sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 2 - Chương 17

17

Hôm ấy, bệnh trạng thầy tôi có vẻ nguy ngập. Tôi vừa rời khỏi bên giường người bệnh để đi xuống nhà xí thì gặp anh tôi ở dưới hàng hiên, anh tôi hỏi với một giọng nghe chẳng khác gì giọng một lính canh:

- Đi đâu vậy. Trông thầy yếu quá, chú nhỉ. Chú phải cố gắng mà ở bên cạnh thầy càng lâu càng tốt

Tôi cũng nghĩ như vậy nên bẫn để nguyên lá thư nằm yên trong túi áo, tôi trở lại phòng người bệnh ngay sau đó. Thầy tôi mở mắt ra nhìn và hỏi mẹ tôi tên những người đang đứng chung quanh. Cứ mỗi lần nghe kể tên một người là thầy tôi lại gật gật cái đầu "Ông có nghe rõ không?"

Thầy tôi trả lời: "Bà tử tế với tôi quá. Cám ơn bà nhiều lắm". Thế rồi, thầy tôi lại rơi vào tình trạng hôn mê. Những người ngồi quanh lặng lẽ ngắm nhìn con bệnh đang thập tử nhất sinh trong giây lát rồi một người trong bọn họ đứng dậy đi sang phòng bên cạnh. Một lát sau, một người khác đứng dậy theo chân. Người thứ ba đi ra chính là tôi. Tôi trở lại phòng mình với ý định mở lá thư nhét trong túi ra đọc ở đó. Hiển nhiên là tôi vẫn có thể đọc thật dễ dàng trong lúc ngồi ngay bên thầy tôi, nhưng lá thư cứ xét theo sức nặng của nó, rõ ràng là quá dài khiến tôi không sao đọc thẳng một hơi trong phòng người bệnh mà không bị ngắt quãng nửa chừng. Tôi đã chờ thời gian đặc biệt như thế này để đọc lá thư liền một mạch trong chính phòng mình.

Tôi xé phăng tờ giấy cứng bọc bên ngoài lá thư. Lá thư viết trên giấy viết tay, nét chữ nắn nót gọn gàng giữa các dòng kẻ thẳng tắp. Tôi lấy tay vuốt cho thẳng tờ giấy trước đây đã bị gấp đôi để nhét vào phong bì cho dễ. Tôi cứ thắc mắc mãi không hiểu sao mà Tiên Sinh lại viết một lá thư tràng giang đại hải đến như thế. Tuy nhiên tôi vẫn quá nóng nảy bồn chồn để có thể đọc được lá thư cho rõ ràng. Vừa đọc thư vội vàng, vừa để cho tâm trí mình vơ vẩn quanh phòng người bệnh. Ngay khi vừa đọc đến lá thư, tôi đã cảm tưởng là trước khi mình đọc hết lá thư thì đã có chuyện gì không hay xảy đến cho thầy tôi mất rồi. Ít nhất tôi cũng biết chắc là thế nào mẹ tôi, anh tôi hoặc bác sĩ sẽ gọi réo tôi ra ngoài ngay, vì vậy trong tình trạng thấp tha thấp thỏm tôi ghé mắt nhìn vội trang đầu lá thư.

"Có lần chú bảo tôi kể lại quá khứ của mình cho chú nghe. Lúc ấy, tôi không có can đảm làm theo ý chú, nhưng bây giờ tôi tin là mình đã được tự do kể lại minh bạch tất cả sự thực về chính tôi. Tuy nhiên tôi chỉ có được cái tự do đó trong khi chờ chú lên kinh đô mà thôi vì chẳng qua đó chỉ là một cái tự do thế tục không thể kéo dài mãi mãi. Nếu không lợi dụng ngay lúc này thì mãi mãi về sau, e rằng chẳng bao giờ tôi còn có cơ hội truyền lại những gì mình đã học hỏi được qua những kinh nghiệm bản thân và cũng không sao giữ được lời hứa hẹn chắc chắn đối với chú trước đây nữa. Bây giờ, thấy là mình chẳng còn mong gì được mặt đối mặt kể lại cho chú nghe câu chuyện của tôi nên hôm nay tôi đành quyết mượn bút thay lời mà viết cho chú lá thư này"

Đọc đến đây, tôi mới hiểu vì sao mà lá thư lại dài ghê dài gớm đến thế. Tôi đã mang máng thấy ngay từ đầu lá thư là Tiên Sinh chẳng có bận tâm viết về chuyện tìm công ăn việc làm cho mình đâu nhưng vẫn không sao tránh khỏi thắc mắc là một người vốn rất lười và rất ghét cầm cây bút không hiểu vì sao lại chịu khó tốn công viết cho tôi một lá thư dài đến thế. Tôi tự hỏi chẳng biết tại sao Tiên Sinh lại không chịu khó chờ cho đến khi tôi trở về kinh đô nhỉ?

Tôi nhắc đi nhắc lại với mình cái câu: "Bây giờ thì tôi đã được tự do rồi nhưng đã mãi mãi để mất cái cơ hội kể thẳng chuyện mình cho chú nghe" và tôi cố gắng một cách tuyệt vọng để tìm hiểu ý nghĩa câu này. Thế rồi bất chợt tôi cảm thấy khó chịu. Tôi cố gắng đọc tiếp nhưng chưa kịp bắt đầu đọc lại đã nghe tiếng anh tôi từ phòng người bệnh kêu réo tên tôi ầm ĩ cả lên. Hoảng hồn, tôi vội vã đứng phắt dậy chạy theo hàng hiên về chỗ những người khác trong nhà đang tụ tập xúm xít. Tôi đã sẵn sàng chờ đợi nghe nói là đã đến giây phút cuối cùng của thầy tôi rồi.

18

Trong lúc tôi không có mặt trong phòng thì ông bác sĩ đến thăm bệnh cho thầy tôi. Ông có ý định thử rửa ruột cho thầy tôi được dễ chịu hơn. Cô khán hộ đã mệt lử vì thức đêm canh người bệnh, lúc ấy đã sang phòng bên để ngủ một giấc. Anh tôi vốn không quen đỡ đần trong những công việc trông nom người ốm, cứ cuống quý chẳng biết xoay xở ra sao. Khi thấy tôi bước vào, anh nói: "Đây rồi lại giúp một tay đi nào!". Nói rồi anh ngồi phịch ngay xuống. Tôi lấy tờ giấy dầu lót xuống dưới mông thầy tôi đỡ tay ông bác sĩ.

Thầy tôi có vẻ dễ chịu trông thấy. Ông bác sĩ nấn ná lại chừng ba mươi phút nữa, có vẻ bằng lòng ra mặt về kết quả việc rửa ruột. Trước khi đứng lên ra về, ông còn cẩn thận dặn dò chúng tôi là nếu xảy ra điều gì thì cứ việc gọi ông đến ngay đừng có ngại ngùng gì hết.

Một lần nữa, tôi rời phòng bệnh ngột ngạt không khí bệnh hoạn chết chóc, để trở về phòng riêng của mình. Tôi lại mở lá thư của Tiên Sinh cố gắng đọc cho xong nhưng cứ nóng nảy bồn chồn không sao đọc nổi. Vừa ngồi xuống bàn viết tôi đã hoảng hốt nghe như có tiếng anh tôi giật giọng kêu réo tôi trở lại phòng thầy tôi - có lẽ lần này là lần cuối cùng. Tôi lật vội các trang thư đọc lướt qua như máy, chẳng thèm để ý gì đến ý nghĩa những hàng chữ gọn gàng, thẳng tắp dọc theo các hàng kẻ. Đọc thì đọc vậy chứ tôi chẳng hiểu được ngay đến ý chính của lá thư nữa. Thế rồi khi đưa mắt liếc nhìn đến trang cuối cùng và sắp sửa gấp lá thư lại để trên mặt bàn thì tôi bất chợt để ý đến một câu ở mãi gần cuối thư: "Khi mà lá thư này tới tay chú thì có lẽ tôi tôi không còn sống trên cõi đời này nữa - lúc đó có lẽ là tôi đã nhắm mắt được một thời gian rồi".

Tôi choáng người, hoảng hốt. Tim tôi, trước đó vận đập rộn rã, bất chợt dường như ngưng hết lại trong lồng ngực. Tôi vội vàng lật ngược những trang thư, đọc vội đọc vàng chỗ này một câu, chỗ kia một câu. Tôi cố gắng một cách tuyệt vọng nhưng chỉ thấy những nét chữ nhảy múa quay cuồng trước mắt mình. Tôi chỉ muốn biết là vào lúc này đây, Tiên Sinh có còn sống trên đời hay không, tôi chỉ muốn biết đọc một điều đó mà thôi, còn cái quá khứ của Tiên Sinh - cái quá khứ mịt mờ mà ông đã hứa là sẽ kể lại cho tôi nghe - trong giây phút này chẳng còn có nghĩa lý gì nữa. Tuy nhiên tôi vẫn không sao tìm đọc dễ dàng để có thể biết được điều mình đang nóng lòng muốn biết, bực mình, tôi gấp lá thư lại mà nhét vào túi.

Tôi trở lại lối đi vào phòng thầy tôi xem tình trạng thầy tôi ra sao. Căn phòng lặng lẽ một cách lạ lùng. Chỉ có mẹ tôi ngồi bên cạnh giường vẻ mặt mệt mỏi chán chường. Tôi vẫy tay gọi bà mà hỏi: "Thầy ra sao hả mẹ?". Bà đáp: "Hình như thầy con đang nghỉ yên". Tôi đi đến bên thầy tôi, ghé sát mặt thầy tôi mà hỏi: "Thầy thấy trong người ra sao? Rửa ruột rồi, có dễ chịu không thầy?". Thầy tôi gật đầu, đáp thật rõ ràng: "Cám ơn con". Tinh thần thầy tôi không hề có vẻ gì là mịt mờ rối loạn - thật là điều không ai có thể tưởng được.

Một lần nữa tôi trở lại phòng mình. Nhìn đồng hồ đeo tay và xem kĩ tấm bảng chỉ giờ tàu hỏa chạy rồi tôi đột nhiên đứng bật dậy, thu xếp tấm áo khoác ngoài, nhét lá thư của Tiên Sinh vào tùi áo rồi luồn theo cổng hậu chuồn thẳng ra ngoài. Như thể đang đắm mình trong một cơn ác mộng, tôi lao đầu chạy xổ tới nhà ông bác sĩ. Tôi muốn hỏi ông xem liệu thầy tôi có còn sống thêm được hai ba ngày nữa hay không. Tôi muốn năn nỉ ông tìm đủ cách kéo dài mạng sống thầy tôi thêm một vài hôm nữa, dù bằng thuốc tiêm hay bất kỳ một phương tiện nào khác mà ông thấy có thể làm được. Chẳng may cho tôi, ông bác sĩ lại không có ở nhà. Tôi không có thì giờ chờ đợi ông về. Dù sao đi nữa tôi cũng quá nóng lòng sốt ruột không sao có thể ngồi yên được. Tôi nhảy lên một chiếc xe kéo, thúc người phu xe cắm đầu cắm cổ chạy thật nhanh về nhà ga.

Tới nhà ga, tôi lấy bút chì viết vội viết vàng nghệch ngoạc mấy chữ cho mẹ và anh tôi rồi nhờ người phu xe mang hộ về nhà. Tôi nghĩ bụng thà viết vội mấy chữ như vậy còn hơn là cứ lẳng lặng ra đi chẳng có lấy một lời. Sau đó tôi vội vã nhảy lên chuyến xe lửa đi Tokyo, Tiếng máy xe ầm ầm vang dội vào tai trong lúc tôi gieo mình ngồi phịch xuống hàng ghế trong toa tầu hạng ba. Đến lúc bấy giờ tôi mới có thể đem lá thư của Tiên sinh ra mà đọc một mạch từ đầu đến cuối.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx