Cô Tâm vẫn cười tươi:

- Ông phó chủ tịch muốn ăn uống gì, tôi vẫn còn đủ sức phục vụ ạ.

Ông Đường cười:

- Đùa thôi. Có cỗ yến bây giờ cũng lèn vào đâu được. Thôi, tôi về bà chủ nhé.

Cô Tâm nói:

- Lúc nãy ông có bảo rằng...

Ông ta gật đầu:

- Tôi nhớ... tôi nhớ rồi.

Rồi đưa mắt liếc quanh, ông hạ giọng:

- Thôi để khi khác.

Cô tôi cười, giọng gạn gùng:

- Có gì khúc mắc đâu mà phải để khi khác. Ông cứ nói luôn cho xong.

Ông phó chủ tịch hơi cúi đầu, vẻ như ngại ngần, rồi ông ta nói:

- Tôi vừa cho cháu lớn ra ở riêng. Nghe bà chủ có nghề, lại vẫn giữ được bộ máy ép miến, muốn phiền bà cho cháu học.

Cô Tâm vẫn cười:

- Không khó gì chuyện ấy. Chẳng cứ con ông phó chủ tịch, con ai tôi cũng giúp được. Chỉ ngại nỗi là việc làm miến trông tưởng nhàn nhưng còn mất sức hơm làm ruộng. Cô bên nhà xưa nay có lấm chân lấm tay đâu. Hồi còn ăn công điểm, cô ấy làm trong đội tuyên truyền văn nghệ. Sau lên tỉnh học. Từ thời khoán việc đến nay, ông bà vẫn phải nuôi không.

Hai gò má ông phó chủ tịch lại đỏ rực lên. Ông ta gật đầu:

- Phải, phải, nhưng kỳ này tôi nhất quyết tống cổ nó ra ở riêng. Tay làm hàm nhai, đói no kệ xác.

Những tiếng cuối cùng, ông ta vội vã đến nuốt cả lời. Rồi giơ đồng hồ lên xem lần thứ 2, ông bảo:

- Gay quá, thế mà đã gần 10 giờ rồi. Tôi còn phải họp một lát. Thôi chào cả nhà nhé.

Lác đác, có tiếng chào lại:

- Vâng, chào ông.

- Chào ông.

Tấm thân đậm, thấp của ông ta lách rất nhanh qua đám người. Ánh đèn pin quét lóe ngoài sân, rồi tiến ra ngõ. Cô Tâm tôi nói với ra:

- Ngoài ấy có ai mở cổng cho ông phó chủ tịch không?

- Tôi đây.

Giọng bà Đũa đáp lại. Ngoài cổng, có tiếng chó sủa. Rồi mỗi lúc, tiếng chó sủa mỗi xa hơn. Trong nhà, tiếng cười đùa ồn ĩ:

- Hôm nay có đứa bị trát gio vào mặt nhé. Thật ác giả ác báo.

- Này, nói thế mà nghe được. Làng này mới chỉ có ác giả, đã làm gì có ác báo?

- Rõ ông thật hàm hồ. Còn thế nào nữa hở ông?

- Bà mới thật hàm hồ, bà tưởng nghe vài câu chuyện thế là mọi việc sẽ đâu vào đâu vào đấy sao? Loại người đã xoay thừ bữa chén xoay đi thì làm gì còn liêm sỉ. Lại quyền hành, dấu má nắm trong tay. Rồi mà xem, nhà chị Hài đố có thoát!...

- Chị ấy đang kiện trên huyện. Chẳng nhẽ giữa thời buổi này, lại thanh thiên bạch nhật.

- Tôi với bà cược nhé!

- Ờ thì cược. Cái gì nào?

- Ít thôi. Một cổ lòng ngon với ba lít rượu. Đích thứ rượu gạo nhà ông cả Từu đấy nhé.

- Thôi. Cám ơn bà chủ, được bữa no ruột no cả lòng. Các ông các bà, về đi thôi. Cho khổ chủ còn dọn dẹp.

Mọi người lần lượt ra về. Cô Tâm tôi bê chồng thúng không của các bà đầu bếp lên phản, chuẩn bị cho mỗi người một phần cỗ. Một đĩa xôi gấc, một khoánh giò nạc, một mảnh chả ống, chừng ba lạng thịt luộc, dăm quả chuối tiêu. Mỗi phần được bọc gói cẩn thận bằng lá chuối tươi hơ lửa, đặt vào thúng. Các bà bưng thúng quà, trông như đi lễ chùa về. Người đàn bà có bết bớt trên mặt nói:

- Đội ơn chị Tâm. Đáng lẽ tôi còn phải đem lễ tạ chị.

Cô tôi bảo:

- Có gì đâu. Lòng vả cũng như lòng sung. Chị Hài bị bức hại, ít nhất cũng nửa dân làng đau ruột. Thôi, chị đem phần cỗ về cho các cháu.

Cô tôi tiễn các bà đầu bếp ra ngõ. Đám người giúp việc đã dọn dẹp gọn gàng. Người nào nhận phần xôi thịt của người nấy, lũ lượt kéo về luôn. Cô Tâm chào người này, trò chuyện hỏi han người kia, dịu dàng và kiên nhẫn. Dáng người bé nhỏ, lưng mỏng, vai mỏng, lại mặc quần áo thẫm màu, trông xa cô như đứa bé gái. Lúc cô tiễn khách cuối cùng, đóng cổng rồi quay vào, đã quá nửa đêm. Trời mát lạnh. Sương xuống, thấm ướt hàng hiên. Cô thở dài khoan khoái, kéo tôi ngồi xuống bậc tam cấp:

- Thế nào, có mệt không con?

Tôi nói:

- Cô mệt hơn nhiều. Cháu có đụng tay vào việc gì đâu?

Cô cười:

- Con chẳng phải mó tay vào việc gì hết. Còn cô, cô đã quen.

Nói xong, cô bóp chặt tay tôi. Tôi không muốn nói gì thêm, để nguyên bàn tay mình trong bàn tay nhỏ bé xơ xác của cô. Từ lớp da thịt ấm nóng và thô nháp ấy, truyền sang tôi niềm yêu thương dịu nhẹ. Chúng tôi ngồi như thế, giờ lâu. Trăng hạ tuần nhô khỏi vườn cam, đính một mảnh ngọc xanh xao, trên bóng tối dày đặc của vòm lá.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx