sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 2 - Chương 10

10

Bệnh trạng thầy tôi không tăng không giảm trong hơn một tuần. Trong thời gian này, tôi viết cho anh tôi ở Kyushu một lá thư dài và bảo mẹ tôi viết thư cho cô em gái tôi. Trong bụng nghĩ thầm có lẽ mẹ con tôi viết thư cho hai người nói về tình trạng sức khỏe thầy tôi lần này là lần cuối. Vì lẽ đó, tôi thấy cần phải báo trước họ hay là khi nào nhận được tin nhà qua điện tín thì phải tìm cách về nhà ngay càng sớm càng tốt.

Anh tôi, công việc rất bận rộn. Em gái tôi thì đang có mang; do đó, tôi không hy vọng gì là hai người trở về nhà trừ phi thầy tôi lâm vào tình trạng nguy hiểm ngay trước mắt. Ngược lại, chúng tôi cũng không muốn họ khó nhọc cất công lặn lội về nhà chỉ để thấy rằng đã về quá muộn không kịp thấy mặt thầy tôi lần cuối. Không ai biết nổi là tôi đã nghĩ ngợi bù đầu ra làm sao về cái trách nhiệm của mình khi đánh điện tín gọi ông anh và cô em tôi về nhà. Ông bác sĩ mà chúng tôi lên tỉnh mời về vầ ra tận bến xe đón chỉ nói:

"Tôi không thể nói cho chắc là lúc nào ông nhà sẽ lâm nguy. Tôi chỉ có thể nói nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Sau khi nói lại điều này cho mẹ tôi hay, tôi quyết định xin bác sĩ phái một cô khán hộ đáng tin cậy từ bệnh viện thành phố về nhà chúng tôi. Khi cô khán hộ trong bộ đồng phục trắng toát tới nhà và ra mắt, thầy tôi nhìn nàng với con mắt lạ lùng bỡ ngỡ.

Trước đó thầy tôi cũng đã biết là mình mắc chứng bệnh chết người. Nhưng cuối cùng, khi mà cái chết đã đến trước mắt hình như thầy tôi không còn đủ khả năng nhận biết bệnh mình nữa. Có lần ông nói:

"Khi nào khá hơn, ta phải lên kinh đô một lần nữa để hưởng thụ cho sướng cái thân mới được. Ai mà biết được khi nào mình sẽ nhắm mắt? Trong lúc mình còn có sức, mình phải làm tất cả những việc muốn làm kẻo sau này lại hối không kịp"

Mẹ tôi chẳng thể nói gì hơn ngoại trừ đun đẩy phụ họa.

"Khi nào ông đi, nhớ cho tôi đi theo với nhé."

Nhưng đôi khi, thầy tôi lại có vẻ buồn bã phi thường, dặn dò tôi mãi:

"Khi thầy nhắm mắt đi rồi, con hãy hết lòng trông nom săn sóc mẹ con nhé."

Nghe nói câu "Khi thầy nhắm mắt đi rồi" tôi lại nhớ đến những lời nói này trong buổi tối ăn mừng tôi thi đậu tại nhà Tiên Sinh, lúc Tiên Sinh cứ nhắc đi nhắc lại câu nói "Khi nào anh nhắm mắt" trước mặt bà vợ. Và tôi nhớ lại nụ cười trên khuôn mặt Tiên Sinh khi ông nói đi nói lại mãi câu này đến nỗi bà vợ ông phải bịt tai lại, không chịu nghe thêm và còn năn nỉ "Em van anh đừng nói như vậy nữa xúi quẩy lắm đấy". Vào lúc ấy, cái chết chỉ là một sự giả định mà thôi chứ không như bây giờ nó là một điều có thể trở thành sự thực vào bất cứ lúc nào. Tôi không thể nào bắt chước thái độ bà vợ Tiên Sinh song vẫn thấy nhất định là mình phải nói một cái gì để cho thầy tôi khỏi băn khoăn, vơ vẩn nghĩ mãi đến cái chết.

"Con xin thầy đừng nói như thế. Xin thầy nhớ cho là thầy còn phải cố gắng chữa bệnh sao cho chóng khỏi để còn lên Tokyo rong chơi hưởng thụ lần nữa cho sướng tấm thân kia mà. Và thầy còn phải lo cho mẹ con lên theo nữa chứ. Chắc rồi thầy sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy Tokyo đã thay đổi đến thế nào, kể từ khi thầy lên kinh đô lần trước đến giờ. Chẳng hạn như đường xe điện chạy dọc chạy ngang, đã làm bộ mặt phố thay đổi đến mức nào, con đố thầy biết được đấy. Ngay cả các thị khu cũng đã được sắp xếp lại rồi, thầy ạ. Mình có thể nói là Tokyo ngày nay, ban đêm cũng như ban ngày, chẳng bao giờ có được một giây phút yên tĩnh."

Có lẽ vì mải lo làm sao cho thầy tôi khuây khỏa, vui lòng nên tôi đã nói nhiều hơn thường lệ và thầy tôi thì có vẻ bằng lòng.

Nhà người bệnh, tự nhiên có nhiều khách khứa đến thăm. Bà con họ hàng sống gần đó, tới thăm thầy tôi đều đều, có lẽ cứ hai ngày lại có một người tìm tới. Ngay cả những người bà con sống ở xa và những người họ hàng thường ngày vẫn lạnh nhạt, xa cách với gia đình tôi, đến lúc này cũng đến thăm thầy tôi nữa.

Một người trong bọn họ, sau khi gặp thầy tôi đã nói:

"Tôi nghĩ là ông ấy chẳng có làm sao hết đâu. Trông ông ấy khỏe khoắn tỉnh táo hơn là tôi tưởng rất nhiều. Chắc là rồi ra ông ấy sẽ qua khỏi ngay đấy mà. Ông ấy chuyện trò đâu ra đó, nét mặt có sa sút tiều tụy gì mấy đâu."

Ngoài người này ra còn nhiều người khác cũng nghĩ như thế về bệnh trạng thầy tôi. Căn nhà hôm tôi mới trở về, im lìm lặng lẽ đến nỗi làm cho tôi sửng sốt, bây giờ trở nên rộn rịp không ngừng. Và thầy tôi, cái bóng hình bất động duy nhất giữa cảnh nhộn nhịp mỗi ngày một sa sút trông thấy. Sau khi bàn tán với mẹ và bác tôi, tôi quyết định là đã đến lúc phải đánh điện tín cho anh và em tôi về nhà. Anh tôi trả lời là sẽ trở về nhà ngay tức khắc. Em rể tôi cũng gửi về một bức điện tín nói là sẽ thu xếp về ngay. Vợ nó - em gái tôi - đã đẻ non trong lần có mang trước đây nên nó đã thề rằng sẽ làm đủ mọi cách để việc đó không xảy ra lần nữa, vì vậy chúng tôi nghĩ là có lẽ em rể tôi sẽ trở về một mình không cho vợ nó về cùng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx