sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 2 - Chương 06

6

Vào khoảng giữa tháng tám, tôi nhận được lá thư của một anh bạn hỏi tôi liệu có muốn nhận một chân giáo sư trung học tỉnh lị hay không. Anh bạn này vì nhu cầu kinh tế, đã bỏ ra bao nhiêu thì giờ để tìm kiếm những chỗ làm như thế. Người ta đã dành cho anh ấy chỗ dậy này nhưng vì đã tìm được việc làm ở một mi tốt hơn nên anh ta đã tử tế viết thư báo cho tôi biết cơ hội này. Tôi tức khắc viết thư trả lời là tôi không ham chân đó và nhắc nhở anh ấy nên viết thư báo tin cho một người bạn khác quen biết cả hai đứa chúng tôi - theo chỗ tôi biết thì anh chàng này đang cuống quýt đi tìm một chân dạy học như thế.

Sau khi đã đi bỏ thư, tôi kể lại cho thầy mẹ tôi nghe cơ hội vừa qua thầy mẹ tôi không có vẻ gì là khó chịu khi thấy tôi từ chối không nhận việc làm ấy. Thầy tôi bảo:

"Cần gì mà con phải đi đến một nơi như vậy. Rồi ra còn có thiếu gì chỗ tốt hơn".

Lúc đó, tôi bắt đầu ngờ là thầy mẹ tôi đã có nhiều kỳ vọng quá cao cho tương lai tôi. Và trong chẳng bao lâu, tôi thấy rõ ràng là cả thầy lẫn mẹ tôi đều ôm ấp những mong ước viển vông trông chờ là thằng con vừa tốt nghiệp đại học của hai ông bà sẽ tìm được một địa vị thật tốt với số lương kếch sù chẳng tương xứng chút nào với thực tại. Tôi vội nói:

"Thầy mẹ phải biết cho là vào thời buổi này muốn kiếm một việc làm cho ra gì thực vô cùng khó khăn. Xin thầy mẹ nhớ cho là nghành chuyên môn của con khác hẳn với nghành của anh cả con. Vả lại thời thế đã đổi thay nhiều rồi, thầy mẹ đừng nên nghĩ là hoàn cảnh của hai anh em chúng con giống nhau nữa".

"Nhưng con cũng tốt nghiệp đại học kia mà." Thầy tôi nói với giọng ỉu xìu. Con chẳng nên trách móc nếu thấy thầy mẹ kỳ vọng là con có thể đứng vững một mình. Con biết đấy, nếu như có ai hỏi 'Bây giờ cậu thứ nhà ông đã tốt nghiệp đại học rồi, chẳng hay cậu ấy đã làm ăn gì chưa,' mà thầy lúng túng không biết trả lời ra sao thì kể cũng phiền lắm chứ".

Thầy tôi cứ thuỗn mặt ra, trông buồn thỉu buồn thiu. Những hiểu biết và ý nghĩ của ông chẳng bao giờ vượt ra khỏi cái xóm làng cổ xưa, nhỏ bé mà bao năm ông vẫn quen sống. Điều mà ông mong mỏi hơn hết ấy là thấy tôi tìm được một việc làm với số lương hàng tháng lớn lao, xứng đáng với một người tốt nghiệp đại học để cho thầy tôi khỏi bị mất mặt với bà con hàng xóm. Ông sợ nhất cái cảnh lúng túng không biết nói năng sao khi có người hỏi. 'Chắc cậu nhà bây giờ mỗi tháng ăn lương lớn lắm, dễ thường đến cả trăm Yen, có phải không cụ?' Thầy mẹ tôi hẳn phải nhìn tôi - cái thằng cứ muốn lấy nơi đô thị rộng lớn làm căn cứ địa cho mình như là một quái tượng đầu cắm xuống đất, chân chổng lên trời mà đi vậy. Quả thực ngay chính tôi, lắm lúc cũng thấy mình lạc lõng, xa lạ với người chung quanh y như mình cũng là một quái tượng như thế. Tôi thấy tốt hơn hết là nên yên lặng rồi tìm cách nói rõ cho cha mẹ tôi với tôi thực là quá sâu rộng.

"Đây là dịp để mình nhờ vả những chỗ quen biết, đi lại từ trước" mẹ tôi nói "À mà cái nhà ông Tiên Sinh mà con vẫn hằng nói đến, là người thế nào hả? Lúc này nên nhờ đến ông ấy là vừa."

Mẹ tôi không thể hiểu mối quen thuộc giữa Tiên Sinh với tôi theo cách nào khác. Mình chẳng nên trông đợi gì Tiên Sinh giúp đỡ việc ấy mặc dù trước khi tôi về nhà Tiên Sinh đã căn dặn đến điều là tôi phải làm sao sớm nắm cho chắc phần chia tài sản là người có thể lìa bỏ đường lối quen thuộc của riêng ông để giới thiệu giùm tôi một việc làm sau khi tôi thi đậu ra trường. Thầy tôi hỏi:

"Thế cái nhà ông Tiên Sinh ấy làm ăn gì vây?"

"Ông ta chẳng làm lụng gì hết" tôi đáp. Tôi có cảm tưởng là đã có lần nói cho thầy mẹ tôi hay là Tiên Sinh chẳng làm ăn gì cả và nếu tôi không lầm thì hẳn thầy mẹ tôi còn nhớ điều đó.

Thầy tôi nói với giọng pha chút mỉa mai giễu cợt chính tôi:

"Con thử nói thầy nghe tại sao lại có chuyện ông ấy chẳng làm ăn gì cả. Cứ nghe con nói, người ta phải nghĩ rằng một người mà con tôn kính đến mực ấy, hẳn phải có một chức vị gì ra vẻ lắm chứ"

Tôi thấy hình như thật ra thầy tôi có ý nói rằng bất kỳ con người nào muốn sống cho khỏi toi cớm tốn vải thì cũng phải có một việc làm xứng đáng và chỉ có những kẻ sống thừa mới rong chơi ngày tháng, chẳng chịu làm ăn gì. Thầy tôi nói tiếp:

"Quả thực là thầy chẳng làm gì có lương lậu hàng tháng song con phải nhìn nhận là ngay một kẻ tầm thường như thầy vẫn có việc để làm. Chẳng ai có thể bảo là thầy chỉ biết rong chơi không chịu làm lụng gì cả."

Tôi vẫn lẳng lặng nghe thầy tôi nói. Mẹ tôi góp lời:

"Nếu nhà ông ấy quả đúng như lời con kể lại thì mẹ chắc thế nào ông ta cũng tìm được một việc làm cho con. Thế con đã nhờ ông ấy chưa?"

"Dạ, chưa"

"Ừ, ừ, thế thì đâu được, phải vậy không nào? Tại sao con lại không nhờ vả ông ta một phen. Hãy viết thư cho ông ấy đi con!"

"Thưa vâng," tôi đáp lại một cách gượng gạo rồi đứng dậy đi ra khỏi phòng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx