Dẫu sao, mẹ cũng vẫn là mẹ của tôi. Tôi yêu người. Từ biệt cô Tâm, với làng quê, với bao nhiêu ưu ấp, tôi trở về thành phố. Mẹ đang ngồi chải đầu. Hình như mẹ vừa gội đầu xong, tóc chưa kịp khô. Tôi chạy ào tới mẹ:
- Mẹ... Mẹ nhớ con không?
Mẹ ngẩng lên, đôi mắt chớp chớp xúc động. Nhưng qua giây phút ấy, mẹ lại dằn dỗi, nói:
- Nhớ! Chỉ có con nhiều thú vui, con mới chẳng nhớ ai.
Tôi ôm mẹ cười:
- Chẳng nhớ ai thật. Nhưng chỉ nhớ riêng mẹ thôi.
Rồi tôi nói thêm, khẽ khàng:
- Mẹ buồn cười lắm. Chẳng ai thay thế được mẹ.
Mẹ cúi đầu im lặng. Có lẽ, đó là nỗi im lặng sung sướng. Tối hôm ấy, mẹ nấu chè sen cho tôi ăn. Suốt đêm, tôi ôm mẹ ngủ. Chỉ còn ba ngày nữa là tựu trường. Đã bước vào năm học, tôi sẽ chẳng còn thời giờ nhõng nhẽo. Vừa từ giã đám bạn học cũ, tôi đã có những bạn gái mới, những nữ sinh viên đại học tương lai. Suốt ba ngày liền, họ kéo đến, sắm sanh quần áo, sách vở, tính toán trước những khoản tiền phải nộp cho nhà trường. Giá một đôi guốc bây giờ cũng đủ cho các bà mẹ có con gái lớn lo thắt tim. Có một cô, trong đám nữ sinh ấy, phải rửa bát thuê cho hàng phở, gánh nước suốt một vụ hè mới sắm nổi một bộ quần áo thường và một đôi guốc. So với các bạn, tôi phong lưu hơn. Cô Tâm sắm cho tôi một sấp vải các loại, từ thứ hàng kaki, hàng len ngoại may quần với các thứ phin nõn pha nilông, pôpơlin màu, vải sợi bông thô, lụa tằm pha sợi tổng hợp. Cứ sấp vải ấy, tôi có thể may quần áo đủ mặc suốt bốn năm. Nhưng mẹ tôi lại kỳ cục tìm mua cho tôi một mảnh phin nõn Nhật màu hoa cà, điểm những chấm trắng lấp lánh như chấm tuyết. Rồi mẹ lặn lội xuống tận Hàng Bông may cho tôi một chiếc sơmi kiểu mới, tại một hiệu may đang có tiếng là thời trang.
- Cô Loan bảo bây giờ đang có mốt áo Đan Mạch. Mẹ may cho con kiểu ấy.
Tôi ôm cổ mẹ.
- Mẹ trở thành một tay chơi chính hiệu rồi đấy. Hơn con nửa cây số cộng mười lăm phân.
Mẹ cười sung sướng. Chiếc áo trông rất kỳ khôi, với các mảnh vải đan chéo, bổ ngang, các thứ quai và khóa sáng loáng. Mặc lên, tôi hóa thành một nữ ca sĩ trong băng nhạc da đen, da đỏ nào đó ở châu Mỹ Latinh. Nhưng tôi đã mặc nó trong ngày tựu trường. Mẹ tôi nắc nỏm khen.
- Đẹp lắm, con ạ. Hiện đại lắm.
Chắc những danh từ ấy mẹ nghe lỏm của thiên hạ, đám người ngày ngày vẫn tới hàng của mẹ mua măng khô, miến, đỗ, lạc, đường... Mấy anh chàng sinh viên khóa trên nhìn tôi cười nhăn nhở.
- Ai vẽ cho em cái áo mốt thế?
Tôi im lặng. Và bọn họ cười ré lên. Nhưng tôi vẫn mặc cái áo tím kỳ khôi ấy, để thấy mẹ tôi cười. Người lớn, đôi khi cũng không khác con nít là bao. Những cơn mưa thu lại rơi, rổn rảng trên mái tôn. Nhưng gia đình tôi đã trở lại vui vẻ. Tối tối, mẹ ngồi đan áo. Chiếc áo len màu hoàng yến sẽ cho tôi diện dịp Tết Nguyên Đán này. Còn tôi, tôi cắm cúi trên các trang sách, thấy nhịp điệu đời sống xiết bao êm ái, thanh bình. Trong ngõ nhỏ, tiếng hát của anh què lại rống lên:
Rồi thu sang lá vàng rời đầy...
Nhưng tôi không còn thấy tim tái tê vì nỗi buồn thống thiết, vì một thất vọng che chắn cuối chân trời. Tôi chỉ cảm nhận trong những âm thanh ấy, một nỗi xót xa mơ hồ khiến ta phải não lòng, một niềm thương cảm trìu mến, ý muốn được che chở cho ai đó, được ủ ấp một mái đầu nào đó, được đưa bàn tay cho một bàn tay chới với giữa dòng nước xiết.
Tôi vào trường được hơn hai tháng, một chủ nhật, mẹ rủ tôi tới nhà cậu Chính. Không muốn làm mất lòng mẹ, tôi nhận lời. Thế là, sau mấy năm trời, tôi trở lại khu tập thể K. Khu nhà ấy đã cũ nhiều. Con đường chạy qua các trục chính đã tróc lở nhiều khúc. Các khoảng sân, các bậc thềm cũng như vậy. Người ta tự tu tạo bằng nhiều thứ vật liệu khác nhau, trông như nhiều mụn và khác màu trên một mảnh áo. Các bức tường vôi nhạt màu, hoen mưa gió, in những hình vẽ loằng ngoằng thô tục của bọn trẻ hư. Không khí oi nóng, quẩn tụ một thứ khói lạ, rất khó gọi tên. Có lẽ, nó là tổng hợp của khói thuốc lào, thuốc lá, khói các bếp dầu vừa tắt, khói ngún từ các bếp lò đun mùn cưa, và khói từ các đống rác nhỏ rải rác khắp các ngóc ngách khu nhà. Rất nhiều nhà mở đĩa hát và máy nghe băng nhạc. Nhạc Rock, nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến xen lẫn điệu hát chèo và cải lương. Thanh niên tụ thành từng nhóm trước hè, miệng phì phèo thuốc giương những cặp mắt thô lỗ nhìn người qua đường, buông lời chòng ghẹo. Tất cả đã thay đổi. Trạm gác gỗ ngoài cửa cũng không còn. Những mảnh ván đã được dọn trơ trụi, chỉ còn cây tre làm gạt chắn vẫn ngơ ngất chọc lên trời.
Cậu mợ Chính đang ngồi vặt lông vịt trong nhà. Thấy mẹ con tôi, mợ Thành rửa tay chạy vào, niềm nở chào hỏi. Hai đứa con trai họ Đỗ đã lớn lên nhiều, so với hồi tôi gặp. Nhờ thực phẩm của bà bác trợ cấp, chúng hồng hào béo tốt hẳn lên.
- Cháu chào bác. Em chào chị Hằng.
Lần này, không cần mệnh lệnh của ông bố, chúng cũng cất tiếng đồng thanh. Mẹ chúng liếc nhìn tôi, cười hớn hở.
- Cháu Hằng lớn lên, xinh quá nhể.
Mợ ta béo ra nhiều, mặc bộ quần áo lụa xanh hoa dây hồng, lại đính thêm một hàng đăngten lòe xòe dưới gấu áo. Mợ xăng xái đi lại, pha trà, rót nước, cả hai lườn, cả đôi mông lặc lè mỡ. Mặc dù đon đả mời nước, đôi mắt hẹp của mợ vẫn liếc về chiếc làn thực phẩm của mẹ tôi đặt dưới sàn nhà, gần góc tủ. Tuy vậy, lúc ấy trong mợ vẫn dễ chịu hơn lúc ngồi trước bàn, vừa ngậm tăm vừa đọc tuyển tập của Lênin. Sau lần đến nhà mợ đầu tiên, tình cờ tôi được nghe một đứa bạn kể. Bố mẹ nó là giảng viên trường đại học, được trưng tập về giảng dạy ở trường Đoàn. Họ phải làm việc dưới quyền mợ Thành vì mợ là Đảng viên lâu năm. Cả hai khốn khổ 8 năm ròng vì bị trù úm. Vốn là những người có kiến thức, giàu lòng tự trọng, họ không thể chịu được một người ngu dốt, lại chỏng lỏn. Mợi ta vừa tự ti, vừa cường hào một cách phi lý. Có lẽ, bởi vì mợ mới học hết cấp hai trong trường bổ túc công nông, mà lại có trọng trách duyệt toàn bộ chương trình triết học.
- Kìa, cháu uống nước đi. Em mời chị.
Mợ ta vỗ vai tôi, rồi chỉ chén trà nóng, tươi cười. Khi cười, những nốt rỗ có bớt phần nguy hiểm. Tôi hỏi mợ:
- Hồi trước, cháu thấy mợ có bộ tuyển của Lênin mới tinh. Đâu rồi?
- Trong tủ, mợ cất trong tủ.
Người đàn bà trả lời hăng hái, tay chỉ chiếc tủ gỗ mới, nước sơn vécni còn mùi thơm.
- Cháu có cần, mợ cho mượn. Mợ đã nghiên cứu xong chủ nghĩa Mác-Lênin rồi. Giờ, mợ đang phải nghiên cứu các văn kiện.
Nói tới đó, chợt mợ đổi giọng kêu:
- Ấy, chị để em... để em.
Vừa nói, mợ vừa lao tới, đỡ gói đường trên tay mẹ. Miệng túi nilông bị sút sợi thun buộc, chỉ chút nữa đường đổ tung tóe. Mợ Thành cười hỉ hả.
- May thật là may.
Tới đó mợ quên bẵng câu chuyện về chủ nghĩa Mác-Lênin với các văn kiện, mợ quay sang cái làn thực phẩm. Cùng với mẹ tôi, mợ lần lượt dỡ từng túi đường, đổ vào những chiếc thẫu thủy tinh cao cổ miệng loe, những chiếc thẫu dùng ngâm rượu rắn cho đàn ông, ngâm mơ, ngâm táo cho đàn bà con trẻ. Xong xuôi, mợ lấy thịt và giò, thứ đem cất, thứ đem thái rim, thứ đem bày ra đĩa. Hai gò má mợ hồng hào, nhoáng mỡ.
- Gớm, bác cho hai cháu nhiều đường thế! Uống tới mùa thu sang năm cũng chưa hết. Anh Chính ơi! Xong chưa? Nhớ hãm tiết canh đúng kỹ thuật đấy nhé. Chị Quế chỉ thích mỗi món tiết canh vịt thôi.
Nói xong, mợ cười, hai mắt tít lại. Mẹ tôi cũng cười, hồn nhiên, thành thật. Giờ đây, mẹ đã có vị trí xứng đáng trong gia đình người em trai. Mẹ hoàn toàn mãn nguyện. Cái khoảng thời gian me bị khinh khi, ghẻ lạnh đã qua rồi. Giờ đây, mẹ trở thành người bảo trợ. Mẹ gom góp từng xu để bù trì cho đứa em trai.
Và mái nhà cũ kỹ của chúng tôi sẽ không thể nào thay đổi. Mái nhà như hai mảnh vá khác màu. Trưa hè bỏng rãy, mùi nhựa đường khét lẹt bốc lên. Và mưa thu, gõ, gõ, gõ, gõ trên mảnh tôn đã lốm đốm thủng. Quá vãng đã được chôn vùi trong tro trấu. Món cháo lú của tinh thần hào hiệp và đức hy sinh. Đầu óc những người đàn bà nói chung là ngắn ngủi. Họ chỉ sống với khoảng khắc đang sống...
Đột nhiên, cậu Chính cao giọng gọi tên tôi.
- Cháu Hằng,
- Dạ.
- Vào bưng cho cậu đĩa tiết canh.
Tôi chạy vào buồng, bưng đĩa tiết canh theo chỉ thị của cậu. Tới mâm, tôi đặt xuống, ngắm nghía. Tiết canh đông cứng như khối thạch, chân đĩa không có ngấn nước long. Bên trên, gan vịt thái mỏng, lạc rang vừa lửa vàng rươm rắc đều cộng với tỏi nhánh đập vụn. Cậu lại gọi:
- Còn đĩa rau thơm ăn kèm, bưng lên nốt.
Một đĩa rau húng chó, húng láng, răm, ngổ, hành sống, mùi ta, mùi tàu. Không thiếu thứ gì. Cậu giải thích.
- Gia vị mỗi người mỗi sở thích. Ai thích gì, lấy thứ nấy.
Rồi cậu xoa tay.
- Hồi trên chiến khu Việt Bắc, chỉ nhờ tài đánh tiết canh vịt mà đại đội trưởng yêu cậu đấy.
Mợ Thành hể hể, đế thêm.
- Bây giờ cũng thế. Thủ trưởng của cậu Chính, có giỗ có Tết có tiệc tùng đều gọi cậu tới làm món tủ: tiết canh với hầm ba ba.
Cậu Chính hỏi vợ.
- Chai rượu mùi đâu Thành nhỉ?
Mợ Thành đáp.
- Trong tủ, ở góc trái ấy nhé.
Cậu mở tủ, lấy chai rượu cam ra. Mâm cơm đã dọn trên giường, sau khi khép hai cánh cửa và kéo tấm màn che một cách kỹ lưỡng. Vịt luộc, vịt rang gừng, tiết canh, chả quế và giò mẹ tôi vừa đem tới. Cậu Chính rót rượu.
- Nào, cả nhà ta vui vẻ.
Mọi người nâng cốc. Tôi cũng nâng cốc, chạm cốc với họ.
- Nào, hãy vui vẻ.
@by txiuqw4